Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 1 tháng 7, 2018

Giới thiệu sách “Hãy ngồi xuống đây” của Hạ Đình Nguyên

clip_image002HẠ ĐÌNH NGUYÊN

Một tay bút yêu nước, hoạt dộng trong phong trào các tổ chức xã hội dân sự

HỌC HÀNH, LÀM VIỆC VÀ HÀNH TRÌNH ĐI TỚI...

● Sinh năm 1943 tại Quảng Nam

● Học trung học tại trường Trần Quý Cáp - Hội An

● 1964-1972: Học Đại học Văn Khoa Sài Gòn

● Chủ tịch Ban Đại diện Sinh viện Đại học Văn Khoa Sài Gòn 1969-1970, 1970-1971, 1971-1972

● Tham gia phong trào đấu tranh sinh viên Sài Gòn 1967-1972,

Phó Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Sài Gòn 1970-1971, Chủ tịch Ủy ban hành động đấu tranh sinh viên Sài Gòn 1970-1971

● 1972-1974: Bị bắt và ở tù Côn Đảo

● 1974-1975: Trao trả và về căn cứ Khu Đoàn Sài Gòn – Gia Định

● 1975-1992: Làm việc tại Thành Đoàn TP. HCM, Văn phòng Quận Ủy Q1, Công ty Savimex tại Lào

● 1998-2017: Giám đốc Làng Bình Minh, trung tâm tư nhân cai nghiện ma túy tại Thanh Đa Sài Gòn.

● 2009-2018: Tham gia phong trào đấu tranh xã hội dân sự, tay bút chính luận trên các diễn đàn, các mạng xã hội.

● Thành viên sáng lập Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng.

Một tấm lòng yêu nước nồng nàn

TỐNG VĂN CÔNG

(Nguyên Tổng Biên tập báo Lao Động)

Tôi quen anh Hạ Đình Nguyên trong một lần biểu tình chống Trung Quốc xâm lược. Hôm đó có người kêu lên: “Đừng giẫm lên cỏ các anh chị ơi!”. Câu đó thành tựa bài viết của anh ngày 12 tháng 6 năm 2011 với kết luận: “Bãi cỏ mà anh chị còn trân quý huống gì những cù lao, hải đảo”. Từ đó tôi chú ý đọc bài viết của anh và nhận ra một cây bút trung thực, tài hoa và quý nhất là một tấm lòng yêu nước nồng nàn. Anh tâm sự: “Tôi thường cho phép mình nương náu vào một góc nào đó để suy nghĩ như một lối thoát tạm thời khỏi bối cảnh mà tự do dường như bị tước đoạt trong mọi ngõ ngách của đời sống”. Và từ ngõ ngách ấy, anh nhìn rộng ra: “Trong nước thì tham nhũng đều khắp có hệ thống, các giá trị đều bị phá vỡ. Nói dối và cách sống hai mặt. Chủ nghĩa xã hội quá phức tạp. Tại sao nó lần lượt đổ đốn ra như thế? Nó sai từ đâu? Từ gốc hay do người thực hiện? Tại sao nó vẫn được nhân danh như một quy hoạch treo, bao trùm đời sống tinh thần và vật chất cả nước mà không hy vọng có ngày “khởi công”? Truớc đây Đảng khẳng định: “Tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên CNXH!” sao nay lại phất phơ đến thế: “Đến cuối thế kỷ này không biết CNXH có hoàn thiện hay chưa!”(lời của TBT Nguyễn Phú Trọng). Anh lần tìm: “Sự ô nhiễm bắt đầu từ khi đứa bé mới sinh ra, khi nó được mang tới trường mẫu giáo gọi tên là trường Bé Ngoan. Tên gọi này là một áp đặt khủng khiếp của chữ “ngoan”, kế tiếp là bập bẹ những câu hát mang tính tín đồ của một thứ tôn giáo không chính danh. Một thực trạng xã hội: Người dân nói dối để sống sót, cán bộ nói dối để không bị loại trừ, lãnh đạo nói dối vì âm mưu, để có thăng tiến, để có lợi quyền. Hồ Chí Minh, trong Tuyên Ngôn Độc Lập đã nói về nhân quyền, độc lập và dân chủ, nay nhân quyền mọc thêm cái đuôi “phải đảm bảo ổn định chính trị, trật tự xã hội”, độc lập chưa rõ ràng còn dân chủ thì đã trắng tay. Phải hỏi Đảng Cộng Sản, cái nợ này bao giờ mới trả cho nhân dân, cho lớp lớp thế hệ đã nằm xuống”. Anh cho rằng: “Không thể đòi thực hiện nhân quyền phải đảm bảo ổn định chính trị mà ngược lại phải thay đổi thể chế chính trị cho phù hợp với nhân quyền. Mô hình thể chế hiện nay, Đảng có ở khắp mọi nơi, người dân đều nhìn thấy, nhưng không có trong lòng họ”. Anh nhắc lại chuyện Trọng Thuỷ - Mỵ Châu, khuyên Đảng Cộng Sản chớ có “Trái tim nhầm lẫn để trên đầu”, nhìn kẻ thù truyền kiếp ra anh bạn “4 tốt” có “16 chữ vàng”. Anh kêu gọi “Thanh niên công khai yêu nước, không núp bóng kẻ khác, xây dựng một chủ nghĩa dân tộc Việt Nam trong cộng đồng nhân loại, không cần thêm một tính từ nào nữa!”.

Trước tình hình đất nước đầy khó khăn, rối rắm, Hạ Đình Nguyên vẫn tin tưởng, đặt hy vọng: “Tôi mong một ngày, các tượng Các Mác, Lê Nin, Mao, Hồ... và nhiều nhân vật khác được trân trọng đưa vào Viện Bảo tàng lịch sử, nhìn nhận nó là lịch sử với cái nhìn nhân văn của dân tộc. Gác hận thù, xoá bỏ mặc cảm, tất cả đồng lòng thắp hương cho quá khứ. Thay vào ở các công viên là các nữ thần Tự do, hay nữ thần Tình yêu, để không còn dối trá, biết xây dựng và bảo vệ cuộc sống một cách chân chính”.

Đến lúc phải ngồi xuống đây

LÊ THÂN

(Chủ nhiệm CLB Lê Hiếu Đằng)

Tôi và anh Hạ Đình Nguyên biết nhau từ những năm 67, 69. Nói đúng hơn là chạm mặt, mỗi người mỗi việc theo nguyên tắc hoạt động bí mật. Sau 30/4/1975 cùng làm việc ở Thành đoàn TP.HCM. Có lúc hai người công tác chung ở một đơn vị kinh tế, anh Nguyên ở thành phố, tôi ở Lào, thỉnh thoảng gặp nhau. Trong giai đoạn 5 năm gần đây thì gặp thường xuyên hơn, ít nhất mỗi tháng một lần, hàn huyên tâm sự cả ngày. Đây là thời gian mà chúng tôi thường trao đổi những vấn đề liên quan cuộc chiến tranh đã qua, về tình hình đất nước, và nhất là trong bối cảnh lịch sử cụ thể hiện nay, với đầy những thứ đáng phải trăn trở lo âu về tiền đồ dân tộc thì bọn mình phải làm gì...

Đau đớn nhất là qua bao năm chiến tranh đất nước tổn thất quá nhiều, dân tộc bị chia rẽ nhưng các nhà lãnh đạo không đưa được đất nước phát triển mà ngày càng tụt hậu so với láng giềng. Suy cho cùng, lãnh đạo vì ôm mãi một lý thuyết đã quá lỗi thời và đặt quyền lợi phe nhóm đảng phái lên trên quyền lợi dân tộc, nên từ đó họ đã thiết lập một tình trạng đàn áp khủng bố ngày càng khủng khiếp và không có điểm dừng, bằng cách trấn áp dân chủ, chà đạp Hiến pháp, bác bỏ mọi ý kiến đóng góp cho dù thiện chí nhất của mọi tầng lớp công dân và giới nhân sĩ trí thức cả trong lẫn ngoài nước.

Là những người có tham dự vào cuộc chiến, chúng tôi tự đặt câu hỏi có ân hận gì không về những việc mình làm? Tôi và anh Nguyên thống nhất rằng, mỗi người đều theo đuổi lý tưởng của mình, thì trước sau vẫn phải chiến đấu tới cùng dưới mọi hình thức cho lý tưởng đó, để đạt tới mục tiêu độc lập, tự do, hạnh phúc cho toàn dân tộc. Lý tưởng bắt nguồn từ thông tin, từ nhận thức bị hạn chế trong bối cảnh lịch sử cụ thể, giống như người đứng trước dòng sông, chỉ hiểu dòng sông trước mắt, không hiểu hết đoạn đầu và đoạn cuối sẽ đi về đâu. Giờ thì hầu như đã rõ: thực tế tình hình đất nước diễn biến trên 40 năm nay, cho thấy cái lý tưởng mà anh em chúng tôi theo đuổi với một lương tâm trong sáng và tấm lòng thiết tha vô vụ lợi, đã bị các nhà đương cuộc phản bội, dẫn đến hiện tình đất nước khó khăn chưa từng thấy, với bên trong thì quốc nạn tham nhũng và tình trạng phân hóa giàu nghèo, văn hóa - đạo đức lâm nguy, vô phương cứu chữa; bên ngoài thì bị nước láng giềng đe dọa. Đó cũng là tình trạng hụt hẫng thực tế của đại đa số trí thức miền Nam trước đây vì chỉ hiểu “dòng sông trước mắt” đã hăng hái tham gia Mặt trận giải phóng.

Ước mơ lớn nhất của anh Nguyên là viết lại cuộc chiến tranh vừa qua, để qua đó giúp những người trẻ hiện nay hiểu chính xác và từ đó sẽ biết cần phải làm gì trong tương lai. Có người nói đây là cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, cuộc chiến tranh ủy nhiệm, cuộc chiến tranh ý thức hệ... Anh đã bỏ rất nhiều công sức, đọc nhiều tài liệu trong ngoài nước. Chúng tôi lục lại trí nhớ và ghi nhận những gì được biết trong thời kỳ nằm ở Chuồng Cọp trong những phòng cấm cố ngoài Côn Đảo, những câu chuyện và việc làm, những nhận thức của các nhân chứng sống, từ một anh du kích đến cán bộ các cấp cỡ bí thư tỉnh ủy hoặc cao hơn, bị bắt thời kỳ cuối những năm 50 thế kỷ trước. Sau thời gian lâu dài, tôi và anh Nguyên thống nhất rằng: cuộc chiến tranh vừa qua từ 1955 đến 1975 là một cuộc nội chiến của hai miền Nam Bắc, cuộc chiến này có sự tham gia chi phối lũng đoạn của ngoại bang đối với cả hai miền Nam, Bắc. Và người Việt Nam phải chịu trách nhiệm về cuộc chiến này. Cuốn sách dự kiến về cuộc chiến tranh Việt Nam theo mong ước của anh Nguyên sẽ không ra đời được vì sức khỏe lúc này của anh đang rất nguy kịch. Hôm nay tôi viết vắn tắt mấy lời cho cuốn sách này của anh trong lúc vội vàng và với lòng cảm khái vô hạn, không chỉ riêng về tình bạn mà còn là sự chia sẻ tận trong thâm tâm lý tưởng của một con người trung thực đầy nhiệt huyết, dám sống tới cùng, với hi vọng rằng hoài bão thiết tha của anh về cuốn sách rồi cũng sẽ có người tiếp nối ý chí để thực hiện được trong tương lai không xa.

Chỉ có người Việt Nam mới giải quyết được sự tồn vong của dân tộc. Đến lúc PHẢI NGỒI XUỐNG ĐÂY.

Trong mê lộ của lịch sử

NGUYỄN VIỆN

(Nhà văn, nhà thơ)

Tôi biết anh Hạ Đình Nguyên từ 1970 khi vào học Văn khoa Sài Gòn, nhưng chỉ thật sự quen anh từ sau những cuộc biểu tình chống Trung quốc năm 2011.

Có lẽ Hạ Đình Nguyên là một trong những nhân vật tiêu biểu nhất cho phong trào sinh viên tranh đấu trước 1975. Và bây giờ, có lẽ Hạ Đình Nguyên cũng là một trong những người phản tỉnh tiêu biểu nhất, sau những thất vọng về một thể chế mà chính anh là người đã góp phần tạo dựng.

Trước hiện tình một xã hội đi ngược với văn minh nhân loại, một thời gian dài kể từ sau 30.4.1975, tôi không hiểu nổi tại sao dòng máu nóng của những người từng xả thân vì lý tưởng cứu nước như quý vị trong phong trào sinh viên tranh đấu lại nguội lạnh đến thế? Tôi đem câu hỏi này đến với những người cựu trào tôi gặp. Và tôi nhận ra một điều, họ già rồi. Để biện minh.

Nhưng yêu nước thì kể gì già hay trẻ, nam hay nữ. Và tôi tìm được câu trả lời, khi đất nước bị thương tổn bởi những tham vọng bất chính của Trung Quốc.

Trong một thể chế mà bất đồng chính kiến bị coi là tội phạm, thì nguy cơ mất nước là điều có thể khiến con người vượt qua sợ hãi, đứng dậy làm người. Vâng, từ 2007 khi Trung Quốc tuyên bố thành lập huyện đảo Tam Sa (bao gồm Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam) người dân Việt Nam, trong đó có không ít trí thức đã nhận thức được số phận dân tộc này không thể giao phó cho bất cứ ai, đảng nhóm nào, mà đó là trách nhiệm của tất cả mọi công dân. Từ đó, ý thức chính trị trong xã hội cũng được phục hồi sau rất nhiều năm yên nghỉ, buông xuôi.

Không ít lần, anh Nguyên đã đặt câu hỏi với tôi: “Phải làm gì bây giờ?”. Đó là một câu hỏi khó. Cũng không ít lần, anh Nguyên hỏi: “Tại sao người Việt không có tư duy độc lập?”. Tôi biết có nhiều tầng lớp suy nghĩ trong câu hỏi tưởng chừng như dễ hiểu này.

Có lẽ, để tự giải quyết cho những vấn đề của mình cũng như của xã hội, anh Nguyên đã viết. Và anh viết khá nhiều. Mặc dù là những bài chính luận, nhưng văn của anh tài hoa, bay bướm. Cũng không ngạc nhiên, Hạ Đình Nguyên vốn là dân cao học Triết của Văn khoa Sài Gòn, bài viết của anh đủ độ thâm sâu nhưng hoàn toàn dễ đọc.

Khi còn khỏe, anh Nguyên vẫn lý giải về trường hợp của mình: “Không ai thấy trọn một dòng sông”. Ở mỗi vị trí, thời điểm của từng cá nhân trong dòng chảy lịch sử, tôi cũng như anh, không nghĩ về đúng sai, nhưng nhất thiết phải hành động như không thể khác. Và điều đó làm nên giá trị mỗi con người.

PHAN ĐẮC LỮ

(Nhà thơ)

Tôi với anh Hạ Đình Nguyên đồng hương Quảng Nam. Hai làng cách nhau con sông Thu Bồn. Tôi và anh thân nhau trong phong trào đấu tranh ôn hoà đòi tự do, dân chủ và nhân quyền cho đất nước, ở Sài Gòn tôi với anh là hàng xóm nên hay qua lại chuyện trò. Anh sống chân thực, hiền lành. Anh Hạ Đình Nguyên có một vốn kiến thức khá sâu rộng về chính trị, văn học và Phật giáo. Những năm qua anh viết nhiều bài báo phản biện rất sâu sắc đầy tinh thần trách nhiệm của một trí thức yêu nước. Bạn hữu rất quý trọng anh!

HUỲNH NGỌC CHÊNH

(Nhà báo)

Tôi biết Hạ Đình Nguyên từ trước 75, nhưng bắt đầu kính nể và thân quen anh từ năm 2010, khi những bài viết tâm huyết của anh xuất hiện trên trang Ba sàm và các trang blog lề dân.

Những bài viết của anh mang hàm lượng tư duy cao và sâu lắng. Đó là những bài viết gây tiếng vang về âm mưu bành trướng nham hiểm của Tàu cộng, về xây dựng nhà nước pháp quyền, về tiến trình dân chủ hóa đất nước... với một giọng văn mượt mà của người đã qua đại học Văn Khoa trước 75 nên dễ đi vào lòng người, dễ cuốn hút người đọc.

Về sau nầy tôi càng thân thiết với anh hơn khi dọn nhà về Thủ Đức gần nhà anh. Anh, nhà thơ Phan Đắc Lữ, nhà văn Nguyễn Viện và tôi lập ra “chi bộ Thủ Đức”, hàng tuần tập hợp cùng nhiều bạn bè khác tại vườn anh uống trà, đàm đạo chuyện thế sự, chuyện triết học, chuyện đời, chuyện đạo. Anh là người am hiểu về Phật giáo khá sâu sắc. Anh không những đọc Thiền mà còn hành Thiền qua công việc, qua sinh hoạt bình thường hằng ngày, và qua cả những bài viết xã luận của anh về vấn đề thời sự.

Anh phản biện lại các quan điểm kiên định Mác Lê xơ cứng của đám chóp bu cộng sản bằng lập luận vững vàng, khúc chiết nhưng lại nhẹ nhàng như gió thoảng mây bay theo phong thái của một người tu hành thoát tục.

Ngay cả việc phản ứng lại đám an ninh canh cửa nhà anh mỗi khi có sự kiện, cũng bằng một thái độ rất thiền, rất an nhiên tự tại làm cho đám sai nha thấp kém không hiểu tới nên không khỏi không ngạc nhiên.

Đọc Hạ Đình Nguyên thì đọc một cách chậm rãi, để từng câu từng ý của anh thấm dần vào...

Mời các bạn.