Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 28 tháng 6, 2018

Văn học miền Nam 54-75 (481): Lệ Hằng (kỳ 3)

Bản tango cuối cùng (truyện dài)

một

Tôi không bừng bừng như họ, lòng tôi chùng xuống như nốt trầm của một sầu khúc tương tư, tôi không mê say chính trị. Tôi đến đây vì tôi yêu chàng, giản dị có thế thôi.
Chàng mặc áo trắng, nắng buổi sáng chạy từng sóng vàng trên vai áo chàng, tôi đứng trong đám đông nhưng ngoài đám đông, để đăm đăm nhìn chàng, nhìn say mê và nghe thiết tha, giọng nói nửa trầm ấm nửa đanh thép của chàng. Mùa hè nhiệt đới chói chang, từng giòng mồ hôi chàng tuôn xuống, những giọt mồ hôi nặng và rõ ràng trên màu da ngăm ngăm đen của chàng.
Tôi dựa lưng vào gốc phượng già, những cánh hoa đỏ như máu tươi lên trong nắng, tôi nghiêng nón bài thơ và rũ tóc ra sau cho bớt nóng, rồi nghển cổ nhìn chàng.
Tà áo dài trắng đong đầy gió, tôi mỉm cười với mắt chàng thoáng đưa về riêng tôi. “Hoàn cảnh' và 'ý hướng' tôi không nghe đâu, tôi yêu chàng, tôi chỉ biết duy nhất điều đó thôi. Với tôi tình yêu là tất cả. Và tôi đứng đây cũng vì trót yêu chàng, thần tượng của giới trẻ đấu tranh.
Giọng nói chàng khi vang cao như chiêng đồng khi ngân vang như tiếng chuông, khi gầm gừ như sóng vỗ và khi thiết tha như lúa reo ngoài đồng. Tôi đặt tay trên trái tim, cặp sách ôm sát vào ngực, những bài học dài những suy niệm cao siêu, những lý luận khô khan. Không, tôi nhốt tình yêu mãi hoài trong tim tôi, tôi cất dấu lời chàng mãi mãi trong lòng. Vượt ra ngoài mọi quyền uy, mọi khuynh hướng, tôi yêu chàng và tôi chỉ biết có điều đó. Chàng vẫn say sưa với lý tưởng của chàng, tôi vẫn chiêm ngưỡng chàng như một người yêu nhìn ngắm một người yêu:
- Đừng bao giờ quên chúng ta có một lịch sử dài dằng dặc, chúng ta có một dĩ vãng điêu linh nhưng oai hùng, xót xa nhưng vinh quang. Chúng ta phải được sống, phải được thở và phải được yêu thương như mọi người. Chúng ta đã hy sinh, cha ông chúng ta đã hy sinh. Hàng triệu triệu người đã nằm xuống để chúng ta có lịch sử, để chúng ta có quê hương. Chúng ta phải được sống đúng nghĩa làm người, chúng ta phải tranh đầu để được sống, để con cháu chúng ta sống… không ai có quyền giết chúng ta, không ai có quyền nắm giữ mạng sống chúng ta, và không ai có quyền nắm giữ vận nước chúng ta.
Tôi long lanh nước mắt. Người tôi yêu đó sao? Có phải là chàng không? Gương mặt chàng chìm xuống và nước mắt hai hàng chảy ra trên má chàng lẫn với mồ hôi. Giọng chàng đục khán và thiết tha, lòng tôi như thắt lại, nỗi xúc động làm tôi bàng hoàng tê liệt cả người.


- Chúng ta nghèo khổ lắm, chúng ta đang đói khát, chúng ta đang khốn khổ, chúng ta sắp mất tất cả vì đói nghèo. Chúng ta bị khinh khi, bị chà đạp và bạc đãi như con vật nhưng chúng ta là người.
Chàng nói như gầm lên:
- Chúng ta là người.
Đám đông hét lên theo chàng, đám đông lặp lại lời chàng, như vách đá trong hang sâu âm vang lặp lại lời chàng.
- Chúng ta là người!
Đám đông hét lên câu nói ấy. Chàng khóc, người yêu tôi khóc cho quê hương tôi. Tôi lảo đảo dựa vào gốc cây, tóc bết mồ hôi và môi mặn nước mắt xót thương dân tôi. Tôi nhớ đến một hình ảnh đẹp như huyền thoại, người Do thái điêu linh xưa một mình vác thập tự trên núi cao một mình hy sinh trên đỉnh đồi buồn, tóc người ấy vàng như lúa chín, đôi mắt xanh như đại dương. Tôi đã yêu mãi mãi hình ảnh ấy, tôi đã yêu suốt đời hình ảnh ấy, và bây giờ tôi yêu màu da nhẫn nhục của chàng, tôi yêu màu nắng trên áo chàng, như màu đất của quê hương tôi.
Chàng vẫn bình thản nhìn mọi người, những người rất trẻ, tuổi trẻ cần một thần tượng, tuổi trẻ cần một niềm tin như tuổi trẻ cần tình yêu.
- Hãy hy sinh, hy sinh mãi mãi cho quê hương, hãy tỉnh thức, hãy kiên cường và hãy yêu lấy quê hương. Đừng ngủ nữa, đừng để người ta ru ngủ chúng ta, đừng chạy theo bạc tiền, đừng làm mất quê hương, chúng ta nghèo khổ, chúng ta đói ăn nhưng chúng ta là người. Chúng ta là người.
Chàng gào lên:
- Những người tôi hy vọng, những người tôi tin, chúng ta phải đứng lên, đã đến giờ chúng ta phải đòi tự dọ Chúng ta không thể cam chịu mãi được, người ta đã bạc đãi chúng ta, đã đối xử với chúng ta như bầy thú, chúng ta là người, chúng ta có quê hương và chúng ta có dĩ vãng. Hãy đòi lấy nụ cười cho con em chúng ta, hãy đòi nụ cười cho cha mẹ chúng tạ Chúng ta đói nghèo, chúng ta điêu linh, nhưng chúng ta phải bảo vệ quê hương chúng ta đến phút cuối cùng. Phải hiên ngang, phải cắn răng lại mà làm người.
Đám đông hét lên theo chàng, tôi lùi lại dựa vào gốc cây tay đè trên ngực, tôi dõi mắt tìm chàng, chàng biến mất trong rừng người. Cuộc biểu tình đã thành công, người tôi yêu đã thành công.
Tôi len trong đám đông để tìm chàng, nhưng vô ích chàng bây giờ không thuộc về tôi. Tôi đứng lại để thở mồ hôi ướt hết, tóc dài buông lơi sau lưng. Tôi ngơ ngác tìm chàng, đoàn người xuống đường với những hăng say với những cuồng nhiệt.
Tôi rẽ vào một con đường nhỏ im vắng trong bóng cây, lá xanh cắt rời những vệt nắng trải dài theo bóng tôi cô đơn. Tôi thẩn thờ bỏ đi, tách rời đám đông để nghĩ đến chàng thật đằm thắm và thật thiết tha.
Nắng nhảy múa, nắng chan hoà, tiếng la tiếng hét loãng dần sau lưng tôi. Tôi gọi thầm tên chàng mà nghe xao xuyến rưng rưng từng sóng tóc xôn xao.
Trở về nhà Cô Tịnh Nhơn, một mình vắng tanh không ai ở nhà. Giờ này chỉ một mình tôi. Tôi leo lên những bậc thang buồn hiu, Na Na được vú Hai bồng ra vườn. Tôi đứng một mình trên balcon nhìn xuống sông Hương. Nước vẫn xanh và vẫn êm như muôn đời đã êm đựng bóng mấy chìm trong thương nhớ.
Tôi từ chối đi với chàng lúc sáng, để rồi một mình lén lút đi tìm chàng, những lối đi dẫn vào ngôi chùa xa lạ với tôi vô cùng. Tôi đã đứng trong đám đông nghe chàng nói, giọng nói sao đáng yêu, sao say sưa đến thế. Tôi mới gặp chàng chưa đầy một năm, vậy mà thân thiết như ngàn năm xưa ta đã yêu nhau, ta đã thương nhau. Tôi nhìn nắng trải mình lẳng lơ trên nước sông dập dềnh như đón đưa tình tứ. Lá cờ tung bay bên kia sông. bến Phú Văn Lâu buồn bên giòng nước chảy. Chàng chưa về, chưa ai về hết. Tôi nhớ chàng vô vàn, mới trông thấy nhau đó, mới nghe tiếng chàng mà giờ đã vội nhớ thương.
Mùa hè từ Đà Nẵng tôi xách vali ra Huế thi toàn phần, người tôi gặp đầu tiên khi gõ cửa nhà cô Tịnh Nhơn là chàng. Chàng nheo mắt nhìn tôi như nhìn một đứa bé. Tôi được chàng đưa lên lầu, chỉ cho cái phòng nhỏ bên cạnh phòng đọc sách. Tôi đi ra đi vào với sách vở trên tay để chuẩn bị thi cử. Chàng bỏ di biền biệt, chàng coi tôi như một đứa bé không hơn không kém, thỉnh thoảng chàng trở về mỉm cười với tôi.
Thi xong tôi trở về Đà Nẵng, biết chắc mình sẽ rớt vì suốt những ngày lao đao đó, tôi lo mơ mộng lo yêu thương chàng. Chàng không thèm biết đến, chàng lo thăm viếng một người đàn bà bà con của chàng.
Kỳ hai tôi lại lên xe ra Huế thi, lần này coi bộ chàng chịu nhìn tôi rồi, chàng nheo mắt lùi lại ngắm tôi:
- A, con bé coi bộ lớn bộn rồi nhỉ?
Tôi cười:
- Chao, ai cho anh nói tiếng Bắc rứa hỉ?
Chàng tỉnh như không:
- Chị Lan Chi dạy anh.
Tôi vùng vằng đi lên lầu, không nói nửa tiếng. Tôi ghét chàng kinh khủng, suốt ngày chàng nhắc nhở người đàn bà ấy, suốt ngày chàng nghĩ đến bà ta.
Tôi cắm đầu cắm cổ học thi. Tôi dại gì yêu chàng, đến nỗi thi rớt cho chàng yêu người khác chứ.
Và tôi đậu chàng có vẻ mừng, giữ tôi lại để chuẩn bị vào đại học, chàng nói:
- Cô đậu hỉ? Lạ đó, tôi sẽ đưa cô đi chơi cho biết Huế của tui rồi lo cho cô vô Đại học chịu chứ!
Tôi gật đầu:
- Dữ không, bữa ni mới biết lo cho người ta hỉ?
Chàng cười nhẹ, tôi thương nụ cười của chàng chi lạ cười thật ngạo nghễ, thật vắng xa nhưng vẫn thiết tha. Tôi yêu chàng. Vừa yêu vừa tức vừa khổ, bởi vì bên cạnh chàng có người đàn bà ba con đẹp và đầy chất đàn bà. Ngực căng tròn trắng như thạch cao sau lớp áo voile mỏng khêu ngợi. Trước nàng tôi chỉ là một đứa bé nhỏ nhoi và yếu đuối.
Bây giờ tôi đứng đây chờ chàng, ngóng trông như chinh phụ. Ngôi trường ngói đỏ mờ trong bóng cây, những hành lang dài hun hút vắng tanh, màu vôi vàng như dĩ vãng xa xưa.
Tôi hát một mình, khúc tình ca chàng thích.
- Hay quá, con bé cũng học làm ca sĩ hả? Thôi học chi nữa mà học, đi làm ca sĩ đi cô.
Tôi quay lại cười với chàng:
- Chi rứa, anh làm em hết hồn ni.
- Ai cho em nói tiếng Huế của anh đó?
- Em cho.
- Hừ con bé nói giọng lai lai nghe cũng hay.
- Ai thèm anh khen hay, ủa sao anh về sớm thế? Xong chưa?
- Xong chi?
- Thì xuống đường thì vận nước điêu linh í.
Chàng dơ ngón tay doạ.
- Ai cho cô nghe lén tôi nói hả?
- Sời ơi cả nước nghe mà còn làm bộ, anh nói như sóng vỗ đập vào tai người ta thì có.
- Liều hỉ, dám đến chùa một mình không sợ mẹ đánh đòn?
- Mẹ đâu có biết mà đánh.
Chàng đứng nhìn sông Hương với tôi. Giòng sông thật xinh thật mộng, nước êm đềm trôi mãi, như không bờ không bến, mây mùa hạ nhẹ tênh như luạ nơi áo em, nắng nhiệt đới vàng óng ả, trên mặt nước lao xao gờn đầy mơ ước. Tôi không nhìn chàng, tôi cùng nhìn giòng sông với chàng:
- Người Huế anh cũng như sông Hương.
- Tại sao Trang nói thế?
- Đầy sóng ngầm, đầy bất an.
- Ghê, chưa gì đã giọng sinh viên Triết hỉ?
- Không, Trang nói thật, anh không thấy Trang nói đúng sao? Mấy cô gái Huế cũng thế, dấu sau vành nón bài thơ nghiêng nghiêng, dấu sau mái tóc thề che hờ phiến lưng, cả một trời bốc khói say men.
Chàng suy tư:
- Con bé học Triết được đấy, khá thông minh, vậy mà anh tưởng con bé chỉ biết nhảy nhót với làm nũng thôi chứ? Sao kỳ trước em rớt hả Trang?
Tôi nhìn vào mắt chàng giọng khẽ như hơi thở:
- Tại anh…
Chàng quay đi cười nhẹ, tôi ghét nụ cười của chàng. Tôi phụng phịu rồi tôi buồn thiu.
- Anh nhớ chị Lan Chi?
Chàng nhìn tôi:
- Tại sao Trang hỏi thế?
- Mà có đúng anh đang nhớ không?
Chàng cười:
- Bé con đi ngủ đi, chút dậy anh đưa đi ăn.
Tôi nhíu mày:
- Em mười tám tuổi rồi, hết vị thành niên rồi đó, em sắp có kiểm tra, anh nghe rõ chưa?
- Thưa cô có, tôi nghe rồi ạ, cô năm nay chẳng hay được mấy cháu?
Chàng cười khúc khích trong cổ. Chàng đó sao? Người vừa gây sôi nổi gây bảo táp trong thành phố người nói như dao chém trên đá, người hét như sóng gào? Tôi có mơ không? Con người cao cao gầy gầy có dáng dấp thật nghệ sĩ đó vừa là thần tượng của đám đông, bừng bừng nhiệt huyết. Tôi nhìn sau lưng chàng, vẫn màu áo trắng, vẫn mái tóc rũ hờ xuống trán. Con người cách mạng đa tình như thế sao?
Chàng nói vọng lên:
- Đi ngủ đi, chút anh về đưa đi ăn cơm Âm phủ.
Tôi chồm xuống:
- Mấy giờ?
Chàng nheo mắt:
- Cái mặt nói đến ăn mắt sáng như đèn pha.
Chàng lại đi và tôi lại nhớ thương.
Nhà chị Tịnh Nhơn nằm trong khuôn viên trường Quốc học, chị là hiệu trưởng trường Đồng Khánh nhưng anh lại là giám học bên Quốc học, thành ra chị theo chồng ở bên Quốc học cho phải đạo.
Tôi được dành cho một phòng nhìn ra sông Hương, chiều chiều tôi đứng nhìn mặt trời thu nhỏ dáng vàng bên kia sông, chiều chiều tôi đứng nhìn những con đò trôi trên giòng nước êm. tất cả đều thanh thản, như chàng muôn đời vẫn cười, muôn đời vẫn nheo mắt vẫn đùa vui như mọi người chung quanh. Quê hương của người tôi yêu dấu, quê hương của tình yêu là Huế trầm mặc là Huế tình là Huế say.
Chàng không ngủ nhà, từ khi tôi đến ở. Sự tế nhị của chàng làm tôi xúc động, tôi không để ý chàng ngủ đâu nữa? Nhà chàng ở dưới Phú Cam, chị Tịnh Nhơn dành cho chàng một phòng ở đây. Tôi nghe người nhà nói nhiều về người đàn bà chàng yêu, một người đàn bà đã có chồng và có ba con. Người đàn bà bị chồng phụ bạc, chàng thương rồi chàng yêu. Tôi đã gặp bà lúc bà từ Đà Nẵng ra thăm chàng. Họ đã đi với nhau suốt ngày trước mắt tôi, chàng đã đưa bà ta vào tận Đà Nẵng. Chàng đã lo lắng đã yêu thương ba đứa trẻ như con của chàng.
Người nhà kết luận:
- Con mụ bỏ bùa mê đó cô ơi, điên chi trai tơ hơ hớ đi yêu một mụ đàn bà nạ giòng như rứa chứ? Cô tính coi thầy mô có điên hỉ, vậy mà bây chừ bao nhiêu tiền đem về nuôi con mụ hết, gửi chúng vào bà sơ, học hành như con nhà giàu á. Thiệt ba cái bùa mê ác ôn chi lạ.
Tôi không tin bùa mê nên tôi khổ, bởi vì tôi biết chàng yêu bà ta thật. Tôi thua trận ngay lúc đầu rồi. Với chàng tôi chỉ là một cô em nhỏ để đưa đi ăn đưa đi chơi và bắt học chăm, mai mốt gả chồng sang.
Tôi đứng lên nhìn xuống giòng song. Thành phố căng thẳng đầy bất trắc, ngày khai giảng phải hoãn lại, không biết tôi phải chờ đến bao giờ mới được đi học. Chàng đi về như cái bóng, những bạn bè bí mật, những cuộc họp bí mật. Tôi mím môi nhìn ảnh người đàn bà để chung với ảnh chàng trên bàn viết.
- Họ yêu nhau quá, ta buồn quá….
Tôi bực bội leo lên giường nằm, gối chăn nào lạnh lùng hơn không?
Buổi trưa chị Tịnh Nhơn về, chị có vẻ mệt mỏi nhưng mặt đầy hân hoan, chị khoe:
- Thấy không? chị nói thế nào cũng thành công mà, Trang, em có nghe radio nói chi không? Vĩ đại kinh khủng, em ơi chị muốn khóc được đó, Phong nói được lắm em ơi.
Tôi cười:
- Em nghe kỹ lắm, hùng biện nhất thế giới.
Chị Tịnh Nhơn vô tình:
- Em nghe trong radio hở? Em biết không, thầy gầy lắm, lúc ni thầy có vẻ lo lắng dữ lắm Trang?
Tôi hỏi thật khẽ:
- Thầy có hỏi thăm em không chị?
- Có chứ, Thầy nói em ngoan và kín đáo lắm, em có vẻ sâu sắc, thích nhé, được Thầy khen hoài hỉ? Em ăn chi chưa?
Tôi lắc đầu, chị kêu trời:
- Chết chưa, đói bụng mới làm sao, đau cho coi ạ, răng không biểu con Truồi nó nấu chi cho ăn, chị ăn chay trên chùa rồi.
Tôi cười:
- Anh Phong hứa đưa em đi ăn.
- Hứ, cái thằng Phong tin sao cho được, nó đi như chim ấy, chưa chừng tếch vô trong với con mụ rồi ạ.
Tôi tò mò:
- Chị không thích anh Phong lấy chị Lan Chi.
- Thích sao được, bộ con ni cũng điên như anh mi nữa hả? Cả nhà không ai ưng hết, người ta ba con rồi, lấy về nuôi chim tu hú hở?
Tôi cười tủm tỉm:
- Em đố chị chia rẽ được họ đấy.
- Ối hơi đâu, thứ đó không chia rồi cũng rẽ, lo gì em.
Tôi lo lắng:
- Sao anh Phong lâu về rứa chị? Chị có thấy anh ấy đi mô không?
Chị Tịnh Nhơn lắc đầu:
- Chịu, lúc này thấy Phong đứng với thầy, quay đi quay lại biến mất. Nó thiệt hệt thầy thôi, có đó rồi mất đò, với lại bị theo dõi dữ lắm em ơi, đi đứng bộ tự do như em sao?
Tôi nhăn nhó:
- Điệu ni dám để em chết đói thôi.
Chàng vào tự lúc nào, cười tủm tỉm:
- Thấy chưa, chị làm chứng nhé, nó chỉ nhớ ăn thôi mà, này đi với tôi cũng gian nan lắm đấy, phải đi lén, có gan không?
Tôi nũng nịu:
- Em đi với anh, anh đừng có kiếm cớ rút lui nghe.
Chàng quay sang chị nói nhỏ:
- Thầy hỏi chị xong chuyện đó chưa? Thầy đang bị theo dõi rất gắt, cô vào thay áo lẹ đi, cho cô mười phút thôi nghe.
Tôi quay đi:
- Một giờ, cái mặt anh đến ế vợ mất thôi.
- Chưa biết ai ế đâu cô.
Tôi chọn áo dài, màu gì anh thích màu em thích. Vàng ờ màu vàng, chàng thích nhất màu vàng của lụa. Tôi lén đánh phấn hồng của chị Tịnh Nhơn rồi lại vội vàng chùi bớt đi, kẻo anh chàng chọc cho mắc cở lắm.
Cũng đến mưòi lăm phút sau tôi mới ra tìm chàng. Phòng đọc sách trống trơn, tôi léo nhéo xuống nhà.
- Chị Nhơn ơi, chị Nhơn, anh Phong mô rồi, mới đây mà biến đi mô rồi hỉ? Đói bụng muốn chết luôn.
Chị Nhơn nghiêm mặt đi ra:
- Im, có bồ ra tìm đó, em leo cây rồi em ơi.
- Hử, chị nói sao, có Lan Chi ra à?
- Ừ, đang du dương ngoài vườn ấy.
Tôi vùng vằng:
- Bộ không đưa em đi ăn nữa à?
- Biết à.
Tôi hắng giọng trong phòng khách, chàng dẫn Lan Chi vào:
- Có chị ra đó cô.
Tôi gượng cười:
- Chào chị ạ.
- Không dám chào cô.
Chàng mỉm cười:
- Để bửa khác anh đền giờ anh…
- Hừ, cám ơn anh, mà anh vô đây em nói cái này nè.
Chàng nhăn nhó theo tôi sang phòng bên:
- Chi nữa cô?
- Không, Trang không chịu anh hứa cuội như rứa, anh phải đưa Trang đi như thường.
- Không được, chị từ Đã Nẵng ra, để khi khác đi.
Tôi dậm chân:
- Không.
Chàng dịu dàng:
- Ở nhà nói chị lo cho ăn, anh đưa chị đi, chiều anh về, chóng ngoan anh thương.
Chàng bỏ ra cười cười nói với bà ta. Tôi lặng lẽ bỏ lên lầu một nước, họ đưa nhau ra xe. Tôi vén màn cửa thấy bà ta dựa cằm trên vai chàng, lẳng không chịu được, một tay bà ta vòng ôm ngang người chàng.
- Hừ, tức thật.
Tôi cởi tung áo dài lụa, không lụa là gì hết nữa. tôi nằm dài trên giường, Chị Nhơn réo:
- Xuống ăn đỡ tô mì đi Trang, nằm chết trên đó hỉ?
Tôi cười gằn đi xuống:
- Răng hồi ni bà ta chịu khó giữ anh Phong kỹ rứa chị hỉ?
- Biết à.
- Chị thật, hỏi cái chi cũng nói biết à, ai còn hỏi chị làm gì nữa.
- Bộ Phong cho leo cây rồi quay ra gây với chị?
Tôi đành cười:
- Nghĩ tức mình ghê đi, để bụng đói đùng cái không được đi nữa.
- Mi chỉ được cái tài ăn, trách chi hắn chê mi con nít cho, rồi lại hờn.
Tôi ăn một mạch hết tô mì rồi thẫn thờ bỏ lên lầu nằm ghen với Lan Chi. Tôi không ngủ được, hết nằm lại ngồi, hết đi lại đứng, giận anh chàng thật, coi mình không có ký lô nào hết trơn, được rồi, mình có bồ cho coi, làm như mình xí gái không bằng, chả hơn gì ai chứ cũng hơn cô bồ già của anh.
Gia đình tôi đạo Công giáo từ gốc, chị Tịnh Nhơn trái lại sùng Phật, chàng là em họ của chị Nhơn, hồi chị ra học ngoài Hà Nội, chị sống với gia đình tôi và bây giờ tôi sống với chị.
Bà nội của chàng theo đạo Chúa, nhưng ông nội thì vẫn giữ đạo Tổ tiên, giòng chàng theo hai tôn giáo, cứ con trai theo cha, con gái theo mẹ. Chàng là cháu nội nên chàng không đến nhà thờ, mấy bà cô của chàng ngày ngày vẫn cầu nguyện trong nhà thờ Phú Cam. Mấy đứa em họ chàng hát trong ban thánh ca, còn chàng, chàng hoạt động cách mạng, chàng mang giòng máu cách mạng của cha chàng để lại.
Đời chàng điêu linh từ tấm bé, chàng theo Thầy tìm hiểu giáo lý nhà Phật và theo thầy để hoạt động bí mật. Tôi không mê say chính trị, nhưng với chàng, tôi đầy một lòng kính phục. Những khi chàng suy tư một mình, vầng trán cao nhăn lại, mắt nhìn đâu đâu, tôi thương chàng khóc lên được. Tôi muốn chàng sống bình thường như mọi người, đi dạy về nhà đọc sách, nhưng mỗi khi tôi nói, chàng chỉ mỉm cười:
- Đừng bắt anh sống giả dối với anh.
Tôi đi ra đi vào với một quyển truyện tình trên tay. Tối mịt chàng trở về nhà tuyên bố:
- Tối nay anh không đi đâu được nữa, em ra tiếp khách cho anh đi.
Tôi quay đi:
- Ai?
- Chị của cô.
- Hừ, vậy mà là khách, khách đó hử?
- Rứa gọi là gì?
- Không phải vợ anh?
- Bao giờ, anh mà có vợ?
- …
Chàng cười:
- Mau đi, anh lủi đây.
Tôi tròn mắt ngó chàng, chàng cười:
- Mở hé cửa nhìn xuống vườn thì biết.
Chàng bỏ đi tôi vén rèm cửa, vườn cây tối om lập loè ánh đèn vàng vọt từ ngoài đường hắt vào cho tôi thấy rõ những bóng đen đi đi lại lại trong vườn.
Chị Lan Chi đến sau lưng tôi, giọng chị trầm xuống:
- Anh đi rồi em ạ.
Tôi ngập ngừng nhìn chị, người yêu của chàng đó, Lan Chi bình thản:
- Anh dặn chị đêm nay ngủ chung với em, em bằng lòng không?
Tôi tránh đôi mắt chị:
- Em sao cũng được hết, chị đi chơi có vui không?
- Sợ muốn chết, vui gì mà vui, anh đi một bước có người theo một bước.
Tôi leo lên giường nằm chung với chị, chàng bắt tôi phải gọi bà ta bằng chị đấy, có tình yêu người ta đẹp ra tươi ra. Còn tôi trằn trọc nhớ chàng, chắc chắn đêm nay bó gối một nơi nào đó, chàng đang nhớ đến bà ta, người đàn bà mát da mát thịt này, có vùng ngực êm như đồi tuyết có đôi mắt lá răm tình tứ.
Tôi muốn hỏi chị, anh với chị đã có gì chưa? Nhưng tôi không mở miệng được. Tôi nhìn gò ngực chị phập phồng lên xuống, rồi nhìn lại mình chưa đâu vào đâu hết, mới bé tí ti, chợt nhớ mình chưa đủ 18 năm. Tôi buồn, nước mắt rưng rưng, tôi cứ lén nhìn bộ ngực căng đầy của bà ta mà tức thầm thầm.
Chàng có bao giờ gục xuống nơi đây chưa? Chàng có bao giờ ôm lấy thân thể đấy vật chất này chưa? Tôi cũng có ngực, nhưng hễ nằm xuống thì nó biến đâu mất chẳng còn gì mê đắm nữa, còn bà ta nằm xuống vẫn ngon mắt không chịu được, tôi đặt tay lên người bà ta nói:
- Chị!
Chị Lan Chi mở mắt:
- Gì em?
- Ngực chị đẹp.
- Vậy hả?
- Sao của em nó nhỏ thế chị?
Chị cười khúc khích:
- Tại em còn nhỏ, em mà to bây giờ người ta chê chế, con gái mà ngực to là con gái hư, hồi chị còn con gái, chị cũng thẳng ro à. Mai mốt lấy chồng có con mới to được chứ, thật anh nói đúng, em còn trẻ con quá.
Tôi sịu mặt:
- Anh nói với chị em trẻ con?
Chị gật đầu:
- Thôi ngủ đi, chị buồn ngủ quá rồi.
Tôi muốn hét lên, chị có thể ngủ được, chị buồn ngủ khi anh đang lẩn trốn, đang nhớ chị. Nhưng tôi bậm môi lại, rồi buồn bực quay đi khi chị đã nhắm mắt.
Tôi yêu chàng thật sự mất rồi, vì tôi lo lắng không ngủ dược vì chàng, buổi sáng thức dậy sau giấc ngủ thật ngắn, tôi thấy chàng ngồi lù lù ở phòng đọc sách, mắt nhìn ra xa và môi mím lại, tôi lặng lẽ ngồi xuống bên chàng, chàng không nhìn tôi:
- Chị còn ngủ hở em?
Tôi hậm hực:
- Ngủ say như chết.
Chàng nghiêm giọng:
- Đáng nhẽ em phải thương chị mới phải, chị đáng thương, em hiểu không?
Tôi nói mát:
- Chị đẹp.
- Bộ em không đẹp, em không biết em đẹp à?
- Em là trẻ con.
- Trẻ con có cái đẹp của trẻ con, thiên thần chỉ để cho người ta mơ ước còn đàn bà…
Tôi cười:
- Đàn bà để yêu.
Chàng bật lửa mồi một điếu thuốc, khói thuốc bay bay màu thời gian buồn, giọng chàng đầy ắp yêu thương:
- Em không được lo ra nghe không Trang, em phải lo học, anh chỉ muốn em học thật giỏi thôi, anh không muốn em làm người lớn quá sớm.
Tôi lắc đầu:
- Em sẽ học giỏi, nhưng anh nhìn em đi, em lớn rồi chứ, răng anh cứ coi em như con nít mãi thế?
Chàng cười cười ngó tôi:
- Càng đòi làm người lớn, em càng trẻ con Trang ạ, thôi vào đánh thức chị dậy cho anh nóí chuyện đi em.
Chàng gọi giật tôi:
- Khoan đã, ra anh biểu này.
Tôi quay gót đến bên chàng:
- Chi rứa anh?
Chàng vụt cầm lấy tay tôi:
- Nếu có ai hỏi em về Thầy, em đừng nói gì hết nghe không? Những nơi Thầy gặp em đó, cũng phải dấu kín nghe, nhất là anh, em phải nói em có đạo Công giáo nghe không? Nhớ…
Tôi gật đầu:
- Em hiểu mà có chuyện gì đó anh?
Chàng lắc đầu:
- Thôi được em vô đi, hôm nay ở nhà học bài, mấy cái đoạn văn của Platon em coi kỹ chưa, chiều anh hỏi đó.
Lan Chi vẫn ngủ say như chết, sao có người vô tư đến thế nhỉ? Hèn gì chị ấy mập mạp, khác nhau như hai thái cực, vậy mà họ yêu nhau? Yêu nhau tha thiết và thương cho đến chết?
- Chị ơi dậy đi, anh chờ chị kià.
- Để yên chị ngủ, cả đêm em giẫy hoài làm chị mất ngủ đó.
- Ngủ hoài còn rên, anh chờ đó, ra đi bà.
Chị không ra ngay, chị ngắm nhìn sửa soạn trong gương, gỡ lại mái tóc, phớt qua chút phấn, tô lại nét son. Chán chê rồi mới chịu ra mắt chàng, tôi thừ người nghĩ ngợi:
- À há, hèn gì chàng yêu, mình thật ngu, mới sáng ra đã gặp chàng, không sửa soạn chi hết, chắc mình xấu lắm trời ơi, sao tôi ngu thế nhỉ. Tôi bày tất cả sự thật nhan sắc tôi ra với chàng…
Tôi bật cười ra đứng trước gương:
- Cũng không đến nỗi, mình có lúc nào đẹp hơn lúc nào đâu.
Có tiếng xe nổ, họ lại đưa nhau đi. Tôi thẫn thờ nhìn sau lưng họ, vẫn dáng ngồi tình tứ dựa trên vai chàng, vẫn vòng tay ngang lưng say đắm. Thôi được lần sau chàng chở mình, mình phải ôm lưng chàng mới được.
Tôi vào phòng tắm, nhìn thân thể còn e ấp của mình dưới giòng nước phun mạnh, chợt thương cho mối tình thầm, chợt giận chàng khóc lên được.
Những lúc giận chàng, tôi hay nhớ nhà, nhớ mẹ rồi tủi thân nước mắt vòng quanh mi.
Chị Nhơn rất thân với anh Thế, khi học xong anh Thế gửi tôi ra Huế ở nhà chị. Tôn giáo tuy khác biệt nhưng vì yêu chàng tôi không cảm thấy lạc lõng nữa. Giữa tôi và những người bạn của chàng có khác gì nhau đâu, cũng một màu da, một tiếng nói.
Thật bực mình, biết thế về thăm nhà xong, ngày khai giảng cứ lùi lại mãi. Ngồi chờ sốt cả ruột đi thôi.
Đi ra đi vào với cái gương nhỏ trên tay, tôi nhớ trong báo người ta dạy nghệ thuật làm đẹp bằng cách bắt học viên suốt ngày tự ngắm mình trong gương, ngắm mãi thế nào cũng tìm ra nét đẹp riêng, nụ cười nào đẹp nhất, nét nhìn nào xinh nhất, cái nhíu mày nào duyên nhất.
Khởi đầu việc chinh phục chàng, vẫn là làm sao đẹp hơn chị ấy. Chàng trở về nói như reo:
- A, quả tang nhé, hết chối chưa, soi gương chứ có học khỉ gì đâu?
Tôi phụng phịu:
- Anh sao đi về cứ như kẻ trộm.
- Rứa mà tài chứ, cứ như em chưa thấy mặt đã nghe tiếng thì còn làm ăn gì được nữa?
- Chị Hai của anh mô?
- Về Đà Nẵng rồi, thích nhé.
- Ai thích, bộ anh nói em thích?
- Chứ chẵng lẽ anh thích?
Tôi dậm chân:
- Em không đùa với anh nữa đâu.
- Thôi cho anh xin lỗi chịu hôn? Anh qua gặp chị Nhơn đã, chị đâu rồi?
Tôi lắc đầu:
- Biết à? chắc chị qua Đồng Khánh rồi.
Chàng quay lại:
- Bỏ cái gương đi cho tôi nhờ cô bé, học bài nghe chưa?
- Hứ, làm như anh Hai người ta.
- Không là anh Hai thì là gì, bác dặn anh kỹ lắm rồi, bác dặn anh phải sắm roi mây phết em nữa đó.
Tôi le lưỡi:
- Ghê.
Chàng chợt khựng lại:
- Này đừng le lưỡi như rứa trước mặt chàng nào nghe không?
- Răng rứa?
Chàng cười khẽ:
- Tụi nó mê, không học được nữa.
Chàng huýt sáo rồi bỏ đi, tôi đứng nhìn theo, lúc chàng nói với đám đông, chàng gầm gừ như dã thú, mắt chàng như có lửa, giọng chàng mạnh mẽ tàn bạo như kiếm chém trên đá lạnh, giọng chàng dạt dào rền rĩ như vọng về từ ngục sâu.
Sao bây giờ chàng hồn nhiên, bình thản thế? Tôi yêu nụ cười chàng, nụ cười ngạo nghễ như khinh chê đời, như xót xa đời. Tôi hiểu, bây giờ tôi mới hiểu tại sao Thu Hải yêu Thầy, yêu như yêu một thần linh. Tình yêu của họ lạ lùng như những mối tình trong huyền thoại Hy Lạp. Thu Hải yêu một vị Hoà thượng. Thầy của chàng, Thầy của nhiều người trẻ hôm nay. Thu Hải đã khóc khi kể chuyện về Thầy cho tôi nghe. Nó là bạn thân của tôi từ Đệ thất, lớn lên theo gia đình trở ra Huế học đồng khánh rồi gặp Thầy, rồi tôn thờ mãi mãi.
Tôi đã cười ngất khi nó tâm sự rằng nó yêu một vị sư. Tôi không tin, tôi nói với nó rằng đó chỉ là một sự lầm lẫn của con tim. Nó lắc đầu:
- Mai mốt mi sẽ hiểu tao, chính tao, tao cũng ngạc nhiên khi đối mặt với tình yêu của tao kia mà.
Bây giờ tôi hiểu, biết chàng đã có người yêu, hơn thế nữa, đã có vợ, biết rằng yêu chàng mình sẽ thua thiệt, nhưng tôi vẫn yêu.
Tôi ra Huế học vì chàng, tôi không vào Sài Gòn như ý gia đình muốn, tôi muốn được gần chàng dù để nhìn chàng yêu người đàn bà khác.
Một tiếng sét đã giáng xuống đời tôi, ngay phút đầu tiên trông thấy chàng. Chàng nheo mắt, chàng mỉm cười xách giúp vali lên lầu cho tôi, thái độ thật bình thản xa lạ, nhưng gần gủi như anh đối với em.
Tôi chới với khi nghe chàng nói với đám đông. Tôi thật sự ném mình xuống cơn mê bằn bặt, đôi mắt chàng như giòng sông trong cơn bão táp, nước cuồn cuộn chảy cuốn hút tôi trong cơn lốc xoáy của chàng.
Tôi ngụp lặn trong mối tình tuyệt vọng, nhưng đôi mắt chàng mỗi khi nhìn đã cho tôi cả một vùng trời xanh tươi chứa chan hy vọng. Chàng làm tôi lao đao, chàng làm tôi ngất ngư và chàng dửng dưng yêu người khác.
Thế mà tôi vẫn không ghét chàng, tôi vẫn yêu kính chàng, và vẫn ngoan ngoãn nghe lời chàng.
Ngồi vào bàn học, trời không tối, trời sáng nắng như tôi vẫn bật lên một ngọn đèn, cái bòng đèn vàng này chính chàng đã mua về cho tôi, ánh sáng vàng như đốt lên một tình yêu. Tôi không học nổi, những tư tưởng thần bí của Platon làm tôi mệt trí, tôi viết nhật ký trên giấy hồng, đời con gái một lần yêu là một lần khổ:
….Huế ngày….
Mình ngồi đây, trước mặt là sách vở của chàng, mình thật đã biết yêu. Chàng đàn ông vô cùng, từ nụ cười nửa vời đến tia nhìn mênh mông xa vắng, mái tóc rũ xuống trán, dáng nghiêng buồn khi đi khi đứng. Mình nghe xót xa, mình vừa viết vừa lấy quyển sách che đi nụ cười của Lan Chi, mình muốn quên bà ấy, mình không muốn thấy bà ấy bên cạnh chàng dù chỉ là ảo ảnh đi nữa.
Đã nhiều lần mình bảo với mình rằng hãy quên anh đi. Hãy coi anh như một người con trai mình đã gặp. Thế mà hôm nào anh không ghé về nhà, mình đi ra đi vào không yên. Giòng sông khi đó, không có nắng, không đựng bóng mây, nên giòng sông đen như đêm. Le lói ánh đèn dầu từ những con thuyền lênh đênh trên nước sông. Huế như chìm xuống với giòng sông yên lặng, xoá mờ tất cả những trái tim bừng bừng yêu nước, những ánh mắt chan chứa tình tự dân tộc. Chỉ còn lại một sự yên lặng lờ khó hiểu. Tôi ngồi nhìn ảnh chàng, quyển sách đã che đi khuôn mặt đa tình từ mắt cười, từ đôi môi dầy của bà ấy. Nhưng anh ơi! Làm sao em quên…

Mình gục xuống tóc loà xoà che kín hai vai run run.
Tôi leo lên giường nằm đợi chàng, đời gì nữa mà đợi, chàng đi như chim lang thang như du mục, không biết ngày mai đã có thông cáo đi học chưa? Nằm nhà mãi nản không chịu được.
Buổi sáng Huế trong sạch quá, nắng thật tươi và thật êm. Con gái Đồng Khánh ùa về đây làm ngợp con đường xanh lá. Áo trắng vờn gió cho tóc thề bay baỵ Tôi là con gái, mà đi không đành, cứ đứng một góc đường nghe các cô cười rúc rích trong chiếc cổ mềm, sau quai nón tím ngắt, thầm như tình yêu.
Chàng vẫn chưa về, nên tôi muốn đi chơi. Tôi không thể vào ra trong phòng mà lòng chùng như nốt nhạc sầu, con đường Lê Lợi ngàn năm vẫn trữ tình, như giòng sông cho gái Huế chất thơ không bao giờ cạn, tôi đến với Thu Hải, ngôi nhà cổ kính cuối con đường lát gạch và vòm cổng rêu phong và hàng dậu cây cắt tỉa cầu kỳ.
Thu Hải mặc áo màu hoa cà, tóc cột lại bằng sợi thun nhỏ, màu tóc mun, êm như trời đêm, đôi mắt long lanh sáng, chiếc răng khểnh dễ thương hé ra sau đôi môi hồng:
- Ủa Trang, đi mô mà sớm rứa?
Tôi cười:
- Hỏi vớ vẩn, khách đển thăm không mời vào nhà còn hỏi đi mô.
Thu Hải nheo mắt:
- Sời ơi, cũng bày đặt nói tiếng Huế của người ta nữa hỉ? Nghe vui ghê a tề.
Hải kéo tôi ra vườn sau, cây trái triũ ngọt:
- Ra đây ta hái nhãn cho nhà ngươi ăn, chịu hôn?
- Chịu quá, gái Huế tụi bây chỉ có cái đó ăn người thôi mà… Này Hải, mi thấy tình yêu thế nào, người ta khổ hay người ta vui khi yêu nhau hả mi?
Hải nhìn vào đôi mắt tôi, tôi quay đi như trốn, nó lắc đầu:
- Khó trả lời quá, nhưng mi hỏi làm gì? Mi yêu ai hay sao? Mi cứng lắm mà.
- Cứng mềm khỉ gì, người ta hỏi thì cứ trả lời đi đã nào, lúc này mi có gặp Thầy không?
Hải thở dài len lén nhìn quanh:
- Khẽ chứ mi, người ta nghe được thì chết, khó gặp lắm mi, tao đang buồn đây.
- Sao vậy?
- Yêu oái ăm như tao chỉ thấy khổ sở và lo lắng, dĩ nhiên đã gọi là tình yêu làm sao tính toán được, nói thật mi đừng nói chuyện tụi tao với ai nghe, tao xin mi đó.
- Dữ hôn làm như tao lắm mồm lắm miệng không bằng.
- Biết rồi, tao biết mi kín đáo nhưng cũng phải dặn cho chắc.
Cơm nhãn ngọt lịm trên đầu lưỡi mềm, nắng lọc qua lá cây óng ả như những giải lụa. Hải dựa lưng vào gốc cây:
- Hôm qua tao gặp Thầy được hai phút rồi Thầy biến mất ngõ nào trong chùa, tao tìm mãi không ra, lúc mà người ta ùn ùn kéo đến chùa đó. Thầy cải trang nhưng tao nhận ra được. Này hôm qua mi có đi không? Kinh khủng, người đâu mà đông rứa không biết? Tao suýt ăn lựa đạn cay rồi chứ.
- Không, nhưng đứng một góc để…
- Để làm gì? Con ni hôm nay bí mật gớm dám mi là mật vụ lắm ạ.
Hải cười khúc khích. Tôi gắt:
- Buồn thấy mồ đi mi còn dỡn.
Hải kể lể:
- Thầy gần lắm rồi mi ơi, nhìn Thầy tao thắt cả ruột lại. Đôi mắt sâu thật sâu và lúc nào cũng nhìn xa xôi, lúc nào cũng trầm ngâm lo lắng cho số phận quê hương mình. Nghĩ thật buồn, tụi mình không làm được gì cho quê hương cả, thỉnh thoảng làm một vài bài thơ y như rằng đăng báo là bị kiểm duyệt. Đói nghèo, nước mình nghèo quá, nhưng nếu được thanh bình thì đỡ biết mấy, thật ăn cơm với mắm ruốc hoài mà được tự do đi học, tự do sống, đêm không hồi hộp nghe súng nổ cũng sướng mi hỉ?
Tôi hỏi Hải ý nghĩ ôm ấp mãi suốt đêm:
- Mi có gặp anh Phong không? Đêm qua không thấy anh ấy về?
Hải cười nhẹ:
- Ăn thua chi, ông ấy lang bang lắm đừng lo, đã chọn con đường Cách mạng làm lẽ sống, thì đừng nói đến nhà cửa nữa. Mới chập tối tao còn gặp ông ấy ở trụ sở tổng hội sinh viên mà, chính ông ấy nói tao nên về sớm, con gái không nên gan lì làm bận chân họ, bộ mi sợ….
- Có đêm tao thấy họ theo dõi anh ấy, ngại quá.
- Có gì lạ đâu? Mi chưa hiểu, ông Phong gan lì lắm, ông ấy là lãnh tụ sinh viên ở đây mà, đâu có dỡn, điều chuyện vợ con thì hơi lạ một chút.
Tôi tò mò:
- Anh ấy lăng nhăng lắm hở mi?
- Không lăng nhăng, điều yêu một bà hơi loạn, bà ấy sex không thể tưởng được. Mi biết ông Thu không? Bồ bà ấy đó, vậy mà ông tướng Phong của mình vẫn yêu mê mệt mới kỳ chứ.
Lòng tôi như có ai đang cầm dao cứa, tôi nghiến răng lại để đừng khóc, Hải vô tình:
- Kể cũng kỳ cục nhưng tình yêu mà mi, tao yêu Thầy không kỳ cục à… mi đừng sơ hở kẻo mạ tao biết thì chết tao nghe không?
Tôi chán nản rồi, buồn quá, chàng yêu bà ta cả xứ Huế đểu biết, còn tôi, tôi chỉ là em gái.
- Thôi tao về.
- Răng rứa, còn sớm mà. Đi ngang Văn khoa mi có thấy thông cáo bao giờ đi học không?
Tôi ngớ người:
- Ờ nhỉ, tao quên mất.
- Khỉ, có rứa mà cũng quên.
Tôi trở về ngang qua cầu Tràng Tiền cong cong những nhịp buồn, đong đưa gợi nhớ điệu ru con của mẹ. Tôi chợt khám phá ra có người đang có người đang theo tôi. Người đàn ông kính đen đậm màu lầm lũi đi theo tôi, phải chi đó là một người trẻ, áo trắng, tóc mơ, dáng dấp sinh viên tôi sẽ nghiêng nón làm duyên vì tôi biết cuộc theo dõi này rất dễ thương. Không, người đàn ông này nhất định không phải là sinh viên. Ông ta lớn tuổi rồi, người lớn không cất công đi theo con gái đâu.
Tôi nhớ đến chàng và bắt đầu run, chân tôi ríu lại. Tôi len lén nhìn lại, vẫn thấy ông mắt kính đen theo sau. Băng qua cầu tôi không dám men theo bờ sông có lối cỏ mịn nữa, tôi đi giữa đường cho đỡ vắng rồi trốn mau vào Văn Khoa, hy vọng ông ta không biết những ngõ ngách của trường bằng tôi.
Đang chúi mũi vào những thông cáo, tôi giật mình quay lại khi tiếng người đàn ông vang ngay bên tai. Ông ta đã đứng sát bên tôi từ lúc nào:
- Chào cô Mạc Tố trang.
Tôi mở rộng hai mắt:
- Ông, ông biết tên tôi, cả họ tôi nữa?
Ông ta cười:
- Còn biết nhiều hơn nữa kia, cô ngây thơ quá.
- Ông hỏi tôi có chuyện gì?
- Tôi muốn nói chuyện với cô Mạc Tố Trang.
- Tôi không quen ông.
- Rồi sẽ quen.
- Xin lỗi, tôi không rảnh lắm.
- Cô phải đi với tôi.
Đôi mắt hắn vẫn dấu sau lòng kính đen xì, nhưng nghe giọng nói hắn gằn mạnh, tôi liên tưởng đến đôi mắt quắc lên của hắn mà rùng mình. Hắn cười:
- Đừng sợ tôi chưa muốn bắt cô đâu, nếu cô ngoan tôi sẽ giúp cô được nhiều việc lắm.
Hắn tiếp:
- Đi theo tôi, đi sát vào tôi như thường…
Tôi muốn khóc quá, trời ơi Phong, anh đâu rồi, sao không đến với em?
- Đừng sợ cô bé, hãy trả lời những câu hỏi của tôi.
Tôi im lặng, hắn tiếp:
- Cô thường gặp Phong và Thầy của cô ở chỗ nào?
Tôi lắc đầu:
- Tôi chỉ biết họ ở nhà, tôi không gặp họ ở đâu hết.
Hắn lạnh lùng:
- Cô nghĩ sao về họ? Sinh viên có bao nhiêu người theo họ?
- Tôi không biết.
- Cô đừng dại, tôi có tiền. Tôi biết cô vô tội, nhưng cô coi chừng, tôi có tiền tôi làm được tất cả những gì tôi muốn. Đây cô nhìn xem.
Hắn mở hé cái cắp vẫn xách trên tay, loại cặp những tay áp phe hay dùng:
- Thấy chưa? Hàng triệu bạc, cô nghe rõ chưa?
Tôi mỉm cười:
- Vâng thưa ông, tôi nhìn rõ ông có nhiều tiền nhưng can gì đến tôi đâu?
Hắn cười nhưng miệng vẫn rít rịt:
- Tôi sẽ cho cô hết, và cho cô nhiều lần nữa nếu cô chịu hợp tác với tôi.
Tôi nhìn hắn như nhìn một quái vật:
- Để làm gì?
- Cung cấp cho tôi những tin tức của họ, họ tin cô, tôi biết, nhất là thằng Phong, hắn yêu cô.
- Yêu tôi? Phong yêu tôi? Ông lầm rồi, không bao giờ chàng yêu tôi, chàng yêu một người đàn bà có ba con rồi.
Hắn cười:
- Không, đó không phải là tình yêu thật, hắn yêu cô và hắn chỉ tin cô. Cô còn ngây thơ lắm, nhưng không sao, càng có lợi cho tôi, bây giờ cô có muốn tiền không? Tha hồ ăn diện, tha hồ tiêu sài?
Tôi quắc mắt:
- Tôi không cần tiền, đừng nói giọng đó với tôi, ông đi đi… Tôi không biết gì về họ cả, và nếu có biết tôi cũng không nói. Mà ông, ông là người của tổ chức nào mới được chứ?
- Tổ chức tiền.
Tôi gật đầu:
- Ông có phải là người Việt Nam không?
- Đúng, trăm phần trăm như áo dài của cô, như mắt cô, như tóc cô là của con gái Việt Nam.
Tôi gừ gừ trong cổ:
- Rồi sao nữa? Bây giờ ông có tiền, khi ông có tiền, ông không còn là người Việt Nam như chúng tôi nữa đâu? Bởi vì Việt Nam nghèo lắm ông ơi, thôi tội nghiệp tôi, ông tha cho tôi về đi, cho tôi về làm người Việt Nam nghèo đói.
Hắn gằn giọng:
- Câm đi, tôi cấm cô nói nữa. Trả lời cho tôi cô có bằng lòng hợp tác với tôi không?
Tôi lắc đầu dù tôi sợ run người.
- Cô biết tôi là ai không?
Tôi lại lắc đầu.
- Cô nên theo tôi, cô sẽ giàu có nhất xứ này mà không cần học hành khổ cực nữa. Học làm gì, ra trường cũng rách lắm cô, rồi lại đi dạy và đói dài chứ gì mà ham.
Tôi cười nhạt:
- Cám ơn ông, nhưng tôi không biết gì về họ hết, tôi chỉ là một người ở trọ trong gia đình đó.
Ông ta rùn vai:
- Thôi được, nể Mạc Dũng nên tôi tha cho cô, cô về đi và theo tôi, cô không nên liên lạc với họ nhiều.
Tôi tò mò:
- Ông biết anh tôi?
- Biết quá chứ, chào cô Mạc Tố trang.
Tôi tròn mắt nhìn ông ta quay đi, một chiếc xe trờ tới, ông ta đóng xầm cánh cử chiếc xe lao vút đi cuối đường Lê Lợi đầy bóng cây.
Tôi trở về nhà, hoang mang và lo lắng cho chàng. Chàng vẫn chưa về! Người ta đã làm gì chàng? Giọng nói lạnh lùng gằn từng tiếng của người lạ, ám ảnh tôi đến nổi tôi không ăn cơm được nữa. Anh Hy và chị Nhơn chưa về, một mình tôi ngồi trước mâm cơm, lòng rối bời, dạ xót đau, lo sợ cho số phận người yêu. Tôi nghĩ đến bố tôi, cả một huyền thoại dài về cuộc đời cách mạng của ông. Bố tôi đã biệt tích sau một chuyến đi bí mật vượt biên giới Tàu Việt. Mẹ con tôi cho đến ngày nay vẫn không biết bố tôi còn hay mất. Ngày giỗ bố không có nhưng tôi sống và lớn lên như một đứa mồ côi cha.
Mẹ chắt chiu đời goá bụa, nuôi anh em tôi lớn lên trong cơ cực và phấn đấu không ngừng. Mỗi lần nghĩ đến mẹ, lòng tôi lại nao nao, xúc cảm dạt dào như lúa reo ngoài cánh đồng mơ ước. Mẹ một mình nuôi anh em tôi, hai trai hai gái với bàn tay gầy guộc của mẹ. Anh em tôi lớn lên ăn học như mọi người. Anh cả lại ra đi như bố ngày xưa đã ra đi cho lý tưởng của anh ấy. Anh Dũng đành an phận lấy vợ để gần mẹ và lo cho mẹ. Chị Phượng đã lập gia đình, chỉ còn tôi, đứa con gái út trong một gia đình ngoan đạo điên cuồng yêu say đắm lãnh tụ sinh viên Phật tử ở đây. Đời ngang trái đến thế là cùng.
Bây giờ chắc mẹ đang lần hạt những lời kinh đều đều buồn trước tượng Đức Mẹ hiền như tiên nữ. Mẹ có biết con gái mẹ điêu linh vì tình yêu nơi đây không? Anh Thế đã thuyết phục để mẹ bằng lòng cho tôi đi học xa nhà.
Mỗi khi đau buồn tôi lại nhớ mẹ để tìm thêm can đảm. Người mẹ yếu đuối ấy một mình nuôi bốn con thơ, một mình đem con từ phương Bắc xa xăm vào đây lập nghiệp với hai bàn tay trắng. Một mình sinh tôi nơi thành phố cổ kính này. Có ai can đảm hơn mẹ tôi không?
Buổi chiều vẫn không một ai trở về, tôi nóng ruột quá, lòng tôi nóng như lửa đố. Chàng không yêu tôi nhưng tôi vẫn nóng ruột, vẫn khổ sở vì sự vắng mặt bất thường của chàng. Tôi không thể quên chàng như tôi mong, tôi lại mặc áo lụa, áo lụa Hà Đông, trời Sài Gòn anh đi mà chợt mát… Không biết có phải vì yêu giòng thơ mềm trử tình đó của Nguyên Sa không, để thương vô vàn màu áo nâu sòng, màu đất quê hương tôi trên thân thể gầy gầy của Thầy.
Tóc xoà dài sau lưng, tôi thẫn thờ tìm đường đến chùa. Tôi phải hỏi tin tức chàng. Tôi phải gặp Thầy bằng bất cứ giá nào. Con đường im vắng đầy bất ổn, tôi không ngừng nhìn lại sau lưng, tôi sợ người ta theo dõi tôi. Ngôi chùa hiện ra trong bóng cây, hàng sứ nở đầy hoa trắng chạy dọc lối đi tạo cho ngôi chùa một vẻ cổ kính lạ lùng. Ngói đỏ đậm màu thời gian, những thân cây sù sì như ngóng đợi một luồng gió mới chưa thổi đến. Những tam cấp bằng đá loáng thoáng rêu xanh. Dưới kia vẫn là giòng sông uốn mình cam chịu, vẫn là giòng sông muôn đời nhớ mong.
Nhìn lại sau lưng một lần nữa, tôi theo ngõ sau bước vội vào chùa. Tôi lần đến nhà trai, những tích nước trà những ly tách còn đó, nhưng người thì vắng bóng. Im lặng hoàn toàn ngự trị nơi đây, tôi đứng sau chậu cảnh nghển cổ nhìn dọc lối đi. Áo nâu kia rồi… Thầy đến?
Tôi lặng người không dám thở. Thầy vẫn đi từng bước nhỏ dọc theo lối đi. Mái ngói thì cong cong, thầy đi từng bước một hiền hoà và thanh thản như Trang Tử ngày xưa. Dáng áo nâu xao động nhẹ, đôi mắt gửi tận đâu đâu, đôi mắt sâu đen huyền bí như đêm Đông Phương.
Nắng chiều yếu ớt soi một vệt dài trên màu nâu đất mẹ của Thầy. Đó là con người ghê gớm mà báo chí nhắc đến sao? Bình dị hiền hoà như thế được sao? Dáng Thầy gầy gầy, chỉ có đôi mắt, đôi mắt thật mênh mông thật ngậm ngùi và đầy nghị lực.
Tôi chờ Thầy, tôi đứng đây chờ Thầy để hỏi về chàng. Thầy không thấy tôi, vẫn đều đều từng bước trong hành lang dài. Khi đến gần chỗ tôi đứng Thầy lại quay lưng đếm bước. Chuỗi bồ đề đen bóng trong tay Thầy, như tràng hạt huyền xinh trên những ngón tay gầy của mẹ. Nhưng sao giữa mẹ và Thầy là cả một hố sâu thăm thẳm cách chia.
Tôi gọi khẽ:
- Thầy!
Tiếng gọi như hơi thở nghẹn ngào, nên Thầy vẫn bứơc đi tôi lại gọi:
- Thầy!
Thầy vẫn đi, Thầy suy nghĩ gì đến nỗi con gọi hai tiếng mà Thầy không nghe. Thầy nghĩ gì? Ẩn sau mà da vàng ngăm đen đôi mắt sâu và hàng mi rậm như hai bờ cỏ chứa chất những ý nghĩ gì? Tôi bàng hoàng gọi nữa:
- Thầy!
Tiếng gọi vang cao nghe như thiết tha, Thầy quay lại:
- Chào em, em tìm Phong phải không?
Tôi long lanh nước mắt, không gì giấu nổi tia nhìn sâu xa như xoáy tròn từng cơn lốc ấy.
- Dạ thưa thầy, từ hôm qua đến giờ anh Phong không ghé nhà.
Thầy hơi lạnh lùng, phải nói là quá lạnh lùng mới đúng. Tôi ít thấy Thầy cười bao giờ, dù tôi vẫn biết người Á đông cười chưa chắc đã là vui, mà không cười chưa chắc đã là buồn. Nhưng sao tôi vẫn nghe xót xa, một nỗi buồn dịu vợi khi nhìn gương mặt bình thản ấy:
- Em nên về nhà đi, không nên ở lại đây nguy hiểm lắm, sau giờ giới nghiêm đêm nay Phong sẽ về nhà.
Thầy lại quay đi, biết ý Thầy tôi cúi đầu ra về, con người ấy vẫn thâm trầm như thế. Hình như Thầy đang mải suy nghĩ, thầy đang sót thương quê hương này. Tôi không quên lần đầu tiên gặp thầy ở trụ sở bí mật, tôi đã nói với Thầy:
- Em có đạo Công Giáo, em không bao giờ bỏ đạo của em cả, em theo anh Phong đến đây, vì em là bạn của anh ấy.
Thầy đã gật đầu nhìn tôi thật tha thiết, và từ đó Thầy dành cho tôi một cảm tình đặc biệt của Thầy.
Tôi trở về khi mặt trời đã đi ngủ, khi đèn đường vàng đã bật lên. Chị Nhơn ngồi chờ tôi ở bàn ăn:
- Trời ơi, em đi mô về đó Trang? Chị hết hồn.
- Em gặp Thầy.
Chị Nhơn nhỏm người dậy:
- Gặp Thầy?
- Dạ.
- Thầy nói gì không hở em, trời ơi! Thầy làm gì? Ở đâu hở em?
- Ở chùa suy tư và đi dạo như Trang Tử tiêu dao suy nghĩ về đời.
- Nói cái gì như giảng kinh rứa Trang.
- Đêm nay sau giới nghiêm anh Phong về.
Chị Nhơn lẩm bẩm:
- Em gặp Thầy? Thầy thoát rồi…
Tôi ngạc nhiên:
- Chị nói gì, sao chị nói Thầy thoát?
Chị Nhơn ngả người ra thành ghế:
- Chị tưởng Thầy bị bắt rồi chứ? Em gặp Thầy thật không?
- Thật, bộ chị nói em không thấy đường sao chị Nhơn?
- Không phải, sợ người khác cải trang rồi em lầm.
Tôi lắc đầu:
- Không bao giờ, vừa thấy mặt em thầy biết em tìm anh Phong liền.
- May thật, thôi được em ăn cơm rồi đi ngủ, em không được lộn xộn, em ra đây để học.
Tôi cười buồn:
- Miễn cuối năm em thi đậu thì được chứ gì?
Tôi để đèn thức chờ Phong. Tôi phải gặp chàng để nói chuyện tôi bị theo dõi với chàng, tôi sợ họ, tôi sợ tất cả. Không gì khổ bằng chờ đợi, thời gian dài lê thê, giòng sông buồn tênh, đêm nay không có giờ, trời hừng hực nồng nàn như người đàn bà trong những ngày khó ở.
Tôi cố gắng đọc sách cho lãng quên, tiếng súng nổ vu vợ Rồi đêm nay có nhiều người cũng chết ngu ngơ. Tiếng gõ mõ của chị Nhơn buồn não ruột u uất như khói hương baỵ Tôi lim dim nhớ chàng. Chàng và gương mặt xương xương, đôi mắt buồn, giọng nói lại xa vắng, rồi tôi lại nhớ người đàn bà ấy. Nếu đêm nay chàng không về, thì chắc chàng vào Đà Nẵng với bà ta rồi. Họ yêu nhau quá tôi khổ quá.
Tiếng gọi nào thật khẽ thật êm:
- Trang!
Tôi bàng hoàng:
- Anh về khi nào đó?
- Mới về, sao em chưa ngủ? Muộn lắm rồi, độ ni coi bộ em ốm đấy.
Tôi nói nhỏ:
- Em chờ anh.
- Đừng làm khổ anh Trang, sao em dám đến chùa lúc này, em điên hả?
- Em lo quá, em đi tìm anh.
Chàng ngồi xuống, tay ôm lấy đầu:
- Em không nghe lời anh phải không Trang? Anh muốn em đứng ngoài vụ này.
Tôi nói như khóc:
- Anh khinh em vừa vừa chứ, anh đừng coi em như con nít mãi. Em không thể làm khách lạ ngay trong quê hương mình.
Chàng nghiêm nghị:
- Giờ em muốn gì? Muốn cản anh phải không?
Tôi lắc đầu:
- Không, nhưng em sợ cho anh, sao anh không đi dạy học rồi cưới vợ, rồi mua nhà, mua xe như bạn bè của anh… như vậy có lẽ em bớt…anh hơn.
Tôi muốn nói tôi bớt yêu anh hơn, nhưng tôi ngồi im, nước mắt viền quanh mi.
Chàng đứng lên:
- Đi với anh một vòng cô bé, anh cần nói với em, anh nghẹt thở rồi.
Tôi định chạy ra xe, chàng ngăn lại:
- Đi bộ trong trường, thôi không đi xa được mô, giới nghiêm rồi.
Tôi đi bên chàng như anh với em, không ôm ngang lưng, không lời tình tứ. Thôi cũng đành.
- Khi lo cho em ra đây học anh quên một điều Trang ạ: em lớn mất rồi.
Chàng bâng khuâng:
- Mà không sao, em cứ yên tâm học, miễn đừng để ý hay lo lắng vì anh. Em hứa không hở Trang?
- Học suốt ngày, người lớn bắt em học, học khi súng nổ, học khi chúng ta sắp chết đói. Em cũng là người như anh, em có khác gì anh đâu. Hơn nữa có đề phòng cũng vô ích, buổi sáng em bị theo dõi và đe doạ rồi, em bắt đầu ý thức rằng em cũng lớn rồi.
Chàng giật mình:
- Theo dõi doạ nạt? Mà ai theo dõi em?
- Làm sao em biết ai theo dõi, em chỉ biết người ta cho ta cho em trong thấy một cặp đầy tiền, toàn tiền là tiền, có lẽ cả đời mẹ em, chưa bao giờ làm chủ một món tiền to như thế, người ta hứa cho em ngay, nếu em cung cấp tin tức về anh về thầy cho họ.
Chàng thở dài:
- Anh đoán không sai. Rồi em nói với họ làm sao?
- Em từ chối dù em ham tiền, nếu có một phần tiền đó, việc đầu tiên em mua một cái đàn dương cầm thật đẹp, mẹ em nghèo quá…
Chàng buồn:
- Tại sao em từ chối?
- Vì em yêu… ơ em yêu nước mình…
Tôi bậm môi, chút xíu thì tôi thành đứa con gái hư rồi. Tỏ tình với một người không yêu mình là một điều vô cùng nhục nhã với một cô gái như tôi. Tôi gắt:
- Vì sao mặc xác em, chỉ cần biết em không thèm đồng tiền phi nghĩa đó là được rồi.
Chàng dịu dàng:
- Đừng giận anh, anh tin em đi ra bờ sông với anh không sao đâu, quãng này toàn công thự, an ninh lắm.
Tôi men theo bờ sông với chàng, chàng kể lể:
- Anh hiểu những gì em nói là sự thật, anh thương em lắm. Trang, chúng mình đều nghèo. Anh cũng thích giàu lắm chứ, bởi vì có tiền mình sẽ làm được tất cả, sẽ có tất cả và không có tiền, mình thua tất cả. Nhưng…
Chàng nhìn sâu vào mắt tôi:
- Anh tin rằng, nếu anh muốn có tiền, anh có thể có được. Với khả năng của anh, anh giàu có không khó khăn gì, anh sẽ mua cho em cây đàn mơ ước. Nhưng chúng ta giàu để làm gì khi mọi người chung quanh chúng ta thiếu ăn thiếu mặc. Chúng ta giàu có làm gì đây, khi dân tộc chúng ta 90% sống lê lết trong nghèo khổ điêu linh. Rồi chúng ta xây một dãy nhà lầu chọc trời bên cạnh những người bám theo ven nhà chúng ta trên đống rác? Chúng ta hạnh phúc với ai? Chia xẻ với ai nữa đây? Còn lương tâm của anh và của em? Em sẽ nói rằng người ta nghèo mà mình giàu thì càng sướng phải không? tự ái, đó chỉ là tự ái. Hạnh phúc phải được chia xẻ đồng đều mới là hạnh phúc, no ấm phải được chia xẻ đồng đều mới là no ấm.
Tôi đăm đăm nhìn chàng. Trăng sao trên cao cũng im lìm phản chiếu trên giòng sông hắt lên khuôn mặt chan chứa tình người của chàng.
- Anh, em hiểu rồi, đừng giận em, em chỉ nói với anh một sự thật.
Chàng chợt cười xoà:
- Anh nói hơi nhiều phải không, con bé khó chịu không?
Tôi lắc đầu:
- Em thích, ờ em mỏi chân quá, mình kiếm ghế ngồi đi anh.
Chàng nhìn quanh công viên bên bờ sông, người ta làm ghế đá quay mặt vào bồn cỏ, chẳng một ghế nào quay ra giòng sông để tôi và chàng nhìn trăng sao trên sông. Tôi vu vơ:
- Giá cái ghế này quay ra sông, phải thích không anh nhỉ?
Chàng đứng lên:
- Em thích là trời muốn?
Chàng dơ tay định xoay chiều chiếc ghế xi măng giả đá, tôi kêu trời:
- Thôi tướng ơi, đừng điên, ghế nặng lắm.
Chàng bướng bỉnh:
- Anh nhất định chiều em đêm nay.
- Thôi để em khênh với anh.
- Không, hư bàn tay đẹp như Hoàng hậu của em mất, mai mốt nếu lấy em về làm vợ anh sẽ không cho em làm gì cả, em đi ra đi vào, bếp này, phòng khách này, phòng ngủ này… chỉ đi ra đi vào cho anh nhìn thôi…
Tôi nóng bừng hai má:
- Anh này kỳ thấy mồ, đùa chi kỳ rứa?
Chàng hì hục vậy rồi cũng đổi chiều chiếc ghế đá nhìn ra sông cho tôi ngồi xuống bên chàng, cười thật tươi:
- Chưa bao giờ thấy em bắt chước giọng Huế hợp tình như đêm nay.
Tôi mơ mộng:
- Ước gì được mãi như đêm nay.
- Không, sẽ thanh bình hơn, rồi mai mốt em dẫn anh về thăm Hà Nội nữa chứ.
Chàng say sưa:
- Anh chưa biết Hà Nội đẹp thơ thế nào, chỉ nghe tả trong văn chương thôi đã thấy mê, có lẽ vì vậy anh hay mê gái Bắc, để nhìn mắt họ anh tưởng như đang nhìn xuống Hồ Gươm xanh như mây.
Tôi cười:
- Sời ơi, dân tranh đấu mà cũng lãng mạn nhỉ?
Chàng nhún vai:
- Phải lãng mạn mới tranh đấu được chứ. Bởi lãng mạn nên nhiều mơ ước, bởi lãng mạn nên từ chồi thiên đường giả dối, thứ thiên đường trong thành phố này.
Tôi cười buồn:
- Anh bị ám ảnh rồi, lúc nào cũng như diễn thuyết ấy, em có phải là chuyên viên biểu tình đâu?
Chàng nói khẽ:
- Xin lỗi em nhé.
Tôi quay nhìn chàng:
- Anh có thể cho em biết tại sao có một địa vị chắc chắn như vậy, anh còn tranh đấu làm gì nữa không?
Chàng mồi một điếu thuốc thơm hương Pall Mall tan bay xa dần trong gió đêm:
- Nói như em, anh tranh đấu vì bất mãn sao? Em lầm rồi, anh và các bạn anh, những sinh viên trẻ và đầy tương lai nhất định không phải vì bất mãn mà tranh đấu. Trái lại vì quá thương cuộc đời, quá yêu cuộc đời, nên anh phải bảo vệ phần quê hương còn lại này. Nói chung thì còn thành phần nào có tương lại hơn sinh viên nữa đâu. Bọn anh tranh đấu vì bọn anh quá yêu nước, bọn anh chưa hề bất mãn chưa hề bị bạc đãi. Anh cũng nghèo, nhưng anh thừa biết anh còn giàu gấp vạn lần những người dân ven thành phố, những người bám ven phố phường, những người muốn trồng cấy mà không được trồng cấy.
Tôi kinh ngạc nghe chàng nói. Người tôi yêu? Không thần tượng thì đúng hơn, chàng cao xa quá, chàng xa xôi quá. Tôi thương chàng, vì nói chuyện, vì sống với chàng, tôi cảm thấy yêu quê hương thiết tha.
Chàng bàng hoàng:
- Ồ, đêm nay anh nói nhiều quá, anh không ngờ, thôi quên đi cô bé, cô bé buồn ngủ chưa? Anh xin lỗi, anh không nói nữa đâu, đừng lo.
Chàng đưa tôi về:
- Hy vọng không ai xoay chiều lại chiếc ghế này, để mai sau hai đứa mình có một chứng tích chiếc ghế một mình nhìn ra sông…
Tôi ngập ngừng:
- Nhiều lúc em có cảm tưởng có hai con người trong anh, Phong ạ. Một con người cách mạng như ba anh, và một thi sĩ đa tình.
Tôi vào phòng, dở quyển kinh thánh đọc một đoạn văn của Thánh.

Nguồn: vietmessenger.com/books/?title=bantangocuoicung