Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 16 tháng 6, 2018

Tiếng Việt thời LM de Rhodes – vài suy nghĩ về ‘Phép Giảng Tám Ngày’

(phần 9)

Nguyễn Cung Thông[1]

Phần này bàn về cuốn "Phép Giảng Tám Ngày - Phép giảng tám ngày cho kẻ muốn chịu phép rửa tội, mà vào đạo thánh đức Chúa trời". Các tương quan ghi nhận trong bài cho thấy LM Alexandre de Rhodes đã sử dụng nhiều tài liệu dòng Tên để hoàn thành cuốn sách giáo lý này. Ngoài ra, Phép Giảng Tám Ngày còn phản ánh khuynh hướng truyền đạo của các giáo sĩ dòng Tên mà LM de Rhodes đã được huấn luyện rất kỹ càng trước khi sang Đông Á để thi hành nhiệm vụ của hội thánh. Khuynh hướng truyền giáo dòng Tên có khác với các ‘chỉ đạo khô khan’ và hầu như ‘một chiều’ từ Toà Thánh La-Mã như "Dottrina Cristiana Breve" của LM Roberto Bellarmino[2] vào cùng giai đoạn. Các chữ viết tắt trong phần này là PGTN (cuốn Phép Giảng Tám Ngày), CG (Công Giáo), PG (Phật Giáo), NCT (Nguyễn Cung Thông), ĐCT (Đức Chúa Trời), ĐCGS (Đức Chúa Giê-Su), LM (Linh Mục), HV (Hán Việt), TVGT (Thuyết Văn Giải Tự/khoảng 100 SCN), NT (Ngọc Thiên/543), ĐV (Đường Vận/751), NKVT (Ngũ Kinh Văn Tự/776), LKTG (Long Kham Thủ Giám/997), QV (Quảng Vận/1008), TV (Tập Vận/1037/1067), TNAV (Trung Nguyên Âm Vận/1234), CV (Chính Vận/1375), TVi (Tự Vị/1615), VB (Vận Bổ/1100/1154), VH (Vận Hội/1297), LT (Loại Thiên/1039/1066), CTT (Chính Tự Thông/1670), TViB (Tự Vị Bổ/1666), TTTH (Tứ Thanh Thiên Hải), ĐNQATV (Đại Nam Quấc Âm Tự Vị), Bản Báo Cáo vắn tắt về tiếng An Nam hay Đông Kinh (viết tắt là BBC) và từ điển Annam-Lusitan-Latinh (thường gọi là Việt-Bồ-La, viết tắt là VBL) có thể tra từ điển này trên mạng, như trang này chẳng hạn http://books.google.fr/books?id=uGhkAAAAMAAJ&printsec=frontcover#v=onepage&q&f=false. Trang/cột/tờ của VBL được trích lại từ bản La Tinh để bạn đọc tiện tra cứu thêm.Hi vọng bạn đọc thấy thích thú và tìm hiểu sâu xa hơn về những vấn đề ghi lại trong bài viết nhỏ này. Trước khi đi vào đầu đề phần này, chúng ta hãy nghe chính tác giả/LM de Rhodes trình bày vài suy nghĩ về sách giáo lý của ông:"Các chư tăng rất hài lòng vì thấy tôi làm cho họ nhận biết sự hoà hợp giữa Tôn giáo và Lý trí[3] và nhất là họ khen ngợi Thập điều của Chúa ... Phương pháp tôi đem trình bày với họ là: trước hết tôi bàn về linh hồn bất tử và sự sống đời sau, rồi từ đó tôi làm chứng cớ có Thượng đế, sự quan phòng của ngài, và dần dần tôi đưa họ tới những mầu nhiệm khó hơn ... Kinh nghiệm cho hay rằng lối trình bày giáo lý cho người ngoài Kitô giáo như vậy rất bổ ích. Phương pháp đó, tôi đã giải thích trong sách Giáo lý (Phép giảng tám ngày) mà tôi đã làm tám ngày, trong đó tôi cố gắng đề cập đến hết các chân lý căn bản phải dạy cho người ngoài Kitô giáo" - trích từ trang XXIV-XXV "Phép giảng tám ngày" Tủ sách Đại Kết (sđd, 1993).

1. Tại sao lại là Phép Giảng Tám Ngày?

Nên nhắc lại là LM de Rhodes có ý định là sang Nhật Bản để truyền giáo (1619), nhưng Nhật Bản lại cấm đạo nghiêm ngặt vào thời kỳ này nên ông phải lưu lại ở Goa cho đến năm 1622. Đến cuối tháng 12 năm 1624 LM de Rhodes mới cập bến Đà Nẵng bắt đầu học tiếng Việt. Một cách giải thích nguồn gốc của PGTN là LM de Rhodes đã dựa vào các tài liệu dòng Tên trước đó để soạn ra PGTN, như cuốn Catechismus Japonensis (Phép Giảng cho Nhật Bản, viết tắt là PGNB - khoảng năm 1586) của LM Alessandro Valignano[4] và nhất là cuốn Thiên Chúa Thật Nghĩa 天主實義 (viết tắt là TCTN - khoảng năm 1603) của LM Matteo Ricci[5]. Trong quá trình huấn luyện để thụ phong LM dòng Tên, đặc biệt là được gởi sang Nhật Bản để truyền giáo, LM de Rhodes đã có thể phải tham khảo và học hỏi từ các tài liệu như PGNB và TCTN. Cuốn TCTN rất phổ thông và có nhiều bản lưu hành ở TH, VN, Nhật và Hàn quốc[6]. Ngoài ra, trong các hoạt động truyền đạo sau này ở An Nam thì LM de Rhodes thường đem theo cuốn TCTN của LM Matteo Ricci để trao cho các người biết chữ Nho để đọc thêm[7] khi có dịp. Dựa vào phương pháp lý luận tự nhiên ("phải lẽ") của LM Matteo Ricci, mà LM de Rhodes nhắc lại nhiều lần:"Trời (blời) là nhà chẳng biết đí gì, thờ thì chẳng phải lẽ (mlẽ) đâu ... Có phải lẽ thì phải làm, chẳng phải thì chớ" PGTN trang 14, 17, v.v. Cả hai tài liệu trên (PGNB và TCTN) đều có cấu trúc 8 chương (PGNB gọi là conference) với phương pháp luận và cách trình bày khá giống nhau: từ ý nghĩa của cuộc sống và đấng Tạo Hoá, linh hồn bất diệt so với thể xác, tam giáo và các sự vô lý, cuộc đời ĐCGS và mười điều răn. Cả hai tài liệu đều phủ nhận thuyết luân hồi của PG, khái niệm VÔ 無 của đạo Lão và KHÔNG 空 của PG và THÁI CỰC 太極 của trường phái Tân Nho Gia (Neo-Confucianism). PGTN cũng có 8 chương (LM de Rhodes ghi là 8 ngày) cũng có một bố cục 8 phần (8 ngày[8]) với nội dung tương tự tuy thứ tự có hơi khác, đương nhiên là có một số chi tiết trích từ Kinh Thánh - các vấn đề đã được bàn đến trong PGNB và TCTN sẽ ghi trong ngoặc (V) hay (R) hay viết tắt của các tên tác giả Valignano và Ricci:

Ngày thứ nhất bàn về sự mong ước được sống lâu ("hằng sống") linh hồn thì bất diệt so với thể xác (V) (R), nguồn gốc trời đất và con người, dẫn đến một Đấng Tạo Hoá hay ĐCT ở trên thiên đàng so với địa ngục ("âm phủ") (R).

Ngày thứ hai bàn về Tam Giáo, phủ nhận các đạo thờ Bụt (ngẫu tượng, kể cả đức Phật Thích Ca) và khái niệm âm dương/thái cực so với một ĐCT là "cội rễ đầu mọi sự" (PGTN trang 43) (V) (R), hay "Thiên địa vạn hữu chi chân chúa" PGTN trang 29.

Ngày thứ ba bàn về đức Thợ Cả (ĐCT) (V) (R) làm nên mọi loài (PGTN trang 72) và câu chuyện ông Adam và bà Eva (tổ tiên loài người) trong "vườn vui vẻ[9]".

Ngày thứ bốn bàn về tội tổ tông (từ thời Adam và Eva ăn trái cấm hay "trái chết" PGTN trang 91) (V), chuyện ông Noe đóng tàu và các đời con cháu về sau và ngôn ngữ loài người. Đi sâu hơn vào chi tiết của Tam Giáo và phủ nhận các "đạo vạy" này. Chi tiết về nguồn gốc PG ở TH - xem thêm mục 2 bên dưới.

Ngày thứ năm bàn về khái niệm Ba Ngôi đồng nhất thể và câu chuyện về ông thánh Augustinus để cho thấy khái niệm này rất thâm sâu ("ta suy chẳng đến" PGTN trang 142). Sau đó ghi lại câu chuyện đức Mẹ "đồng thân[10]" và khi ĐCGS ra đời cứu thế.

Ngày thứ sáu bàn về cuộc đời ĐCGS, con ĐCT, làm các phép mầu nhiệm cứu giúp thiên hạ.

Ngày thứ bảy bàn về chuyện Juda phản chúa, ĐCGS bị đóng đanh trên cây thập tự cùng với hai tên trộm. Sau khi chết, xuống "limbo" (Lâm-Bô HV) và ĐCGS sống lại (V) (R), ĐCGS sau đó lên trời và các Thánh Thiên Thần hiện xuống.

Ngày thứ tám bàn về ngày tận thế và sự phán xét chung (R) để cho thưởng hay phạt con người đời đời. Phải tin vào Giáo Hội CG với đức giáo hoàng[11] ("ông thánh Papa" PGTN trang 312) coi sóc từ Roma. Người CG phải luôn tuân theo mười điều răn cùng phép Rửa Tội (V). Phần cuối bàn về các điểm chính trong Kinh Tin Kính, dựa nhiều vào sách giáo lý Roma của công đồng Trentô[12] (The Catechism of The Council of Trent, 1566).

Lại có một cách giải thích khác về tựa đề PGTN theo các tác giả Trần Duy Nhiên và Roland Jacques[13]: " trong Cựu Ước, một người[14] muốn xác định mình theo Thiên Chúa thì phải chịu cắt bì (cắt da qui đầu) vào ngày thứ tám. Sau này, khi một người muốn gia nhập Công Giáo thì phải chịu bí tích Thanh Tẩy (cũng còn gọi là phép Rửa Tội). Vì thế mà Alexandre đã xếp những bài giảng trong vòng 8 ngày để cho một dự tòng nhận phép Rửa Tội. Điều này được ông cho thấy rõ ngay ở tựa cuốn sách mình: “Phép giảng tám ngày. Cho kẻ muốn chịu phép rửa tội, mà vào đạo thánh đức Chúa trời”.

2. Câu chuyện về đạo Phật truyền sang Đông Á

Một câu chuyện rất đáng chú ý, về giai đoạn PG đầu tiên nhập vào Trung Hoa, được ghi trong PGTN trang 109-110:"lại có vua đại minh đời xưa, tên là Hán minh đế, coi thấy điều ấy trong sách ông khổng ... chốc ấy vua Hán minh thì chọn trong đại thần một người nhít, đi sứ bên nước ấy ... cho đến bên đại tây dương, chưa được nửa phần đàng: song le vì đã chịu nhiều khốn khó dọc đàng ấy, mà nhọc, thì toan chẳng đi xa nữa, lại tìm ở nước thiên trúc ấy, có đạo nào chăng, mà đam về cho vua đại minh[15], khi ấy bên thiên trúc cuốc (quốc) có cho nó đạo Thíc (Thích, đạo Phật - NCT), những dối blá (trá) vậy, nó thì mầng (mừng), mà lếy (lấy) đạo ếy (ấy) đam về cho vua nó; cùng nói dối vua rằng 'bởi đại tây dương lấy đạo ấy mà về'. Vua thì tin mlời (lời) sứ, mà chẳng có xét gì, những chịu lấy đạo ấy, mà tức thì có đạo bụt, và làm chùa triền thờ vậy: chốc ấy dên (dân) dại dột thì theo vua, mà chịu lấy đạo gian, thờ bụt cùng vua". Hai thập niên sau, Samuel Baron[16] cũng ghi lại câu chuyện sứ thần nhà Đông Hán thay vì sang Đại Tây Dương (để thỉnh kinh CG về) lại lạc qua Thiên Trúc (Ấn Độ - cũng vì mệt nhọc và không muốn đi xa nữa – NCT) và thỉnh các bộ kinh PG về TH - xem hình chụp trang 706 bên dưới từ bài viết "A Description of the kingdom of Tonqueen" đăng lại bởi John Walhoe, London (1732). Tác giả Baron còn nhận xét thêm là nếu đem kinh CG về thì các nước Á Châu bây giờ không đến nỗi ‘vô thần’ và ‘mê tín dị đoan như thế’ (để ý năm ra đời của viết bài này là 1683 – ghi trong trang 681). Hình thứ nhì bên dưới chụp lại trang 76 từ "Sách Sổ Sang chép các việc" của LM Philiphê Bỉnh (1822), tác giả cũng ghi lại câu chuyện sứ thần vua Hán Minh Đế thay vì qua Tây phương thỉnh kinh ĐCT (kinh CG) thì lại ngừng ở giữa đường. Đấy là nước Thiên Trúc (Ấn Độ) và lại lấy kinh PG đem về cho vua, vua cả tin và từ đó đạo Phật (đạo Thích Ca) bắt đầu phát triển ở TH và Nhật Bản, v.v. Có thể đã từng hiện diện một ‘tài liệu nào đó[17]’ mà LM de Rhodes, Samuel Baron và LM Philliphê Bỉnh[18] đã biết qua, cũng nên nhắc là trang đầu bài viết (trang 656), Baron có nhắc đến các LM dòng Tên Martin (Martini, tiếng Ý) và Alexandre de Rhodes: ông cũng cho là các tài liệu từ các vị này thì đáng tin hơn là bài viết của Jean Baptiste Taverniere (1680). Các tác giả này đều đã từng là LM dòng Tên hay đã dùng rất nhiều tài liệu để lại từ dòng Tên: như LM Philiphê Bỉnh, trong "Sách sổ sang ghi chép các việc" ông ghi rõ ngày chết của LM Alexandre de Rhodes và LM Maiorica, số sách Nôm của LM Maiorica đã soạn, 42 quyển kinh PG đem về TH vào thời Hán Minh Đế, thư viện của dòng Tên với thư mục theo tên tác giả, v.v.

clip_image002

Trang 706 cuốn "A Description of the kingdom of Tonqueen" của Samuel Baron (in lại năm 1732)

Theo các tài liệu Hán và PG[19], như 後漢書·卷八十八·列傳·西域傳·第七十八 "Hậu Hán thư· Quyển bát thập bát· Liệt truyện· Tây Vực truyện· Đệ thất thập bát" thì Hán Minh Đế (năm 68 SCN) nằm mộng thấy người bằng vàng chói sáng, gọi là Phật (*bụt), nên sai sứ sang Thiên Trúc thỉnh kinh PG về Lạc Dương, sau đó dựng chùa Bạch Mã và thỉnh các cao tăng sang TH hành lễ. Đa số các tài liệu và sử gia thường trích câu chuyện trên khi viết nguồn gốc PG ở TH. Vấn đề các giáo sĩ Dòng Tên đặt ra về nguồn gốc PG ở TH cho thấy một cách nhìn và diễn giải khác hơn so với cách hiểu ‘truyền thống’, cũng như so với khả năng PG đến TH qua ngã Giao Chỉ[20] (Luy Lâu) - mà rất ít người TH chấp nhận!

clip_image004

Sách Sổ Sang chép các việc/trang 76

clip_image006 Sách Sổ Sang chép các việc/trang 473

3. Sử dụng văn hoá và ngôn ngữ bản địa trong quá trình truyền đạo

Kiên thằng khả kế ngưu giác lý ngữ năng phục nhân tâm là "dây bền khá buộc được sừng trâu, lẽ thật khá phục được lòng người ta" PGTN trang 11. Trong PGTN, cột tiếng Việt lại có thêm phần chú bằng HV trong ngoặc như câu này! VBL chỉ ghi nhận hai chữ HV lí (mlẽ) và nhân (nhin) mà thôi. Theo PGTN thì câu trên lấy từ sách An Nam ra, hàm ý phải học chữ Nho hay Nôm mới biết được! Một nhận xét thêm ở đây là cách dùng HV như thế cho thấy LM de Rhodes đã nhờ một cộng sự viên nào đó - người này phải rất rành chữ Nho/HV - để viết thêm vào câu trên, tăng thêm mức độ đáng tin của lời giảng và rõ ý hơn, hay phục vụ cho một thiểu số người An Nam có học ("hay chữ"/VBL - có học chữ Hán/Nôm) vào thời này. Người viết (NCT) rất ngạc nhiên khi LM de Rhodes lại nói câu trên là "Có chữ trong sách An Nam rằng: kiên thằng khả kế ngưu giác lý ngữ năng phục nhân tâm". Tra cứu thêm nguồn gốc câu trên từ các tài liệu Hán văn thì thấy trong tác phẩm Thiên Chúa Thật Nghĩa 天主實義 của LM Matteo Ricci (Lợi Mã Đậu 利瑪竇) có ghi câu nói này trong các đối thoại (dialogue) giữa một nhà nho và một tín đồ CG. Theo tác phẩm đã trích thì câu này là một ngạn ngữ ở Tây phương (Tây ngạn hữu vân: kiên thằng khả kế[21] ngưu giác, lí ngữ năng phục nhân tâm 西諺有雲 "堅繩可繫牛角,理語能服人心"). Như vậy thì có thể LM de Rhodes đã nhầm chăng? Hay sách An Nam mà PGTN ghi nhận có thể là sách ở bên TQ đem qua để tham khảo? Rải rác trong PGTN và VBL, ta cũng có thể nhận ra ảnh hưởng các tài liệu Hán văn của LM Matteo Ricci thời đầu thế kỷ XVII như được ghi nhận trong bài viết này. Câu trên cũng phản ánh phương pháp dùng lý lẽ tự nhiên trong quá trình giảng đạo của các giáo sĩ dòng Tên: từ thời LM bề trên Alessandro Valignano cho đến LM Matteo Ricci. Đặc biệt là dùng ngôn ngữ bản địa để hoà nhập vào tư tưởng CG. Dĩ nhiên là LM de Rhodes đã thừa hưởng nhiều lý luận trong các tài liệu Dòng Tên để lại và từ các LM tiên phong đàn anh. Thí dụ như trang 49 trong PGTN, LM de Rhodes ghi nhận một câu nói từ đời xưa ở An Nam "(sinh kí dã, tử qui dã) sống là gửi, chết là về[22]" và chỉ ra sự khác biệt giữa sống lành và sống dữ để về sau sẽ bị phán xét công bằng, hàm ý là nên lưu tâm đến cuộc sống hiện tại để khi chết không bị xử phạt khốn khổ (~bị xuống địa ngục hay ‘về quê[23]’ dữ).

"Thiên phú địa tải, Trời (blời) che đất chở" là thành ngữ HV 天覆地載, lặp lai hai lần trong VBL (mục phú và tái) và PGTN. Thành ngữ bốn chữ này từng hiện diện từ thời Lễ Kí - Trung Dung 記•中庸:天之所覆,地之所載 Thiên chi sở phú, địa chi sở tái - hàm ý trời đất bao la hay ơn huệ cho con người (ơn vua ban chẳng hạn - NCT) thì thâm hậu vô cùng, hay chỉ sự việc gì rất to tát có ảnh hưởng lớn rộng: "Trong (tlaŏ) đại minh (VBL không viết hoa - NCT) có lời rằng (thiên phú địa tái) trời (blời) che đất chở. Vậy thì trời là nhà, đất là nền … Cũng có kẻ nói rằng (thiên phú địa tải) trời che ta, đất chở ta: mà sao ta chẳng lạy" PGTN trang 11-12, 14 ; "cùng cho những ơn trọng, dạy trời che đất chở, mặt trời soi cùng muôn vật nuôi nấng như con thật" TCTGHTK trang 15a. LM de Rhodes đã dựa vào thành ngữ phổ thông[24] vào thời này để lý luận tiếp theo là ta phải thờ phượng gốc rễ hay người đã tạo ra cái nhà to lớn đã cho ta ở, tức là ĐCT, chứ không nên thờ trời hay đất vì chúng chỉ là vật chất mà không có lý trí (VBL trang 714, PGTN trang 12-15).

4. Ba đấng cha (Tam phụ)

Thượng phụ 上父 là đấng cha trên hết tất cả hay Thượng Đế (PGTN trang 22). VBL không ghi cách dùng này, PGTN trang 22 ghi "Thứ nhất là thượng phụ, thật là thượng đế, mà vua Chúa An nam tế thượng đế trước mặt thiên hạ cùng đại thần". Trung phụ 中父 là vua chúa trong một nước (PGTN trang 22/23). VBL không ghi các cách dùng này, Trung phụ chỉ đấng cha dưới Thượng phụ nhưng trên Hạ phụ (Tam phụ). Béhaine/Taberd (1772/1773-1838) ghi rõ các nghĩa của thượng phu, trung phụ và hạ phụ. LM Matteo Ricci từng bàn về Tam Phụ thuyết 三父說, PGTN ghi là ba đấng cha, đưa ra các tương ứng giữa liên hệ quân-sư-phụ và thượng đế-vua/chúa-cha mẹ/ông bà ông vải. PGTN (trang 17) ghi nhận "Bây giờ ta phải hay có ba đấng bề trên, gọi là ba cha, ta phải thờ ở đấng nào, cho nên đấng ấy". PGTN (trang 23-25) giải thích thêm chi tiết các liên hệ trên qua các tục cúng lễ vào đầu năm ở An Nam, đặc biệt nhìn từ lăng kính hai đạo trung và hiếu. Cách dùng trên cho thấy phần nào khuynh hướng hội nhập tư tưởng Á Đông trong quá trình truyền đạo một cách hữu hiệu hơn của các giáo sĩ dòng Tên. Một mục đích nữa là dẫn đến khả năng hiện diện của một đấng cha toàn năng và là cội rễ của con người (thuyết Sáng Tạo/Creation Theory). Cấu trúc ba phần (Trinity, nghĩa mở rộng) thường gặp trong văn hóa truyền thống Á Đông và PG như tam tài (trời, đất và người), tam tai, tam cương (vua tôi, cha con, vợ chồng), tam tòng, tam sinh, tam giới, tam nguyên (trời, đất và nước).

5. Trời và Thiên Chúa (chủ của trời)

LM Matteo Ricci giải thích thiên HV 天 là bầu trời hay không gian cụ thể, chẳng liên hệ gì đến nét nghĩa trừu tượng của thần học hay Thượng Đế 上帝. LM de Rhodes cũng đưa ra nhận xét tương tự: "trời là nhà không chẳng biết đí gì, chẳng khá lạy đất, vì đất là nền, chẳng có hồn nào" PGTN trang 27. Dĩ nhiên là các vị giáo sĩ tiên phong này rất quan tâm về sự hiểu về trời đất và thần thánh của các nền văn hoá bản địa đã có từ lâu đời, đồng thời cố gắng hoà nhập luồng tư tưởng này với giáo lý CG: "chữ ngô có chữ thiên là trời, giải thì có hai chữ, một là chữ nhất, hai là chữ đại nghĩa là một cả. Song le ai là một cả, ắt là đức Chúa Trời sinh ra trời đất muôn vật, thật là một cả" PGTN trang 14. Nhận xét này khá phù hợp với quá trình hình thành chữ thiên từ thời giáp cốt văn[25] (tượng hình một người đang đứng với cái đầu to hay một vùng không gian lớn ở phía trên, thời VBL thì giáp cốt văn chưa được khám phá) - trích từ trang http://www.zdic.net/z/17/zy/5929.htm

clip_image008

Giáp cốt văn Kim văn Tiểu triện Khải thể

LM de Rhodes đã thừa hưởng nhiều công trình dịch thuật trước đó, như cách dùng Thiên Chúa 天主 từ thời LM dòng Tên Michele Ruggieri (1543-1607). VBL trang 762 ghi "thiên chủ, Chúa trời (blời) - chúa của trời, tốt hơn nên dùng thiên chúa". Chữ đệm chúa làm rõ nghĩa của thiên hơn, cũng như cách dùng thiên đàng mà LM de Rhodes đề nghị rằng tốt hơn là nên dùng "thiên Chúa đàng, nhà Chúa trời" trong VBL trang 763. Cách dùng "thiên chúa đàng" 天主堂 thật ra đã hiện diện trong Thiên Chúa Thực Lục/TCTL[26] 天主實錄 (1584). PGTN trang 16 giải thích thêm:"khi thế gian nói rằng 'lạy trời' thì thiếu một chữ Chúa[27], vì vậy thì phải thêm đơm chữ ấy, mà từ này về sau nói làm vậy, ‘tôi lạy đức Chúa trời’, là Chúa cả trên hết mọi sự". Cũng như thượng phụ, cách dùng thượng đế 上帝 cũng bắt đầu đồng nghĩa với thiên chúa theo nhận định của LM Matteo Ricci:"các bạn có thể thấy ngay rằng, sau khi phân tích các cổ thư TH, thượng đế và thiên chúa chỉ khác nhau về cách gọi mà thôi". Đây là những vấn đề cốt lõi mà LM de Rhodes cố gắng giải thích trong "Ngày thứ nhất".

6. Lâm-Bô

Lâm-Bô là phiên âm HV từ tiếng Bồ-Đào-Nha/Ý limbo, gốc là tiếng La Tinh limbus nghĩa là cạnh/bên, hàm ý vùng biên giới của địa ngục. Lâm-Bô là một khái niệm thần học quan trọng trong CG vào thời trung cổ: đặc biệt là nơi chứa linh hồn các hài nhi (limbus infantum) chưa được rửa tội mà đã qua đời và tổ tiên con người trước khi ĐCGS xuống dưới đó (limbus patrum), sau khi trút linh hồn trên cây thánh giá . Khái niệm này bị đào thải từ năm 1992 qua các văn kiện chính thức từ Tòa thánh La Mã[28]. VBL không ghi Lâm-Bô nhưng cụm từ này lại xuất hiện nhiều lần trong PGTN và các bản Nôm của LM Maiorica, chữ Nôm Lâm-Bô viết qua dạng lâm bô HV 林逋 hay lâm phủ HV 林甫: "gọi là limbo, đấy cũng là tù rạc … ĐCT khi vào nơi limbo chẳng lọ là làm cho sáng như trên trời …đã khỏi tù limbo … các linh hồn người thánh ra khỏi lymbo" PGTN trang 240, 243, 249…" cho nhiều linh hồn kẻ ở Lâm-Bô xưa vào xác cũ mà sống lại nữa … Các Thánh bởi Lâm-Bô mà lên" ĐCGS quyển chi cửu/chi thập trang 21-22, 26 - để ý cách dùng lặp lại ý tù ~ limbo. Tiếng Anh vẫn dùng thành ngữ in limbo để chỉ trạng thái không nhất định, kiểu nói ẩn dụ vì limbo từng là vùng biên giới không rõ ràng giữa địa ngục và thiên đàng: “I've made no firm decisions yet, I'm in limbo” (tôi vẫn chưa quyết định hẳn, tôi vẫn còn chần chờ - NCT).

7. Cách dùng ‘Đức Thợ cả’

‘Đức thợ cả’, có lúc LM de Rhodes viết hoa Thợ, dùng 5 lần trong PGTN và Thợ cả dùng 1 lần:" làm ra lâu đài lớn … Song le ĐCT là đức thợ cả làm nên thế giới này ta xem ... Song le ĐCT là đức thợ cả làm nên mọi sự ... ĐCT là đức Thợ cả làm nên mọi loài" PGTN trang 39, 40, 78. Đức Thợ cả là dịch từ tiếng La Tinh architectus hay artifex chỉ người tạo ra (tác giả), có tay nghề (thủ công) ... Khái niệm thợ cả là một ẩn dụ dành riêng và làm cho ĐCGS gần gũi với lương dân hơn, cũng như cha của ĐCGS đã là thợ mộc và dạy cho các con nghề nuôi thân này. Cách dùng đức thợ cả[29] rất lạ trong tiếng Việt vào thời VBL (và ngay cả đến bây giờ): không có ai gọi ông thợ là đức, tuy nhiên đức là danh từ đứng trước tên gọi các bậc tối cao hay vua chúa (theo VBL trang 240) như đức vua, đức Chúa trời ... Một điều cần nhắc ở đây là câu chuyện xây dựng lâu đài trong PGTN giống với câu chuyện dựng cung thất/lâu đài trong TCTN của LM Matteo Ricci (1603), dẫn đến kết quả là cần một thợ cả tổ chức khéo léo mới tạo ra nhà cửa lâu đài cho ta ở: " Đền đài cửa nhà ắt có thợ khéo làm cho nên ... Cũng bằng ai bầy đặt có lâu đài nào khéo, mà có phòng có no mọi nơi ... Như thế thợ nào khéo lo toan làm ra lâu đài lớn, dù mà đã có hình tượng khéo lâu đài ấy trong lòng một mình, song le nếu chẳng có ai giúp việc ấy, mà làm ra bề ngoài, thì làm chẳng được lâu đài ấy đâu" PGTN trang 12, 32, 38-39. Ý kiến ‘xây dựng cung thất/nhà cửa cần đến một người thiết kế/thợ cả khéo léo đầu tiên’ (người biết xếp đặt một cách hệ thống/kiến trúc sư) đã được LM bề trên Alessandro Valignano bàn đến trong cuốn PGNB (viết ở Nhật Bản từ năm 1579 to 1582). LM Matteo Ricci dùng cụm từ cung thất 宮室, LM de Rhodes dùng lâu đài… Điều này cho thấy LM de Rhodes đã chịu ảnh hưởng của các LM dòng Tên đàn anh trong khi soạn PGTN, không những từ những lý luận tổng quát hơn, nhưng cũng có lúc dùng chữ quốc ngữ một cách chọn lọc trong quá trình phiên dịch (VBL: thiên đàng thì nên gọi là thiên Chúa đàng ...).

8. Nhít/nhất phu nhít/nhất phụ: ghi trong mục phụ/VBL - hay một chồng một vợ:"khi chẳng phải việc ngay trong một vợ một chồng ... Mà sự giao cảm cho ngay, thì phải có một vợ một chồng" PGTN trang 299. Một trong những điều răn (điều thứ sáu và thứ chín) gây không ít phản ứng 'tiêu cực' ở An Nam (và TH) vào thời này vì hoàn toàn phủ nhận chế độ thê thiếp của truyền thống lâu đời, v.v. Thiên Chúa Thật Lục và Thiên Chúa Thật Nghĩa (Matteo Ricci) đã công kích mạnh mẽ truyền thống này (đa thê, cũng như các mê tín dị đoan xã hội liên hệ), lây lan qua các tác phẩm của de Rhodes[30] (VBL, PGTN). Đây là một trong nhiều vết tích cho thấy ảnh hưởng không nhỏ từ các LM dòng Tên đàn anh khi LM de Rhodes soạn VBL và PGTN.

9. Giác hồn và sinh hồn

Trong TCTN, LM Matteo Ricci đề cập đến linh hồn của thú vật và cây cỏ, dựa vào TCTL của LM Ruggieri trước đó - theo LM Ruggieri thì "hồn con người không mất đi và rất khác biệt so với hồn của chim chóc hay thú vật" theo GS Thierry Meynard viết trong "The Overlooked Connection between Ricci's Tainzhu shiyi and Valignano's Catechismus Japonensis". LM de Rhodes cũng ghi nhận:"sách Thíc ca nói tỏ tường rằng hồn cây cối cùng hồn muông chim cho đến hồn người ta, thì chẳng có khác; vậy thì nó làm linh hồn người ta hay chết, cũng bằng giác hồn hay sinh hồn" PGTN 116-117. VBL ghi rõ là sinh hồn chỉ hồn của cây cối (anima vegetatiua/L), giác hồn chỉ hồn của súc vật (alma dos animais/Bồ-Đào-Nha, anima sensitiva[31]/L). Học giả Huỳnh Tịnh Của (ĐNQATV) lại giải thích sinh hồn là hồn của người sống, phù hợp với nghĩa HV như trong Thái Bình Quảng Kí 太平廣記 (đầu thời Tống, 978), hay trong các tác phẩm của nhà viết kịch Chu Khải 朱凱 thời Nguyên. Truyền thống người Việt thường tin vào linh hồn của cây cối như qua ca dao "Cây gạo có ma, cây đa có hồn … Ở cho phải phải phân phân. Cây đa cậy thần, thần cậy cây đa", cũng như một số tôn giáo trên thế giới (như đạo Jain ở Ấn Độ). Đây là một điều mà các giáo sĩ Tây phương hoàn toàn phủ nhận vì không phù hợp với giáo lý CG.

10. Cách dùng vạn, vàn và muôn

10.1 Vàn là một trăm ngàn (centum millia/L), "thiên vàn thiên vàn" (VBL ghi thien uàn ~ thiên vàn) là ước gì anh sống triệu năm:"có phải chém hay là chết chứng khác, đã đến mười một vàn người ta, mà kẻ bắt đi làm tội, khi giặc được thành Ierusalem, thì kể chín muôn bảy nghìn đứa" PGTN trang 259-260, "kẻ quan Ti-Tô bắt được chín muôn bảy nghìn, kể những kẻ chết chém cùng kẻ chết đói thì được mười một muôn" ĐCGS quyển chi thập trang 134. Vàn là một trăm ngàn, do đó mười một vàn là một triệu một trăm ngàn, đúng với số lượng mà tài liệu lịch sử từng ghi lại. Ngoài ra, vàn còn dùng trong PGTN trang 62 "khiến một mình đánh phá hết cả và giặc thằng Assirio: mà một đêm thì đánh chết một vàn tám muôn năm nghìn quân giặc ấy". Đây là đoạn trích từ Kinh Thánh (Các Vua) 2 Kings 19:35 "Chính đêm ấy, thiên sứ của ĐỨC CHÚA ra đánh chết một trăm tám mươi lăm ngàn người trong trại quân Át-Sua. Ban sáng, khi người ta thức dậy, thì kìa, toàn là thây ma xác chết". LM Maiorica/cộng sự viên đã đánh đồng muôn (mười ngàn hay vạn) và vàn (một trăm ngàn) trong bản Nôm ĐCGS quyển 9/10. Hiện tượng thay đổi thanh điệu với nét nghĩa mở rộng vào thời VBL còn thấy trong các cách dùng đây (ở đây) so với đấy (ở đấy), kia (hôm kia - đã qua ba ngày) so với kìa (hôm kìa - đã qua bốn ngày) và kĩa (kỉa - đã qua năm ngày thời ĐNQATV). VBL cũng ghi cách dùng man vạn hay muôn muôn vàn vàn (từ láy) là hàng ngàn triệu, muôn tuổi là chúc sống lâu. Chữ Nôm vạn và vàn đều là vạn HV 萬, đây là một khuyết điểm của chữ Nôm so với chữ quốc ngữ, nhất là từ lăng kính đo lường chính xác (định lượng).

10.2 Vạn, muôn là mười ngàn (decem millia/L), tương ứng với vạn HV 萬. Đến thời Béhaine (1772/1773) và Taberd (1838) thì vàn và vạn đã cùng một nghĩa là mười ngàn. Các dạng vạn, vàn, muôn, man cho thấy khả năng vạn[32] HV 萬 có gốc phương Nam.

Tóm lại, LM de Rhodes dĩ nhiên đã dùng nhiều chi tiết từ Kinh Thánh (Tân Ước và Cựu Ước) để soạn ra PGTN, nhưng khi xem kỹ văn bản thì ta có thể tìm thấy các ảnh hưởng khá rõ nét từ các tài liệu dòng Tên và toà thánh La-Mã thời trước VBL hay cách đây trên bốn thế kỷ. Từ PGNB của LM Alessandro Valignano cho đến TCTN của LM Matteo Ricci và PGTN: bài viết (phần 9) này chỉ ghi lại vài dữ kiện tiêu biểu để minh chứng mối dây liên hệ thú vị giữa các tài liệu trên. Đây còn là một kết quả trực tiếp từ quá trình huấn luyện và chuẩn bị các giáo sĩ dòng Tên khi chính thức được gởi đi truyền đạo, luôn khuyến khích sự học hỏi và ghi chép về ngôn ngữ và văn hoá những nơi đến truyền đạo. Khả năng sử dụng thành thạo ngôn ngữ bản địa và hoà nhập/thích nghi văn hoá (culture accommodation) từng được LM bề trên Alessandro Valignano nhắc nhở, và chính sách mới mẻ này hầu như được duy trì cho suốt thế kỷ XVII. Đây cũng là lý do khiến LM dòng Tên Maiorica[33] viết rõ là "Sách có một hai khi bớt hay là thêm mặc, có khi phải chịu theo [ý] thói An-Nam" TCTGKM trang 14. Truyền thống này còn thể hiện qua các tác phẩm của LM Philiphê Bỉnh[34] cách đây khoảng hai thế kỷ. PGTN cho ta cơ hội so sánh sự thay đổi và trọng tâm của giáo lý CG so với thời nay như khái niệm về địa ngục Lâm-Bô, cũng như một số phép lễ đặc biệt vào thời đó như tục thờ cúng tổ tiên, ma chay ... Nhờ vào các tài liệu này - phần nào mang sắc thái của công trình tập thể (so với VBL chẳng hạn) - mà ta có thể tìm thấy nhiều dữ kiện chính xác hơn về tiếng Việt và văn hoá của tiền nhân cách đây bốn thế kỷ. Các tài liệu như PGTN/VBL là nguồn bổ túc quan trọng cho các tác phẩm chữ Nôm vào cùng thời đại.

11. Tài liệu tham khảo chính

1) Samuel Baron (1685) "A Description of the kingdom of Tonqueen" đăng lại bởi John Walhoe, London (1732) - trang 656 đến trang 707 trong tuyển tập này) - có thể đọc toàn bài trên trang này chẳng hạn http://www.lexilogos.com/vietnam_carte.htm

2) Pigneau de Béhaine (1772/1773) - Bá Đa Lộc Bỉ Nhu "Dictionarium Annamitico-Latinum" Dịch và giới thiệu bởi Nguyễn Khắc Xuyên, NXB Trẻ (Thành Phố HCM - 1999).

clip_image009 (1774/Quảng Đông - Địa phận Đàng Trong tái bản năm 1837) "Thánh Giáo Yếu Lý Quốc Ngữ" 聖教要理國語 viết bằng chữ Nôm theo dạng Hỏi-Thưa. Y Doãn Ninh/Lê Bảo Tịnh phiên âm và chú giải, La Vang Tùng Thư xuất bản (Mỹ).

3) Phillipe Bỉnh (1822) "Sách Sổ Sang Chép Các Việc" NXB Viện Đại Học Đà Lạt, 1968.

4) Paula Esguerra (2015) “Pragmatic Cultural Accommodation: A Study of Matteo Ricci’s Chinese Works” đăng trong ICU Comparative Culture 47 (2015): 29-61.

5) Nguyễn Hồng (1959) "Lịch sử truyền giáo ở Việt Nam - Quyển 1 - Các Thừa Sai dòng Tên 1615 - 1665" NXB Hiện Tại (Sài Gòn).

6) Joseph Trương Kỷ (2000) "Thiên Chúa Giáo và Tam Giáo" Tủ Sách Đàm Đạo Tôn Giáo - có thể đọc trên mạng như https://xuanbichvietnam.wordpress.com/2010/01/06/thien-chua-giao-va-tam-giao/ hay http://daichungvienvinhthanh.com/thien-chua-giao-va-tam-giao/

7) Hui Li (2012) "Jesuit missionaries and the transmission of Christianity and European knowledge in China" đăng trong Transnational Encounters in Asia, Volume 4 (2012) - Emory University, Atlanta (USA).

8) Giêrônimô Maiorica (thế kỷ XVII) "Mùa Ăn Chay Cả", "Thiên Chúa Thánh Mẫu - Quyển thượng", "Thiên Chúa Thánh Mẫu - Quyển trung", "Đức Chúa Giê-Su - Quyển chi cửu & Quyển chi thập", "Thiên Chúa Thánh Giáo Hối Tội Kinh" (TCTGHTK), “Thiên Chúa Thánh Giáo Khải Mông” (TCTGKM), "Kinh Những Ngày Lễ Phục Sinh - Quyển thứ ba", “Các Thánh Truyện”. Sách lưu hành nội bộ (năm xuất bản 2002/2003 - LM Nguyễn Hưng).

9) Thierry Meynard S.J. (2013) "The Overlooked Connection between Ricci's Tianzhu shiyi and Valignano's Catechismus Japonensis" Japanese Journal of Religious Studies 40 No. 2 (2013): 303-322.

10) Peter C. Phan (2015) "Mission and Catechesis: Alexandre de Rhodes & Inculturation in Seventeenth-Century Vietnam" NXB Orbis Books (New York, Mỹ).

11) Alexandre de Rhodes (1651) "Phép Giảng Tám Ngày" - Tủ Sách Đại Kết in lại từ Tinh Việt Văn Đoàn (1961 - Sài Gòn) với phần giới thiệu của tác giả Nguyễn Khắc Xuyên.

clip_image010 (1651) “Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum” thường gọi là từ điển Việt-Bồ-La; bản dịch của Thanh Lãng, Hoàng Xuân Việt, Đỗ Quang Chính - NXB Khoa Học Xã Hội, Thành Phố HCM (1991).

clip_image011 “Tường Trình về Đàng Trong 1645” bản dịch của Hồng Nhuệ, NXB Ánh Sáng Publishing, Escondido (California/Mỹ, 1994?).

clip_image012 "Lịch sử Vương Quốc Đàng Ngoài từ 1627 tới năm 1646" dịch giả Nguyễn Khắc Xuyên - Tủ sách Đại Kết, Thành phố HCM (1994).

12) Paul A. Rule (2010) "What were 'The directives of Matteo Ricci' regarding the Chinese Rites?" PacificRim Report, No. 54 (5/2010) - University of San Francisco.

13) Nicolas Standaert (2010) "Matteo Ricci: Shaped by the Chinese" The Online Journal of the British Jesuits - có thể đọc toàn bài trên trang này chẳng hạn https://www.thinkingfaith.org/articles/20100521_1.htm

14) Jean Louis Taberd (1838) - tên Việt là cố Từ - "Dictionarium Annamitico-Latinum" Serampore (Bengale).

15) Nguyễn Cung Thông (2016) "Cách nói xuống thuyền, trên trời, ra đời, Đàng Trong/Ngoài ... thời LM Alexandre de Rhodes (phần 1)" có thể xem toàn bài trang này http://chimvie3.free.fr/baivo/nguyencungthong/ncthong_CachDungXuongThuyenTrenTroiVaRaDoiP1.pdf

clip_image013 (2016) "Cách nói tôi, ta, tao, tớ, qua, min ... Tiếng Việt thời LM de Rhodes" - có thể xem toàn bài trang này http://chimvie3.free.fr/baivo/nguyencungthong/ncthong_CachNoiToiTaTaoToP2.pdf

clip_image014 (2018) "Tiếng Việt từ thời LM de Rhodes - Kinh Lạy Cha (phần 5A)" có thể xem toàn bài trên trang https://nghiencuulichsu.com/2018/02/06/tieng-viet-tu-thoi-lm-de-rhodes-kinh-lay-cha/ hay https://www.facebook.com/conggiao.info/posts/158664171142710, v.v.

clip_image014[1] (2018) "Tiếng Việt từ thời LM de Rhodes - Kinh Lạy Cha (phần 5B)" có thể xem toàn bài trên https://vandoanviet.blogspot.com/2018/04/tieng-viet-tu-thoi-lm-de-rhodes-kinh_24.html?m=0, v.v.


[1] Nghiên cứu tiếng Việt độc lập ở Melbourne (Australia). Địa chỉ email nguyencungthong@yahoo.com

[2] LM dòng Tên/Hồng Y Roberto Bellarmino (tiếng Anh là Robert Bellarmine 1542-1621): giáo sư Thần học, được phong thánh năm 1930, từng viết "Phép Giảng" (Catechism, có hai loại dài và ngắn/tóm tắt) được dịch ra trên 50 thứ tiếng và là sách giáo lý CG bán chạy nhất (bestseller) từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX, Các tài liệu này dựa vào sách giáo lý từ công đồng Trentô. Cuốn "Dottrina Cristiana Breve" của LM Roberto Bellarmino cũng là nguồn tài liệu chính cho bản Nôm "Thiên Chúa Thánh Giáo Khải Mông" của LM Maiorica.

[3] Người viết (NCT) tô đậm các chữ trong đoạn này.

[4] LM dòng Tên Alessandro Valignano (1539-1606) người Ý, có tên chữ Nho là 范禮安 Phạm Lễ An và là LM bề trên (Visitor) coi sóc khu vực Nam và Đông Á từ năm 1573. Ông có công lớn trong lịch sử truyền đạo CG ở Đông Á, nhất là Nhật Bản. Dưới sự chỉ đạo của ông, hai LM dòng Tên Michele Ruggieri và Matteo Ricci đã đến Ma-Cao truyền giáo, đặc biệt là phải học rành rẽ ngôn ngữ và văn hoá bản địa (TH) để phục vụ hoạt động truyền đạo thêm hiệu quả. Ông là động lực chính thúc đẩy các giáo sĩ dòng Tên phải hoà nhập và thích nghi với ngôn ngữ và văn hoá bản địa, và do đó LM Matteo Ricci sau này đã cho ra nhiều công trình văn hoá/tôn giáo (chữ Hán) nổi bật. LM Valignano đã viết một nhận xét nổi tiếng về dân tộc Nhật cách đây hơn bốn thế kỷ: "trội hơn các dân tộc khác ở Á Châu, mà còn hơn cả dân Âu châu nữa" trích từ "Historia del Principo y Progresso de la Compania de Jesus en las Indias Orientales (1542-64).

[5] LM dòng Tên Matteo Ricci (1552-1610) người Ý, là Tổng Giám mục CG ở Trung Quốc (1597-1610). Ông đến Macau vào năm 1582 và có công lớn trong hoạt động truyền đạo CG ở Trung Hoa, ngoài ra các công trình của ông còn là một biểu tượng tích cực và là tấm gương cho sự hoà nhập ngôn ngữ văn hoá bản địa trong quá trình truyền giáo. LM Ricci đã viết nhiều tài liệu bằng chữ Hán như Thiên Chủ Thực Lục, Thiên Chủ Thực/Thật Nghĩa, Thiên Học Thực Lục, Thiên Học Thực Nghĩa, Kỉ Hà Nguyên Bổn, Khôn Dư Vạn Quốc Toàn Đồ (vào năm 1602/Bắc Kinh - LM Ricci từng làm cho các bậc danh sĩ TQ ngạc nhiên và thán phục khi cho thấy bản đồ thế giới người Âu Châu vẽ - ông đã vẽ bản đồ thế giới đầu tiên bằng tiếng TH khác hẳn với bản đồ TQ vẽ - trong đó các nước chung quanh TQ nhỏ tí và nếu hợp lại thì không bằng một tỉnh TQ thời bấy giờ), Tây Tự Kì Tích, Nhị Thập Ngũ Ngôn, Giao Hữu Luận, Tây Quốc Kí Pháp, Biện Học Di Độc (xuất bản năm 1635, ghi nhận các trao đổi giữa CG và Tịnh Độ Tông), Đồng Văn Toán Chỉ, Thật Dụng Toán Thuật Khái Luận, Trắc Lượng Pháp Nghĩa, Viên Dung Giác Nghĩa, v.v. Phương pháp truyền đạo và soạn tài liệu giảng đạo của LM Ricci, được hướng dẫn bởi LM bề trên Valignano, là (a) học hỏi ngôn ngữ và hoà nhập cùng văn hoá bản địa (b) truyền giảng CG từ 'cao xuống thấp' (from the top down) - phản ánh qua sự thân thiện với quan lại và các cấp lãnh đạo địa phương (c) truyền giảng gián tiếp bằng kỹ thuật và khoa học Tây phương - td. cách đo thời gian (đồng hồ máy), làm lịch và vẽ bản đồ chính xác, nguyệt và nhật thực (d) sẵn sàng hoà nhập với các giá trị văn hoá bản địa khi thấy thích hợp - td. đức tính hiếu thảo. LM de Rhodes cũng dựa vào các 'quy trình' trên trong những hoạt động truyền đạo ở Đàng Trong/Ngoài.

[6] Thí dụ như CG được biết đến lần đầu tiên ở Hàn quốc trong cuốn bách khoa toàn thư 'Jibong yuseol' (芝峰類說-1614) của đại học giả thời Josun là Lý Túy Quang/Lee Soo Kwang (李睟光, 1563~1628). Lee Soo Kwang đã gặp LM Ricci ở TQ và mang nhiều tài liệu về lại Triều Tiên. Lee Soo Kwang nói đến 'Đại Tây Quốc' (大西國, kí âm Italia - nước Ý) và ghi lại rằng LM dòng Tên Matteo Ricci (1552 – 1610, 利瑪竇 Lợi Mã Đậu) đã đến TH và soạn cuốn TCTN (天主實義) và đây là văn bản ghi chép đầu tiên liên quan đến CG.

[7] Theo lời thuật lại của LM Léopold Cadière trong "Le titre divin en annamite, Etude de terminologie chretienne" Revue d'Histoire des Missions - tập VIII 1930 (Paris). GS Peter C. Phan cũng nhắc lại điều này trong cuốn "Mission and Catechesis: Alexandre de Rhodes & Inculturation in Seventeenth-Century Vietnam" (sđd). Câu chuyện sau đây cũng đáng chú ý, trích từ trang 120 "Lịch Sử truyền giáo" của LM Nguyễn Hồng (sđd):"Cha Đắc-Lộ kể: ‘Một buổi sáng Chúa nhật, đang khi giáo dân họp nhau dự lễ thì ông đến, đem theo một cuốn sách chữ Hán, trang bìa ngoài có hình tên cực trọng Chúa Giê-Su. Vừa nom thấy, tôi nhận ngay ra là một tác phẩm của các cha dòng chúng tôi ở TQ và tôi bở ngỡ hỏi sao cuốn sách đó lại rơi vào tay ông ta’. Ông sãi kể: ‘Ông cụ thân sinh của ông được vua xứ Đông Kinh này sai sang cống lễ vật vẫn quen dâng cho vua Tàu ở BK, khi trở về đã mang theo cuốn sách đó. Ông cụ quí nó lắm’ ... Ông sãi đã gìn giữ nó hơn ba mươi năm trời nay, để trong một thùng mây nhỏ. Ông đã đọc nhiều lần mà vẫn chưa hiểu hết được lời sách".

[8] GS Phạm Văn Hường lại có cách giải thích khác: "Trong các nước Âu châu, Anh, Đức, Ý - đất của giáo hội Vatican, Pháp - đất sinh của Rhodes, ngày chủ nhật là ngày cuối tuần. Chỉ có ở Lusitana, tên Bồ Đào Nha xưa, chủ nhật là ngày lễ đầu tuần. Kế tiếp là ngày lễ thứ hai, feria secundo, v.v. Dựa theo truyền thống Bồ Đào Nha, họ đã tạo nên những Việt ngữ: chủ nhật, thứ hai, thứ ba, v.v. cho đến thứ bảy. Thứ tự những ngày lễ trong tuần này khác hẳn thông lệ ở Pháp, nơi chôn nhau cắt rốn của Alexandro. Có lẽ trước sự hoang mang, bán tín bán nghi, không biết lễ chủ nhật nằm đầu tuần hay cuối tuần nên Rhodes sinh ý Phép giảng tám ngày" trích từ bài viết “Đi tìm nguồn gốc chữ quốc ngữ” đăng trên báo Người Lao Động 07/01/2007.

[9] Paradisus tiếng La Tinh gốc Hi Lạp cổ παράδεισος (parádeisos) có nghĩa là vườn, vườn Eden (nơi ở đầu tiên của con người - Adam/Eva theo Kinh Thánh) và mở rộng nghĩa để chỉ thiên đàng. Paradisus nhập vào tiếng Pháp trở thành parvis, paradis và tiếng Anh paradise...

[10] VBL phân biệt đồng thân 童身 là còn trinh tiết (chưa có vợ chồng), gái còn trinh và đồng trinh 童貞 (castus/L) là còn trinh trắng, trong sạch hay chưa phạm lỗi gì tương đương với sạch sẽ. PGTN hoàn toàn dùng đồng thân:"Mẹ ĐCT, và đồng thân, đặt tên là Maria ... vì cũng bắt chước rất thánh đồng thân mà đã toan giữ blọn (trọn) đời đồng thân … Mẹ với thật là đồng thân, vì chưng như khi chưa có đẻ Con (PGTN viết hoa), là đồng thân, khi đang đẻ Con, cũng là đồng thân, và khi đẻ Con đoạn thì hãy còn đồng thân blọn (trọn) vậy" trang 145, 147, 161. Các tác phẩm Nôm của LM Maiorica và kinh sách sau này đều dùng đồng trinh.

[11] Trước thế kỷ 20, Đức giáo hoàng còn được gọi là Đức Giáo tông hay Đại phụ Thánh hội tông - cũng có khi dùng Đức thánh cha - LM Maiorica ghi là "ông thánh Pha-Pha/Ba-Ba" (chữ Nôm 翁聖葩葩) hay “Pha-Pha” so với cách ghi "ông thánh Papa" (PGTN trang 312) của LM de Rhodes. Papa (tiếng La-Tinh, Pope/A Pape/P) có gốc Hi-Lạp πάππας (páppas) nghĩa là cha (bố), sau chỉ thầy giảng (giáo sĩ) và từ thế kỷ thứ III chỉ giám mục của Roma. Tiếng Bồ-Đào-Nha và Tây-Ban-Nha là papa, có thể đã ảnh hưởng đến cách gọi Đức giáo hoàng vào thế kỷ XVII ở Đàng Trong/Ngoài (ngay cả tiếng Phi-Luật-Tân cũng gọi là papa).

[12] Có thể đọc "The Catechism of The Council of Trent" (tiếng Anh) trên trang này chẳng hạn http://www.catholicapologetics.info/thechurch/catechism/trentc.htm. Phần giải thích (chương giới thiệu ở đầu) về tài liệu này, dùng cho các thầy giảng/LM, có đoạn:"as there is one Lord, one faith, there may also be one standard and prescribed form of propounding the dogmas of faith, and instructing Christians in all the duties of piety" (tạm dịch/NCT: vì có một ĐCT, một loàng tin, cũng nên có một tiêu chuẩn và văn bản chuẩn bị trước để thể hiện các giáo điều và giảng giải giáo lý cho bổn đạo CG trong tất cả các hoạt động phụng vụ). Do đó, không làm ta ngạc nhiên khi các LM dòng Tên đã dựa vào các tài liệu (chính thức) từ toà thánh La-Mã để soạn ra PGTN, TCTGKM, v.v.

[13] Bài viết "PHẢN HỒI BÀI VIẾT CỦA GS TS PHẠM VĂN HƯỜNG: ĐI TÌM NGUỒN GỐC CHỮ QUỐC NGỮ" (26/2/2007) của Trần Duy Nhiên (SaiGon) và Roland Jacques (Canada) đăng trên các mạng như http://www.vietcatholic.net/News/Html/41694.htm, v.v.

[14] Đáng lẽ nên thêm chữ Do-Thái vào đây cho rõ nghĩa hơn "một người Do-Thái muốn xác định mình theo Thiên Chúa thì phải chịu cắt bì (cắt da qui đầu) vào ngày thứ tám" - lời bàn thêm của NCT. Điều này cần phải ghi nhận để hiểu rõ hơn trong tình huống PGTN ra đời ở An Nam vào thế kỷ XVII.

[15] PGTN không viết hoa các tên như đại minh, thiên trúc, (chữ) ngô so với đức Chúa trời, đức Con (chỉ ĐCGS), thánh Papa, đức Thợ cả, đức Mẹ, Adam, Eva, Maria, Thíc(h) ca, v.v.

[16] Samuel Baron sinh ra ở Đàng Ngoài (trang đầu ghi ông là native/người bản xứ của Đông Kinh), cha ông là thủy thủ người Hà Lan Hendrik Baron lấy vợ người Đàng Ngoài và làm việc cho công ty Đông Ấn Hà Lan. Sau khi đi Âu Châu và trở về Đông Kinh vào năm 1672, Samuel Baron làm việc cho công ty Đông Ấn Anh Quốc tại đây đến 1674. Ông viết bài này một phần để bài bác bài viết về Đông Kinh bởi nhà du lịch/thương gia Pháp Jean Baptiste Taverniere (chưa từng đến Đàng Ngoài, chỉ nghe kể và ghi lại).

[17] 'Tài liệu nào đó' có thể là cuốn "Thiên Chúa Thật Nghĩa" 天主實義 của LM Matteo Ricci (1603) - tạm dịch một đoạn liên hệ (NCT):"Khi ĐCGS lên trời thì có bốn vị thần đã ghi lại công nghiệp của người khi còn ở thế gian này và rao giảng khắp nơi ... Có nhiều người đã tin và giữ mười lời răn từ đời này sang đời sau. Từ đó thì nền văn minh của các nước Tây phương tiến triển vượt bực. Khi ta xem lại lịch sử TQ thì thấy có ghi chuyện hoàng đế Minh (Hán Minh Đế - NCT) đã nghe các sự việc trên và sai sứ đi qua Tây phương để thỉnh kinh. Giữa đường, các sứ giả tưởng đã tới đích là Thiên Trúc (Ấn Độ - NCT) nên đem các kinh Phật về, sau đó PG lan truyền khắp nơi ở TQ. Từ đó đến nay, dân chúng của nước rất được quý trọng của các bạn đã bị lừa dối và lầm lạc. Thật là một thảm kịch cho văn hóa và học thuật. Đây có phải là một tai họa chăng? ". Không biết ý kiến rất thú vị trên là từ LM Matteo Ricci, cộng sự viên (TH) hay thông tin trước đó từ các LM đàn anh như Francis Xavier (1506-1552) đã kể lại? Tuy nhiên, dựa vào văn bản từ thời LM Matteo Ricci thì rất khả tín.

[18] LM Philiphê Bỉnh nhắc lại chuyện thỉnh kinh PG thời Hán Minh Đế hai lần (trang 76 và trang 473), hình chụp từ cuốn "Sách Sổ Sang chép các việc - Bản Chép Tay 1822" Thanh Lãng giới thiệu, NXB Đà Lạt (1968). Có thể xem trên mạng như https://www.scribd.com/document/187964392/Philip-Phe-Binh-Sach-So-Sang-Cac-Viec

[19] Thí dụ như cuốn 高僧傳.佛圖澄傳 “Cao Tăng Truyện, Phật đồ trừng truyện” có câu 往漢明感夢, 初傳其道, 唯聽西域人得立寺都邑以奉其神, 其漢人皆不得出家 "vãng Hán Minh cảm mộng, sơ truyền kì đạo, duy thính Tây Vực nhân đắc lập tự đô ấp dĩ phụng kì thần, kì Hán nhân giai bất đắc xuất gia". Tác giả Cao Tăng Truyện là Tuệ Kiểu thời Lương, kể lại truyện của 257 danh tăng cùng 274 nhân vật nổi tiếng từ thời Hán Vĩnh Bình (58–75) đến Lương Thiên Giám (502-519).

[20] Xem thêm loạt bài viết "Bụt hay Phật?" cùng tác giả (NCT) trên các mạng như https://thuvienhoasen.org/a5101/but-hay-phat-phan-1 hay https://quangduc.com/a34519/but-hay-phat ...

[21] Chữ kế 繼 (thanh mẫu kiến 見 vận mẫu tề 齊 khứ thanh, khai khẩu tứ đẳng) có các cách đọc theo phiên thiết

古詣切,音計 cổ nghệ thiết, âm kế (TVGT, QV, TV, VH, CV, TVi), 吉棄切, 音繫 cát khí thiết, âm hệ (TV), 音計 âm kế (NKVT 五經文字, LKTG), 公第切 công đệ thiết (NT, TTTH), 吉詣切 cát nghệ thiết (LTCN 六書正)

TNAV ghi vận bộ 齊微 tề vi (khứ thanh)

CV ghi cùng vần/khứ thanh 計 薊 繫 係 繼 㡭 髻 紒 結 轚 (kế hệ *kết)

古噐切,音計 cổ khí thiết, âm kế (CTT) - thời CTT (1670) vần khí (qì BK bây giờ) gần với vần kế (jì BK bây giờ), v.v. Giọng BK bây giờ là jì so với giọng Quảng Đông gai3 và các giọng Mân Nam [Kwangtung] ki5 [Bao'an] ki5 [Dongguan] ki5 [Hailu] ki5 kie5 [Siyan] ki5 kie5 [Meixian] ki5, tiếng Nhật kei và tiếng Hàn kyey. Một dạng âm cổ phục nguyên của kế là *kɛj mà tiếng Việt còn bảo lưu qua dạng ghẻ. Để ý một nét nghĩa và âm đọc của kế là hệ:《集韻》吉棄切, 音繫。縛也 《 Tập Vận》 cát khí thiết, âm hệ.phược dã - phượcbuộc, một dạng âm cổ của phược còn bảo lưu trong tiếng Việt.

[22] VBL chỉ ghi là sinh kí tử qui, không thấy dùng dã (theo ngữ pháp HV). Thành ngữ HV "生寄也, 死歸也 sinh kí dã, tử qui dã" từng hiện diện trong cuốn "Hoài Nam Tử" tác giả Lưu An 劉安 (179 - 122 TCN). Tiếng Việt thường nghe là "sống gởi thác về". Không biết LM de Rhodes viết là câu trên từ "sách An Nam và truyền đời xưa" là sách nào? Xem PGTN trang 49.

[23] Các LM Dòng Tên đã rất khéo hội nhập ngôn ngữ và văn hoá bản địa ở đây: tiếng Việt thời VBL "về quê" có nghĩa là chết, nhưng có thể về “quê lành” (thiên đàng) hay về “quê dữ” (địa ngục).

[24] PGTN trang 12 ghi "(nữ oa phụ thạch bổ thiên) đàn bà gọi là oa đội đá vá trời" PGTN. Trong PGTN, cột tiếng Việt lại có thêm phần chú bằng HV trong ngoặc như câu này! Cách ghi chú HV này còn thấy cho các câu "Kiên thằng khả kế ngưu giác, lý ngữ năng phục nhân tâm", "thiên phú địa tải" được thêm vào bên cạnh các câu tiếng Việt cùng nghĩa - VBL hoàn toàn không ghi các từ HV trong các câu trên, cho thấy là có sự hỗ trợ của một người khác (rành chữ Nho) trong lúc LM de Rhodes soạn phần tiếng Việt của PGTN. Chuyện Nữ Oa được nhắc đến trong Lễ Kí, phù hợp với ghi nhận trong PGTN "sách ông khổng, nước ngô gọi là thánh, rằng (nữ oa phụ thạch bổ thiên) đàn bà gọi là oa đội đá vá trời" PGTN trang 12. Để ý rằng truyền thuyết TQ thì ghi 女媧煉石補天 Nữ Oa luyện thạch bổ thiên (luyện/rèn đá chứ không phải là đội đá), sự tích trên có thể đã thay đổi phần nào khi hội nhập vào văn hóa VN chăng?

[25] Có thể xem chi tiết hơn về quá trình hình thành chữ thiên trên mạng như http://hanziyuan.net/#%E5%A4%A9

[26] TCTL cập nhật năm 1584 bởi 3 giáo sĩ Dòng Tên Mạnh Nho Vọng/João Monteiro, Phí Kì Quy/Gaspar Ferreira và Dương Mã Nặc/Manuel Dias Jr., có thể đọc trên mạng như http://archives.catholic.org.hk/Rare%20Books/CTJ1/index.htm

[27] PGTN ghi Chúa (viết hoa): đây là lần đầu tiên chữ quốc ngữ được viết hoa trong văn bản với nét nghĩa chỉ một người rất đặc biệt - một quy tắc viết hoa đáng chú ý cùng với cách ghi tên riêng thời LM de Rhodes. Chữ Nôm không có chức năng này so với chữ quốc ngữ.

[28] Xem thêm chi tiết về quan điểm về Lâm-Bô của Toà Thánh Vatican hiện đại trên trang này chẳng hạn http://www.vatican.va/roman_curia/congregations/cfaith/cti_documents/rc_con_cfaith_doc_20070419_un-baptised-infants_en.html

[29] Truyền thống xã hội Á Đông thường đề cập đến sĩ nông công thương (tứ dân) cho thấy vị trí thấp hơn của "công" chỉ các ngành nghề thủ công như thợ mộc, thợ dệt so với tần lớp trí thức "sĩ".

[30] Cùng với trải nghiệm của chính LM de Rhodes ở Đàng Ngoài và Đàng Trong, Ma Cao ... Khác với LM de Rhodes, LM Maiorica không đề cập và không trực tiếp đã kích tục lệ đa thê trong các tác phẩm Nôm và cũng không thấy dùng đoản ngữ "nhất phu nhất phụ" tuy có nhắc đến điều răn thứ 10 là không tà dâm, không được ham muốn chiếm đoạt vợ hay của cải người khác (TCTGKM).

[31] Triết gia Hi-Lạp Aristotle (384-322 TCN) phân biệt ba loại linh hồn (a) anima vegetativa là hồn của cây cỏ (b) anima sensitiva là hồn của loài vật (c) anima rationalis là hồn loài người với khả năng tư duy/nhận thức. Các LM dòng Tên như Ruggieri, Valignano, Ricci đều hấp thụ chung một nền văn hoá/triết học Tây phương cổ điển phản ánh qua cách phân loại linh hồn như trên, thường gặp trong các tác phẩm đã trích.

[32] Chữ vạn 萬 hay 㸘万 (thanh mẫu minh 明 vận mẫu nguyên 元 khứ thanh, hợp khẩu tam đẳng) có các cách đọc theo phiên thiết 無販切,音蔓 vô phiến thiết, âm mạn (TVGT, ĐV, QV, TV, LT, LTCN 六書正擶, TVi, CTT), 武撰反 vũ soạn (tuyển) phản (NTLQ 玉篇零卷), 亡願切 vong nguyện thiết (NT, TTTH), 入銑韻 nhập tiền vận (VB).

TNAV ghi vận bộ 寒山 hàn san (khứ thanh).

CV ghi cùng vần/khứ thanh 萬 曼 輓 蔓 (vạn mạn vãn).

民願切, 音近面 dân nguyện thiết, âm cận diện (TVi), v.v. Giọng BK bây giờ là wàn so với giọng Quảng Đông maan6 maak6 và các giọng Mân Nam 客家话: [台湾四县腔] wan5 [陆丰腔] wan6 [沙头角腔] man5 wan5 [宝安腔] man3 wan3 [海陆丰腔] wan6 [梅县腔] wan5 [客英字典] van5 [客语拼音字汇] man4 van4 [东莞腔] man3 潮州话:无冤7 [潮阳] 毛安7 ,bhuang7 (buāng) [潮州] bhuêng7 (buēng) [潮阳] mang7 (māng), tiếng Nhật man và tiếng Hàn man. Tiếng Thái หมื่น meuunL là mười ngàn so với tiếng Lào là meun. Một dạng âm cổ phục nguyên của vạn là *mans còn bảo lưu qua dạng man thời VBL. Qua các dạng muôn, man, vạn, ~ 10 000, vàn (~ 100 000) và tiếng Thái/Lào meun (~ 10 000), tiếng Khme ម៉ឺន məən (~ 10 000): vạn có khả năng là gốc Nam Á (gốc phương Nam). Đây không phải là trọng tâm của loạt bài "Tiếng Việt thời LM de Rhodes".

[33] Ta có thể thấy cách suy nghĩ và tâm lý của LM Maiorica có khác với LM de Rhodes qua câu này! Trong PGTN, LM de Rhodes viết:"thì mới ra nước đại minh, mà Annam thì chịu đạo bởi nước ấy ... Vì chưng linh hồn ta trọng hơn, mà chẳng còn có dùng ăn uống giống ấy đâu: vì vậy An nam thì vô phép, làm mất lòng cha mẹ lắm ... Lại người An nam càng vô phép, mà như thể cười nhạo cha mẹ, khi đã sinh thì, mà dùng những giấy làm nhà, cùng áo tiền vàng bạc" trang 104, 121. Người viết/NCT chép lại nguyên bản của PGTN, không viết hoa đại minh và Annam có lúc viết liền nhau ngoại trừ các chữ in đậm.

[34] LM Philiphê Bỉnh (1759-1830) cũng theo truyền thống dòng Tên: ông biết nhiều thứ tiếng như Pháp, La Tinh, quốc ngữ ... Và từng sống ở Lisbon 30 năm (nên ông chắc phải biết rành tiếng Bồ-Đào-Nha), ông cũng trước tác và sao chép trên 30 đầu sách có giá trị về lịch sử ngôn ngữ.