Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 24 tháng 6, 2018

Thơ Trương Đăng Dung

Tháng 4/2018, NXB Europa (Hungary) đã dịch và ấn hành tập thơ “Những kỉ niệm tưởng tượng” (Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội 2011) của Trương Đăng Dung,. Tập thơ gồm 24 bài cũ và 14 bài mới, tổng cộng 38 bài, được in song ngữ Việt-Hung với 2000 bản. Lễ ra mắt tập thơ được tổ chức trang trọng trong khuôn khổ Liên hoan sách Quốc tế Budapest, với sự có mặt của nhà thơ Trương Đăng Dung và hai dịch giả: Giáp Văn Chung và Háy János cùng đông đảo bạn đọc Hungary.

Tập thơ đã được giới chuyên môn và bạn đọc đón nhận nồng nhiệt. Ngay trong lễ ra mắt, toàn bộ số sách mang đến đã được bán hết.

Văn Việt xin giới thiệu bài viết về thơ Trương Đăng Dung của nhà thơ Giáng Vân và chùm thơ được trích từ “Những kỉ niệm tưởng tượng”, như một lời chúc mừng gửi đến ông.

Văn Việt

Từ trái sang: Nhà thơ Trương Đăng Dung, dịch giả Giáp Văn Chung, nhà thơ, dịch giả Háy János trong buổi ra mắt sách - Ảnh: Phạm Khuê

Từ trái sang: Nhà thơ Trương Đăng Dung, dịch giả Giáp Văn Chung, nhà thơ, dịch giả Háy János trong buổi ra mắt sách - Ảnh: Phạm Khuê

Thơ Trương Đăng Dung trong cảm nhận của tôi

Giáng Vân

IMG_20180622_1459171.

Em ngồi bên anh nhìn dòng sông/chảy từ phía chân trời/đầy nắng, mưa và gió.

(Trên đồi vọng cảnh)

Thường như vậy, thơ Trương Đăng Dung bắt đầu và tiếp tục bằng những câu, những hình ảnh, thậm chí miêu tả rất đơn giản. Đơn giản đến nỗi chúng ta ai cũng từng nhìn thấy, cũng từng trải qua.

Nhưng cái khác đó là sự vang vọng của cảm xúc, gợi ra một sự cao, xa, rộng và sâu của không gian và thời gian.

Cái dòng sông mà nhà thơ nói tới là dòng sông của sự ưu tư triết học, nó đã chảy từ vô tận thời gian, không gian, “đầy nắng, mưa và gió”, chảy trong mỗi sát na của đời sống. dòng sông đó chảy qua cuộc đời mỗi chúng ta cho dù ta biết hay ta không biết.

Chảy về đâu sông ơi/sao chỉ thấy một con thuyền thấp thoáng?

Cái mà chúng ta nhìn thấy bằng con mắt trần thế, chỉ một trong muôn vàn. Cái mà chúng ta muốn cầm giữ thực ra là chỉ là huyễn ảnh.

Nhưng huyễn ảnh trong giây phút nó từng đi qua, trong cái đời sống ngắn ngủi của đời người, trong một sát na của triệu triệu sát na, kỳ diệu thay nó có sự ấm nóng của sự sống, của tình yêu con người, của nhà thơ. Trương Đăng Dung nhận ra điều đó bằng chính sự khắc khoải của thi nhân. Dường như, bằng toàn bộ sự cố gắng trong sự tuyệt vọng, khắc khoải của mình, nhà thơ đã dùng thứ kí tự của loài người hòng lưu lại sự ấm nóng đó, để chống lại qui luật khắc nghiệt của thời gian, của đời sống.

Trong bài “Vật chứng”, Trương Đăng Dung viết:

Sợ bóng tối tràn vào/khi em mở tung của sổ/cơ thể chúng ta thôi rạng rỡ/sợ thời gian rình trong từng sợi tóc/khi môi ta rời nhau/hơi ấm đã thuộc về quá khứ/sợ căn phòng trở nên trống rỗng/khi em xếp lại chăn màn/kí ức không còn nơi ẩn náu

Xuân Diệu từng viết: “Xuân đang tới nghĩa là xuân đang qua” hay “Ta muốn buộc nắng lại/ Cho ngày đừng qua mau”, ông cũng mang cái cảm thức thời gian mà Trương Đăng Dung có, nhưng ở Trương Đăng Dung mang một chiều sâu, nặng hơn, lặng hơn mà buồn thương kỳ lạ

Thành phố phía chân trời/một căn phòng một cái giường hai chiếc gối/một đôi mắt buồn/mười ngón tay thức dậy trước bình minh/bao nhiêu lần khép cửa/em vẫn thấy mình chưa ở bên trong

(Thành phố phía chân trời)

Thời gian, đó là sự trải dài bất tận những sự lặp lại các hạnh phúc giống nhau, bất hạnh giống nhau, tội ác, dối trá, bạo lực… giống nhau đến đau lòng. Đau lòng vì những kiếp nạn mà con người vì sự vô minh đã không nhận ra:

Người đàn bà đẩy chiếc xe lăn/lần thứ mười ba đưa chồng vào bệnh viện/đêm dài hơn ngày/ngày dài hơn con đường đã đi/nỗi buồn của chị/cũ hơn tháng ngày

(Ghi chép hè 2009)

Và tiếp:

Bom nổ ở một Thánh đường Hồi giáo/máu người nhuộm đỏ sách Kinh/bom nổ ở một chợ Bagdad/thịt người trộn vào rau quả/những người đàn bà choàng khăn đen lăn lộn/không thấy kẻ gây tội ác/chỉ thấy nạn nhân/và người ngồi xem nỗi đau qua màn ảnh nhỏ

Điều kinh khủng là tất cả đã biến mất, đã trôi về những quá khứ không còn vật chứng, những quá khứ từng đầy ắp tất cả, vui buồn, gian khó, thương đau, máu và nước mắt của cả một cộng đồng cho đến mỗi cá nhân. cây gạo đầu làng cũng bị chặt mất rồi/tôi không còn kí ức/những giọt máu cuối trời tuổi thơ…”

Cứ như vậy, giọng thơ Trương Đăng Dung nhẹ như một hơi thở, một lời tự sự, nhưng trong một thế giới ồn ào, náo nhiệt, đảo điên, thì sự khiêm nhường từ những câu thơ của thi nhân lại có một sức vang động, day dứt không ngờ. Bởi, trong mỗi một tình riêng, trong mỗi phiền muộn hay buồn thương của một cá thể trong đời sống bây giờ, hiện thời, đã mang dấu vết, đã là hiện thân, đã phóng chiếu cho chúng ta thấy quá khứ và tương lai của toàn thể mọi kiếp người.

Còn đây gương mặt của con người/nhàu nát mưu sinh và hy vọng/thăm thẳm trời cao đất rộng/ba mươi năm hay ba triệu năm rồi/xao xuyến những mùa thu gió thổi…”

2.

Thấy không em đường chân trời trước mặt?/anh đã từng đến đó trong mơ/có khi như Jesu đi trên mặt nước/lòng anh cao thượng sáng trong/có khi như một tên tội phạm/anh bước đi uất hận trong lòng/có khi như một đứa trẻ/hân hoan ngơ ngác chờ mong…” (Chân trời)

Anh và em đi trên mặt đất này/giữa những bức tường ta xây và phá/nhưng tất cả đều bị bao quanh/bởi những bức tường không nhìn thấy/…khi ta ngước mắt nhìn trời xanh/ trên mặt đất đã có những bức tường/ khi ta cúi xuống nhìn mặt đất/xung quanh ta đã có những bức tường/….những bức tường ta không xây/những bức tường không thể phá/ đêm đêm anh vẫn nghe lũ quạ/cười nói huyên thuyên trên những bức tường này (Những bức tường)

Tôi chạy trên bức tường dựng đứng/những con nhện đen đuổi theo/những con thằn lằn đen đuổi theo/…tôi chạy trên cánh đồng bỏ hoang/những người khiếm thị ôm súng đuổi theo/những người khiếm thính cầm loa đuổi theo/tôi chạy trên đại lộ không người/những chiếc xe lăn chất đầy chân giả đuổi theo/những chiếc xe nôi chứa đầy mắt trẻ em đuổi theo/ tất cả áp sát tôi/tôi nói, họ không hiểu/họ nói , tôi không hiểu” (Ác mộng)

Tai họa bất ngờ ập xuống/những đứa con bị giết/những người bạn hiểu sai/nỗi đau này/như mũi tên/Đấng Toàn Năng bắn vào tim Giop/không ai tin Giop là người công chính/…trong mắt Đấng Toàn Năng/không có mặt trăng nào đủ sáng/không có vì tinh tú nào đủ sạch/loài người như sâu bọ/con cái loài người khác chi một loại côn trùng/…Giữa nỗi đau và đức tin/sợ hãi và quyền uy/Giop thỏa hiệp” (Sách của Giop)

Trương Đăng Dung, nhận ra, tôn giáo phần nhiều không gì khác hơn là những bức tường thành dựng lên giữa những con người với nhau. Đức tin của mỗi người là những tường thành họ tự dựng lên với kẻ khác. Thế giới của chúng ta là vô số những tường thành kiên cố và vô hình. Con người thống khổ triền miên bất tận trong những bức tường vô minh của mình. Họ chiến đấu và những cuộc chiến dường như không có hồi kết bởi những bức tường quanh mình. Trong cuộc chiến đó, con người nhân danh đức tin của mình để tạo ra cái ác. Rồi cái ác lại đẻ ra cái ác. Trong Phật giáo, nó tạo ra nghiệp quả. Nghiệp quả của một cá nhân, nghiệp quả của cả một cộng đồng, nghiệp quả của cả một dân tộc…

Trong thơ Trương Đăng Dung rất nhiều những giấc mơ, thậm chí, mơ ngay khi đang tỉnh thức. Những cơn mơ là những dự báo từ vô thức về hiện tại và tương lai. Chính là vô thức, trực giác thi nhân cho anh ta bảo bối có thể nhìn thẳng, nhìn thấu tận cốt lõi vấn đề, mà bằng lí trí ta không dễ nhìn thấy.

Trong “Tự do của Kazantzaki”, “Tinh thần Kafka”, “Giấc mơ của Kafka”, “Sách của Giô-nanhững suy tư triết học của Trương Đăng Dung cũng cho thấy những bất cập của Tôn giáo và những rào chắn vô minh, những bức tường vô hình đã và đang dựng lên giữa con người với nhau, giữa con người với hạnh phúc của chính họ.

Những suy tư triết học này không bị nhàm chán, khô cứng, bởi nó sinh ra từ trải nghiệm, vui buồn, xúc cảm gắn với đời sống của thi nhân, và được anh ta viết ra bằng một thứ ngôn ngữ đẹp, đơn giản, nhưng truyền cảm.

IMG20180514160739

Trương Đăng Dung trong thư viện gia định. Ảnh: Giáng Vân

3.

Bài thơ “Những con kiến” là cái nhìn từ trên cao về lịch sử loài người, về sinh tồn, về những tai họa, những cơn đại hồng thủy, về cái chết và sự sống tiếp nối, không ngừng chuyển động, không một giây dừng lại cho dù thương đau và bất hạnh không ngừng đổ xuống, ngẫu nhiên, không được báo trước. Nhà thơ viết: “Số phận và lo toan của kiến làm sao tôi hiểu được?/Chỉ có kiến mới hiểu và chịu đựng được số phận của kiến mà thôi!”.

Điều này không phải là một phát kiến. Cũng như những suy tư triết học trong thơ Trương Đăng Dung, không phải là những phát hiện mới, nhưng thấm đẫm nỗi niềm nhân sinh, thấm đẫm tình yêu với đời sống hiện tồn, cũng là duyên do của thơ.

Chết, sự kết nối thần bí của âm dương, đen trắng, bóng tối và ánh sáng, giữa linh hồn và thể xác vật chất luôn là sự hấp dẫn của những tâm hồn Phương Đông. Một con người ở xứ sở này khi rời xa thế gian, không có nghĩa họ đã kết thúc đời sống. Mà họ sẽ tiếp tục tồn tại dưới một dạng thức khác. Họ vẫn hiện diện đâu đó trong không gian, quanh những người còn sống. Vẫn còn mang nỗi khắc khoải của chính họ trên cõi đời, những khắc khoải cũng đã cũ mèm, nhưng luôn mới trong những cuộc đời kẻ khác:

Con thấy bố về đêm qua/ngoài đồng xa/hiu hắt trăng treo/nhiều cái bóng vật vờ cùng đom đóm/bố bảo dưới đất còn bom/xương người chết/lẫn với mìn chưa nổ/con gọi bố/chỉ nghe tiếng gió/một vệt sáng vút qua/sáng nay trong gương/con bắt gặp ánh mắt buồn của bố/tuổi năm mươi/có gì mới hơn sau mỗi kiếp người?/con hỏi bố/ thấy một người già đứng lặng lẽ nhìn con (Giấc mơ của con)

Chết, ở góc độ khác, còn là sự hòa mình vào một đời sống khác. Chết là khi được thấy linh hồn con người bình đẳng với linh hồn vạn vật.

Đêm vẫn ôm tôi im lặng/như đất ôm xương người (Đêm ở Roma)

Tôi đi giữa mọi người, bên những hàng cây im lặng, lòng thầm biết ơn thân cây nào rồi đây ngã xuống, x mình ra ôm tôi về cát bụi/tôi không mang đến điều gì mới lạ, giữa quá khứ và tương lai tôi chỉ là đứa trẻ biết già.” (Tự bạch)

4.

Như lúc đầu tôi có nói về sự đơn giản, rõ ràng, mạch lạc của những hình ảnh trong thơ Trương Đăng Dung. Ở đó, dĩ nhiên phải nói đến ngôn ngữ, một cái vỏ ngôn ngữ ôm chứa trong nó một nội hàm thi ca của mà thi nhân muốn truyền tải.

Cái vỏ ngôn ngữ thơ Trương Đăng Dung sử dụng, không hề tìm kiếm sự dị biệt, khác lạ, không thấy bàn tay của sự kỳ công đẽo gọt, tỉa tót. Đó cũng chính là sự thuận lợi cho người đọc tiếp cận dễ hơn với thế giới thi ca của anh. Ngôn ngữ, nó chỉ thực sự lợi hại khi là một thể thống nhất hữu cơ với cái nó biểu đạt.

Thế nhưng điều đáng ngạc nhiên ở đây, là trong một vỏ ngôn ngữ cực kỳ thuần khiết, mạch lạc, thơ Trương Đăng Dung lại chứa đầy sự huyền bí.

Sự huyền bí, biên ảo giữa cái có và cái không, cái hư và cái thực, sự trộn lẫn, hoán đổi giữa những thời gian khác nhau, không gian khác nhau trong những dòng chảy của đời người, của lịch sử tạo nên hấp dẫn lôi cuốn trong không gian thơ của thi sĩ.

Anh cảm nhận thời gian qua từng giọt nước/hai mươi ba ngàn năm trong giọt nước mắt này/giọt nước của ngày xưa còn lại đến hôm nay (Có thể)

Anh nhìn vào mắt em/thấy hình anh ở đấy/nếu mắt em khép lại/ảnh hình kia chỉ còn lại trong em/anh không còn anh trong hiệ tại/chỉ thấy em với những hình nhưng ảnh/của mùa hè đang qua/một góc vườn và mấy khóm hoa” (Ảo ảnh)

Trong bài thơ “Trong quán cà phê piano”, sự nối tiếp bí ẩn của sự sống từ một cái chết là một phát hiện: trong quá cà phê có một nghệ sĩ dương cầm đã mất. Nhưng đêm đêm, những người đến đây uống cà phê, trong họ nghệ sĩ vẫn còn sống bằng tấm tình, nỗi niềm của anh gửi vào tiếng đàn mà họ từng nghe, từng yêu.

Hay thi sĩ khi nghĩ về cái chết của mình sẽ được một cái cây nào đó ôm mình vào lòng.

Hay khi thi sĩ nói rằng, Anh không thấy thời gian trôi/thời gian ở trong máu không lời/ẩn mình trong khóe mắt làn môi/trong dáng em đi nghiêng nghiêng như đang viết lên mặt đất thành lời/về kiếp người ngắn ngủi (Anh không thấy thời gian trôi)

Sự bí ẩn, huyền hoặc của thơ Trương Đăng Dung còn ở chỗ, thi sĩ đã vượt thoát khỏi cái cụ thể trực quan để đạt đến tính phổ quát, biểu tượng.

Thời gian, không gian, sự sống, cái chết, đức tin, nỗi đau của kiếp người... ở Trương Đăng Dung đều là ẩn dụ, hoán dụ, hay là biểu tượng, vì vậy, nó mang tính phổ quát. Tựa đề tập thơ “Những kỉ niệm tưởng tượng” cũng là một ví dụ cho ý kiến này.

Điều cuối cùng tôi muốn nói tới về thơ Trương Đăng Dung, đó là, với tất cả những điều trên, Trương Đăng Dung đã thực sự tạo dựng được một thế giới thơ của riêng mình, với một vẻ đẹp không trộn lẫn. Đó là điều mà bất cứ một người làm thơ nào cũng mong ước đạt đến.

Hà Nội, ngày 18/8/2018

GV

 

 

Anh không thấy thời gian trôi

 


Anh không thấy thời gian trôi
chỉ thấy những đám mây di chuyển
và những chiếc lá vàng không muốn lìa cây
gió rung, lá rơi còn vẫy vẫy.


Anh không thấy thời gian trôi
chỉ thấy những lá thư ngày một bạc màu
những cơn mưa rơi vào đêm vắng
dấu chân ta – năm tháng có còn đâu.


Anh không thấy thời gian trôi
chỉ thấy mùa thu vừa lạ vừa quen
những gương mặt những nụ cười mới gặp
chưa kịp thân đã thấy khác đi rồi.


Anh không thấy thời gian trôi
chỉ thấy lòng ngày một tha thiết với trời xanh,
sợi tóc rụng bàn tay nào giữ được
mỗi ban mai khắc khoải việc chưa thành.


Anh không thấy thời gian trôi
thời gian ở trong máu, không lời
ẩn mình trong khoé mắt, làn môi
trong dáng em đi nghiêng nghiêng như đang viết lên mặt đất
thành lời
về kiếp người ngắn ngủi.
                                                                            
1997
 


Vật chứng
  
Sợ bóng tối sẽ tràn vào
khi em mở tung cửa sổ
cơ thể chúng ta thôi rạng rỡ.


Sợ thời gian rình trong từng sợi tóc
khi môi ta rời nhau
hơi ấm đã thuộc về quá khứ.


Sợ căn phòng trở nên trống rỗng
khi em xếp lại chăn màn
kí ức không còn nơi ẩn náu.


Sợ tiếng bước chân em xa dần
khi những viên sỏi trong vườn đang ngủ
ta còn lại gì sau mỗi lần tình tự?


Em đừng xếp lại chăn
em đừng chải lại tóc
em đừng tô lại môi
cứ để nguyên áo quần trên ghế
cứ để nguyên hiện trạng căn phòng.


Anh cần vật chứng
trước thời gian.


5-2008





Thành phố phía chân trời


Có những mùa hè không nắng
và mùa thu không trăng
thời gian đi trên những lối mòn không thể thấy


Em đừng ngoảnh lại
cứ để những chuyến tàu chạy ngược chiều kí ức
không bao giờ vào ga
những gương mặt người lướt qua
như con số đếm giây trên đồng hồ điện tử.


Thành phố phía chân trời
một căn phòng một cái giường hai chiếc gối
một đôi mắt buồn
mười ngón tay thức dậy trước bình minh.


Bao nhiêu lần khép cửa
em vẫn thấy mình chưa ở bên trong
Và cặp môi hồng
mím chặt vào nhau an ủi.


Thành phố phía chân trời
mặt trời lên
những con người ngồi trên xe
những dấu hỏi chạy trên đường
lặng lẽ.


4-2008



Những bức tường


Có những bức tường ta xây
và ta phá,
có những bức tường ta không xây
và không nhìn thấy.


Anh và em đi trên mặt đất này
giữa những bức tường ta xây và phá
nhưng tất cả đều bị bao quanh
bởi những bức tường không nhìn thấy.


Giữa những cái bắt tay
có một bức tường,
giữa em và người em thấy trong gương
có một bức tường,
giữa hai chiếc gối nằm kề nhau
có một bức tường.


Khi ta ngước mắt nhìn trời xanh
trên mặt đất đã có những bức tường,
khi ta cúi xuống nhìn mặt đất
xung quanh ta đã có những bức tường
khi ta nghĩ đến những miền xa
phía trước ta đã có những bức tường.


Những bức tường, những bức tường, những bức tường
có mặt khắp nơi,
trong những lời vui đoàn tụ
trong những lời buồn chia tay,
những bức tường ta không xây
những bức tường không thể phá...


Đêm đêm anh vẫn nghe lũ quạ
cười nói huyên thuyên trên những bức tường này.
                                                                       
4-2007
 


Những kỉ niệm tưởng tượng
         Tưởng nhớ nhà thơ Hollo Andras


Tôi không thể quên một ngày tháng Năm năm 1054
tôi với anh đã nhìn thấy mặt trời
ngày ta sinh là ngày đầu tiên ta nằm bệnh viện
các bác sĩ hân hoan khi có trẻ ra đời
họ lấy nhau của mẹ ta làm đồ nhắm rượu
các nữ y tá nhìn ta
kinh nguyệt chảy màu máu còn tươi rói
không có bông, họ lấy tà áo choàng lau vội.


Đêm đầu tiên ta nghe những tiếng động đầu tiên
những chú chuột ăn cắp tã vá của ta làm áo choàng vào bệnh viện
chúng sờ lên mặt ta tìm môi ta liếm liếm
rồi chúng ra đi, ta hồi hộp nằm chờ.


Chúng ta lớn lên cùng nhau ăn thịt chó
cùng nhau thấy những con trâu vừa kéo cày vừa đái bừa xuống ruộng
cùng nhau thấy những gái điếm ngủ dọc bờ sông đầu gục xuống
và những chuyến tàu chở đầy ắp vũ khí
trên nóc toa là trẻ nhỏ người già.


Cùng nhau thấy những đám tang không có hòm
chân người chết thò ra khỏi chiếu
cùng nhau thấy những người mẹ bị thương ruột lòi ra
vẫn ôm con nhảy xuống hầm, tranh nhau chỗ ngồi với rắn
và những cánh tay trẻ thơ bom hất lên cành cây vắt vẻo
bên loa phóng thanh đang hát điệu à ơi...


Sáng nay em gái tôi đột ngột ra đời
khi nhìn thấy tôi mẹ tôi cười đau khổ,
(mẹ ơi mẹ sinh em đâu phải là tội lỗi)
em tôi nằm mặt cau có đầy nhăn
giữa ngày sinh của chúng ta lần thứ một ngàn.


Đã lâu rồi quạ cũng bay đi
có lẽ một ngày kia chúng sẽ trở về mang theo nhiều xương ống
để làm búp bê cho em tôi chơi
làm dùi cho em tôi đánh trống.


Budapest, 5-1983
 


Giấc mơ của Kafka


Ở New York chiều chiều
những con voi nhảy từ tầng mười một xuống sông
cứu những con chim sẻ.


Ở Paris trước cửa Viện bảo tàng
người nằm ngáp
trâu xếp hàng mua cỏ.


Ở Moskva những thiếu phụ da vàng
chơi với hổ
trên quảng trường ngập nước.


Ở Tokyo nữ phát thanh viên truyền hình
không có miệng
huơ tay chào khán giả…


Khắp nơi
những đôi mắt
dính trên cổ những người không có mặt
những tiếng kêu
phát ra từ miệng những người không có cổ
những bàn chân
càng bước càng lún sâu vào đất.


Hà Nội, 29 tết Canh Dần 2010




Thỏa thuận


Ngôi nhà muốn bay
con đường muốn trôi
dòng sông muốn dựng ngược
các sự vật muốn được gọi tên
các sự việc muốn có đời sống mới.


Ngôn từ kết nối
phân chia.


Một người nói một người nghe
một người nói nhiều người nghe
nhiều người nói một người nghe
nhiều người nói nhiều người nghe.


Người nghe lặng lẽ nghe
người nói thản nhiên nói
người nghe tự hiểu
người nói tự im
và ngôn ngữ
tự do tạo nghĩa.


Thế giới không thuần nhất
bấp bênh
những ý nghĩa thỏa thuận.

9-2010
 

Tự bạch


Tôi có tác phẩm đầu tiên là tiếng khóc chào đời sau chín tháng ngồi im tập xếp hình dấu hỏi.
Tôi sinh ra bên một dòng sông, phía trước là cánh đồng phía sau là biển. Làng tôi nghèo, biển nổi sóng, sóng đẩy gió, gió thổi trời lên cao. Những ngôi sao lung linh hình hạt gạo, gieo giữa trời xa hi vọng của bao đời.
Tôi nghe đêm đêm tiếng bước chân người, tiếng trẻ khóc đòi ăn, tiếng mèo kêu ma quái, tiếng mưa rơi da diết gọi bình minh. Bóng những người cha lặng lẽ vô tình, như vết máu đổ dài trên vách, những người mẹ ôm bụng trào nước mắt, sung sướng lo âu nghe nhịp đạp con người.
Tôi không nói được chính xác bằng lời về những điều cảm nhận. Ngôn từ như con tắc kè hoa, có đời sống riêng và không ngừng thay đổi.
Tôi đi giữa mọi người, bên những hàng cây im lặng, lòng thầm biết ơn thân cây nào rồi đây ngã xuống, xẻ mình ra ôm tôi về cát bụi.
Tôi không mang đến điều gì mới lạ, giữa quá khứ và tương lai tôi chỉ là đứa trẻ biết già.


 

Trong quán càfê Pianô


Tiếng dương cầm rơi
người nghệ sĩ đã ra đi vĩnh viễn.


Những người đàn bà đêm đêm vẫn đến
mắt nhìn vào cây đàn
những lo toan
mưa giăng từ mái nhà của họ.


Những người đàn ông đêm đêm vẫn đến
mắt nhìn vào khoảng không
sự trống rỗng
gió thổi từ nóc nhà của họ.


Những thiếu nữ đêm đêm vẫn đến
mắt nhìn vào phím đàn
nỗi bất an
đến từ tuổi thơ của họ


Những chàng trai đêm đêm vẫn đến
mắt nhìn vào bức tường
nỗi khắc khoải
đến từ ngày mai của họ…


Quán càfê pianô
những người đến muộn   
Ánh mắt nhìn không biết để vào đâu.


 

Tin nhắn cho em


Đêm nay trời đầy sao. Điều gì xẩy ra nếu mỗi ý nghĩ của anh về em có thể nở thành một bông hoa?
*
Thế giới này không còn chỗ bình yên, em là nơi anh tị nạn.
*
Kỷ niệm cứu rỗi chúng ta, nó lưu giữ thứ ánh sáng làm cho gương mặt ta mãi mãi là gương mặt con người.
*
Anh muốn em là quá khứ để anh sống bình yên trong hiện tại; anh muốn em là hiện tại để anh hi vọng vào tương lai; anh muốn em là tương lai để ký ức anh tự do bừng sáng.
*
Đêm nay trời đầy mây. Điều gì xảy ra nếu ký ức không cất giữ cuộc đời ta an toàn nhất?
 


Sách của Aylan Kurdi


Đêm ấy biển trả Aylan Kurdi về với đất liền
cái chết của em đã truyền đi sứ điệp
sự huỷ diệt ở Syria.


Em nằm. Mặt úp vào bãi cát
sự thật tự phơi bày!


Gio-na từng bị ném xuống biển
vì đã không rao truyền sứ điệp
về sự huỷ diệt của Thành Ninive,
Gio-na vẫn sống
sau ba ngày đêm nằm trong bụng cá


Aylan Kurdi
em không còn phải rao truyền sứ điệp
không còn phải thất vọng
như Gio-na
trước những việc làm xấu xa
và lời nói hão huyền trên mặt đất.


Aylan Kurdi
em không phải nhà tiên tri
Aylan Kurdi
em là sự thật.


Hà Nội, 9/2015



Ác mộng


Tôi chạy trên bức tường dựng đứng
những con nhện đen đuổi theo
những con thằn lằn đen đuổi theo.


Tôi chạy trên cánh rừng ngập nước
những con hổ không da đuổi theo
những con rắn không đầu đuổi theo.


Tôi chạy trên cánh đồng bỏ hoang
những người khiếm thị ôm súng đuổi theo
những người khiếm thính cầm loa đuổi theo.


Tôi chạy trên đại lộ không người
những chiếc xe lăn chất đầy chân giả đuổi theo
những chiếc xe nôi chứa đầy mắt trẻ em đuổi theo.


Tất cả áp sát tôi
tôi nói, họ không hiểu
họ nói, tôi không hiểu.


Đêm bất ngờ ập xuống
tôi không nhìn thấy họ
họ không nhìn thấy tôi.


Tôi gọi em
dưới đáy sông
một ngôi nhà mở cửa.


Hà Nội 11/9/2015