Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 8 tháng 4, 2018

Dưới gầm cầu dịch thuật (2)

Phạm Thị Hoài

Trời hồng, trời xanh

Tuy là tai nạn thường trực, song nhầm lẫn trong dịch thuật có hai ưu điểm lớn: một, ai cũng có thể nhầm; hai, nhầm thì sửa, không có gì để tranh cãi. Như trong một trường hợp đã trở thành giai thoại, một người đàn ông bị dịch giả cho qua đời vì ung thư tử cung dễ dàng được chết lại theo cách khác, đúng nguyên bản, vì ung thư ruột. Những sơ suất như vậy dễ bị nhớ dai và có thể làm sứt mẻ đôi chút uy tín, nhưng chúng không nói lên năng lực thực của người dịch. Dưới gầm cầu dịch thuật, những cái xác thối nhất thường do một tai nạn khác, nạn dịch đúng. Tôi muốn nói đến dịch nghệ thuật. Đúng trong nghệ thuật cũng nhảm như chân chính trong tình yêu.

Trong tiểu luận nổi tiếng của mình về dịch thuật – hay đúng hơn, về sự bất khả dịch của một tác phẩm nghệ thuật – Walter Benjamin lưu ý rằng pain trong tiếng Pháp chính xác là Brot trong tiếng Đức, đều là bánh mì, về mặt từ ngữ không có gì phải bàn, nhưng người Pháp sống với pain khác với người Đức sống với Brot, nên dịch painBrot đúng mà vẫn sai.

Truyện Kiều, ngay ở đoạn mở đầu, có một câu mà người Việt nào cũng thuộc và ít nhiều hiểu đúng nghĩa: “Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen”, mà không cần biết đến câu trước “Lạ gì bỉ sắc tư phong”. Nhân tiện 1: Việc gì phải biết, khi chúng ta còn chưa xác quyết chữ đúng, hay phải là chữ thử. Thử cũng ừ mà cũng gật, miễn hiểu đại khái là được. Văn bản Truyện Kiều còn ít nhất vài chục chỗ chưa khép hồ sơ như thế. Nhân tiện 2: Việc gì phải biết, khi Wiktionary tiếng Việt điềm nhiên định nghĩa “bỉ sắc tư phong” là: “Người đàn bà đẹp có cốt cách phong thái. (Bỉ: người đàn bà; Sắc: sắc đẹp; Tư phong: phong cách, phong thái)“. Nhân tiện 3: Chất lượng Wiki của một ngôn ngữ tiết lộ chính xác chất lượng đời sống tinh thần của cộng đồng dùng ngôn ngữ ấy. Wiki tiếng Việt viết về một nhân vật lớn như Alexis de Tocqueville chẳng hạn, đã sơ sài thì chớ, còn kèm theo một câu như sau: “Trong thời gian này ông đã tạo ra một đứa con không hôn thú với một người làm việc“. Xuất xứ ngoại ngữ của câu này quá rõ ràng, song máy dịch cũng không thể tệ hơn.

Le-cheo       

Bìa cuốn Truyện Kiều song ngữ Việt-Đức, NXB Thế giới, Hà Nội 2015

Trở lại Truyện Kiều, trong bản tiếng Đức duy nhất cho đến nay của tác phẩm này, câu ấy được dịch là: “Muss der blaue Himmel stets mit rosenroten Wangen kämpfen, weil ihn die Eifersucht quält?” (Chẳng lẽ trời xanh luôn phải đánh nhau với má hồng, vì bị nỗi ghen giày vò?). Hiểu ra nghĩa đen của lời dịch này đã khó, miễn luận đến nghĩa bóng. Theo tôi hiểu thì trời ở đây hành động rất vô cớ. Ghen nỗi gì không rõ. Vì mình màu xanh còn bên kia màu đỏ chăng? Hay hàng xóm, tức nhà má hồng, có con đi Mỹ du học, trong khi mình chạy ăn từng bữa, nên thường xuyên kiếm chuyện? Ông trời của Nguyễn Du chẳng dễ thương gì, tàn bạo, độc đoán, khốc liệt nữa là khác, nhưng dứt khoát không nhỏ nhen vớ vẩn. Ổng đường đường là đấng quyền năng. Ổng có cái lý riêng của ổng, không thèm tiết lộ, mà con người chỉ biết đoán mò và chấp nhận. Ổng không uýnh nhau với ai hết, ổng giáng xuống những đòn định mệnh. Và tất nhiên không phải vì ghen theo nghĩa ghen. Trời không đi tạt axit.

Ở chỗ này, bản tiếng Đức đã cố dịch đúng từng chữ, mot à mot. Trực dịch không đáng chê cười như nhiều người vẫn tưởng. Phần lớn các thuật ngữ, cách diễn đạt, slogan quảng cáo, tên phim, tên các tổ chức, tên dự án… từ nước ngoài du nhập vào Việt Nam đều qua trực dịch. Từ cải cách ruộng đất (thổ địa cải cách,土地改革), và “người cày có ruộng” (“canh giả hữu kì điền“, 耕者有其田) thuở nào đến hành chính công (public administration), và quản lý khủng hoảng (crisis management) hôm nay đều là kết quả của trực dịch. Trong văn chương, Nabokov với bản dịch Yevgeny Onegin sang tiếng Anh đã đẩy trường phái trực dịch lên đỉnh cực đoan và để lại dấu ấn đặc biệt. Dù tán đồng hay phản đối, sau bản dịch của ông, không ai có thể dịch Yevgeny Onegin như xưa nữa.

Cặp vợ chồng dịch giả Irene và Franz Faber không phải là những phu chữ hạng thượng thừa như Nabokov và khung cảnh văn hóa ở Đông Đức đêm trước của Bức tường Berlin cũng không phải như ở các khuôn viên đại học tinh hoa Bờ Đông nước Mỹ. Ông Faber là một nhà báo tận tụy, có một vài tác phẩm ký sự dạng đại chúng. Vốn phụ trách mục Bạn Đọc của tờ Nước Đức Mới, tương đương với báo Nhân Dân, ông được mời sang Việt Nam tường thuật về chiến dịch Điện Biên Phủ, và trong dịp này được đích thân ông Hồ gợi ý dịch Truyện Kiều. Để dịch tác phẩm khó nhằn nhất trong kho tàng văn học Việt Nam này, hai ông bà tự học tiếng Việt từ xa trong vòng 7 năm. Họ thừa nhiệt thành và công phu, song quả thật không ở hoàn cảnh xa xỉ để phát kiến một mô hình dịch xứng đáng với một tác phẩm kiệt xuất. Cuộc chiến xanh hồng trong bản tiếng Đức là một phương án thất bại, vì đánh ghen không phải là đánh ghen, má hồng không phải là má hồng, và trời xanh cũng không phải là trời xanh. Tiếng Đức chỉ có một từ trời, Himmel, cho cả bầu trời lẫn cõi trời. Trời xanh, blauer Himmel – trời ở Đức thực ra phần lớn là màu xám – chỉ bầu trời thiên văn, với những màu sắc, hình khối, trạng thái nhất định. Bầu trời ấy vẫn chưa hết làm ta kinh ngạc, nhưng trong những ngày thất thường nhất, nó chắc chắn cũng không giở quẻ hục hặc với những cái má hồng. Còn cõi trời như một không gian trừu tượng, hay một thẩm quyền tối thượng, thường được gọi trần trụi là Himmel, trời. Himmels Willen, ý trời, chứ không Blauen Himmels Willen, ý trời xanh. Đi với những tính từ, thường là tích cực và chỉ những tính cách thuộc phạm trù nhân văn xã hội chứ không chỉ tính chất vật lý, nó trở thành heiliger Himmel, gnädiger Himmel, gütiger Himmel, lieber Himmel, cõi trời linh thiêng, ân phước, nhân từ, thân ái.

Hóa công trong tiếng Đức không có màu. Ta có thể hào phóng cho nó được quyền xanh, song đến câu 2157-2158 trứ danh, nó bỗng là trời hồng – đúng hơn, trời đỏ: “Grausam zeigt der rote Himmel sich dem roten Beinkleid/ treibt mich rücksichtslos in diese Dunkelheit und findet nicht den Mut, mich zu begnadigen“. (Với quần đỏ, trời đỏ tỏ ra tàn nhẫn/ đẩy tôi không khoan nhượng vào chốn tăm tối này và không đủ gan ân xá tôi.) Bỏ qua phiên bản tiếng Đức bắn đại bác không tới của “Đã xoay đến thế còn vần chưa tha“, ta hãy xem der rote Himmel trong tiếng Đức, trời đỏ, dịch chữ “hồng quân” trong câu thơ ám ảnh “Hồng quân với khách hồng quần“. Hồng ở đây không phải là sắc hồng, mà là lớn, như trong hồng thủy hay hồng ân, hồng phúc. Quân không phải là một bậc quân vương nào cả, mà là cái bàn xoay, và hồng quân là cái bàn xoay lớn, con tạo, hóa công, vì thế mà có câu xoay vần nối vào. Song vấn đề là các dịch giả đã cố gắng dịch đúng từng chữ, dù hiểu nhầm. Nabokov chấp nhận không nhuyễn văn để dịch sát từ, sát nghĩa. Các dịch giả Truyện Kiều dịch sát từ nhưng xa nghĩa hoặc sai nghĩa. Song họ  không nhất quán. Trời xanh thì được bảo vệ; trời già (câu 1069), một khái niệm có thể dịch sát, lại bị hi sinh, để chuyển thành “Gottes Ungerechtigkeit“, sự bất công của Thượng đế. Trời già, ông trời lẩm cẩm thế là đi tiêu, nhưng ít nhất thì Thượng đế bất công cũng không rùng rợn như trời đỏ. Còn lại, phần lớn bản tiếng Đức chỉ bám hờ vào bản gốc, rất nhiều chỗ tuột hẳn ra ngoài, như trong ví dụ xoay vần nêu trên.

Án mạng hay bản chụp một cái xác

Ở những ẩn dụ khác cũng vậy. Chẳng hạn xuân-huyên, chỉ cha mẹ. Lúc thì huyên / nhà huyên được dịch là Mutter, mẹ, lúc là die tröstende Huyen, bà Huyên an ủi, lúc lại là Lilie, cây hoa hiên. Xuân lúc được dịch là Vater, cha, lúc lại là der Baum Xuan, cây Xuân. Tôi không nhận ra chủ đích nghệ thuật nào trong sự tùy tiện đó. Song đó mới chỉ là những tiểu tiết. Toàn cục, bản dịch Truyện Kiều tiếng Đức là một thất bại gào thét. Nó thậm chí chưa xử lý nổi một khía cạnh tương đối mang tính kỹ thuật là thông tin. Độc giả Đức sẽ dễ tưởng bối cảnh của câu chuyện là Việt Nam khi gặp những cái tên được viết kiểu Việt như (năm) Gia Tĩnh thay vì Jiajing, (triều) Minh thay vì Ming, nhưng trong lịch sử Việt Nam không có triều đại nào mang tên đó. Trong khi Phúc Kiến, Chiết Giang, Hàng Châu…, những địa danh nổi tiếng của Trung Hoa, biến thành địa danh Việt vì được viết kiểu Việt thì Bắc Kinh được viết đánh đùng thành Peking. Trong lần tái bản gần đây nhất, năm 2015, do NXB Thế Giới ấn hành, ấn tượng Việt còn được gia tăng bằng tiếng Việt đầy đủ dấu, Hàng Châu thay vì Hang Chau. Kiều bị mua từ Bắc Kinh về Việt Nam? Tàu hay Việt, không ra mập mờ, không ra minh bạch.

Theo cảm nhận của tôi, gần như mỗi câu của bản dịch này là một hí họa của bản gốc. Tất nhiên tôi bật cười khi thấy hai câu thơ đã ngấm vào xương tủy người Việt: “Khen cho con mắt tinh đời/ Anh hùng đoán giữa trần ai mới già” trở thành “Ich preise glücklich Ihre Augen, fanden sie im Staub den Mann” (Ta vui sướng khen cặp mắt nàng, nó đã thấy được người đàn ông trong bụi bặm). Cười chuyển thành mếu khi câu “Vào luồn ra cúi công hầu mà chi” trở thành “Ich bin nicht der Mann, der stumm, mit leerem Magen und gesenktem Haupt, nach einem Titel kriecht” (Ta không phải là người đàn ông câm lặng, dạ dày trống rỗng và cúi đầu, luồn lách kiếm chức danh). Trong trường hợp may mắn nhất, bản dịch này là một sơ đồ của bản gốc, đã lược bỏ tất cả những màu sắc, âm hưởng, liên tưởng, cảm xúc và nghệ thuật. Ví dụ, câu 976, “Gái tơ mà đã ngứa nghề sớm sao!” Nội dung câu này không khó dịch, nhưng gái tơ không chỉ là một cô gái trẻ, tất nhiên khác trinh nữ, thậm chí mang một sắc thái khác cả gái trinh; còn ngứa nghề là một cấu tạo từ đặc sắc, điển hình của tiếng Việt, cần đến một dịch giả thiên tài. Bản tiếng Đức như sau: “Du bist so jung und suchst schon das Vergnügen!” (Mày còn trẻ thế mà đã kiếm thú vui à!), một sơ đồ bằng văn xuôi xuống hàng. Một lần nữa, tôi lại phải so sánh với Nabokov. Ông cũng lược bỏ không thương tiếc, nhưng không phải là để phác một sơ đồ bất đắc dĩ, mà là lột sạch những gấm vóc phủ phê mơn trớn để nhặt ra mẩu xương của sự thật gày còm.

Trong Truyện Kiều, nhân vật duy nhất đáng kể là Nguyễn Du, diễn biến quan trọng duy nhất là sự tung hoành nảy nở của tiếng Việt mà qua đó Nguyễn Du gửi gắm hồn cốt và nghệ thuật ngôn từ đặc sắc của mình. Những thứ khác chỉ là cái cớ, lớp vỏ rất bề ngoài. Tất cả đều tẻ ngắt, một câu chuyện nguyên vẹn Trung Hoa đầm đìa sướt mướt với những pha anh hùng kỹ nữ lâm li bi đát, tuyệt đối rẻ tiền. Dịch Truyện Kiều mà bất chấp phần hồn ngôn ngữ và dấu ấn của tác giả, chỉ lo sao chép phần xác, dù có đúng từng từ hay tưởng đúng từng từ, cũng chỉ là bản chụp một cái xác, hoặc ở đây đã xảy ra một án mạng, như nhận xét bất hủ của nhà văn Đức nổi tiếng sâu cay Kurt Tucholsky về bản dịch tiếng Đức đầu tiên của cuốn Ulysses.

Poetry is what gets lost in translation”, theo Robert Frost, hay “La poésie, par définition, est intraduisible”, theo Roman Jakobson, tôi đồng ý rằng Truyện Kiều là bất khả dịch. Trong một ngôn ngữ khác, nó sẽ mất mát quá trầm trọng để có thể thương lượng, thậm chí nó có thể bị giết để đổi lấy một kiếp sống như bản nhại ngớ ngẩn của chính mình. Cặp vợ chồng dịch giả Irene và Franz Faber không có phép màu, nhưng họ để lại một bài học vĩ đại về sự thất bại. Khả năng duy nhất để dịch Truyện Kiều, như Nabokov đã dày công thực hiện với bản dịch Yevgeny Onegin – cũng một truyện thơ, cũng chiếm một vị trí tương tự trong tâm hồn Nga như Truyện Kiềutrong tâm hồn Việt – là dịch sát từ, sát nghĩa, sát cấu trúc văn bản, song bắt buộc phải kèm theo chú giải cả về nội dung, bối cảnh văn hóa, xã hội, lịch sử, lẫn hình ảnh, nhạc điệu, thủ pháp nghệ thuật. Yevgeny Onegin chỉ gồm 384 khổ thơ, mỗi khổ 14 dòng, nhưng riêng công trình chú giải của Nabokov lên tới trên 1500 trang. Theo cách đó, chúng ta có thể có một Truyện Kiều tương đối đáng tin, dù không thể có một Truyện Kiều đích thực trong một ngôn ngữ khác.

Nguồn: http://baotreonline.com/duoi-gam-cau-dich-thuat-2/