Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 8 tháng 4, 2018

Dưới gầm cầu dịch thuật (1)

Phạm Thị Hoài


Lời Tòa Soạn:  Bài viết hay, là phải làm cho mình suy nghĩ, tìm hiểu thêm và thấy bất ngờ vì định kiến của mình bị lung lay. Một nhà văn đã viết như vậy!  “Dưới gầm cầu dịch thuật”, một tiểu luận bàn về những sai lầm trong lãnh vực dịch thuật, là một bài viết có thể sẽ gợi ra những tranh luận, hay ít ra làm cho người đọc “suy nghĩ, tìm hiểu thêm…”.

Dịch và diệt

Lúc bước vào dịch thuật hơn ba mươi năm trước, tôi là một kẻ điếc, bom nổ bên tai còn chẳng biết chứ đừng nói là súng. Tôi xông vào nghề với khí thế tất thắng, hớn hở bắc cầu giữa hai vương quốc ngôn ngữ, mọi rào cản đều xem thường, thấy mình là một sứ giả vô cùng quyền biến. Không biết rằng lịch sử thế giới này đã hình thành, một phần quan trọng, từ nhầm lẫn, trong đó có không ít những sai lầm về dịch thuật. Ðộ chênh mong manh giữa bản gốc và bản dịch từng đẩy nhân loại vào những bi kịch khôn lường.

Thảm họa Hiroshima có lẽ đã không xảy ra, nếu từ mokusatsu (黙 殺) trong tiếng Nhật được dịch thận trọng hơn. Thủ tướng Nhật khi ấy, ông Suzuki Kantaro, đã dùng mokusatsu trong buổi họp báo ngày 28 tháng Bảy 1945 để diễn tả thái độ của chính phủ Nhật trước Tuyên bố Potsdam, tối hậu thư của phe Ðồng Minh yêu cầu Nhật đầu hàng vô điều kiện. Mokusatsu là từ ghép của moku, gốc Hán là mặc, và satsu, gốc Hán là sát, có thể dịch nhiều cách sang tiếng Anh: 1) withhold comment/ refrain from any comment, không đưa ra bất kỳ bình luận nào, tạm thời chưa có bình luận gì; 2) treat with silent contempt, không đáp lại mà lặng lẽ coi khinh, 3) ignore/ take no notice of, phớt lờ, bỏ qua, không quan tâm. Khả năng hàm hồ trong tiếng Nhật, như ở nhiều ngôn ngữ Châu Á khác, rất cao, phù hợp với tình thế khó có thể lựa chọn rõ ràng ngay lập tức của Nhật ở thời điểm đó. Và theo đúng Ðịnh luật Murphy, anything that can go wrong, will go wrong, chính Hãng Thông tấn Quốc gia Domei của Nhật dịch mokusatsuignore. Ngay trong ngày, tờ New York Times chạy tít The squad attacks after hearing that Japan ignores the Declaration. Sau đó thế nào thì chúng ta đã biết. Tradduttore không còn là tradditore, dịch không còn là phản, mà là diệt.

Chiến tranh Việt Nam cũng ít nhất hai lần vướng dịch thuật. Lần thứ nhất, với Sự kiện Vịnh Bắc Bộ. Cơ quan An ninh Quốc gia Hoa Kỳ (NSA) đã sơ ý hay cố ý dịch sai thông tin của Bắc Việt do tình báo Mỹ nghe trộm. Cụm từ “chúng ta đã hy sinh hai đồng chí” đã được dịch thành “we sacrificed two ships” thay vì “we sacrificed two comrades”. Và từ đó sơ ý hay cố ý hiểu sai văn cảnh, dẫn đến kết luận rằng sau cuộc tấn công ngày 2/8/1964, Hà Nội lại tiếp tục đem hải quân tấn công tàu khu trục Hoa Kỳ Maddox và Turner Joy ngày 4/8/1964. Song cuộc tấn công đó đã chỉ diễn ra trong trí tưởng tượng của NSA. Sau đó thế nào thì chúng ta đã biết. Dịch quả là diệt.

Lần thứ hai, chính chữ diệt trở thành vấn đề của dịch. Sau tròn nửa thế kỷ, sự thật về Thảm sát Mậu Thân ở Huế vẫn còn là đề tài tranh cãi, trong đó có vai trò của bản dịch một báo cáo thành tích của Việt Cộng tháng Tư 1968 như chứng cứ về khủng bố đỏ của “bạo lực cách mạng”. Bản dịch tiếng Anh như sau: “We eliminated 1,892 administrative personnel, 39 policemen, 790 tyrants, 6 captains, 2 first lieutenants, 20 second lieutenants and many non-commissioned officers”. Nhà nghiên cứu về Chiến tranh Việt Nam Gareth Porter phản bác rằngtừ Việt trong bản gốc cho eliminatediệt, song chữ diệt ở đây phải được hiểu là tiêu diệt hay loại khỏi vòng chiến đấu, tức có thể là giết, làm bị thương, bắt đầu hàng, làm tan rã…, diệt trong tiếng Việt không bao giờ đơn thuần là giết như cách đưa tin trên báo chí Mỹ về vụ này. Thế là, như Thảm sát Katyn trong Thế chiến II, sau khi bị vùi trong những hố chôn tập thể, hàng ngàn nạn nhân ở Huế tiếp tục bị nghiền nát bởi guồng máy tuyên truyền của tất cả các bên liên quan. Song 50 năm sau, tội ác ở rừng Katyn chính thức được phơi bày. Về tội ác ở Huế, cũng 50 năm sau, ngoài vài nhân vật ở bên thắng cuộc sau này buông mấy lời lấp lửng, còn lại vẫn là một sự im lặng đinh tai.

Nhà tiên tri mọc sừng

Ðọc đến đây, những người định bước vào nghề dịch có thể thấy nhột. Song khi những nhầm lẫn dịch thuật bẻ ngoặt lịch sử thì thủ phạm dịch giả lại quá bé nhỏ để chịu trách nhiệm, mặc dù hắn thường bị cắt tiết khi mắc những cái sai không làm chết một con ruồi. Hơn nữa, chúng ta có một niềm an ủi tuyệt diệu: thậm chí người được coi là thánh bảo hộ dịch thuật – ngày mất của ông, 30 tháng Chín, được chọn làm Ngày Dịch thuật Quốc tế -, một linh mục và nhà thông thái, Thánh Jerome, cũng sai như thường. Ông bỏ ra 40 năm để dịch Kinh Thánh, bản Vulgata kinh điển, trong đó Cựu ước được dịch trước hết từ tiếng Hy Lạp và sau đó một lần nữa từ nguyên gốc Hebrew sang tiếng Latin. Trong Sách Xuất hành, sau bốn mươi ngày đêm ở bên Thiên Chúa trên đỉnh Sinai, nhà tiên tri Moses xuống núi với mười điều răn chép trên hai bảng chứng. Ðến đây, bản gốc tiếng Hebrew dùng chữ קָרַן (qrn) để miêu tả gương mặt Moses. Tiếng Hebrew vốn không có nguyên âm, thay vì hiểu qrnqaran, tức hào quang, dịch giả đã hiểu là qæræn, tức sừng. Thế là nhà tiên tri mọc sừng, thay vì bừng ánh sáng của Thiên Chúa như sau này đã sửa. Và lỗi dịch thuật này trở thành bất tử, vĩnh viễn tạc chẳng mòn trong đá, nơi bức tượng Moses cẩm thạch nổi tiếng của Michelangelo ở nhà thờ San Pietro tại Roma.

duoi-gam-cau-dich-thuat1

Nhà tiên tri Moses, tượng của Michelangelo

Đức Mẹ có đồng trinh?

Ngoài Thánh Jerome, những học giả khổng lồ như Martin Luther, Jan Hus, William Tyndale và hàng vạn dịch giả khác đã dịch Kinh Thánh, cuốn sách được dịch nhiều nhất trên thế giới – trên 500 ngôn ngữ. Chủ bút của Kinh Thánh tiếng Việt, bản 1926, không ai khác cụ Phan Khôi lừng danh. Song Kinh Thánh cũng là hiện trường đồ sộ nhất với vô số tình tiết còn bỏ ngỏ dưới gầm cầu dịch thuật.

Trái cấm của Cây Tri Thiện Ác mà hai vị thủy tổ loài người lỡ bỏ vào miệng là trái gì? Xem ra đó không phải chuyện mệnh hệ. Sáng Thế ký cũng không nói rõ, ở đó loài thảo mộc duy nhất có tên cụ thể là cây vả. Tùy dịch giả, trái cấm có thể là tất cả, song tôi sẽ rất thích, nếu trong bản tiếng Việt đó là một quả thị. Nó đã đẹp, lại còn thơm. Chính mùi hương mất trí ấy cho pha cám dỗ và sa ngã ở Vườn Ðịa đàng một yếu tố gợi cảm mà đoạn mấu chốt này trong Kinh Thánh thiếu hẳn, trong khi hàng loạt đoạn khác thậm chí tràn trề dục tình. Thử hình dung, người nữ Eva hít hà, mân mê, nắn bóp quả thị cho nó mềm tơi tả. Rồi nàng mút đánh chụt và hột thị tụt vào miệng. Nàng mớm nó sang miệng Adam, và thành ngữ “ngậm hột thị” của chúng ta được nâng hẳn một tầng ý nghĩa. Nhưng không, cái mắc trong họng Adam lại là một quả táo. Bạn cứ tận hưởng cảm giác trái cấm khác thường mỗi lần ăn táo, song sự thật đằng sau thì khá tầm thường: Cây Tri Thiện Ác trong bản dịch Vulgatalignumque scientiae boni et mali, mà malus trong tiếng Latin là xấu, ác, tệ hại, nhưng táo cũng là malus.

duoi-gam-cau-dich-thuat

Adam, Eva và trái táo cấm, tranh của Lucas Cranach Cha

Lạc trong mê cung dịch thuật, con thỏ, con chuột đồng và con chuột núi của Kinh Thánh (Thi thiên, 104, 18) là một; chàng David (Samuel 16, 12) lúc thì tóc vàng, lúc mặt hồng hồng, lúc tóc lại nâu nâu, và sứ đồ Junias, nam giới, thực ra là Junia, nữ giới (Rô-ma, 16,7)… Song những lạc lối khác không vui vẻ như vậy. Nổi bật là cái bẫy dịch thuật khiến Ðức Mẹ trở thành đồng trinh. Bản gốc tiếng Hebrew (Isaiah, 7, 14) là עלמה (almáh), tức một cô gái, đơn giản là một phụ nữ trẻ, không liên quan đến còn hay đã mất trinh. Nhưng trong bản tiếng Hy Lạp cổ, bản Septuaginta huyền thoại, cô gái biến thành Παρθένος (parthénos), tức trinh nữ. Bản tiếng Việt dịch đoạn này và đoạn liên quan trong Phúc âm Mátthêu (1, 23) là “một gái đồng trinh“. Ðó cũng chính là từ almáh trong Sáng Thế ký (24, 43), nhưng ở đó bản tiếng Việt dịch là “người gái trẻ“. Tôi không rõ kết quả cuộc tranh cãi đầy hệ lụy này trong những ngôn ngữ khác. Trong tiếng Ðức, bản Luther 2017 của Giáo hội Tin Lành vẫn giữ cách dịch Jungfrau (trinh nữ) của Martin Luther, còn bản dịch thống nhất 2017 của Giáo hội Công giáo thì thay tất cả trinh nữ bằng gái trẻ (junge Frau). Ðức Mẹ có đồng trinh?

(còn tiếp)

18/3/2018
P.T.H.

Nguồn: http://baotreonline.com/duoi-gam-cau-dich-thuat-1/