Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 24 tháng 11, 2017

Vòng tròn ma thuật (kỳ 9)

Arthur Koestler

Phạm Nguyên Trường dịch


Đợt thẩm vấn thứ ba

“Đôi khi lời nói chỉ là phương tiện che đậy các sự kiện.

Nhưng không được để cho ai biết, mà nhỡ họ có biết thì phải tìm cách biện hộ ngay lập tức.”

Machiavelli (Hướng dẫn cho Rafaello Girlami)

“Song các ngươi nên nói: ‘Phải, phải; không, không

Còn quá lời ấy đều bởi kẻ ác mà ra.”

Tin lành. Ma-thi-ơ. V.37

1.

Trích nhật kí Rubashov. Ngày tù thứ mười hai.

“... VLADIMIR BOGROV đã bị hất ra khỏi cuộc chơi. Một trăm năm mươi năm trước, vào ngày tấn công ngục Bastille, con lắc lịch sử của châu Âu, sau bao nhiêu năm nằm im, lại được khởi động. Nó đã hân hoan vượt ra khỏi nền chuyên chế và lao vun vút lên bầu trời tự do với một động lực không gì ngăn cản được. Nó tiếp tục chuyển động lên cao mãi trong lĩnh vực tự do và dân chủ trong suốt một trăm năm. Nhưng tốc độ chuyển động ngày một giảm dần, con lắc đạt đến đỉnh điểm và sau vài giây lấy đà, nó bắt đầu đánh ngược lại, quay về thời kỳ chuyên chế với tốc độ ngày một nhanh hơn, với động lực cũng mạnh mẽ chẳng khác gì lúc đi lên. Kẻ nào chỉ nhìn lên, không kịp bám vào nó thì sẽ bị chóng mặt và rơi ra ngoài.

Muốn không bị chóng mặt thì phải hiểu qui luật chuyển động của con lắc. Con lắc của lịch sử đung đưa từ chế độ chuyên chế sang chế độ dân chủ và ngược lại, từ dân chủ trở về với nền độc tài toàn trị.

Quyền tự do cá nhân phụ thuộc vào mức độ giác ngộ chính trị của quần chúng. Sự chuyển động của con lắc nói đến bên trên cho ta thấy rằng chỉ một số cá nhân là theo kịp đà chuyển động của con lắc, còn quần chúng thì không, sự giác ngộ chính trị của quần chúng tuân theo những qui luật phức tạp hơn nhiều.

Sự giác ngộ chính trị của quần chúng phụ thuộc vào khả năng nhận chân được quyền lợi của chính họ. Để nhận chân quyền lợi của mình thì họ phải có một số hiểu biết nhất định về quá trình sản xuất và phân phối. Như vậy nghĩa là quần chúng càng hiểu rõ cấu trúc và cơ chế hoạt động của xã hội thì xã hội càng được tổ chức một cách dân chủ hơn.

Mỗi cải tiến về kỹ thuật đều dẫn đến những thay đổi trong hệ thống kinh tế, tạo ra những tác nhân và những liên kết mới mà quần chúng không thể nhận thức ngay được. Nhận thức của quần chúng không thể theo kịp mỗi khi kỹ thuật có những tiến bộ vượt bậc, vì vậy mà giác ngộ chính trị của họ cũng lạc hậu theo. Phải hàng chục năm, thậm chí sau nhiều thế hệ thì nhận thức của quần chúng mới dần dần thích nghi được với những điều kiện kinh tế đã thay đổi, cho đến lúc ấy trình độ quản lý xã hội vẫn sẽ giữ nguyên như trước khi có những tiến bộ kỹ thuật vừa nói. Theo đó, mức độ giác ngộ chính trị của quần chúng không thể được đo đếm bằng một giá trị tuyệt đối mà chỉ là giá trị tương đối, nghĩa là phụ thuộc vào giai đoạn lịch sử của xã hội đó.

Khi quần chúng nhận thức được cơ cấu kinh tế và xã hội của mình thì nền dân chủ nhất định sẽ chiến thắng, một cách hoà bình hay bằng vũ lực. Xã hội sẽ tồn tại như thế cho đến khi có một bước nhảy mới về mặt kỹ thuật – việc phát minh ra máy dệt là một thí dụ – đưa quần chúng trở về tình trạng lạc hậu tương đối, lúc đó có nhiều khả năng, hay nói đúng hơn, nhất định sẽ xuất hiện chế độ độc tài.

Có thể so sánh quá trình này với việc nâng tàu trong các âu thuyền. Lúc đầu con tàu còn nắm ở vị trí tương đối thấp so với âu thuyền và được nâng dần lên đến mực nước cao nhất. Nhưng cái cao nhất này chỉ là tương đối vì âu thuyền sau lại có mực nước cao hơn, quá trình nâng lên lại tiếp tục. Tường của âu thuyền đại diện cho khả năng kiểm soát tự nhiên, nghĩa là tình trạng kỹ thuật của nền văn minh, còn mực nước trong âu thuyền đại diện cho mức độ giác ngộ chính trị của quần chúng. Giá trị tuyệt đối của mực nước trong âu thuyền so với mực nước biển chẳng nói lên điều gì, điều cần quan tâm ở đây chính là độ cao tương đối của mực nước trong âu thuyền.

Việc phát minh ra máy hơi nước mở màn cho một giai đoạn phát triển vượt bậc về mặt kỹ thuật, kéo theo sự giật lùi cũng nhanh chóng như thế về mặt chính trị. Thời đại công nghiệp mới xuất hiện chưa được bao lâu, còn lâu quần chúng mới hiểu được cơ chế kinh tế cực kì phức tạp hiện nay. Rõ ràng là mức độ giác ngộ chính trị tương đối của quần chúng trong nửa đầu thế kỷ XX thấp hơn là năm 200 trước Công nguyên hay cuối thời kì phong kiến vì lúc đó quần chúng hiểu biết rõ hơn thể chế kinh tế của họ.

Lý thuyết xã hội chủ nghĩa đã mắc sai lầm vì nó tin rằng trình độ giác ngộ chính trị của quần chúng sẽ được nâng lên một cách thường xuyên và liên tục. Chính vì vậy mà nó không giải thích nổi sự quật trở lại của con lắc trong giai đoạn vừa qua. Chúng ta tin rằng sự thích ứng của quần chúng đối với hoàn cảnh sẽ diễn ra ngay lập tức, nhưng kinh nghiệm lịch sử lại cho thấy rằng quá trình thích ứng không phải tính bằng năm mà phải được tính bằng thế kỷ. Hiện nay nhân dân châu Âu cũng chưa nhận thức được hết các hậu quả mà máy hơi nước đã tạo ra cho nhân loại. Hệ thống tư bản sẽ sụp đổ trước khi quần chúng hiểu được nó.

Nhận thức của quần chúng ở Đất nước của Cách mạng cũng tuân theo qui luật chung đó. Họ đã vào được âu thuyền cao hơn, nhưng lại đang nằm ở đáy âu thuyền này. Quần chúng hoàn toàn không hiểu gì về hệ thống kinh tế mới này. Việc nâng con tàu lên sẽ diễn ra một cách cực kì khó khăn và đầy đau khổ. Có lẽ phải vài thế hệ nữa thì nhân dân mới hiểu được bản chất của chế độ mới, do Cách mạng tạo ra bằng chính bàn tay của nhân dân.

Khi quần chúng còn chưa có hiểu biết như thế thì dân chủ là việc bất khả thi, mức độ tự do cá nhân cũng có thể bị cắt xén, thậm chí còn bị cắt xén hơn các nước khác. Các lãnh tụ của chúng ta buộc phải cai trị bằng những biện pháp chuyên chế gắt gao nhất. Dùng những tiêu chuẩn tự do cổ điển mà soi thì đây sẽ là một chế độ dã man. Nhưng tất cả những sự kinh hoàng, dối trá và thoái hoá đập trực tiếp vào mắt đó cũng chỉ là những biểu hiện dễ thấy và không thể nào tránh được của cái qui luật đã được nói tới bên trên. Những thằng ngu và những kẻ duy mỹ, tức là những kẻ chỉ biết hỏi như thế nào chứ không bao giờ chịu hỏi tại sao, sẽ là những kẻ chịu nhiều tai họa. Trong giai đoạn, khi mà nhận thức của quần chúng còn tương đối thấp như hiện nay thì đứng về phe đối lập cũng tức là tự chuốc họa vào mình.

Khi nhận thức của quần chúng đã chín muồi thì phe đối lập không những cần mà còn phải dựa vào quần chúng. Nhưng khi quần chúng còn lạc hậu thì chỉ những kẻ mị dân mới làm cái việc kích động “tiếng nói của quần chúng”. Trong tình hình như thế, phe đối lập chỉ có hai con đường: cướp chính quyền bằng một vụ đảo chính mà không cần sự ủng hộ của quần chúng hoặc yên lặng lao ra khỏi quả lắc, nghĩa là “ngậm miệng mà chết đi”.

Còn một cách thứ ba nữa, cũng nhất quán không khác gì hai cách kia, ở nước ta nó đã trở thành hệ thống: nếu thấy không có khả năng biến niềm tin của mình thành hiện thực thì phải phủ nhận ngay. Vì chúng ta chỉ công nhận một tiêu chuẩn đạo đức duy nhất, đấy là lợi ích của tập thể, cho nên tuyên bố một cách công khai việc từ bỏ quan điểm của mình để được ở lại trong hàng ngũ của Đảng là một việc làm vinh quang hơn hẳn cuộc chiến đấu vô vọng của người hùng kiểu Don Quixote.

Những vấn đề như lòng tự trọng, định kiến cũng như thái độ coi thường chính mình, cảm giác mệt mỏi, ghê tởm và xấu hổ phải bị đào tận gốc, trốc tận rễ...”

2.

Rubashov bắt đầu viết những suy tư về “quả lắc” ngay sau hồi chuông báo thức đầu tiên của buổi sáng sau cái đêm Bogrov bị hành quyết, cũng là đêm mà Ivanov ghé thăm anh. Lúc người ta mang bữa sáng tới, anh chỉ uống một ngụm cà phê mà thôi. Mấy ngày trước nét chữ của anh cứ ngoằn ngoèo ẻo lả làm sao ấy, nhưng hôm nay đã lấy được phong độ, nét chữ đã có vẻ cứng rắn, dứt khoát, các chữ cái nhỏ hơn, nhưng có góc cạnh hơn. Sau khi đọc lại toàn bộ anh mới nhận thấy như thế.

Anh ngừng viết vào lúc mười một giờ vì đấy là giờ đi dạo. Nhưng hôm nay đi cạnh anh không phải là Rip Van Winkle mà là một người nông dân gầy gò, đi một đôi giày đã rách. Không thấy bóng dáng Rip Van Winkle đâu, lúc này Rubashov mới sực nhớ lại rằng sáng nay anh đã không nghe thấy tiếng gõ quen thuộc: “Vùn lên hỡi các nô lệ ở thế gian”. Có lẽ ông ta đã bị đưa đi rồi, đưa đi đâu thì chỉ có Trời mới biết; con bướm đêm tả tơi này đã sống quá lâu một cách đáng ngạc nhiên và vô ích, có thể nó sẽ đập cánh thêm một vài lần nữa rồi ngã xuống, tan vào với cát bụi.

Anh nông dân lặng lẽ bước, thỉnh thoảng lại liếc nhìn Rubashov. Phải đến vòng thứ ba, sau khi đã hắng giọng mấy lần, anh ta mới lên tiếng:

“Tôi bị đưa đến đây từ tỉnh D. Ngài đã đến đấy lần nào chưa?”

Rubashov trả lời rằng chưa. Anh chỉ biết loáng thoáng rằng D. là một tỉnh ở đâu mãi miền Đông.

“Xa lắm”, anh nông dân nói. “Phải có lạc đà thì mới đi tới được. Ngài làm chính trị à?”

Rubashov trả lời rằng anh là nhà hoạt động chính trị. Đôi giày vải của anh nông dân đã bong gần hết đế, những ngón chân trần thò cả ra ngoài. Anh ta liên tục gật đầu mỗi khi nói, như thể đang cầu kinh vậy.

“Tôi cũng hoạt động chính trị”, người nông dân thì thầm,

“cụ thể tôi là phản động. Người ta bảo rằng tất cả phản động đều phải đi đày đến mười năm. Ngài có cho rằng họ cũng bắt tôi đi đày không?”

Anh gật đầu và liếc nhìn mấy người lính lúc đó đang tụ tập giữa sân, vừa dậm chân cho khỏi rét vừa nói chuyện mặc kệ đám tù nhân với nhau.

“Thế anh đã làm những gì?”, Rubashov hỏi.

“Tôi bị tố cáo là phản động khi người ta tiêm cho trẻ con”, anh nông dân đáp. “Năm nào cũng có các ngài dân ủy đến vùng chúng tôi. Năm kia họ mang đến cho chúng tôi báo để đọc và tranh ảnh. Năm ngoái họ mang đến máy đập lúa và bàn chải đánh răng. Năm nay thì họ mang đến những cái ống bằng thủy tinh, có kim, nói là để tiêm trẻ con. Có một bà mặc quần âu, trông chẳng khác gì đàn ông, bà ấy bảo là sẽ tiêm cho tất cả trẻ con trong làng. Khi bà ấy đến nhà thì vợ chồng tôi đóng chặt cửa lại, không cho vào. Thế là bị tố là phản động. Sau đó chúng tôi cùng nhau đốt hết báo chí, tranh ảnh rồi phá nát cái máy đập lúa. Một tháng sau thì có người đến đưa đi như thế này đây.”

Rubashov lẩm bẩm vài câu và tiếp tục suy nghĩ về vấn đề tự quản. Anh nhớ là đã đọc ở đâu đó câu chuyện về người bản địa New Guinea, những người có cùng trình độ với anh nông dân này nhưng lại xây dựng được một xã hội hài hoà với những thể chế dân chủ phát triển đáng khâm phục. Nếu so sánh xã hội của họ với con tàu thì có thể nói con tàu của họ đã nằm trên mực nước cao nhất của cái âu thuyền đầu tiên...

Anh nông dân nghĩ rằng Rubashov không bắt chuyện là vì không ưa anh ta nên càng thu mình hơn trước. Mấy ngón chân đã lạnh cóng; xám ngoét, thỉnh thoảng anh ta lại thở dài, nét mặt vô cảm chấp nhận sự an bài của số phận và lặng lẽ bước.

Vừa về tới buồng giam là Rubashov lấy giấy bút ra ngay lập tức. Tin rằng đã phát minh ra “Qui luật về sự chín muồi tương đối”, anh lao vào viết một cách vô cùng hào hứng. Công việc hoàn thành trước bữa ăn trưa. Ăn xong, anh khoan khoái nằm dài ra giường.

Anh ngủ trưa khoảng một tiếng, không mộng mị và cảm thấy rất hưng phấn sau khi được đánh thức. Đấy là 402 đang gõ vào tường, có lẽ vì cảm thấy cô đơn. Anh ta hỏi ai đi cặp với Rubashov, nhưng Rubashov cắt ngang và vừa mỉm cười vừa gõ bằng gọng kính:

TÔI ĐẦU HÀNG.

Rồi tò mò ngồi đợi hiệu quả.

Mãi không thấy trả lời. Phải một lúc sau 402 mới đáp:

TÔI SẴN SÀNG TREO CỔ...

Rubashov mỉm cười. Anh gõ:

MỖI NGƯỜI MỘT CÁCH.

Anh tin rằng 402 sẽ chửi bới, nhưng hoá ra anh ta lại gõ rất nhẹ như có ý chấp nhận:

TÔI COI ANH LÀ TRƯỜNG HỢP NGỌAI LỆ. TINH THẦN QUÂN TỬ ĐÂU RỒI?

Rubashov nằm ngửa, tay cầm kính. Tâm trạng bình tĩnh và thanh thản. Anh gõ tiếp:

QUAN NIỆM QUÂN TỬ CỦA CHÚNG TA KHÁC NHAU. 402 gõ rất nhanh và chính xác:

QUÂN TỬ LÀ TRUNG THÀNH VỚI NIỀM TIN CỦA MÌNH. Rubashov cũng trả lời rất nhanh:

QUÂN TỬ LÀ CÓ ÍCH VÀ KHÔNG GIẢ DỐI.

Lần này 402 gõ to hơn và dứt khoát hơn:

QUÂN TỬ LÀ TỬ TẾ CHỨ KHÔNG PHẢI CÓ ÍCH.

TỬ TẾ LÀ GÌ? Rubashov hỏi. Lần này anh gõ một cách chậm rãi và từ tốn. Nhưng anh càng từ tốn bao nhiêu thì tiếng đáp trả lại càng cuồng nhiệt bấy nhiêu.

NHỮNG NGƯỜI NHƯ ANH KHÔNG THỂ HIỂU ĐƯỢC, 402 trả lời.

Rubashov nhún vai:

CHÚNG TÔI LẤY TRÍ TUỆ THAY CHO TỬ TẾ.

402 không trả lời nữa. Rubashov đọc đi đọc lại phần vừa mới viết từ lúc ấy cho đến tận lúc ăn tối. Anh sửa chữa một hai chỗ rồi sau đó chép lại dưới dạng một bức thư gửi cho Viện trưởng Viện Kiểm sát. Anh gạch dưới những đoạn cuối cùng, nói về ba phương án hành động của phe đối lập và ghi thêm như sau:

Tôi, N. S. Rubashov, cựu Ủy viên Trung ương Đảng, cựu Dân ủy, cựu Tư lệnh Binh đoàn 2 quân đội Cách mạng, Huân cương Cách mạng, vì những lý do đã nói bên trên, quyết định từ bỏ hoàn toàn các quan điểm đối lập trước đây và công khai thú nhận tất cả tội lỗi đã phạm.

3.

Rubashov đợi đã hai ngày. Anh giao bức thư gửi ông Viện trưởng Viện Kiểm sát Tối cao cho người giám thị già ngay khi thời hạn do Ivanov đưa ra vừa kết thúc. Anh những tưởng sẽ được đưa đi gặp Ivanov ngay, nhưng hoá ra đấy là việc không khẩn cấp như anh nghĩ. Có thể Ivanov còn đang nghiên cứu “Qui luật về sự chín muồi tương đối”, mà có nhiều khả năng là văn bản này đã được gửi lên cấp có thẩm quyền cao hơn.

Rubashov lấy làm khoái chí và khẽ mỉm cười khi nghĩ đến sự sửng sốt của các “lý thuyết gia” trong Ban Chấp hành Trung ương. Trước và ngay sau Cách mạng, khi Ông Cụ còn, không có sự phân biệt giữa “lý thuyết gia” và “chính trị gia”. Chiến thuật trong mỗi giai đoạn được đúc rút trực tiếp từ lý thuyết cách mạng, thông qua các cuộc tranh luận công khai: các vấn đề chiến lược của cuộc Nội chiến, cải cách ruộng đất, trưng thu lương thực, đổi tiền, cải tạo công nghiệp..., tóm lại, tất cả các chính sách của nhà nước đều là lý luận cách mạng được áp dụng vào trong thực tiễn của đời sống. Tất cả những người có mặt trong bức ảnh từng một thời được treo trong phòng làm việc của Ivanov đều có hiểu biết về triết học, chính trị kinh tế học và nghệ thuật quản lý nhà nước hơn bất kỳ vị giáo sư khả kính nào ở châu Âu. Các tham luận trong hội nghị Ban Chấp hành Trung ương và Đại hội Đảng giai đoạn Nội chiến là những luận văn ở trình độ cao chưa từng có, chẳng khác gì các bản báo cáo khoa học trên các tạp chí chuyên nghành. Khác biệt duy nhất: kết quả của những cuộc thảo luận đó liên quan trực tiếp đến số phận hàng triệu người và tương lai của cuộc Cách mạng vĩ đại nhất trong lịch sử.

Nhưng đội cận về già của Cách mạng đã là quá khứ. Mà chính quyền càng ổn định thì lại càng cứng rắn, qui luật lịch sử là như vậy. Nó phải làm như thế để ngăn chặn các các lực lượng mà Cách mạng đã giải phóng không quay ra chống lại Cách mạng. Thời của những kì Đại hội đầy tính triết học đã qua rồi, những bức chân dung cũ đã bị bóc đi rồi, tinh thần phản kháng đã được thay thế bằng thái độ thụ động vô hồn. Lý luận cách mạng sơ cứng dần và biến thành sự sùng bái giáo điều với những cuốn kinh đơn giản và dễ hiểu, còn Anh Cả thì biến thành Đại Giáo chủ. Những bài báo và những bài phát biểu của ông ta rất giống các cuốn kinh, ngay cả về mặt hình thức, tức là gồm những câu vấn đáp với những sự kiện được đơn giản hoá đến mức tối đa. Chắc chắn bản năng đã gợi ý cho Anh Cả sử dụng “Qui luật về sự chín muồi tương đối của quần chúng”. Các nhà độc tài nghiệp dư buộc các thần dân của họ hành động theo mệnh lệnh, Anh Cả dạy cho các thần dân của mình suy nghĩ theo mệnh lệnh.

Rubashov cảm thấy thích thú khi nghĩ tới những điều mà các “lý thuyết gia” của Đảng sẽ nói về bức thư của anh. Trong điều kiện hiện nay thì đấy chính là tà đạo: Anh đã phê phán cả những nhà sáng lập chủ nghĩa, đã gọi sự vật theo đúng tên của chúng, ngay cả nhân vật thần thánh như Anh Cả cũng được xem xét từ quan điểm lịch sử khách quan. Những lý thuyết gia khốn nạn mà nhiệm vụ chỉ là tìm cách bốc thơm những bước ngoặt đột ngột trong đường lối của Anh Cả là những phát kiến mới nhất của triết học sẽ uất nghẹn mất thôi.

Thỉnh thoảng Anh Cả cũng cho các lý thuyết gia những vố ra trò. Một lần, Anh đã giao cho nhóm chuyên gia trong ban biên tập một tờ tạp chí kinh tế của Đảng làm một bản báo cáo phân tích tình trạng khủng hoảng của nền công nghiệp Mỹ. Bản báo cáo phải được hoàn tất trong vài tháng. Quả nhiên sau đó, trong một số chuyên đề về nước Mỹ, trên cơ sở các luận điểm của Anh Cả tại kỳ Đại hội Đảng gần đây, các chuyên gia đã chứng minh rằng sự bùng nổ kinh tế ở Mỹ chỉ là trò tuyên truyền, trên thực tế nước Mỹ đang trải qua một cuộc khủng hoảng kinh tế sâu sắc, chỉ có cách mạng mới có thể cứu được nước này mà thôi. Trong buổi tiếp một nhà báo Mỹ ngay trong ngày ra mắt tờ tạp chí, Anh Cả đã làm tất cả phải sững sờ khi vừa nhả khói thuốc lá vừa tuyên bố:

“Nước Mỹ đã vượt qua khủng hoảng, nền kinh tế lại hoạt động bình thường rồi.”

Các thành viên ban biên tập tin chắc phen này sẽ bị sa thải, thậm chí bị bắt. Ngay đêm ấy họ vội vàng viết một bức thư thú nhận “đã đưa ra các phân tích sai lầm và có hại cho cách mạng”, xin được tha thứ và hứa sẽ công khai tự phê bình khi có dịp. Chỉ có Isacovitch, cũng trạc tuổi Rubashov, thuộc đội cận vệ già duy nhất trong ban biên tập là không viết thư mà tự bắn một phát vào đầu. Những người thạo tin sau đó nói rằng Anh Cả làm như thế là để loại bỏ Isacovitch, một người mà Anh nghi là thuộc nhóm đối lập.

Cứ y như một vở hài kịch, Rubashov tự nhủ, cái trò bịp bợm về “nâng cao cảnh giác cách mạng” hiện nay chính là phương tiện để củng cố quyền lực, nhưng không làm thế thì cũng không được. Kẻ nào tưởng vở hài kịch này là thực, kẻ nào chỉ nhìn thấy những cảnh đang diễn ra trên sân khấu mà không biết những chuyện ở hậu trường thì sẽ càng gặp nhiều thất vọng. Trước đây chính sách của cách mạng được quyết định trong những cuộc họp công khai, ngày nay được giải quyết trong hậu trường, đấy cũng là một trong những hệ quả của qui luật về sự chín muồi tương đối của quần chúng.

Rubashov ước ao được ngồi trong một thư viện yên tĩnh, với những chiếc đèn có tán màu xanh để tìm thêm cơ sở cho lý luận của mình. Thời gian đi đầy, tức là lúc bắt buộc phải ngồi yên là giai đoạn có ích nhất đối với hoạt động về mặt lý luận. Anh vừa đi ra đi vào vừa nghi ̃đến hai ba năm tới, tức là sau khi anh công khai từ bỏ quan điểm của mình và rút ra khỏi mọi hoạt động để có thể lui về ẩn dật. Hình thức đầu hàng không phải là vấn đề, họ muốn anh nhận lỗi và tuyên bố rằng Anh Cả không bao giờ sai, bao nhiêu lần cũng được. Đấy chỉ là vấn đề nghi thức: ý kiến càng đơn giản và càng được nhắc đi nhắc lại nhiều lần càng dễ đi vào lòng quần chúng, cái được coi là đúng phải lấp lánh như vàng ròng, còn cái bị sai thì phải bôi đen như than.

402 không thể hiểu được chuyện này. Quan niệm hạn hẹp về người quân tử của anh ta đã thuộc về quá khứ xa xôi. Quân tử là gì? Đấy chỉ là qui ước gắn liền với truyền thống và luật đấu kiếm của các hiệp sĩ. Quan niệm mới về danh dự phải là: phục vụ vô điều kiện và đi đến cùng theo con đường đã chọn...

“Chết vinh còn hơn sống nhục”, chắc chắn là 402 sẽ nói như thế, trong khi tay mân mê bộ ria mép. Đấy là biểu hiện cổ điển của lòng kiêu hãnh mang tính cá nhân. 402 chỉ nghĩ về mình, còn anh, Rubashov lại nghĩ đến sự nghiệp chung. Vấn đề cấp thiết của anh bây giờ là được làm việc một cách bình tĩnh trong một thư viện nào đó để hoàn thiện cho bằng được ý tưởng mới của mình. Công việc này sẽ phải kéo dài vài năm, đây sẽ là một tác phẩm lớn, nhưng đấy chính là chìa khoá để hiểu lịch sử của các thể chế dân chủ và rọi ánh sáng vào sự vận động của tâm lý quần chúng, hiện nay nhiều người đã nhận thấy rằng tâm lý quần chúng cũng thường dao động chẳng khác gì quả lắc đồng hồ, nhưng lý thuyết đấu tranh giai cấp cổ điển chưa lý giải được hiện tượng đó.

Vừa đi đi lại lại Rubashov vừa mỉm cười một mình. Điều quan trọng nhất bây giờ là được làm việc. Anh cảm thấy tỉnh táo, đầy sung lực, răng cũng không còn đau nữa. Đã hai ngày trôi qua, kể từ buổi nói chuyện với Ivanov và gửi thư cho ông Viện trưởng Viện Kiểm sát, nhưng vẫn không thấy động tĩnh gì. Hai tuần ngồi tù đầu tiên sao mà nhanh thế, còn bây giờ thì thời gian lại trôi như rùa bò. Không có tài liệu lịch sử thì không thể tiến xa được. Anh đứng cạnh lỗ nhòm cả nửa tiếng đồng hồ những mong nhìn thấy người giám thị già đến đưa đi gặp Ivanov. Nhưng hành lang vắng tanh vắng ngắt, chỉ có ánh điện là vẫn sáng như mọi khi mà thôi.

Có lúc anh lại nghĩ là chính Ivanov sẽ tới, anh ta sẽ hoàn tất ngay tại đây mọi thủ tục, được thế là tốt nhất. Anh sẽ làm ngay một chai. Anh mường tượng đến từng chi tiết cảnh họ cùng nhau soạn thảo “bản tự kiểm điểm” đầy những lời lẽ thống thiết và những câu đùa vô liêm sỉ mà Ivanov thỉnh thoảng lại nói chen vào. Rubashov đi đi lại lại trong phòng, miệng mỉm cười và cứ mươi phút lại xem đồng hồ một lần. Hôm đó chính Ivanov đã nói sẽ cho dẫn anh đến gặp ngay sau đó cơ mà?

Rubashov cảm thấy ruột gan nóng như lửa đốt, đêm thứ ba kể từ hôm nói chuyện với Ivanov anh không thể nào ngủ được. Anh nằm trên giường, căng tai nghe ngóng từng tiếng động nhỏ trong toà nhà, trằn trọc trở mình hết bên nọ sang bên kia và lần đầu tiên kẻ từ hôm bị bắt anh ao ước một cơ thể ấm áp của người đàn bà. Anh cố gắng thở thật đều để mong chợp mắt đi một lúc nhưng đầu óc ngày càng mông lung hơn. Anh chỉ muốn gõ vào tường để nói chuyện với 402, sau lần trao đổi về chuyện “quân từ là gì?” không thấy anh ta phản ứng gì nữa.

Vào khoảng nửa đêm, tức sau khi trằn trọc ba tiếng đồng hồ, không thể nào kiềm chế được nữa, anh đành lấy tay gõ nhẹ vào tường. Rồi dỏng tai lên nghe, tuyệt đối không thấy động tĩnh gì. Anh gõ thêm lần nữa và lại nằm đợi, thâm tâm cảm thấy vô cùng nhục nhã. 402 vẫn không trả lời. Chắc chắn anh cũng đang nằm, mắt mở thao láo và đang giết thời gian bằng cách nhai lại những kỷ niệm xưa; chả là có lần anh ta đã thú nhận là không bao giờ ngủ trước một hoặc hai giờ sáng, thậm chí còn quay lại với những thói quen tệ hại thời niên thiếu nữa.

Rubashov nằm ngửa, mắt nhìn chòng chọc vào màn đêm. Cái nệm rơm bên dưới cứng ngắc, cái chăn thì lại quá ấm và sực mùi ẩm mốc, nhưng vừa gạt ra là anh đã thấy lạnh run lên. Anh đã hút bảy hay tám điếu liền, đầu mẩu thuốc nằm rải rác khắp sàn nhà. Xung quanh lặng ngắt như tờ, thời gian như ngừng trôi, như bị bóng đêm vô hình nuốt trọn. Rubashov nhắm mắt và tưởng tượng Arlova đang nằm bên cạnh, bộ ngực quen thuộc của cô hiện lên lờ mờ trong bóng đêm. Anh quên mất rằng, giống như Bogrov, cô cũng đã từng bị lôi lệch xệch qua hành lang bên ngoài; sự im lặng nặng nề bập bùng trong màng nhĩ như tiếng trống ngũ liên từ xa vọng lại. Hai ngàn con người bị giam trong cái tổ ong này đang làm gì? Sự im lặng trương phồng lên bởi những hơi thở không thành tiếng, những giấc mơ không thành hình, những khát khao và sợ hãi bị đè nén của tất cả những con người bị giam cầm ở đây. Nếu Lịch sử có thể cân đong đo đếm được thì hai ngàn cơn ác mộng sẽ nặng bao nhiêu, sự thèm khát không được thoả mãn nhân với hai ngàn sẽ có áp suất là bao nhiêu? Anh như thực sự ngửi thấy mùi nước hoa của Arlova, toàn thân đẫm mồ hôi... Cửa buồng giam bật mở, ánh đèn ngoài hành lang chiếu thẳng vào mắt.

Rubashov thấy hai người lính đeo súng lục đi vào, anh chưa gặp hai người này bao giờ. Một người bước lại gần giường, đấy là một người khá cao, mặt thô, giọng khàn khàn và to một cách thiếu tự nhiên. Anh ta ra lệnh cho Rubashov đi theo, còn đi đâu thì không nói.

Rubashov đưa tay tìm cái kính rồi mới từ từ ngồi dậy. Anh đi cạnh người lính cao kều, hắn cao hơn anh cả một cái đầu, người mỏi rã rời, chân nặng như chì. Người lính thứ hai theo sát phía sau.

Rubashov liếc nhìn đồng hồ, đã hai giờ sáng, nghĩa là anh đã chợp mắt được một lúc. Họ đi về phía buồng cắt tóc, cũng là hướng mà người ta đã lôi Bogrov đi. Người lính thứ hai đi cách anh ba bước. Rubashov bỗng cảm thấy như có kiến bò ở gáy, phải cố gắng lắm anh mới không ngoái lại. “Họ không thể thịt mình một cách đơn giản như vậy được”, anh tự nhủ như thế, nhưng thâm tâm cũng không tin lắm. Lúc này đấy không phải là vấn đề, anh chỉ mong mọi chuyện kết thúc cho thật nhanh. Anh cố gắng định thần để xem mình có sợ hay không, nhưng chỉ cảm thấy bức bối vì nửa muốn ngoái lại, nửa không.

Đi quá buồng cắt tóc một chút thì thấy cái cầu thang cuốn bằng sắt. Rubashov ngó sang người lính to lớn đi bên cạnh xem anh ta có đi chậm lại hay không. Anh không cảm thấy sợ, chỉ hơi tò mò và gò bó, nhưng khi vừa bước khỏi cầu thang thì hai chân anh bỗng run bắn lên, chút nữa thì ngã. Anh còn ngạc nhiên hơn khi thấy đang tự động lau kính vào ống tay áo, nghĩa là anh đã tháo kính ra trước khi đi đến buồng cắt tóc mà không biết. “Toàn lừa bịp hết”, anh tự nhủ. “Có thể lừa được cái đầu chứ bụng thì lừa làm sao nổi. Nếu bị đánh thì mình sẽ nhận hết, nhưng mai mình sẽ phản cung...”

Đi thêm vài bước anh lại sực nhớ “thuyết về sự chín muồi tương đối” và quyết định đầu hàng của mình. Anh thở phào nhẹ nhõm nhưng đồng thời tự hỏi làm sao lại có thể quên hết được một cách dễ dàng đến thế. Người lính dừng lại và mở cửa một căn phòng. Rubashov nhìn thấy một phòng làm việc tương tự như phòng của Ivanov, ánh sáng chói loà từ bên trong chiếu ra làm anh nhức cả mắt. Gletkin ngồi sau một cái bàn nhìn thẳng ra cửa.

Cửa buồng đóng sập ngay lại, bấy giờ Gletkin mới ngẩng đầu lên. “Xin mời ngồi”, giọng nói khô khốc của anh ta làm Rubashov nhớ lại lần họ cãi nhau tại buồng giam của anh. Anh cũng nhận ra cái sẹo to tướng trên đầu Gletkin, chỉ có mặt anh ta là không rõ vì ánh sáng được phát ra từ một cái đèn pha lắp trên một cái chân khá cao đằng sau ghế của Gletkin. Cái đèn này sáng đến nỗi phải một lúc sau Rubashov mới nhận ra cô thư ký ngồi cạnh một cái bàn nhỏ sau bức mành.

Rubashov ngồi xuống chiếc ghế duy nhất phía trước cái bàn viết, đối diện với Gletkin. Đấy là một cái ghế đẩu, cao lênh khênh, rất bất tiện.

“Tôi được phân công xét hỏi anh trong thời gian điều tra viên Ivanov đi vắng”, Gletkin nói. Ánh sáng làm mắt Rubashov nhức nhối, nhưng nếu quay nghiêng thì một góc con ngươi lại buốt như có kim châm. Hơn nữa nói chuyện mà lại quay nghiêng thì vừa có vẻ vô lý vừa bất tiện làm sao ấy.

“Tôi muốn được Ivanov xét hỏi”, Rubashov nói.

“Điều tra viên là do cấp trên chỉ định”, Gletkin đáp. “Anh có quyền từ chối khai báo. Trong trường hợp của anh từ chối khai báo đồng nghĩa với việc rút lại ý định thú tội mà anh đã viết cách đây hai ngày, cũng có nghĩa là chấm dứt việc điều tra. Trong trường hợp đó tôi sẽ trả anh về cho cấp có thẩm quyền và anh sẽ bị xử tại toà hành chính.” Rubashov suy nghĩ thật nhanh. Chắc chắn là Ivanov đã gặp rắc rối rồi. Có thể anh ta được cho đi nghỉ phép hay bị bãi chức mà cũng có thể là đã bị bắt. Có thể là do tình bạn trước đây với Rubashov hoặc là do trí thông minh, lòng trung thành của anh ta với Anh Cả là dựa trên lý trí chứ không phải niềm tin mù quáng như những kẻ khác. Ivanov là người thông minh và thuộc thế hệ cũ, Gletkin và phương pháp của anh ta thuộc trường phái mới... Ivanov, xin anh hãy an giấc ngàn thu. Rubashov không có thì giờ than thở, anh phải suy nghĩ thật nhanh, nhưng ánh đèn làm anh không thể tập trung tư tưởng được. Anh tháo kính và nheo hai mắt lại; không có kính thì trông anh sẽ giống như một người bất lực và tâm trạng sẽ phơi bày ra hết, đôi mắt vô hồn của Gletkin sẽ có điều kiện ghi nhận mọi thay đổi trên nét mặt anh. Không thể lùi, nếu anh tiếp tục im lặng thì coi như xong. Gletkin là một kẻ đáng ghét, nhưng hắn là đại diện của thế hệ mới, thế hệ cũ phải tìm cách thoả hiệp với hắn hoặc sẽ bị tiêu diệt, không có lựa chọn nào khác. Rubashov bỗng cảm thấy mình già, chưa bao giờ anh có cảm giác như thế. Chưa bao giờ anh coi mình là người đã ngoài năm mươi. Anh đeo kính lên và quay mặt về phía Gletkin, nhưng ánh đèn chói chang làm nước mắt trào ra, anh lại tháo kính.

“Tôi sẵn sàng khai báo”, Rubashov nói, cố gắng giữ cho giọng nói thật bình tĩnh. “Nhưng với điều kiện anh phải chấm dứt cái trò này đi. Hãy bỏ cái đèn này đi, dành nó cho những kẻ lừa đảo và những tên phản cách mạng. ”

“Anh không có quyền ra điều kiện”, Gletkin bình thản nói. “Tôi không thể điều chỉnh ánh sáng theo yêu cầu của phạm nhân. Có vẻ như anh vẫn chưa nhận thức được địa vị của mình, nhất là khi anh bị kết tội hoạt động phản cách mạng, trong mấy năm gần đây anh đã hai lần công khai thú nhận như thế. Nếu anh vẫn tin rằng lần này cũng thoát một cách dễ dàng như thế thì anh đã lầm to.”

“Đồ chó”, Rubashov tự nhủ. “Đồ chó ghẻ mang danh cán bộ.” Mặt anh đỏ bừng lên. Anh cảm thấy máu đang dồn lên mặt và biết rằng Gletkin đã nhận ra điều đó. Gletkin bao nhiêu tuổi? Ba sáu hay ba bảy là cùng, nghĩa là hắn đã tham gia vào cuộc Nội chiến ngay từ khi còn rất trẻ, còn khi Cách mạng nổ ra thì vẫn còn là trẻ con. Đây là thế hệ biết suy nghĩ sau khi cơn đại hồng thuỷ đã xảy ra. Họ không có truyền thống, cũng chẳng có ký ức về cái thời đã đi qua. Đây là thế hệ không có gốc rễ... Nhưng họ có lý của họ. Phải phá bỏ cội nguồn, phải dứt đứt mọi liên hệ với khái niệm danh dự và quân tử xưa cũ. Danh dự là phục vụ vô điều kiện, là hi sinh quên mình và mãi mãi trung thành với con đường đã chọn.

Sự bực tức của Rabashov dịu dần. Tay vẫn cầm kính, Rubashov quay mặt về phía Gletkin. Vì phải nhắm mắt, anh càng thấy mình như đã phơi hết ruột gan ra trước điều tra viên, nhưng chuyện đó cũng không làm anh bận tâm nữa. Tuy nhắm mắt nhưng ánh đèn vẫn làm con ngươi anh nhức nhối. Chưa bao giờ anh có cảm giác cô đơn đến như thế.

“Tôi sẽ làm tất cả vì sự nghiệp của Đảng”, Rubashov nói. Mắt anh vẫn nhắm, song giọng nói đã dịu trở lại. “Tôi đề nghị được nghe bản luận tội. Cho đến lúc này tôi vẫn chưa biết mình bị tội gì.”

Anh không nhìn được nhưng cảm thấy rất rõ sự chuyển động trong cái thân hình khô cứng của Gletkin. Có tiếng cổ tay áo cọ vào thành ghế loạt xoạt, hơi thở sâu hơn, rõ ràng là hắn ta đã bớt căng thẳng hơn trước. Rubashov cho rằng Gletkin mở cờ trong bụng vì chiến thắng bất ngờ. Điều Rubashov vừa nói đồng nghĩa với sự thăng quan tiến chức, thế mà mới cách đây mấy phút hắn không thể biết anh sẽ có thái độ như thế nào, số phận Ivanov vẫn còn là bài học nóng hổi.

Rubashov bỗng nhận ra rằng Gletkin cũng cần anh hệt như anh cần hắn. “Ta đã nắm được cổ nhà ngươi”, anh vừa cười khẩy vừa tự nhủ. “Chúng ta đang nắm cổ nhau, nếu có mệnh hệ gì thì ta sẽ kéo ngươi theo.” Trong khi Rubashov nhấm nháp cái ý tưởng là mình có thể gây tai họa được cho Gletkin thì hắn đã lấy lại vẻ cứng rắn và nghiêm túc, tiếp tục lục lọi đống giấy tờ; nhưng sau đó anh nghĩ rằng đấy là một ý tưởng không hay và từ từ nhắm mắt lại. Phải quét sạch mọi tàn dư của chủ nghĩa cá nhân – tự sát là một biểu hiện khéo léo của chủ nghĩa cá nhân chứ còn gì nữa? Dĩ nhiên tay Gletkin tin rằng trò ma mãnh của hắn chứ không phải lý luận của Ivanov đã buộc anh đầu hàng, có thể hắn còn làm cho cấp trên tin vào chuyện đó và nhân thể lật đổ được Ivanov. “Đồ chó”, Rubashov tự nhủ, nhưng lần này không còn tức tối nữa. “Quân dã man. Nhà ngươi không hiểu được việc mình làm, nhưng khi hiểu được thì ngươi cũng sẽ toi...”. Ánh đèn càng lúc càng chói chang hơn – Rubashov đã nghe nói rằng điều tra viên có thể điều chỉnh được độ sáng của đèn. Anh phải quay mặt đi và lấy tay lau nước mắt. “Quân dã man”, anh lại tự nhủ, “nhưng bây giờ chúng ta lại đang cần những thằng dã man như thế...”

Gletkin bắt đầu đọc bản luận tội. Cái giọng đều đều của hắn làm Rubashov như muốn phát điên, anh vẫn quay mặt đi và nhắm tịt mắt như cũ. Anh vẫn coi “lời thú tội” của mình chỉ là thủ tục, chỉ là một vở hài kịch cho đủ lệ bộ, song bản án mà Gletkin đang đọc đã vượt mọi giới hạn của sự phi lý. Chả lẽ Gletkin thực sự tin rằng anh đã dự tính những mưu mô ấu trĩ thế hay sao? Chả lẽ hắn tin rằng trong suốt mấy năm qua anh đã tìm mọi cách để phá đổ toà lâu đài mà anh và đội cận vệ già đã tạo lập nền móng hay sao? Chả lẽ hắn tin rằng tất cả những cận vệ già được đánh số trong bức ảnh – những anh hùng thời niên thiếu của Gletkin – đều là nạn nhân của một căn bệnh đã biến tất cả bọn họ thành những kẻ hủ bại, những kẻ chỉ có một ước muốn duy nhất là thủ tiêu cuộc Cách mạng hay sao? Chả lẽ hắn lại tin rằng những chiến lược gia tài ba đó lại sử dụng các biện pháp của những cuốn tiểu thuyết trinh thám rẻ tiền như thế hay sao?

Gletkin đọc một cách đều đều, khô khan y như một người vừa thoát nạn mù chữ. Lúc này hắn đang đọc đến đoạn Rubashov, khi còn công tác ở B., đã tiến hành thảo luận với đại diện của Chính phủ một nước thù địch nhằm khôi phục chế độ cũ bằng vũ lực. Có cả tên nhà ngoại giao nước ngoài cũng như thời gian và địa điểm cuộc gặp. Rubashov chú ý lắng nghe. Anh sực nhớ là đã từng nói chuyện với nhà ngoại giao kia, nhưng nói chuyện gì thì không nhớ. Anh tính toán thật nhanh trong đầu ngày tháng, hoá ra đúng. Đây sẽ là sợi dây thòng lọng treo cổ anh ư? Rubashov cười khẩy và rút khăn mùi xoa lau mắt...

Gletkin tiếp tục đọc một cách đều đều và khô khan như cũ. Chả lẽ hắn không nhận thấy sự vô lý đến lố bịch như thế ư? Bây giờ đến giai đoạn Rubashov đứng đầu tổ hợp sản xuất nhôm. Gletkin dẫn ra các số liệu chứng tỏ công tác tổ chức trong cái ngành phát triển quá nhanh này kém đến mức không thể chấp nhận được, có cả số công nhân bị tai nạn lao động và một loạt tai nạn máy bay mà nguyên nhân là do vật liệu chế tạo có vấn đề. Tất cả đều là do những hành động phá hoại đầy ác ý của Rubashov mà ra. Từ “ác ý” được nhắc đi nhắc lại mấy lần. Rubashov chợt nghĩ hay là Gletkin điên, người điên thường có lúc nói khôn, có lúc lại nói những điều vô nghĩa như thế. Nhưng đây không phải là Gletkin viết, hắn chỉ đọc thôi, nhưng đọc một cách bình thản nghĩa là hắn tin hay ít ra cũng cho rằng có thể tin được...

Rubashov quay đầu về phía người nữ thư ký. Đấy là một người phụ nữ nhỏ, gày gò, đeo kính. Cô ta đang bình thản gọt bút chì và không nhìn về phía anh một lần nào. Có lẽ cô ta cũng cho rằng những điều khủng khiếp mà Gletkin đang đọc là có thể tin được. Trông cô ta vẫn còn trẻ, chỉ khoảng hai lăm hay hai sáu, nghĩa là cũng trưởng thành sau trận đại hồng thuỷ. Cái tên Rubashov thì có ý nghĩa gì đối với thế hệ mới này? Hắn, một kẻ phá hoại, đang ngồi trước ngọn đèn sáng đến loá mắt, còn họ thì đang đọc cho hắn nghe một cách đều đều và nhìn hắn với cặp mắt vô tình, vô cảm như thể hắn chỉ là một con vật thí nghiệm.

Gletkin đã đọc đến đoạn cuối cùng. Đấy là phần quan trọng nhất: vụ mưu sát Anh Cả. Nhân vật X bí hiểm mà Ivanov đã nhắc đến trong lần lấy cung đầu tiên lại xuất hiện. Hoá ra đấy là trợ lý quản đốc của một khách sạn chuyên phục vụ bữa ăn trưa cho Anh Cả. Bữa ăn nhẹ là một phần của cuộc sống giản dị, vẫn thường được các phương tiện tuyên truyền hết lời ca ngợi, và hôm đó X, theo chỉ đạo của Rubashov, sẽ đầu độc Anh Cả bằng những món ăn này. Rubashov khẽ mỉm cười, mắt vẫn nhắm; khi mở mắt thì cũng là lúc Gletkin ngừng đọc. Sau vài phút im lặng, Gletkin nhìn thẳng vào Rubashov và nói với giọng đều đều thường nhật:

“Anh đã nghe bản án và công nhận là có tội.” Rõ ràng là một lời tuyên bố chứ không phải là một câu hỏi.

Rubashov cố gắng nhìn vào mặt hắn. Nhưng không chịu nổi đành nhắm mắt lại. Nén cơn tức giận đang dâng lên nghẹn họng, anh chỉ nhẹ nhàng nói:

“Tôi công nhận có tội vì không hiểu được động cơ đằng sau chính sách hiện nay của Chính phủ nên đã có quan điểm đối lập. Tôi công nhận có tội vì đã ngả theo lý tưởng nhân đạo chung chung mà quên mất nhu cầu của lịch sử. Tôi đã quá chú ý đến tiếng kêu than của các nạn nhân và không nhận thức được những lý lẽ chứng minh sự cần thiết của sự hi sinh như thế. Tôi công nhận có tội vì đã đặt vấn đề tội lỗi và sự trong trắng lên trên lợi ích của xã hội. Cuối cùng, tôi công nhận có tội vì đã đặt tư tưởng của một con người cao hơn lý tưởng của toàn thể loài người...” Giọng nói của anh trầm đến nỗi cô thư ký phải nghển cổ lên mới nghe được.

Rubashov ngừng lời và lại định mở mắt. Ánh sáng chói loà buộc anh phải quay mặt đi, anh liếc nhìn về phía cô thư ký. Cô ta vừa ghi xong đoạn độc thoại vừa rồi và tuy chỉ nhìn thấy một bên mặt của cô, anh vẫn tin rằng cô vừa khẽ mỉm cười.

“Tôi biết”, Rubashov tiếp tục, “những sai lầm của tôi nếu được đem ra áp dụng thì sẽ rất có hại cho sự nghiệp Cách mạng của chúng ta. Mọi phong trào đối lập ở những bước ngoặt của lịch sử đều tạo ra mầm mống của sự chia rẽ trong Đảng, nghĩa là tạo ra mầm mống của nội chiến. Khi quần chúng còn lạc hậu thì chủ nghĩa nhân đạo và chế độ dân chủ có thể đưa Cách mạng đến chỗ diệt vong. Quan điểm đối lập của tôi bắt rễ từ lý thuyết, bên ngoài thì có vẻ hấp dẫn, nhưng thực chất thì lại có hại như thế. Tôi đã yêu cầu cải cách chế độ chuyên chính, yêu cầu nhiều dân chủ hơn, yêu cầu bãi bỏ chế độ khủng bố, và nới lỏng kỷ luật nội bộ của Đảng; tôi công nhận rằng trong tình hình hiện nay những đòi hỏi như thế là có hại và thực chất là phản cách mạng...”

Anh lại ngưng, cổ họng khô còn giọng nói thì đã khản đặc. Xung quanh lặng ngắt như tờ, nghe rõ cả tiếng bút chì đưa trên mặt giấy, đấy là cô thư ký đang tiếp tục ghi chép. Mắt vẫn nhắm, đầu hơi nhướng lên một chút, anh tiếp tục:

“Các anh có thể coi tôi là phản cách mạng với ý như thế và chỉ như thế mà thôi. Tôi chẳng có gì để nói về những tội trạng đã nêu trong bản án mà anh vừa đọc.”

“Hết chưa?”, Gletkin hỏi.

Giọng hắn ta nghe cục cằn đến nỗi Rubashov trố mắt ra nhìn. Dưới ánh đèn sáng đến loá mắt, Gletkin vẫn ngồi nghiêm túc như cũ. Cuối cùng Rubashov đã tìm được đặc điểm của Gletkin: “sự gian ác mang vẻ mặt nghiêm túc”.

“Anh đã nói như thế nhiều lần rồi”, Gletkin gắt. “Trong hai bản kiểm thảo trước đây, một cách đây hai năm và một nữa cách đây mười hai tháng, anh đã công khai thú nhận rằng thái độ của anh “là phản cách mạng và đi ngược lại lợi ích của nhân dân”. Cả hai lần anh đều xin Đảng tha thứ và hứa sẽ trung thành với đường lối của lãnh đạo. Bây giờ anh lại định chơi cái trò như thế đến lần thứ ba. Lời khai vừa rồi của anh chỉ là một sự dối trá trắng trợn. Anh công nhận có ’quan điểm đối lập’ nhưng lại phủ nhận những hành động mà những quan điểm như thế nhất định sẽ tạo ra trong tương lai. Tôi đã nói với anh là lần này anh sẽ không thoát được một cách dễ dàng như thế đâu.”

Gletkin ngưng cũng đột ngột như khi hắn bắt đầu. Có tiếng lạo xạo trong chiếc đèn pha đặt phía sau cái bàn viết. Ánh sáng càng chói chang hơn.