Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 19 tháng 10, 2017

Từ điển tiếng Việt của GS Nguyễn Lân – Phê bình và khảo cứu (kỳ 11)

Hoàng Tuấn Công


Có những thành ngữ liên quan đến điển cố, điển tích được GS Nguyễn Lân chú thích, nhưng lại quá chung chung và sơ sài:

○ “kết cỏ ngậm vành (Theo truyền thuyết của Trung Quốc, có chuyện kết cỏ vào chân kẻ thù của người đã làm ơn cho mình và chuyện con chim bị thương ngậm một vòng ngọc đến trả ơn người đã nuôi nó) Có nghĩa là đời đời nhớ ơn”.

Thứ nhất: Chính tác giả cũng không hiểu rõ, nên giải thích điển tích rất lơ mơ, hầu như không giúp gì cho người sử dụng từ điển. “Kết cỏ ngậm vành” vốn là thành ngữ gốc Hán Kết thảo hàm hoàn - 結草含環, liên quan đến hai điển tích “Kết thảo” và “Hàm hoàn”:

Tích Kết thảo [結草 - Kết cỏ] như sau: Thời Xuân Thu, Ngụy Vũ Tử [魏武子] có người thiếp yêu, khi mới lâm bệnh thì dặn con trai là Ngụy Khoả [魏 顆] rằng: Sau khi ta chết, để bà ấy tái giá. Nhưng đến phút lâm chung, ông lại nói: Khi ta chết, chôn bà ta theo cùng. Khoả nghĩ lời dặn của cha lúc đã mê loạn rồi nên không theo, vẫn cho ngườit thiếp ấy về lấy chồng. Về sau, Ngụy Khoả được làm tướng, đánh nhau với quân Tần là tướng Đỗ Hồi [杜回]. Mới đánh nhau được mấy hiệp, Đỗ Hồi đã ngã lăn xuống đất, Ngụy Khoả thúc ngựa bắt sống. Đêm ấy, Ngụy Khoả nằm mộng thấy một ông già đến tạ ơn, bảo rằng: Tôi là cha người thiếp được ông cứu sống, vì cảm cái ơn ấy, tôi đã kết cỏ làm vướng chân ngựa của Đỗ Hồi để giúp ông bắt sống, đó là chút công xin báo đáp ơn ông.

Tích Hàm hoàn [含環 - Ngậm vòng ngọc]: Dương Bảo [楊寶] đời Hán ở núi Hoa Âm [華陰], thấy một con sẻ vàng bị chim cắt đánh rơi xuống đất, kiến lửa đốt gần chết. Bảo đem về nuôi, thường ngày cho chim ăn hoa cúc. Được hơn một trăm ngày, sẻ vàng hoàn toàn khoẻ mạnh, lông cánh dài ra, bèn thả cho bay đi. Đêm hôm ấy, bỗng có đứa trẻ mặc áo vàng, ngậm bốn vòng ngọc đến lạy tạ, nói rằng: Tôi là sứ giả của Tây Vương Mẫu, được ông nhân ái cứu vớt, xin đem lễ này đến tạ, mong con cháu ông sau được hiển đạt cao sang như vòng ngọc này. Về sau, con cháu, chắt, chút của Bảo đều làm quan to. [Dị bản của Thành ngữ gốc Hán chép: Thái Mậu đời nhà Thương được tặng con chim hoàn tước nhỏ. Nghe tiếng chim mẹ kêu thảm thiết, nhà vua bèn thả con chim non ra. Ít lâu sau, khi đang ngự ở đền, nhà vua thấy chim hoàn tước bay đến, miệng ngậm vòng bạc, trao cho nhà vua để đền đáp ơn cứu thoát trước đó].

Thứ hai: thành ngữ nói việc đền ơn, báo đáp ơn sâu, chứ không phải “đời đời nhớ ơn”. Hai khái niệm này hoàn toàn khác nhau. Đền ơn, báo ơn (làm một việc gì cụ thể để giúp lại, trả lại ơn) cho người đã giúp mình trước đó (“Ơn đền, oán trả”); trong khi “đời đời nhớ ơn”, chỉ đơn thuần là “ghi lòng tạc dạ” (không bao giờ quên) người giúp mình, chứ không có nghĩa giúp lại, hay đền đáp lại. Cách kể hai điển tích của “Kết cỏ ngậm vành” có khác nhau một số chi tiết, nhưng về nghĩa, các cuốn từ điển đều thống nhất cách hiểu: Điển cố Trung Hoa: “chỉ việc đền ơn”; ví với việc báo ân”; Điển cố văn học: “Nói việc báo đáp ơn sâu”; Thành ngữ gốc Hán: “Đền ơn trả nghĩa cho người đã cứu giúp mình”.

Từ điển phải chính xác, không thể nói áng chừng, hú hoạ như cách của GS Nguyễn Lân.

○ “sư tử Hà Đông (Dựa theo một câu thơ của Tô Đông Pha đời Tống giễu một người sợ vợ) Chỉ người đàn bà hay ghen”.

Câu thơ của Tô Đông Pha” ấy như thế nào, sao không dẫn mà lại giải thích lấp lửng, nửa chừng như vậy? Trong thực tế, nhiều người lầm tưởng “Hà Đông” đây là Thị xã Hà Đông trước đây (thuộc Hà Tây cũ) ở Việt Nam. Nói “Sư tử Hà Đông” tức nói con gái ở Thị xã Hà Đông dữ tợn, ngang ngược. Bởi vậy, người làm từ điển cần giải thích rõ ràng, cụ thể hơn để bạn đọc hiểu rõ vấn đề.

Theo Điển cố văn học, Điển cố Trung Hoa: Tô Đông Pha (Tống) có câu thơ đùa vợ chồng Trần Quý Thường và Liễu thị: 忽聞河東獅子吼, 拄杖落手心茫然 - Hốt văn Hà Đông sư tử hống, trụ trượng lạc thủ tâm mang nhiên (Chợt nghe tiếng gầm của sư tử tỉnh Hà Đông, gậy chống rơi khỏi tay, tâm thần hoảng hốt). Dựa vào câu thơ Đỗ Phủ “河東女兒身姓柳 - Hà Đông nữ nhi thân tính Liễu” (Người con gái đất Hà Đông họ Liễu), Tô Đông Pha đã mượn từ Hà Đông để trỏ Liễu thị. Theo Truyền đăng lục, thì khi vừa ra đời, Phật Thích Ca một tay trỏ trời, một tay trỏ đất, nói như sư tử gầm rằng: Thiên thượng địa hạ, duy ngã độc tôn (Trên trời, dưới đất, chỉ có ta là tôn quý hơn cả). Nhân Trần Quý Thường thích đạo Phật, sính bàn kinh Phật, Tô Đông Pha bèn mượn ngay lời trong sách nhà Phật, dùng hình tượng sư tử gầm để tỏ uy phong của Phật tổ, mà trỏ oai dữ của Liễu thị đối với Trần Quý Thường, và lấy sư tử Hà Đông mà ám chỉ Liễu thị.

○ “hậu sinh khả uý (Nghĩa đen: sinh sau đáng sợ) Tỏ ý khen những người mới lớn lên có nhiều tài năng”.

Câu này của Khổng Tử, nguyên văn: Lớp người sinh sau là hạng đáng sợ, biết đâu sau này họ sẽ hơn mình bây giờ?Nhưng chừng họ được bốn mươi, năm mươi tuổi mà mình chẳng nghe biết danh tiếng của họ, chừng ấy mình chẳng còn sợ họ nữa rồi”. [後生可畏, 焉知來者之不知今也?四十, 五十, 而無聞焉, 斯亦不足畏也已 [Hậu sinh khả uý, yên tri lai giả chi bất tri kim dã? Tứ thập, ngũ thập, nhi vô văn yên, tư diệc bất túc uý dã dĩ - Luận Ngữ - Tử Hãn].

Hai chữ “hậu sinh” nhằm chỉ một thế hệ người sinh sau, lớp người sau, chứ không chỉ riêng “những người mới lớn”. Mặt khác, “khả uý” ở đây là đáng tôn trọng, không thể xem thường, chứ không nói cụ thể người “có nhiều tài năng”. “Hậu sinh khả uý 後生可畏” được dùng như một câu tục ngữ với nghĩa: thế hệ cháu con, những người sinh sau (từ bốn mươi tuổi trở xuống, như cách nói của Khổng Tử) được kế thừa kinh nghiệm của người đi trước, có điều kiện học hành, đi đây đi đó, nên đáng tôn trọng, không thể xem thường.

○ “tiên phong, đạo cốt (Nghĩa đen: Phong thái của người tiên, cốt cách người đạo đức)”.

Không ít từ điển nhầm lẫn giống GS Nguyễn Lân khi giải nghĩa thành ngữ này. “Đạo” 道, ở đây không phải là “đạo đức” mà là đạo tiên, đạo tu tiên (Đạo giáo).

Tự điển Thiều Chửu giảng nghĩa thứ ⑤ của “đạo” 道: “Đạo giáo. Tôn giáo thờ ông Lão Tử 老子 làm tiên sư gọi là đạo giáo 道教”. Trần Văn Chánh giảng nghĩa thứ ⑥ của “đạo” 道: “Đạo giáo, đạo Lão: 老道 Đạo sĩ của đạo Lão”.

Hán điển (漢典) giảng nghĩa thứ 5 và thứ 6 của “đạo” 道 như sau: “5. Chỉ “đạo gia” (một học phái thời kỳ Xuân Thu Chiến Quốc ở Trung Quốc, đại biểu cho học phái này là Lão Đam và Trang Chu (tức Lão Tử và Trang Tử - HTC chú thích); 6. Chỉ “đạo giáo” (một tôn giáo lớn ở Trung Quốc, sáng lập vào thời kỳ Đông Hán), như: Đạo quán; Đạo sĩ; Đạo cô (“đạo cô” tức là Nữ đạo sĩ - HTC chú thích); đạo hạnh (ý nói tăng đạo tu hành công phu về kỹ năng và bản lĩnh)”.[Nguyên văn: “5. 指”道家” (中國春秋戰國時期的一个學派, 主要代表人物是老聃 和庄周); 6. 指 “道教” (中国主要宗教之一, 創立于東漢): 道觀; 道士; 道姑; 道行(僧道修行的工夫, 喻技能和本领 - phiên âm: 5. Chỉ “đạo gia” (Trung Quốc Xuân Thu chiến quốc thời kỳ đích nhất cá học phái, chủ yếu đại biểu nhân vật thị Lão Đam hoà Trang Chu): 6. Chỉ “đạo giáo” (Trung Quốc chủ yếu tông giáo chi nhất, sáng lập vu Đông Hán): đạo sĩ; đạo cô; đạo hạnh (tăng đạo tu hành đích công phu, dụ kỹ năng hoà bản lĩnh)”.

Thành ngữ “Tiên phong, đạo cốt - 仙風道骨”, vốn xuất xứ từ bài “Đại bằng phú” (大鵬賦) của Lý Bạch (李白), trong đó có câu: “Xưa ở Giang Lăng, ta có gặp Tư Mã Tử Vi [tức Đạo sĩ Tư Mã Thừa Trinh 司馬承禎, tự Tử Chinh 子征 (646-735) ẩn cư ở núi Thiên Thai - HTC chú thích], bảo rằng ta dáng dấp Tiên phong đạo cốt”. [Nguyên văn: 余昔于江陵見天台司馬子微, 謂余有仙風道骨,可與神遊八極之表 - Dư tích vu Giang Lăng kiến Thiên Thai Tư Mã Tử Vi, vị dư hữu tiên phong đạo cốt - Hán điển].

Trong thành ngữ “Tiên phong, đạo cốt - 仙風道骨”, “đạo 道 được hiểu là người tu tiên - đạo sĩ (kết cấu “tiểu đối”: tiên 仙 - thiên tiên [còn được hiểu theo nghĩa mà Thiều Chửu giảng: “nhà đạo sĩ luyện thuốc trừ cơm tu hành, cầu cho sống mãi không chết gọi là tiên 仙]- là danh từ, đối với “đạo” 道 - người (tu) tiên - Đạo sĩ, Thuật sĩ, cũng là danh từ).

Riêng thành ngữ đang xét, Hán điển giảng nghĩa rõ ràng như sau: “Tiên phong đạo cốt: “cốt 骨”, ý nói cứng cỏi, cao thượng, không chịu khuất phục. Phong độ của người tiên; sự cao thượng của Đạo sĩ. Hình dung về người phong cốt, thần thái khác hẳn người thường. Có phong thái của Thần tiên và Đạo sĩ, ví người có khí chất siêu trần, thoát tục”. [Nguyên văn: “仙風道骨:“骨”氣概,仙人的風度,道長的氣概.形容人的風骨神彩與眾不同.有神仙與修道者的 風骨.比喻人氣質超塵絕俗 - Tiên phong đạo cốt: “cốt”: khí khái. Tiên nhân đích phong độ, đạo trưởng đích khí khái. Hình dung nhân đích phong cốt thần thái dữ chúng bất đồng. Hữu thần tiên dữ tu đạo giả đích phong cốt. Tỉ dụ nhân khí chất siêu trần truyệt tục”]. Đào Duy Anh cũng giải thích: “Tiên phong đạo cốt 仙風道骨 - Phong thái người tiên, cốt cách người đạo = Phẩm cách cao thượng”. Chữ “người đạo” là cách Đào Duy Anh dịch từ”đạo nhân 道人, mà hai chữ “đạo nhân 道人, được chính ông giải thích là “người tiên” (xem mục từ “đạo” - Hán-Việt từ điển).

Đạo nhân”, hay “Đạo sĩ” là chỉ người đắc đạo, siêu thoát trần thế, có pháp thuật, thần thông quảng đại, trường sinh bất tử trong lý tưởng của Đạo giáo, còn gọi là “Thần nhân” hoặc “Tiên nhân”. Thuyết này bắt đầu ở “Trang Tử - Tiêu dao du”, rằng: “Ở trên Cô Dịch (còn gọi Cô Xạ) có thần nhân ở, da thịt trong trắng như băng tuyết, yểu điệu như gái trinh, không ăn ngũ cốc, ăn gió uống sương, đi trên mây, cưỡi rồng bay mà rong chơi ngoài bốn biển.” (Từ điển Nho Phật Đạo).

Như vậy, thành ngữ gốc Hán “Tiên phong, đạo cốt - 仙風道骨”, ý nói: Từ phong thái đến cốt cách đều giống thần tiên cả.

Đa số các câu thành ngữ, tục ngữ gốc Hán thường liên quan đến điển cố, điển tích cụ thể. Bởi thế, người làm từ điển cần tìm hiểu và dẫn lại điển tích, điển cố để bạn đọc tham khảo, nhằm hiểu đúng, hiểu sâu sắc hơn ý nghĩa, cách dùng. Tuy nhiên, với cách làm của GS Nguyễn Lân, chẳng những không đả động gì đến nguồn gốc, mà còn giảng sai, hiểu nông cạn, làm sai lệch ý nghĩa câu thành ngữ, tục ngữ:

○ “thiên tải nhất thì (Tải có nghĩa đen là chở đi) Có nghĩa: nghìn năm mới có một lần”.

Dịch nghĩa thành ngữ thì đúng, nhưng giải nghĩa riêng chữ “tải” lại sai hoàn toàn! Nhà biên soạn từ điển mà không phân biệt được nghĩa đen với nguồn gốc của từ (từ nguyên) là thế nào cũng là sự lạ! Nếu “tải có nghĩa đen là chở đi” như lời GS giảng thì “thiên tải” hiểu theo nghĩa đen là ngàn lần chở đi hay sao? Trong Hán tự có duy nhất một chữ “tải” (載) nghĩa gốc (chứ không phải nghĩa đen) là chất hàng lên xe. Nghĩa là “năm”, của chữ “tải” là nghĩa giả tá chứ không phải nghĩa bóng. Thiều Chửu giải thích: “tải - năm, nhà Hạ gọi là Tuế, nhà Thương gọi là Tự, nhà Chu gọi là Niên, nhà Ngô gọi là tải”. Chữ “tải (載) với nghĩa là năm, ta còn gặp trong một số câu thơ, dân gian cũng như bác học: “Chữ nhân duyên thiên tải nhất thì, Giàu ăn, khó chịu, lo gì mà lo (Ca dao) hoặc “Nàng rằng thiên tải nhất thì, Cố nhân đã dễ mấy khi bàn hoàn.” (Kiều).

○ “điệu hổ ly sơn. (Nghĩa đen: Đưa hổ xa núi) Tìm cách đưa kẻ ác đi xa mình để nó không thể quấy rầy mình được”.

Trong Từ điển từ và ngữ Việt Nam, “Điệu hổ ly sơn” cũng được GS Nguyễn Lân giải thích: “(Nghĩa đen: đưa hổ rời núi) Tìm cách đưa người mình không ưa đi xa mình): Chúng đã dùng kế điệu hổ ly sơn (Nguyễn Đức Thuận)”.

Hai lần giải thích đều chưa đúng, chưa đủ nghĩa. Hổ được mệnh danh là chúa sơn lâm, rừng núi là lãnh địa của chúng. Do đó, muốn tiêu diệt được hổ phải tìm cách dụ ra khỏi hang ổ hoặc nơi chúng phát huy được thế mạnh. Đây là một mưu kế làm suy yếu đối phương trong Tam thập lục kế. Ví như dụ giặc ra khỏi thành trì kiên cố để tiêu diệt, chính là kế Điệu hổ ly sơn - 調虎離山. Nghĩa bóng của “Điệu hổ li sơn”: Tìm cách đưa đối thủ đi khỏi địa bàn của nó để dễ bề tiêu diệt, hành động.

Tục ngữ Hán còn có câu: 虎離深山被犬欺 - Hổ li thâm sơn bị khuyển khi - Hổ rời khỏi núi rừng, thì đến con chó cũng xem thường; Hay: 魚不離了水,虎不離了岡 - Ngư bất khả li liễu thuỷ, hổ bất khả li liễu cương - Cá không thể rời khỏi nước, hổ không thể rời khỏi sườn núi.” Lại có câu gián tiếp nói đến sức mạnh và sự hung dữ của hổ, khi sống trong lãnh địa của nó: “酒入心如虎入林 - Tửu nhập tâm như hổ nhập lâm”, Huình-Tịnh PauLus Của giảng: “Rượu vào lòng như cọp vào rừng, chỉ nghĩa là rượu làm cho con người lung tính dữ, không còn biết phải quấy”.

Thành ngữ “Điệu hổ li sơn - 調虎離山”, còn được dùng với nghĩa: dụ đối thủ đi nơi khác để thực hiện ý đồ nào đó. Nhưng GS Nguyễn Lân dùng từ quấy rầy”, khiến diệu kế “Điệu hổ li sơn” chẳng còn mấy giá trị, nếu không nói là bị hiểu sai.

○ “tang điền thương hải (Nghĩa đen: ruộng dâu biển xanh, xuất phát từ ý cho rằng đôi khi ruộng dâu có thể biến thành biển cả và ngược lại) Ý nói: Những sự thay đổi trong đời không thể biết trước được”.

Không phải “xuất phát từ ý cho rằng đôi khi…” mà nghĩa đen được hiểu như sau: Dâu là cây trồng ở đất bãi phù sa. Hiện tượng bồi lấp hoặc xói lở do tác động của dòng chảy sông ngòi, biển cả khiến cho vùng đất trước kia vốn là đất liền có thể biến thành sông nước, biển cả; hoặc ngược lại, biển cả có thể lùi dần nhường chỗ cho bãi bồi, dâu xanh, đất liền trù phú. Lịch sử hình thành nhiều vùng đất, (đặc biệt là vùng duyên hải) cho thấy trước đây nó vốn là biển cả. Từ hiện tượng tự nhiên này, người Trung Quốc cổ đại cho rằng cứ mấy vạn năm lại diễn ra một lần thay đổi, biển xanh biến thành nương dâu, rồi mấy vạn năm sau nương dâu lại biến thành biển xanh. Cơ sở của nghĩa đen là như vậy. Mặt khác, GS Nguyễn Lân giải thích “Những sự thay đổi trong đời không thể biết trước được” là chưa đúng. Chính xác “Tang điền thương hải - 桑田蒼海” phải là sự thăng trầm, thay đổi lớn trong đời. Thay đổi lớn, hoàn toàn khác với “thay đổi trong đời không thể biết trước được”.

Tham khảo: Tương truyền thời Đông Hán bên Tàu, người ta hỏi Ma Cô Đại Tiên bao nhiêu tuổi, Ma Cô nói: “Tôi không thể nhớ nổi, chỉ biết Đông Hải ba lần dâu bể”. Ma Cô nói vậy, ý là đã sống lâu lắm rồi, đã chứng kiến nhiều sự thay đổi lớn lao trong trời đất. Trong truyện “Từ Thức lấy vợ tiên”, đoạn kể tiệc cưới tổ chức ở gác Giao Quang, thuộc động Phù Lai, Tiên nương mặc áo lụa nói: “Chúng ta dạo chơi trong vùng này đã gần tám mươi ngàn năm, biển phía nam đã ba lần biến đổi”. Sự “biến đổi” ở đây chính là nói về “dâu bể” vậy. (“Trải qua một cuộc bể dâu, Những điều trông thấy mà đau đớn lòng” (Kiều).

Thành ngữ, tục ngữ Hán Việt chiếm tỉ lệ không nhiều trong sách Từ điển thành ngữ, tục ngữ Việt Nam của GS Nguyễn Lân. Tuy nhiên, rất hiếm trường hợp có được sự giải thích thấu đáo của GS, kể cả những câu rất thông dụng trong lời ăn tiếng nói hàng ngày.