Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 21 tháng 9, 2017

Từ điển tiếng Việt của GS Nguyễn Lân – Phê bình và khảo cứu (kỳ 7)

Hoàng Tuấn Công


B. BỎ GỐC LẤY NGỌN, GIẢI THÍCH SAI, NÔNG CẠN

LÀM HẸP Ý NGHĨA, CÁCH DÙNG THÀNH NGỮ TỤC NGỮ

Thành ngữ, tục ngữ có nghĩa đen hạn hẹp, cụ thể, nhưng nghĩa bóng lại rất rộng. Người làm từ điển sau khi giải thích nghĩa đen, phải đưa ra được cách hiểu nghĩa bóng khái quát. Từ đó, người sử dụng từ điển có thể hiểu thấu đáo lời ăn tiếng nói dân gian, để vận dụng sao cho thích hợp. Nhưng do cách hiểu nông cạn, phiến diện, bỏ gốc lấy ngọn, GS Nguyễn Lân đã biến nhiều câu thành ngữ, tục ngữ có tính khái quát cao thành lời nói nôm na, hời hợt, phản tác dụng, làm khô cạn nguồn suối dồi dào ý nghĩa của thành ngữ, tục ngữ.

○ “nhân nào quả ấy Ý nói Con cái chịu ảnh hưởng sâu sắc của cha mẹ”.

Hoàn toàn sai! “Nhân nào quả ấy” thực chất là luật “nhân quả”, nhà Phật gọi là nhân duyên quả báo: Có nhân ắt có quả, có quả ắt có nhân, đó là luật nhân quả. Quả báo lành là do nhân duyên lành; quả báo dữ là do nhân duyên ác. Ví như gieo giống (nhân) ngọt thì sinh trái (quả) ngọt; gieo giống (nhân) đắng thì sinh trái (quả) đắng. Cũng như kinh Phật: “Chủng qua đắc qua, chủng đậu đắc đậu”. Có một số câu gần nghĩa như: Nhân viên quả mãn - 人圓果滿 - Nhân tròn, quả tròn (đầy); Ác giả ác báo, thiện giả thiện lai - 惡者惡報善者善来 - Ác với người thì sẽ bị báo ác, tốt với người thì sẽ gặp được điều tốt; Gieo gió gặt bão, v.v… Nói đến nhân quả là nói đến quy luật tất yếu, đâu chỉ là “con cái chịu ảnh hưởng sâu sắc của cha mẹ như cách giải thích của GS Nguyễn Lân.

○ “quả báo ăn cháo gãy răng. Ý nói: Đã làm điều ác, thì phải gánh lấy hậu quả”.

Đại khái cách hiểu của GS không sai, nhưng không đúng với ý nghĩa cụ thể câu tục ngữ. Lưu ý “ăn cháo gãy răng”: khi đã bị quả báo thì sẽ gặp tai hoạ khôn lường, phải chịu trừng phạt ngay cả trong những tình huống tưởng vô hại nhất. Ăn cháo mà cũng bị gãy răng cơ mà! Ấy chính là sự đáng sợ của quả báo.

○ “không xanh cũng tựa màu chàm Màu xanh có nhiều sắc thái khác nhau, nhưng mỗi sắc thái đều là màu xanh. Thường dùng để nói một người sợ tái mặt đi”.

Chẳng có cơ sở nào để nói câu tục ngữ trên “thường dùng để nói một người sợ tái mặt đi”. Có lẽ GS Nguyễn Lân nhầm lẫn với câu “Mặt xanh như chàm đổ” rồi liên tưởng tới Nguyễn Du miêu tả Thúc Sinh: “Cho gươm mời đến Thúc lang, Mặt như chàm đổ, mình dường dẽ run? Thực ra, câu “Không xanh cũng tựa màu chàm” là cách khẳng định một cách gián tiếp. Nếu không công nhận là xanh, chỉ là màu chàm cũng không sao, bởi màu chàm cũng là màu xanh mà thôi. Giống như câu “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài, Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”. Ai đó bảo rằng tôi không thơm, nhưng tôi là hoa nhài, mà đã hoa nhài là thơm rồi. Ai đó bảo rằng tôi không thanh lịch, nhưng tôi là người Tràng An, mà người Tràng An đồng nghĩa với sự thanh lịch đấy thôi! Nghĩa bóng: Khẳng định bản chất tốt đẹp thì dù thay đổi tên gọi, nó vẫn tốt đẹp.

○ “lành làm gáo, vỡ làm muôi (sọ dừa có thể dùng làm gáo hoặc làm muôi) Nói cách sử dụng người hoặc vật theo đúng khả năng”.

Câu tiếp theo “Lành làm thúng thủng làm mê” được GS giải thích “Như câu trên”. Giải thích thiếu đi ý quan trọng của nghĩa bóng, và đó cũng là dụng ý của dân gian: Không sợ đụng chạm, không sợ hỏng việc, sẵn sàng chấp nhận mọi tình huống, kể cả sự đổ vỡ. Ví dụ khi một người vợ cáu tiết bảo chồng: Phen này thì lành làm gáo, vỡ làm muôi, bà đây cóc sợ, thì gáo vỡ làm muôi, thúng thủng làm mê xem như đồ bỏ đi rồi.

○ “lúc thì chẳng có một ai, lúc thì ông xã ông cai đầy nhà Có nghĩa: Tuỳ theo hoàn cảnh của mình mà khi nhiều bạn bè, khi chẳng có ai”.

Giải thích như vậy là biến sự sâu rộng thành nông cạn, thậm chí là sai. Bởi nếu cái sự “ít” hay “nhiều” mà diễn ra “tuỳ theo hoàn cảnh của mình”, có nghĩa là diễn ra rất hợp lý. Trong khi dân gian nói cung và cầu không gặp nhau, lúc cần thì không có, lúc có lại quá nhiều. Nghĩa bóng: chuyện đời trớ trêu, không diễn ra như sự mong muốn, sắp xếp của con người. Tục ngữ Việt có một số câu đồng nghĩa như: Lúc chẳng có mà coi, lúc có cả voi lẫn ngựa; hoặc Lúc trổ nghẹn, lúc đẹn nước (nghĩa là lúc thì hạn hán, lúa thiếu nước không trổ được; lúc thì mưa nhiều, lúa bị ngập lụt hết). Tục ngữ Mường: Ngày thì chẳng có một ai, ngày thì những ba trai cùng đến [Ngáy chăng cò ay, ngáy ba trai rếu rếu]”.

○ “lắm mối tối nằm không Lời nói đùa những chàng trai quen biết thân mật nhiều phụ nữ mà vẫn chưa có vợ”.

Đó mới chỉ là nghĩa đen. Nghĩa bóng: càng nhiều manh mối, nhiều cơ hội càng khó lựa chọn, quyết định, cuối cùng không đi đến đâu.

○ “mỡ để miệng mèo Đặt trước mặt người ta một thứ gì mà người ta đương mong muốn”.

Giải nghĩa quá chung chung, không ra nghĩa đen, mà cũng chẳng phải nghĩa bóng. Về nghĩa đen: Mèo là vật nuôi ăn theo người. Ngày trước điều kiện kinh tế khó khăn, mèo ít khi được ăn thịt cá. Vốn là thú ăn thịt nên mèo luôn thèm thịt, đặc biệt là thịt mỡ. [Có câu Mèo nào chẳng ăn vụng thịt mỡ; Mèo nào chẳng ham thịt mỡ; Như mèo thấy mỡ; Thấy gái đẹp như mèo thấy mỡ]. Thế nên, với khả năng vồ mồi nhanh như chớp của con mèo, mỡ mà đem ra để trước miệng nó, thì liệu có còn nữa chăng? Trong sách Văn hoá, tín ngưỡng và thực hành tôn giáo người Việt, thành ngữ “Mỡ để miệng mèo”, được tác giả Leopold Cadiere-một người ngoại quốc-giảng là “tương đương với tục ngữ Pháp: trao cừu cho sói giữ”. Xem chừng Leopold Cadiere còn hiểu tiếng Việt hơn cả người Việt!

Như vậy có thể hiểu nghĩa bóng: Để một vật quý trong tình trạng hớ hênh, khiến kẻ đang thèm muốn có thể dễ dàng chiếm đoạt; Hành động, việc làm hớ hênh, dại dột, có thể dẫn đến thiệt hại, mất mát. Thành ngữ gốc Hán đồng nghĩa: “肉懸虎口 - Nhục huyền hổ khẩu”, nghĩa là: “Thịt treo trước miệng hổ”.

○ “người thanh tiếng nói cũng thanh, chuông kêu sẽ đánh bên thành cũng kêu Ca tụng những người ăn nói thanh nhã, lịch sự”.

Câu tục ngữ này muốn ca ngợi bản chất của cái đẹp, sự toàn diện, hoàn hảo của cái đẹp; đã tốt đẹp thì tốt đẹp mọi điều, thể hiện không chỉ ở nhan sắc mà cả ở lời ăn tiếng nói, không cần phải phô phang khoe khoang, dù trong hoàn cảnh nào. Bởi vậy, nó không bó hẹp ở việc “ca tụng người ăn nói thanh nhã, lịch sự”.

○ “lỗi thày mặc sách, cứ mạch mà cưa Ý nói: việc người trên đã có người trên lo, riêng phần mình cứ thẳng mà làm”.

Không rõ ý. Nghĩa đen: Người thợ phát hiện ra “lỗi thày” (ông thợ cả), nhưng vẫn “mặc sách” (mặc kệ phương pháp, cách thức thày đã đưa ra), cứ thế mà làm (cưa theo đường mạch đã vạch sẵn). Nghĩa bóng được dùng với hai nghĩa: 1.Phê phán thái độ bàng quan, vô trách nhiệm, thấy việc sai nhưng vẫn cứ làm, cho rằng tội vạ đã có người khác chịu; 2.Được giao việc thì cứ thế mà làm, chuyện đúng sai thuộc trách nhiệm của người khác, không cần thắc mắc, quan tâm.

○ “chết không nhắm mắt được Nói lên sự đau khổ chua xót của cha mẹ trước tội lỗi xấu xa của con cái”.

Thành ngữ này không chỉ nói “sự đau khổ chua xót của cha mẹ trước tội lỗi xấu xa của con cái”. Dân gian quan niệm những ai khi chết mà mắt không nhắm lại được, là do vẫn còn bị dằn vặt, hối hận bởi sai lầm hay tội lỗi do mình gây ra. (Cơ sở thực tế, người ta khi chết thường không nhắm mắt, hoặc mở he hé, dường như có điều gì luyến tiếc trần gian, hoặc chưa yên lòng. Thế nên cần có người vuốt mắt). Đây cũng là lời nguyền rủa, chửi bới kẻ mà mình căm ghét: Mày đổ oan cho tao, chết không nhắm mắt được! (Tức là chết không được yên, chết không thanh thản). Thế nên, Đại Nam Quấc âm cũng thu thập thành ngữ “Chết không nhắm mắt”, và giải nghĩa: “Tiếng trù, chết mà con mắt tráo tráo, chết không yên thân”.

○ “bà dì xù xì xó bếp Chê những người dì không có tài năng gì”.

Giải thích như vậy là lạc đề. Thành ngữ chê người dì xấu tính hoặc không đủ tư cách làm người dì, không phải chê “tài năng” như GS Nguyễn Lân nói [Dị bản: Bà dì thâm sì lỗ đít; hay Bác xác bác xơ; Cô lô cô lốc...]. Không rõ theo hiểu ý của GS Nguyễn Lân, người “dì” thì cần phải có “tài năng” gì, thì mới xứng đáng là dì?

○ “buôn có bạn bán có phường Lời nói của những kẻ buôn bán tỏ ý không muốn lẻ loi”.

Đây không phải “tỏ ý không muốn lẻ loi”, mà là một đúc kết, một kinh nghiệm thực tế: làm ăn, buôn bán, phải có phường hội, có hợp tác giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau, mọi việc buôn bán sẽ thuận lợi hơn là “đơn thương, độc mã”, ví như Có đắt hàng tôi mới trôi hàng bà.

○ “cha mẹ sinh con trời sinh tính Thường nói đến những người con hư của cha mẹ tốt. Thực ra, con hư một phần lớn cũng vì cha mẹ hoặc quá chiều, hoặc không chú ý đến việc giáo dục”.

Không chỉ nói đến chuyện “con hư của cha mẹ tốt”, mà nói chung: Bản tính của con cái không hoàn toàn phụ thuộc ý muốn, hay sự giáo dục của cha mẹ. Ví như cùng bố mẹ sinh ra, cùng lớn lên trong điều kiện học hành và giáo dục như nhau, nhưng phẩm chất, bản tính mỗi đứa con mỗi khác: đứa ít nói, đứa nói nhiều; đứa ngoan, đứa hư, kể cả đối với nhiều đứa trẻ sinh đôi cũng vậy. Cũng không nên bắt bẻ dân gian, bàn luận là hư do đâu, cần làm gì để không hư, vì việc này không thuộc nhiệm vụ của từ điển.

Tục ngữ Hán cũng có câu đồng nghĩa và gần nghĩa: “Quả một cây có chua có ngọt, con một mẹ có ngu có hiền - Nhất thụ chi quả, hữu toan hữu điềm; nhất mẫu chi tử, hữu ngu hữu hiền - 一樹枝果, 有酸有甜, 一母之子, 有愚有賢; Một rồng sinh chín con, mỗi con mỗi khác - Nhất long sinh cửu chủng, chủng chủng các biệt 一龍生九種, 種種各別; Một lò nung mấy trăm hòn gạch giống nhau, một mẹ sinh các con khác nhau - Nhất diêu thiêu đắc kỷ bách chuyên, nhất nương dưỡng đích bất nhất ban 一窯燒得幾百磚, 一娘養的不一般”.

○ “chó dại có mùa, người dại quanh năm Ý nói: Người dại lúc nào cũng có”.

Không đúng. Dân gian chơi chữ, “dại” (điên dại, bệnh dại) và “dại” (dại khờ, ngu dại). Chó mang tiếng là “dại” [Ngu như chó], nhưng chỉ “dại có mùa” (da chó không có tuyến mồ hôi, cơ thể nó rất nóng, phải giải nhiệt bằng cách lè lưỡi ra thở. Người ta cho rằng, chó không chịu được nắng nóng, nên hay mắc bệnh “dại” vào mùa hè); trong khi con người được tiếng là khôn ngoan, nhưng lại “dại quanh năm”. Nghĩa là con người có thể mắc sai lầm, làm những điều ngu dại bất cứ lúc nào; ngu dại hết lần này đến lần khác, và “không cái dại nào giống cái dại nào”. Nghĩa bóng: Làm người để tránh được hết mọi sai lầm, ngu dại rất khó, bởi vậy, cần thận trọng trong từng lời nói, hành động.

○ “chọc cứt ra mà ngửi Ý nói: Bới việc xấu ra”.

Giải thích chung chung và quá đơn giản, bỏ thiếu ý quan trọng: “mà ngửi”. Cần hiểu đúng nghĩa đen: Khi “chọc cứt” (tức điều xấu, thối tha của ai đó) thì chính mình cũng phải ngửi cái mùi thối ấy. Nghĩa bóng: Chê trách, phê phán ai đó hay bới móc chuyện xấu, việc xấu của người ta, thì trước hết tự mình dễ bị mang tiếng là bụng dạ xấu xa, hẹp hòi; khi bị người chửi rủa lại, thì chẳng khác nào chuốc lấy phiền hà cho chính bản thân. [Đồng nghĩa: Chọc vào chĩnh mắm thối].

○ “chồng ghét thì ra, mụ gia ghét thì vào Ý nói chỉ sợ chồng ghét thì khó sống với nhau, chứ mẹ chồng mà ghét thì không ngại”.

Vì sao chồng ghét thì khó sống, trong khi mẹ chồng ghét thì lại không đáng ngại? GS Nguyễn Lân chỉ mới dừng ở mức diễn xuôi câu tục ngữ, nên không thoả mãn được nhu cầu tìm hiểu của người đọc. Nghĩa đen: khi chồng giận dữ (ghét) thì nên tránh đi (ra). [Có câu Chồng giận thì vợ bớt lời, cơm sôi bớt lửa một đời không khê; hoặc Cày bặt tại mom, chồng đánh tại mồm (“mom” là cái mom cày, “bặt” nghĩa là dễ), tạm thời tránh đi để khỏi va chạm]. Còn mụ gia (mẹ chồng) có mắng (ghét) thì cũng không nên tỏ thái độ giận dỗi bỏ đi, mà nên biết chịu đựng, trở lại làm lành (vào), tiếp tục công việc nhà. Thế nên, Tục ngữ Hán có câu: “Nghiêm bà bất đả á tức phụ - 嚴婆不打啞媳婦 - Mẹ chồng không đánh nàng dâu câm”. Ý nói: Nghe mẹ chồng chửi mắng mà không cãi lại thì không bao giờ bị mẹ chồng giận. Đó là lời răn dạy cách ăn ở, ứng xử khôn khéo của người vợ đối với chồng và mẹ chồng xưa. [Dị bản: Chồng giận thì ra, mụ gia giận thì vào; Chồng dữ thì ra, mụ gia dữ thì vào].

○ “hàm chó, vó ngựa Lời khuyên không nên trêu chọc những con chó, con ngựa lạ”.

Câu này đâu chỉ dừng lại ở chuyện trêu chọc “con chó, con ngựa lạ”. (Ví như không trêu chọc, mà chỉ vô ý đi qua phía sau, con ngựa giật mình tung ra cú đá hậu thì sao?). Nghĩa đen: Ngựa hay đá hậu với cú song phi cực mạnh, nên đáng sợ nhất là cặp vó; Chó giữ nhà dùng cặp răng sắc (bẩn thỉu, rất độc) để tấn công, nên đáng sợ nhất là hàm răng của nó. Nghĩa bóng: Tuỳ từng đối tượng mà đề phòng, tránh xa những nơi hiểm ác có thể xảy ra tai hoạ khó lường. Tục ngữ Mường: Sờ bò đừng sờ đuôi, sờ ngựa đừng sờ dái - Ham bó đứng ham đuôi, ham ngứa đứng ham đàn”; Hay “Sờ súng đừng sờ cò, sờ bò đừng sờ đuôi - Ham khùng đứng ham có, ham bó đứng ham đuôi”.

○ “hết quan thì hoàn dân Ngày xưa có nhiều quan lại vì lý do gì đó không làm quan nữa thì trở về làm dân thường”.

Nếu chỉ dừng ở mức như GS Nguyễn Lân diễn xuôi như vậy, chắc hẳn câu nói này không đáng gọi là tục ngữ. “Hết quan hoàn dân là lời nhắc nhở: Cuộc đời làm quan có hạn, rồi sẽ đến lúc phải “hưu quan”, khi ấy lại trở thành thường dân, nên hãy liệu cách ứng xử sao cho phải đạo. Nghĩa bóng: Không thể nắm mãi trong tay địa vị, chức tước; Hết địa vị, quyền chức sẽ trở lại như dân thường. [Câu gần nghĩa: Quan nhất thời, dân vạn đại].