Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 17 tháng 8, 2017

Về nạn ‘say đắm chữ Tàu’

Nguyễn Hải Hoành

clip_image002[4]

Tâm lý sùng bái chữ viết tồn tại mấy nghìn năm nay là một loại tín ngưỡng chỉ có ở người Hoa. Chữ Hán do họ phát minh chủ yếu ghi ý, không ghi âm, vì thế các cộng đồng nói tiếng địa phương khác nhau có thể dùng chung thứ chữ này, qua đó hiểu nhau, nhờ vậy thực hiện được việc thống nhất đất nước – sự nghiệp gian khó nhất trong lịch sử Trung Hoa. Tính siêu việt ngôn ngữ và công lao thần kỳ ấy của chữ Hán khiến nó được quý trọng tới mức thần thánh hóa. Người Hoa tin vào truyền thuyết thánh nhân bốn mắt Thương Hiệt làm chữ: mỗi lần tạo một chữ thì quỷ thần lại kinh hãi khóc rống lên vì thiên cơ bị lộ. Ngoài ra, tính chất ghi ý làm cho chữ Hán ẩn chứa những triết lý cao siêu, chỉ người tài giỏi mới hiểu, vì thế gọi là chữ thánh hiền. Đặc trưng hình vẽ mang lại cho chữ Hán vẻ đẹp độc đáo, viết chữ trở thành nghệ thuật hội họa thư pháp. Do được sùng bái, chữ Hán không chỉ là hệ thống ký hiệu ghi Hán ngữ mà còn là vật mang, là biểu trưng của văn hóa Trung Hoa, thậm chí người Hoa cho rằng mọi thứ tốt, xấu của nền văn hóa ấy đều liên quan tới chữ Hán. 

Chữ Hán vốn rất khó học lại bị thần bí hóa đã trở thành thứ tri thức cao siêu khiến dân chúng kính sợ, vì thế chữ ra đời hơn 3.000 năm mà năm 1949 chỉ có chừng 10% người Trung Quốc (TQ) biết. Nạn sùng bái chữ sinh ra quan niệm lệch lạc người biết nhiều chữ là người tài giỏi, từ đó hình thành một tầng lớp trí thức giỏi thuộc lòng, không giỏi sáng tạo, xa rời thực tế, chỉ biết chữ suông mà chẳng biết gì về kỹ năng sinh tồn, khoa học công nghệ. Luận Ngữ viết Học nhi ưu tắc sĩ – ai học giỏi, tức biết nhiều chữ, ắt được làm quan cai trị. Vì thế xã hội bị kìm hãm, dăm nghìn năm lịch sử, mấy trăm triệu dân không có lấy một trí tuệ tầm cỡ thế giới như Aristotle, Platon,… của một Hy Lạp nhỏ bé, cội nguồn của chữ abc.

Khi TQ dòm ngó ngôi vương siêu cường quốc lại xuất hiện thuyết chữ Hán ưu việt, cho rằng chữ Hán tiên tiến nhất thế giới. Từ năm 1989 thuyết này tràn ngập TQ; không ít quan chức, trí thức kể cả viện sĩ cũng tin theo, dân thường lại càng tin sái cổ.

Hai nghìn năm trước, tâm lý sùng bái chữ Hán theo chữ này vào Việt Nam và để lại hậu quả tai hại. Trong bài Văn Quốc ngữ trên tạp chí Nam Phong số 2 năm 1917, học giả Phạm Quỳnh viết về tâm lý mà ông gọi là say đắm chữ Tàu ấy như sau:

… Ta chẳng nên oán gì các cụ ta ngày xưa vì say đắm chữ Tàu nên lãng bỏ tiếng Nôm, để cho con cháu ngày nay khổ vì có nước mà không có văn, có người mà không có cách nói cho nhau nghe ngoài những câu nhật dụng thường đàm…

Và ông chỉ ra lối thoát khỏi tai họa ấy: Chữ Quốc ngữ chính là cái bè để cứu vớt bọn ta trong bể trầm luân vậy… Trước ta không có ai làm văn bằng Nôm… Xin đồng bào ta chớ lãng bỏ văn quốc ngữ. Tương lai nước nhà chính ở đó.

Ông kêu gọi mọi người chỉ viết văn bằng chữ Quốc ngữ mà ông coi là công cụ kỳ diệu để giải phóng trí tuệ. Đúng thế, nhờ dùng thứ chữ nghĩ và nói thế nào thì viết thế ấy, tư duy người mình được cởi trói, nền văn minh Việt đạt được những thành tựu hơn hẳn mấy nghìn năm trước.

Tiếng Việt sau khi dùng chữ Quốc ngữ đã phát triển vượt bậc, dân tộc ta hiện sở hữu một ngôn ngữ nói và viết hoàn hảo (không như chữ Hán bị chê bai và cải cách hơn trăm năm nay chưa xong), hoàn toàn thích hợp với tư duy người Việt, diễn đạt được mọi khái niệm khoa học xã hội-nhân văn, khoa học công nghệ tiên tiến nhất của nhân loại, đáp ứng yêu cầu tin học hóa, hòa nhập quốc tế… Vốn từ ngữ tiếng ta cực giàu và giàu thêm mãi, chuyển ngữ được mọi ngoại ngữ. Chữ Việt có khả năng hiếm thấy ghi âm được hầu hết ngữ âm tiếng Anh, tiếng TQ… trong khi chữ của các thứ tiếng ấy không ghi âm được nhiều ngữ âm tiếng Việt…

Nhưng lạ thay, nước ta ngày nay vẫn có người say đắm chữ Tàu. Năm 1994, một nhà ngôn ngữ học nổi tiếng nói chữ Hán ưu việt hơn chữ abc; ông tỏ ý tiếc là nước ta bỏ chữ Hán dùng chữ Quốc ngữ; ông tin vào dự đoán ba chục năm nữa cả thế giới sẽ dùng chữ Hán. Thực tế cho tới nay chưa thấy nước nào dùng chữ Hán, ngược lại người TQ đua nhau học tiếng Anh. Vì người Hoa đông nhất nên chữ Hán được nhiều người dùng nhất, nhưng trong việc biên soạn các văn bản ban đầu ở Liên Hợp Quốc, chữ Hán lại rất ít được dùng, chứng tỏ nó chẳng hề ưu việt.[1]

Mới đây một tiến sĩ Hán Nôm kiến nghị :

§ Chính phủ ta công nhận tiếng TQ hiện đại và tiếng Anh là hai ngôn ngữ chính thức(NNCT) của Nhà nước Việt Nam, như vậy nước ta sẽ có một NNCT thứ nhất (tiếng Việt) và hai NNCT thứ hai;

§ Mọi văn bản hành chính giấy tờ từ cấp thấp nhất đến cao nhất, mọi giao dịch, buôn bán, chứng chỉ… đều phải dùng 3 NNCT;

§ Phải dần dần coi một ngoại ngữ là ngôn ngữ giảng dạy chính thức ở các trường, bậc đại học sẽ giảng dạy bằng ngoại ngữ;

§ Người Việt phải biết ít nhất một ngoại ngữ là tiếng Anh hoặc tiếng TQ.[2]

NNCT là ngôn ngữ dùng để viết Hiến pháp và mọi văn bản pháp lý của nhà nước. Xưa nay các quốc gia độc lập bao giờ cũng chỉ chọn tiếng mẹ đẻ làm NNCT; không chọn ngoại ngữ. Tiếng TQ và tiếng Anh không phải là tiếng mẹ đẻ của người Việt nên dĩ nhiên không thể được coi là NNCT. Việc dùng 3 NNCT để soạn và in mọi văn bản hành chính trong cả nước là việc làm phản tác dụng, vô ích, gây tốn kém lãng phí cực lớn về dịch thuật và in ấn, trên thực tế không thể nào làm được. Hiến pháp CHXHCN Việt Nam đã quy định tiếng Việt là ngôn ngữ quốc gia, tức NNCT của nhà nước.

Chỉ những nước có nhiều sắc tộc lớn, nhiều ngôn ngữ lớn mới có hơn một NNCT. Như Singapore có 4 sắc tộc chủ yếu là các cộng đồng người Hoa, Malay, Tamil, và người Âu-Á (Eurasian, nói tiếng Anh). Nước này chọn Anh ngữ là NNCT thứ nhất; các cộng đồng dùng tiếng Anh để giao tiếp với nhau và đối ngoại; tiếng Hoa, Malay, Tamil là các NNCT thứ hai.

Việt Nam có 53 dân tộc thiểu số, từ ngàn xưa toàn dân nước ta đồng lòng chỉ dùng tiếng của người Kinh làm ngôn ngữ chung. Sau ngày Việt Nam giành độc lập, tiếng Việt vững chắc chiếm địa vị NNCT duy nhất của nước ta. Việc công nhận bất cứ NNCT nào khác sẽ có thể làm suy yếu địa vị độc tôn của tiếng Việt, gây mất ổn định ngôn ngữ, tạo nguy cơ bất ổn chính trị.

Cần thấy rằng, khi quy định 3 NNCT thì ai cũng có quyền dùng một trong 3 ngôn ngữ đó để nói và viết ở mọi trường hợp (tại tòa án, các diễn đàn…), có quyền yêu cầu Nhà nước phải tổ chức giảng dạy 3 ngôn ngữ này và phải dùng chúng trên tất cả mọi đài, báo, xuất bản phẩm các loại… Nước ta không thể có đủ kinh phí để làm như vậy. Khi toàn dân nói và viết bằng 3 thứ tiếng thì xã hội sẽ rất rối ren, dễ kéo theo các bất ổn khác, nhất là khi có sự tiếp tay từ bên ngoài.

Ngoài ra, chừng nào TQ chưa từ bỏ ý đồ bành trướng thì chúng ta vẫn cần cảnh giác với việc phổ cập tiếng Hán ở ta, thứ vũ khí thời Bắc thuộc họ đã dùng để đồng hóa, tiến tới xóa bỏ quốc gia Việt Nam. May sao tổ tiên ta đã làm thất bại âm mưu đó. Hiện nay với mong muốn trở thành siêu cường, TQ đang mở cả nghìn Học viện Khổng Tử miễn phí dạy tiếng Hán khắp toàn cầu. Ý đồ coi Hán ngữ là NNCT của Nhà nước Việt Nam và tổ chức học, dùng thứ tiếng đó trong toàn dân là đi ngược lại ý chí của tổ tiên ta và đáp ứng tốt nhất chính sách bành trướng văn hóa của TQ.

Tóm lại, người Việt Nam nếu có nhu cầu và điều kiện đều nên học ngoại ngữ, như tiếng Anh, tiếng TQ. Nhưng việc lấy bất cứ ngoại ngữ nào làm NNCT của Nhà nước ta đều sẽ ảnh hưởng xấu tới chủ quyền quốc gia, vì thế dứt khoát không thể chấp nhận!

Nguyễn Hải Hoành là dịch giả và nhà nghiên cứu tự do hiện sống tại Hà Nội.

——————

[1] Tỷ lệ dùng 6 ngôn ngữ làm việc trong soạn thảo văn bản gốc tại cơ quan LHQ: tiếng Anh 80%, Pháp 15%, Tây Ban Nha 4%, còn lại 1% : tiếng Nga, A Rập, TQ. (theo Châu Hữu Quang, nhà ngôn ngữ số một TQ).

[2] http://tiasang.com.vn/-giao-duc/Can-som-cham-dut-tinh-trang-don-ngu-o-Viet-Nam-9999.

http://nghiencuuquocte.org/2017/08/16/ve-nan-say-dam-chu-tau/