Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 26 tháng 8, 2017

Từ điển tiếng Việt của GS Nguyễn Lân – Phê bình và khảo cứu (kỳ 2)

Hoàng Tuấn Công

PHẦN I

PHÊ BÌNH, KHẢO CỨU

“TỪ ĐIỂN THÀNH NGỮ VÀ TỤC NGỮ VIỆT NAM”

Sách Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt Nam của GS Nguyễn Lân xuất bản lần đầu năm 1989, khi ông còn trường mạnh. Tuy nhiên, cũng như hai cuốn Từ điển từ và ngữ Hán Việt (1989) và Từ điển từ và ngữ Việt Nam (xuất bản sau đó hơn 10 năm), Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt Nam của GS Nguyễn Lân có quá nhiều sai sót. Sai sót là thế, nhưng từ các năm 2010 đến 2016 sách vày vẫn được nhiều nhà xuất bản tái bản với số lượng khá lớn. (Riêng Nhà xuất bản Văn học, các năm 2014, 2015, 2016 đã tái bản với số lượng 6 ngàn cuốn).

Nguyên văn nội dung mục từ đưa ra phê bình và khảo cứu trong sách Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam của GS Nguyễn Lân được chúng tôi để trong ngoặc kép, sau kí hiệu “○”.

A. GIẢI THÍCH SAI CÁC SỰ VẬT, HIỆN TƯỢNG, KINH NGHIỆM DÂN GIAN, TIỀN HẬU BẤT NHẤT

Thành ngữ, tục ngữ thường có nhiều dị bản, gần nghĩa hoặc đồng nghĩa. Người làm từ điển có thể thu nhận tất cả để độc giả tham khảo và chọn ra dị bản được sử dụng rộng rãi, hay nhất để giải thích. Thế nhưng, không ít trường hợp GS Nguyễn Lân tự chữa thành ngữ, tục ngữ, hoặc phỏng đoán theo ý chủ quan của mình, bác đi dị bản trung tâm, khiến thành ngữ, tục ngữ mất đi cái hay, cái đẹp, sự tinh tế trong ngôn từ của dân gian:

○ “dứt dây động dừng (Có người viết và đọc nhầm là rừng) Ý nói: chạm đến một việc nhỏ có thể ảnh hưởng đến cả một việc lớn (Như dứt một dây ở bức vách có thể làm rung cả bức vách)”.

○ “rút dây động dừng (Dừng là cốt để trát bức vách) Ý nói: Đả động đến điều gì thì ảnh hưởng đến điều khác (Có người nói nhầm là: Rút dây động rừng)”.

Trong hai mục từ thuộc phần chữ cái D và R, GS Nguyễn Lân đều khẳng định “Rút dây động RỪNG” là “nhầm”, phải là “DỪNG” mới đúng, và giải thích “dừng” là “bức vách” hoặc “cốt để trát bức vách”. [Trong Từ điển từ và ngữ Việt Nam một lần nữa GS lại khẳng định: “dứt dây động DỪNG (dừng ở đây là bức vách, có người viết là RỪNG là không đúng)”]. Thế nhưng với “phát hiện” này, GS Nguyễn Lân đã biến nghĩa đen của câu tục ngữ trở nên rất vô lý và tầm thường hoá cách ví von, so sánh rất đắt của dân gian. Mặt khác, dù khăng khăng “có người viết và đọc nhầm” “dừng” thành “rừng”, nhưng GS Nguyễn Lân không đưa ra được lý lẽ chứng minh là họ đã “nhầm” như thế nào.

Nếu theo cách hiểu của GS Nguyễn Lân, xin được hỏi về nghĩa đen: Thứ nhất, dứt dây gì ở bức vách? Thứ hai: giả sử “dây” đây là dây buộc ở một bức vách đất bé nhỏ đã long lay (nên lòi cả dây lạt buộc xương vách ra) người ta cầm và giật (dứt) thì việc nó “động” cũng là chuyện thường thôi. Bởi cái dây đó ràng buộc, liên quan trực tiếp tới bức vách (mà bức vách đã hỏng, đã long lay rồi). Nghĩa đen tục ngữ này phải được hiểu đúng ý dân gian: “rút dây động RỪNG” mới thâm thuý. Rừng là nơi quy tụ nhiều loại cây, chia thành nhiều tầng, nhiều tán: thảm cỏ, cây bụi, dây leo, cây thân gỗ… Ngoài thực vật còn có muôn loài động vật, muông thú lớn nhỏ. Dây leo trong rừng có thể dài đến cả trăm mét, luồn lách, vấn vít, đeo bám vào cây nọ sang cây kia. Thế nên, “rút dây động rừng” có nghĩa chỉ cần rút, dứt (lấy) một cái dây leo cũng có thể làm động cả một cánh rừng! “Động” theo nghĩa đen ở đây là làm rung đến cây khác, đụng chạm đến thực thể khác. Dứt dây, cây động, lũ chim giật mình đập cánh, khiến bầy nai cũng hoảng sợ, náo động... Thế là loạn cả lên, cứ như là như động rừng vậy! Một hình ảnh ví von không gì sinh động hơn về mối quan hệ chặt chẽ giữa cá thể này với cá thể kia trong tự nhiên và trong quan hệ xã hội của con người. Dứt hay rút một sợi dây mà làm động đến cả cánh rừng! Tục ngữ lời ngắn mà ý nghĩa lớn! Thế nên Tục ngữ Hán cũng có các câu: “Một cây cột bị lay, tất cả cột kèo ngôi nhà rung chuyển [Nhất căn trụ tử động, căn căn phòng lương dao 一根柱子動, 根根房梁搖]; Lay một nhánh mà làm rung chuyển trăm cành lá [Nhất tiết động nhi bách chi dao 一節動而百枝搖].” (trích Tục ngữ Hán, tên viết tắt của “Từ điển tục ngữ Hán Việt”, Lê Khánh Trường-Lê Việt Anh, NXB Thế giới-2002), đều dùng sự so sánh một sự vật bé nhỏ nhưng liên quan, gắn bó, tác động tới nhiều sự vật khác.

Tham khảo: Với câu “Tai vách mạch dừng”, thì dừng ở đây lại là bức vách. Không phải “Tai vách mạch rừng”. Vì dừng là bộ phận của vách, vách là bộ phận của ngôi nhà, nơi (theo nghĩa đen) hai người trao đổi chuyện bí mật, riêng tư, sau hiểu theo nghĩa rộng chỉ tất cả địa điểm khác. Địa điểm nào thì những cái có thể “nghe lén” được đều tập trung ở xung quanh hai người. Nếu nói “Tai vách, mạch rừng” thì một là bức vách, một là cái mạch gì đó tận trên rừng thì nghe thật vô lý. Tục ngữ gốc Hán có câu “Tường hữu phùng, bích hữu nhĩ - 墻有縫壁有耳 - Tường có mạch, vách có tai”. Tục ngữ Việt còn có dị bản Bờ vách có tai, bờ rào có mắt; trong đó “tường” và “vách”; “bờ vách” và “bờ rào” cũng đều gần nhau, ở xung quanh người nói chuyện. Nghĩa bóng: Bí mật rất dễ bị tiết lộ, ngay kể cả nơi bốn bề tường, vách vắng vẻ, rào dậu kín đáo.

○ “đãi cát lấy vàng Ý nói ra công chọn những điều quý báu hiếm hoi trong một đám tài liệu hỗn độn”.

Thành ngữ này vốn có hình thức là “Đãi cát TÌM vàng”. Từ “LẤY” trong dị bản GS Nguyễn Lân đưa ra làm hỏng ý, vì chữ “lấy” đơn giản, dễ dàng quá. Phải là “tìm” mới nói lên sự hiếm hoi, khó khăn. Mặt khác, thành ngữ không chỉ riêng việc “chọn những điều quý báu, hiếm hoi trong đám tài liệu”, mà nói chung việc dày công tìm kiếm, sàng lọc một lượng lớn những thứ tầm thường, bỏ đi, để hy vọng kiếm tìm thứ quý hiếm nào đó. Nếu được phép “chọn” như cách giải thích của GS Nguyễn Lân, có nghĩa là thứ thì đó rất sẵn, tha hồ “chọn” lấy cái tốt nhất, đẹp nhất. Lúc này, lại phải hiểu đãi vàng cám để lấy vàng thỏi, vàng cục, chứ không phải Đãi cát tìm vàng nữa. Mặt khác, dân gian đâu có sử dụng, tiếp xúc với “đám tài liệu hỗn độn” như nhà nghiên cứu hay giới trí thức, học giả để rồi dùng hình ảnh đó làm chất liệu đặt nên tục ngữ, thành ngữ?

Tham khảo: Ở Thanh Hoá có câu Đãi cứt chó lấy vỏ khoai, đãi cứt gà lấy mẳn. (Mẳn là hạt tấm, hạt gạo bị vỡ nát). Vỏ khoai, hạt mẳn là thứ phụ phẩm, phế phẩm đã tận dụng cho chó, gà ăn, mà vẫn còn tiếc, muốn “tận thu” lại một lần nữa! Từ “lấy” ở đây lại đắt hơn từ “tìm”, bởi “lấy” thể hiện “ý tưởng”, mục đích rất rõ ràng và phải thực hiện bằng được của anh chàng bủn xỉn, keo bẩn. Ngôn ngữ dân gian rất tinh tế, đâu có tuỳ tiện thay đổi mà được!

○ “run như dẽ (Dẽ là một con chim hay ăn giun, nên cũng gọi là dẽ giun. Dân gian lẫn lộn từ giun và từ run nên mới đặt ra câu này)”.

○ “sợ run như dẽ (Dẽ là loài chim hay ăn giun, nên gọi là dẽ giun. Ở đây, với mục đích chơi chữ, đã đồng nhất từ “giun” và từ “run”).

Hai thành ngữ này xuất hiện trong hai mục từ thuộc phần chữ cái R và S của cuốn sách, nhưng GS Nguyễn Lân giải thích tiền hậu bất nhất. Ban đầu thì cho rằng “Dân gian lẫn lộn từ giun và từ run nên mới đặt ra câu này”, đến sau lại giải thích “với mục đích chơi chữ đã đồng nhất từ “giun” và từ “run”.

“Lẫn lộn” và “chơi chữ” là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. Và điều đáng nói, hai cách giải thích của GS Nguyễn Lân đều sai cả. Theo sách Chim Việt Nam hình thái và phân loại của GS Võ Quý (viết tắt là Chim Việt Nam), chim dẽ giun (hay rẽ, rẽ giun) thuộc bộ Rẽ (Limicolae hay Charadriiformes) gồm khoảng 189 loài, 8 họ, phân bố hầu như khắp các nơi trên thế giới. Ở Việt Nam có khoảng 48 loài, phần lớn là những loài trú đông. Trong số 8 họ của 189 loài, thì họ Choi choi (Charadriidae) là họ cơ bản của bộ Rẽ. Chim dẽ giun (hay rẽ giun) thuộc họ Choi choi. Chim dẽ giun có một tập tính kỳ lạ là thân mình liên tục cử động: đầu gật, đuôi giật theo nhịp bước chân, thỉnh thoảng chúng dừng lại, xù lông, rùng mình, rồi rung rung đôi cánh, cổ rụt lại giật giật như bị ai bóp nghẹt, trông chẳng khác nào đang run lẩy bẩy vì sợ hãi (đặc biệt là khi chim trống quyến rũ chim mái). Theo Chim Việt Nam: “Trước thời kỳ làm tổ ở nhiều loài có hiện tượng khoe mẽ, thể hiện lúc bay, tiếng kêu hay dáng chuyển động như múa lúc ở mặt đất.” Cũng do đặc điểm thân mình luôn cử động rung lắc, khi kiếm no mồi thì chạy nhảy, đánh đuổi nhau, nên ở Thanh Hoá có thành ngữ Nghịch như thọc trùn, chỉ bọn trẻ con nghịch ngợm, thọc mạch, không lúc nào chịu ở yên; hoặc Nhảy như con choi choi, chỉ bọn trẻ con hiếu động, nhảy nhót đùa nghịch.

Như vậy, “Run như dẽ” hoặc “Sợ run như dẽ” là hai dị bản đồng nghĩa. Nghĩa diễn giải của thành ngữ là: Run như con chim dẽ giun nó run. Dân gian không nhầm lẫn, cũng chẳng chơi chữ gì ở đây, mà trong thực tế có nghĩa đen như phân tích ở trên.

Tham khảo: Trong Truyện Kiều, đoạn Thuý Kiều báo oán, Nguyễn Du viết: “Cho gươm mời đến Thúc lang, Mặt như chàm đổ mình dường dẽ run.” Ta có thể hiểu, Nguyễn Du mô tả Thúc lang sợ hãi, run lẩy bẩy như con chim dẽ giun. Từ điển Truyện Kiều - Đào Duy Anh giải thích: “Dẽ run: Tức là chim dẽ hay rẽ, người ta cho rằng thứ chim này mình thường run luôn.” Khi Đào Duy Anh viết: “người ta cho rằng…”, chứng tỏ ông cũng chưa có hiểu biết thực tế về loài chim dẽ, nhưng cách giải thích trên là đúng.

○ “cát liền tay, thịt chầy ngày Kinh nghiệm nông dân cho là nếu cấy ở đất cát có thể cấy ngay, còn cấy ở đất thịt thì phải cày bừa cho kỹ”.

Giải thích theo kiểu hú hoạ, nên chỉ hơi đúng nửa đầu nói về cấy trên đất cát. Chúng tôi nói “hơi đúng”, vì nếu liên hệ với vế thứ hai theo cách giảng của GS Nguyễn Lân, “đất cát có thể cấy ngay” (tức không cần làm đất, hoặc làm đất qua loa), trong khi “ở đất thịt thì phải cày bừa cho kỹ”. Nhưng đất nào khi cấy mà chẳng phải cày bừa kỹ?

Thực ra ở đây, tục ngữ nói đến kinh nghiệm gieo cấy trên chân đất cát và đất thịt của nông dân: Với đất cát nhanh lắng, bừa xong nên cấy ngay (“liền tay”) kẻo đất nén chặt xuống rất khó cấy, chứ không phải “có thể cấy ngay”. (Nói về kinh nghiệm cấy trên chân đất cát còn có câu Trâu ra mạ vào, tức trâu vừa bừa xong thì đưa mạ vào cấy ngay là tốt nhất); với đất thịt nhiều bùn non (bùn loãng), nếu bừa xong đã cấy ngay, cây lúa sẽ không đứng được, thế nên phải để “chầy ngày” (sau một ngày) cho bùn lắng xuống, đặc lại, mới cấy là tốt nhất. “Chầy ngày” (“chầy” là chậm, muộn hơn, trái nghĩa với “liền”, “chóng”; như “chẳng chóng thì chầy”) là tính thời gian một ngày sau khi bừa lần cuối rồi cấy, chứ không có nghĩa “phải cày bừa cho kỹ” (cày bừa liên tục trong thời gian một ngày) như GS Nguyễn Lân giải thích.

○ “ruộng giữa đồng, chồng giữa làng Đó là lý tưởng của một chị nông dân thiển cận”.

Giải nghĩa sai! “Giữa” ở đây không những chỉ vị trí (địa lý) mà còn có nghĩa là ngay tại, ở chính tại, rất gần. [Vè nhật trình từ Ninh Bình vào Thanh Hoá: “Thùng thùng trống đánh ngũ liên, Chợ Gia trước mặt, quán Nam giữa đàng”. “Giữa đàng” đây tức là ở ngay trên con đường, đoạn đường, ở ngay bên đường]. “Ruộng giữa đồng” là ruộng gần, ruộng làng (đồng nhà), tiện canh tác, thăm nom, cũng có thể hiểu là mảnh ruộng “giữa đồng”, không bị trâu bò xâm phạm; “chồng giữa làng” là chồng gần, ngay ở trong làng. Trai gái đã hiểu nhau, lại tiện đi về thăm nom, chăm sóc bố mẹ. Câu tục ngữ trên đúc kết kinh nghiệm chọn nơi canh tác, lấy vợ, lấy chồng, sao cho tiện lợi của nông dân trong đời sống làng xã Việt Nam xưa kia, chẳng có gì gọi là “thiển cận”, đáng chê như cách phân tích của GS Nguyễn Lân.

Tham khảo: Tục ngữ Mường Thanh Hoá - Cao Sơn Hải - NXB Văn hoá thông tin - 2002 (viết tắt là Tục ngữ Mường) thu thập câu: “Đồng ruộng ven làng, trước cổng - Đo ống ná chân quên trưởc voòng”. Ý nói: Đồng ruộng ven làng trước cổng thuận tiện canh tác; và “Lấy chồng trong làng như sống giữa vườn hoa, lấy chồng đàng xa như con gà diều quắp - Lế dầu trong lùng nhơ vùng vướn va, lế dầu đáng xa nhơ kha tràng đành”. Tục ngữ Việt: Trâu ta ăn cỏ đồng ta; Ruộng nhất ở xa, không bằng ruộng ba ở gần; Ca dao: Có con mà gả chồng gần, Có bát canh cần nó cũng đem cho [“Canh cần” là thứ canh chẳng phải ngon lành, béo bổ gì. Ý dân gian là con gái lấy chồng gần thì có điều kiện quan tâm chăm sóc bố mẹ, kể cả những điều vụn vặt, nhỏ bé nhất]”.