Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 7 tháng 8, 2017

Tản mạn văn hóa, văn nghệ và… văn gừng (1)

Phê và bình kiểu An Nam ta (1)

Nguyễn Thanh Văn


Bài viết này không dám bàn về các lý thuyết phê bình văn nghệ cao xa, hay sự vận dụng các lý thuyết này của giới phê bình văn học Việt vào công việc đặc thù của họ – có muốn bàn thì việc đầu tiên ắt phải học cái đã. Đấy là cái món chuyên môn đỉnh cao dành các nhà lý luận phê bình chuyên nghiệp. Trước hết là ý định phản ảnh mối băn khoăn và cả bất bình của giới đọc sách – trong đó có người viết bài – về một số vấn đề khi theo dõi và tìm hiểu bài vở và hoạt động của những đồng bào có vinh dự là thành viên của một giới mang cái tên sang trọng: giới phê bình văn học. Thứ hai, trong những chừng mực nhất định không tránh được chuyện lạm bàn vài khía cạnh tế nhị liên quan, mà thưa trước cũng với tinh thần “tản mạn” của người lỡ vận vảo mình một tấm ái tình với văn học mà bị bịp – xin lỗi, bị phụ rẫy – đấy thôi.

Nói chung, cái gọi là “bất bình” đầu tiên có đối tượng là thái độ không hẳn rành mạch, không rõ chuẩn mực học thuật, coi nhẹ người đọc trong nhiều bài vở, hành vi của không ít vị trong ngành. Có những trò diễn tầm phào kéo dài trong làng phê bình mà lạ thay, thái độ đối với đồng nghiệp là “thủ khẩu như bình”. Vẻ nghiêm túc nhất quán duy nhất kể cả của không ít vị cổ thụ, đại thụ thực tế là chẳng nghiêm túc gì cả: ít lên tiếng, không phản ứng, ám ảnh với những cái xem ra không dính chi tới bản chất khoa học của bộ môn, đại khái như đại hội, quan tâm của trung ương, cơ cấu lãnh đạo và không ít người tin tưởng mơ hồ rằng một khi một nhân vật làng nhàng trong học thuật nào đó, thường là chỗ quen biết, nắm quyền lực thì ắt có thay đổi lớn.

Tâm thế chờ đại hội ngành giải quyết, mà đại hội thì ai chẳng rõ có ai đâu đó giải quyết cho rồi, chưa thì chủ động “xin ý kiến về đại hội”. Người mà ai đó nhắm rồi thì nói chi, làm chi còn ai hy vọng nữa. Người được nhắm trước nhờ ai đó tin cậy thì lắng tai nghe hội viên làm chi nữa. Tới độ một ông tiến sĩ ngữ văn vừa là nhà phê bình lẫn quan chức phê bình mô tả vị trí của mình trong tổ chức của Hội là “con sâu cái kiến”. Chân dung tự vẽ của con người, theo tôi đánh giá, có đủ tiêu chí của nghề lẫn thiên chức của ngành – dù nửa chua chát, nửa thực tế – nói lên điều gì? Sự bất lực!

Cái nếp của mọi tổ chức trong chế độ cộng sản là thế và phải thế, không có ngoại lệ, ngành lý luận phê bình văn học có chi khác là ở chỗ được – chính xác là bị – tăng cường lãnh đạo hơn các tổ chức khác. Không cần thông minh cũng thấy, thử hỏi cái lò nung ra lãnh đạo Việt Nam là quá trình mấy chục năm họp, họp và họp nữa, của những thành phần xã hội tự hào mấy đời công-nông-binh-công an – xin lỗi, ngẫu nhiên trùng với cách nói quen nghe “Học, học, học nữa” của Lênin, chứ không dám vuốt râu hùm – thì may ra có kinh nghiệm tổ chức đại hội trung ương, chứ đào đâu ra trí thức phê bình lý luận và kiến thức văn học mà lãnh đạo các nhà khoa học kia chứ. Trong thực tế thường không có chuyện Đảng đưa người vô lãnh đạo theo nghĩa đen mà nhắm và chọn người tin cậy ngay trong giới chuyên môn. Chuyên môn thật đi nữa mà đạt trình độ “ai đó tin cậy” thì phải tận tụy phục vụ người ta hoặc mang tâm trạng Nguyễn Du phục vụ triều Nguyễn, được mặc áo nhà quan mà ý thức được phận “con sâu cái kiến” – ở đất An Nam ta một nhà phê bình tìm những đề tài với slogan mượn của ngành giao thông “An toàn trước hết”, vừa tránh hại đồng nghiệp lương thiện, vừa không tha hóa tới độ quên mất thân phận giun dế của mình, thì cũng đủ chuẩn làm người tử tế rồi.

Nên có ý kiến rằng ngành phê bình rút cục là nghề của những người truyền đạt không mỏi mệt tiêu chuẩn, nội dung phê bình của Đảng lãnh đạo qua từng thời kỳ, và là một tổ chức phê bình của những người (hầu như) không bao giờ phê bình nhau – quái thiệt! Nên có ý kiến tiếp rằng mẫu lãnh đạo ngành phê bình thời đại lý tưởng có hai điều phải giữ y như giữ con ngươi của mắt mình là tuyệt đối không làm gì sai ý Đảng và tránh tối đa đụng chạm tới đồng nghiệp, chăm chú thực hiện tư duy nhiệm kỳ giữ an toàn cho tới hết ngày cuối cùng của nhiệm kỳ cuối cùng. Điều này không có nghĩa là lãnh đạo và lãnh đạo tương lai của ngành Lý luận phê bình ngưng viết bài mà vẫn có thể tiếp tục viết loại “phê bình nghiêm túc”, gợi ý từ lời khen “cây châm biếm nghiêm túc nhất” ông Trần Bạch Đằng ban cho một nhà châm biếm loại “khó chịu nhất nước” mà chúng ta đoán là dạng châm biếm (và phê bình) đại khái gây khó chịu cho cán bộ cấp huyện trở xuống và không gây khó chịu cho từ trên cấp huyện trở lên, cho tới cỡ người ban thưởng lời khen.

Có dư luận được chỉ đạo lâu đã thành nếp, nên có người ngỡ là bất thành văn, và lạ thay tồn tại dưới dạng “tự biên tập”, cho rằng ngành Lý luận phê bình được đẻ ra để làm chuyện chuyên môn nội bộ mà đại khái nên là thành tựu trong thơ của một vị tiền bối nhân lúc giỗ chạp, đôi điều về thi pháp của một văn tài trong thiên hạ không ai không rõ, minh oan cho một hiểu lầm mà hai bên đã xí xóa, gả con cái cho nhau mấy đời hoặc khá hơn, một cái nhìn-cố gắng không quá sốt sắng-về tình hình văn chương trên địa cầu luôn kèm những nhược điểm của những nền văn nghệ không may thiếu người uốn nắn. Không bàn tới niềm tự hào về văn chương Việt Nam so với thế giới – đăng công khai trên trang đầu tờ báo Văn Nghệ lớn nhất nước – rằng so với truyện ngắn các tác giả được giải Nobel, truyện ngắn của nhà văn xứ ta ăn đứt. Cái gì ngoài khu vực vô hại linh tinh thì đã có người lo. Dạng dư luận này hàm ý quyền bất khả xâm phạm của các bậc siêu nhân định ra đường hướng, chủ trương cho văn nghệ, khi trực tiếp, khi gián tiếp định cả tiêu chí khen chê, thương ghét cụ thể đối với trước tác và bản thân người cầm bút.

Cần thưa sòng phẳng lại rằng trong một chế độ toàn trị, khi người cầm quyền xuất trình name card, không ngần ngại tự giới thiệu mình là nhà lãnh đạo toàn diện, tất nhiên bao gồm cả lĩnh vực văn hóa văn nghệ, thì việc trao đổi và tranh luận với lý luận và nói riêng lý luận về phê bình văn học của giai cấp Arya xã hội chủ nghĩa là đương nhiên và không tránh khỏi. Nếu không thì – xin lỗi – còn lý luận lý liếc quái gì nữa. Trừ khi người ta chọn và muốn là fan của thứ chủ nghĩa 50% chân lý cũng là chân lý, hay nói khác đi là tiếp tục trò không phận cấm bay kết hợp vùng oanh kích tự do theo lý luận quân sự Hoa Kỳ trong phê bình văn học Việt Nam, nghĩa là một “trò” mà về bản chất mâu thuẫn với khoa học và mâu thuẫn tuyệt đối với phẩm giá của một nền phê bình độc lập. Sự tránh né của giới phê bình và rộng ra cả công luận chỉ chứng tỏ hiệu quả đòn vọt của quyền uy chưa bao giờ thôi tác dụng đối với nhân loại, dù là phần nhân loại cao quý thừa trí thức, mở miệng là Viên Mai cho rằng, Biêlinxki và Bakhtin đã nói hay cụ Lê Quý Đôn và cụ Phan Huy Chú có nhời bàn rằng. Chợt nhớ câu chuyện anh nông dân đứng im như thóc nhìn cảnh lính huyện khám gánh hàng của mình, tiện khám luôn “hàng” của bà vợ, phải đi thêm cả trăm thước, rẽ khúc quẹo, anh ta mới dừng lại, rút đòn gánh phang vợ tới tấp. Thỉnh thoảng sau những đợt nghỉ đông kéo dài có khi các nhà phê bình hoặc nhà phê bình tự xưng bỗng nóng lên, làm toáng lên với nhau lại thoang thoảng mùi phân tâm học dính tới câu chuyện miền quê này. Phần lớn các ca ầm ĩ nơi có những cú ra đòn quá nặng với người không hẳn đáng nhận đòn, hay loạt đòn túi bụi giữa những nạn nhân với nhau đều nên chuyển cho bác sĩ Freud thay vì đưa đến Chợ Rẫy.

Nếu mượn cách nói của Nguyễn Văn Vĩnh “An Nam ta có một thói lạ là gì cũng cười” thì có thể nói “Làng phê bình An Nam ta có một thói lạ là gì cũng khen”. Khen và chê lẽ ra là thái độ và phản ứng bình thường trong quan hệ đời thường, huống hồ trong công việc phê bình. Sự khen chê chỉ thành tật xấu khi dò ra nguyên ủy, động cơ khen chê và tiêu chí khen chê có điều khuất tất, người nghe không tâm phục. Nghiêm trọng hơn là sự “xem mặt” mới “đặt” khen chê, khen chê theo chiến dịch, theo mùa, và phải dò ý ai đó trước, nghĩa là khen giả, khen theo sắc lệnh. Cuối cùng là màn suy đồi mãn tính phảng phất mùi minh triết đông phương rằng chờ mãi không ai khen thì chiếu theo niềm tin “xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều” và rằng gặp thời loạn chuẩn phải mau mau “tự cứu lấy mình”, thì ta … đành nức nở khen ta! Tình hình này đang có xu hướng phát triển mạnh, nên nói thẳng ra rằng phần vì từ khuya rồi người ta “bật đèn xanh”, thà chấp nhận trò giả, hạ cấp, kể cả những dạng văn hóa rẻ tiền, khiêu dâm, tạo điều kiện cho mọi người, mọi nhà cùng hàng tuần theo dõi trồi sụt ba vòng của một cô người mẫu có tư cách một ả điếm, hơn là chấp nhận ai đó dám đến gần bảng treo “Khu vực cấm – Chớ dại chõ mồm!”. Và trò ta khen thơ ta hay phân công theo giọng bolero “người khen ta, ta lại khen người” xem ra dễ chấp nhận và trong mắt những học trò của các bậc thầy Bismark hay Quản Trọng bọn kẻ sĩ hại nhau và tự hại không nên và không bao giờ là nỗi lo lắng cho nền quân chủ cao quý. Cái đáng lo bậc nhất là các bậc quân tử bỗng vướng bệnh tự trọng, ham nhắc chữ sĩ khí và có hiện tượng sính bàn đại sự.

Tạm gọi nạn phê bình “giả” – còn hiện tượng phê bình kém chất lượng thì thời nào, ở đâu chẳng có – có gốc gác từ miền Bắc trước 1975. Ngay sau sự kiện 75, tôi bám Thư viện Đại học Huế đọc hàng loạt sách, tạp chí mới chuyển vào. Đọc toàn bộ tạp chí Văn học có trong tay. Cũng vàng thau lẫn lộn thôi. Có những phần nghiên cứu văn chương cổ điển có giá trị, viết công phu, đọc rất thích. Khỏi nói cũng biết phần lớn bài viết khen chê văn chương hiện đại bị chính trị hóa nên giảm hoặc mất giá trị, ngay cả khi đối tượng là một tác phẩm có nghề thực sự.

Văn chương miền Nam kèm khái niệm phản động trừ vài tác giả tiến bộ và số ít này nên làm rõ tiểu sử ắt có quan hệ trực tiếp, gián tiếp gì đó với một cán bộ cộng sản của ta. Văn chương thế giới tư sản kèm cái mũ suy đồi, cũng trừ vài tác giả hiểu ta, bênh vực ta. Nền văn chương Xô Viết là mẫu mực. Thực tế yếu tố thời chiến là phụ, chính yếu tố chủ nghĩa đóng vai trò chính. Không nên phủ nhận một số trong đội ngũ phê bình, ngành vốn không dễ chọn và học, tự nguyện đi với quan điểm hiện thực xã hội chủ nghĩa, người càng tích cực, hăm hở lập công với tinh thần “không công danh thà nát với cỏ cây” y như người tài Nguyễn Công Trứ sẵn sàng đàn áp đám thổ phỉ lẫn nông dân khởi nghĩa chống bọn tham quan ô lại, càng xem việc lãnh đạo của Đảng đối với văn học là tất yếu. Số ít từng quen lối phê bình độc lập ngày nào – tạm chưa bàn độc lập tới đâu và dẫn tới đâu – từ từ im tiếng hoặc đổi giọng. Phan Khôi và Hoài Thanh là hai ví dụ khác nhau, nhưng đều là tấm gương kề ngay mặt lớp hậu bối. Còn một số lớn đẻ từ trong cổ, trong ngực hay trong bụng đấng Phạm Thiên mà ra thì không có vấn đề chọn lựa. Ở bầu tự nhiên tròn, lòn qua ống tất phải dài. Dù vậy trong số anh chị này, dẫu có những người không có công trình vượt được thời đại giáo điều, lại có những trang sách thông minh, tinh tế, với chữ nghĩa của người sinh “nhầm thời” hơn là “nhầm ngành”. Nói nôm na văn tài thực sự không bao giờ là tôm hùm hay cá chép đặc sản vùng miền mà là giống cam trồng có độ chua ngọt do thủy thổ từng vùng đó thôi. Vài người trong số này tìm cảm hứng trong văn chương xét lại và sám hối Xô Viết và theo tôi biết số phận không đem lại nhiều may mắn và công bằng cho họ lắm. Bản thân tôi từng trực tiếp tiếp xúc và có thiện cảm với vài vị trong số họ, nhưng không rời được cảm giác họ là người của một mảnh đất tiền định, sống, học tập, chiến đấu, viết và chết hoặc sẽ chết cũng trên mảnh đất đó. Đến cảm hứng cuối cùng, có lúc có ít nét hiên ngang của anh chị, cũng mang tên Xô Viết.

Có cái gì thêm ở đây là những nét tinh tế ở người này, dấu ấn tay nghề của người kia, tình yêu tiếng mẹ đẻ cảm động của người nọ, tiếng thở dài kín đáo của ai đó, và đôi lời phân trần bức xúc ở chốn riêng tư. Chấm hết. Và bài Ai điếu… nổi tiếng của một người sáng tác có thể giúp dừng tay hay chùn tay trước trang viết gọi là minh họa hay phải đạo, vẫn chưa phải thực sự là ánh sáng tự do mà sáng tạo đòi hỏi, dù ánh sáng cuối đường hầm vẫn đáng quý để mong tìm ra một lối đi tích cực. Bi kịch của làng phê bình văn học Việt Nam thống nhất “chính thống” tận hôm nay, do đó, vẫn là cái bóng lớn của bi kịch của ngày hôm qua, quy định trước hết và trên hết bởi niềm tin và lý thuyết bất di bất dịch về sự lãnh đạo toàn diện, bao gồm cả văn học và lý luận phê bình văn học, của giới quý tộc Arya xã hội chủ nghĩa tự hào sinh ra từ miệng Phạm Thiên. Còn thâm tâm cả Đức Vua và quý học sĩ còn tin tưởng nó hay không thì xin miễn bàn.

Hiện nay có mô đen khen chê hay pha chế sự kiện thành giai thoại cho hợp khẩu vị hậu chiến, nhất là trong giới văn nghệ, người của văn fiction. Tôi kể hai câu chuyện và nhấn mạnh với tư cách là người có mặt, chịu trách nhiệm nội dung mình nhớ và kể. Chuyện thứ nhất liên quan buổi nói chuyện của ông Hồng Chương, Tổng biên tập tạp chí Học tập, tại trụ sở Hội Văn Nghệ Thừa Thiên vào khoảng 75-76.

Cử tọa là anh chị em văn nghệ sĩ, trí thức Thừa Thiên Huế. Tôi là sinh viên, có mặt theo dạng “cây bút trẻ có triển vọng”. Ông Hồng Chương người thấp, mập và tròn. Từ trên bục kê khá cao, ông nhìn xuống, vừa nói vừa chỉ thẳng tay xuống mặt người nghe. Giọng ông nặng, trọ trẹ, nên người Thừa Thiên nghe rõ, không cần “phiên dịch”. Do có thấy ông Trường Chinh nói chuyện trên ti vi, tôi nhìn diễn giả, không gạt ra khỏi đầu được ấn tượng ông này đang bắt chước bộ dạng ông Trường Chinh. Ông cũng khéo tìm người để bắt chước, vì Trường Chinh cũng dáng mập, tròn và thấp.

Cao trào của buổi gặp mặt – nội dung và cách nói chuyện của bác Hồng Chương không có gì hấp dẫn – là phần đặt câu hỏi của ông Nguyễn Đắc Xuân. Ông này đứng hẳn dậy, nhưng giọng rụt rè khác phong độ Sinh viên Quyết tử thường thấy, có lẽ vì đó là lần Hà Nội cho xuất tướng của ngành Tư tưởng Văn hóa; Hồng Chương cố gây ấn tượng cho dân văn nghệ địa phương và Nguyễn Đắc Xuân bị ngợp thiệt.

Câu hỏi của Nguyễn Đắc Xuân là xin cán bộ lãnh đạo cho ý kiến việc văn nghệ sĩ xã hội chủ nghĩa phải tiếp cận và viết bi kịch như thế nào. Ấn tượng duy nhất in vào đầu tôi là câu trả lời nhanh chóng, dứt khoát – y như một tiếng quát – với cử chỉ tôi nhắc ở trên: chỉ thẳng ngón tay trỏ ngay mặt người nghe, trước hết là nhóm ghế ở dãy đầu, rằng:

– CHẾ ĐỘ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA CỦA TA KHÔNG CÓ BI KỊCH!

Nhẹ ký hơn, nhưng cũng ấn tượng là dáng và giọng líu ríu của Nguyễn Đắc Xuân, vừa nói vừa ngồi xuống:

– Cảm ơn… xin cảm ơn… nhờ ý kiến lãnh đạo từ Trung ương rành mạch như vậy để anh chị em văn nghệ sĩ địa phương có phương hướng sáng tác.

Có chút gì hơi tiu nghĩu trong cung cách Nguyễn Đắc Xuân hôm đó, không rõ ông ta thực sự suy nghĩ gì về vấn đề bi kịch trước khi “cảm ơn lãnh đạo”. Xin đính chính nếu ai đó cho người viết chế diễu ông Nguyễn Đắc Xuân có vẻ sợ sệt lãnh đạo Hà Nội thì oan quá. Sự thực sau 1975 không ai không sợ VC, dù là VC quê mềnh, nói chi VC Hà Nội vào, và chỉ một chuyện Nguyễn Đắc Xuân mới từ núi xuống cũng phải khúm núm – nói theo kiểu dân gian là “teo bu-gi” – với đồng chí của mình sau tiếng quát có âm hưởng Trường Chinh là rõ.

Ngày nay, thực tế cũng cần có độ lùi, càng kết luận được rằng phát biểu – chính xác là tư duy – của nhà Tổng lý luận và phê bình gia ta quả là liều mạng. Không khỏi ngậm ngùi rằng sự sợ ghê gớm thiệt, thiếu chi người tử tế và nổi tiếng hôm đó nhưng không ai thẳng thắn nói được rằng một người lãnh đạo ngành văn hóa văn nghệ một chế độ xác quyết là xã hội ta không có bi kịch thì tự nó đã là đại bi kịch rồi. Cái bi kịch cấm nhân dân khóc và cấm nhân dân đau khổ, kể cả khi người thân đi kháng chiến không về (ở quê tôi – Vinh Thái, Phú Vang – có Mệ Ít đẻ bốn chú, cùng đi kháng chiến chống Tây chết đủ cả bốn), khi cả nhà còn đúng nửa lon gạo độn thêm thơ Tố Hữu để ăn trong ngày và khi nhận tin toàn bộ người thân vượt biên đã chết dọc đường. Và cái bi kịch thứ hai cũng công diễn hôm ấy với ngót 70 diễn viên – có vai quần chúng sinh viên của tôi – đều im miệng như người câm, gợi cái miệng im như thóc của giới phê bình văn học Việt tận hôm nay trước bao nhiêu sự thực, sự kiện, thậm chí có những cái đáng gọi đúng tên là thảm họa, là hội chứng, cần lên tiếng trước khi quá muộn, liên quan trực tiếp nghề nghiệp đào tạo của chính mình. Tư duy của Hồng Chương gợi hình ảnh những nông dân nằm gối đầu trên bờ đê mà chết, miệng mỉm cười như đang ngủ mơ (chắc lật đật chết nên không kịp nhớ rồi đám con và cả mẹ già èo uột ai nuôi đây!) – đọc lên mà ganh tỵ – của Tố Hữu, người không hồ nghi gì nữa “kiến thiết” tư tưởng cho đàn em đồng hương Hồng Chương “đá” hôm đó.

Vụ thứ hai tôi cũng tận mắt tận tai và địa điểm cũng ngay trụ sở Hội Văn nghệ Thừa Thiên – Huế. Nhân đây xin bàn nhảm một tí, không rõ vì răng Huế quê tui chưa hề có ai mần Chủ tịch nước, Tổng bí thư Đảng hay Thủ tướng cả hè! Kể ra không dám có ý phân bì chi, nghèo như rứa mà còn phổ biến nghiệp nghèo ra cả nước ai người ta chịu cho. Các chức sắc đỉnh cao của Huế mềnh rơi vào các ngành Tuyên giáo, Tuyên huấn, Văn hóa, Văn hóa Tư tưởng… với Tố Hữu, Hồng Chương, Nguyễn Khoa Điềm… (nếu mở rộng thành Bình Trị Thiên thì thêm được ông Trần Hoàn). Tóm lại, toàn các ngành nói, nói, và… nói. Có khi đây là một đề tài cho các nhà Huế học chăng. Tôi không dám qua mặt đồng hương, chỉ thử gợi ý rằng có khi nhờ giọng nói nhẹ nhàng, dịu dàng, dễ nghe của người Cố đô. Nội dung càng lúc càng khó nghe tất yếu càng cần giọng người nói dễ lọt tai người chăng!

Quay lại ý chính, tôi không nhớ ai chủ trì buổi họp có không khí nặng nề và sắc thái… tuyệt vọng này, nhanh chóng thành buổi tố khổ mà hai khổ chủ là Bửu Chỉ và Lê Văn Ngăn.

Do một số bạn đọc không biết hoặc không tận mắt chứng kiến nên dù không thú vị lắm tôi cũng phải lướt tí vụ việc. Buổi họp có Thái Ngọc San, Nguyễn Khoa Điềm, Lê Khắc Cầm, Tô Nhuận Vỹ, Võ Quê… là những người tôi có chào nên nhớ. Tất nhiên hai khổ chủ Bửu Chỉ và Lê Văn Ngăn không thể vắng mặt. Tôi đi với Trần Thùy Mai, vẫn vai quần chúng sinh viên – đùa tí ti, chứ Trần Thùy Mai đã có truyện đăng báo nhà hẳn hoi rồi. Cũng nên nhắc cảnh lần lượt các anh tôi vừa kể tên ở trên bước tới gần vỗ vai Bửu Chỉ và Lê Văn Ngăn, tỏ ý cảm thông và trấn an. Tiện đây nhắc rằng suốt nhiều năm sau 1975, Nguyễn Khoa Điềm là một khuôn mặt được quý mến tại Huế, hình ảnh này chỉ méo mó từ đoạn ông khởi động mấy chiêu trước khi hồi kinh và ngay lập tức trở thành đại quan. Từ đó suy ra muốn làm quan lớn ắt phải “khởi động”! Cao trào của buổi “GẶP GỠ”, tạm gọi vậy vì họp thì không đúng, nói “đấu tố” e thiếu nhã nhặn – là màn chỉ trích minh họa ở trang bìa của Bửu Chỉ và bài thơ của Lê Văn Ngăn. Các “chỉ trích gia” này toàn người lạ tôi không nhớ tên – các bạn tò mò thì nhờ anh Vu Gia điện ông Nguyễn Khoa Điềm, hay nhờ anh Hoàng Dũng mail hỏi các anh Tô Nhuận Vỹ và Nguyễn Khắc Phê chắc sẽ có câu trả lời. Nội dung đã thô thiển, thô bạo, đầy ác ý mà sắc giọng diễn cảm còn đáng nhớ hơn. Sau này nhìn mấy thước phim trên “Việt Nam – Thiên lịch sử truyền hình” xen nông dân đấu tố địa chủ – các thước phim được giới thiệu do các bạn Ba Lan cung cấp – tôi nhớ lại cảm giác rờn rợn năm cũ (khách quan mà nói những thước phim đen trắng chất lượng rất kém, phát trên TV thời bao cấp gây ấn tượng càng nặng nề). Nào là những ai từng có mặt trên chiến khu Trị Thiên năm xưa, khi nhìn về hậu phương chìm đắm dưới vòng kềm tỏa của thực dân và bọn ngụy, lờ mờ bóng lô cốt địch sau hàng kẽm gai (tôi không nhớ chắc có “nhức nhối trời chiều” hay không!) thì đây, cái lô cốt đó là đây – người phát biểu dứ dứ bìa tạp chí có hình minh họa nhà máy của họa sĩ Bửu Chỉ. Từ âm hưởng thiết tha, hờn oán bỗng chuyển qua gay gắt, cao giọng: Xin được hỏi họa sĩ một câu… nhà máy của chế độ xã hội chủ nghĩa ta vì răng lại không có khói? Nhà máy mà lại không hoạt động là răng? Đồng chí có ý đồ chi, hí?... Phiền một cái bất giác người có báo thì nhìn vào báo, người không – đa số – bất giác nghểnh cổ lên nhìn cái bìa trong tay nhà hùng biện và cũng bất giác lẩm nhẩm trong đầu “Chết rồi Chỉ ơi, đúng là không có khói thiệt!”. Và cũng đúng rơi luôn vào kỹ thuật tuyên truyền hàm hồ của gã già mồm. Chưa hết, lại có tiếng the thé lên “Các đồng chí nhìn kỹ cho, cái chi ri hè… đường sắt? Đường sắt hay đống sắt? Thử hỏi đoàn xe Thống Nhất của ta đi trên thứ đường sắt phá hoại ni thì hậu quả ra răng đây hè! Tai nạn, thưa các đồng chí… vâng, tai nạn thôi!”. Không rõ có ai bị gã dốt đặc cán mai về nghệ thuật này thuyết phục không nữa, nhưng không khí thì oải lắm rồi. Trần Thùy Mai lén lau nước mắt, lo cho “anh Chỉ mềnh”, thú thật tôi không còn dám quay lại nhìn Bửu Chỉ và Lê Văn Ngăn nữa. Thử hỏi hình ảnh hội họa là biểu tượng, là ấn tượng, là hậu-ấn-tượng, là triết học, là tiềm thức, là siêu thức…mà gã đòi cái nhà máy phải thấy rõ ràng cả chất liệu xi măng Long Thọ, vít và cà lê mỏ lếch còn mác các nước xã hội anh em thì còn nghệ thuật (hiện đại) và Bửu Chỉ mô nữa trời!

Mục dành cho Lê Văn Ngăn cũng không khá hơn. Nhà thơ nạn nhân có ý thơ đại khái “Anh” và “Em” hẹn nhau lên tàu. Khi tàu chuyển bánh, Anh – hay Em, tôi không nhớ – bàng hoàng, lóng ngóng chờ Em, người không xuất hiện trên sân ga, để rồi cũng đành nhảy lên tàu. Bài thơ xoáy vào tâm trạng rối bời giữa chuyến tàu Anh chọn và nỗi đau lỡ hẹn cùng Em và kết thúc bằng ý thơ an ủi “xin hẹn Em ở sân ga… nào đó” (một khi Em “tăng tốc” cho kịp chuyến tàu đang có Anh?).

Đáp lại là những câu phi-thi-ca xoáy vào nội dung phê phán nhân vật Anh đã dùng dằng, thiếu quyết tâm đi với chế độ mới, còn tiếc nuối, dan díu với nhân vật Em nhân thân, hộ khẩu bất minh. Kẻ lạc hậu được Đảng và Nhân dân khoan dung, cho phép lên tàu, còn đòi hẹn hò, cưu mang đối tượng là kẻ lạc hậu hơn, đã dám từ chối cả cơ hội đi với chính nghĩa.

Các bạn cho phép tôi miễn bình luận thêm về trường hợp thứ hai này. C’est trop assez! Chỉ cần nhớ đấy là cách người chiến thắng đối xử với một người vừa ra nhà tù của Nguyễn Văn Thiệu sau bốn năm và một người trốn lính ở trình độ chuyên nghiệp chỉ mấy tháng sau tháng 4. 1975. Nói cách khác là cách đánh giá của trí thức xã hội chủ nghĩa với “trí thức yêu nước”!

Cũng lạ thiệt, không thiếu cái gây kinh ngạc, rút cục ấn tượng chua cay đọng lâu dài trong tâm tôi, mạnh hơn cả bộ mặt nửa ngang ngạnh, nửa ẩn nhẫn của Bửu Chỉ và làn da đã đen lại vạch thêm mấy lằn xám xịt của Lê Văn Ngăn, đó là hình ảnh dáng ngồi bần cố nông của một cha nội, một chân co lên đặt trên ghế, chân kia rút ra khỏi dép, giẫm trên sàn nhà vừa xỉa xói nạn nhân. Tôi dùng từ “nạn nhân” mà không gọi là (xỉa xói) “văn hữu” vì với dáng đứng, xin lỗi, dáng ngồi bến xe như rứa quyết không phải văn hữu thi hữu với người cầm bút tử tế. Phải khá lâu sau này tôi mới hiểu chẳng phải do hai ông Huế nhà mềnh hớ hênh chi mà tất cả được chuẩn bị từ trước –cái kịch bản quen thuộc ấy! – chỉ chờ dịp để hành sự. Và mục đích truyền thống là răn đe đám văn nghệ sĩ nội thành, một dạng xét cho cùng để hạ thấp uy thế bọn cầm bút, bọn người do đặc trưng nghiệp dĩ thường kiêu hãnh hất cao đầu đi qua thế gian, nhắc cho mà nhớ rằng trên mặt đất này còn một thứ sức mạnh có thể cắt đứt cái phần kiêu hãnh của các người đó. Lời nhắn chung, nhưng nếu chỉ nhắn riêng cho hai ông Bửu Chỉ và Lê Văn Ngăn thì gẫm lại quả thật người ta đã đạt kết quả tới 50%.

Nhắc toàn chuyện cũ chắc bạn đọc cũng bắt đầu ngán ngẩm nên nhắc chuyện mới vậy-chuyện nhà nhà làm phê bình, người người làm học thuật. Ông Nguyễn Đắc Xuân có lắm kỹ năng vì lĩnh vực nào cũng có mặt. Ông có là người sáng tác hay nhà phê bình văn học không tôi không hay. Tạm gọi ông là nhà Huế học là chắc ăn nhất. Nhà Huế học Nguyễn Đắc Xuân vừa được các facebooker nhắc nhờ phát biểu đại ý từ năm 1945 tới 1954, ở Huế không thấy bóng sách của Tự lực Văn đoàn đâu cả. Xét cho cùng, đấy cũng là lời “bình” có cả “phê” trong lĩnh vực văn học vậy. Từ trời Tây, ông Đặng Tiến đã có câu đáp đích đáng và đầy thuyết phục. Do Nguyễn Đắc Xuân thuộc dạng có tăm tiếng và kẹt nhất lại có danh nhà Huế học, trừ người Huế ra đa phần anh chị em người Bắc và Nam tôi gặp đều xem ông là người phát ngôn cho Huế mềnh, nên tôi có thêm đôi lời. Tình hình văn học tự nó đã đủ rối rồi, người trong cuộc thừa sức đẻ đủ vấn đề rồi, các bậc hơn người có góp ý cũng nên uốn lưỡi đôi lần, đặc biệt những ai gánh trên vai trách nhiệm to tát do bị dư luận nhầm lẫn trao cho vinh quang phát ngôn cho một vùng đất mà Nguyễn Đắc Xuân thích gọi là Văn hóa Phú Xuân.

Huế là đất cố đô, nơi ngoài có sự hiện diện của công sở, lục bộ, còn là nơi sớm có trường học, báo chí, hiệu sách… Các ông Hoài Thanh, Lê Duẩn từng là chủ tiệm sách ở Huế – riêng ông Tổng bí thư tương lai chỉ lấy việc bán sách làm bung xung để hoạt động bí mật. Điều đó có nghĩa vùng đất mà khi Thơ, Truyện của Tự lực Văn đoàn lưu hành đã có một lượng độc giả lớn, bao gồm công chức, sinh viên học sinh vốn là các fan của “Tố Tâm”, “Nửa chừng xuân”, “Đôi bạn”…, truyền thống đọc sách của dân Huế đã góp phần “nuôi” không ít báo văn nghệ có tòa soạn ở Sài Gòn cho tới trước tháng 4. 75. Nếu lấy 1945 như cái mốc chấm dứt sinh hoạt và giao lưu văn chương ở cố đô thì đó là việc làm không có cơ sở. Ngay tại Hà Nội cũng thế. Và phải phân biệt hoạt động báo chí, xuất bản hạn chế không đồng nghĩa với việc hạn chế sự thưởng thức, lưu hành văn hóa phẩm; chưa nói những hoạt động “chui”, có cầu là có cung, bất kể thời bình hay thời chiến. Cũng đừng quên các thư viện không thiếu thơ truyện của Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử, Khái Hưng, Nhất Linh… trong các gia đình Huế, ví dụ tủ sách của ông Phan Văn Dật mà ông Nguyễn Đắc Xuân còn “ngày bựa chi”! Nếu sự kiện tháng 8. 1945 có tác động tới các hoạt động của các chủ hiệu sách và chuyện mua sách, tìm sách thật (thời kỳ đó Hà Nội, Huế đã rộ dịch vụ cho thuê truyện Tàu, truyện ái tình rồi) thì việc tác phẩm của Tự lực Văn đoàn biến mất và cả chuyện toàn thành phố thôi đọc Tự lực Văn đoàn nghe không ổn tí nào. Vậy sao ông Nguyễn Đắc Xuân không giải thích luôn thế số lượng sách không hề nhỏ này đột ngột đi về đâu? Sau tháng 8. 45 ở Huế sách báo có bị thu hồi không? Người giữ có bị chính quyền phạt không? Hay một số ông cán bộ Việt Minh mô đó nhận tạm giữ giúp cho, rồi giữ luôn?!

Theo tôi hiểu vào năm 1945, ông Nguyễn Đắc Xuân chừng 7, 8 tuổi, cho đến khoảng 1954 ở độ tuổi 17 – mà gốc nhà quê –thì điều kiện học vấn và tư cách chứng nhân ở mô mà dám xác định ở Huế không thấy tác phẩm của Tự lực Văn đoàn. Quê Hà Trung, Hà Trữ của tôi theo đường chim bay cách quê Mỹ Lợi của ông chừng mấy cây số nên tôi vẫn nghe các cụ kể vào thập kỷ 40, trẻ em trong huyện lớn tồng ngồng đứa còn giữ trâu, đứa thì i tờ. Kết luận toàn bộ trẻ em giữ trâu trong huyện không được tiếp xúc với Tự lực Văn đoàn thì còn nghe được, thậm chí tính cả số trong gia đình khá giả được cho đi học trình độ trường làng, trường huyện không biết có ông Khái Hưng, Thạch Lam trên đời cũng không sai. Nhưng trường hợp nhà Huế học Nguyễn Đắc Xuân – tất nhiên phải nằm một trong hai nhóm này thôi – vào tuổi đó không thấy tác phẩm Tự lực Văn đoàn không thể dẫn tới kết luận là toàn bộ dân Huế đã cách ly thơ truyện của Văn đoàn này! Cuối cùng xin nói rõ việc nhận định quá tự tín, chính xác là bừa bãi, của Nguyễn Đắc Xuân cho thấy trước khi vào lĩnh vực nào đều phải chuẩn bị kỹ kẻo hớ. Thứ hai, khi ham tiếng đại diện không qua bầu bán của một vùng đất có bề dày văn hóa thì chớ dại tự kỷ mà tư duy kiểu cái gì TA ĐÂY không biết thì đố có con mô thằng mô biết, mà người ta cho là giọng vô phép, võ đoán!