Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 25 tháng 7, 2017

Đêm hỏa châu

Truyện Thu Phong

May mà có em...” (thơ Vũ Hữu Định)


Khanh mười chín, học Đồng Đế ra Trung sĩ, thường cầm đàn guitar hát giữa hai lần chạm súng, toàn nhạc Trịnh Công Sơn: Đêm bây giờ đêm mai, Ca dao mẹ, Diễm xưa...

Đường phố Pleiku rợp bóng cổ thụ, lề đường rộng trồng nhiều thông. Có nhiều xe xích lô đạp, xe lam ba bánh, nhiều nhất là xe jeep quân đội. Phố xá đầy lính: lính không quân từ phi trường Cù Hanh, lính bộ binh thuộc sư đoàn 22, 23, lính Lực lượng Đặc biệt, Lôi Hổ, lính bộ tư lệnh Quân đoàn 2...

Các nữ sinh tan học về cùng nhau từng tốp ba bốn, nón lá áo dài trắng mềm mại thướt tha chuyện trò cười dòn, những bông hoa tươi tắn giữa kẽm gai mìn bẫy súng ống, những dòng nước mát trên sa mạc khô cằn. Một trong các cô má đỏ môi hồng ở đây đã khiến Khanh thôi hát các ca khúc của Trịnh Công Sơn để hát Còn chút gì để nhớ: “Phố núi cao phố núi đầy sương/ Phố núi cây xanh trời thấp thật buồn... May mà có em đời còn dễ thương/ Em Pleiku má đỏ môi hồng... Mai xa lắc trên đồn biên giới/ Còn một chút gì để nhớ để quên...”.

Một cô nữ sinh chỉ tay về phía Bình: “Nhìn kìa!”.

Các cô gái dừng lại, chăm chú nhìn Bình, bàn tán: “Lạ thật …”, “Đẹp quá!..”, “Dễ thương quá!”.

Không chỉ các nữ sinh, mọi người đều nhìn Bình.

Hoa trên tay lính trận, hình ảnh đẹp, mơ ước thời chiến, niềm vui nhỏ nhoi giữa bể u sầu lính không rời súng, cây rừng rụi cháy vì đạn bom.

Bình không biết mọi người nhìn mình. Chàng đang mải mê tìm nhà.

Bình biết nhà sách Kim Linh. Nó ở gần phòng ngủ Bồng Lai, đối diện quán ăn Tân Cao Nguyên chàng có lần đến ăn pâté chaud, uống sữa đậu nành. Pleiku Bình có vài kỷ niệm ở rạp cinéma Diệp Kính trên đường Lê Lợi, quán ăn Tân Cao nguyên, phòng ngủ Bồng Lai, nhà thờ Thanh Tâm...

Nhưng Bình đã không tìm được nơi ở của Vân cách nhà sách Kim Linh ba căn như Khanh mô tả; chàng cũng đã nói tên cô gái nhưng không ai biết.

Bình cầm giò lan rừng đi quanh quẩn, dò hỏi nhiều người gần đấy, vẫn không có manh mối giúp chàng tìm được Vân để trao lưu vật và lá thư của Khanh.

Khanh đổ sụp sau tràng đạn AK. Tản thương chậm, khi trực thăng đến, Bình vác Khanh qua vai chạy như bay dưới cơn mưa pháo dù Khanh đã tắt thở. Trước đó, Khanh nhắc đến giò lan, lá thư, thều thào tên nhà sách Kim Linh...

Bình quyết định đến trường nữ tiểu học Pleiku. Chàng sẽ đến từng lớp xin phép thầy giáo để được hỏi có học sinh nào có chị tên Vân. Khanh từng kể lần gặp gỡ đầu tiên với Vân là trước cửa trường nữ tiểu học ấy lúc cô đến rước em tan học.

Bình đến trường nữ tiểu học Pleiku lúc học sinh đã ra về hết, đành chờ đến mai.

Nhà người quen đóng cửa, Bình đi lang thang quanh phố, uống cà phê ở một quán từng đến.

Vào đêm, trước quán kem Kim Liên, trong bóng tối các gốc cây, nhiều cô gái mười tám hai mươi, hai lăm hai bảy hở hang, mặt trét đầy son phấn đứng chờ tựa những con thú đói.

Bình đi tới.

Một cô gái trẻ, dáng nhỏ nhắn, chỉ tô son môi, mặc sơ mi trắng từ phía sau bước ra.

Nhưng một cô khác nhanh chân bước tới trước.

“Đi với em đi, trung úy?”.

Bình lắc đầu.

Cô gái trẻ áo sơ mi lại tiến tới.

Một lần nữa, một cô gái khác hất vai cô, bước đến bên Bình:

“Đi với em! Muốn gì em sẽ chiều”.

Bình không màng đến lời mời gọi quyến rủ, im lặng nhìn về phía cô gái áo sơ mi. Chàng đoán cô chỉ mười sáu, mười bảy tuổi. Khác những đàn ông khác, Bình không thích dính dáng thân xác với các cô gái nhỏ tuổi. Không phải sợ phạm tội với trẻ vị thành niên, không phải chê sự non kém trong chuyện ái ân, mà vì chàng cảm thấy nhẫn tâm, như vùi dập một bông hoa mới nở, làm héo mòn một thân xác, và chai sạn một tâm hồn.

Chỉ là cảm tưởng, tuy nhiên, tâm lý ấy khiến Bình mất nhiều hứng thú. Vả lại, chàng ít đến nhà chứa. Chàng quan niệm làm tình không có tình yêu chẳng khác nào thủ dâm.

Dưới ánh sáng của đèn đường, mắt cô gái long lanh, tha thiết.

Thôi được, cứ thử xem. Tại sao không chứ, cho qua một đêm buồn chán. Bình ngoắc cô gái.

Cô gái vui mừng bước nhanh tới chàng. Các cô gái khác không tranh giành nữa.

“Có áo mưa không”, Bình hỏi.

Cô gái gật đầu.

Bình quàng tay qua vai cô gái. Hai người bước cùng nhau đến phòng ngủ Bồng Lai. Cho qua một đêm cô đơn. Cho đúng với tên Bồng lai tiên cảnh.

“Để em cầm giò lan cho”.

Bình đưa giò lan cho cô gái. Giò lan hái đã lâu vẫncòn tươi do có nhiều rể và các mảnh vỏ cây cùng rêu bám theo. Hơn nữa nó được Khanh chăm sóc. Và ngay khi đến Pleiku, Bình đã rưới nước cho nó.

Hai người theo cầu thang lên lầu.

“Cho người yêu phải không?”.

“Ừ, nhưng là người yêu của đồng đội”.

“Tên cây lan này là gì vậy?”.

“Anh bạn bảo nó tên Ý thảo”.

“Tên đẹp quá! Bao giờ nó ra hoa?”.

“Tôi không biết”.

“Hoa nó chắc đẹp lắm?”.

“Chắc vậy”.

Phòng bốc mùi ẩm mốc, mùi chăn nệm cũ.

Khóa cửa, Bình bật công tắc đèn. Bóng đèn sáu tấc giữa trần chớp liên tục nhiều lần rồi tắt.

Bình bật tắt công tắc vài cái liên tục, đèn vẫn không cháy.

“Thôi, không cần đèn”, Bình nói, đi lại mở cửa sổ, nằm lăn ra giường.

Bình thiếp ngủ chừng ba, bốn mươi phút. Khi choàng tỉnh, chàng hoảng hốt.

Chàng đã quá khinh suất. Nếu cô gái này là Việt Cộng, có lẽ đời chàng đã tiêu vong.

Bình nhớ lời đại úy tiểu đoàn trưởng vẫn dặn các thuộc cấp: “Cơm no bò cưỡi, nhưng đừng để mắc bẫy Việt Cộng. Có anh bị cắt cổ rồi đấy!”. Chàng cũng thường nhắc binh lính dưới quyền như thế mỗi lần được nghỉ dưỡng quân, đi phép.

“Trung úy... trung úy thức rồi!”, cô gái kêu lên.

Cô gái đang nằm cạnh chàng, không mặc gì cả. Áo sơ mi, quần trong quần ngoài của cô bị vất vào góc giường.

“Sao cô biết tôi là trung úy?”, Bình hỏi, tim còn đập mạnh.

“Em nghe các chị gọi ông như thế”.

“À…”, Bình gật gù nhớ ra, ngồi dậy.

Thấy đôi giày botte de saut không còn trên chân mình, Bình hỏi:

“Giày tôi...”.

Cô gái ngồi dậy, bó gối:

“Em đã cởi cho ông … Ông thật lạ !”.

“Lạ chỗ nào?”.

“Chưa từng có ai vào đây mà ngủ”.

“Tôi mệt… Này, trong lúc tôi ngủ, cô làm gì?”.

“Em ngắm ông!”.

“Chi vậy?”.

“Nhìn ông như con nít! Em muốn ôm ông nhưng sợ ông thức”.

“Ôm để làm gì?”, Bình tinh nghịch hỏi.

“Em không biết, chỉ muốn thế thôi”.

Bình nhìn thân thể cô gái:

“Để người như vậy mà ôm sao?”.

Cô gái gật đầu.

“Sao không mặc đồ vào?”.

“Em chờ ông”.

Bình mỉm cười. Các cô gái gái điếm bao giờ cũng cởi áo quần ngay khi vào phòng. Họ muốn việc ấy mau xong, tất nhiên. Với cô gái này, bây giờ, cử chỉ ấy giống như sẵn sàng nộp mạng, chàng nghĩ. Nhưng những câu đùa cợt vừa rồi của Bình không phải là mèo vờn chuột.

“Cô ngốc quá! Mặc đồ vào đi, kẻo lạnh, bị cảm đấy”.

Sau lời ra lệnh, Bình bật quẹt đốt thuốc hút, rời giường, đi lại cửa sổ nhìn ra ngoài.

Đêm dường như thiếu vắng một thứ gì.

Cô gái lấy áo quần áp vào người.

Quay lại, thấy cô gái vẫn trần truồng, Bình hỏi:

“Kìa! Sao cô không mặc đồ vào?”.

Cô gái ngoảnh mặt đi.

“Tôi đã bảo mặc vào mà, cô không nghe sao?”, Bình bực bội quát lên, rồi lắc đầu, hạ giọng: “ Thật đúng là…”.

Cô gái lẳng lặng mặc đồ.

Ánh sáng từ đâu đó cho Bình thấy giọt lệ long lanh trên má cô.

Chàng bước đến bên cô gái, hạ giọng:

“Tôi sẽ trả tiền đủ cho em… Em nghe đây, dù không làm gì hết, tôi cũng vẫn trả tiền đủ cho em, nghe rõ chưa?”.

Dứt lời, Bình trở lại cửa sồ, nhìn ra ngoài, tiếp tục hút thuốc.

Đêm nhấn chìm mọi thứ và trôi đi, trôi như một dòng sông.

Hút hết điều thuốc, Bình quay lại.

Cô gái đang ngồi bó gối trên giường nhìn chàng.

“Em lạnh?”.

“Không…”.

Gió lướt qua cửa sổ vào phòng kêu ù ù.

“Đừng ngốc thế!”.

Bình bước đến giường, cởi áo treillis, khoác lên người cô gái rồi trở lại chỗ cửa sổ, đốt điếu thuốc khác.

Một lát, chàng nghe giọng nói cô gái cất lên sau lưng, sát bên chàng:

“Ông không lạnh sao?”.

Bình chợt nhớ bài hát Khanh luôn hát, mà có lẽ không chỉ Khanh, nhiều người lính bộ binh sư đoàn 22, 23 cũng thích hát, trong đó có câu “...Ở đây buổi chiều quanh năm mùa đông/ nên mắt em ướt và tóc em mướt/ nên em mềm như mây chiều trong...”.

Ừ, ở đây chiều là mùa đông, thi sĩ Vũ Hữu Định viết không sai. Tuy nhiên, Bình đã trải qua rất nhiều mùa đông.

“Không”, Bình đáp gọn.

Cô gái bước đến bên cửa sổ, đứng cạnh Bình:

“Ông lạ thật đấy”.

Bình đoán biết cô gái muốn nói gì; tuy nhiên, vì muốn nghe cô gái nói chuyện, chàng bắt chuyện:

“Lạ là sao?”.

“Ông gọi em mà không đi… Lại đồng ý trả tiền nữa…”.

Cô gái đã nói đúng như Bình nghĩ. Gái làng chơi thỉnh thoảng xui, vẫn gặp khách chơi quỵt, chơi thiếu.

“Em cũng lạ đấy !”.

“Em cũng lạ?”.

“Ừ”.

“Ông nói cho em biết đi”.

“Em nghĩ thử xem tại sao?”.

Cô gái im lặng một lát, rồi lắc đầu:

“Em chịu”.

“Trong lúc tôi ngủ, em đâu cần phải trần truồng như vậy chờ tôi?”.

Cô gái im lặng.

“Tại sao vậy?”, Bình hỏi.

Cô gái đáp, thành thật:

“Em không biết… Chắc do thói quen thôi”.

“Thói quen tai hại”.

“Tai hại là sao?”

“Thì có thể bị cảm lạnh”.

Bình muốn nói thói quen sẽ khiến cô trở nên máy móc, chai sạn, mất dần cảm xúc, nhưng nghĩ lại cô gái còn khá trẻ, nói thế không nên.

Cô gái kéo cổ áo treilii lên:

“Ông có mùi ngộ quá!”.

Bình cười hỏi:

“Thật sao? Sao em biết?”.

“Em ngửi thấy từ trong áo của ông”.

Bình thấy cô gái thật ngộ: cô quá nhỏ bé trong chiếc áo của chàng.

“Mùi gì mà ngộ?”.

“Em không biết, nó giống như mùi que diêm trộn với hoa cỏ”.

“Có lẽ mùi thuốc súng, mùi mồ hôi, mùi rừng rú đấy!”.

Bình nghĩ, khi trở về đơn vị chàng sẽ tắm. Lâu rồi chàng không tắm.

“Kìa! Hỏa châu!”, cô gái reo lên.

Hỏa châu lững lờ trôi nổi trên mặt sông đêm, ánh sáng chói lòa của nó rọi tới chỗ họ, bập bùng trên mặt hai người.

“Đẹp quá!” cô gái kêu lên, rất hồn nhiên.

“Ừ, nhưng buồn”, Bình nhận xét.

“Em thấy nó đẹp, nhất là những đêm không có trăng sao. Trước kia đêm đêm em thường mở cửa sổ ngắm hỏa châu. À, ông có nghe bản Những đóm mắt hỏa châu không?”

Bình gật đầu:

“Đó là một trong vài bài hát hay về chiến tranh”.

Cô gái mừng rỡ khi nghe Bình nói vậy. Cô hào hứng:

“Em thích nhất là câu “Những đóm mắt hỏa châu là hoa đăng ngày cưới/ khi chiến tranh hết rồi tương lai ta tìm tới/ có nhau trong đời đêm trường không sợ lạc loài yêu thương…”.

“Em nhìn thấy pháo bông bao giờ chưa?”

Cô gái lắc đầu: “Nó có đẹp như hỏa châu không?”.

“Đẹp hơn. Và nhất là nó vui chứ không buồn như hỏa châu”.

“Khi nào thì có pháo bông?”.

“Khi người ta không bắn hỏa châu nữa”.

“Bao giờ người ta thôi bắn hỏa châu?”.

“Tôi không biết”.

Bình định trả lời “Khi quân cộng sản rút về Bắc”, nhưng chàng không nói vậy, vì không muốn câu chuyện trở nên phức tạp. Thực ra, trả lời không biết cũng không sai.

Bây giờ trong đêm đen xuất hiện hai trái hỏa châu cùng lúc.

Đêm vẫn còn thiếu một thứ gì, Bình nghĩ.

“Trông tựa như đôi mắt của một con rồng, ông nhỉ?”, cô gái nói.

Hai đốm sáng chói lòa khá gần nhau, và độ cao thấp giữa chúng không nhiều, đúng như cô gái tưởng tượng, trông giống đôi mắt của một con rồng. Nhưng đôi mắt rực sáng của nó lại tỏa ra hai làn khói trắng, một con quái vật khổng lồ giữa trời.

“Một con quái vật”, Bình nói.

Chợt có tiếng đại bác vọng về.

“Kìa, tiếng đại bác ”, cô gái kêu lên.

Bình nghĩ, có thế chứ! Tiếng đại bác như một khúc hòa âm cùng hỏa châu. Lạ thay, khiến nó vui hơn.

“Em sợ không?”.

“Không, em không sợ”.

“Nó chưa từng bay đến chỗ em?”.

“Có, khi ấy cả nhà chui xuống hầm”.

“Chắc khi ấy em sợ lắm?”.

“Rất sợ. Nhưng mẹ em nói đừng sợ, chết có số. Mẹ em nói đúng phải không ông?”.

“Ừ”, Bình trả lời, rồi đùa: “Giày dép còn có số, huống gì con người!”.

Cô gái ngước nhìn Bình:

“Số ông không chết đâu!”.

“Số em cũng vậy”.

Cô gái nắm lấy tay Bình:

“Ông kể chuyện chiến trường đi!”.

“Có gì hay ho đâu mà kể”.

Im lặng một lát, cô gái lại hỏi:

“Ông chắc là dũng cảm lắm?”.

“Không, tôi cũng sợ chứ”.

“Ông cũng sợ? Khi nào?”.

“Khi súng chưa nổ, và khi súng ngừng nổ”.

Cô gái im lặng một lúc rồi nói:

“Có khi ở trong một đêm đen và yên tĩnh em lại thấy sợ”.

Bình quàng tay qua vai cô gái kéo cô sát vào mình:

“Tôi hiểu”.

“Chắc ông giết được nhiều quân giặc lắm?”.

“Chuyện ấy không có gì hay ho cả”.

“Sao vậy?”.

“Vì giặc cũng chính là đồng bào mình”.

“Em hiểu rồi. Em mong chiến tranh sớm chấm dứt, và tất cả các anh lính đều an toàn trở về nhà”.

Bình chợt nhớ tới Khanh, ngậm ngùi:

“Không phải tất cả đâu”.

“Nhưng ông sẽ trở về”, cô gái nói quả quyết.

“Sao em nói vậy?”.

“Vì ông là người tốt”.

Bình định nói chiến tranh đã giết rất nhiều người tốt, nhưng thôi.

“Em biết địa chỉ của ông được không?”.

“Không”.

“Vậy làm thế nào em liên lạc với ông?”.

“Để làm gì?”.

“Em... không biết… À phải rồi, ông làm anh của em đi?”.

Bình trố mắt.

“Ý em là... anh kết nghĩa ấy!”, cô gái giải thích.

Bình đáp ngắn gọn, dứt khoát:

“Không”.

“Tại sao?... Ờ em biết rồi, vì một người như ông đâu có em như em”.

Bình nghĩ cô gái khá thông minh. Chàng lắc đầu:

“Không phải vậy đâu!”.

“Em cám ơn ông đã không nghĩ xấu về em. Vậy tại sao chứ?”.

Bình thở dài:

“Vì nếu thế, tôi sẽ bảo em thôi nghề, và như thế tôi sẽ phải cung cấp tiền bạc, bảo bọc che chở em, mà bây giờ tôi không thể làm được những điều ấy”.

Thốt xong câu nói, Bình thấy ân hận. Chàng vừa khơi dậy nỗi đau của cô gái. Từ đầu câu chuyện, chàng đã nhiều lần kiềm chế ; vậy mà chỉ một lần nói thẳng, nói ngay những ý nghĩ có trong đầu chàng đã làm thương tổn cô.

Bình thấy cô gái ngước lên im lặng, có vẻ đắm chìm trong suy nghĩ.

Chàng cúi hôn lên mái tóc dài của cô gái và nói:“Tôi xin lỗi”.

Bình không biết lời xin lỗi hay cử chỉ của chàng đã mang lại hiệu quả, nhưng cô gái không còn lộ vẻ buồn nữa.

“Xem kìa! Con rồng đã rơi xuống dưới thấp. Đôi mắt của nó giờ chỉ là hai đốm nhỏ”, cô gái nói.

“Và mờ dần”, Bình nói, tiếp lời cô .

“Nó đang hấp hối phải không ông?”.

“Ừ, nhưng nó sẽ sớm hồi sinh”.

“Sao ông biết?”.

“Rồi em sẽ thấy”.

Đúng như Bình nói, khi trước mắt họ là một màn đen kịt, mù lòa, thì một ánh sáng rực rỡ lại xuất hiện trên cao.

“Ông nói đúng, nó lại bay lên rồi, nhưng đã bị mù một mắt”.

“Không! Có khi nó lại mọc thêm một con mắt thứ ba đấy”.

Chàng muốn kéo dài câu chuyện, cho qua hết một đêm trằng nơi cái thị xã đầy không khí chiến tranh này. Có lẽ cô gái cũng muốn vậy, giống chàng.

Bầu trời đêm lại xuất hiện hai trái hỏa châu nữa, không xa trái hỏa châu vừa xuất hiện.

“Thấy chưa!”, Bình nói.

Cô gái im lặng một lát rồi cãi:

“Không! Không đúng! Đã có hai con rồng”.

Họ tranh cãi có một con rồng ba mắt hay có hai con rồng: một con hai mắt, một con một mắt, cho đến khi họ không còn nghe tiếng đại bác, Bình không còn nghe tiếng súng nhỏ.

Họ tiếp tục nói chuyện, về những nơi đã từng đến, về các loài hoa. Và đủ thứ chuyện trên trời dưới đất khác mà không nói gì về gia cảnh của nhau sau khi Bình từ chối trả lời câu hỏi về thân thế của chàng.

Bình cũng không hỏi gia thế, học thức, hoàn cảnh xô đẩy cô gái vào nghề. Cả mơ ước của cô nữa, chàng cũng không hỏi. Bởi đó là những câu hỏi nhàm chán mà người hỏi không thực sự muốn biết. Vả lại, các cô gái điếm thường nói dối; mà cho dù có nói thật cũng không ích lợi gì.

Họ trò chuyện lan man cho đến khi nhìn thấy ánh hừng đông nơi đỉnh các ngọn núi xa mờ.

Tuy vậy, nơi họ bóng đêm còn nấn ná chưa chịu rời bỏ chốn trú ngụ của nó.

Bình móc bóp đếm rồi đưa hết số tiền cho cô gái, gần gấp đôi số đã thỏa thuận.

“Số dư là tiền tôi biếu em”.

“Ông phải đi rồi sao?”.

“Ừ”.

Cô gái lắc đầu:

“Em không nhận tiền đâu”.

“Sao vậy? Chẳng phải lúc nãy em khóc vì sợ tôi không trả tiền cho em sao?”.

Cô gái cúi mặt có vẻ xấu hổ:

“Nhưng giờ khác rồi…”.

“Khác là sao?”.

Cô gái suy nghĩ khá lâu, rồi nói:

“Nếu không có trung úy, đêm nay chắc buồn đến khóc thôi”.

“Em cứ cầm tất cả số tiền. Và đừng gọi tôi là trung úy, nghe chưa. Nếu em thích, cứ tiếp tục gọi “ông” cũng được”.

“Vậy em gọi bằng anh nghe”.

“Không cần thiết phải đổi, chỉ bỏ tiếng trung úy là được rồi”.

“Ông mang lon hai bông mai, nhưng sao nó màu đen?”.

Cô gái này có biết qua cấp bậc của lính. Cũng dễ hiểu, vì đây là thành phố của lính mà.

Bình nói cho cô gái biết màu đen để ngụy trang lúc ra trận.

Cô gái đứng lên, trao giò lan cho Bình:

“Em mong ông tìm được nhà cô người yêu của bạn ông”.

Bình đã không nói đến cái chết của Khanh, chỉ cho cô gái biết rằng chàng có dịp đi Pleiku nên được nhờ gởi hộ giò lan.

“Đêm mai...”.

“Tôi sẽ không đến đây nữa”.

Cô gái lộ vẻ buồn:

“Ờ… vì ông là lính mà... Ông đóng quân ở đâu?”.

“Tôi có cần phải khai báo điều ấy không?”.

“Em... em xin lỗi. Em chỉ muốn gặp lại ông ...”.

Cảm thấy xấu hổ, Bình hạ giọng, chân thành:

“Tôi là lính sư đoàn 23, tôi đang đóng quân ở Kontum”.

“Ở đấy chiến tranh có ác liệt không?”.

“Có, như ở đây vậy”.

Bình bước ra xa cô gái vài bước, nghiêng đầu nhìn cô.

“Ông nhìn em chi vậy?”.

“Áo của tôi…”.

Cô gái sực nhớ, cởi chiếc áo treillis đưa cho Bình.

Trong lúc Bình mặc áo, cô gái đến giường, ngồi xuống nhìn chàng.

“Ông có thể ôm em một lúc được không?”.

Bình đến ngồi cạnh cô gái, quàng tay ôm lấy cô.

Cảm thấy cô gái run rẩy, Bình hỏi:

“Cô lạnh à?”.

“Không, em rất ấm”.

“Vậy tại sao lại run?”.

“Em cũng không biết nữa… Ước gì đêm kéo dài mãi ông nhỉ?”.

“Ừ”.

Lúc Bình vừa bước ra khỏi cửa phòng, cô gái gọi chàng:
“Ông ơi!”.

Bình dừng lại:

“Gì thế?”.

“Ông không cần phải quay lại, chỉ cần ông đừng chết”.

Bình mỉm cười, đưa tay vẫy, rồi bước nhanh.

Cô gái đứng tựa của nhìn theo Bình, cho đến khi chàng khuất cuối hành lang xuống tầng trệt.

Ra khỏi ngôi nhà, Bình ngẩng mặt tìm căn phòng vừa qua đêm. Nhưng không thể nhận ra.

Chàng đứng lại phân vân một lát rồi cất bước.