Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 21 tháng 4, 2017

Những tháng năm cuồng nộ (kỳ 4)

Truyện của Khuất Đẩu

8.

Những tên Việt gian dù đã bị bắn nhưng cái đói, cái khổ và cái chết vẫn không vì thế mà giảm bớt. Giặc Pháp chẵng những không suy yếu mà còn mạnh hơn. Chúng đă vượt qua đèo Eo Gió, đổ bộ lên Đề Gi và cả Qui Nhơn. Vì chúng có thêm nhiều đại bác, nhiều tàu bay. Và tất cả là do thằng Mỹ!

Thế là người ta tổ chức những buổi mitting vĩ đại liên xã, những cuộc biểu tình liên thôn. Cô Thảnh và nhiều cán bộ khác thay nhau lên kể tội thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Tiếng hô đả đảo chừng như vang dội đến tận sông Ngân. Trong những đêm hừng hực lòng căm thù ấy người ta quyết định phải làm một cái gì thật vĩ đại, thật kiêu hùng để chứng tỏ cho cả thế giới biết lòng căm thù của cả một dân tộc. Hai câu khẩu hiệu khổng lồ: ĐẢ ĐẢO CAN THIỆP MỸ và TÍCH CỰC CHUẨN BỊ TỔNG PHẢN CÔNG! được dựng lên, một ở gò Na, một ở đồng cây Sanh.

Bao nhiêu tre còn sót lại từ thời làm cọc phòng không đều được chặt sạch. Hàng trăm người cùng chẻ chẻ, vót vót, đào lỗ dựng trụ, lao động suốt ngày đêm. Chẳng bao lâu những con chữ to cao đến mấy thước ngạo nghễ đứng lên chạy dài đến cả cây số.

Từ khi bị đuổi khỏi hội Phụ nữ, cô Sáu thành người lêu bêu không đoàn thể. Nhưng như thế lại được tự do. Chẳng phải họp hành phê bình kiểm điểm, chẳng phải đi làm những chuyện không công để được tiếng thi đua. Cô không còn đi mót nữa vì chẳng ai bỏ sót một hạt lúa nào ở ruộng. Cũng không ai kêu cô đánh tranh giũ rạ. Người ta thà chịu dột còn hơn làm mồi cho lửa. Những nhà lá mái còn dỡ cả tranh cho bò ăn, chỉ để cái mái đất bên trong, trông xa cứ như những ụ gò mối.

Chẳng có việc gì làm, nhưng chẳng lẽ ngồi không chịu chết đói. Cô tôi gom chút ít tiền tín phiếu dành dụm mở một ngôi hàng nước ở đầu cầu. Nói là hàng quán cho oai chứ thực ra chỉ một om nước chè vối, vài ba tán đường, năm bảy cây mía. Một đôi khi có thêm trái mít. Khi bán hết cô lại gom những hạt mít luộc chín xỏ năm hạt vào một que. Lũ trẻ con rất khoái những que hạt mít ấy. Chúng đứng nhìn say sưa. Có đứa bạo dạn chụp vèo một xâu chạy mất.

Nhưng cái quán lèo tèo ế ẩm quá. Mía để lâu khô xốp, đường chảy nước, mít bán xong thì hột đã mọc mầm!

Rất may là từ ngày dựng hai câu khẩu hiệu khổng lồ, cái ngã ba Trung Lương bỗng trở nên tấp nập. Xe bò chở tre cọc cạch, xe ngựa leng keng chở người, xe đạp của cán bộ tỉnh huyện qua cầu chuông reo kính coong. Người ta kéo đến trầm trồ chỉ trỏ. Ai cũng thấy mình trở nên cao lớn như những con chữ vĩ đại đang ưỡn ngực trong gió. Người ta nói, mình vẫn hơn thằng Mỹ chớ bộ. Nó làm gì có cái câu khẩu hiệu to như mình! Nói đă, người ta lại uống, lại ăn. Mà mía rẽ nhất, một cây đến mấy người cùng ăn. Cô tôi có ngày bán đến cả chục bó. Thế là cô cháu bàn nhau phải đi mua tận gốc ở các vùng trồng mía.

Hai cô cháu thức dậy lúc sao Cày vừa mới mọc. Trời đêm mát lạnh. Khi đi ngang qua gò Na, tôi nắm chặt tay cô còn cô như cũng đang run. Tôi sợ ma, cô sợ cướp. Cái bụi tre nơi các sĩ tử năm xưa bị bêu đầu và thầy giáo Hiên bị bắn như đang lặng lẽ theo cô cháu tôi. Chúng tôi đi nhanh nó theo nhanh và khi chúng tôi nhắm mắt mà chạy, nó cũng chạy theo. Bên tai tôi không ngớt vang lên tiếng khua lốc cốc của những cái sọ người. Cô tôi, mặc dù đã cột chặt những cục bạc tín phiếu dấu kín trong người, nhưng vẫn sợ không biết bè đảng của Năm Quầng Sáu Quẳng trốn núp ở đâu! Nếu từ trong những bụi cây quỷ quái ấy nhảy ra, thì chắc là cô cháu tôi phải giao hết cái cơ nghiệp bé nhỏ cho chúng.

Khi chúng tôi đên được chợ mía thì mặt trời đã lên khỏi ngọn tre. Chợ họp ngay trên bến sông, bán chỉ độc một mặt hàng là mía cây. Mía cột thành bó, mười hai cây là một chục. Cô Sáu tôi mua đến 50 bó, thuê một chiếc sõng theo sông Cái về nhà.

Về bằng đường sông rất thích. Nước sông mát, mặt sông êm, chiêc sõng nhẹ nhàng trôi. Người chủ chỉ thỉnh thoảng chống sào đẩy mạnh một cái là chiêc sõng lao tới như một chiếc tàu bay giấy. Gần trưa, cô tôi đem cơm vắt ra ăn. Lần này cơm không độn, xắt từng lát ăn với muối rang, nhai thật kỹ nghe ngòn ngọt. Cơm xong, tôi nghiêng đầu xuống sông uống nước, rồi nằm trên những bó mía ngửa mặt lên trời ngắm những đám mây đủ hình thù đang thong thả bay đi.

Sông vẫn trôi êm. Cô tôi ngồi tựa lưng vào mía như đang ngủ. Tôi nhìn những xóm làng hai bên sông. Những mái nhà thấp nhỏ chưa bị đốt lẫn trong hàng cây, những đứa bé chạy chơi trần truồng, những người đàn bà đang giặt…Tôi bỗng thấy đời sống trở nên êm dịu quá. Tôi đang được dòng sông nâng niu. Dù sao tôi cũng biết ơn mẹ tôi đã không thả tôi trên một dòng sông lạnh lẽo đầy sóng gió.

Khi sõng về tới chân cầu, cô tôi và người chủ sõng vác mía đem lên bờ. Tôi đứng bên cầu coi mía. Ông Khứ thấy cô tôi mua một sõng mía đầy nhíu mày hỏi: đầu cơ tích trử hả? Cô tôi im lặng không trả lời.

Sau vài chuyến đầu, cô tôi gửi tiền cho bác chủ sõng đi mua giùm. Cô tôi trở thành một bà chủ quán tuy không giàu có gì nhưng cũng tạm đủ nuôi hai cô cháu. Tôi không còn bị đói đến mờ mắt nữa.

Nhờ có đồng ra đồng vào, cô may cho tôi một chiếc áo cổ vuông là kiểu áo mới nhất lúc bấy giờ. Khi thấy tôi xúng xính trong chiếc áo còn cứng vì hồ, cô nói: mẹ mày chắc đẹp, mày lớn lên trông cũng lịch sự trai đấy! Tôi chẳng hiểu lịch sự trai là gì, nhưng tôi thấy mặt mình đã trỗ lang beng và có mấy cái mụn dễ ghét. Mẹ tôi đẹp, tôi nghĩ thầm, sao cha tôi lại bỏ mẹ tôi để bà phải đem tôi thả xuống sông? Cha tôi là người như thế nào? Chẳng lẽ như ông Khứ? Trời ơi! Tôi không muốn nghĩ tới nữa!

Lúc này, dân tản cư ở Tuy Phước đến che lều ở đồng cây Sanh ngày càng đông. Công cuộc bán buôn của cô tôi nhờ thế càng trở nên phát đạt. Cô tôi bán thêm kim chỉ mắm muối, lại có cả rượu lậu nữa. Cứ tưởng cuộc đời của cô cháu tôi khá lên, không ngờ một hôm ông Khứ cho dân quân đến tịch thu hết cả mía đem về trụ sở Uỷ ban vì tội đầu cơ! Mấy lít rượu bị đem đổ xuống sông cho cá uống! Cô tôi gần như trắng tay.

Mặc dù Pháp đổ bộ lên Qui Nhơn, nhưng người ta vẫn bảo là mình đang chiến thắng. Cả chục nghìn quân Pháp bị vây ở Điên Biên Phủ chỉ chờ ngày đầu hàng. Sắp tổng phản công rồi. Giờ chuyển sang cuộc chiến đấu mới. Đây là cuộc chiến mà ông Khứ và cô Thảnh bảo là gay go và khốc liệt hơn, cuộc chiến một mất một còn giữa giai cấp vô sản và giai cấp bóc lột.

Người ta chỉnh đốn lại hàng ngũ, rà soát lý lịch từng người một trong các đoàn thể ngay cả trong trường học. Người ta truy tận gốc từ đời ông đời cha, từ bên nội đến bên ngoại. Vì vậy trong lớp học xảy ra những cảnh tố lẫn nhau. Không còn chơi đùa phá phách như trước nữa mà bắt đầu xoi mói, bươi móc như những mụ hàng xóm nhỏ nhen. Những đứa con nhà phú nông địa chủ không dám đi học nữa. Chị Thảo cũng phải ở nhà vì cha chị là người Qui Nhơn lại làm nghề bán thuốc Bắc tức là thuộc thành phần tiểu tư sản. Mà tiểu tư sản và địa chủ là con đẻ của thực dân phong kiến. Tôi thì nghèo kiết các nhưng không phải vô sản vì nào ai biết gốc gác của cha mẹ tôi là người thế nào. Tôi vẫn còn đi học vật vờ vì nếu cho rằng nguồn gốc của tôi là do chó đẻ ra như người ta vẫn thường gọi thì quả thật cũng chẳng biễt xếp chó vào loại giai cấp nào!

Ở trong làng, ngày trước mặc dù có chiếu trên chiếu dưới, có kẻ địa chủ phú hào, có người cùng đinh mạt hạng, nhưng nếu không tranh nhau một miếng thịt ở đình thì chẳng việc gì phải sợ ai cả. Bây giờ, cái cách xếp hạng mới này lại chia ra nhiều tầng nấc một cách hết sức chi li.

Không có lấy một cục đất ném chó ỉa như thằng thủ ngữ Đực là cố nông. Có một rẻo vườn và một cái nhà nát là bần nông. Có thêm năm ba sào ruộng là trung nông. Mà trung nông lại chia ra bậc trên và bậc dưới, tức là cái anh tạm đủ ăn và cái anh chưa đủ ăn. Có chừng vài mẫu ruộng và đôi trâu là phú nông. Có ruộng mà phát canh thu tô tức là không làm mà vẫn dư ăn dư để là địa chủ. Nếu đă từng giữ một chức dịch nào đó như chánh tổng, lý trưởng là địa chủ ác ôn. Nhưng có công với cách mạng như ông Chánh nhạc là địa chủ tiến bộ. Tuy không niêm yết danh sách từng người một nhưng cứ theo cái khung ấy mà tự xếp mình vào. Nếu anh muốn hạ thành phần xuống một bậc thì lập tức người ta cũng lôi anh lên như một con vật đã bị đóng dấu.

Những đêm học tập mãi tận sáng, cán bộ ra sức mổ xẻ nhồi nhét chỉ để cho cả làng dòm ngó lẫn nhau cái thành phần. Ngày trước người ta tranh nhau từng chức nhỏ như câu, biện để khỏi bị gọi bằng thằng. Bây giờ người ta cố lột bỏ những gì mà xã hội cũ vì tiền hay vì nịnh nọt đã được ban cho. Nếu ai trơ khất như thằng thủ ngữ Đực thì được trịnh trọng gọi là đồng chí bần cố nông. Ngược lại ruộng sâu trâu nái chức tước một thời như cụ cử Vân, ông tổng Bá thì bị gọi là thằng quan, thằng địa chủ. Ngoài hai cái thành phần cực cao và cực thấp không dễ ai muốn chui vào hay thoát ra, thì cái đám đông nhất, là trung nông lại kèn cựa không lúc nào yên như một đàn dê quá đông trong một cái chuồng quá hẹp.

Người ta xỉa xói, nhà đó mà trung nông thôi à? Có ruộng có bò mà không dư ăn à? Phải đưa lên bậc trên chứ. Chỉ cần cái đàn bò ấy đẻ thêm vài lứa là có thua gì địa chủ. Các bà đi chợ thì dòm lom lom vào thúng rổ của nhau. Họ nói, cái con mẹ đó mà bần nông à? Chính mắt tôi trông thấy nó mua cả ký thịt. Ai cũng cố tìm cách hạ cái thành phần của mình xuống và đẩy thành phần của người khác lên. Tuy nhiên chẳng ai dám kình cãi chửi bới, nhất là những người thành phần trên lúc nào cũng nhín nhịn những người thành phần dưới. Đám địa chủ phú nông thì ngồi im hơi lặng tiếng để mặc cho người ta mổ xẻ cái thành phần của mình ra như bị cưa xương róc thịt ở nhà thương.

Nếu Cách mạng là thay cũ đổi mới thì cái việc xác định thành phần là một cuộc cách mạng thật sự. Nó lay chuyển tận gốc rễ cả nền móng xã hội. Lúc này không ai vênh váo sung sướng hơn thằng thủ ngữ Đực vì nó là cố nông đến mấy đời. Người ta nói nó đã trơ khất tận từ đời ông cố nội. Không ai nhớ lúc nào nó sinh ra, chỉ thấy nó lê lết từ nhà này sang nhà nọ, bạ cái gì cũng bỏ vào miệng nhai. Nó cứ tồng ngỗng mà đi khắp nơi cho đến khi bà phó lý thấy mắc cỡ giùm. Bà thương tình ném cho nó một cái quần cũ của cậu Phú rồi bảo nó ra sông tắm rửa mà mặc vào. Nó được ông tổng Bá đem về chăn trâu nhưng chỉ được mấy hôm thì bị đuổi vì để trâu đi lạc mất. Từ đó nó chỉ còn một cách để sống là bẻ bí trộm gà. Cái việc ấy thì nó giỏi hơn chồn cáo. Ai mất của cũng nghi cho nó nhưng chưa ai bắt được nó bao giờ.

Những buổi học tâp làm người ta sáng mắt ra. Rằng nó sống lêu bêu khổ cực cho dù có bẻ bí trộm gà cũng là do cái xã hội cũ đầy dẫy bọn tham quan ô lại cấu kết với địa chủ bóc lột tận xương tuỷ nó. Rằng cách mạng sẽ làm cho nó nên người bỡi nó là thành phần cốt cán trong sạch nhất. Ngay cả ông Khứ cũng phải học tập nó vì cái cơ ngơi bề thế của nhà ông trên ruộng dưới vườn, bò heo lúc nhúc đầy chuồng, dù có hạ cái thành phần xuống cho hợp với chức vụ của ông thì thấp nhất cũng là trung nông bậc trên. Còn cô Thảnh và cả nhà cô tuy được hai chữ tiến bộ nhưng lại đi kèm với cái tiếng địa chủ nên cũng không hơn được nó.

Giữa lúc cái thành phần ụp xuống xóm làng một cách nặng nề ngột ngạt thì cũng có kẻ luồn lách hết sức tài tình giúp cho ông phó Ba độc diễn những màn kịch mà không sợ đụng đến chính sách. Một buổi sáng ông lại ỏn ẻn nói bằng giọng mũi và ông uốn éo thế nào không biết mà người ta tưởng như có một con rắn đang trườn ra khỏi cổ họng. Ông để một ngón tay lên má, nháy con mắt bên phải mấy cái ra cái điều mắc cỡ thẹn thùng. Rồi ông khuỵu xuống một chân chống tay trên gối lê bước như một con vịt què là ai cũng biết ông đang đóng giả con Liễu dẹo. Nó cũng như thằng thủ ngữ Đực, đúng là cố nông đến mấy đời. Nó sống lây lất với một cái mẹt đựng kim chỉ và những viên mực tím bán cho học trò. Vậy mà nó đã có chồng như một người danh giá được chính cô Thảnh hội trưởng hội Phụ nữ đứng ra chủ hôn. Chồng nó là con trai ông phó tuần, người đã cho ông Tư Kỉnh mượn hai con trâu đực giả làm xe tăng. Chính vì có cả một bầy trâu và vì chịu khó đi cày thuê cho nhiều người nên ông tậu được ruộng. Giờ ông đang nơm nớp lo sợ bị đẩy lên bậc cao hơn tức là phú nông. Ông nói gần như lạy cho thằng con ông chịu lấy con Liễu dẹo để may ra được hạ xuống cái thành phần.

Nhưng bất ngờ đến nỗi khó tin là ngay cả ông hương kiểm nổi tiếng yêu chó hơn cả vợ con, cũng đã tiến bộ kịp thời khi gả con gái út cho thằng thủ ngữ Đực. Thế là cái anh chàng trước đây ai cũng gọi bằng thằng một cách khinh miệt, thì từ nay đàng hoàng bước vào một ngôi nhà lá mái hai chái ba gian, được cô vợ lặng lẽ kỳ cọ cho bao nhiêu là cáu ghét, được mặc quần áo bằng đũi và ba ngày sau bữa tân hôn được ông Khứ tươi cười đên bắt tay chúc mừng.

Tuy nhiên, trước đó nó cũng phải một phen sợ thót tim vì bị cái đám dân quân ôn dịch phá đám. Số là để cho cuộc đổi đời thực sự có ý nghĩa, ông Khứ bảo bọn họ làm cho nó một cái nhà bên cạnh trụ sở. Nhà vách đất lợp tranh. Có lẽ vì làm nhanh cho kịp ngày cưới và vì làm ẩu nên trong đêm tân hôn, một tấm vách đã ngã nhào suýt đè chết cả vợ lẫn chồng.

Thực ra như ông phó Ba nói, cả chục đứa tranh nhau dòm qua cái cửa sổ không có màn che đã làm cho bức vách bằng đất trộn rơm còn nhão bấy không chịu nổi sức nặng của cả lũ. Một tiếng rầm giữa đêm khuya khiến hai vợ chồng tưởng như trời sập. Cô vợ, cũng may là hãy còn mặc đủ quần áo, đã chạy như ma đuổi về phía nhà ông hương kiểm, theo sau là thằng thủ ngữ Đực vưà chạy vừa chửi lũ dân quân không tiếc lời. Ông phó Ba đã không quên diễn lại cái cảnh có một không hai ấy và dân xóm Miễu lại được một trận cười no bụng để quên đói.

Trong những buổi học tập chuẩn bị phóng tay phát đông quần chúng, cô Thảnh là người thể hiện mối căm thù giai cấp mãnh liệt và sâu sắc nhất. Cô nói tới cảnh lấn bờ lấn ruộng của địa chủ, cảnh tá điền bị bóc lột phải bán vợ đợ con, cảnh cho vay nặng lãi cắt cổ, cảnh mùng một Tết có người tới dọn bàn thờ ông bà ông vải…Cô nói suốt từ đêm này qua đêm khác, từ chuyện của làng An Định, An Đông đến chuyện các làng trong huyện trong tỉnh, từ chuyện nước ta đến chuyện nước bạn Trung Hoa. Cô kể lại câu chuyện của Bạch Mao Nữ mà nước mắt lúc nào cũng ràn rụa. Đó là một cô gái bị chủ bóc lột hành hạ thậm tệ phải trốn vào trong hang. Lâu ngày không có ánh mặt trời nên lông tóc đều trắng. Những người đi săn đã tưởng cô là vượn bạch…suýt bắn chết đem về nấu cao!

Có người nhẹ nhàng vặn lại, nhà cô cũng là địa chủ, trong nhà chưa ai đụng tới cái cày cây cuốc mà vẫn ăn sung mặc sướng no đủ quanh năm, thì cô lồng lộn chống chế rằng, khi đi theo Cách mạng là gia đình cô đã từ bỏ giai cấp phản động rồi, đã đứng hẳn về phía nhân dân tiến bộ. Nếu bảo vẫn còn phát canh thu tô, vẫn còn nuôi trai bạn trong nhà (người làm công) thì đó không phải là bóc lột mà tự nguyện. Tuy họ làm giúp việc cho nhà cô nhưng chính họ là những người làm chủ. Không bị ai la mắng đánh đập, ruông lúa làm ra họ được lấy trước phần mình rồi mới đến phần nhà cô. Vả lại nhà cô ai cũng làm Cách mạng nên phải có người giúp đỡ Cách mạng chớ.

Đúng là không ai cãi được và cũng không ai dám cãi. Cái mũ Việt gian phản động sẵn sàng chụp lên đầu bất cứ ai dám chống lại. Đó là chưa nói tới cái thòng lọng “khả năng” ném vào cổ anh không biết lúc nào. Trong các vụ bình bầu về thuế nông nghiệp, nếu anh ở các thành phần bậc trên thì dù có bay lên trời hay chui xuống đất, cũng không cách gì thoát khỏi cái dây thòng lọng ấy. Như nhà ông hương kiểm, thuế được tính theo ruộng và theo khẩu là 500 ký, nhưng khả năng tức là cái nguồn lương thực tiền bạc có thể đóng là 5 tấn. Ông tổng Bá thì khả năng gần như vô tận. Khi ông Khứ hỏi: 5 tấn được chưa? Không ai trả lời thì ông nói: chưa hả? Vậy thì 10? Cũng chưa hả? 15? cũng chưa à? Thôi thì 20 cho chẵn! Có đồng ý không? Nhiều tiếng rời rạc. Ông bảo: to lên để ghi vào biên bản chứ! Thế là người ta cùng gào: Đồng ý! Có mất mát gì của mình đâu mà lo!

Cứ tung dây thòng lọng ra như thế, rốt cuộc địa chủ phú nông phải nộp thuế cả trăm tấn trong khi cả làng thu hoạch chưa được vài chục. Từ đấy, một đội thiếu niên với thùng thiết mõ tre và phèng la kéo tới các nhà phú nông địa chủ hò hét vang trời, kêu cả tên họ ra mà chửi là ù lì, ngoan cố ! Chỉ với một trò ấy thôi cũng đủ làm cho hương kiểm hương bộ, chánh tổng, lý trưởng phải chạy đôn chạy đáo từ họ hàng bên nội bên ngoại, từ bên nhà vợ nhà chồng cho đến người quen bất kể thân sơ, sống chết gì cũng phải đóng cho đủ. Thiếu 1 ký cũng không xong. Mà đóng đủ rồi vẫn còn sợ tái bình bầu, tức là nâng khả năng lên thêm nữa. Nói tới “khả năng” nhiều người đến tận bây giờ vẫn còn sợ run.

Dĩ nhiên những ai là bần cố nông chẳng những đã khỏi đóng thuế mà còn góp phần đẩy khả năng của địa chủ lên tận trời. Họ chính là quyền uy của Cách mạng. Khi nói tới hai tiếng nhân dân tức là nói tới họ. Nhân dân căm thù tức là họ căm thù. Nhân dân hành động tức là họ hành động. Tùy theo từng chiến dịch phong trào mà người ta cho phép các thành phần trung nông được dự phần. Còn địa chủ và phú nông thì không.

Phóng tay phát động quần chúng tức là liên kết các thành phần nhân dân lại để cô lập, bao vây và tiêu diệt giai cấp bóc lột. Nhà ông tổng Bá đương nhiên là cái đích ngắm đầu tiên. Chẳng những đưa ông lên ngồi trên cái mức thuế cao chót vót mà còn tung ra tấm lưới liên quan để không một ai dám giao tiếp. Ai giúp nhà ông cày bừa, gặt hái, mua bán đổi chác, ngay cả chào hỏi cũng bị kết tội là liên quan với địa chủ. Vì vậy chẳng ai dám tới gần đến nỗi cũng không dám đi ngang trước ngõ nhà ông.

Suốt nhiều đời ky cóp được hai mươi mẫu ruộng, ông cho những người làm rẽ ăn chia gọi là tá điền. Ngày trước bọn họ mang ơn ông. Còn bây giờ ông là kẻ thù, chẳng ai dám làm tay sai nô lệ cho ông nữa. Ông xin hiến tất cả, nhưng ông Khứ bảo của nhân dân chứ của gì ông mà hiến. Ông xin được tịch thu thì ông Khứ lại bảo chưa có lệnh, khi nào cải cách ruộng đất không cần đợi xin cũng cứ tịch! Hai mươi mẫu ruộng mà không được thuê mướn thì biết đến bao giờ mới làm xong! Mà làm không xong thì lại mang tội bỏ ruộng hoang, tức là phá hoại kinh tế, không thua gì tội Việt gian phản động. Ông như ngồi trên lửa. Chưa bao giờ ông thấy sợ ruộng đất như lúc này. Thế là ông treo cổ lên xà nhà. Nhưng cái xà như cũng sợ “liên quan” nên gãy làm đôi, ném ông rớt xuống đất. Vợ con ông chỉ sụp xuống lạy xin ông ráng sống chứ không dám khóc.

Cũng may bà vợ ông là một người vừa gan dạ vừa mưu trí. Bà kéo cả dòng họ và cả thuê mướn những người ở Phú Phong xuống cày cấy giúp. Lúc đầu họ làm ban đêm trốn núp thụt thò vì ông Khứ cho dân quân đuổi bắt. Nhưng sau bà nhờ những người An Vinh, An Thái võ nghệ đầy mình thì ông Khứ và đám dân quân lặn mất. Nhờ vậy, hai mươi mẫu ruộng cũng đã được cày cấy xong. Nhưng cũng chỉ cứu được cái tội bỏ ruộng hoang chứ không cứu được cái tội thiếu thuế!

Một buổi chiều, trước sân trường bình dân, nhiều anh chị dân quân ngồi đập mảnh chai trộn với đá ong, rải đầy trên hai cái vòng tròn to hơn mặt thúng. Một cái chạc tre đỡ một cái nắp vung để ngửa đựng đầy dầu với những cái tiêm bông chờ sẵn. Phía sau là cái bục cao cho chủ tịch đoàn.

Đêm nay là đêm đầu tiên phóng tay phát động quần chúng để hỏi tội thiếu thuế của vợ chồng ông tổng Bá. Không cần ông Tư Alô chõ miệng vào cái loa thiết mà gào, cũng không cần đánh kiểng. Ngay khi mặt trời vừa lặn là cả làng đã kéo tới đông đủ. Chỉ có trẻ con chạy giỡn lăng quăng còn người lớn thì ngồi yên lặng. Mùi thuốc lá nồng nặc. Những đóm lửa sáng lên liên tục.

Một lúc sau vợ chồng ông tổng Bá bị đưa tới quỳ trên hai cái tấm thảm mẻ chai đã được các anh dân quân làm sẵn. Lập tức tiếng rào rào nổi lên như sóng. Người ta tưởng đêm nay hai vợ chồng ông sẽ bị giết

Chủ tịch đoàn gồm một anh trai cày một bà bếp và một anh thợ rèn đại diện cho giai cấp công nhân. Mọi người ồ lên chưa hết ngạc nhiên thì ông Khứ đã trịnh trọng giới thiệu:

– Kính mời đồng chí chủ tịch của chủ tịch đoàn lên chủ toạ!

Đầu tóc được húi ngắn gần như cạo trọc, áo bốn túi như các đồng chí Trung Quốc, thủ ngữ Đực xuất hiện trước dân làng như từ trên trời rơi xuống. Cả làng đang ngẩn ngơ thì ông Khứ hô to: Hoan hô chủ tịch đoàn và mọi người cùng thét lên hoan hô như một bầy ngựa đã được kéo dây cương. Đợi cho tiếng hoan hô lắng xuống, ông Khứ tuyên bố Toà án nhân dân được lập ra để xử tội những kẻ chống lại nhân dân. “Thưa chủ tịch của chủ tịch đoàn, ông Khứ nói, đây là hai kẻ ù lì ngoan cố. Còn những 15 tấn lúa chưa chịu đóng. Xin Toà hãy ra một bản án nghiêm khắc để chứng tỏ sức mạnh của nhân dân.”

Đồng chí thủ ngữ Đực liền hắn giọng nói như quát:

– Thằng tổng Bá kia, sao mày chưa chịu đóng thuế ?

– Dạ thưa thuế cao quá đóng không nổi!

– Hai mươi tấn mà cao à ? của cải nhà mày có cả trăm tấn. Không lúa thì vàng. Số vàng bòn rút của nhân dân từ đời ông đời cha giờ mày chôn dấu ở đâu ?

– Dạ thưa cúng hết trong Tuần lễ vàng rồi!

– Mấy chiếc kiềng, mấy chiếc cong mà hết à?

– Dạ thưa hết thiệt rồi!

Đột nhiên có tiếng hô: Đả đảo địa chủ ù lì ngoan cố! Cả làng đáp lại: Đả đảo! Tiếng hô mạnh như tiếng gầm của hàng trăm con sư tử. Dường như ai cũng cố gào thật to, nhất là những người mà số phận của mình có thể sẽ bị quỳ trên đống mẻ chai như thế.

Đồng chí thủ ngữ Đực liền ra lệnh :

– Về nhà nó tìm vàng!

Thế là cả làng rùng rùng kéo nhau đi.

Nhà ông tổng Bá trước kia to như cái đình sau khi bị Pháp đốt chỉ còn trơ lại cái mái đất. Ông lại dùng đất đắp thêm bên ngoài, chỉ chừa một cái lỗ chun ra chun vào như cái hang. Ông Khứ liền hô: Tiến lên anh em như hồi phá đình. Chính ông đập vỡ cái lỗ cho rộng ra rồi cầm đuốc chui vào trước. Ông nghi ngờ trong các bức vách bằng đât có dấu vàng và mọi người không một chút ngại ngùng liền đâp ra nát vụn. Rồi họ phá cả cái chõng tre vì nghi ngờ dấu vàng trong ruột. Tìm mãi không có gì người ta bèn cạy nhũ vàng trên các bức hoành phi! Nhưng cũng chẳng phải là vàng thật.

Đồng chí thủ ngữ Đực liền tuyên án:

– Không có vàng, vậy là tẩu tán hết rồi. Chính cái bọn xuống làm ruộng ở Phú Phong đã đem đi. Cái tội này là do con vợ của thằng tổng Bá. Toà quyết định, vợ chồng nó phải nộp gấp đôi tức là 40 tấn! Được chưa? Lại một tiếng gầm: Được rồi!

Đoàn người kéo đi bỏ lại bà tổng Bá gào lên trong nước mắt và máu chảy ra từ hai cái đầu gối bị quỳ :

– Trời ơi! Sao mà oan nghiệt như thế này!

(Còn tiếp)