Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 21 tháng 4, 2017

Nguyễn Hồi Thủ – cánh chim cô ðộc

Nguyễn Thị Khánh Minh

Nguyễn Thị Khánh Minh và Nguyễn Hồi Thủ

 

Tôi rất phân vân khi viết về Nguyễn Hồi Thủ. Vì có lần khi in thơ, tôi nói anh viết cho tôi bài tựa. Anh bảo, anh em trong nhà chả nên viết cho nhau. Thực sự, khi nói thế tôi chỉ muốn có một kỷ niệm văn chương với anh, một người mà từ hồi còn nhỏ, ngoài ba mẹ ra, đã cấy ít nhiều niềm yêu thích thi ca nơi tôi. Anh không viết thì tôi viết về anh vậy. Và dĩ nhiên vì tình cảm anh em như thể tay chân dẫn đường cho bài viết, nên tôi sẽ rẽ vào ngõ của yêu thương chủ quan, cảm xúc của tôi về một người anh (chẳng may người anh ấy nổi tiếng, nên khiến tôi phải phân vân). Thôi thì, coi như tình cờ anh ghé ngang căn phòng buổi sáng này và bị tôi níu áo, như một lần khi xưa còn bé. Hồi ấy, tôi nghe anh ư ử ngâm thơ hoài, tay anh hay cầm cây bút chì, trên túi áo hoặc túi quần ló ra mảnh giấy, mắt thì ngó lên trời sau cặp kiếng cận nom bộ rất bất cần đời, và cả khuôn mặt anh thì, không vui. Hơi ậm ậm ừ ừ khi nói chuyện. Ấy thế mà, không ai biết sau vẻ khó căm là một hồn tơ sầu, như ở Bài Thơ Tuổi Nhỏ này, với tôi đây là một kỷ niệm rất đằm thắm máu chy ruột mềm của anh em tôi. Một ngày lúc xưa, mở cuốn Lưu Bút Ngày Xanh thấy bài thơ anh viết “cho em Khánh” với nét chữ rất đẹp. Không ngờ có lúc anh lại “nói” với mình nhiều như thế! Có lẽ đây là một trong rất ít những bài thơ đầu tiên của nhà thơ Nguyễn Hồi Thủ không công bố, vì lẽ riêng tư của nó và vì, dĩ nhiên không phải là thơ của một Nguyễn Hồi Thủ tên tuổi, nhưng, cho đến lúc này bài thơ vẫn làm tôi xao xuyến, và là bài thơ hay đối với tôi.

Ta khóc muôn đời thân xác trai

Buồn xưa u đọng nét mi dài

Cuộc đời chưa gọi thân hồ hải

Cát bụi đâu buồn phận một mai

Tôi có cô em tóc mới cài

Tuổi đời mười một hay mười hai

Mà khi lơ đễnh tôi quên mất

Không nhớ rằng cô xinh giống ai

Nhiều lúc nguồn thơ gieo biển khơi

Đến bên cô bảo, anh khôi ơi

Làm cho em một bài thơ nhé

Mất hứng ta kêu khổ quá trời!

Em thích làm thơ lắm phải không

Thì cứ làm thơ đừng lấy chồng

Đời em chẳng khác bài thơ mấy

Anh nói rồi em xem phải không

Mai mốt mười hai bến nước xa

Trường giang ngăn cách thời gian qua

Em ngồi đọc lại trang thơ cũ

Còn nhớ anh em ở một nhà

Rồi ở phương trời tắp gió sương

Với thân hồ hải mộng hoang đường

Anh đi gieo khắp tình xuân bạc

Gió lạnh hiu buồn: Em viễn phương

Tóc đã hoa râm mắt đã mờ

Nghiêng trời dĩ vãng một thời mơ

Em ơi em có còn be bé

Anh bế ru em thuở Ngọc Hà

Anh viết cho em bài thơ này

Ngày mai kỷ vật của anh đây

Em cười không hiểu, vừng răng nhỏ

Đôi mắt thơ ngây tóc chấm mày

Nhưng rồi đây nữa thì em hiểu

Gió bụi tung trời, cuộc tỉnh say

Anh viết bài thơ trên giấy trắng

Đôi hàng triêu lệ* sắp vơi đầy

Nha Trang, 4.11.1963

* Dưới bài thơ có chú thích hai câu bằng chữ Hán, phiên âm và dịch (hồi này anh đã học chữ Hán rồi): Niên niên nhật nhật như lưu thủy / Triêu lệ hưu thời khốc bất thành (chữ hưu không biết có đúng không, vì giấy cũ mực đã phai, tôi cũng không giỏi tiếng Hán để đoán). Năm năm tháng tháng như dòng nước / Lệ sớm khô rồi khóc được đâu.

Bấy giờ anh 19 tuổi, tôi 12. Anh Khôi ơi, một nhà của chúng ta là vầng trăng rằm trong ký ức em. Nhưng kỷ vật của anh thì có lẽ đã theo gió bụi tung trời mất rồi. Giờ, tóc thực sự đã phai, em vẫn có thể trả lời được với nguyên xi tình cảm như thời gian chưa hề trôi qua, vâng, em vẫn ước, em ơi em có còn be bé / anh bế ru em thuở Ngọc Hà… Sau đó anh xa nhà, một thôi mấy chục năm, như dự báo của câu thơ hồi trẻ, Anh đi gieo khắp tình xuân bạc / Gió lạnh hiu buồn: Em viễn phương. Tôi tự hỏi, cái ngày mà tóc còn xanh, tim còn non, mà đã tâm tư, lệ sớm khô e không khóc được nữa ư? Thơ anh cho tới sau này vẫn mang nỗi u hoài thế. Để trên khung trời thi ca có một cánh chim cô độc, Nguyễn Hồi Thủ (NHT) … Có những lúc tâm hồn như cây cỏ / Và cuộc đời là một cánh chim bay… Hút thẳm như một chấm ảo phía Chân Mây Cuối Trời (đây cũng là tên Nhà Xuất Bản của NHT).

THÔI NGƯỜI ĐI ĐI ĐI. CHỨ KẺO TRỜI NHẠT NẮNG

(Người Và Cây, 1972)

Này khôi ơi khôi ơi

khôi đi vào cuộc đời

nhau mẹ chôn hôm qua sau vườn bưởi

hoa trắng thơm bên đường

ngày khôi chưa biết nói

nhưng một đời trong giấc ngủ nồng khôi vẫn mơ

Mẹ mất đêm qua

trên thềm thu không người

trên thềm thu gió thổi…

… Này khôi ơi khôi ơi

khôi đi vào cuộc đời

rang cơm bằng mưa nắng

những chiều qua chân cầu

những chiều trên bến lặng

tối rồi đò không đưa

gió thầm trên bãi vắng

sậy lau mang hồn người

ca bài ca muôn đời

đường xa nhiều cô độc

(Bóng Trong Gương, Rue de Lyon, 1969, Thi Phẩm Chợt Nhớ-CN)

Đêm vẫn chy trong thời gian tích tắc

Ngày vẫn về trong những tiếng xe qua

Khung trời nâu buồn muôn cánh chim qua

Anh khép sách vẫn nghe lòng nặng chĩu…

… Ở đây phòng anh lầu cao chót vót

Sống âm thầm chăn nệm lạnh như băng

Anh vẫn bước dù đôi khi nhắm mắt

Đường tương lai không một bạn đồng hành

(Gửi Em Khánh, Tokyo, 11.1967, thư viết tay)

tôi đi ngàn dặm xa

… lòng hoang như gác trọ

tôi đi tìm ước mơ

mở hoài bao cánh cửa

đâu gặp được lòng ai

(Con Đường Nhỏ, 1971, Thi Phẩm CN)

Trong lòng không có hoa

Trong lòng không có quả

Trơ cành như mùa đông

Trong rừng cây mặt nạ

Đi đầy trong phố xá

(Hát Trong Mùa Thu, Tokyo,1991, Thi Phẩm Nói Chuyện Một Mình-NCMM-)

… cây bảo này người ơi

đời người như ánh nắng

thấm thoát rồi ngả chiều

hai bên đường rồi vắng

cuối đường là nấm mồ

trong tim bầu máu lạnh

thôi người đi đi đi

chứ kẻo trời nhạt nắng

(Người Và Cây, 1972, Thi Phẩm CN)

Anh sinh ra, như thể định mệnh đã đặt trước anh một con đường, và kéo bước anh đi, ẩn hiện trong thơ là một người lầm lũi trên con đường dài, đôi khi dừng lại chỉ là để nhìn vào ánh đèn khuya hắt ra từ cửa sổ nhà ai. Và trước mắt người thơ, sao tất cả chỉ là hình ảnh của lẻ loi?

… Nắng đã tắt nhưng lòng còn thoi thóp

Nửa ngọn đèn cửa sổ nhớ thương ai?...

… Vẫn chỉ một, một người đi đi mãi

Bên bờ sông tầm tã nước dâng cao

Đi đi mãi biết bao giờ trở lại

Dưới chân cầu đèn lẻ một vì sao

(Nhạc Bên Cầu, Praha, 1989, Thi Phẩm NCMM)

Tôi gọi tên ai suốt dọc đường

Gọi rồi đôi mắt lại rưng rưng

Trông chiều đã xế về lưng núi

Chim lạc đàn qua tiếng hãi hùng…

… Trời tối rồi, thôi, tôi về đâu

Bụi bờ hoang dại, mái hiên nào

Đêm nay tôi lại mơ gì nhỉ

Vạt áo nào lau nước mắt nào?

(Tìm Ai? 1989, Thi Phẩm NCMM)

Ngoài cám cảnh phận ly hương, tôi còn thấy xót trong lòng vì nỗi cô độc của người anh. Tôi rưng rưng khi hình dung anh đêm mùa thu lạnh vàng trong giấc ngủ…, một mình ngồi bên biển gió, ngóng con tầu, bàn tay xếp lại nỗi trống không, tôi về đâu, mái hiên nào, và rồi bước chân hấp tấp lên bực thang… Để làm gì. Như là vội vã rồi chỉ để ngồi bên cửa sổ nhìn ông đi qua bà đi lại, ngóng nghe tiếng đàn ai vọng qua bức tường im lặng của hồn mình.

ngóng con tàu
mà tự nhủ:
một con chim bay sao ấm được buổi chiều!

(Cánh Chim Bay)

Mơ dễ dàng

ôi mơ thật dễ dàng

như nắm ở trong tay

một nắm tay không chẳng có gì

rồi chuỗi ngày qua như ngói xếp

một mái nhà con trong ký ức

mà dần chân bước mãi xa đi

mơ rồi tỉnh

như chim va vào cửa kính...

… vội ra ngõ xem người ta qua lại…

(Mơ Dễ Dàng, Poterne des Peupliers,1971, Thi Phẩm CN)

Khi về

tôi đi qua cầu

tôi trèo lên lầu năm lầu tám

… tôi thấy bao nhiêu là xe chạy

tôi tìm mãi mái nhà tôi mà chẳng thấy

tôi chạy vội xuống lầu

… vòng thang xoáy ốc

tôi gặp buổi chiều dâng đã ngập

những hàng cây thoi thóp nắng bên đường…

(Giấy Mực, 1979, Thi Phẩm CN)

Có tiếng đàn nhà ai trưa chủ nhật

Đưa chân người hấp tấp lên bực thang…

(Tiếng Đàn Trưa Chủ Nhật, 1984, Thi Phẩm NCMM)

Những câu bỏ nuối ở cuối mỗi đoạn thơ mở ra cô liêu cõi Một, làm tôi thảng thốt nhìn chung quanh. Trong mù sương chiều ngập ấy tôi tự hỏi anh ở đâu?

AI MỘT LẦN RA ĐI. LÒNG CÒN NGUYÊN KHÔNG HỀ THƯƠNG TÍCH NHỈ?

(Nói Với Ai? 1978)

Mà nhớ lại, cái cô độc ấy nơi anh, như là một đặt để hồi nào. Thuở bé mỗi khi về quê nội, nếu có anh thì anh cũng lang thang đâu đó một mình trong khu vườn rộng, nắng bị che khuất bởi rất nhiều cây ăn trái, chỉ một kỷ niệm tôi còn nhớ, có anh tham gia và là đầu têu là, làm bẫy bắt chim, xong rồi bọc đất sét nướng, trời ơi, cái vị ngon còn luyến hơi đến bây giờ! Sau này đọc thơ anh, tôi mới biết anh lủi đi đâu, hóa ra, nơi bụi trâm trâm ngoài đồng, rào dâm bụt, giậu mồng tơi con bướm vàng, hàng tre xao xác nắng, bờ giếng rêu, bên mặt đìa phẳng lặng, gốc dủ dẻ, và đâu đó có một đóa hoa vườn… bỏ bùa, vướng chân người mãi trong thơ. Những hình ảnh ấy như con gió thổi tạt ta về cội để ngả lòng xuống. Phải nước mắt này rơi xuống giếng xưa ấy, mới đã lòng người ly hương.

ra đi rồi

trời lộng gió muôn phương

chợt bỗng hoang mang ngóng trở về

đầu ngóng trở về chân vẫn bước

con đường xa thẳm bóng quê hương…

(Ngày Xưa, 1972, Thi Phẩm CN)

Từ ra đi chân buồn xa xứ gõ nhịp hoài hương. Đó là một mầu rất ấm, rất lạnh trong thơ Nguyễn Hồi Thủ, vừa đẹp vừa làm mình buồn hẫng đi như vừa đánh mất một điều không còn tìm được nữa. Điều gì vậy?

Biết bao lần anh đi trong chiêm bao

Tìm gọi mùa xuân ơi mùa xuân rất cũ…

(Gửi Em Khánh, Tokyo, 11.1967, thư viết tay)

mưa ru khoang thuyền về

trăm bến cười rộn rã

mùa nón chợ họp dài

con đường cây rung lá

lòng ai là lòng chim

đưa thoi nghìn thửa mạ

… chân hát cùng sỏi đá

lòng ai nghìn nhánh sông

hồn ai muôn ngõ lạ

rồi xa xa càng xa

tháng ngày như bóng ngả

chiều tím dập mồng tơi

… nhớ nhau đâu gì lạ? Việt Nam ơi

(Nhớ Nhà Mà Hát-1971, Thi Phẩm CN)

Con bói cá lại bay về cây mét
Đứng im lìm nghe ngóng mỏ vàng xưa,
Mặt đìa lặng rơi tầu cau cũ kỹ,
Đêm trên gò gió động cỏ may khô.

Mộng đêm nào thơm mùi hoa dủ dẻ
Làm vô tình thương khói mái tranh xưa,
Đi núi Điệu tôi trót thành dã thú
Đành đêm đêm gầm thét giữa rừng già.

Bờ trẩy đó chùm bao giờ phủ kín,
Xe lửa xa rồi những bụi trâm trâm,
Vàng và đỏ nhưng rồi tình yêu tím,
Nhớ hoài, nhớ hoài đường đi vào rừng trầm.

(Ngậm Ngải Tìm Trầm, Butte Aux Cailles, 1974)

Quê của mẹ ngày đi xa vời vợi

Những hàng cây vùn vụt chạy đi đâu

Tôi ngoảnh lại chỉ thấy mầu nắng chói

Và trời xanh vùng biển nắng bao la

(Hai Tiếng Quê Hương, 1987, Thi Phẩm NCMM)

Này Bi ơi Lữ ơi

Lớn lên rồi thành một lũ xa quê

Đường xa xôi đôi lúc nhụt mơ về

Nhưng riêng tao

Con phố đã nằm trong thân thể

Mỗi đường xưa là một mạch máu đào

Phố đèn xưa là cả những đêm sao

Vẫn đi chân không leo trèo vào mộng

Nên nhiều khi thường ngã giữa chiêm bao

(Con Phố Nhỏ, 1969, Thi Phẩm CN)

Ra giấc đời bị đánh thức nhiều lần bởi giấc mơ. Quê hương ấy là giấc mơ. Chúng mình yêu quê hương / như một người tình trong mộng (Thuở Ấy Và Bây Giờ). Ở đây lắm lúc tôi nằm mơ như đang đi con đường nào đó ở Sài Gòn, và thơ này làm tôi (lẫn ai kia) nhớ quá. Sài Gòn của thời cắp sách đến trường. Sài Gòn của một lớp thanh niên tội tình lớn lên cùng cuộc chiến. Thơ NHT ở vào những năm 68-73 có rất nhiều bài nói về hệ lụy của chiến tranh. Nhưng ở đây, tôi không muốn làm rịn máu một vết thương còn hằn dấu đỏ. Hãy nói về nỗi nhớ, điệu thương Sài Gòn mà khi ai đó gảy lên thì có muôn dây tơ hoài hương cùng rung theo một nhịp.

Sài Gòn đèn leo lét bên đêm

Chiều nay tà áo sang Thủ Thiêm

Sài Gòn thương nổi bềnh trong mộng

Biết đến bao giờ hiểu được tên

(Những Bài Thơ Trên Nón, 1969)

… ngõ vào xóm có những trời chiều vỡ toang dưới những đế giầy nhà binh

Và cuộc đời xanh cũng đã có cạnh như trái khế non

Có những con đường mang những tên

… Độc Lập-Tự do- Công Lý- Duy Tân…

Mà tôi vẫn đi ngày hai buổi

… những công trường Lam Sơn, Diên Hồng, Hòa Bình, Chiến Sĩ…

…Và em vẫn áo mầu

Buổi sáng ra đi cười với nắng

Đêm về qua ngõ guốc khua mau

… rồi nhìn lại mùa thu vàng khóc lá dưới hàng cây

(Những Con Đường Thành Phố, 1972, Thi Phẩm CN)

sao tôi còn ở đây

đêm nằm nghe tiếng gió

rồi mơ rồi chỉ mơ

đi về con đường nhỏ

(Con Đường Nhỏ, 1971, Thi Phẩm CN)

Đọc cho đến đây rồi như thấy chấm bay về núi xa kia, là cánh chim ngược gió. Nằng nặng hoài hương. Ở NHT, hoài hương không chỉ là nỗi đau đáu một quê nhà, mà còn cả tâm trạng thất lạc của kẻ ở trọ trần gian (ca từ TCS) Người cứ đi xa, lưu lạc mãi, cho nên người sợ, một ngày như vầy chăng:

... tôi đi đến trường

mang quyển vở

trên đó nắn nót tôi đề

ngày sinh tháng đẻ cha mẹ quê hương

như sợ rằng có ngày tôi biệt tích

(Giấy Mực, Quartier Latin,1969, Thi Phẩm CN)

Nhưng mà còn có những cột mốc để người nhận ra bước quay về, phải không?

Nếu mai kia em có hỏi

Vì sao anh chưa về?

Tôi sẽ nói

Anh có đi đâu

Lòng anh chôn trên vạn đồi bom nổ

Tim anh về phố chợ

Và hồn anh

Nằm tại gốc đa xưa

(Nói Chuyện Một Mình, tr.4)

… bao nhiêu điều em xin

bao nhiêu điều tôi nhớ

đều theo chim bay về

chiều nay trên bãi cỏ

(Giấc Mơ Của Cá - 1973, Thi Phẩm CN)

tôi đã đi qua mấy đoạn đường,

mấy cầu, mấy bến, mấy quê hương,

mà sao lòng vẫn như con én

mang một mùa xuân bay bốn phương

(Lời Cổ Điển, 1971, Thi Phẩm CN)

Mùa xuân ấy sẽ tưng bừng phương của câu dặn dò, chờ nhau, chúng ta sẽ trở về,

Chờ nhau

chờ nhau về

thăm thẳm trời giếng mắt

gặp nhau từ bao giờ

hồ soi nghìn năm nhớ

đời vẫn hoài xanh lơ

và tình còn trong vắt

(Nhớ Nhà Mà Hát, 1971, Thi Phẩm CN)

tôi sẽ về lại Sài Gòn vào một ngày nắng cháy

kỷ niệm hồng như máu ấm yêu đương

tôi sẽ về thăm lại những con đường

hoa mới nở sau mùa mưa gần gũi

bụi đã lắng bao nhiêu tầng đất mới

vỉa hè xưa chim chóc lại bay về…

(Điệp Khúc, 1972, Thi Phẩm CN)

chúng ta sẽ trở về

như trăm sông về biển

như lá tre vàng rụng bên bờ giếng

như tiếng gà eo óc lúc bình minh

như đến trường nghe tiếng gọi điểm danh

lòng cũng mới như một tờ giấy trắng

(Lời Đồng Vọng, 1973, Thi Phẩm CN)

còn một chiều thôi trăng sẽ mọc

trong mắt đêm vàng hình hạt thóc

trong đáy tâm hồn như giếng đục,

còn một chiều thôi trăng sẽ mọc.

(Bao Giờ Tôi Gặp Em Lần Nữa - 1968, Thi Phẩm CN)

Bởi nỗi hoài mong khuấy động mãi, sao trăng quê nhà không soi xuống để mặt giếng tâm hồn kia được trong, cho nên cứ khắc khoải nhắc mình, còn một chiều thôi còn một chiều thôi…, thời gian ấy có ai chờ mới biết đêm vàng đến thế nào. Mới biết cái đo đếm: những ngày vẫn trôi qua / không thiếu một giờ / những tháng vẫn trôi qua / không thiếu một ngày /… rồi mưa rơi / và gió thổi / rồi người qua / và đêm tới… (Trước Ngọn Đèn, Theo Bụi Cát)

TÔI HỎI THỜI GIAN TRÊN VÁCH LỞ…

Chính vì cái ngóng về nôn nả xa lắc đó mà thời gian đối với NHT là một ám ảnh. Nó là một dòng mộng ảo ỡm ờ ta quá khứ tương lai. Nó trôi đi. Nó dừng lại. Nhắc nhớ khôn nguôi hiện tại. Với NHT, Thời gian như cánh áo rộng dài / Mẹ may trừ hao cho con đang độ lớn… Phải, cánh áo rộng dài có thể ban phát cho ta mộng ước, ấp ưu cho ta kỷ niệm, giữ gìn lúc này hơi đang thở. Và úm ba la! Nó xóa biến mọi dấu tích. Ôi thời gian!

rồi một sáng nào theo chim dậy,

tôi nghe hồn lạ giữa thân quen

tôi hỏi thời gian trên vách lở…

(Lời Cổ Điển, 1971, Thi Phẩm CN)

Từ cô độc vốn dĩ, từ lần theo dấu ly hương để ngược nẻo về, NHT đã lăn lóc: … thời gian đập mãi không thôi / Như mạch máu bên thái dương trong cơn sốt…

… Như mầu trắng của mây

Như mầu vàng của nắng

Như mầu xanh của cây

Như mầu tím của buổi chiều đã chín

Như nước nguồn ai đựng giữa lòng tay

Xin người uống

Thời gian là liều thuốc

Chữa ưu phiền và chữa cả mê say

… Như cánh diều ven đê tuổi nhỏ

Như mực học trò xanh mấy ngón tay

… như muộn rồi bao chuyện quá tầm tay

… xin người đến gần bên cửa sổ

Nghe sóng thời gian vỗ

… Như mầu trắng của đêm không chợp mắt

Như mầu chì nặng chĩu một lòng người

… Như mộng ảo tàn phai trên nếp trán

Như nợ nần hẹn khất với tương lai

… Chúng ta đều khoác lên người

Những cánh áo thời gian đỏ xanh

Chúng ta đi những đôi hài. Vạn dặm

… Ở tuổi này chúng ta đều biết

Không có gì đợi chờ

Không có hầm nào trú ẩn được thời gian

(Cánh Áo Rộng Dài, 1987, Thi Phẩm NCMM)

Thời gian nào ở lại cùng người sẻ chia nỗi thúc thủ này: Cửa đóng lại / Một mình còn ở lại / Hai bàn tay úp mặt với thời gian (Thu Muộn Đã Tàn, 1991)

TÔI BIẾT YÊU NHỜ MỘT ĐÓA HOA VƯỜN…

A. Khởi đi từ một đóa hoa vườn. Bùa hương có sức mạnh lạ kỳ để người nghe ra trong trăm mối tơ buồn kia có một sợi tơ là tóc nhỏ, thầm thì… Với tôi, điều làm rung cảm nhất của thơ NHT nằm ở những bài thơ tình… Lần đầu ấy, một ngày không nhớ nổi / Tôi biết yêu nhờ một đóa hoa vườn…

Những trang sách cửa đời ao ước mở

Đạp xe đạp trăm lần qua một ngõ

Bắt đầu mơ cánh áo gió qua cầu…

(Hai Tiếng Quê Hương, 1987, Thi Phẩm NCMM)

Mơ cô gái ca dao, yêu nhau cởi áo cho nhau. Về nhà mẹ hỏi qua cầu gió bay, ư?

Nếu mai kia em có hỏi tôi

Vì sao anh lại làm thơ

Tôi sẽ nói

Vì lòng tôi

Là một khoảng trống mênh mông

… Tôi đem câu thơ bắc lên bờ khoảng trống

Làm cầu. Cho chiều nay em tới

(Nói Chuyện Một Mình, tr.4)

Không biết nàng có mềm lòng vì cái cách tán đẹp nhất (của mấy ông thi sĩ) này không, để bước lên kiều thơ sang với chàng, để chiều nay là hoàng hôn đẹp nhất? Có thể, vì như thế mới có thơ tình đẹp ngây thơ đến vậy.

MÀ SAO CÒN NHỚ TÓC EM DÀI...

… ngày đi đó / một người yêu ở lại / một mối tình yên lặng mảnh trăng non. Ôi chưa ngỏ sao, hèn chi mà tiếng kêu Hương ơi, thiết tha dằng dặc đêm dài thế!

Mùi hoa đó hương bay từ hàng xóm

… Hương ơi

Anh nhớ làm sao

Anh đã yêu em biết tự bao giờ

Nắng dầu hanh trên mái nhà ngói đỏ

Con chim bay lười trong tiếng guốc khua

Anh về ăn bữa cơm trưa

Có hoa bí vàng xào với ngày tháng úa

(Kinh Chiều, 1970, Thi Phẩm NCMM)

Em ở sát nhà tôi
Cách nhau bờ giậu thấp

Tụi mình học cùng lớp
Mẹ em bán cau, bán thuốc
Chợ Đầm xa vời vợi
Đường đi cát trắng trùng điệp nắng
Mà khi về chợ vẫn
hay cười
Hương ơi
Bên giếng nhà em có bụi chuối bồ hương
Quanh năm bóng mát sang vườn nhà tôi*
(*tôi không thích nhạc lục bát ở câu này)
Nhà tôi lài lý thơm về tối
Tôi bỏ ra đi năm mười
mấy tuổi
Mà sao còn nhớ tóc em dài...

(Chợt Nhớ, 1971, Thi Phẩm CN)

… tóc em dài... Nhịp tim như ngân rung nhè nhẹ, nỗi buồn sợi tóc nặng dễ nghìn cân mà bâng khuâng bay vời vợi… Có chàng vua xưa mê nét nhăn của mặt nàng mà bỡn với giang sơn, có chàng thi sĩ thì phải mai cốt cách tuyết tinh thần thơ chàng mới tung hết chưởng tài hoa, có chàng tướng nọ xây đài sen để nhìn gót chân nàng nở hoa phủi sạch bụi sa trường, chàng thơ ở đây, thì chỉ cần mùi hương hoa bên nhà em bay sang, và tóc, tóc dài tóc bay tóc ngoảnh lại, là đủ nên thơ tình ảo diệu:

Thế nào rồi chúng ta cũng phải xa nhau
Thời gian đến như bão về trước ngõ
Rồi có thể như lá chiều trong gió
Tan tác đôi nơi mỗi đứa một đời
Không nói gở
chiều nay
châm điếu thuốc
anh nhìn vào ngọn lửa
đã thấy mờ xa em ở trong sương
em bước đi
gió thổi áo trên đường
sợi tóc nhỏ một mình còn ngoảnh lại

(Sợi Tóc Nhỏ, 1983)

Hút vào sương, mà sao còn ngoảnh lại một thứ dịu dàng quá, dịu dàng không chịu nổi* như vậy? Đôi bờ đôi cô đơn diễm lệ não nùng làm chới với chia ly giữa điếu thuốc châm lên bão về trước ngõ… (* thơ Olga Bergholz, Bằng Việt dịch)

SÀI GÒN ĐÃ LÀ NƠI CHÚNG TA YÊU NHAU

Sài Gòn ngày hai buổi

gặp nhau trên xe lam

nhìn nhau qua nắng bụi

hẹn nhau khi tan trường

chia tay đầu hẻm tối

thế mà Sài Gòn đã là nơi chúng ta yêu nhau

… nhưng có bao giờ tôi dám nói

trên đường tôi không có bước em đi…

(Điệp Khúc, 1972, Thi Phẩm CN)

… qua khung cửa những vì sao đậu sâu vào nền trời rộng

nghe có mùi hoa thoảng thoảng đầu song

chúng ta lại biết rằng mình không bao giờ cô độc

em vẫn thường kể cho anh nghe rằng

tim em vẫn đập nhịp điệu êm đềm từ khi em nói yêu anh…

(Những Viên Đá, 1971, Thi Phẩm CN)

Giờ, chia tay đã là một điều, như an phận, thời gian cùng phôi phai, Phải lòng nhau ai cũng nói bạc đầu / Tim nói thật / Nhưng mà đời nói dối… Mà sao,

… Anh vẫn còn nhớ nụ em cười
Em có thể nào cho anh nhìn nó một lần cuối?
Nghe nó một lần cuối?
Uống nó một lần cuối?
… Cái hôm chúng mình chia tay nhau
Mưa
Mưa
Mưa
Như một ngày tận thế
Nửa đêm ra về
Anh không dám vào nhà
Em còn nhớ bức tường rêu trước ngõ?
Anh ngồi dựa lưng vào đó và nghĩ rằng mặt trời không bao giờ mọc nữa 

Em ơi
Thời gian đi
Mải miết. Cần cù
Không dấu vết
… Nhưng em còn nhớ không
Cái bức tường mốc thếch…
… Một ít rêu mùa xuân
Như chứng tích

Của mối tình

Mà chúng mình ngỡ rằng đã chết 

(Bức Tường Rêu, Sceaux, 2003)

Chứng tích tình yêu là rêu mùa xuân trên bức tường cũ. Một ngày kia bóng đêm và anh, nhìn nhau,

… Khi một mình trơ trọi

Bóng đêm như thầm nói

Có một con đường nào đó

Có một căn nhà nhỏ

Có đèn ai chong khuya vừng cửa sổ

Có ai chờ…

Hằng đêm

Nhìn ngọn đèn

Nhớ một người trong mộng

Nỗi cô đơn dâng lên trong vùng ánh sáng

Tĩnh lặng. Tuyệt vời

Đi qua bao tâm cảnh của người thơ, giờ lại chạm trán hình ảnh ban đầu trên kia -bóng cô đơn- lởn vởn quanh mình là giấc mơ. Nói gì? Nói với ai? Hay lời thầm của kẻ nói chuyện một mình? Biết ra cái Tĩnh lặng. Tuyệt vời…

Mong chàng sẽ bắt lại được mùi hương vườn cũ để có thể cất lên tiếng gọi ai xưa bằng lời thơ mộng nhất đời, tôi biết yêu nhờ một đóa hoa vườn…

Và con đường dài không cứ quay về một điểm, là cô đơn.

Santa Ana, ngày 7.10. 2016

ntkm

Ghi chú:

Nguyễn Hồi Thủ: Nhà Thơ, Nhà Văn, Dịch Giả, sinh năm 1944 tại Bắc Giang, tên thật là Nguyễn Khôi Minh (là anh em cùng cha khác mẹ với Nguyễn Thị Khánh Minh). Năm 1967 tốt nghiệp Cử nhân Luật, Luật Khoa Đại Học Đường Saigon. Sau đó du học Nhật, Pháp. Định cư ở Pháp.

Tác phẩm: - Thơ: Chợt Nhớ (Paris, 1978). Nói Chuyện Một Mình (Paris, 1992). Gió Và Bụi (NXB Hội nhà văn/1995) ...

- Văn: Tiếng Kêu Thương, Trên Đường Về Nhớ Đầy (Paris)... Một dịch phẩm nổi tiếng: Người Trung Quốc Xấu Xí (Dịch từ nguyên bản của Bá Dương), cùng nhiều dịch phẩm khác: - Ông thợ giày và cô con gái (dịch từ nguyên bản tiếng Trung của Cao Hành Kiện) - Quả đất quê hương (từ tiếng Pháp của Anne Brigitte Kern, Edgar Morin, NXB Lao động, 2008.