Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 23 tháng 1, 2017

Minh triết phương Tây (kỳ 29)

Bertrand Russell

Nam Dao Nguyễn Mạnh Hùng chuyển ngữ

Triết học đương đại (tiếp theo)

Một khuôn mặt chính khác là A.N. Whitehead (1861-1947) mà chúng ta đã đề cập như một nhà Toán học chuyên ngành Lôgíc. Sau “Nguyên tắc Toán” ( Principia Mathematica) ông nghiêng về những vấn đề triết lý của khoa học đương đại rồi chuyển hẳn sang Siêu hình học. Từ 1924, ông nhậm chức danh Giáo sư Triết ở Harvard và bắt đầu một sự nghiệp mới. Những trước tác của ông trong những năm sau đó rất khó đọc. Dẫu nói khó chẳng phải là một phê phán, nhưng tôi (B. Russell) xin thú nhận rằng những tư biện siêu hình của Whitehead khá lạ lẫm cho tôi. Dù sao tôi cũng xin trình bày chúng một cách ngắn gọn.

Whitehead cho rằng để nhận thức được thế giới ta phải theo cách thế của Galileo và Descartes, phân định mọi thực thể thành phẩm chất thứ nhất và thứ nhì. Trên con đường này, chúng ta chỉ đi đến một hình ảnh méo mó của phạm trù duy lý. Thế giới

clip_image002

Dewey

phải là một tập hợp vô cùng lớn những sự kiện, mỗi cái gợi ra những đơn tử monad theo Liebniz, nhưng khác ở chỗ chúng tạm bợ và chết đi để cho những sự kiện mới đầu thai. Những sự kiện này là đối tượng, và chúng như dòng chảy Heraclitus trong đó đối tượng là những quả cầu của Parmenides. Tách chúng ra, chúng trừu tượng, nhưng chúng đều ở trong một tiến trình kết hợp gắn bó với nhau không tách rời ra được [1].

Về sự đụng chạm hiện thực, người biết thành một với đối tượng, và cần thứ tri giác từ bên trong. Ở đây, chúng ta nhớ đến Spinoza, và Whitehead cũng đồng ý cho rằng mọi mệnh đề nào cuối cùng rồi cũng phải được nhìn qua liên hệ của nó với toàn vũ trụ. Đây là cách thế Lý tưởng, nhưng không phải là đề xuất trong triết học của Dewey mà quan điểm dựa trên cơ sở Hegel. Lý tưởng theo Whitehead có nhiều điểm chung với khái niệm hữu cơ của Schelling mà ta sẽ bàn sau.

Những luận điểm vừa trình bày tóm gọn Siêu hình học theo Whitehead. Điều khá đáng để tâm là học thuyết này đến trực tiếp từ một số vấn đề tổng quát trong khoa học. Chuyện này từng được soi rọi với những triết gia Duy lý ở thế kỷ 17, và những triết gia Lý tưởng ở thế kỷ 19. Trong chừng mực lý thuyết khoa học nhằm nhận thức toàn thế giới, nó theo đuổi cùng một mục đích như Siêu hình học. Cái khác, là khoa học phải đối mặt với những sự kiện đôi khi ngoan cố cứng đầu cứng cổ trước những cố gắng lập thuyết.

Nếu thế kỷ 19 thay đổi thế giới chúng ta cơ bản hơn những thời gian về trước thì 50 năm qua, sau Thế chiến thứ nhất, những biến đổi còn sâu xa mãnh liệt hơn nữa. Tư tưởng chỉ đạo đã thôi thúc nhiều thế hệ là khái niệm tiến bộ. Thế giới có vẻ như chuyển hành về những điều kiện văn minh hơn, với Tây phương dẫn độ, và về mặt chính trị cũng như kỹ thuật, tất cả những quốc gia còn lại đều tùy thuộc vào. Điều này dễ nhận thấy. Tây phương thống soái về mặt chính trị và nắm quyền năng vật chất qua kỹ nghệ, đằng sau là sự tự tin vô hạn với tín điều là Thượng Đế ở về phía của tiến bộ. Sự tăng trưởng của những xã hội công nghiệp hóa dẫn đến phát triển dân số, và dẫu những lời tiên tri của Malthus chưa hình thành, số dân ở Anh tăng 5 lần trong chỉ một thế kỷ. Đời sống cư dân thoải mái hơn, mặc dù nhiều vấn đề đặt ra cho xã hội vẫn còn tồn tại. Như kết quả của những thay đổi nói trên, nói chung, sự lạc quan và lòng tin vào tương lai xưa nay vốn lung lay nay hồi phục. Trong địa hạt trí tuệ, tính lạc quan này cũng thể hiện rõ ràng. Những học thuyết Duy Lợi, Thực Dụng và Duy Vật đều cùng cách thế đó. Có lẽ nổi trội nhất là trường hợp Mác-xít. Học thuyết này bảo lưu sự tin tưởng vào tiến bộ trên diện vật chất. Còn về mặt chính trị, những người Mác-xít đặt niềm tin vào giáo điều của họ mặc cho dù có những khuấy đảo xáo trộn trong thế giới. Tính giáo điều và viễn tưởng Mác-xít là những vật linh huyền bí của thế kỷ 19.

clip_image004

Whitehead

Trong bối cảnh tiến bộ, người ta có cảm tưởng thế giới được xây dựng trên những nền móng vững vàng. Điều này chẳng chỉ phát xuất từ những điều kiện vật chất tốt đẹp cho phép con người lạc quan như đã nói. Những kẻ thuộc tầng lớp không được ưu đãi cũng tin rằng số phận họ sẽ sáng sủa hơn, và hy vọng này không phải là không có thực tế. Giáo dục được nới ra mức phổ thông tạo con đường tiến thân cho cá nhân. Trong xã hội mới, người không có địa vị và gia thế sang cả có thể vươn lên qua sự hiểu biết và kỹ năng.

Những yếu tố cạnh tranh không có gì mới mẻ trong lịch sử. Cạnh tranh giữa doanh nhân có từ khi có doanh thương. Nhưng quan điểm một con người có thể cải tạo nâng cấp đời mình qua cố gắng là mới. Trong thời Trung cổ, ai nấy đều chấp nhận chỗ của mình là do Thượng Đế chỉ định kiểu Trời xanh bắt đã làm người có thân. Và kẻ muốn đổi chỗ là phạm tội đi ngược lại ý Đấng tối thượng. Thời Phục Hưng, cách thế này bị phản bác và đến thế kỷ 19 thì nó hoàn toàn bị đào thải.

Những điều chúng ta vừa đề cập xảy ra trong những vùng kỹ nghệ hóa, bao gồm Anh và một số nước Tây Âu. Đây chỉ là một vùng cư dân rất nhỏ trên trái đất. Ảnh hưởng của chúng tuy thế lại rất sâu xa trong lịch sử. Nhưng phải nói, điều này không mấy lạ. Đế quốc Ba Tư rộng lớn so với Hy Lạp, nhưng ảnh hưởng cuối cùng lại chẳng có gì đáng kể.

Cho những người sống trong thời gian mà tiến bộ được dự trù, họ có thể hoạch định tương lai với lòng tin. Nhiều điều kiện đủ cho phép họ sắp đặt tiến trình nghiệp vụ. Những hoạch định này hoàn toàn do cá nhân, và chỉ qua cố gắng bền bỉ họ mới đạt đến mục tiêu an sinh bền vững. Với tầng lớp không được ưu đãi, bao dung và hỗ trợ tự nguyện là ứng xử của tầng lớp bên trên và những người có tinh thần xã hội. Chính sách an sinh xã hội đầu tiên là do Bismarck [2] đề ra, với bảo hiểm sức khoẻ cho công nhân mà ông dùng như phương tiện để chiếm thế thượng phong của đảng Xã Hội đối lập với chính quyền bảo thủ của ông.

Một điểm lý thú khác trong thời gian này là quan điểm tự do trong chính trị. Người ta coi chính quyền thuộc dạng bên lề, chỉ có vai trò hòa giải khi có những quyền lợi và thế lực đối chọi nhau. Can thiệp của chính quyền vào sự vận hành của công và thương nghiệp là không tưởng tượng được. Ngày nay, nhiều chính quyền điều hành trực tiếp nhiều xí nghiệp. Đây là ảnh hưởng của học thuyết Mác-xít trên những vấn đề xã hội. Còn về tự do đi lại, không có bất kỳ giới hạn cấm cản ở Âu châu trừ trường hợp Nga, một biệt lệ. Một người không cần giấy tờ đi lại, trừ trong Đế chế Tsar mà công quyền đòi phải có hộ chiếu. Nhưng thật ra cũng ít người du lịch, một phần vì đắt đỏ. Ngày nay khác hẳn, di chuyển bị kiểm soát, chứng tỏ lòng tin lẫn nhau trên trường quốc tế khá giảm sút.

Trong địa hạt chính trị, Âu châu từ 1870 được hưởng gần 50 năm hòa bình. Trên thế giới, chiến tranh xảy ra ở Phi châu, Trung Đông, và Nga bại trận trong tay Nhật, một nước đã tiếp thu nhanh chóng văn minh kỹ thuật Tây phương. Nhưng cho những người còn lơ mơ trong thế giới cũ, thế giới có vẻ yên bình. Khi ta nhìn ngược thời gian, họ hầu như sống trong một giấc mơ dài. Tất cả những quan niệm này bị tàn phá với Thế chiến 1914-18. Những khác biệt quốc gia dân tộc ở thế kỷ 19 bị khống chế giờ nay vỡ tung. Thế giới tắm máu như chưa bao giờ từng thấy xưa nay. Đồng thời, niềm tin vào tiến bộ giảm sút và không khí ngờ vực nghi kị lẫn nhau giữa những quốc gia lên đến mức độ khó có thể hàn gắn được.

Trong Thế chiến thứ nhất, kỹ thuật vũ khí chứng tỏ đã vượt quá những khái niệm chiến thuật của những người nhà binh. Hậu quả là một cuộc tàn sát khủng khiếp nhưng không đi đến đâu đã khiến Âu châu yếu hẳn đi. Điều kiện bất ổn của Pháp từ 1918 kế thừa từ cuộc đổ máu vô tiền khoáng hậu này. Đồng thời, nước Mỹ bắt đầu đóng một vai trò trung tâm trong những quan hệ quốc tế. Phía bên kia, sau cuộc cách mạng Bôn-sê-vích, Nga xây dựng một xã hội công nghiệp Tình huống dân tộc nổi lên bề mặt từ thời Hội Nghị Vienna nay công nhận hình thức của những quốc gia mới, và quốc gia này nghi ngại quốc gia kia. Tự do đi lại bị hạn chế, và chỉ mới dần dần được nới lỏng.

Chiến tranh giữa những quốc gia châu Âu rõ ràng đe dọa sự sống còn nền văn minh nó mang nặng đẻ đau. Đó là lý do khai sinh ra Liên hiệp các Quốc gia (The Ligue of Nations) năm 1919. Mục đích chính của tổ chức này, dưới sự đề đạt của Tổng thống Wilson nước Mỹ, là tạo ra cơ sở cho sự đồng thuận và liên kết hợp tác trong hòa bình giữa các quốc gia. Nhưng chính Wilson không được nước Mỹ ủng hộ, điều này hẳn làm cho Liên hiệp nói trên không có đủ sức thuyết phục thuở ban đầu. Trong khi chờ đợi, tinh thần dân tộc hẹp hòi dâng cao. Đảng Xã Hội Dân Tộc (Natinal Socialist) chiếm thế độc trị ở Đức, dẫn đến Thế chiến II hai mươi năm sau khi Liên Hiệp khai sinh, mà hậu quả tàn phá của chiến tranh vượt qua tất cả những cuộc chiến tranh về trước. Kỹ thuật khí giới cộng với ý thức hệ đẩy chiến tranh đến mức toàn diện đã tác hại vô cùng kinh hoàng trên cả binh lính lẫn thường dân. Khí giới nguyên tử với hai quả bom thả trên nước Nhật cho ta thấy khả năng hủy diệt vô cùng lớn và đe dọa sự tự hủy hoại của cả loài người. Chúng ta liệu có đủ khôn ngoan để tránh điều đó hay không còn phải chiêm nghiệm. Hy vọng rằng Liên Hiệp Quốc, thể chế thay thế Liên Hiệp những Quốc Gia sau Thế chiến II, có khả năng kìm hãm con người mù loà tìm cách loại bỏ sự tồn tại của nhau.Trong lịch sử, hai chủ lực đã kích động những triển khai kỹ thuật là doanh thương và chiến tranh. Vừa qua, những triển khai này thật ấn tượng. Sự phát huy và tăng trưởng của ngành điện tử và truyền thông hiện được cho là một cuộc cách mạng kỹ thuật công nghiệp thứ hai. Nó biến đổi thế giới chúng ta đang sống một cách rõ rệt, và có thể cơ bản hơn cả cuộc cách mạng lần thứ nhất chỉ thuần dựa vào máy hơi nước.

Những phương tiện vận chuyển thay đổi toàn diện vào thế kỷ 19. Mô hình của Rome thịnh hành cho đến khi có xe lửa, và con người chuyển từ huyền thoại Icarus[3] đến thực tế. Chỉ cách đây không lâu, con người ngạc nhiên khi biết mình có thể đi vòng quanh trái đất trong 80 ngày. Hiện nay, ta làm thế chỉ cần hơn chục giờ.

Sự phát triển kỹ thuật nhanh hơn mức thích nghi của con người vào môi trường xung quanh. Bắt đầu là những tranh chấp quốc tế khiến vấn đề an ninh khi xưa không được đặt ra nay nổi cộm. Hiện nay, thật khó có thề có một cái nhìn dài hạn như trước. Đồng thời, phạm vi hoạt động của chính quyền nay cản trở tự do của những hành động trước kia chỉ tùy thuộc cá nhân. Chuyện này có nhiều lý do. Thứ nhất, mức độ đa tạp của đời sống kinh tế một quốc gia công nghiệp khiến nó rất nhanh nhậy trước những cú sốc. So với thời Trung Cổ, xã hội chúng ta hiện nay không được ổn định bằng. Vì thế, những biện pháp kiểm tra và kiểm soát những lực làm chệch đường rầy chính trị được cho là cần. Thứ hai, những dao động tuần hoàn trong kinh tế có, và phải có cách ngăn ngừa hoặc giảm tần suất của chúng bằng những chính sách kinh tế. Thứ ba, trước những mất mát an sinh, chính quyền tìm cách đền bù bằng cách phân bố lợi tức. Tất cả những điều vừa nói không liên hệ gì đến hệ thống chính trị một quốc gia mà là hệ quả của nền văn minh kỹ thuật. Và ta thấy rõ, dù dưới hệ thống chính trị nào, những vấn đề đặt ra đều giống nhau như hệt.

Dưới sức nghiến ngấu của tổ chức cuộc sống hiện đại, những khuynh hướng phi lý trong tư duy triết học nẩy nở. Trong một nghĩa nào đó, điều này là phản ứng chống triết lý của quyền lực như thuộc tính những chế độ chuyên quyền. Và đồng thời, đó cũng là sự nổi loạn đáp trả những gì khoa học đe dọa đến tự do của con người. Khuynh hướng phi lý trong triết học được nhìn nhận ở triết thuyết Hiện Sinh đóng một vai trò đáng kể ở Pháp và Đức. Phải nói ngay, khuynh hướng này bao gồm nhiểu học thuyết đôi khi trái nghịch nhau mà ta sẽ trình bày sau.

Bên cạnh triết thuyết Hiện sinh, có sự quay trở lại với Siêu hình học truyền thống trên lục địa. Ở Anh, triết học ngả sang lãnh vực ngôn ngữ. Giữa lục địa và Anh quốc, chưa bao giờ tư duy lại khác biệt như hiện nay. Và chẳng phía nào bảo bên kia là “làm” đích thực tư duy triết luận.

Trên đây là một tóm lược sân khấu đương đại. Để hoàn tất hơn, chúng ta buộc phải nhận những rủi ro của sự thiên lệch cũng như cái thiếu xót trong tầm nhìn ở mặt rộng. Không khác thế được, tuy có thể ghi nhận một kết luận khái quát. Cái khiến nền văn minh Tây phương thống trị thế giới là truyền thống khoa học và triết lý cùng với kỹ năng nó thủ đắc. Hiện nay, là vậy nhưng có gì bảo rằng trong tương lai nó sẽ mãi như vậy. Khi kỹ thuật Tây phương được phổ biến đến toàn thế giới, vị trí tương đối thuận lợi của nó hẳn sẽ phải giảm đi.

Triết lý Hiện Sinh phổ cập trên địa lục có những thuộc tính khá lạ lùng. Khó nhận ra đó là triết học trong nghĩa truyền thống. Khởi điểm của triết lý này, tuy nhiên, có thể tóm tắt: Duy Lý như Triết học không có khả năng mang lại ý nghĩa của đời sống thế nhân. Sử dụng một tập hợp những khái niệm chỉ thuần lý tính, học thuyết Duy Lý không nắm bắt được cái lõi của kinh nghiệm con người. Để vượt nan giải này, triết gia Hiện sinh quay về điều mà Kierkegaard gọi là phương thức tư duy hiện sinh (existential modes of thinking).

Có nhiều cách để giải quyết điều nan giải nói trên. Chúng ta có thể cho rằng ở khởi điểm đời sống con người không có ý nghĩa gì là đối tượng cho tư biện. Mục đích của sự sống là sống thế nào cho thoải mái, và còn lại, những mục tiêu cao xa khác chỉ là huyễn hão. Ngoài ra, ngay khái niệm phương thức tư duy hiện sinh có những bất toại. Khi chúng ta suy tư về sự hiện hữu của gì đó, chúng ta phải biết chúng thuộc thể loại nào. Hiện hữu như một khái niệm tự thân là một thực thể trừu tượng đầy cạm bẫy, và ngay Hegel cũng không phải là ý thức được hoàn toàn như thế. Nhưng những điều ta vừa đề cập, dẫu đúng, nhưng chúng ngăn ta nhìn được cách thế tư duy của những triết gia Hiện sinh. Vì thế, ta sẽ nới rộng quan điểm về họ, và cố gắng chỉ ra những gì họ tìm cách đề xuất.

Dẫu bác bỏ Siêu hình theo trường phái Lý tưởng, triết gia Karl Jaspers (1883-1969) vẫn sử dụng biện chứng Hegel để nhận định ba thể loại thực thể (being). Ông đến với triết học sau khi quan tâm đến Tâm lý, đặc biệt là bệnh lý tâm thần. Vì vậy, con người là trung tâm điểm trong nghiên cứu của ông. Trong nghĩa này, ta có thể coi triết thuyết của ông là hiện sinh nhân bản, từ mà Sartre sử dụng để chỉ ra triết lý của mình. Nhưng ở đây không phải là tính nhân bản khách thể (objective humanism) thời Phục Hưng. Triết học Hiện sinh nhắm đến nhân bản chủ thể (subjective humanism), và chính vì thiếu sự phân biệt chủ thể - khách thể mà người ta sử dụng sai lầm ngôn từ của Sartre.

Trong lý thuyết về chủ thể của Jaspers, có ba khái niệm khác nhau. Ở tầng thấp nhất, nó là thế giới bên ngoài, đơn giản có đấy, ở đó, được nhận thức khách quan, bao trùm lên mọi bộ môn khoa học. Nhưng nó không đủ để chủ thể ý thức được sự hiện hữu của mình. Sự hiện hữu ngoại thể khách quan có thể là chướng ngại để cảm nhận hình thái hiện hữu cao hơn mà Jaspers gọi là cái ‘Tôi-Là’ ( being-I), hay đơn giản, Hiện hữu. Hình thái này không trách nhiệm gì về những thể loại lý tính trong phạm vi vận hành những khách thể. Đối với Jaspers, ở mức độ thứ hai là Hiện hữu cá nhân (personal existence), vẫn còn tiềm ẩn những khả năng chưa xác định, và vì vậy ta không nên gán triết lý của ông vào cách thế Aristoteles. Vượt ra ngoài và đi lên trên hiện hữu ngoại thể, cái Tôi hòa đồng vào thực thể thuộc loại thứ ba, ta có thể gọi là siêu nhiên, một thực thể bao gồm hai loại kia, gọi là Hiện hữu nội tại (being-in-itself ).

Mặc dầu không cùng chủ trương như những triết gia Lý tưởng, cách Jaspers xây dựng ba thể loại hiện hữu là điển hình của biện chứng pháp. Chính vì vậy, tư duy cũa ông vẫn còn ở trong phạm vi duy lý. Như chúng ta từng thấy, rất khó làm sao vượt khỏi lý tính trên nguyên tắc. Dĩ nhiên ta có thể bảo con người vận hành vừa vì đam mê vừa vì lý lẽ, nhưng điều này không phủ nhận mà chỉ giới hạn lý tính như động cơ. Nhưng khi ta lại muốn lập thuyết về lý tính nhằm bác bỏ chính nó thì khó tránh được những mâu thuẫn phiền phức. Đề cập đến gì đó, ta cần lý tính và sự phủ nhận nó khiến ta không còn gì ngoài sự im lặng. Điều này được những triết gia Hiện sinh cảm nhận, và đôi khi họ biện hộ cho sự im lặng đó. Jaspers biết như vậy, nên cuối cùng ông vẫn cho lý tính một vai trò quan trọng.

clip_image006

Karl Jaspers

Trên cơ sở phân loại thực thể, Jaspers nhận định rằng khoa học chỉ mô tả và không có khả năng thật sự nắm bắt được hiện thực. Cho phép có sự khu biệt giữa đối tượng và sự mô tả nó, ta hàm ý là không thể hoàn toàn thành công. Giả định tiềm ẩn ở đây là mọi phát biểu đều làm méo mó sự kiện, bởi phát biểu không đồng nhất với vị thế (situation) của chủ thể chính là đối tượng. Phát biểu nào như vậy cũng là về một cái gì khác đối tượng và tự thân trở thành bất toàn, thiếu hụt. Quan niệm này của Jaspers khác với cách thế của những triết gia Lý tưởng ở chỗ những người này cho rằng phát biểu bất toàn vì nó tách biệt với những phát biểu khác có thể cùng có trên một đối tượng.

Triết lý đối với Jaspers là truy lùng thực thể siêu hình, tức Hiện hữu nội tại. Nó là phấn đấu cá nhân để thăng hoa, và trong đời sống đạo đức, vận hành trên bình diện hiện hữu của mỗi cá nhân. Ở mức độ đó, con người hiểu nhau và cùng chiêm nghiệm cảm thức tự do. Bởi tự do ở ngoài vòng lý tính, ta không thể cho nó một nội hàm duy lý. Ta chỉ có thể nhận ra nó trong một số hiện tượng. Cảm thức tự do đẩy chúng ta đến một số kinh sợ, chữ của Kiekeegarrd mà Jaspers dùng lại. Một cách khái quát, ở mức thực thể khách quan, lý tính chi phối nhưng với thực thể Tôi-là, cảm thức chiếm ngự nhận thức con người.


[1] Ý này có lẽ là ý của B. Russell.

[2] Otto von Bismark (1815-1898) là chính khách bảo thủ Đức đã ành hưởng đến chính trị Âu châu từ 1860 đến 1890. Ồng thống nhất những tiểu bang và lập ra Đế quốc Đức dưới sự lãnh đạo của Phổ, tạo thế cân bằng quyền lực ở Âu châu từ 1871 đến 1914.

[3] Icarus tìm cách đào thoát khỏi đảo Crete với đôi cánh làm bằng lông chim kết lại với sáp, bay quá gần mặt trời nên sáp chảy ra khiến chàng ngã xuống biển chết đuối.