Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 28 tháng 12, 2016

Tiến sĩ sử học Keith Weller Taylor hiểu sai bài thơ của Thẩm Thuyên Kỳ

Thiếu Khanh

Tiến sĩ Keith Weller Taylor hiện là giáo sư khoa Á Châu học (Asian Studies) ở Đại học Cornell, New York. Ông là tác giả cuốn sách “The Birth of Vietnam,” (University of California Press, 1983), một tư liệu về cổ sử Việt Nam từ thời thượng cổ cho đến thế kỷ X. Cuốn sách được phát triển từ luận án Tiến sĩ của ông.

Trong Chương 5 của cuốn sách, với chủ đề “The Protectorate of An Nam” (Công cuộc đô hộ ở An Nam), ở tiểu mục “Exiles” (Những người bị biếm trích), nhân kể tên các quan lại Trung Quốc thời nhà Đường có tội bị đày đến những nơi xa xôi ở An Nam Đô hộ phủ, tiến sĩ K. W. Taylor có nói đến nhà thơ Thẩm Thuyên Kỳ và dịch một bài thơ của nhà thơ này. Đây là bản dịch tiếng Anh của Ts. Keith Weller Taylor in trong sách:

I have heard it said of Giao Chỉ

That southern habits penetrate one’s heart

Winter’s portion is brief;

Three seasons are partial to the brightly wheeling sun

Here Commissioner To obtained a kingdom

Shih Hsieh has long been roaming the nether world.

Village dwellings have been handed down through generations

Fish and salt have been produced since ancient times

In remote age, the people of Yueh sent pheasants as tribute

The Han general pondered the sparrowhawk

The northern Dipper hangs over Mount Ch’ung

The south wind pulls at the Chang sea

Since I last left home, the months have swiftly come and gone

My hairline shows that I have grown old

My elder and younger brothers have yielded to their fates

My wife and children have departed to reap their destinies.

An empty path, a ruined wall, tears;

It is clear that my heart has not echoed Heaven’s will.

(The Birth of Vietnam, trang 185 – 186)

Dịch nghĩa:

Ta thường nghe người ta nói về xứ Giao Chỉ

Rằng các tập quán của người phương Nam ăn sâu trong lòng họ

Mùa đông thì ngắn

Ba mùa đều có mặt trời chói lọi

Tại đây Hiệu Úy Đà từng lập nên một vương quốc

Sĩ Nhiếp mải đi chơi dông dài dưới âm phủ

Xóm làng truyền lại từ đời này sang đời khác

Từ xưa người ta đã biết đánh cá và làm muối

Từ rất xa xưa người Việt đã cống chim trĩ

Viên tướng nhà Hán trầm tư nhìn chim diều hâu rơi

Sao Bắc đẩu (Đại hùng tinh) treo trên (núi) Trung Sơn

Gió nồm thổi trên (biển) Trường Hải

Ta đã xa nhà lâu rồi

Mái tóc cho ta thấy mình già

Các anh em ta đã phải chịu theo vận mệnh của họ

Vợ con ta đã chia lìa để nhận lấy số phận mình

Một con đường trống trải, một bức tường đổ nát, nước mắt

Thật là lòng ta không vọng lại ý trời.

Giải thích vài điểm trong bản dịch bài thơ:

-Hiệu Úy Đà nói trong bài thơ là Triệu Đà, người đã thành lập nước Nam Việt từ thế kỷ III trước công nguyên, bao gồm cả lưỡng Quảng của Tàu.

-Sĩ Nhiếp là viên thái thú cai trị xứ Giao Chỉ vào cuối thời nhà Hán.

-Chuyện người Việt cống chim trĩ là nhắc một sự kiện thời vua Thành vương nhà Chu vào khoảng cuối thiên niên kỷ thứ hai trước công nguyên, có phái bộ sứ giả nước Việt Thường đem tặng triều đình nhà Chu một đôi chim trĩ trắng.

-Viên tướng nhà Hán nhìn chim diều hâu rơi là tên tướng Mã Viện đem quân đi đánh hai Bà Trưng. Khi đóng quân ở hồ Lãng Bạc, y nhìn thấy một con diều hâu cố bay trong mưa và rơi xuống nước chết đuối.

*

Câu thơ thứ hai trong bài dịch có ý lạ quá. Tập quán mà không ăn sâu vào trong lòng người để thành thói quen lặp đi lặp lại nhiều lần thì nó đã không có dịp trở thành tập quán. Lẽ nào một nhà thơ nổi tiếng lại phát biểu một điều hiển nhiên như vậy?

Người dịch, tức tác giả cuốn sách, chỉ nói bài thơ của Thẩm Thuyên Kỳ mà không dẫn tựa và nguyên tác chữ Hán để giúp người đọc biết đó là bài thơ nài và có dịp đối chiếu bản dịch.

Thẩm Thuyên Kỳ (656-714/715) là một nhà thơ nổi tiếng thời sơ Đường bên Trung Quốc. Làm quan dưới triều Đường Cao Tông, Thẩm Thuyên Kỳ bị cáo buộc tội tham nhũng, bị biếm đi Hoan Châu, tức vùng Nghệ An Thanh Hóa của Việt Nam bây giờ. Được biết khi ở Hoan Châu ông có làm nhiều thơ. Nhiều bài trong số đó, như Cố ý (Ý xưa), Tạp thi, Tại viễn Hoan Châu (Ở châu Hoan xa xôi) vân vân, thường được một số người Việt lớn tuổi nhắc đến, và thậm chí có người dịch thơ ông nữa. Vì vậy nhờ Google tìm Thẩm Thuyên Kỳ trên Internet và truy ra bài thơ không khó lắm. Đó là bài thơ ngũ ngôn trường thiên Độ An Hải nhập Long Biên (Vượt biển An Hải vào Long Biên). Ngoài bài thơ chữ Hán kèm bản phiên âm, trên trang mạng này còn có cả một bài dịch thành thơ lục bát của Hồ Bạch Thảo.

渡安海入龍編

嘗聞交趾郡,

南與貫胸連。

四氣分寒少,

三光置日偏。

尉佗曾馭國,

翁仲久遊泉。

邑屋連甿在,

魚鹽舊產傳。

越人遙捧翟,

漢將下看鳶。

北斗崇山掛,

南風漲海牽。

別離頻破月,

容鬢驟經年。

昆弟搉由命,

妻孥割付緣。

夢來魂尚擾,

愁委病空纏。

虛道崩城淚,

明心不應天。

Ðộ An Hải nhập Long Biên

Thường văn Giao Chỉ quận,

Nam dữ quán hung liên.

Tứ khí phân hàn thiểu,

Tam quang trí nhật thiên.

Úy Ðà tằng ngự quốc,

Ông Trọng cửu du tuyền.

Ấp ốc liên mang tại,

Ngư diêm cựu sản truyền.

Việt nhân dao phủng địch,

Hán tướng hạ khan diên.

Bắc Ðẩu sùng sơn quải,

Nam phong trướng hải khiên.

Biệt ly tần phá nguyệt,

Dung mấn sậu kinh niên.

Côn đệ tồi do mệnh,

Thê noa cát phó duyên.

Mộng lai hồn thượng nhiễu,

Sầu ủy bệnh không triền.

Hư đạo băng thành lệ,

Minh tâm bất ứng thiên.

Bài thơ dịch của Hồ Bạch Thảo

Vượt biển An Hải vào Long Biên

Nghe đồn Giao Chỉ nơi này,

Người Nam có tục lấy dùi xuyên hông.

Bốn mùa, lạnh ít về đông,

Tiết trời nóng nực sáng trong xế chiều.

Úy Ðà riêng cõi thiết triều,

Ngao du Ông Trọng, viếng nhiều suối khe.

Làng nông trù mật cửa nhà,

Ngư dân cá muối ông cha nối đời.

Ðua vui chim trĩ múa chơi,

Tướng Hán mãi ngắm diều rơi xuống hồ.

Núi cao, Bắc đẩu lững lờ,

Gió hiu hiu thổi, tràn bờ nước lên.

Xa nhà đã mấy tháng liền,

Ðầu bù tóc rối liên niên dãi dầu.

Vận trời! em út nơi đâu?

Vợ con chia cắt phó cầu ông xanh.

Buồn vương nhiễu giấc mộng lành,

Niềm đau chứa chất bệnh hành chiếc thân.

Nước mắt trút cả thành sầu,

Tấm lòng trong sạch sao chưa thấu trời![i]

Câu thứ hai trong bài thơ dịch của Hồ Bạch Thảo lại lạ hơn. Ấy là không phải tập quán ăn sâu vào lòng như Tiến sĩ K.W. Taylor nói mà là người ta cầm dùi đâm vào hông! Chỉ cùng một câu thơ mà hai người dịch khác nhau đến thế! Nhưng lần này đã có bản nguyên tác chữ Hán của bài thơ để đối chiếu và xác định câu thơ dịch của hai người.

Câu thơ thứ hai trong nguyên tác: 南與貫胸連 (Nam dữ quán hung liên) có vẻ khó hiểu. Giở từ điển Hán Việt ra tìm vẫn cứ thấy lấn cấn, nhất là hai chữ Quán và Hung khiến câu thơ trở nên mơ hồ, diễn giải cách nào cũng khó thông. Mỗi chữ Hán có thể mang nhiều nghĩa, nhưng nghĩa căn bản của từng từ phù hợp với ngữ cảnh câu thơ là:

南, Nam: phương Nam

與, Dữ: cùng với.

貫. Quán: Hiểu thông suốt.

胸, Hung: Ngực, bụng. (Từ điển Thiều Chửu có thêm nghĩa Lòng, tấm lòng.)

連, Liên. Liền, hai bên liền tiếp nhau.

Nếu Quán 貫 là thông suốt, hung 胸 là cái bụng, mà không phải “tập quán ăn sâu vào lòng” thi “thông suốt cái bụng” cũng đâu phải là… đâm vào bụng? Ông Hồ Bạch Thảo không nói đâm vào bụng, mà nói cụ thể “lấy dùi xuyên hông”. Sợ người đọc không hiểu, ông chú thích thêm: Người Trung Quốc xưa tin rằng người Man Giao Chỉ có tập tục lấy dùi xuyên vào hông.”

Đọc cổ sử Việt Nam thường chỉ thấy nói người Việt xưa có tục cắt tóc ngắn, vẽ mình, xăm chữ trên trán, và nhuộm răng (đoạn phát, văn thân, điều đề và tất xỉ), không thấy ở đâu nói có tục kỳ lạ đâm vào bụng hay hông!

Đâm vào bụng hay vào hông có lẽ không chết ngay, nhưng sự đau đớn của hành động vô lối này sao có thể có người nào ngu xuẩn bắt chước truyền nhau để thành tập tục (habits) được?

Với vốn liếng chữ Hán không đầy một chiếc lá me, tôi đã phải gởi câu thơ thứ nhì này đi cầu viện Tiến sĩ Phạm Hải (Frank Pham), trong nhóm Chữ Nghĩa Dầm Dề. Là một một người rất uyên bác, Frank Phạm được mọi thành viên trong nhóm nhất trí coi là cây Tự Điển sống, anh luôn sẵn sàng giúp anh em qua cơn ngặt. Ngay lập tức, tôi nhận được hồi âm của tiến sĩ Phạm Hải mách một đường link để tham khảo. Mở đường link, được những dòng này:

贯胸(贯胸)

亦作“贯匈”。传说中的古国名。后亦泛指海外诸国。《逸周书·王会》: “正西昆仑、狗国、鬼亲、枳己、闟耳、贯胸、雕题、离丘、漆齿。”《山海经·海外南经》:“贯匈国在其东,其为人匈有窍。” 唐 沈佺期 《度安海入龙编》诗:“我来交趾郡,南与贯胸连。” 明 韩洽 《题李龙眠诸夷职贡图》诗:“得毋旧本重临摹,左食、贯胸聊玩弄[1] 。”

参考资料

Đại khái là: “Quán hung (贯胸) cũng viết là贯匈, là tên một nước cổ trong truyền thuyết (Trung quốc), về sau (từ Quán Hung) được dùng chỉ một quốc gia ở hải ngoại. Sách Dật Chu thư của Vương Hội viết: ở hướng chánh tây Côn Lôn (có các nước) Cẩu Quốc, Quỷ Thân, Chỉ Kỷ, Hấp Nhĩ, Quán Hung, Điêu Đề, Ly Khâu, Tất Xỉ. (Người Trung quốc luôn đặt tên cho các nước khác một cách trịch thượng như vậy đó)

Thiên “Hải ngoại nam kinh” (phần Hải Kinh) của bộ “từ điển bách khoa” của Trung Quốc cổ đại là Sơn Hải Kinh viết: “Quán Hung quốc tại kỳ đông, kỳ vi nhân hung hữu khiếu” Nước Quán Hung ở phía Đông chỗ đó, người nước đó bụng có… lỗ.” (!) Khiếu, 窍,giản thể của 竅, là lỗ, như thất khiếu (七竅) trên thân thể người. Nhưng… bụng có lỗ (hung hữu khiếu - 匈有窍 ) là sao thì… tôi không đủ chữ để hiểu. Thế là mail hỏi anh Phạm Hải. Và… bụng người ở nước Quán Hung có lỗ là như trong hình minh họa này trong sách Sơn Hải Kinh! (xem hình)

clip_image002

Nhưng điều cần hiểu thì đã rõ. Nếu “quán hung” không phải là chuyện ăn sâu vào lòng hay đâm vào hông, mà là tên nước thì sự việc đã trở thành đơn giản. Câu thơ của Thẩm Thuyên Kỳ

嘗聞交趾郡

南與貫胸連

Thường văn Giao Chỉ quận,

Nam dữ Quán Hung liên.

Có nghĩa là:

Thường nghe ở quận Giao Chỉ

Phía Nam gần nước Quán Hung.

Chẳng có chuyện lấy dùi xuyên hông hay có tập quán nào mà không ăn sâu vào lòng người. Cả TS Taylor và ông Hồ Bạch Thảo đều nhầm.

Ngoài ra, trong bản dịch tiếng Anh của tiến sĩ K. W. Taylor còn nhiều điểm nhầm lẫn khác nữa không kém quan trọng,

*Câu 翁仲久遊泉 (Ông Trọng cửu du tuyền) được dịch thành “Shih Hsieh has long been roaming the nether world.” (Sĩ Nhiếp đi nghêu ngao lâu dưới âm phủ) là có hai điểm sai.

1. Ông Trọng trong câu này là ông Lý Ông Trọng, một nhân vật người Việt có thân hình khổng lồ từng phục vụ trong quân đội của Tần Thủy Hoàng, chống quân Hung Nô trên biên cương phía Bắc của đế quốc Tần, mà ngay ở phần đầu sách The Birth of Vietnam tác giả có đề cập, chớ không phải nhân vật Sĩ Nhiếp (Shih Hsieh) ở cuối đời Tam quốc.

2. Chữ Tuyền (泉) trong câu này có nghĩa là suối, như “lâm tuyền” là rừng và suối. (Từ điển Thiều Chửu). “Cửu tuyền”: “chín suối” mới là âm phủ. “Cửu du tuyền”: đi ngao du lâu ngày trên chốn (nhiều) suối khe, chớ không phải rong chơi lâu ngày ở âm phủ.

*Câu 北斗崇山掛 (Bắc Ðẩu sùng sơn quải) được dịch thành “The northern Dipper hangs over Mount Ch’ung” (Sao Gấu lớn – Đại hùng tinh – treo trên Trung Sơn) và giải thích “Trung Sơn (Mount Ch’ung) là một núi cao phía Nam tỉnh Hồ Nam” là không chính xác. Hai chữ 崇山 trong câu này đọc là sùng sơn. Từ điển Thiều Chửu giải thích sùng là cao và cho ví dụ sùng sơn là núi cao. “Bắc Ðẩu sùng sơn quải” chỉ có nghĩa là sao Bắc đẩu treo trên ngọn núi cao. Đó không phải là tên riêng của ngọn núi Trung sơn.

*Câu 南風漲海牽 (Nam phong trướng hải khiên.) được tiến sĩ Taylor dịch thành: The south wind pulls at the Chang sea. “Gió Nam thổi trên (biển) Trường Hải,” và giải thích “Trường Hải là nơi mà ngày nay chúng ta gọi là Vịnh Bắc Bộ.”

Thực ra, chữ 漲, chữ thứ ba trong câu là trướngtrướng hải. (không phải trường hải). Từ điển Thiều Chửu định nghĩa Trướng 漲 là “nước lên mênh mông”. Trướng hải là biển nước mênh mông. Nam phong trướng hải khiên nghĩa là biển nước mênh mông lôi kéo gió Nam về, chớ không liên quan gì đến… Vịnh Bắc Bộ.

Bản dịch của tiến sĩ Taylor thiếu hai câu 3 và 4 tính từ dưới lên:

夢來魂尚擾,

愁委病空纏

Mộng lai hồn thượng nhiễu,

Sầu ủy bệnh không triền.

Sự thiếu sót này có thể là do từ bản nguyên văn chữ Hán đã tam sao thất bổn. Tôi đoán vậy, vì thấy trên mạng internet còn có một bản Độ An Hải nhập Long Biên khác bắt đầu bằng 我 來 交 趾 郡 (Ngã lai Giao Chỉ quận) chớ không phải “Thường văn…”

Và trong bản chữ Hán và phần phiên âm dùng trong bài viết này cũng có chỗ không phù hợp với nhau. Chữ tồi (摧 là hư gẫy, thương vong) trong câu “Côn đệ tồi do mệnh”, nhưng trong phần chữ Hán thì lại viết thành chữ xác (搉). “Côn đệ xác do mệnh” thành ra vô nghĩa.
Hai chữ Hán tồixác trông từa tựa nhau, chỉ khác một chút ở trên đầu chữ giai bên phải nên người chép lại đã chép sai.

Câu cuối cùng của bài thơ

虛道崩城淚,

明心不應天

Hư đạo băng thành lệ

Minh tâm bất ứng thiên.

Được dịch thành

An empty path, a ruined wall, tears;

It is clear that my heart has not echoed Heaven’s will.

Một con đường trống trải, một bức tường đổ nát, nước mắt

Thật là lòng ta không vọng lại ý trời.

Chỉ là không sát nguyên tác cho lắm, chớ có lẽ không có sự hiểu lầm nào, tuy 崩城 (băng thành) gợi ý thành quách điêu tàn hơn là một bức tường thành đổ nát (a ruined wall). Và It is clear that my heart không làm rõ được cái 明心 (minh tâm).

Thiếu Khanh


[i] Bài thơ và bản dịch của ông Hồ Bạch Thảo được chép từ trang này: http://www.diendan.org/phe-binh-nghien-cuu/theo-dau-chan-tham-thuyen-ky