Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 9 tháng 12, 2016

Tháng năm ở đại trại (kỳ 1)

Tiểu thuyết

Mai Sơn

“Theo như anh biết mấy chục năm qua không ai thắng được sự hung bạo này, ý chí mạnh mẽ nào cũng bị nó bẻ gãy, nguồn lực tinh thần nào cũng bị nó làm cho cạn kiệt hay ô uế. Có một điển hình cho sự tàn phá này mà nhiều người biết và truyền tai nhau. Đó là một nhà văn danh tiếng và tài năng hàng đầu của Sài Gòn đã gần như mất hết sức sáng tạo của mình sau mười lăm năm ngồi tù. Sau khi mãn hạn tù, người ta hy vọng, để bù đắp cho những mất mát chịu đựng của tù ngục, ông ta sẽ có những trang viết để đời kể lại những trải nghiệm như Alexandre Solzhenitsyn của Liên Xô viết về trại tù Gulag ở Siberia dưới thời Stalin. Nhưng không, không có dòng chữ nào. Sau khi được trả “tự do” về với gia đình ông im lặng tuyệt đối, không muốn gặp ai nữa. Người ta có tẩy não ông không? Không ai biết, vì ông không nói đến chuyện này. Nhưng làm nhục ông vượt quá sức chịu đựng của một con người bình thường thì chắc chắn là họ đã làm. Và chỉ như vậy thôi, họ đã giết chết con người tinh thần của ông. Không ai có thể đàn hát, diễn kịch, làm thơ, viết văn được nữa khi mình đã bị giày xéo như giun dế, và bùn đất tràn ngập tâm hồn. Nói như Adorno, “Sau Auschwitz mà còn làm thơ thì thật là man rợ”; và tương tự, sau trại cải tạo Việt Nam, nghệ thuật là man rợ. Người ta không biết rõ về những hoàn cảnh khủng khiếp phi nhân mà ông đã trải qua, nhưng sự im lặng của ông đã nói lên tất cả. Và ông im lặng cho đến chết. Họ đã giết được ông trên cả hai tư cách: một kẻ sáng tạo và một con người bình thường. Ai cũng phải khuất phục”.

Những dòng trên đây là cảm nghĩ của Sơn, nhân vật chính trong tiểu thuyết “Tháng năm ở Đại Trại” khi anh ngồi trong quán cà phê nghĩ cách cứu cô con gái bị an ninh bắt cóc vì “can tội” tham gia biểu tình chống giặc Tàu.

Văn Việt xin trân trọng giới thiệu tiểu thuyết vừa được viết năm 2016 của nhà văn Mai Sơn cùng bạn đọc.

V.V.

PHẦN I

một

KÝ ỨC THẬT LÀ TÀN NHẪN, sao nó có thể chứa đựng nhiều thứ buồn bã chết người như thế chứ? Người ta bảo hãy vất bỏ lại sau lưng những gì của hôm qua, vì nếu không, không thể sống nổi trong hiện tại chứ đừng nói là bước tới tương lai. Nếu vậy, ít nhất là trong trường hợp của anh, ký ức không tự tiêu hủy đi để bảo vệ anh, một con người.

Còn sống thì anh sẽ còn nhớ mãi những gì đã xảy ra cho anh cách đây hơn 41 năm liên quan đến chuyến đi của gia đình anh trong cái đêm hãi hùng đó. Một đêm kỳ lạ, dài đăng đẵng nếu phải nhớ lại từng chi tiết, mà cũng ngắn ngủi như một tiếng sét đánh nếu chỉ nhớ lại hai khoảnh khắc bắt đầu và kết thúc của nó: vội vàng cuốn gói ra đi trong đêm tối rồi thất thểu trở về đúng nơi mình đã ngậm ngùi từ bỏ. Căn nhà tồi tàn che chở cho mười một con người trong mấy chục năm qua đột nhiên trở nên xa lạ. Vì hình như đã có một thứ ánh sáng hay bóng tối khác với thường ngày phủ trùm lên nó. Chỉ chưa tới một ngày mà nó đã như là huyệt mộ. Anh chui vào đó và ngã lên giường, ngủ vùi như chết. Nếu đừng thức dậy nữa thì hay biết mấy, và giờ đây anh đâu phải viết những dòng buồn bã này.

Khoảng 8 giờ đêm 23 tháng 3 /1975, cha mẹ và 9 anh chị em tôi leo lên thùng chiếc xe ben chạy trốn khỏi thị xã Quảng Ngãi lúc bấy giờ đạn pháo 122ly của Cộng quân mỗi lúc một rải xuống như mưa rơi điên loạn. Mọi khi chỉ có khu vực tiểu khu mới là mục tiêu của pháo kích, nhưng từ buổi chiều hôm đó, cả thị xã rộng lớn trở thành vùng pháo kích tự do. Đi cùng một đoàn người xe rồng rắn dưới bầu trời lửa đạn về hướng bắc, nghe nói là ra Đà Nẵng để đón tàu về Sài Gòn. Xe chạy chậm, rất chậm, đến rạng sáng thì dừng hẳn lại, tại xã Bình Liên, quận Bình Sơn, cách thị xã Quảng Ngãi khoảng 20 cây số. Mẹ tôi suốt chặng đường thương khó đó luôn miệng đọc kinh cầu nguyện, luôn tay lần hạt, trong vòng tay là hai đứa con trai 2 tuổi và 4 tuổi. Không đi tiếp được nữa. “Mấy ổng” đã xuất hiện với những nòng pháo DK 75 chĩa thẳng vào đoàn người xe chen chúc trên quốc lộ. Vài tiếng nổ bùng vang lên. Buổi sáng chết chóc, câm lặng. Cuộc di tản bị chặn đứng hoàn toàn. Cả nhà dắt díu nhau đi bộ về lại thị xã. Buổi sáng hôm sau, mẹ tôi đang nằm ngủ lơ mơ, thì thằng Phúc bạn học tôi đến thăm hỏi về chuyến đi. Nó bước qua cửa. Mẹ tôi bật dậy, thét lên thất thanh, lấy gối che mặt. Tỉnh lại, bà nói: “Má thấy rõ ràng thằng Phúc nằm chết trên đường chạy loạn mà!” (Thằng Phúc giờ còn sống ở Đà Nẵng).

Từ sau buổi tối hãi hùng đó, mẹ tôi trở thành một người hoàn toàn khác: một người đàn bà câm!
Bà không còn hát nghêu ngao nh
ững lúc rảnh rỗi. Bà không còn hãnh diện khoe với tôi về tài nấu ăn chuyên nghiệp của bà; khoe mình nhan sắc một thời trung học. Bà không còn đứng trước mặt tôi, hỏi “Con thấy được không?” mỗi chiều chủ nhật sau khi bà trang điểm và diện chiếc áo dài chuẩn bị đi nhà thờ. Bà không còn kể cho tôi nghe, mỗi khi bà đau bệnh trong lúc ba tôi vắng nhà, những chuyện tình cảm riêng tư thời con gái của bà. Bà không còn tự hào kể chuyện về ông ngoại tôi, về cậu Trung tôi, những người “nói tiếng Pháp như gõ cây”. Bà không dắt tôi đi xem phim ở rạp Kiến Thành mỗi tuần nữa. Tôi nhớ mãi những phim cùng xem với bà: Vùng cấm địa, Tìm chồng trong động rắn, Mãnh lực đồng tiền, Tora, Tora! Bà không còn thì giờ bầu bạn với tôi về mọi chuyện. Và tôi sẽ không còn bị bà dựng dậy nửa đêm, xách đèn dầu dẫn bà đi bộ đến nhà bà mụ, để bà đẻ những đứa em tôi. Ngày ngày bà nín lặng, lầm lũi, héo hắt, hiện ra rồi biến mất mỗi sớm khuya như một bóng ma. Toàn bộ sức lực của bà dồn hết vào việc kiếm cái ăn cho một gia đình đông người. Bà bỏ quên tôi. Sau này tôi mới nhận ra tôi đã mất một người bạn thân là bà từ biến cố cuối tháng 3 năm 1975. Và đó là mất mát lớn nhất của đời tôi. Hơn hai năm sau chuyến đi “vào tận cùng đêm tối” đó, bà không quay về nữa.

***

Cái điện thoại nhỏ xíu rẻ tiền reo một hồi dài và rung lật bật trên mặt bàn kính. Anh vội cầm lên. Một giọng đàn ông trẻ, sắc, nghe quen quen.

Bác biết gì chưa?

Biết chuyện gì? – Anh trả lời máy móc.

Thủy bị bắt rồi bác ạ.

Anh không tin vào tai mình. Một tin dữ về con gái anh. Phải định thần một chút anh mới nhận ra đó là giọng nói của Nam, bạn trai của con gái anh.

Cậu nói gì? Sao lại bị bắt?

Thủy đi biểu tình, bị công an bắt rồi. Bác ở đâu, cháu đến ngay.

Anh cố gắng giữ bình tĩnh, hỏi,

Được rồi. Nó bị bắt lúc nào? Ở đâu? Đưa đi đâu? Cháu có biết không?

Nhưng Nam đã tắt máy trước đó rồi.

Lúc ấy anh đang ngồi một mình trong quán cà phê, chờ Bình, thằng bạn nối khố của anh, nhưng Bình nhắn tin không đến được, và anh chuẩn bị rời quán. Anh bất giác nhìn quanh. Nhạc không lời phát ra dịu êm. Không khí lắng xuống nhưng chắc chắn không phải vì một biến cố vừa xảy ra cho anh. Hay là anh điếc đặc rồi. Anh chợt nhớ hôm nay là chủ nhật. Không khí vừa mệt mỏi vừa căng thẳng đang trùm lên thành phố này. Chợt nhớ những vụ biểu tình gần đây thường diễn ra ở trung tâm thành phố. Hình như có một cặp mắt nhìn anh dò xét. Không. Anh tưởng vậy thôi. Không ai nhìn anh cả. Một chiếc xe buýt màu xanh lá cây suýt tông vào người đi xe máy lảo đảo ở ngã tư. Một cô gái ngã xuống, hai tay huơ huơ trong không khí. Sự yếu đuối bị bắt nạt. Sự yếu đuối bị đe dọa. Anh nghe mình kêu lên một tiếng. Vài người đang ngồi trong quán cà phê nhổm dậy, nhìn ra. Một bác xe ôm trờ tới, đưa cô gái vào lề đường.

Nãy giờ, dù đang ngồi một mình trong quán nhưng anh không cảm thấy cô đơn vì trong đầu anh lúc ấy rộn ràng một chuyến đi. Đi xa. Với Hồng. Vé đã sẵn rồi, chỉ còn một tuần nữa là lên máy bay. Nhưng viễn cảnh chuyến đi đã gần như chắc chắn phải hủy bỏ ngay lúc ấy. Con gái anh sống độc lập với anh từ ba năm nay dù hai cha con ở trong một căn hộ hai phòng. Anh không can dự đến cuộc sống riêng của nó hoặc anh không biết cách can dự. Nhưng đây là một chuyện hoàn toàn khác. Anh cảm thấy không thể đứng ngoài chuyện này. Nó đi biểu tình và bị bắt trong khi anh lơ mơ ngồi uống cà phê và nghĩ đến Hồng trong một khung cảnh xa lạ, dễ chịu ở trời tây.

Trước hết anh lướt qua trong đầu danh sách những người mình sẽ phải nhờ vả. Sinh, trung tá công an, làm thư ký tòa soạn báo Người bảo vệ. Anh và hắn không gặp nhau nhiều năm qua, thậm chí anh không còn số điện thoại của hắn. Nhưng hai người chưa có xung đột gì lớn, anh có thể tin như vậy. Vinh, phó giám đốc sở T. Ok. Giữa anh và hắn có quan hệ tốt. Nhưng vị trí của hắn, dù lớn, không liên quan gì đến vụ việc này. Tuy vậy nó sẽ bắc cầu cho anh tiếp cận những người có chức trách khác, nếu hắn chịu giúp đỡ. Hy vọng thế. Thôi, bấy nhiêu đó đã. Bây giờ điều cần biết nhất là Thủy đang ở đâu. Anh muốn có Nam bên cạnh lúc này. Anh cầm máy gọi. Mười phút sau cậu ta đến bằng taxi. Vừa ngồi xuống, Nam hổn hển.

Có lẽ cháu cũng bị theo dõi. Cháu thật không thích rơi vào hoàn cảnh này chút nào.

Tự nhiên anh muốn phát cáu với anh ta.

Có ai lại muốn điều đó? – Thực sự anh không muốn tranh cãi với anh ta, nhưng không hiểu sao vẫn bực dọc thốt lên câu đó.

Vì cháu đã nói với Thủy nhiều lần đừng tham gia vào những chuyện này.

Anh cố giữ bình tĩnh.

Cậu có biết Thủy hiện đang ở đâu không?

Dạ không.

Bây giờ cậu có thể nói hết những gì cậu biết về chuyện này của Thủy không?

Anh nhìn Nam gần như khẩn khoản, quên mất vị thế quyền uy của mình, chờ đợi ở cậu ta tất cả những điều tốt lành, nhưng vẻ lạnh lùng của chàng trai cao lớn này đã làm anh chột dạ ngay lập tức.

Bác à – Nam không có vẻ gì rụt rè như vài lần gặp anh ở nhà anh, thậm chí nét cương quyết hiện lên góc cạnh khiến cái hình chữ điền của khuôn mặt cậu ta sắc nét hơn – Thủy không nghe lời cháu. Cháu đã nói bao nhiêu lần đừng có tham gia chính trị chính em gì, rắc rối lắm. Thủy viết bài đăng trên các trang mạng phản động tuyên truyền cho dân chủ.

Trang mạng nào mà phản động? – Anh nhìn thẳng vào mặt Nam, một thái độ mà anh cũng thấy ngạc nhiên với chính mình vì sự sỗ sàng.

Nhiều bác ạ. – Nam bình tĩnh trả lời. – Bác không biết à?

Câu hỏi làm anh hụt hẫng, nghe như lời quở trách của một bậc bề trên. Anh ngồi thẳng người dậy, cố gắng làm chủ tình hình.

Tôi hỏi thì anh trả lời đi.

Cháu nghe bạn bè trong ngành an ninh nói vậy chứ cũng không quan tâm.

Nam ngọ nguậy trên ghế, muốn thoát khỏi chỗ này.

Anh giật mình.

Vậy sao cậu không khuyên nó tuyên truyền dân chủ trên những phương tiện không phản động khác? – Anh nói, và cảm thấy mình có gì đó không phải với con gái.

Chàng trai như con thú tinh nhạy ngửi thấy mùi mỉa mai, mặt đỏ lựng lên như thể bị chạm nọc. Cậu cao giọng lắp bắp,

Bác… nói sao vậy? Tuyên truyền dân chủ là… phản động, thì đăng ở đâu cũng thế thôi.

Anh cảm thấy mình bị đau một chỗ nào đó trong người, cái cảm giác bị đánh bất thần từ trong bóng tối. Anh suýt buột miệng “Tại sao cậu với nó khác nhau như nước với lửa vậy mà lại thương nhau được hả?”, nhưng thay vì nói ra điều đó, anh nhìn thẳng vào gương mặt chàng trai cứng rắn ngồi đối diện anh để rồi nhận ra rằng, đây là một vẻ điển trai mạnh mẽ, quyến rũ phụ nữ, đặc biệt khi chứa đựng sau đó là những đòi hỏi ghê gớm của sự độc tài và kiên định, tạo cho người ta cảm giác đây là một con đực rất mạnh mẽ. Nhưng anh hài lòng vì biết con gái đã không chịu khuất phục chàng trai này, thậm chí còn thấy dậy lên một niềm khoái cảm có chút độc ác khi biết mình từ phút này sẽ can dự vào mối quan hệ của con gái và anh ta. Vậy anh chàng này phải có một điểm yếu nào đó chứ? Anh không tế nhị đủ để giấu cái nhìn dò xét lướt nhanh lên mặt anh ta. Và khi bắt gặp cặp mắt nhíu lại của anh ta, anh khép cái nhìn lại.

Vừa lúc đó, như vô tình gỡ rối cho Nam, và có lẽ cho cả anh, cô phục vụ mang cái menu đến đặt lên bàn, trước mặt Nam. Hai người có dịp nghỉ ngơi một chút trước khi bước vào hiệp đấu quyết định. Nam cứ lật tới lật lui các trang menu, như không thấy gì trong đó, trong khi cô phục vụ cứ đứng khép nép cạnh bên. Một hồi lâu, cậu gằn giọng: “Không có bánh ngọt à?” Người phục vụ lắc đầu e dè. “Lon coca!” – Nam nói như hét, giọng điệu cho thấy chính cậu ta cũng không chắc là mình vừa gọi món trong một quán cà phê khá lịch sự.

Anh tự nhủ đây không phải là lúc tranh cãi về chính trị với cậu ta. Anh cần thêm càng nhiều thông tin về Thủy càng tốt, mà nếu có thể lấy được từ cậu ta, anh sẵn sàng nhẫn nhịn. Bây giờ anh cần hỏi kỹ về vụ bắt Thủy.

Sao anh biết Thủy bị bắt? – Anh nghiêm giọng hỏi.

Thủy gọi cho cháu.

Thủy bị bắt ở đâu?

Ở ngay quảng trường trung tâm thành phố.

Lúc mấy giờ?

Bác chờ cháu chút.

Nam lấy ra chiếc điện thoại, mò mò bấm bấm rồi trả lời,

Mười giờ rưỡi sáng. Khoảng mười lăm phút sau thì cháu gọi cho bác.

Ai bắt Thủy anh biết không?

Thì an ninh chứ ai vào đây nữa.

Thủy nói với anh điều đó à?

Dạ không. Thủy chỉ nói được mấy câu thì tắt điện thoại.

Vậy sao anh dám chắc là an ninh?

Cháu chắc như vậy.

An ninh của bộ, của thành phố, hay của quận?

Cái đó thì cháu chịu, không biết được.

Thủy biểu tình với ai, cậu biết không?

Với một nhóm biểu tình chuyên nghiệp, tụ tập nhau trên mạng, trên facebook.

Theo cậu bây giờ phải làm sao?

Cháu cũng không biết. Bác có nhiều mối quan hệ không?

Quan hệ theo kiểu gì?

Báo chí, cơ quan công quyền, quân đội, công an cấp trung ương, hoặc cấp thành phố.

Anh giật mình.

Sao phải cần đến những quan hệ lớn cỡ đó? Vụ của Thủy nghiêm trọng lắm sao? Nó chỉ biểu tình chống Tàu thôi mà.

Thủy sẽ bị kết tội phản động có tổ chức.

Nam nói chắc nịch, lạnh lùng. Anh nghe giọng cậu ta đanh thép như thể tòa tuyên án. Và đột nhiên anh linh cảm một lát nữa đây anh ta sẽ bỏ anh đi, bỏ mặc anh trong rối tung bế tắc, và sau vài ngày nữa nếu không tìm ra Thủy anh cũng sẽ bỏ mặc Thủy trong tù tội.

Anh và Thủy gặp nhau lần gần đây nhất là lúc nào?

Dạ, cách đây một tuần.

Anh thầm nghĩ chắc cậu ta nói không đúng sự thực: theo anh đoán, hai người gần như gặp nhau hàng ngày.

Thủy có nói với cậu về việc nó sẽ đi biểu tình không?

Không. Thủy giấu bác thế nào thì giấu cháu như vậy. Có lẽ cháu biết hơn bác một chút là qua bạn bè trên facebook. Bọn họ nói Thủy quá khích.

Anh thật sự kinh ngạc. Con gái anh là một người hoạt động chính trị sao?! Nhưng đây là sự bồng bột cảm xúc hay là một thái độ trí thức được hun đúc thành hành động chính trị theo thời gian?

Anh quyết định chơi trò may rủi cuối cùng,

Anh sẽ phụ tôi đi tìm và cứu Thủy chứ?

Chiều nay cháu đi Hà Nội công tác một tuần. Nhưng cháu sẽ nhờ bạn bè. Cháu sẽ liên lạc với bác.

Cậu ta nói mà không nhìn anh, chỉ nhìn vào một bàn tay ngửa ra như là tự xem chỉ tay của mình, trong lúc xoay xoay cái smartphone trong bàn tay kia. Hai bàn tay trắng trẻo, sạch sẽ. Vẻ tự tin không biến mất trên mặt cậu ta. Nó chỉ chuyển sang một màu sắc khác. Như hai vẻ khác nhau của sự tự tin nơi một nghệ sĩ vĩ cầm khi đang trình tấu và khi đang trò chuyện với người hâm mộ trong quán cà phê. Nhưng khi không đạt được sự tự tin trong lúc trình tấu thì cậu ta quay qua biểu lộ vẻ tự tin gần như thô tục với người ngồi quanh. Đó chính xác là cảm giác anh có về Nam lúc ấy. Nhưng cậu ta có đáng để anh liên tưởng đến một vĩ cầm thủ không? Anh nhìn khuôn mặt cậu ta, trên đó lộ rõ vẻ khó chịu hơn là buồn thương. Anh tự hỏi liệu cậu ta có than vãn với ai về sự vắng mặt của Thủy, và khi ngồi một mình liệu cậu ta có rầu rĩ đến rũ liệt không?

Chẳng lẽ việc Thủy bị bắt đột ngột không phải là biến cố có thể đảo lộn công việc của cậu sao?

Anh hỏi mà không trông chờ câu trả lời; hỏi chỉ để đẩy cậu ta vào chỗ bộc lộ cái tình yêu không sâu đậm mấy mà cậu ta dành cho Thủy. Nếu là Thủy anh sẽ nói không với anh chàng này ngay cái nhìn đầu tiên! Nhưng anh tự cãi lại mình: đây là tình huống cực đoan. Hai đứa có thể đã gặp nhau trong những khung cảnh, những tình huống của tuổi trẻ, lãng mạn và đẹp hơn nhiều. Và anh tự nhủ phải bình tĩnh.

Bác hỏi khó cháu quá. Chuyến công tác này của cháu không thể lùi được. Cháu phải đăng ký trước đây mấy tháng.

Vậy được rồi, cậu về đi. Cám ơn cậu.

Như chỉ chờ anh nói ra câu đó, cậu ta đứng dậy chào anh, không giấu được vẻ nhẹ nhõm trên mặt.

hai

ANH THỬ BẤM SỐ CỦA THỦY, và thật bất ngờ, sau khoảng 30 giây có tiếng chuông reo. Anh cứ đinh ninh điện thoại của con gái đã bị tịch thu.

Anh nói lớn,

Thủy hả con? Con đang ở đâu?

Thủy, đúng là giọng Thủy, trả lời anh,

Con cũng không biết con đang ở đâu. Chắc một chỗ nào đó trong thành phố mình. Người ta chở con đi lòng vòng mất một tiếng.

Con thử hỏi ai đó đứng gần con xem?

Một người đàn ông trẻ đứng gần con đang nghe hai cha con mình nói chuyện và anh ta lắc đầu, ba à.

Con có thể nhắn tin cho ba không?

Không, anh ta lại lắc đầu.

Người ta không tịch thu điện thoại của con chứ?

Anh ta nói “không”.

Vậy thì sao không thể nhắn tin?

Con không biết.

Con muốn ba giúp gì không?

Hiện giờ thì chưa. Thôi ba đừng quan tâm nhiều về con quá.

Tại sao con bị bắt?

Vì con đi biểu tình.

Nhiều người đi biểu tình mà đâu có phải ai cũng bị bắt như con?

Vì con hô to các khẩu hiệu và chống lại một người trấn áp con.

Con có bị đánh đập gì không?

Con bị xô đẩy lên xe, bị bẻ ngoặt tay, và có ai đó kéo tóc con.

Hiện giờ con có đau đớn chỗ nào không?

Có vẻ như không. Chắc chỉ khi nào nằm xuống thì mới biết.

Con đang ngồi?

Dạ.

Con xin nằm một chút được không?

Không sao, ba. Con chưa có nhu cầu đó.

Con đang mặc quần áo gì? – Anh bất giác hỏi, và sau này anh nhận ra đó là lần đầu tiên anh để ý đến chuyện ăn mặc của con gái.

Quần jeans và áo pull trắng.

Con hỏi anh an ninh ba có thể đem thêm quần áo đến cho con không?

Im lặng hồi lâu. Tự nhiên anh sợ điện thoại của con hết pin.

Người ta nói không ba à.

Sao như vậy được? Con là phụ nữ mà.

Ngừng một chút, anh nói,

Điện thoại của con sẽ hết pin… Con có cục sạc pin không?

Nghe như Thủy cười trong điện thoại.

Con ít khi mang theo cái đó lắm ba.

Vậy thì sao? Ba sẽ không liên lạc được với con nữa sao?

Ba để con tính. Nhưng ba đừng lo cho con nữa. Để con tự lo.

Ba sẽ cố chạy cho con ra sớm.

Ba à, có người đang đứng gần nghe cha con mình nói chuyện.

Càng tốt. Con có muốn nhắn gì với Nam không?

Đột ngột lặng im.

ba

ĐỂ COI BÂY GIỜ PHẢI LÀM GÌ. Anh tự nhủ phải cố gắng giữ bình tĩnh, vạch ra trong đầu vài ý sơ khởi theo thứ tự: tối nay báo cho công an phường; sáng mai đến trường đại học nơi nó đang học năm cuối – nghĩ đến đây anh khựng lại, tự hỏi đến đó để báo cái tin động trời này liệu có ích gì hay lại chuốc thêm bất lợi cho nó sau này? Rồi anh nghĩ dứt khoát: dù gì cũng phải đến, biết đâu họ sẽ giúp đỡ anh. Cứ thử xem may rủi thế nào. Sau khi xong hai thủ tục này, anh sẽ bắt đầu công việc nhờ vả. Vụ này sẽ hết sức rắc rối. Đây là một vụ chạy chữa. Vậy thì bắt đầu tiếp cận với từng người hay cùng lúc mọi người? Như vậy có làm lộ thông tin? Anh không biết bắt đầu từ đâu.

Thủy mồ côi mẹ từ lâu, và anh thì không gần gũi hoặc không biết cách gần gũi nó, nên nó đã tự đào luyện mình thành một cô gái cứng rắn từ lâu, nhưng nó làm sao đủ cứng rắn để chịu đựng sự hung bạo khét tiếng của bộ máy an ninh của chế độ này. Theo như anh biết mấy chục năm qua không ai thắng được sự hung bạo này, ý chí mạnh mẽ nào cũng bị nó bẻ gãy, nguồn lực tinh thần nào cũng bị nó làm cho cạn kiệt hay ô uế. Có một điển hình cho sự tàn phá này mà nhiều người biết và truyền tai nhau. Đó là một nhà văn danh tiếng và tài năng hàng đầu của Sài Gòn đã gần như mất hết sức sáng tạo của mình sau mười lăm năm ngồi tù. Sau khi mãn hạn tù, người ta hy vọng, để bù đắp cho những mất mát chịu đựng của tù ngục, ông ta sẽ có những trang viết để đời kể lại những trải nghiệm như Alexandre Solzhenitsyn của Liên Xô viết về trại tù Gulag ở Siberia dưới thời Stalin. Nhưng không, không có dòng chữ nào. Sau khi được trả “tự do” về với gia đình ông im lặng tuyệt đối, không muốn gặp ai nữa. Người ta có tẩy não ông không? Không ai biết, vì ông không nói đến chuyện này. Nhưng làm nhục ông vượt quá sức chịu đựng của một con người bình thường thì chắc chắn là họ đã làm. Và chỉ như vậy thôi, họ đã giết chết con người tinh thần của ông. Không ai có thể đàn hát, diễn kịch, làm thơ, viết văn được nữa khi mình đã bị giày xéo như giun dế, và bùn đất tràn ngập tâm hồn. Nói như Adorno, “Sau Auschwitz mà còn làm thơ thì thật là man rợ”; và tương tự, sau trại cải tạo Việt Nam, nghệ thuật là man rợ. Người ta không biết rõ về những hoàn cảnh khủng khiếp phi nhân mà ông đã trải qua, nhưng sự im lặng của ông đã nói lên tất cả. Và ông im lặng cho đến chết. Họ đã giết được ông trên cả hai tư cách: một kẻ sáng tạo và một con người bình thường. Ai cũng phải khuất phục.

Cái chết ư? Nó là một thất bại thường tình trước bộ máy sắt thép đó.

Khi nghĩ đến Thủy, anh bỗng lo sợ. Tính khí của nó có thể mạnh mẽ, nhưng thể chất và tâm hồn phụ nữ của nó chỉ là một thứ gì đó rất dễ vỡ.

bốn

ANH CHẠY VỀ NHÀ. Sau mấy tiếng đồng hồ không liên lạc được với con gái, anh thuê người thợ khóa đến mở cửa phòng con và tất cả cửa tủ, ngăn bàn trong phòng.

Khi mở tủ quần áo của con, nước mắt anh bất chợt ứa ra. Không có nhiều màu sắc sặc sỡ đập vào mắt anh. Không có cái áo nào có hoa hay các mẫu pattern mỹ thuật nào. Tất cả đều trơn tuyền, màu lạnh, màu dịu.

Tính cách nó có giống anh không? Có hay không một dòng máu nóng phản kháng về các vấn đề xã hội chảy trong huyết thống của anh, truyền xuống cho con? Và cha anh, ông có cái gì gần giống như vậy không? Có thể. Và ấn tượng mạnh nhất là sự vắng mặt của ông vào một buổi chiều chạng vạng ngày 2/11/1963, một ngày sau cuộc đảo chính lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm. Tối hôm đó cả nhà không thấy ông đâu cả. Đến khuya anh nghe mơ hồ mẹ òa khóc nói ông bị bắt rồi. Lúc ấy ông đang là một viên chức nhỏ ở một huyện miền trung. Bị đuổi ra khỏi khu nhà tập thể sau lưng cơ quan, mẹ anh đưa năm người con lên một chiếc đò nhỏ vượt qua sông để vào thị xã. Chiếc cầu bắc qua sông đã gãy. Nhưng theo trí nhớ mơ hồ của anh, những ngày ấy không có chiến tranh, không có xung đột trên đường phố, không nghe thấy bom đạn ầm ào như những năm về sau. Nhưng vì sao chiếc cầu gãy để mẹ con anh phải đi đò ngang thì anh không rõ. Người chèo đò nói chuyện gì đó với mẹ anh về cuộc cách mạng lật đổ gia đình ông Diệm. Mẹ anh im lặng. Bà còn phải nghĩ tới việc xin một chỗ tá túc trong thị xã. Đó là ngôi nhà ba tầng nằm gần chợ của một người Hoa, hình như là bạn chơi cờ tướng của cha anh.

Anh buồn vì xa ngôi nhà cũ lợp tôn, có cây dừa nằm giữa nhà và một miếng tôn phải cắt ra một lỗ tròn để cây dừa vượt lên. Cha anh một lần trượt té khi đang tắm bên giếng cạnh khu nhà đó. Buồn vì xa ngôi trường tiểu học mà sau mỗi buổi tan trường anh còn nán lại đọc truyện tranh ma trên hành lang vắng ngắt, chỉ khi nào có chi tiết truyện rùng rợn làm lạnh buốt sống lưng anh mới giật mình chạy về nhà.

Và những ngôi nhà tranh màu xanh ma quái những đêm khuya khoắt anh và lũ bạn đi chơi về nhìn thấy, hoặc chỉ do tưởng tượng ra. Nhưng cái màu xanh đó thỉnh thoảng vẫn hiện về trong ký ức anh.

Cha anh có thể di truyền dòng máu phản kháng nổi loạn cho anh không? Anh chưa bao giờ đặt ra câu hỏi đó. Anh càng không bao giờ đặt ra câu hỏi: Anh có thể di truyền dòng máu phản kháng, nổi loạn kiểu gì đó cho con gái anh không? Những ngày xưa ấy, gần bốn chục năm trước, khi còn đang là học sinh trung học, anh từng tham gia những cuộc biểu tình của Phật giáo, tham gia ủy lạo đồng bào vùng chiến sự với các anh chị sinh viên từ trong Sài Gòn ra để rồi có lúc lạnh người vì tận mắt chứng kiến sau khi đã phát hết gạo trên xe cho dân chúng, các anh chị dùng loa phóng thanh mạt sát chính quyền từ trung ương đến địa phương bằng những lời lẽ đanh thép nhất. Những lúc như vậy anh chỉ có một mình, không có bạn học nào bên cạnh, kể cả đứa thân nhất. Anh lặng lẽ hòa vào đám đông, thấy ai làm gì anh làm theo: ném gạch đá vào xe Mỹ, vào cảnh sát dã chiến đang kềm chế đoàn biểu tình.

Có những buổi sáng đi bộ đến trường, anh dừng lại bên đường để nhìn đoàn xe bọc thép M113 chạy ngược chiều, hướng về quận MD, ĐP, những khu vực giao tranh ác liệt, liên miên giữa hai bên quốc gia – việt cộng. Những khối thép di chuyển nặng nề trên bánh xe và xích sắt. Một lần khi cha anh đang chở anh trên xe đạp đến trường, thấy đoàn xe này ông đạp chậm lại nói thì thầm với anh: “Hai anh em cụ Ngô đã bị thảm sát trong một chiếc xe như thế này”.

Và thỉnh thoảng có những buổi sáng, khi đi qua bót cảnh sát đến trường học, anh phải đi thật nhanh vì một hay vài xác cán binh việt cộng bị bắn chết đêm qua được đem phơi trên đường.

Anh từng chạy mất dép đúng nghĩa đen vì mê xem đá banh. Chiều đó anh đến sân vận động đón xem một trận đá banh. Trước trận đấu có màn biểu diễn Thái cực đạo của các võ sư Đại Hàn. Mọi người đang nín thở theo dõi một pha người võ sư dùng tay không chẻ nát chồng gạch, sau đó anh ta chạy đà bay lên đá nát một tấm gỗ do hai người cầm đưa lên trên cao, thì một tiếng nổ long trời vang lên, khói bụi mù mịt. Anh chạy như điên dại cùng đám đông, cố trốn thoát khỏi sân vận động.

M.S.