Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 25 tháng 12, 2016

Minh triết phương Tây (kỳ 20)

Bertrand Russell

Nam Dao Nguyễn Mạnh Hùng chuyển ngữ

Khai Minh và Lãng Mạn

Một nét đặc thù của trường phái Duy Nghiệm ở Anh là sự khoan hoà với những cách thế tư duy theo một truyền thống khác. Locke nhấn mạnh rằng tinh thần này phải được nới rộng không phân biệt, ngay cả với những người phe cánh Giáo Hoàng (papists)[1], và dẫu Hume có giễu cợt tôn giáo nói chung và Công giáo Roman nói riêng, ông chống lại những kẻ quá “hăng máu” đi tạo điều kiện gây đàn áp tôn giáo. Cách thế khoan hoà là một đặc điểm cũa thời Khai Minh. Trong thế kỷ 18, nó lan qua Pháp, rồi Đức. Phong trào Khai Minh - người Đức gọi là ‘Aufklarung’- không dính liền với một trường phái triết học đặc biệt nào. Nó là hậu quả của một cuộc đấu tranh giữa những tôn giáo, quá đẫm máu, và bất phân thắng lợi, trong hai thế kỷ 16 và 17 ở Âu Châu. Nguyên tắc khoan hòa tôn giáo, như ta đã nói, là quan điểm của Locke cũng như của Spinoza. Nhưng đồng thời, cách ứng xử này về mặt tôn giáo lại có những kết quả ngoạn mục trong địa hạt chính trị. Nó đi ngược lại với tất cả những thể loại thế quyền vô giới hạn. Quyền thiêng liêng của vua chúa không còn tương hợp với sự tự do chọn lựa tôn giáo. Ở Anh quốc, cuộc đấu tranh chính trị nổ ra vào cuối thế kỷ 17. Hiến pháp thảo ra thời ấy chưa phải là dân chủ, nhưng đã thoát khỏi những sự lạm dụng của lề luật phục vụ giai cấp quí tộc ở những nơi khác. Vì thế, không ai tiên đoán có nội loạn. Bên Pháp, tình thế khác hẳn. Sức mạnh của phong trào Khai Minh là cơ sở để sửa soạn cuộc Cách Mạng Pháp năm 1789. Ở Đức, Khai Minh lại liên quan đến sự phục hồi của trí thức. Từ cuộc chiến 30 năm, Đức bị ảnh hưởng văn hóa Pháp thống trị. Chỉ từ khi Phổ[2] vươn lên dưới thời Frederik, Đức mới thoát khỏi ảnh hưởng Pháp, bắt đầu hồi sinh vào hậu bán thế kỷ thứ 18.

Khai Minh là thời tri thức khoa học được phổ biến rộng rãi. Nếu trong quá khứ, truyền thống tri thức dựa trên quyền thế của Giáo hội và Aristotle thì nay nó theo sát những công trình của khoa học gia. Trong địa hạt tôn giáo, Tin Lành rao giảng rằng ai cũng có khả năng phán đoán riêng thì tương tự, trong phạm trù khoa học, mọi người đều có thể chiêm nghiệm thiên nhiên một cách độc lập chứ chẳng cần tin mù quáng vào những đề xuất của những hệ thống chính qui truyền thống. Và chính những khám phá khoa học đã bắt đầu cho cuộc đổi đời ở Tây Âu.

Trong khi hệ thống cũ ở Pháp cuối cùng bị trốc gốc bởi cuộc Cách Mạng 1789, Đức quốc vào thế kỷ 18 vẫn do những nhà chuyên chế cầm quyền. Tự do ngôn luận tuy vậy có, nhưng chẳng phải thế mà không bị ngăn chặn khi cần. Với tính cách quân phiệt, Phổ có lẽ là điển hình một quốc gia có tự do, ít nhất trên phương diện trí thức. Frederik nói về mình như công bộc thứ nhất của Nhà Nước, và trong quyền hạn của ông, ông bảo trợ quyền tự do của mọi người trong nước.

Khai Minh thực chất là phong trào thẩm định lại những hoạt động trí tuệ mang ánh sáng vào những vùng tối hiện diện trong lịch sử. Đeo đuổi tận tình lý tưởng tự do tri luận, nhưng không phải vậy mà phong trào Khai Minh đi kích động những đam mê dẫn tới manh động. Tuy thế, song song với Khai Minh, có thêm một ảnh hưởng mới trổ mầm. Đó là phong trào Lãng Mạn đâm chồi bén rễ ở Âu Châu.

Phong trào Lãng Mạn dính líu với Khai Minh khiến ta liên tưởng đến cách thế Dionysos trong tương quan với Apollo của thời cổ đại Hy Lạp, hồi sinh trong thời Phục Hưng. Ở Pháp, Lãng Mạn là sự sùng bái những xúc cảm, một phản ứng trái nghịch lại kiểu tư duy lạnh lùng khách quan của những triết gia Duy lý. Về mặt chính trị, ngay từ thời Hobbes, nếu những triết gia Duy lý chỉ mong bảo lưu tính ổn định xã hội thì ngược lại người trong phong trào Lãng Mạn dấn thân vào những con đường phiêu lưu nguy hiểm. An toàn và tiện nghi bị coi như mất phẩm cách, và sống bấp bênh trở thành, ít là trên lý thuyết, một cách sống cao quí. Từ đó, nảy sinh quan niệm lý tưởng về một người nông dân canh tác để sống trên thửa đất của mình, bù đắp sự đói nghèo bằng tự do và không bị nhũng nhiễu bởi đời sống thành thị. Gần thiên nhiên, sống như vậy mới đạo hạnh, và sự đói nghèo được tiếp nhận như là thuộc tính của thôn dã. Kỹ nghệ thuở ban đầu bị những người Lãng Mạn nguyền rủa, nhưng phải nói, cuộc cách mạng kỹ nghệ sơ khởi khi đó tạo không biết cơ man nào xấu xa, cả về mặt xã hội lẫn môi sinh. Vào những thập niên sau, dưới ảnh hưởng Mác-xít, quan niệm lãng mạn được nới rộng đến giai cấp vô sản trong xã hội kỹ nghệ. Sự bất bình chính đáng của thợ thuyền là chuyện phải, và cách nhìn có tính lãng mạn về giai cấp vô sản đi bán sức lao động vẫn còn kéo dài cho đến nay.

Dính đến Lãng Mạn là phong trào Quốc gia ở Âu Châu. Ảnh hưởng của công việc trí tuệ trong triết học và khoa học không tác động lên tinh thần quốc gia. Khai Minh không có biên cương chính trị, mặc dầu ở Ý và Tây Ban Nha phong trào không đâm hoa nở nụ dưới quyền lực Giáo hội Công giáo. Phong trào Lãng Mạn, ngược lại, huyền bí hóa quan điểm quốc gia và tạo những làn ranh khá ấn tượng giữa nước này với nước kia. Đây là một hệ quả bất ngờ của lý thuyết theo Hobbes quốc gia được nhìn như cá nhân ở mặt rộng, có ý chí cá biệt đặc thù. Tinh thần quốc gia kiểu mới thống trị toàn bộ những lực lượng tạo ra cuộc Cách mạng 1789. Đảo quốc Anh, nhờ địa lý cô lập, có một tinh thần quốc gia rộng rãi thoải mái, và trong tình thế đó không bị áp đảo. Nước Pháp cách mạng, bị bao vây tứ phía bởi những chính thể bảo thủ chuyên chế, khó khai triển được một bản sắc quốc gia có ý thức. Và tệ hơn là Đức, đất đai bị quân đội của Napoleon chiếm đóng. Sự bùng phát của cảm tính quốc gia đã phát sinh tra cuộc chiến giải phóng năm 1813, và Phổ là điểm đồng qui hội tụ của tinh thần quốc gia Đức. Rất đáng ghi nhận là có những nhà thơ Đức ngay thời đó đã cảnh báo những hậu họa sau này.

Phong trào Lãng Mạn dựa trên những tiêu chuẩn có tính mỹ học. Điều này áp dụng cho đạo lý, cách hành xử và ngay cả trong những vấn đề kinh tế. Về cái đẹp của Thiên nhiên, sự hùng vĩ hoang sơ và mãnh liệt đã chinh phục những người lãng mạn. Cuộc sống của giới trung lưu đang đi lên đối với họ là đần độn và đầy những trói buộc ngu xuẩn. Thời đó, cách thế nhìn này không phải khó lý giải. Nếu ta khoan nhượng hơn ngày hôm nay, có thể nói chính cũng đã nhờ vào tính nổi loạn của những kẻ không chấp thủ những thói hư tật xấu trong quá khứ.

Về mặt triết học, phái Lãng Mạn gây hai ảnh hưởng trái ngược. Thứ nhất, là sự cường điệu trên lý tính với hy vọng hão huyền rằng ta chỉ cần động não là khó khăn nào ta cũng có thể giải quyết một lần là xong. Đây là kiểu lãng mạn duy lý (romantic rationalist) hoàn toàn vắng bóng với những triết gia ở thế kỷ 17 nhưng hiện diện trong trước tác của những lý tưởng gia Đức, và sau là trong triết học của Marx. Phái Duy Lợi (utilitarian) cũng mang dấu vết lãng mạn, cho rằng con người không có giới hạn nếu được giáo dục, và rõ đây là một giả định sai lầm. Nói chung, những quan điểm không tưởng hoặc thuần trí tuệ... đều là sản phẩm của phong trào Lãng Mạn. Cách thế phi lý (irrationalist), với chủ nghĩa Hiện sinh như một điển hình, có lẽ là phản ứng nổi loạn chống sự xâm phạm của xã hội kỹ nghệ hóa vào cá nhân con người.

clip_image002

Byron

Lãng Mạn được nhiều nhà thơ ủng hộ, và người nổi danh nhất có lẽ là Byron (1788-1824)[3], pha trộn rất nhiều yếu tố, từ nổi loạn, bất chấp và coi thường những qui ước đến những cuộc chiến cao quí không nề hà gian khổ. Chết trong những đầm lầy Missolonghi vì tự do cho Hy Lạp có lẽ là hành vi lãng mạn hoành tráng nhất xưa nay. Những nhà thơ Pháp và Đức chịu ảnh hưởng, và nhà thơ Nga Lermontov tự nhận là học trò của Byron. Ở Ý, ta cũng thấy Leopardi, một nhà thơ lớn, có những tác phẩm phản ánh tình trạng o ép khủng bố vào đầu thế kỷ 19.

Một công trình vĩ đại trong thời Khai Minh là soạn thảo Bách Khoa Toàn Thư do một nhóm học giả ở Pháp đề xướng. Một cách có ý thức, những người này quay lưng lại với tôn giáo và siêu hình học, nhận ra khoa học là sức kéo chính yếu của hoạt động từ trí năng. Sưu tầm những công trình, họ có tham vọng thâu tóm những kiến thức khoa học đã tích tụ thời đó, chứ không chỉ là sắp xếp từ điển theo an-pha-bê. Họ giải trình công việc khoa học trước những vấn đề thực tế, hy vọng mang đến một tập hợp kiến thức để chống lại tính xuẩn độn của thế quyền thời ấy. Gồm nhiều khuôn mặt xuất chúng trong khoa học cũng như văn chương ở Pháp, ta phải kể hai nhân vật sáng chói. Trước tiên, là D’Alembert (1717-1783), được biết như một nhà toán học, và nguyên lý Alembert là một nguyên lý quan trọng trong cơ học lý thuyết. Ông có kiến thức rất rộng về văn chương cũng như triết lý, và ngoài những viết lách khác, ông là tác giả của Dẫn Nhập cho Bách Khoa Toàn Thư. Người thứ hai là Diderot (1713-1784), chịu trách nhiệm chủ bút và biên tập, là một tác giả viết nhiều thể loại, đặc biệt ông phủ nhận hình thức truyền thống của tôn giáo.

Nhóm soạn thảo Bách Khoa Toàn Thư không phải là vô thần ở nghĩa rộng. Cách nhìn của Diderot dính nhiều đến cách thế phiếm thần của Spinoza. Voltaire (1694-1778), người đóng góp nhiều vào công trình, nói nếu Thượng Đế không hiện hữu thì ta phải tạo ra. Ông này chống lại thần quyền của Giáo hội Công giáo nhưng vẫn tin tưởng có một quyền năng siêu nhiên mang mục đích hỗ trợ loài người nếu họ sống tử tế. Đây là cách thế phủ nhận tội tổ tông (pelagianism) không có gì gắn bó với qui ước truyền thống. Đồng thời, Voltaire giễu cợt quan điểm của Liebniz theo đó thế giới chúng ta là thế giới tốt đẹp nhất, và ông chấp nhận ma quỉ (evil) có vai trò tích cực ở chỗ chúng ta có động cơ chống lại chúng. Chính thế mà ông tiến hành một cuộc đấu tranh với tôn giáo tập tục.

clip_image004

Jean-Baptiste le Rond d'Alembert

Những kẻ bác bỏ tôn giáo một cách cực đoan là những người theo Duy Vật ở Pháp. Giáo điều cũa họ đến từ triển khai lý thuyết thực thể của Descartes. Chúng ta đã thấy nguyên tắc thời vận (occasionalist) trong nghiên cứu trí tuệ và vật thể là thừa thãi. Vì thế, có thể bỏ đi một trong hai nguyên tắc vừa nói. Giáo điều Duy vật được đề xuất khá đầy đủ trong “Người máy” (L’homme machine) của Lamettrie [4]. Bác bỏ tính nhị nguyên trong triết học Descartes, ông chỉ chấp nhận một thực thể (substance) là vật thể. Vật thể này không ù lì theo nghĩa cơ học mà là vật thể trong trong vận hành chuyển động. Điều này, không cần phải có sức đẩy ban đầu, và Thượng Đế là điều liên quan ít nhiều đến khái niệm của Liebniz về đơn tử monads mà số lượng là vô cùng lớn. Tuy nhiên, đơn tử nhìn như ‘linh hồn’ cũng gần gũi với quan niệm rằng vật chất cũng có một chức năng trí tuệ nào đó. Cũng từ phát xuất điểm này mà Marx triển khai lý thuyết theo đó trí tuệ là một phó phẩm của tổ chức cơ thể (bodily organisation).

clip_image006

 Nhóm soạn Bách Khoa Toàn Thư

Trên cơ sở của lý thuyết này, những người theo Duy vật đều là vô thần. Dưới mọi hình thức, tôn giáo bị coi như sự cố ý lừa đảo gây sai lạc được những kẻ cầm quyền và đám thừa sai Giáo hội phổ biến để kiểm soát một cách dễ dàng những người không hiểu biết. Ở đây, Marx thừa kế quan điểm này khi ông tuyên bố tôn giáo là thuốc phiện cho quần chúng. Khi tố giác tôn giáo và những tư biện có tính ức đoán siêu hình, phái Duy Vật muốn chỉ ra cho nhân loại rằng khoa học và tư duy Duy lý là con đường dẫn đến một thiên đàng tại thế. Họ như vậy chia sẻ cùng cách nhìn với những người soạn thảo Bách Khoa Toàn Thư, và Marx đã lấy đó làm nền tảng cho chủ nghĩa xã hội không tưởng (utopian socialism). Trong cách thế này, những người theo Duy vật đều mang ảo tưởng lãng mạn. Giải thoát khỏi mê tín trước những khúc mắc của cuộc sống quả là rất cần để tìm cách đối phó với khó khăn, nhưng cũng xin nhắc rằng giải pháp cuối cùng và thường hằng cho mọi vấn đề trong thế giới này là bất khả tư nghì.

clip_image008 Diderot

Mọi triết gia đều cho rằng lý tính là tối thượng trong thời Khai Minh. Sau Cách mạng Pháp, tôn giáo bị truất phế, và lý tính được phong thần như đấng thượng tôn cho những ngày tế lễ hội hè thời mới. Đồng thời, Cách mạng cũng lại khá hà tiện lý tính trong một số vấn đề như trong trường hợp Lavoisier, người xây dựng nền móng cho Hoá học hiện đại. Xưa kia ông từng là một đại tướng và có đề nghị một số cải cách thuế vụ, nên như người đã phục vụ chế độ cũ - tức là kẻ có nợ với nhân dân - ông bị Tòa án Cách mạng truy tố. Khi được bênh vực như là một trong số những khoa học gia xuất sắc, Tòa án đáp rằng Cách mạng không cần khoa học. Và thế là Lavoisier bị đưa lên máy chém

clip_image009

.

Nhóm soạn thảo Bách Khoa Toàn Thư trong ý nghĩa chung là biểu tượng của Khai Minh ở thế kỷ 18. Với mục tiêu đi đến một tương lại rạng rỡ hơn cho nhân loại, họ nhấn mạnh trên cách thế thảo luận qua lý tính. Mặc dầu thế, cùng thời đó, phong trào Lãng Mạn bùng phát và có vẻ như đối nghịch lại lý tính.

Người đại biểu sáng giá nhất của Lãng Mạn là Jean Jacques Rousseau (1712-1778). Ngoài công trình về lý thuyết chính trị và giáo dục, ông không phải đơn thuần là triết gia. Với những trước tác văn chương, Rousseau đã gây những ảnh hưởng sâu rộng lên phong trào Lãng Mạn.

clip_image011 Rousseau

Về cuộc đời của Rousseau, nhiều điều chính ông ghi lại trong “Xưng Tội” (Confession) nhưng hẳn có ít nhiều khúc xạ qua ánh sáng thơ văn. Sinh ra ở Geneva (Thụy Sĩ), theo truyền thống Calvin, ông mồ côi từ thơ ấu và được một bà dì nuôi nấng. Bỏ học từ năm 12 tuổi, ông làm đủ thứ việc, nhưng chẳng thích thú gì. Năm 16, ông bỏ nhà ra đi. Ở Turin, ông cải đạo, thành người Công giáo, niềm tin ông giữ được một thời gian. Vào làm việc cho một bà, ba tháng sau bà chết, và sau ông lại lang thang. Một sự cố xảy ra khi ấy, mô tả cách thế đạo lý của một kẻ chỉ quan tâm đến cảm thức của mình. Người ta tìm thấy Rousseau có một mảnh ruy-băng của chủ và nghi ông đánh cắp. Ông khai là một thị tì cho ông, và người này bị trừng phạt. Trong “Xưng tội”, ông bảo đã làm như thế vì tình cảm của ông với cô thị tì, nhưng không hề có chút gì gọi là ân hận. Lời chứng của ông đúng sai thế nào không được xác nhận. Có lẽ ông tự tha lỗi cho mình vì ông chẳng làm thế là do ác tâm.

Sau đó, Rousseau được một mệnh phụ là bà Warren, một người cũng cải đạo, bảo trợ. Bà này lớn tuổi hơn ông khá nhiều, vừa thành mẹ, vừa là người tình của ông. Trong liền một thập niên, ông cư trú trong nhà bà, và vào 1743, ông trở thành Thư ký của Đại sứ Pháp ở Venice nhưng sau từ chức vì luơng bổng không đến tay. Ở Paris khoảng 1745, ông gặp Therese le Vasseur, một người làm dịch vụ tại gia, và đến sống chung như vợ chồng nhưng đồng thời lang chạ khi này khi khác với nhiều người. Họ có 5 người con, nhưng đều mang đến cho Nhà thương Foundling nuôi giúp. Tại sao Rousseau gắn bó với bà Vasseur không dễ hiểu. Bà nghèo, xấu xí, thất học và lại chẳng mấy lương thiện. Hình như chính vì bà như vậy mà Rousseau cảm thấy mình mới là cao cả.

clip_image013 Les Charmettes: nhà bà de Warens năm 1735-6.

Chỉ đến 1750 Rousseau mới nổi tiếng như một nhà văn. Năm đó, Viện Hàn lâm tỉnh Dijon mở cuộc thi về câu hỏi làm sao nghệ thuật và khoa học có thể có ích cho nhân loại. Rousseau thắng giải với một tiểu luận xuất sắc. Văn hoá, theo ông, dạy người ta những ước muốn không tự nhiên khiến chính họ trở thành nô lệ cho chúng. Ông thích dân Sparta hiếu chiến hơn người Athens văn minh hiền hòa. Và ông kết án khoa học bởi nó phục vụ những động cơ vật chất thấp hèn. Người văn minh là kẻ đồi bại, và chỉ những người hoang sơ mới có những đức hạnh đáng vinh danh. Tất cả những luận điểm này sau được khai triển trong tác phẩm “Diễn ngôn về bất bình đẳng” (Discourse on Inequality, 1754). Voltaire là kẻ gửi một bản phẩm bình giễu cợt, và sự xem thường này dẫn đến những cãi cọ giữa hai người.

clip_image014 Diễn ngôn về bất bình đẳng” (1754)

Năm 1754, Rousseau đã nổi tiếng được mời về Geneva, và ông lại cải đạo quay về truyền thống Calvin, với mục đích lấy lại quyền công dân Thụy Sĩ. Năm 1762, ông xuất bản “Emile”, một luận cương về giáo dục, và “Khế ước Xã hội” (The Social Contract), trong đó ông trình bày lý thuyết chính trị của mình. Cả hai tác phẫm đều bị công kích, cuốn đầu về giáo dục là vì ông đề xuất tôn giáo theo tự nhiên khiến mọi tổ chức Giáo hội chống đối, và cuốn thứ hai là vì ông cổ võ tính cách dân chủ. Rousseau đi Neuchâtel khi ấy thuộc Phổ, sau đến Anh gặp Hume, và được chút trợ cấp từ George III. Nhưng ít lâu sau, ông cãi cọ với hầu như mọi người, mắc bệnh tưởng bị ngược đãi. Ông quay về Paris, sống những năm cuối đời trong thất chí và đói nghèo.

Bảo vệ cảm tính chống lại lý tính là ảnh hưởng độc sáng của Rousseau trên phong trào Lãng Mạn. Luận điểm này đã đưa thần học Tin Lành lên một con đường tách biệt với giáo lý Thomas Aquinas trong truyền thống cổ điển. Cách tiếp cận của Tin Lành không đòi hỏi phải chứng minh sự hiện tồn cũa Thượng Đế, vì điều này có thể phát xuất từ trái tim, ở ngoài và không cần lý tính. Về Đạo đức, Rousseau cho rằng cảm tính tự nhiên dẫn đúng đường trong khi lý tính có thể đẩy ta vào lầm lạc. Đề xuất này trái ngược hẳn với Plato, Aristotle và trường phái Kinh Viện. Nó nguy hiểm, bởi hoàn toàn tùy tiện và cho phép mọi hành vi nếu như chúng được sự hỗ trợ của xúc cảm con người. Điều này được lập lại trong “Emile”, và trình bày như “Lời xưng tội của một Cha sở Savoyar”. Thần học cảm tính theo Rousseau trong nghĩa nào đó không dễ tấn công được. Dùng như lưỡi dao Occam, nó cắt ngay từ đầu khỏi phạm trù lý tính.

“Khế ước Xã hội” được viết ra trong một xu hướng khác, và là một trước tác nổi trội về mặt lý thuyết. Khi chuyển nhượng quyền của mình cho một cộng đồng, con người như cá nhân mất hết tự do. Dẫu Rousseau đặt ra một thứ rào cản cho phép cá nhân giữ được một số quyền tự nhiên (natural right), nhưng quyền đó có được cộng đồng bảo đảm hay không là một giả thiết. Lý do là vì cộng đồng chủ thể không chịu chi phối nào khác hơn là “nguyện vọng chung” (“General Will”), nguyện vọng phải được thể hiện ngay cả khi cá nhân bất đồng.

Tất cả đều tùy khái niệm “nguyện vọng chung”, nhưng tiếc thay nó không rõ ràng minh bạch. Khái niệm này có vẻ như lờ đi mâu thuẫn quyền lợi của một số người không chia xẻ với quyền lợi chung. Nhưng Rousseau không đi đến những hậu quả cuối cùng, bởi nếu như thế thì ta phải cấm đoán tất cả tổ chức tư nhân ở mọi mặt, nhất là khi đụng chạm đến kinh tế và chính trị. Đây là những yếu tố dẫn đến thể chế toàn trị mà Rousseau hình như nhận biết, nhưng ông không chỉ ra làm sao để tránh được hậu quả này. Còn về dân chủ, ta phải hiểu Rousseau lưu ý đến dân chủ trong những Thành quốc cổ xưa chứ không phải là những chính quyền đại diện (representative government) nhân dân. Tác phẩm “Công ước…” bị hiểu sai bởi những phản bác, và sau, thật trớ trêu, bởi những thủ lãnh Cách Mạng đồng tình với nó.

Nhưng phát triển hậu-Descartes của Triết học Âu Châu, như ta thấy, theo hai hướng. Một bên, nhiều hệ thống Duy lý trên đại lục được đề xuất; bên kia là Duy Nghiệm ở đảo quốc Anh. Cả hai hướng đều mang thuộc tính chủ quan (subjectivist) vì đều liên hệ tri thức vào kinh nghiệm tư riêng. Locke đã thử tìm một điều nghiên sơ bộ nhắm vạch ra phạm vi của trí tuệ con người, và vấn đề lớn được Hume trình bày sáng suốt là làm thế nào ta nhận biết những liên hệ. Câu trả lời của Hume là ta hình thành những thói quen khiến ta nhìn vật thể như dính kết với nhau. Như thế, làm sao giải quyết được khó khăn đề cập. Đọc Hume, Kant tìm ra một nút gỡ khỏi một giấc mơ màng. Đưa thói quen lên địa vị của một nguyên tắc Duy lý, Kant giải quyết được vấn đề Hume đặt ra nhưng rồi lại gặp những khó khăn khác.


[1] Trong thời Cải Cách, từ này chỉ những người theo Giáo hội Công Giáo Roman, trung thành với Giáo Hoàng và không chấp nhận Giáo hội Anh quốc.

[2] Một vương quốc Đức, trong nhiều thế kỷ đã xâm chiếm đất đai nhờ một đạo quân hùng mạnh và kỷ luật, sau 1451 đặt thủ phủ ở Berlin. Vào 1871, quốc gia Đức được xát nhập vào Phổ, xây dựng Đế chế Đức. Nhưng đến 1918, hoàng gia thoái vị và tầng lớp quí tộc mất phần lớn quyền lực. Giải thể năm 1932, Phổ bị xóa sổ năm 1947 sau thế chiến II.

[3] Lord Byron (1788-1824) được coi như một nhà thơ lớn nhất nước Anh. Trong cuộc chiến giành độc lập cho Hy Lạp chống Đế chế Ottoman, ông bị bệnh ở Missolonghi và chết năm 36 tuổi, được dân Hy xưng tụng là anh hùng.

[4] Julien Offray de La Mettrie (1709 – 1751) là nhà vật lý và triết gia Pháp, đại diện phái Duy Vật trong thời Khai Minh, bác bỏ tính nhị nguyên trí tuệ-thân xác trong lý thuyết của Descartes.