Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 12 tháng 10, 2016

Thức cho xong bài thơ1

Ý Nhi

Portrait of the Poet Y Nhi. 2016. Oil on canvas. 130x80cm

Chân dung Ý Nhi qua Nguyễn Thái Tuấn

1. Năm 1993

Tôi đã được nghe Trường Sa hành, Chiều trên phá Tam Giang, Thi sĩ… trước khi gặp Tô Thùy Yên. Vì vậy, có phần bất ngờ khi đối diện với tôi, con người từng mộng du trên trái đất tròn, từng chạy cắm đầu trên sợi kinh hoàng / giăng qua đôi bờ vực lạnh hư vô, con người từng hỏi han hiu quạnh lớn, từng bay trên phá Tam Giang với những suy nghĩ ở một tầng cao đáng kinh ngạc về cuộc chiến tàn khốc đang diễn ra, lại là một người đàn ông tầm thước, lịch duyệt, từ tốn. Bất ngờ khác, ông gần như không có sự ngại ngần khi trò chuyện với tôi – một nhà thơ từ Hà Nội vào. Có lần, ngồi ở quán nước vỉa hè cùng nhà văn Nguyễn Đình Toàn, sau khi nghe tôi kể một giai thoại chính trị, ông cười: Tôi hiểu vì sao tôi chơi được với cô rồi. Nhưng có lẽ, không chỉ do những giai thoại.

Ông thường ghé qua nơi tôi làm việc – Chi nhánh Nhà xuất bản Hội Nhà văn tại thành phố Hồ Chí Minh, nơi ông có thể gặp những nhà văn miền Nam còn ở Sài Gòn như Huỳnh Phan Anh, Bùi Giáng, Nguyễn Đình Toàn, Thế Phong… và những nhà thơ trẻ như Nguyễn Quốc Chánh, Bùi Hoằng Vỵ, Thảo Phương, Phạm Thị Ngọc Liên… Hồi đó, hẻm 361 Hai Bà Trưng (nơi có trụ sở Nhà xuất bản) còn vắng vẻ. Phía trước mặt trụ sở có một khoảnh đất trống. Gia đình nọ đã dựng tạm gian quán lợp giấy dầu bán cà-phê nước ngọt, kiểu một cái quán cóc. Chúng tôi thường “tụ tập” ở đó. Nhiều khi chúng tôi là những người khách duy nhất. Sáng nọ, trong gian quán quạnh quẽ, Tô Thùy Yên đã đọc cho chúng tôi nghe bài thơ Quán vắng vẻ của ông: Quán vắng vẻ / không ai người đến gặp / ngọn đèn như nỗi đợi thiên thu… Giọng ông nhẹ nhàng, cách đọc chậm rãi khiến người nghe dễ dàng nhập vào tâm trạng của tác giả: Việc đời lầm lẫn vậy / Hối mấy chẳng hơn gì / Thôi thì hãy cố nán / Cho đáng một lần đi… Nghe đâu, trong tù, ông còn hát vang lên một ca khúc của Trịnh Công Sơn, để báo với bạn tù sự có mặt của mình, để thiên hạ biết mình vẫn có thể hát. Hỏi, ông cười, tôi hát cũng được lắm đó cô.

Đôi lần, sáng ra ông đã ghé lại. Ông bảo, dắt xe ra khỏi nhà, chẳng biết đi đâu, lại tạt vô đây. Đôi lần, ông xuống nhà tôi ở quận 6, không gặp tôi, ông trò chuyện với nhà tôi và các con tôi. Khi nghe vợ chồng tôi có ý định xây nhà trên mảnh đất ở Gò Vấp, ông đã đưa chúng tôi đến Biên Hòa gặp kiến trúc sư Đinh Thiên Tứ – bạn ông – nhờ thiết kế. Từ khi ra tù, Đinh Thiên Tứ bỏ nghề, không nhận bất cứ công việc chuyên môn nào. Nếu không có Tô Thùy Yên, chắc chắn chúng tôi không thể có được ngôi nhà trang nhã, thanh thoát, chan hòa nắng gió này.

Ông nói với tôi, ông mong có dịp ra Hà Nội, nơi ông từng qua giữa đêm khuya trong chiếc xe chở tù bít bùng, chật chội. Ông một mình chạy xe đến hồ Trị An “đi giữa trảng tranh / ràn rạt gió lùa / hư rỗng tuênh toang / bốn phía rừng xa mịt mịt”…

Những quấn quýt bạn bè, những lo toan giúp đỡ, những tỏ bày, những chuyến đi… phần nào nói lên tâm trạng của Tô Thùy Yên lúc này. Ông vừa ra khỏi tù lần thứ ba chưa bao lâu và đang chuẩn bị cho việc rời bỏ quê cha đất tổ. Có thể nói, đó là quãng thời gian rất đặc biệt trong cuộc sống của ông: chưa dứt khỏi ký ức nặng nề, bàng hoàng giữa những ngày đang sống (Lang thang rã rời ngoài phố đông người / không gặp một ai quen… Bất chợt nghe như đời đã muộn / Muộn đến chán chường rũ thõng đôi tay /Tưởng không cái vội nào còn bắt kịp…) và, đứng trước một chuyến ra đi không dễ dàng, thậm chí, là một chuyến đi đau đớn, đầy ưu uất: Anh ra đi / Bứt ruột mà đi / Như đã một lần cũng bứt ruột / Đi những mười năm tưởng chẳng còn về… Anh lên đường / Giả tảng không nhìn nỗi sỉ nhục… Anh ngậm nghẹn lời từ biệt / Liên tưởng việc xe chôn kẻ tội đồ… Anh ra đi / Cầu sao cho thoát được / Con mắt miên man / Trừng nộ từ tối tăm tàn lụi / Quét rạt chỉ điểm người xổng chạy vô phương… Anh ra đi, cầu sao cho thoát được / Bộ da đó của mình / Đánh lạc hướng truy tầm của định mệnh… Phần anh ra đi / Gắng gượng chút hơi tàn / Hân hoan ròn rã/ Như người ngửa mặt trong trời mưa / Mong trôi khỏa nhẹ nhàng những nếp rạn…

Cuối năm, trước khi cùng gia đình rời Việt Nam, ông đem cho tôi một số bài thơ chép tay, như món quà dành cho người bạn vong niên: Ngoài cõi võ vàng, Giấc hoành môn, Những mẩu giấy rời, Những thành phố mà ta không ghé lại, Bài thơ chia tay dành cho người duy nhất đọc, Một bài không có tựa đề và bản in bài Ta về (có lẽ trên một tạp chí ở Hải ngoại) với các ghi chú: Nhớ đừng phổ biến hay: Bà đọc qua cho biết thôi. Xin đừng phổ biến. Đa tạ. Trong số này, không hiểu sao có tới bốn bài được viết bằng bút chì, trên những tờ giấy mỏng, ngả vàng. Chữ Tô Thùy Yên rất đẹp. Các bài thơ đều được viết trong năm 1993. Sau này, trong Thơ tuyển, Bài thơ chia tay… được lấy tựa Giã biệt và không thấy có Những mẩu giấy rời, Ngoài cõi võ vàng, Bài thơ không tựa đề. Có thể Tô Thùy Yên không chọn. Mà cũng có thể ông không còn lưu giữ chúng. Tô Thùy Yên dường như không có thói quen lưu giữ các bài thơ của mình, dưới bất cứ hình thức nào. Làm thơ từ cuối những năm năm mươi mà đến năm 1995 ông mới cho xuất bản tập thơ đầu tiên. Được biết, khi làm sách, ông đã phải nhờ cậy bạn bè và những người yêu thơ còn lưu giữ thơ ông. Một trường hợp hy hữu.

Năm 1993, tôi đã gặp Tô Thùy Yên.

2. Thơ của gã du hành muôn năm muôn nơi2

Nhưng một cuộc gặp khác, cuộc gặp Thơ Tô Thùy Yên thì phải chờ đến mấy năm sau. Có thể nói, đây là một cuộc gặp gây chấn động với tôi. Mười mấy năm trôi qua, kể từ khi có Thơ tuyển 3Thắp tạ 3, tôi luôn có ý định viết về thơ Tô Thùy Yên nhưng lại luôn ngần ngại, lo mình không đủ sự thấu hiểu, không đủ sự đồng cảm4. Chỉ khi nhận được thư điện tử của ông vào cuối năm 2015 5, tôi mới khởi sự. (Chợt nhớ câu thơ: “Chúng ta khởi sự lại mối sầu – Hải phận).

Như mọi nhà thơ lớn, khi bắt đầu, Tô Thùy Yên đã định vị chỗ đứng của mình. Thi sĩ 18 tuổi lựa chọn sự đối đầu. Với Thượng đế: “Đầu tôi cứng và trơn / Thượngđế làm sao ngự”, với Hư vô: “Có đọc thuộc thánh thư / Linh hồn tôi vẫn vậy / Tôi vẫn không thể lạy / Dù đứng trước hư vô”, với cuộc đời: “Với thứ linh hồn quốc cấm / Tôi tù tội chung thân”, với Thơ: “Tôi giựt dành đổ máu với tôi / từng chữ một”. Và, thi sĩ chấp nhận nỗi cô đơn: “Tôi thấy đã mất mát / Tất cả trừ cô đơn”, chấp nhận “cuộc tuần du bất tận… về nơi hẹn nào không định trước”, chấp nhận những đau đớn, những oan khiên, những trượt lỡ của cuộc đời. Đó là một lựa chọn có ý thức. Và vì vậy, đã được nhà thơ giữ trọn suốt một đời thơ dài hơn sáu mươi năm.

Có thể nói, Thơ Tô Thùy Yên là câu chuyện của “gã du hành muôn năm muôn nơi5. Cách khác, chính xác hơn, đó là cuộc độc thoại của con người đầy ý thức về cõi thế, về cõi người, về lẽ mất, còn, về dựng xây và hủy diệt, về hy vọng và tuyệt vọng… Cách khác nữa, là lời tự vấn, là những câu hỏi, nhiều khi không lời đáp, sau những gì đã đi qua, đã trải qua, sau những hạnh ngộ và chia lìa, sau những hân hoan hiếm hoi và những khổ lụy lâu dài của kiếp người. Dù là cách nào đi nữa, cuối cùng, thơ Tô Thùy Yên cũng đem lại cho ta những suy nghĩ lớn lao, những rung cảm mãnh liệt, những giày vò khôn nguôi, và, vẫn còn đó, những câu hỏi mà ta cũng không tìm ra lời đáp hay chỉ là “Câu hỏi vạn niên / Lời đáp nhất thời”.

Đó là câu chuyện của bậc thượng thừa, bậc tiên tri. Chẳng phải thế sao. Ngoài hành giả này, đã có ai từng ao ước: “Giá ta được lên cao, lên cao / Để ngắm nhìn một lần thấu suốt định mệnh ta / Trước ngày từ biệt nó”. Ngoài hành giả này, đã có ai từng hỏi han “Hiu quạnh lớn”, ai từng nhìn thấy: “Trên dốc thời gian hòn đá tuột / lăn dài kinh động cả hư vô”, “mặt tinh cầu xếp nếp / Như lằn nhăn tuổi tác hư không”, ai từng nghe thấy “Những âm thanh chuyển động buồn rầu / Của nhân thế trên nẻo mòn vĩnh cửu”. Ai, ngoài ông, có thể có được tiên cảm kinh hoàng về những tai ương, những tang tóc mà nhân loại hôm nay đang hứng chịu:

Một ngày, ngọn gió lạ thường sẽ thổi tới

Ngoài biển khơi, trên lục địa

Sò hến, côn trùng cũng chẳng yên thân

Ngọn gió lạ thường sẽ thổi tới

Quật ngã những bức tượng, xô sập những đền đài

Tiếng hú chạy dài suốt lịch sử

Ngọn gió lạ thường sẽ thổi tới

Xé rách một kỷ nguyên, phân tán các dân tộc

Để mọi người câm lặng ăn năn…

Ngọn gió lạ thường sẽ thổi tới

Sườn núi rát đỏ, đồng ruộng khô ran

Rồi mặt đất cũng vô danh như mặt biển…

Trong thơ Tô Thùy Yên, Ta égal với Thượng đế, với Thiên thu, với Trời đất, Nhân loại, với Biển lớn, với Non cao, với Hạnh phúc, với Khổ lụy… Đầu tiên ta kể về im lặng / Dưới vòm trời, dưới mái tóc ta… Ta hỏi han, hề, Hiu quạnh lớn… Làm sao ta biết được / Niềm vô lượng không gian cuốn hút / Cõi trăm năm tiếp tiếp miệt mài… Chiều, chiều của đời ta, chiều của thiên nhiên… Ta nghe thấy cả những âm thanh lịch sử thịnh nộ / rây lọc mơ hồ qua màn lưới yên bình… Ta cảm ơn người đời. Cảm ơn trời đất… Nhiều khi ta ngước lên ngơ ngẩn / Nghe tiếng chim quen bay lướt qua… Ta khóc lẻ loi, cười một mình… Ta nghe cánh cửa lâu đời sập / Những xích xiềng han rỉ đứt tung... Ta suy ngẫm đau thương về hạnh phúc / Hạnh phúc thực hư như hoa đốm nắng hè / Như cơn gió không thể nào lưu trữ / Như lượn sóng xô lên rồi tan hoang… Ta suy gẫm đau thương về tình yêu / Tình yêu giả trang mối sầu phiêu bạt của nhân thế trăm năm trong bát ngát thời gian… Ta bất chấp hạnh phúc và ta hạnh phúc / Hạnh phúc không chờ trông, không tiếc thương… Tự do, ta thết mừng điên đảo / Cuộc tiệc trăm năm nhục thánh thần… Ta mò đoán nghĩa dòng hư tự / Mòn nét trong thiên địa ngập ngừng… Ta bằng lòng phận que diêm tắt / Chỉ giận sao mồi lửa cháy suông…Ta ra đi / Đường mở tự lòng ta… Ta về – một bóng trên đường lớn… Ta khóc tạ ơn đời máu chảy / Ruột mềm như đá dưới chân ta…Ta về khai giải bùa thiêng yểm… Đi như đi lạc trong trời đất / Thủy tận sơn cùng xí xóa ta… Để khi mở mắt ta nhìn thấy / Cả cuộc đời ta chẳng đáng chi… Có ai trong cõi vô cùng tận / Bắt gặp lòng ta bay đảo điên…

Chỉ có sự ngang bằng ấy, nhà thơ mới có thể làm “cuộc phiêu lưu tinh thần bi liệt” của mình.

Có lúc, “Ra đi như một bình minh lạ / Trên kỷ nguyên chưa kịp hiện hình…Ra đi như một âm thanh sáng / Xuyên suốt tâm linh, dội cảm sầu”, có khi khao khát mãnh liệt: “Chúng ta sẽ gia giáo hóa thiên nhiên / Chúng ta sẽ đồng loạt hóa định mệnh / Chúng ta sẽ nhật tu đời sống miên man trong từng phạm vi chi tiết nhất… Cầu cho ta khôi phục con người ta, vết lóe của thiên nhiên” nhưng thường khi là nỗi buồn, thường khi là nỗi lo âu, thậm chí, tuyệt vọng. Liệu có hành giả nào tự cổ chí kim không buồn khổ, lo âu, tuyệt vọng.

Vinh quang cho ai đang ở trên đường nhưng Một bước đã muôn trùng... Vinh quang cho người chọn được mệnh mình nhưng Làm sao ta biết được / niềm vô lượng không gian cuốn hút / Cõi trăm năm tiếp tiếp miệt mài, làm sao ta biết được / Dâu biển ngoài kia chung cuộc chưa… Trời đất kia còn bao thiên thu?

Đi. Đi qua. Đi qua nữa. Đi qua nữa nữa nhưng chỉ nhìn thấy Trùng trùng những lớp cửa liên hồi mở, đóng, mở… Từng ngày, từng ảo tưởng phai buông…

Ta đi tới, mong còn đi tới nữa / nhìn thế giới diệu kỳ nhưng chỉ trong khoảng sáng buồn rầu / Chừng của một que diêm…

Nhưng Vũ trụ tạo hủy dở dang mãi

Nhưng Con đường đi mỏi mà không tận

Nhưng Thiên thu lóe tắt vệt phù du

Nhưng Việc đời thường khi bất xứng ý

Nhưng Đến ngả ba đành theo một lối / Tiếc ngẩn không cùng theo lối kia

Nhưng Hoài công không định nổi chân hư

Nhưng Cánh cửa lớn lao nào / Mở ra và đóng lại / Kín như bưng / Tưởng chừng không có cửa

Nhưng Mặt trời chiếu rã rưng rưng biển / Vầng khói chim đen thảng thốt

quần; Mòn gót chân sương nắng tháng năm / Thấy, thấy sóng tan tành lũ lượt; Cụm mây trôi rã trong trời lớn / Như giấc chiêm bao thấy nửa chừng; Tàu chuối xác xơ reo ngất ngất / Nỗi đời bi thiết xé lưa tưa; Trời đất thì buồn như trái rỗng / Ta thì như gió tuyệt bơ vơ; Có đi ngàn dặm cũng là quẩn / Càng nhìn trời đất càng hoang mang…

Đây không phải là câu chuyện của một người, của một khoảnh khắc, của một miền đất mà là câu chuyện của muôn năm muôn nơi, câu chuyện của hành giả mang tên Tô Thùy Yên, kể cho Hư không. (Ta chỉ là người trộm nghe. Bởi vậy, đâu dám chắc đã thấu hiểu thâm ý.)

Đặng Tiến tinh tế khi cho rằng thơ Tô Thùy Yên là “những bài thơ ngoài thời gian và vô quốc tịch (Ngựa phi, ngựa phi đường xa)

3. Câu thơ soi mệnh viết mà khóc

Vào năm 1972, trong bài thơ Bất tận nỗi đời hung hãn đó, nhà thơ từng cầu ước được một lần thấu suốt Định mệnh của mình, được một lần nhìn thấy toàn cảnh những con đường mình sẽ đi. Nhưng, vẻ như, ông đã không được toại ước, không thể biết rằng, chỉ vài ba năm sau đó, đã phải đặt chân lên đoạn đường tàn khốc của đời mình: “Đất ta, ta giẫm mà ghê chân”.

Đó là thời của những Mùa hạn: mùa hạn của trời đất, mùa hạn của thể xác, của tâm tưởng:

Ở đây địa ngục chín tầng sâu

Cả giống nòi câm lặng gục đầu

Cắn chết hàm răng, ứa máu mắt

Chung xiềng nhưng chẳng dám nhìn nhau

…Nước khe, cơm độn, thân tàn rạc

Sống chẳng khôn, cầu được thác thiêng

…Sông hồ nẻ đáy, giếng vô vọng

Muôn thú điên lầm lũi bỏ đàn

…Như tên phù thủy già điên loạn

Lịch sử lên cơn giận bất thường

…Gõ lấy đầu mình như gõ cửa

Liên hồi kêu cứu giữa đêm khuya

Đầu ta như chiếc đầu lâu cổ

Tiếng rỗng không khô khốc não nề…

Đó là thời của những chuyến Tàu đêm lao vào cõi mịt mù tựa như một mũi khoan xoáy vào tâm trí đớn đau của người tù:

Toa đêm lúc nhúc hồn oan khốc

Đèn bão mờ soi chẳng rõ ai

Ta gọi rụng rời ta thất lạc

Ta còn chẳng đủ nửa ta đây

…Ngồi đây giữa những phân cùng bụi

Trong chuyển dời xung xát bạo tàn

Ta trở thành than, thành súc vật

Tiếng người e cũng đã quên ngang

…Đem thân làm gã tù lưu xứ

Xí xóa đời ta với đất trời

Ngàn dặm lìa tan tình cố cựu

Bàng hoàng thân thế cụm mây trôi

…Dường như ta chợt khóc đau đớn

Lệ nóng cường toan cháy ruột gan

Lệ chảy không ra ngoài khóe mắt

Nghẹn ngào đến cả tiếng than van

…Tàu đi như một cơn điên đảo

Sắt thép kinh hoàng va đập nhau

Ta tưởng chừng nghe thời đại động

Xô đi ầm ĩ một cơn đau…

Đó là thời của Tiếng kêu cứng nghẽn cổ u tình, của Tháng tháng năm năm / Lòng như núi nặng / Ta đứng lên / đi tới đi lui / Trăm lượt nghìn lần / Như một hồn ma cổ đại / Trong hầm mộ muôn đời…Ta cố nhớ giấc mơ/ Nhưng rồi không nhớ được / Ta nằm xuống / Dỗ mình hãy cố ngủ / Tập quen dần với giấc thiên thu… thời của Tập lịch lâu ngày không gỡ tới / Thờ ơ giữ đủ cả âu sầu… của những đêm tối lền xòe tay cũng chẳng thấy… Thời của tang thương, cay đắng, u uất. Thời của “những ngày câm nín”, theo cách nói của Chân Phương.6

Có thể vị Hành giả đã không thể hiểu hết những dòng lược sử của mình (Thoáng nhớ có lần ta đọc trộm / Lược sử ta trong bí lục nào / Văn nghĩa mơ hồ không hiểu trọn / Thiên thu lóe tắt vệt phù du) để biết được rằng: Định mệnh buộc người phải trải qua những khổ nạn này, như một thử thách. Một lò luyện.

Nhưng, ông đã đi qua, tự giác đi qua. Với con người ấy, những oan khiên, những mất mát, những khổ lụy của cá nhân không làm lụi tắt tình yêu thương bất tận với đồng loại, không làm lụi tắt nỗi lo âu nhân thế. Chính trong cái Mùa hạn kinh hoàng ấy, trong cảnh tù đày khốn khổ ấy, những câu thơ vẫn bật lên ánh sáng nhân ái kỳ diệu nhất mà con người có thể có được:

Xứ khổ, thêm chi mùa thảm khốc

Than ôi, trời đã bỏ rơi dân

Người mẹ trẻ buồn đôi mắt trũng

Thân gầy nhom, tóc cháy, da cằn

Địu con, một nhúm thịt nhăn nhúm

Ra ruộng khê tìm mót cái ăn

…Làng mạc giờ đây đã trống trơn

Con dê, con chó cũng không còn

Người đi bỏ xác nơi bờ bụi

Miếu sạt, thần hoàng rũ héo hon

…Ta thương vô kể mầm cây lụi

Con suối trinh nguyên chết cạn lòng

…Ta gom từng hạt cây luân lạc

Mong mỏi gầy lên một địa đàng

…Tất cả rồi đây sẽ đổi thay

Đổi thay từ quặng mỏ, mầm cây

Đổi thay cả mặt người tăm tối

Những bớt chàm xưa được xóa trôi

…Đi nào, chú bé của ta ơi

Đem tấm lòng trang trải với đời

Yêu cả con sâu cùng cái kiến

Thả hồn vào cỏ lá bung phơi

…Những ai hôm trước từng gây tội

Hãy lắng tâm tha lấy lỗi mình

Tự tại, thời gian chôn chính nó

Đời lên lại mãi tự bình minh…

Chính trên chuyến tàu đêm mịt mùng, vô vọng ấy, những câu thơ lại như những lời kêu gọi vang vọng, những khắc ghi sâu đậm trên ngày tháng:

Thức dậy, những ai còn sống đó

Nhìn ra nhớ lấy phút giây này

Tàu đi như một cơn giông lửa

Cuồn cuộn sao từ ống khói bay

…Nghe cả hồn ta bị cán nghiến

Trên đường lịch sử sắt tuôn mau

…Lịch sử dường như rất vội vã

Tàu không đỗ lại các ga qua

…Thời đại đang đi từng mảng lớn

Rào rào những cụm khói miên man

… Có nghe lịch sử mài thê thiết

Cho sáng lên đời đã rỉ han

…Tàu ơi, hãy kéo còi liên tục

Cho tiếng rền vang dội địa cầu

Lay động những tầng mê sảng tối

Loài người hãy thức, thức cùng nhau.

Thật khó hình dung đó là tiếng nói của một người tù nhưng thật dễ hiểu, khi biết, người tù đó là nhà thơ Tô Thùy Yên – người từng chọn cho mình một cách giã từ đẹp đẽ nhất, sang cả nhất:

Rồi đến một hôm nào

Ta mắc lại

Trên cành cây bất chợt gặp bên đường

Tấm áo sinh thời nặng trĩu bụi

Như một lời từ biệt nghe rồi quên.

Đó là những vần thơ Lấy mình soi mệnh mình.

4. Lòng ta vô sự, ta vui vẻ

Câu thơ này nằm trong bài thơ Hề, ta trở lại gian nhà cỏ, một bài thơ hiếm hoi dường như chứa chất nỗi vui, sự thanh thản của tâm hồn. Dù vậy, ngay lần đầu đọc câu thơ, tôi đã ngờ ngợ có điều chi đó bất ổn. Có thể vì tôi đã đọc quá nhiều những câu thơ đau đớn, dằn vặt, thảng thốt về nỗi đời của Tô Thùy Yên. Chúng phủ trùm lên tâm trí người đọc, không nhường chỗ cho bất cứ điều gì khác. Mà cũng có thể, chính âm hưởng của câu thơ đã phủ định ý nghĩa của từ ngữ. Nếu quả ta vui vẻ, ta vô sự, hẳn ta chẳng cần “tuyên bố” như vậy. Trong lời tuyên bố này hàm chứa một điều gì giống như sự gắng gượng. Gắng tỏ ra vô sự, gắng tỏ ra vui vẻ. Gắng buông mình. Gắng quên những lo âu, phiền lụy:

Ta rảo quanh làng hóng chuyện phiếm

Đời người cũng chuyện phiếm mà thôi…

Trận lốc cười tròn trên quá vãng

Ta làm lại cả tâm hồn ta…

Thôi vướng mắc dài duyên với nợ

Ân oán đời, phong kiếm rửa tay…

…Nên ta phó mặc cho trời đất

Trời đất vô ngôn lại bất nhân…

Ví dù ta ngủ không còn dậy

Ắt hẳn lòng ta cũng dửng dưng…

Vẻ như, cuộc gắng gượng không thành. Xem ra, lòng chẳng hề vô sự. Xem ra, cuộc “làm lại tâm hồn” cũng chỉ là một dự tính bất thành.

Hạnh phúc, tình yêu, niềm vui… trong thơ Tô Thùy Yên thường ở trạng thái của một mơ ước, thường ở thế khả năng, thế của một dự tưởng, một hồi tưởng. Bản trạch yêu thương kia chỉ về trong tưởng tượng. Vườn hạ trong xanh dịu dàng kia chỉ là việc của “mai kia mốt nọ”, những cảnh thanh bình yên ả chỉ là nỗi nhớ tiếc:

Còn ở đâu miền xanh bóng cây

Để ta đến đó ngồi trưa nay

Dường như hơi mát trong vòm lá

Có chất men làm ta thoảng say…

Còn ở đâu làn nước giếng khơi

Để ta đến uống một hơi dài…

Ở đâu còn trận gió thênh thang

Thổi mới trần gian mùa rộn ràng…

Bao giờ, cho đến bao giờ nữa

Em gánh vui về họp chợ đông…

Và, tình yêu. Và niềm vui chỉ là một khát vọng khôn cùng, một mong mỏi khiêm nhường:

Anh yêu em, yêu nuối tuổi đôi mươi

Thấy trong lòng đời nở thật lẻ loi

Một nhành mai nhị độ…

Anh muốn viết một bài thơ mới cho em

Trên trang giấy đã ố vàng quên lãng

Anh muốn ngắt một cành hoa lạ cho em

Trên cuộc đất đã phơi trần hạn hán…

Cũng có lần anh muốn nhìn em

Thành cây nước phun nở

Hân hoan và rã tan

Cùng kiệt tình yêu chất giấu một đời

Một đời hiển hiện và lãng quên

Như quyển sách mở trên bàn mặc tình cho gió lật…

Những thành phố mà ta không ghé lại

Biết đâu chẳng có một con người

Mà ta yêu suốt đời ta thắm thiết mãi…

Vui đi em

Vui được chút nào vui…

Thôi, chẳng tiếc túi vàng đã phung phá

Mà mừng mẩu nến chợt tìm ra…

Hãy hạnh phúc nhất thời

Như dấu lặng

Hãy hạnh phúc nhất thời

Như tiếng mưa rào, như lời cỏ hát

Như ánh chớp đùa, như hạt sương gieo

Như giọt nước lan reo mà tự hủy…

Liệu con người này có lúc nào vô sự, có lúc nào vui vẻ, thảnh thơi như câu thơ ông từng viết?

5. Ta về, khai giải bùa thiêng yểm

Cuộc “khai giải” này dường đã được bắt đầu từ rất lâu, trước tai ương, trước 10 năm tù lưu xứ, trong căn cốt, trong tri cảm của Thi sĩ / Hành giả.

Ví như, từ một lần đi đến ngôi quán vắng vẻ kia: Lỗi tự mình, lỗi tự mình thôi / Đã chẳng nhớ ra ngày tháng hẹn… Tội cho người, tội bấy cho người / Cũng đến đây chờ chẳng gặp ai… Việc đời lầm lẫn vậy / Hối mấy chẳng hơn gì.

Ví như, từ một lần đến Trường Sa: Ta hỏi han, hề, Hiu quạnh lớn / Mà Hiu quạnh lớn vẫn làm ngơ… Mùa gió xoay chiều, gió khốc liệt / Bãi Đông lở mất, bãi Tây bồi / Đám cây bật gốc chờ tan xác / Có hối ra đời chẳng chọn nơi…

Ví như, từ bao nhiêu chiêm nghiệm về lẽ đời: Đừng loạn tâm, đừng loạn tâm / Cuối chặng hành trình quay đảo nhất / Cả thảy sẽ an nhiên / Trong trật tự hằng hằng của vũ trụ…

Và, cuộc “khai giải” sâu đậm nhất đã diễn ra trong một lần gặp mặt tưởng tượng với người lính bên kia chiến tuyến:

Ví dù ngươi bắn rụng ta

Như tiếng hét

Xé hư không bặt im

Chuyện cũng thành vô ích

Ví dầu ngươi gục

Vì bom đạn bất dung

Thi thể chẳng ai thâu

Nào có chi đáng kể

Nghĩ cho cùng, nghĩ cho cùng

Ví dầu các việc ngươi làm, các việc ta làm

Có cùng gom góp lại

Mặt đất này đổi khác được bao nhiêu?

Ngươi há chẳng thấy sao

Phá Tam Giang, phá Tam Giang ngày rày đâu đã cạn?...

Ta thương ta yếu hèn

Ta thương ngươi khờ khạo

Nên cả hai cùng cam phận quay cuồng

Nên cả hai cùng mắc đường Lịch sử…

(Chiều trên phá Tam Giang)

Chắc chắn, nếu không có cuộc “khai giải” trong tâm tưởng ấy, không có cuộc khai giải tự lòng mình ấy, không thể có hình ảnh người tù: Ta về một bóng trên đường lớn; không thể có cảnh tượng: Tưởng tượng nhà nhà đang mở cửa / Làng ta, ngựa đá đã qua sông / Người đi như cá theo con nước / Trống ngũ liên nôn nả gióng mừng; không thể có nỗi hàm ơn: Ta về cúi mái đầu sương điểm / Nghe nặng từ tâm lượng đất trời / Cám ơn hoa đã vì ta nở / Thế giới vui từ mỗi lẻ loi; không thể có sự bình tâm: Em hãy yêu lấy thành phố của anh / Như tất cả những gì anh gửi lại / Trong buổi chiều dịu lãng đời em / Thành phố của anh / Bây giờ đã thuộc về em / Như lời nói thuộc về nhà thơ phe thắng trận; không thể có cuộc lễ tạ đơn độc mà kỳ vĩ: Ta về như lá rơi về cội / Bếp lửa nhân quần ấm tối nay / Chút rượu hồng đây, xin rưới xuống / Giải oan cho cuộc biển dâu này

Cuộc khai giải huy hoàng và đau đớn này, chỉ có thể được làm nên bởi chính tri cảm của một người lớn, một nhà thơ lớn.

Mà,

Bài thơ ông muốn viết vẫn chưa xong.7

***

Các nhà Phê bình văn học danh tiếng như Đặng Tiến, Thụy Khuê, Nguyễn Hưng Quốc, Bùi Vĩnh Phúc… đều đã thử bút với thơ Tô Thùy Yên. Và, dường như chưa ai trong số họ cho rằng họ đã nói lời sau cùng về ông. Chắc chắn, những nhà phê bình tiếp sau họ, những độc giả của tương lai, sẽ đọc Tô Thùy Yên với một định chuẩn thẩm mỹ mới, bởi vì Thơ Tô Thùy Yên là kho báu của thơ Việt, bởi vì Tô Thùy Yên một trong những tiếng thơ lớn, của 20 năm văn chương miền Nam (Du Tử Lê). Chính xác hơn, Tô Thùy Yên là nhà thơ lớn của nền thơ Việt Nam hiện đại.

Sài Gòn 3/2016

Ý Nhi

1. Thơ Tô Thùy Yên: Thức cho xong bài thơ / Mai sớm ra đi / cài hờ lên cửa tặng (Tặng phẩm).

2. Thơ Tô Thùy Yên: Có một gã du hành muôn năm muôn nơi trở về kể chuyện / ý chừng kể để Hư không nghe (Chim bay biển Bắc).

3. Tên hai tập thơ của Tô Thùy Yên.

4. Đặng Tiến: Tác giả kén chọn người đọc và cách đọc, có lẽ vì thế mà 40 năm sau khi có thơ thường xuyên đăng trên báo, anh mới cho xuất bản một tập thơ tuyển, viết về anh có phần khó, không phải ở khâu bình giải khen chê, mà ở mức độ đồng cảm (Ngựa phi, ngựa phi đường xa)

5. Trích thư Tô Thùy Yên trả lời về việc xin đăng thơ ông trên Văn Việt: …Riêng tôi sức khỏe ngày càng lôi thôi, khó lòng đến thăm cô ở ngôi nhà Gò Vấp của cô… hay đi ăn bánh xèo Đinh Công Tráng… Về những bài thơ, xin cô cứ tùy nghi. Tôi thiết nghĩ, dù xa mặt, bao giờ cô cũng chẳng nỡ làm gì có thể hại thanh danh và khí tiết của tôi…

6. Tên một tập thơ của Chân Phương: Chú thích cho những ngày câm nín.

7. Trời rạng / Chuyến đi không hoãn được / Bài thơ tâm phát dẫu chưa xong / Xin vẫn cài hờ lên cửa tạ. (Thơ tạ).

8. Tất cả các câu thơ in nghiêng trong bài viết là thơ Tô Thùy Yên.