Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 19 tháng 10, 2016

Tản mạn Tây Nguyên (6)

Pӧtao Jarai, quyền lực ẩn giấu

Nguyên Ngọc

 

Ít nhất cho đến giữa thế kỷ XV, vùng Tây Nguyên như cách gọi hiện nay[1] là bộ phận phía Tây của vương quốc Champa, dù trong thực tế sự kiểm soát của triều đình Champa đối với vùng đất này không có gì chặt chẽ. Hoàn toàn không thấy dấu vết của một hệ thống tổ chức cai trị nào. Cho đến năm 1912, Henri Maitre còn nhận ra một “Tây Nguyên gồm các làng rời rạc”. Và tận năm 1937, Nguyễn Kinh Chi và Nguyễn Đổng Chi còn khẳng định: “Dù lớn hay nhỏ, làng Ba Na là một tiểu quốc gia độc lập…”. Dấu vết người Chàm còn thấy rõ nhất ở Tây Nguyên là một số ngọn tháp quanh Cheo Reo, vùng đất của người Jarai (thậm chí có người cho rằng người Jarai chính là “người Chàm lên Tây Nguyên”, một đề tài có thể quan trọng và thú vị, mà chúng ta mong có dịp trở lại).

Người Việt đi vào Nam đã mất hơn 300 năm để đứng chân được trên dải đất ven biển nay là Nam Trung bộ, sau đó khi vừa kết thúc Chân Lạp, thì lịch sử đã sang hẳn trang khác: người Pháp đã nhảy vào, biến toàn bộ bán đảo Đông Dương thành thuộc địa và đất bảo hộ. Triều đình Việt do vậy chưa đủ thời gian, tâm trí và cũng không đủ sức dù chỉ để hiểu đôi chút thấu đáo, chứ chưa nói đến tổ chức quản lý chặt chẽ vùng đất xa xôi hiểm trở này. Đi lại với Tây Nguyên, len lỏi thông thạo đường sá, quen biết và khá am hiểu con người ở đây, đời sống và phong tục tập quán của họ, chính là những người quen được gọi là “thương lái”, một tầng lớp khá bị coi thường trong xã hội, mà các nhà cai trị Việt cũng không biết tận dụng khai thác tri thức và thông tin[2]. Còn Triều đình quan phương thì chỉ thỉnh thoảng gửi mấy ông quan của mình lên thăm dò miền đất và người trên ấy, nhằm chuẩn bị về lâu dài cho những dự án thu phục… Cũng cần chú ý suốt các đời vua Nguyên, trên dọc đường giáp ranh giữa vùng người dân tộc thiểu số ở phía Tây và vùng người Kinh ở phía Đông, đã thấy dựng lên một loạt nha sở gọi là “Đồn Sơn phòng”[3], tức một thứ đồn biên phòng nghiêm nhặt: bên kia con đường ấy là những “nước” khác, mà triều đình Việt mong muốn đặt thành những “man” chư hầu. Người ta vẫn thường có thói mang mô hình mình quen, thậm chí mình bị ai đó áp đặt, đến lượt mình lại đi áp đặt lên người khác. Các ông quan được triều đình Việt phái lên thăm dò Tây Nguyên, lạ nước lạ cái, đã tìm thấy ở đây đúng cái mà họ tưởng tượng theo mô hình quen thuộc họ từng biết: những “quốc gia”, với Nhà nước, có thể là những “tiểu quốc”, đứng đầu là những ông vua có tên tuổi hẳn hoi, mà họ thầm tính kế “thu phục”. Bởi quả thật họ cũng đã gặp, tiếp xúc với những con người trông chừng đúng như vậy, những “Pӧtao ia”, “Pӧtao apui” Jarai đứng đầu các “tiểu quốc”, mà họ mau mắn dịch ngay thành “Vua Nước”, “Vua Lửa” của các “nước” Thủy xá, Hỏa xá (đúng ra còn một vị “Vua Gió” nữa, “Pӧtao angin”, mà họ không biết). Người Pháp và người Mỹ về sau cũng chẳng hơn, đều dịch là Roi, King, Roi de L’Eau, Roi du Feu, King of Water, King of Fire. Người Lào thì dịch là Sadet, cũng có nghĩa là vua, có thể hơi nhẹ hơn một chút… Cách hiểu và dịch ấy khiến những kẻ đi chinh phục hoàn toàn yên trí “nắm” được các ông vua này rồi thì tức họ cũng đã chiếm luôn được – họ gọi là “vũ”[4] = vỗ về – thần dân của hai vương quốc man di ở một vùng hoang dã mà giàu có. Triều đình Huế đã long trọng thiết lập với các nước man di này một quan hệ chư hầu trịnh trọng, cùng một chế độ triều cống đâu ra đó. Định kỳ – tuy nhiên rồi tùy tình hình cũng không được đều đặn lắm – các vua Thủy Xá và Hỏa Xá cử đoàn sứ thần mang lễ vật gồm lâm sản quý, mật ong và sáp ong, quế, trầm hương, sừng tê giác… xuống núi đi triều cống, hoặc ra tận Huế, hoặc đến Phú Yên để các quan chức Phú Yên chuyển dâng về triều đình. Đáp lại, triều đình ban tước hiệu, áo mão kèm thẻ bài – về sau khi người Pháp đã cai trị, còn có cả mề đay Tây nữa – cùng quà cáp cho các vua mọi, thường là vải, lụa, một số đồ trang sức sặc sỡ cùng của ngon vật lạ của đồng bằng Việt…

Có điều đáng chú ý: về phía Tây, các vua Jarai cũng có quan hệ thoạt trông tương tự với triều đình Khmer của Campuchia. Tuy nhiên nhìn kỹ thì thấy thậm chí có thể ngược lại: chính triều đình Khmer định kỳ cử các đoàn sứ thần trịnh trọng mang lễ vật lên triều cống các Pӧtao trên núi cao, mà họ gọi là các Samdeth và coi là vua thần. Họ cũng biết rõ cả Pӧtao Angin, Vua Gió, mà người Việt, rồi người Pháp, Mỹ đều lơ mơ. Có thể ngày xưa, quan hệ của triều đình Champa với các vua Jarai cũng thế chăng, chỉ khi chuyển sang người Việt thì mới khác?…

Hệ thống giao thông ở Tây Nguyên ngày nay chủ yếu chạy theo hướng Bắc – Nam, với quốc lộ 14 là trục chính xẻ dọc, nối Tây Nguyên với miền Bắc và miền Nam đất nước; các đường từ vùng ven biển Nam Trung bộ lên, phải vượt qua những Viôlắc, An Khê, Phượng Hoàng, Ngoạn mục… đều là những đèo cao độc đạo, thành những đường xương cá nhập vào cái trục chính nối bắc nam kia... Hình như ngày xưa khác. Hồi ấy là những đường giao thông rộn rịp theo hướng Đông – Tây, nối vương quốc Champa phía Đông với vương quốc Khmer phía Tây, mà Tây Nguyên – với người Jarai là tộc người đông nhất và chiếm vùng trung tâm rộng lớn, ở trên cao – vừa làm một khu đệm vừa là môi giới thông thương. Các Pӧtao Jarai đứng trên chính vị trí vừa kết nối vừa che chắn quan trọng này. Và họ đã giữ được độc lập của xứ Jarai, giữa hai thế lực hùng mạnh và không hiền lành, trong suốt lịch sử.

Các Pötao và hệ thống Pötao của người Jarai có từ bao giờ trong lịch sử ấy? Không ai nói được chính xác.

Theo Jacques Dournes, “khoảng giữa thế kỷ XVI là niên đại xa nhất có một tư liệu viết ghi lại một truyền thuyết truyền khẩu về các Pötao, và còn hơn thế nữa, định vị họ trong lịch sử có niên đại: đấy là các Biên niên của triều đình An Nam, nói về tình trạng chư hầu của các Vua Lửa và Nước, Thủy Xá Ha, theo Luce là vào năm 1558 (trong L. de Reinach, 1901, t. II, tr. 30), theo Laborde là vào năm 1560 (1929, tr. 212)…” [5]

Từ sau đó, các Pӧtao Jarai đã làm tốn khá nhiều giấy mực của các sử gia ở các quốc gia xa gần, các nhà nghiên cứu Đông Tây, và cả các nhà văn ưa thích chuyện phiêu lưu ăn khách. Hai nhà văn nổi tiếng của Pháp André Malraux và Roland Dorgelès cũng không thể không để mình bị lôi cuốn bởi các nhân vật ly kỳ quá ư hấp dẫn này. Còn họ, mà Dournes gọi là “các ông vua ở xứ hổ”, thì đã biến một văn hào cỡ Malraux, chứ chưa nói đến Dorgelès mờ nhạt hơn, thành tác giả của cuốn tiểu thuyết phiêu lưu tầm thường Con đường Hoàng gia đầy chất exotique – Dournes còn nặng lời hơn, ông gọi các nhà văn lớn ấy là “những tay bịa chuyện” vớ vẩn. Một trong những cản trở khó tránh khi viết về miền núi và những con người ở trên ấy, chính là cái vẻ ngoài exotique đó của họ. Exotique là một từ khó dịch. Nó có gốc từ từ exô trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là “ở bên ngoài”. Ở bên ngoài châu Âu, bên ngoài phương Tây “văn minh”. Những người thực dân phương Tây, tự coi mình là văn minh hơn, khi đi chinh phục các dân tộc bị coi là lạc hậu, thường ở vùng nhiệt đới, quanh xích đạo, rất dễ bị choáng vì vẻ ngoài quá lạ (đối với phương Tây, với châu Âu) của các nền văn hóa bản địa họ gặp. Họ rất dễ rơi vào lối hám lạ dễ dãi, nó dựng một bức tường đánh lừa, ngăn họ nhìn thấy và chạm được đến thực chất có thể sâu thẳm của các nền văn hóa kia. Tây Nguyên chính là một vùng đất như vậy, các Pӧtao jarai càng rất dễ là vậy. Ngoài Chúng tôi ăn rừng nổi tiếng, Georges Condominas còn có một tác phẩm thâm thúy tên là L’Exotique est quotidien, Lạ lẫm từng ngày. Ông nói rằng ở Tây Nguyên, cái exotique mà ông gọi rất đúng là cái lạ lẫm là thường nhật, ta chạm mặt nó hằng ngày, chớ vì mê đắm mà dừng lại ở đó, cần vượt qua cho được tấm chắn ấy để đến được với những con người thực của Tây Nguyên, cùng những vấn đề rất thường rất thực rất người của họ. Những con người cũng rất phức tạp, có thể đến thăm thẳm, dưới bề ngoài chừng đơn giản, thô sơ, hoang sơ của họ...

Như các Pӧtao nước, lửa và gió của chúng ta đây, họ là ai vậy?

Jacques Dournes gặp Pӧtao apui, Vua Lửa, bấy giờ là Ơi[6] Anyot, lần đầu vào năm 1955, sau khi Dournes ở vùng của người Sre và Stiêng phía Nam Lâm Đồng và Bắc Bình Phước ngày nay gần năm năm, bị chính Phái bộ truyền giáo hải ngoại là tổ chức đã cử ông sang Việt Nam đuổi về nước vì tội “xao lãng mục vụ” không lo truyền đạo chỉ mải mê đi nghiên cứu văn hóa bản đia…, rồi lại được giám dục Seitz ở Kontum mời trở sang và phái về vùng Cheo Reo của người Jarai. Ông kể: “Tôi mới đến xứ Jörai chưa được một tháng, trú trong nhà dân; bà chủ nhà của tôi đón tiếp Pötao apui, “Vua Lửa” ở nhà mình. Chúng tôi sống cùng nhau nhiều đêm – gặp gỡ riêng lần đầu, quan sát các nghi lễ và khởi đầu một nghiên cứu chăm chú liên tục từ năm 1955 đến năm 1970.”[7]

Chăm chú, tỉ mỉ, cẩn trọng. Suốt 15 năm. Cố tìm giải thích các Pӧtao là ai vậy, trong xã hội Jarai, trong hệ thống Jarai của họ.

Lần khác Dournes kể ông gặp Pӧtao apui đeo một chiếc thẻ bài do triều đình Huế ban, xác nhận vương tước của ông ta. Ông ta xỏ cái thẻ bài ấy bằng một sợi dây, lại cùng với một đồng xu đục lỗ nữa, đeo tòng teng trước ngực, làm một món đồ chơi. Dournes biết đám quan lại của triều đình nhìn thấy hẳn cười nhạo “tên vua mọi ngây dại!”. Mà không thể ngờ anh chàng Jarai rất hề kia cũng đang nhìn lại họ cười thầm: “Các người coi ta là vua, ừ thì ta để cho các người coi ta là vua. Cả Tây cả Mỹ nữa cũng được… Cứ mà tưởng, ta rất muốn thế, ta chỉ muốn thế… Các người chẳng hiểu nổi ta đâu. Ta là Rit của Jarai mà các người không thể biết!…”.

Rồi ta sẽ nói về Rit, nhân vật đặc sắc và yêu quý nhất của người Jarai…

Năm 1997, gần 50 năm sau Jacques Dournes, tôi có đến Ayun Par và được gặp một Pӧtao apui, tất nhiên là một ông khác, đời vua khác. Ông tên là Siu Luynh, Vua Lửa cuối cùng của Tây Nguyên, ở làng Plơi Ơi[8], hồi ấy thuộc xã Čư Athai, nay là xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai. Đúng theo phong tục, nhà của Vua Lửa Siu Luynh nằm về phía Tây và tách hẳn ra khỏi làng. Như ta đã biết, ở Tây Nguyên, hướng Tây là hướng ma, đường ra nghĩa địa. Vua Lửa là con người của thế giới chập chờn nửa trần thế nửa tâm linh, ông vừa là người thường của làng vừa là người thiêng để nối hai thế giới ấy, hai phương diện của thế giới ấy, cho cuộc sống Jarai. Ông thay mặt người Jarai “đi lại” với thần linh. Ông phải ở tách ra khỏi làng, lại về hướng Tây, vì ông quá gần các thần linh, là cái người ta cần, người ta kính, nhưng sợ. Cũng như ta đã thấy người Jarai không thể thiếu rừng, mà cũng sợ quá nhiều rừng[9]. Ở quá gần Pӧtao, bị lây nhiễm hơi ma mà ông quá nặng, thì nguy hiểm, người thường không chịu nổi.

Siu Luynh nghèo nhất làng. Nhà ông nhỏ nhất làng, hầu như trống trơn. Khi chúng tôi đến, ông còn ở ngoài rẫy, khoảng nửa tiếng sau mới về, chào sơ qua chúng tôi rồi lẳng lặng bước lên cầu thang. Ông đóng một chiếc khố đã cũ nhưng còn đẹp, mặc một chiếc áo pun màu đỏ gạch đã sờn, lưng đeo gùi, bên trong chỉ có vài quả dưa hẳn mới hái từ rẫy... Một nông dân Jarai hoàn toàn bình thường… Lát sau, có mấy người phụ tá của ông, mà ở đây người ta gọi là những ania gô, đến. Ông thay quần áo Jarai, lần này là lễ phục hoàn chỉnh và đẹp, ngồi vào trước ché rượu, bắt đầu làm lễ cúng chúc sức khỏe cho chúng tôi. Mấy người ania gô đánh chiêng và múa. Một lễ cúng bình thường như tôi đã quen. Tôi chỉ nhận ra được mỗi một điểm khác: điệu múa của các ania gô không giống lối múa Tây Nguyên tôi thường biết. Họ đưa cao hai bàn tay, uốn cong vút các ngón và chuyển động tréo chân, như các vũ công Chàm hay Khmer…

Vậy đó, ông, Siu Luynh, Pӧtao apui, Vua Lửa Jarai năm 1997 tôi còn có thể gặp. Thật sự ông là ai?

image

Vua Lửa Siu Luynh đi rẫy về. Ảnh trong bài này là của Nguyên Ngọc.

 

image

image

Vua Lửa Siu Luynh

image

Lễ vua Lửa

image

Các phụ tá của vua Lửa đang làm lễ

image

Múa trong lễ cúng của vua Lửa (chú ý: động tác có nhiều nét Chăm)

˟˟˟˟˟˟˟

Người Jarai có câu hát:

Ong jing grong

Kao jing kӧmla

(Anh làm sấm

Em làm sét)

Anh – Em, tình ca? Nhưng tình yêu, sao lại có chuyện sấm sét?

Jarai là xã hội mẫu hệ. Hai câu trên phân rõ vai trò của người đàn ông và người đàn bà trong xã hội ấy. Sấm ồn ào, nhưng khômg ai chết vì sấm; người ta chỉ chết vì sét, là cái vô thanh, cũng vô hình. Sét giấu mình trong sấm, sấm che cho sét. Anh – Đàn ông – là sấm, chỉ là sấm. Em – Đàn bà, mới là sét. Anh ồn ào và ra bên ngoài, che giấu quyền lực thực của em giấu bên trong.

Nguyên lý của xã hội Jarai.

Tôi có một cô sinh viên thuộc tộc người Ê Đê, cũng là một tộc người mẫu hệ. Khác với những phụ nữ Ê Đê tôi thường biết, cô sinh viên của tôi, S. Niê, rất nhỏ bé. Tôi có đến thăm gia đình S. Niê vài lần, và quan sát kỹ, tôi hiểu thêm về vai trò “sét” của người phụ nữ Ê Đê trong gia đình. S. Niê còn đủ cha mẹ, ông bà nội ngoại, đều ở cạnh nhau. Nhưng khi cô vắng nhà, thì trong gia đình không thể bàn bạc và quyết định bất cứ việc gì quan trọng. Về chuyện đất đai, gia sản, hôn nhân mối lái…

Ở Jarai cũng đúng như thế.

Tuy nhiên bước vào một nhà Jarai hay Ê Đê, ta không nhìn thấy điều đó. Người đàn bà quyền lực không ra mặt. Họ luôn được che giấu. Ở sách Pӧtao, một lý thuyết về quyền lực… Jacques Dournes có giới thiệu sơ đồ bố trí nội thất của một số nhà sàn Jarai tiêu biểu. Nhà sàn Jarai bao giờ cũng nằm theo trục Bắc - Nam, có hai cửa, cửa chính hướng Nam, cửa phụ hướng Bắc. Cửa chính là lối đi của đàn ông, đàn bà chỉ đi cửa phụ. Bước vào theo lối cửa chính thì đến phòng khách, ở đấy có một bếp lửa, không để nấu nướng gì, mà là chỗ ngồi của đàn ông trò chuyện, tiếp khách, uống rượu cần, và bàn bạc công việc… Khi Pӧtao cúng ở một nhà nào đó, đấy cũng là chỗ ông làm lễ. Như có thể thấy trên sơ đồ, các ania gô của ông cũng ngồi hay đánh chiêng, nhảy múa ở đấy. Cửa chính, gian chính là chỗ của đàn ông… Đàn bà luôn đi lối cửa phụ, phía sau, hướng Bắc. Bước vào là bếp, chỗ nấu nướng của gia đình. Và khi đàn ông trò chuyện, có thể bàn bạc, tranh cãi, thương thuyết những chuyện quan trọng, ồn ào ở gian trước, bà chủ nhà lẳng lặng ngồi nép ở mép buồng cạnh bếp. Là sét, không xuất hiện nhưng đầy quyền lực, là nữ vương buông rèm chấp chính, bà theo rõi, chỉ đạo người đàn ông “của mình”, là sấm, ở ngoài kia, nơi bà không bao giờ trực tiếp ra mặt tham gia. Người đàn ông “của bà”, đúng vậy. Cơ chế mẫu hệ đã sáng tạo ra một nhân vật như vậy, người Jarai gọi là rơcơi dam, người Ê Đê gọi là dam dei, là đàn ông nhưng thuộc về phía đàn bà, là anh trai hay em trai, hoặc thường hơn là ông cậu[10] (anh hay em của mẹ) của bà chủ. Rơcơi dam hay dam dei thường phải là người giỏi ăn nói, am hiểu luật tục, hiểu rừng núi, đất đai sông suối, thuộc phả hệ và nắm vững quyền lợi của tộc họ, gia đình… Ông là đặc phái viên của bà chủ, nhà thương thuyết, ngoại trưởng của bà… Khi khách bước vào nhà Jarai người chủ ra tiếp là ông ấy chứ không phải bà chủ. Khi người của chính quyền đến có việc, cũng vậy.

Jarai không để cho bên ngoài chạm đến sét của họ. Người ngoài chỉ được chơi với sấm. Sấm hình thức che sét thực chất. Sét giấu mình trong sấm…

Ở cấp gia đình là vậy. Còn ở cấp làng?

Khi người của chính quyền tới làng, người thay mặt ra làm việc với họ là một nhân vật gọi là khoa buôn. Khoa = trưởng, buôn = làng, Khoa buôn tức trưởng làng. Với các chính quyền xưa nay đều vậy. Từ thời Champa hẳn đã vậy. Thời triều đình Việt càng chắc chắn là vậy. Với người Pháp, người Mỹ, với chính quyền Sài Gòn, và cả với “chính quyền” du kích ở trong rừng thời chiến tranh nữa cũng thế thôi.

Tuy nhiên, để ý đôi chút, không khó nhận ra các vị Khoa buôn ấy không thật sự đại diện cho làng, cho người dân của làng. Ông không thật sự có cái quyền đó. Bởi mỗi người Jarai không chỉ, thậm chí không chủ yếu sống cuộc đời trần thế. Họ còn có một cuộc sống khác, quan trọng, chủ yếu hơn, như Dournes thâm thúy đã nhận ra, cuộc sống mỗi đêm lại thức dậy bên bếp lửa nhà sàn khi người viên chức Jarai của nhà nước, của mọi loại nhà nước, trở về căn nhà sàn của họ, trút bỏ bộ quần áo công sở của cái nhà nước ấy, vận chiếc khố Jarai, ở trần hoặc đêm lạnh mùa đông thì khoác chiếc “dồ” tức chiếc chăn thổ cẩm, ngồi xuống cùng nhau, hay cũng có thể chỉ một mình, suốt đêm, chăm chăm nhìn ngọn lửa bập bùng đêm nào cũng thức với người Jarai, với phần Jarai mãi mãi còn trong họ…

Trong làng ắt phải có đại diện, chăm lo cho cái phần đó của con người, phần tâm linh, sâu xa. Ông tên là Khoa yang, yang=thiêng, ông Trưởng thiêng của làng. Trưởng Jarai, trưởng thật. Ông không xuất hiện với nhà nước. Ông chính là vị nữ vương ta đã thấy ở gia đình, nhưng lần này lại là đàn ông, một người đàn ông mang tính nữ, là sét ở cấp làng. Ông đứng kín đằng sau, để cho khoa buônsấm, mang tính nam, ra “chơi” với bên ngoài, với các loại nhà nước, các thời chính quyền…

Ông sẽ chỉ xuất hiện khi người của ông, Pӧtao, đến. Như ta sẽ thấy…

Một lần nữa, sau cấp gia đình, đến cấp làng Jarai, quyền lực thực được giấu.

image

Bố trí nội thất nhà Khoa yang

˟˟˟˟˟˟

Ở cấp gia đình và làng, mỗi nơi cần đến hai người để che giấu quyền lực thực. Ơ cấp toàn xã hội Jarai, cao hơn, lại chỉ có một: Pӧtao.

Chiến lược Jarai:

Quyền lực luôn được giấu kín.

Và một, thì kín hơn hai.

Ta đã thấy cách Pӧtao apui Dournes gặp ở Cheo Reo đeo tòng teng thẻ bài của triều đình cùng đồng xu đục lỗ để cho triều đình yên trí đã nắm được một tay vua mọi ngớ ngẩn và tưởng qua đó đã “thu phục” được cả tộc người Jarai cũng ngớ ngẩn như thế. Pӧtao, cơ chế Pӧtao đã chơi sấm rất tài, với mọi thế lực bên ngoài. Và suốt các thời lịch sử.

Vậy còn, phương diện thứ hai của ông ấy, ông ấy là sét như thế nào với bên trong, với cộng đồng Jarai của ông?

Cần trở lại xa hơn đôi chút.

Về nghĩa của từ Pӧtao. Theo Dournes, từ Pӧtao (jarai) có nghĩa là chủ tể, lãnh chúa. Ông lại ghi tiếp: “… cùng nghĩa với từ Chàm patau. Mục từ patau trong từ điển của Aymonier và Cabaton (1906): Vua.”[11]

Vậy, theo định nghĩa, các Pӧtao Jarai có thể là chủ tể, là lãnh chúa, là vua. Quả họ từng có thể là thế thật, từng có thể trở nên thế thật. Nhưng rồi họ đã không trở nên thế, họ đã không là thế. Đây chính là chỗ độc đáo nhất của họ, chỗ hay nhất của Jarai, của điều mà nhà Tây Nguyên học uyên thâm Jacques Dournes gọi là “một lý thuyết về quyền lực ở người Jarai Đông Dương”, và nó khiến chúng ta đặc biệt quan tâm. Về chuyện quyền lực, chuyện chuyển giao quyền lực, kiểu Jarai…

Về anh chàng Rit ta đã nhắc đến trên kia và đã hứa sẽ trở lại. Bởi vì chuyện bắt đầu từ Rit (hay Drit), người anh hùng yêu quý nhất của người Jarai, nhân vật đẹp nhất trong truyền thuyết Jarai. Bởi các Pӧtao Jarai, từ ông Vua lửa Dournes làm quen lần đầu năm 1955 ở Cheo Reo, qua bao nhiêu đời Pӧtao, cho đến ông Pӧtao apui cuối cùng tôi được gặp ở Plơi Ơi năm 1997, tất cả các ông đều nguyên là Rit, đều từ truyền thuyết Jarai về Rit mà đi ra.

Truyền thuyết về Kӧtang và anh chàng Rit (hay Drit), một kiểu truyền thuyết hầu như dân tộc nào cũng có, còn ở Jarai thì là truyền thuyết phổ biến và quan trọng nhất. Kӧtang là lãnh chúa, tên lãnh chúa của tất cả các truyền thuyết của mọi dân tộc, với những tính chất và hành vi luôn hệt nhau: giàu nhất, gian ác nhất, cướp hết mọi thứ của dân nghèo, bao giờ cũng hiểm độc, lại sở hữu đủ thứ bùa phép mà y dùng để cướp hết các cô gái đẹp trong xứ. Kӧtang chính là Pӧtao của lịch sử.

Còn anh dân đen, ở tận đáy xã hội Jarai, thì tên là Rit (hay Drit). Anh mồ côi, tứ cô vô thân, anh sống ở ngoài rìa làng, ngoài rìa xã hội (đúng như các Pӧtao, như Siu Luynh ta gặp sau này). Sống cùng Rit ở rìa làng là một bà già tên là Ya Pum (mà Dournes dịch là Mère Brousse = Mẹ Rú) cũng nghèo rớt mồng tơi và tứ cô vô thân như Rit. Ya Pum có ở đấy là để an ủi và giúp đỡ Rit. Kӧtang lãnh chúa đã chiếm bao nhiêu cô gái đẹp trong làng, nhiều người nổi dậy đánh lại y, đều thua. Cuối cùng, y quyết đoạt cô gái đẹp nhất, người yêu của Rit. Rit đánh nhau rất nhiều trận với y, phá được mọi bùa phép của y, trận cuối giết được y, lãnh chúa, Kӧtang, Pӧtao. Rit lật đổ được Pӧtao. Nhưng có điều đặc biệt, đặc biệt Rit, đặc biệt Jarai: anh không cướp chính quyền. Anh trở thành Pӧtao. Nhưng không là Pӧtao-kӧtang, không phải Pӧtao-lãnh chúa. Anh trở thành Pӧtao-thiêng. Thành Siu Anyot, bạn của nhà dân tộc học Jacques Dournes. Thành Siu Luynh tôi từng được gặp.

˟˟˟˟˟˟

Công việc của các Pӧtao: hàng năm, đầu mùa rẫy, các ông đi tuần du qua khắp các làng. Vì có ba ông, Nước, Lửa, Gió, nên các ông chia khu vực mà đi. Các ania gô phụ tá tháp tùng. Đón các ông ở các làng là toàn dân làng, vui mừng, nô nức, dưới sự thu xếp của các Khoa Yang, trưởng thiêng, cùng các phụ tá của họ, cũng được gọi là ania gô, tuy ở cấp thấp hơn, giúp tay. Người ta đóng góp cho cuộc tiếp đón và lễ cúng, người gạo hay nếp, người quả bí hay bầu, người bó rau, người con gà, cũng có cả heo... Và tất nhiên, rượu cần…

Pӧtao cúng cầu mưa. Hoặc khi mưa quá nhiều, lũ lụt, ông cầu tạnh. Bằng lời khấn, ông gọi các thần, nhiều vô kể, vì ở Jarai thần là tự nhiên, mà tự nhiên thì bất tận. Ông thuộc hết, nhưng cũng có khi, vì mệt mỏi là chính, ông sót. Có điều lạ, không chỉ các phụ tá ania gô của ông, mà cả một người dân làng nào đó, cả một bà nữa, rỉ tai nhắc ông. Họ rất sợ quên, sót, bởi vì người ta cúng là cúng cho sự hài hòa, cho dòng chảy thông lưu, vậy thì phải bảo toàn đầy đủ các khâu, không được thiếu, không một khâu nhỏ nào bị đứt rời, mọi sự mới yên, lòng người mới an. Điều mà ngay nay hình như khoa học hiện đại đã bắt đầu ngộ ra. Tất cả kết nối. Vũ trụ toàn đồ. Rit đã không cướp chính quyền của Pӧtao-Kӧtang sau khi lật đổ y, mà trở thành Pӧtao thiêng của Jarai là vì chính điều này đây, vì cái Jarai cần là hài hòa của tự nhiên và của con người, chứ không phải, không cần chiếm đoạt…

Cũng có khi Pӧtao đi cúng vì có dịch bệnh, có tai họa hay sự cố bất ngờ… Ông cúng để xin lỗi các thần vì những jơlăm jơlu con người gây ra khiến tự nhiên bị rối và tổn thương.

Ông cũng cúng định kỳ trên núi Sé, một ngọn núi không cao lắm ở gần Čư Thai, nơi cất một lưỡi gươm (mà nghe nói người Việt thì giữ cái bao, người Khmer giữ cái cán, người Jarai giữ lưỡi), được gói kín trong một mảnh vải đỏ, không ai được mở ra, mở ra thì sẽ là tai họa khủng khiếp, là tận thế…, trừ Pӧtao apui, mỗi năm một lần, trong một lễ cúng long trọng nhất. Lưỡi gươm ở núi Sé, biểu tượng của quyền lực mà Rít đã đoạt được của Pӧtao-Kӧtang, rồi đem giữ kín chặt ở đấy, và Pӧtao apui có nhiệm vụ – hẳn đây là nhiệm vụ, là chức năng thiêng liêng, trọng đại nhất của ông, của Rit đã thành Pӧtao thiêng – canh giữ cho bạo lực xấu xa không còn bao giờ được sổng thoát gây đại họa.

Vậy đó, Pӧtao Jarai, thật hiện đại, đương đại, thật cần của hôm nay.

Pӧtao Jarai không cha truyền con nối, khi một Pӧtao qua đời, người ta bầu lên ông khác. Đã có sẵn một hệ thống để làm công việc đó, đấy chính là các Khoa yang ở các làng. Bầu ai? Có cảm giác tương tự như trong việc Tây Tạng chọn các Lạt ma. Trong một xã hội bàng bạc rất đậm không khí của đời sống thiêng, dường như bao giờ cũng có những con người tiềm năng cho chức năng này mà cộng đồng chờ đợi, và cũng dường như người ta luôn cảm nhận được tiềm năng ấy. Việc chọn Pӧtao kế vị không ồn ào nhưng rất chặt chẽ, phải qua những thử thách nghiêm nhặt, xem Yang, thần linh, trời đất có “ưng bụng” không. Nếu một ông đã bầu lên mà vài năm liên tiếp không mưa thuận gió hòa, xã hội có tai biến, thì không ổn rồi. Phải tìm ông khác… Người Jarai kiên nhẫn chờ, có khi đến năm bảy năm khuyết Pӧtao…

Nhân đây cũng cần nói luôn, có ba Pӧtao Nước, Lửa và Gió, vì đấy là ba yếu tố, đúng hơn là ba trạng thái của vật chất theo vũ trụ quan của người Jarai. Tức ba của một. Tam vị nhất thể. Một biểu hiện ra ba. Cho nên, khi rất lâu không có Pӧtao ia, Nước; Pӧtao angin, Gió càng lâu hơn, cũng chẳng sao. Một Lửa, Pӧtao apui thôi cũng được rồi, trong ông đã có cả ba. Còn sau Siu Luynh, Pӧtao apui cuối cùng như tôi được biết, không còn Pӧtao nào nữa thì sao? Hình như cũng chẳng sao lắm với người Jarai. Vật chất, hay vũ trụ, hay nguyên lý tối cao, dù không còn biểu hiện ra ở dạng trần thế, thì vẫn còn đó. Hài hòa của con người, nói cho cùng, cốt yếu là ở bên trong.

˟˟˟˟˟

Xã hội Jarai đã tồn tại với hệ thống quyền lực phi quyền lực của họ như vậy, không biết tự bao giờ, bền vững một cách kỳ lạ và bí ẩn. Theo rõi lịch sử Tây Nguyên, lịch sử Jarai, tôi có chú ý một điều, có thể là lạ chăng: Khi người Pháp vào xâm lược Đông Dương, các tộc người Tây Nguyên vốn yêu tự do, sống phóng khoáng, không chịu bó buộc nào, đã có nhiều cuộc nổi dậy chống lại, nhiều lần rất quyết liệt, anh hùng. Những Nơ Trang Lơn ở Mnông, những cuộc khởi nghĩa lan rộng và kéo dài ở Bắc Tây Nguyên được gọi là “Phong trào Nước Xu” nổi tiếng… Riêng ở Jarai không thấy cuộc nổi dậy vũ trang nào. Chỉ có một lần, ngày 7-4-1904, một viên sĩ quan Pháp tên là Odend’hal, là nhà thám hiểm, cũng lại là nhà chinh phục và nhà cai trị – họ đi thám hiểm, khảo sát để chinh phục rồi cai trị – bị các phụ tá của Pӧtao apui ở Plơi Tour, bấy giờ là Ơi Tu, đâm chết. Người ta bảo do Odend’hal khăng khăng đòi xem lưỡi gươm cất giữ ở núi Sé. Ông ta không thể biết đòi như vậy là ông đòi thả sổng bạo quyền mà Rit đã nhốt chặt lại được sau khi đánh đổ Pӧtao-Kӧtang, trở thành Pӧtao-Thiêng ... Ở Jarai, chỉ có mỗi lần ấy. Còn thì, như ta đã thấy, từ không biết bao giờ, các Pӧtao chỉ làm mỗi việc: đi tuần du cầu mưa mỗi đầu mùa rẫy, cho hạt lúa Jarai nảy mầm. Họ không có cuộc khởi nghĩa vũ trang nào. Và họ giữ được độc lập bền vững. Như Dournes gọi, bằng “lý thuyết về quyền lực” riêng của họ.

Một số nhà nghiên cứu bảo tôi: các tộc người khác ở Tây Nguyên, dưới những dạng khác nhau, đều có những kiểu thiết chế Pӧtao của họ, có thể nhạt hơn.

TB – Trong khi viết bài này, tôi có gọi điện cho một anh bạn ở tỉnh Gia Lai, quê hương của người Jarai, nhờ xác minh vài tư liệu. Anh bạn ở trên ấy báo cho tôi một thông tin chắc không mới, chỉ là tôi lạc hậu không biết: Làng Plơi Ơi của Pӧtao apui Siu Luynh tôi từng đến, nay đã theo Tin Lành hết, chỉ còn sót hai người. Một trong hai người đó nguyên là ania gô, phụ tá của Siu Luynh.

Tôi không có bình luận.

16-10-2016


[1] Tây Nguyên hiện nay, theo quản lý hành chính của Nhà nước, gồm năm tỉnh, kể từ Bắc vào Nam: Kontum, Gia Lai, Đak Lak, Đak Nông, Lâm Đồng. Tuy nhiên quanh khu vực này, còn một mảng rìa khá rộng gồm các vùng phía Tây của các tỉnh Nam Trung bộ và phía Bắc của một số tỉnh Đông Nam bộ, cũng là vùng núi và là nơi cư trú của một số tộc người thiểu số, tương tự như Tây Nguyên về lịch sử, xã hội, văn hóa… Một số nhà nghiên cứu dùng khái niệm “Nam Trường Sơn” thay vì Tây Nguyên, có thể đúng hơn. Jacques Dournes dùng cụm từ “Populations montagnardes du Sud Indochinois” (Các dân tộc miền núi Nam Đông Dương) và viết tắt P.M.S.I., đọc nhanh thành Pemsi, nên ông gọi người Tây Nguyên là Les piemsiens.

[2] Những người Việt đi buôn bán lẻ ở miền núi như vậy cho đến ngày nay vẫn còn – dù không còn thấy gọi là “thương lái” nữa – và cách buôn bán của họ, đặc biệt vời người dân miền núi ở các vùng hẻo lánh tỏ ra có hiệu quả hơn hệ thống mậu dịch thường kềnh càng của nhà nước nhiều. Họ biết rõ nhu cầu cụ thể, tỉ mỉ của từng hộ dân cư dù ở tận hang cùng hóc núi, và tận tụy đưa hàng đúng yêu cầu đến tận từng nhà. Họ cũng lại có thể thực hiện lối đổi hàng lấy hàng, đổi một con gà, mấy bao sắn, vài bọc ngô… lấy muối mắm, mấy thước vải, vài chai dầu hỏa, dăm ba cuốn vở học trò…, chứ không nhất thiết mua bán bằng tiền, rất tiện lợi cho cả hai phía, mà các cửa hàng mậu dịch quan liêu không thể nào làm được. Giá cả của họ có thể đắt hơn đôi chút, nhưng người dân rất thích, tiện lợi hơn hẳn quan hệ với mậu dịch nhà nước.

[3] Ở gần chợ Phước Lâm, trên đường từ huyện lỵ Tiên Phước lên thị trấn Trà Mi của tỉnh Quảng Nam, có một đồi đất thấp, trên đó còn có thể thấy dấu vết một số nhà xây đã đổ nát. Dân trong vùng đến nay còn gọi đồi đất nhỏ này là “Gò Nha”. “Nha”, bởi đây chính là di tích của một “Nha Sơn phòng” thời Nguyễn trấn giữ trên ranh giới giữa vùng người dân tộc thiểu số và vùng người Kinh…

Ở miền Tây Quảng Ngãi, còn có di tích “Bờ Lũy”, một thứ trường thành kéo dài hơn trăm cây số ngăn giữa hai vùng.

[4] Nguyễn Tấn (?-1871), một vị quan triều Nguyễn làm nhiệm vụ trấn áp và thu phục một số tộc người thiểu số ở miền Tây tỉnh Quảng Ngãi, đã tổng kết công vụ của mình trong một cuốn sách có tên là “Vũ man tạp lục” (“Ghi chép về việc vỗ về những người man di”). Về mặt khoa học, đây cũng là một công trình dân tộc học đáng kể, có giá trị về nhiều mặt.

[5] Jacques Dournes 2013, Pӧtao, một lý thuyết về quyền lực ở người Jarai Đông Dương (Nguyên Ngọc dịch). Hà Nội: Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp tại Hà Nội & NXB, Tri thức.

[6]Ơi: tiếng Jarai có nghĩa là ông, chỉ người già, đáng bậc ông (trên cha), gọi một cách kính trọng.

[7] J. Dournes, sđd.

[8] Plơi Ơi, đúng ra chỉ có nghĩa là Làng của Ơi, cách gọi kính trọng đối với người đáng bậc Ông (X. chú thích 6). Ta thấy chỉ cần gọi Plơi Ơi để chỉ làng của Pӧtao.

[9] X. Nguyên Ngọc, Tản Mạn Tây Nguyên 5, Văn Việt.

[10] Ở miền Bắc, ông cậu là em của mẹ; ở miền Nam, anh trai hay em trai của mẹ đều được gọi là cậu.

[11] J. Dournes, sđd, tr. 27.