Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 13 tháng 10, 2016

SỰ GIẬN DỮ TRONG TIỂU THUYẾT CỦA NGƯỜI MỸ GỐC Á: CUỘC PHỎNG VẤN VỚI TÁC GIẢ NGUYỄN THANH VIỆT

Paul Tran ngồi lại cùng Nguyễn Thanh Việt, tổng biên tập trang Diacritics và tác giả của cuốn tiểu thuyết bán chạy nhất “The Sympathizer” (“Cảm tình viên”). Trong cuộc phỏng vấn trên trang The Margins, Paul và nhà văn Nguyễn Thanh Việt trò chuyện về việc thay đổi góc nhìn về chiến tranh Việt Nam và tìm tính nhân văn trong những điều phi nhân văn.

clip_image002

Cuộc chiến Việt Nam đã kết thúc 40 năm về trước. Một chế độ mới được thiết lập từ chiến trường. Nhiều gia đình, như gia đình tôi, chạy trốn qua biển Thái Bình Dương. Nhiều người chết trên biển. Nhiều người khác ước họ đã có thể chết như thế. Không có một kết thúc có hậu nào cho câu chuyện này – nhất là khi kẻ chiến bại không ngừng ám ảnh về sự thất bại của họ trước một dân tộc họ cho rằng coi rẻ mạng người. Nỗi ám ảnh này đương nhiên trở thành chủ đạo trong cách người Mỹ kể đi kể lại sự “can thiệp” của họ vào cuộc đấu tranh giành tự do của người Việt Nam. Nó làm lu mờ câu chuyện của người Việt Nam, những thành tựu và những bi kịch của họ, bằng cách đặt nước Mỹ, quyền lực đế quốc của họ, lòng vị tha và chủ nghĩa ngoại lệ ảo tưởng của họ, làm trọng tâm của câu chuyện. Nhưng cuốn tiểu thuyết đầu tay xuất sắc của nhà văn Nguyễn Thanh Việt, The Sympathizer, kêu gọi chúng ta hướng sự chú ý trở lại tới những nhân vật chủ đạo của cuộc chiến. Nó mở ra một thế giới phức tạp mà trong đó không ai thuộc về “phe chính nghĩa” của lịch sử. Với cảm hứng văn chương dạt dào, mỗi trang sách truyền tải một tiếng nói độc đáo và quen thuộc đến mức ám ảnh, một tiếng nói dứt khoát không cho phép chúng ta quên những điều con người có khả năng thực hiện đối với người khác. Trong một cuộc trò chuyện qua điện thoại tháng trước, nhà văn Nguyễn Thanh Việt và tôi nói về việc viết một cuốn tiểu thuyết đầy giận dữ đối với chủ nghĩa đế quốc Mỹ, rằng nếu chỉ để phá hoại lẫn nhau, người Việt Nam với nhau đã là quá đủ, và về cá nhân sau sự thất bại của các cuộc cách mạng.

Đọc một đoạn trích từ cuốn The Sympathizer của Nguyễn Thanh Việt trên trang The Margins.

Paul Tran: Lớn lên ở San Diego, bang California, nơi cũng là bối cảnh cho cuốn tiểu thuyết của anh, tôi là người duy nhất có thể đọc và viết tiếng Anh trong gia đình tôi. Mẹ tôi lớn lên ở Huế, miền Trung Việt Nam. Bà sinh năm 1954 và đến nước Mỹ năm 1989, sau khi trải qua 9 năm trong tù Việt Cộng và bị cải tạo ở Philippines. Tôi dành phần lớn tuổi thơ của tôi để cố tìm văn chương về người Việt. Chỉ đến khi tôi lên đại học và rời khỏi gia đình, giấc mơ này của tôi mới thành hiện thực. Tôi muốn bắt đầu cuộc trò chuyện với anh như thế này, bởi vì tôi đã đọc các cuộc phỏng vấn trong đó anh bày tỏ những tình cảm tương tự: khi anh, một đứa trẻ lớn lên ở Mỹ, tìm kiếm những câu chuyện về Việt Nam trong văn chương và qua Hollywood. Một trong những bài điểm sách về cuốn tiểu thuyết của anh trên báo New York Times nói rằng nó “lấp đầy một khoảng trống trong văn chương, cho người từ trước đến giờ không có tiếng nói cơ hội lên tiếng, và đồng thời buộc những người khác nhìn nhận lại các sự kiện của 40 năm về trước theo một góc nhìn mới.” Theo anh, cuốn The Sympathizer đã lấp đầy khoảng trống nào?

Nguyễn Thanh Việt: Tôi cho rằng khi mục điểm sách của báo New York Times nói rằng The Sympathizer cho những người trước giờ không có tiếng nói được lên tiếng, điều này không chính xác. Đến giờ, đã có một số lượng đáng kể các tác phẩm văn chương của các tác giả người Mỹ gốc Việt và các tác phẩm được dịch sang Anh ngữ của tác giả người Việt. Người Việt và người Mỹ gốc Việt có tiếng nói của họ. Vấn đề là người Mỹ không lắng nghe. Dù vậy, ngay cả khi đã có các tác phẩm của các tác giả người Việt và người Mỹ gốc Việt, tôi vẫn cho rằng The Sympathizer lấp đầy một chỗ trống trong nội dung của các tác phẩm nói về chủ đề này.

Khi tôi còn đang suy tưởng để hình thành cuốn tiểu thuyết, tôi cảm thấy rằng vẫn chưa có cuốn tiểu thuyết nào trực tiếp đối điện với lịch sử cuộc chiến của Mỹ ở Việt Nam từ góc nhìn của người Mỹ gốc Việt. Hầu hết các tác phẩm văn chương Việt Nam đã được dịch sang tiếng Anh tập trung vào cách nhìn của người Việt ở miền Bắc, của người Cộng sản, hoặc của cựu đảng viên Cộng sản. Văn chương của người Mỹ gốc Việt thường tập trung vào trải nghiệm của người tị nạn, những gì xảy đến với người Việt khi họ đến Mỹ. Thực sự chúng ta đã phải tìm đọc những cuốn hồi ký của những người Việt thế hệ thứ nhất ở Mỹ như Lệ Lý Hayslip và Mai Elliot để đối mặt với chính cuộc chiến.

Kể cả khi đó, vẫn còn thiếu các tác phẩm phê phán những gì Mỹ đã làm ở Việt Nam. Đó là bản năng đầu tiên của cuốn tiểu thuyết – tôi muốn phê phán vai trò của người Mỹ ở Việt Nam thay vì lặp lại thái độ thường thấy của những người Mỹ gốc Việt, đó là hoặc biết ơn vì được người Mỹ giải cứu, hoặc hòa giải, không đối đầu trực tiếp trong văn chương.

Tôi cũng phản hồi lại rất nhiều tác phẩm văn học của người Mỹ gốc Việt mà tôi đã đọc rộng rãi vì đó là một phần của công việc nghiên cứu của tôi. Một trong những đặc điểm của văn chương Việt Nam cũng như của văn chương của người Mỹ gốc Việt là chúng thường không quá giận dữ. Ở đó không có nhiều sự thịnh nộ, ít nhất là trong vài thập niên trở lại đây. Và nếu có, thì cơn giận dữ hay thịnh nộ lại phải được hướng vào những kẻ không biết: đất nước nguồn cội ở châu Á, gia đình châu Á, hay những kẻ gia trưởng châu Á. Cho dù tất cả những điều đó đều quan trọng, tôi cảm nhận một sự ngần ngại – ngần ngại bày tỏ sự tức giận đối với văn hóa Mỹ hay đối với nước Mỹ vì những gì họ đã làm. Đó là lý do tại sao trong cuốn sách, tôi chọn một giọng nói giận dữ hơn nhiều đối với văn hóa Mỹ và nước Mỹ.

Cuối cùng, tôi đã không muốn để lọt trách nhiệm một ai cả, do đó cuốn tiểu thuyết cũng phê phán văn hóa và chính trị của miền Nam Việt Nam và chủ nghĩa cộng sản Việt Nam. Thay vì chọn lọc đối tượng một cách có chủ đích và chỉ phê phán một nhóm người nào đó, trong cuốn tiểu thuyết, tất cả mọi người đều phải chịu một phần trách nhiệm.

__________________________________________________________

Bạn có thích đọc diaCRITICS không?
Nếu thế thì mời đăng ký nhận bài hoặc GÓP TIỀN GIÚP ĐỠ.
Xem các lựa chọn ở góc phải bên trên, đăng ký qua email hoặc bản tin RSS.

__________________________________________________________

Lần đầu tiên tôi được tiếp xúc với công trình nghiên cứu của anh là khi đọc cuốn Race and Resistance khi còn là sinh viên đại học. Khi đọc The Sympathizer, tôi đã hiếu kỳ muốn xem những tư tưởng nào từ trong công trình nghiên cứu đó đã thành một phần của cuốn tiểu thuyết. Một điều rất rõ ràng là The Sympathizer bác bỏ khái niệm rẽ đôi về đối kháng và đồng hóa, bằng cách khai triển một tiếng nói vừa suy ngẫm về bản thân vừa nhìn nhận mọi việc một cách phê phán, và tiếng nói đó nói với mọi người. Khi tiếng nói đó nói với mọi người, ý anh có phải là “mọi người” là độc giả của cuốn sách? Nói một cách cụ thể hơn, là một nhà văn trẻ tôi thường đọc cuốn Playing in the Dark của Toni Morrison để suy nghĩ về những cách trong đó các nhà văn da màu có khuynh hướng viết cho cái nhìn soi mói của người da trắng (dominant gazes). Tôi không cảm thấy điều đó khi đọc The Sympathizer. Bằng cách viết ra và phân tích sự đồng lõa của tất cả mọi người trong cuộc chiến, có phải cuốn tiểu thuyết tránh không đếm xỉa đến sự soi mói của giới có thế lực?

Tôi rất ý thức về những gì Toni Morrison đã nói về việc bà ấy viết như thế nào. Bà luôn luôn viết về người da đen và nói rằng kinh nghiệm của người da đen đã là phổ quát. Không có lời biện hộ nào trong các tác phẩm của bà. Một điều rất quan trọng với tôi là trong cuốn tiểu thuyết không có lời biện hộ, không phiên dịch, không giải thích, bởi vì chúng là các dấu hiệu cho thấy một tác phẩm được viết để nhằm vào đối tượng là văn hóa chủ đạo. Thay vào đó, tôi cố tình sắp xếp một độc giả ngay trong cuốn sách, như một lời thú tội đối với một người Việt Nam khác. Trong chừng mực nào đó mà cần phiên dịch hay giải thích, đó không phải là phiên dịch hay giải thích văn hóa Việt Nam cho người Mỹ, mà đó là để giải thích văn hóa Mỹ hoặc văn hóa miền Nam Việt Nam cho người Việt Nam. Đó là thực sự là một bước then chốt đối với tôi, vì nó cho phép tôi sử dụng cách tiếp cận phê phán và châm biếm đối với văn hóa Mỹ.

Tôi đã không muốn viết cuốn sách này như là một cách để giải thích tính nhân văn của người Việt Nam. Toni Morrison nói trong cuốn Beloved rằng phải giải thích bản thân bạn với người da trắng đồng nghĩa với việc xuyên tạc bản thân, vì bạn bắt đầu cái thế mà ở đó bạn thừa nhận tính dã man hay sự thiếu nhân văn của mình trong mắt người khác. Thay vì viết một cuốn sách để cố gắng chứng tỏ tính nhân văn, một vị trí mà những nhà văn da màu thường bị đặt vào, cuốn tiểu thuyết của tôi bắt đầu từ giả định rằng chúng ta nhân văn, và rồi tiếp tục để chứng minh rằng đồng thời chúng ta cũng phi nhân văn vậy.

Tất cả mọi người trong cuốn sách, đặc biệt là nhân vật chính, đều có tội vì đã phạm phải một hành động kinh khủng nào đó. Đối với tôi, khả năng thừa nhận rằng chúng ta vừa nhân văn vừa phi nhân văn là thực sự then chốt, bởi vì sự thừa nhận đó cũng là một đặc điểm của văn hóa chủ đạo. Ví dụ, trong các bộ phim Mỹ về chiến tranh Việt Nam, người Mỹ muốn xuất hiện trên màn ảnh cho dù họ phải đóng vai ác hay phản diện. Chẳng thà làm như vậy còn hơn là đóng một vai phụ nhân đạo và đức hạnh ở bên lề. Văn hóa chủ đạo hoàn toàn sẵn sàng đề cao, và đôi khi tuyên bố, tính phi nhân văn như một phần của tính chủ quan. Điều này làm nên một bộ phim hay và một tác phẩm nghệ thuật tốt. Và đó là điều tôi cảm thấy tôi cũng cần phải làm được trong cuốn sách này: khẳng định tính tính nhân văn là chưa đủ và có khi còn trịch thượng nữa. Có khả năng đưa ra một người kể chuyện vừa nhân văn vừa phi nhân văn là cách mà tôi thách thức sự lệ thuộc của chúng ta vào văn hóa chủ đạo.

Trong cuộc phỏng vấn của anh với Hyphen anh hỏi, “Tôi sẽ làm gì nếu tôi đã phải sống trong giai đoạn đó?” Trong cách miêu tả người Việt Nam trong văn hóa chủ đạo, thường thường nhân vật người Việt – mà, nói chung, thường là một người đàn bà – làm biểu tượng cho cả dân tộc. Các nhân vật bên lề đó được đối xử trong phim ảnh và trong văn chương như là một ẩn dụ hoặc gợi mở để suy nghĩ về hoặc phô bày cách mà Việt Nam bị đối xử. Tôi có ý kiến của riêng tôi về một nhân vật trong sách tượng trưng cho Việt Nam. Nhưng tôi muốn hỏi anh nếu anh cũng đã có suy nghĩ đó?

Tôi nghĩ tôi đã cố tránh ý tưởng rằng phải có một nhân vật nhất định nào đó tượng trưng cho dân tộc, bởi vì cuốn tiểu thuyết của tôi phản ứng lại những truyện như The Quiet American mà trong đó Phượng, một nhân vật trong cuốn tiểu thuyết, là biểu tượng của một đất nước đang bị tranh giành. Thường người ta có xu hướng đặt vai trò biểu tượng đó vào một nhân vật, đặc biệt là một người đàn bà. Nhưng tôi nghĩ những nhân vật khác nhau trong cuốn tiểu thuyết là hiện thân của những khía cạnh khác nhau của những gì đã xảy đến với Việt Nam và người Việt Nam, và một trong những nhân vật bi kịch hơn cả là người mẹ của nhân vật chính và chính anh ta. Anh có thể đọc những gì xảy ra với người mẹ, người bị một thầy tu người Pháp làm có thai, như một phúng dụ của thực dân hóa. Bà cũng có mặt trong cuốn sách để giúp nhân văn hóa nhân vật chính. Chúng ta phải cho anh ta những cảm xúc nhân bản rất thực đối với một ai đó. Tương tự, nhân vật chính của chúng ta rõ ràng nghĩ về bản thân như một người là hiện thân của lịch sử Việt Nam – một đứa con lai, có nguồn gốc từ cuộc cưỡng hiếp. Sự quấy rầy đó lại một lần nữa là phúng dụ cho những gì người Pháp đã làm, và sự chia rẽ là phúng dụ cho những gì đã diễn ra đối với đất nước như một hậu quả của thực dân hóa. Nhưng tôi tìm cách giảm nhẹ những gánh nặng đó bằng cách xây dựng các nhân vật phức tạp đến hết mức có thể.

Có một thời điểm tôi đã thấy rõ ràng là nhân vật chính tượng trưng cho Việt Nam: một đứa con lai, bị chia rẽ. Đối với tôi, đó là sự làm mới sống động câu chuyện về nguồn gốc Việt Nam, được đề cập ở các chương cuối của cuốn sách. Tuy vậy, ở một thời điểm khác, tôi thấy một nhân vật rõ ràng tự giới thiệu mình là Việt Nam. Đó là người nữ điệp viên, sau khi bị những tay cảnh sát bắt giữ cưỡng hiếp, đã đáp lại câu hỏi “Mày tên gì?” bằng câu trả lời “Họ của tao là Việt và tên của tao là Nam.” Trong thời điểm đó, một thời điểm cực kỳ kinh hoàng và ghê rợn, người điệp viên nhìn người kể chuyện, nhưng không hề nhìn thấy anh ta. Trong một nghĩa nào đó, một nước Việt Nam không thừa nhận nước Việt Nam kia. Đó là một dàn cảnh kỳ diệu: sự việc diễn ra trong một căn phòng được gọi là Phòng Chiếu Phim. Tôi muốn biết Việt Nam đã bị xuyên tạc như thế nào, đến mức không thể tự nhận ra chính mình, qua các tác phẩm của Hollywood? Và có phải những căn phòng đó tượng trưng cho văn hóa đại chúng?

Cảm ơn bạn đã nhắc tôi về điều đó; bạn hoàn toàn đúng. Tôi đã nghĩ về truyền thống biểu trưng Việt Nam qua người đàn bà như một điều gì đó mà không chỉ người nước ngoài làm, mà cả người Việt Nam cũng vậy. Câu nói đó của người điệp viên cộng sản là ám chỉ câu chuyện Phan Bội Châu, mà cũng là một phần trong cuốn phim do Trịnh T. Minh-Hà đạo diễn, Surname Viet Given Name Nam (Họ Việt Tên Nam). Người đàn bà trẻ, khi có ai hỏi cô đã có chồng chưa, cô nói: “Có rồi, và họ anh ấy là Việt và tên anh ấy là Nam.” Tôi muốn vừa nhắc lại câu chuyện đó, vừa thay đổi nó, bởi vì người nữ điệp viên không lấy đất nước làm chồng, mà cô là hiện thân của đất nước. Bối cảnh, một phòng chiếu phim, cũng liên tưởng lại một lần nữa về bộ phim Surname Viet Given Name Nam, cuốn phim đã chơi lại cách Việt Nam, đặc biệt là đàn bà Việt Nam, được mô tả trong phim ảnh.

Trong trí tưởng tượng của người Mỹ, thường thường người đàn bà Việt Nam đóng vai trò như nhân vật nữ chính trong phim The Quiet American (Người Mỹ Thầm Lặng) đã đóng, tức là đại diện cho đất nước, bị cưỡng hiếp, hoặc trở thành người tình của người ngoại quốc, đặc biệt là lính Mỹ. Lần này qua lần khác ta thấy điều đó trên màn ảnh: người đàn bà Việt Nam được dựng nên để đau khổ vì tình yêu cô ta dành cho một người ngoại quốc và đó là một phần của bi kịch của cô, điều khiến cô trở nên hấp dẫn đối với phương Tây. Vì vậy trong cảnh đó của cuốn tiểu thuyết, tôi muốn chỉ ra rằng điều đó không phải là chỉ diễn ra trong cách phương Tây đối xử với người Việt, mà ở trong chính cái cách người Việt hành xử với nhau. Nói một cách khác, đàn ông Việt Nam cũng cưỡng hiếp đàn bà Việt Nam vậy. Người Việt Nam ít nhất cũng phải chịu trách nhiệm một phần nào đó cho những gì họ đã làm với đồng bào mình. Tôi đã không muốn ngoảnh mặt đi và đổ lỗi hoàn toàn cho người Mỹ hay người Pháp, dù rằng sự đổ lỗi đó là có. Tôi muốn cảnh này diễn ra trong chính cuộc đối đầu và trách nhiệm giữa người Việt với người Việt bởi vì, một lần nữa, đây là một phần trong việc chúng ta giành lại tính chủ quan của mình: chúng ta không chỉ là nạn nhân mà cũng là chính những kẻ gây hại nữa. Đó là một phần của lịch sử của chúng ta mà ai cũng cảm thấy khó đối mặt. Chúng ta thà đổ lỗi cho người khác hay các phe khác. Điều đó quan trọng, nhưng chúng ta cũng cần nhìn nhận đầy đủ việc chúng ta đã phá hoại lẫn nhau như thế nào, đó là một trong những dòng chính ở cuối cuốn sách.

Tôi bị ám ảnh bởi hồn ma và việc những hồn ma xuất hiện ra sao trong văn chương của người Mỹ gốc Việt. Những học giả như Sharon Patricia Holland và Avery Gordon đã có nghiên cứu về hồn ma trong các bài văn về mối quan hệ chủng tộc ở Mỹ và xem xét các cách hồn ma và nhân vật ma quỷ hiện diện ởvành đai câu chuyện, ám ảnh những kẻ bên lề, làm phức tạp thêm những gì chúng ta đã biết về đại tự sự kiểu Mỹ. Vậy theo anh, có những hồn ma nào trong The Sympathizer?

Trong cuốn tiểu thuyết không có nhiều ma lắm. Nói một cách chung chung để không hé lộ tình tiết câu chuyện, có những người chết và thực sự xuất hiện lại như hồn ma trong trí tưởng tượng của người kể chuyện. Người kể chuyện bị ám ảnh bởi quá khứ, bởi những nhân vật như cha và mẹ anh ta, nhưng thực sự là anh ta bị ám ảnh bởi tất cả những gì đã xảy ra đối với Việt Nam. Chúng ta thấy anh ta bị buộc phải chạy trốn như một người tị nạn đến nước Mỹ và bỏ lại phía sau rất nhiều người. Càng vào sâu trong cuốn sách, càng có nhiều dữ kiện lịch sử của Việt Nam được hé lộ, để rồi đến cuối cuốn sách, một thời điểm then chốt, người kể chuyện du hành ngược về lịch sử trong trí tưởng tượng của anh ta để điểm lại tất cả những tổn thương và đau khổ mà Việt Nam đã từng trải qua trong lịch sử, và lịch sử đó tiếp tục ám ảnh anh ta ra sao trong hiện tại và cho đến khi anh tìm lại về nguồn gốc của văn hóa Việt Nam: Tổ tiên của chúng ta là vua rồng và tiên nữ, 100 người con bị chia rẽ, một nửa lên núi, một nửa xuống biển. Người kể chuyện của chúng ta phải đi đến tận cùng lịch sử, đến thời điểm của tội lỗi nguyên thủy, để tự giải thích được tại sao anh phải đối mặt với hiện tại đầy hồn ma.

Mỗi trang của cuốn tiểu thuyết mở ra một điều gì đó khác biệt. Nó nhìn lại lịch sử, với các nhân vật và sự kiện có ý nghĩa quan trọng trong mối quan hệ đối ngoại giữa Mỹ và Việt Nam và thời hậu chiến. Tôi đặc biệt quan tâm đến phần cuối, khi người kể chuyện về lại Việt Nam và người Chính ủy hỏi anh ta, “Điều gì quan trọng hơn độc lập và tự do?” Anh ta gào lên câu trả lời: “Không có gì.” Tôi cứ giở lại phần đầu cuốn sách, khi người kể chuyện nói rằng anh ta chẳng là gì cả, không được đặt tên, không được thừa nhận bởi cha anh ta. Có mối liên hệ nào giữa câu trả lời của người kể chuyện đối với người Chính ủy và chính bản thân người kể chuyện? Có phải chính người kể chuyện là câu trả lời xuyên suốt cho câu hỏi đó – có nghĩa là, với tư cách một cá nhân không là gì cả, có phải cá nhân quan trọng hơn là độc lập và tự do? Hay “không có gì” thực sựlà không có gì? Hay đó là một điều gì khác nữa?

Tôi không muốn trình bày cá nhân và cách mạng như một bộ đôi. Tôi thực sự rõ ràng đã nghĩ về cuốn The Invisible Man của Ralph Ellison, một cuốn sách đã gây nhiều ảnh hưởng với tôi. Cuốn sách của Ellison cũng đi theo cách kể chuyện tương tự về một người giác ngộ, đi theo cách mạng, và rồi, khi phát hiện ra rằng cách mạng đã thất bại, quay trở về với chủ nghĩa cá nhân. Và tôi đồng ý với Ellison trong cả cuốn sách, ngoại trừ điểm này. Phần kết của cuốn tiểu thuyết của tôi là sự bất đồng của tôi với Ellison, vì ngay cả khi cách mạng làm nhân vật chính thất vọng, anh ta không cảm thấy cần phải đi về hướng ngược lại và tuyên bố tất cả những gì còn lại cho anh ta bây giờ là làm một cá nhân. Một cá nhân chẳng là gì cả vẫn có thể quan trọng hơn sự thất bại của cách mạng. Và do đó cá nhân đó tiếp tục khẳng định sự quan trọng của việc làm một người cách mạng và thực hành tình đoàn kết. Câu hỏi của anh chỉ ra một điều mà tôi thấy đúng, đó là trong một khía cạnh nào đó thậm chí một cá nhân chẳng là gì cả lại rất có giá trị trong một xã hội cách mạng. Nhưng, đồng thời, quay sang chủ nghĩa cá nhân cũng sẽ không phải là câu trả lời cho sự thất bại của các cuộc cách mạng, đó là điều mà tôi tìm cách diễn đạt phần nào ở cuối cuốn sách. Cuốn sách không thực sự đưa ra một giải pháp nào ở phần kết cả, bởi vì đối với tôi những cuộc phiêu lưu – hay những tai ương – của người kể chuyện vẫn chưa chấm dứt. Anh ta chỉ đơn giản là phát hiện ra một điều kinh hoàng và rồi được bỏ lại ở thời điểm đó, một sự bắt đầu mà cuốn tiểu thuyết không đóng lại ở phần cuối.

Anh đã từng nói rằng cuốn tiểu thuyết này đòi hỏi một cuốn tiếp theo, bởi vì sau khi người kể chuyện đã hoàn toàn bị phá hủy, có một lúc sự khôi phục của anh ta bắt đầu. Trong cùng một mạch với câu hỏi tôi hỏi khi trước về hồn ma, anh nói trong một cuộc phỏng vấn rằng khi viết cuốn sách này, anh bị ám ảnh bởi ác mộng. Nghĩ về cơn ác mộng ma mị xảy đến với cả anh và người kểchuyện ở cuối cuốn tiểu thuyết – khi anh viết, “Anh ta đã vật lộn với nhiều điều mà đến giờ anh mới hiểu.” – anh hiểu gì về người kể chuyện, về các cuộc phiêu lưu và tai ương của anh ta, hoặc về câu chuyện Việt Nam mà anh đang viết nên, và điều đó sẽ bắt đầu dự án tiếp theo ra sao?

Tôi nghĩ anh ta chỉ mới bắt đầu hiểu bản thân anh ta và con người của anh ta. Trong suốt cuốn tiểu thuyết, anh ta bị giằng xé bởi những điều anh ta đã chứng kiến và chịu đựng khi anh ta viết lời thú tội. Anh ta nghĩ anh ta biết anh ta là ai và thế giới vận hành như thế nào bởi vì anh ta là một người cách mạng. Anh ta giác ngộ chính trị, điều đã cho phép anh ta hiểu hơn về bản thân và những gì anh ta cảm nhận. Nhưng sự tự tin đó bị tước dần khỏi anh ta trong diễn biến của cuốn sách. Do đó anh ta bị bỏ lại chơ vơ ở phần kết, và anh ta cần phải tìm ra cách để khôi phục lại bản thân anh ta sau cuộc cải tạo. Tôi có vài ý tưởng về những cách đó, nhưng một phần thú vị của việc viết lách là không thực sự biết đích xác anh ta sẽ thay đổi thành một con người như thế nào? Tôi có thể sẽ phải viết cuốn tiếp theo để tìm ra cuộc tự cải tạo của anh sẽ hé lộ như thế nào.

Trong lời cảm ơn, anh viết rằng những từ cuối của cuốn sách anh dành cho Lan Duong và con trai anh, Ellison. Tôi xem lại những từ cuối cùng đó và chúng là “Chúng ta sẽ sống.” Khi con trai anh trưởng thành trong thế giới này, nơi cuốn tiểu thuyết này tồn tại, anh hi vọng con anh sẽ sống một cuộc sống như thế nào?

Làm cha là một trải nghiệm đầy khám phá. Con trai tôi thực sự mang lại bao điều ngạc nhiên, theo nghĩa rằng tôi thấy con tôi thật kỳ diệu, mà điều này chắc người làm cha nào cũng nghĩ về con mình như vậy, tôi hi vọng thế. Tôi không muốn đặt gánh nặng của sự kỳ vọng lên con tôi, theo kiểu chúng ta, người Mỹ gốc Việt, được cho là phải mong muốn cho con cái của chúng ta, như đi học tại các trường Ivy League danh giá, hay thành công về sự nghiệp, và những thứ như vậy. Những điều đó với tôi là không quan trọng. Tôi nhìn con trai tôi và tôi thấy một đứa trẻ hạnh phúc, yêu thương, tử tế, và là một niềm vui, và tôi muốn con tôi giữ được các phẩm chất đó khi trưởng thành và sống trong cuộc đời. Đối với tôi điều đó quan trọng hơn bất kỳ sự thành công bề ngoài nào mà con tôi có thể đạt được. Tôi nghĩ những gì tôi muốn cho con tôi là kết quả của chính kinh nghiệm của bản thân tôi và những gì xảy đến với người kể chuyện trong cuốn sách. Một điều chắc chắn là tôi không muốn con tôi lớn lên giống tôi hay người kể chuyện; và chắc chắn là tôi không muốn con tôi trở thành nhà văn!

Anh hi vọng cuốn tiểu thuyết của anh sẽ đạt được điều gì trên thực tế về mặt chính trị, đặc biệt là khi văn hóa Mỹ đang thống lĩnh và sẽ không ngừng duy trì suy nghĩ của riêng họ về người Việt Nam và sự dính dáng của họ với Việt Nam.

Một người phỏng vấn tôi, sau khi cô đọc xong cuốn sách, đã nói với tôi rằng phần kết của cuốn sách khiến cô bối rối. Tôi muốn độc giả phải bối rối khi đọc cuốn sách. Đó có lẽ là tất cả những gì tôi hi vọng cuốn sách thực hiện được về mặt chính trị. Tôi đã từng tự hỏi nếu tôi, với tư cách là một nhà phê bình, đã đánh giá quá cao khả năng chính trị của văn chương, khả năng gây ảnh hưởng bên ngoài phạm vi độc giả. Tôi hi vọng văn chương làm được điều đó, nhưng tôi không dám dự đoán cuốn sách sẽ có tác động như thế nào, ngoại trừ tác động trong lĩnh vực văn chương và tới những người đọc sách. Tôi muốn cuốn sách thách thức mọi người phải nhìn nhận lại các giả định của họ về lịch sử, cũng như về các tác phẩm văn chương họ đã đọc trước đây – và khiến họ không thoải mái theo một nghĩa tốt.

Người dịch: HUONG NGUYEN (Nguyễn Thị Hường) làm nghiên cứu và dịch thuật tại New York.

PAUL TRAN là một nhà sử học và nhà thơ người Mỹ gốc Việt. Anh đoạt giải “Best Poet” và “Pushing the Art Forward” tại cuộc thi đọc thơ giữa các trường đại học toàn quốc, cũng như các giải thưởng và học bổng từ Kundiman, VONA, Poets House, Lambda Literary, Napa Valley Writers Conference, và Andrew W. Mellon Foundation. Thơ của anh có thể được tìm đọc tại CURA, Nepantla, cream city review, The Cortland Review, Split This Rock, và RHINO, tạp chí đã chọn anh cho giải Editor’s Prize năm 2015. Paul hiện đang sống tại thành phố New York, nơi anh theo học cao học về Lưu trữ và Lịch sử công cộng (Archives & Public History) tại trường đại học NYU.

__________________________________________________________

Bạn có thích đọc diaCRITICS không? Nếu có thì xin mời đăng ký nhận bài ở đây.

Vui lòng bỏ chút thời gian chia sẻ bài này. Chia sẻ (qua email, Facebook, v.v.) giúp quảng bá diaCRITICS. Mời bạn tham gia vào câu chuyện và để lại lời bàn!

Nguồn: http://diacritics.org/?p=28051