Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 18 tháng 10, 2016

Sóng Ngầm (II)

Đồng Hới - Một phần tuổi thơ tôi

Hồi ức

Nguyễn Tuyết Lộc

Nỗi kinh hoàng của những năm cuối cuộc chiến tranh Việt Pháp trong thời thơ ấu như một đoạn phim quay chậm luôn ám ảnh tâm trí tôi.

Bên kia dòng Nhật Lệ hiền hòa chảy qua thành phố Đồng Hới là cồn cát trắng Bảo Ninh trải dài của làng chài, mái tranh lúp xúp. Chỉ cần một đêm có cơn bão thổi qua là ngày mai không còn thấy bóng dáng nhà cửa mô nữa. Dân chài lấy cây, lấy lá giúp nhau dựng chòi mới ở tạm. Nhà cất lên, sập xuống, bay tơi tả, rồi lại cất lên, rồi lại sập trong mùa mưa bão là chuyện thường như cơm bữa của dân chài. Mấy chiếc nôốc tròn to đan bằng tre nứa và những chiếc thuyền nhỏ đánh cá nằm rải rác ngổn ngang trên bãi cát đầy rong rêu. Phía bên kia cồn cát, biển xanh bát ngát với những hàng thông mọc lên từng cụm, qua một chuyến đò ngang là có thể ngâm mình trong nước biển vào những ngày gió Lào nắng gắt. Đây là bãi tắm đồng thời là cửa biển Nhật Lệ, nơi hai con sông Đại Giang (Long Đại) và Kiến Giang gặp nhau ở Trung Quán rồi cùng chảy ra biển.

Bên này phía Nam sông Nhật Lệ là một khoảng công viên đầy thông và thông. Khi mặt trời nhô lên khỏi bãi biển Bảo Ninh, đứng ở công viên này nhìn về hướng Đông, ngắm mặt trời lên sẽ thấy con sông lấp lánh ánh sáng rực rỡ suốt dọc chiều dài hàng trăm mét, thật thú vị.

Cũng tại nơi đây năm 1953, Đồng Hới làm lễ chúc mừng vua Bảo Đại– vị hoàng đế thứ 13 và cuối cùng của triều Nguyễn. Nhà vua đã thoái vị sau cách mạng tháng 8.1945, và trở về tại vị năm 1949, tuyên bố tạm giữ chức quốc trưởng cho đến cuộc trưng cầu dân ý của Ngô Đình Diệm vào năm 1955.

Để tham gia buổi lễ, học sinh lớn nhỏ cũng như người làm cho nhà nước phải tập diễu hành cả mấy ngày trước đó. Một người hô lớn khẩu hiệu: “Đức Hoàng Đế Bảo Đại muôn năm”, học sinh và dân chúng cùng hô vang lên: “Muôn năm! Muôn năm! Muôn năm!”. Hoặc “Đức Hoàng đế Bảo Đại Vạn tuế”, tất cả dân chúng tay cầm cờ đưa cao, hô: “Vạn tuế! Vạn tuế! Vạn tuế!”. Em tôi, Nguyễn Thanh Tịnh, nói ngọng Mẹ sửa hoài không được, thay vì âm “Đ” Tịnh phát âm thành “C” nghe chẳng giống ai, ví dụ: “xe đạp đỏ đèn” Tịnh nói thành “xe cạp cỏ kèn”. Cho nên thay vì hô “Đức Hoàng Đế Bảo Đại Muôn Năm” thì Tịnh rống lên “Cức… Cức Hoàng Kế Bảo Cại muôn năm”. Thầy giáo nghe rõ phát âm có nội dung “khi quân” của Tịnh trong đám học trò lớp ấu trĩ hốt hoảng vội vàng kéo Tịnh ra khỏi hàng trẻ em. Thầy còn đến tận nhà “méc” với Ba Mẹ:

-Ui chao chị ơi, may em phát hiện chứ không thì con chị giết em rồi. Lính tráng nghe được không đem em xử bắn thì cũng cho tù mọt xương. Ai đời “Đức Hoàng Đế” mà hắn dám kêu là “Cức Hoàng Kế”…

Bấy giờ Đồng Hới chưa có rạp chiếu phim, mỗi cuối tuần thứ bảy một chiếc xe tải chở máy chiếu đến sân của Phòng Thông Tin hoặc sân Tòa Tỉnh Trưởng. Dân chúng thấy vậy rủ nhau đến xem, ngồi dưới đất, hoặc quá đông hết chỗ ngồi thì leo lên tường hay những cành cây gần đó. Tôi học cùng lớp với Hoàng Hoa, con gái duy nhất của ông tỉnh trưởng, mỗi lần chiếu phim Hoàng Hoa gọi tôi đến ngồi trên balcon xem. Toàn phim đen trắng: Phim của Ấn Độ như Tình người với rắn, phim Pháp có Tarzan và con khỉ đột được mọi người thích nhất nên chiếu đi chiếu lại hoài, nhất là phim Tarzan. Diễn viên đóng vai chính đẹp trai, chỉ mặc một cái khố phô thân hình lực lưỡng giữa rừng xanh, đu dây từ cây này qua cây khác trông rất ngoạn mục, tập họp bầy dã thú bằng cách áp hai bàn tay che miệng và hú lớn “Ồ ố ô… ồ”. Tiếng hú của Tarzan vang vọng núi rừng nghe “oai phong lẫm lẫm”, bầy thú hoang, rắn rết, chim chóc, sư tử, cọp, beo, voi, từ khắp rừng thiêng nước độc vội vàng chạy đến bao quanh Tarzan chờ lệnh. Con khỉ được mặc đồ đẹp có cà vạt, đầu đội mũ “phớt”, khi vào nhà một quan chức được ngồi ở bàn để ăn, nó bắt chước dùng muỗng nĩa y như người, khán giả được dịp cười bò ra chảy cả nước mắt.

Mỗi năm phòng Thông tin tổ chức một đêm văn nghệ duy nhất bán vé do các trường học kết hợp với công nhân viên chức trình diễn. Mục ca múa nhạc kịch Trầu Cau của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, Thiên Thai của Văn Cao, hoặc Tiếng dân chài của Phạm Đình Chương rất hay, đẹp, dàn dựng thật công phu. Cảnh hai tiên nữ dâng quả đào tiên cho hai chàng thư sinh Lưu Nguyễn lạc vào chốn Bồng Lai thật huyền ảo, xem xong về đến nhà vẫn còn mơ tưởng vẻ đẹp của các nàng. Tôi lon ton chạy sang tận nhà chị Hồ, người đóng tiên nữ, để ngắm chị cho thỏa lòng, ai ngờ tiên nữ đang… ngồi xi em ị ở thềm nhà!

Nhờ những giây phút tận hưởng văn nghệ mà người dân tạm quên đi tiếng súng đạn, chết chóc.

Trò chơi của tuổi thơ tôi dạo ấy chẳng có gì ngoài mấy ụ cát chất trong sân trường tiểu học Đồng Hới, ngày nào cũng bịt mắt bắt dê, nhảy dây, lò cò, chơi thẻ, chơi ô làng; tất cả với tôi đều đều, không có gì hấp dẫn.

Mong nhất là vào những đêm trăng. Tôi cùng vài ba đứa bạn thường đến ngồi dưới gốc đa cổ thụ cạnh bờ ao, tàn lá sum sê, rễ cây lòng thòng, khấp khởi chờ trăng. Tiết mục “thưởng trăng” kéo dài từ khi trăng mới ló trên mái nhà cho đến lúc trăng lên đến đỉnh đầu, chúng tôi chạy đi đâu trăng theo đến đó. Ánh trăng phản chiếu trên mặt nước ao, chỉ ném một viên sỏi nhẹ trăng tan từng mảnh vụn, lung linh lung linh, mê hoặc đến nao cả lòng. Tôi thẩn người ra nhìn trăng tan. Về khuya những con chó hoang cả ngày lang thang kiếm ăn trong xóm, trong chợ, đêm đến cũng tụ tập bên ao ngước cổ nhìn trăng bắt đầu cất tiếng tru, hơi thật dài, tiếng tru thật lạ, giai điệu từ thấp lên cao, từ khàn đặc đến trong vút. Chúng thi nhau tru nghe rợn cả người, vừa ưa nghe vừa sợ, chúng tôi đâm đầu chạy về nhà để rồi lần sau lại ra ngắm trăng, lại chờ chó tru trăng và để… sợ rủn cả người.

Nhà Ba Mẹ tôi rất rộng, khoảng sân trước Mẹ dành trồng hoa, các loại rau, bầu bí, hòn non bộ với những ông tiên ngồi đánh cờ, câu cá... Nghỉ hè vợ chồng anh Hai, giáo sư trường Lycée Khải Định, đưa Minh Hà con gái đầu lòng của anh chị vừa lên hai, ra thăm ông bà nội, anh Thạch đi lính nghỉ phép cũng về ở đây. Phần cuối nhà là hai mẹ con bà Chánh thuê, chồng bà mất sớm chỉ có anh Tú là con trai duy nhất, người cao lớn đẹp trai và tính cách hiền hòa, hiếu thảo. Mỗi lần đi làm về bà chuẩn bị sẵn bữa cơm, nấu nước cho anh tắm, bảo gì anh cũng vâng dạ rất lễ phép, không bao giờ dám cãi lại mẹ. Sau này tôi có dịp gặp anh ở Huế, thấy anh mang hàm thiếu tá, vẫn còn độc thân, tự chăm sóc mẹ; mãi đến khi vào Sài Gòn mẹ anh mới chọn vợ cho anh. Mẹ mất vài năm thì anh được chính quyền Ngô Đình Diệm bổ nhiệm làm đại sứ Việt Nam Cộng Hòa tại Ấn Độ. Sau 75, anh đi học tập cải tạo, khi về mở văn phòng dịch vụ tại đường Lý Tự Trọng, cạnh Văn phòng Công Chứng số 1 đường Pasteur, chuyên dịch thuật đơn từ và chị vợ bán vải ở chợ Bến Thành.

Vườn rộng nên các bạn hàng xóm của tôi thường qua nô đùa trong sân, vui nhất là mỗi lần mưa ào xuống, thằng Ớt, thằng Hội con bà giúp việc của Mẹ tôi ở gần nhà, trần truồng tắm mưa. Thằng Ớt mới 4 tuổi, tay chân gầy gò, mặt bủng da chì, cái bụng trướng to như quả bóng. Mạ nó nói nó bị “sán chòi”. Nước mưa lạnh làm “trái ớt” của thằng Ớt đã teo càng teo hơn, có đứa bạo dạn xông tới kéo trái ớt làm nó la oai oái, cả đám được một trận cười hả hê. Mãi khi gặp bà con vượt sông Bến Hải từ Đồng Hới vào mới biết Ớt và Hội đi bộ đội chết ở vĩ tuyến 17 vì bom Mỹ. Số phận của lứa tuổi thiếu niên một thời nghĩ thật ngậm ngùi.

Cuối tháng, khi lãnh lương Ba tôi thường mua vải đưa anh Chè cùng xóm may áo quần cho tôi, mình vải lanh mềm mại in những bông hoa dại nhỏ li ti, đủ màu sắc thanh nhã dễ thương. Mỗi lần bất chợt nhìn thấy đâu đó những bông hoa dại nhỏ tí là tôi nhớ đến Ba tôi, nhớ cả một quãng đời thơ ấu của tôi ở Đồng Hới. Ngay cả mùi mằn mặn của gió biển, mùi hăng hắc của đất sau mưa, mùi rơm rạ, thậm chí cả mùi phân trâu trên đường làng cũng làm tôi bâng khuâng nhớ nhung da diết. Dĩ vãng cứ mờ mờ tỏ tỏ, nửa hư nửa thực quay quắt cả lòng.

Mỗi tuần một lần tôi theo Ba trực bệnh viện, có khi hai lần một tuần tùy theo bệnh nhân nhiều hay ít. Ba trực ở ngoại khoa nên rất bận rộn, nhất là thời kỳ chiến tranh. Hằng ngày tôi chứng kiến những chiếc xe cam-nhông chất đầy lính lê-dương chết hoặc bị thương từ mặt trận đâu đó chở về bệnh viện, mùi da thịt thối xông lên đến ngạt thở.

Bệnh viện nằm cạnh rừng thông bên bờ Nhật Lệ. Tôi thích thơ thẩn trong rừng thông, nhặt thông, tung tăng một mình chơi không biết chán. Tôi mê mùi hương của thông. Hương thông ám ảnh suốt tuổi thơ và song hành cùng tôi quãng đời còn lại. Tôi xao xuyến với tiếng reo của thông, bần thần, buồn bã lặng nhìn thông ngửa nghiêng vì những trận bão tàn nhẫn quất vào thân, vào cành, hay tiếng khóc nức nở của thông giữa cảnh súng đạn, chết chóc của những người vô tội. Nhưng thông cũng biết cười, biết lấp lánh khi những giọt mưa đầu mùa rơi xuống sau kỳ nắng hạn gió lào.

Nếu là đêm, ánh trăng sẽ cùng tôi lang thang qua từng kẽ lá

Nếu bình minh, thiên đường thông sẽ nở hoa

Nếu hoàng hôn, thông trở nên

Lao xao

Lao xao

Thổn thức…”

(một đoạn trong bài thơ “Tuổi thơ tôi” của tác giả)

Đêm ở Đồng Hới là những đêm đầy ác mộng, ra khỏi mộng rồi cái ác vẫn còn tiếp diễn trước mắt. Đang ngủ ngon mọi người bật dậy, tiếng chèo khua nước càng lúc nghe càng rõ, tiếng mõ cốc cốc cốc to dần, to dần, gấp gáp. Miệng truyền miệng:

-Việt Minh về. Việt Minh về. Xuống hầm. Mau!

Cứ mỗi lần nghe tiếng mõ thì tiếng súng ngay tức khắc nổ vang rền. Bầu trời rực lên từng tia chớp sáng ngoằn ngoèo như đang dông bão. Tôi phân biệt được tiếng súng nổ cắc cụp của Việt Minh và tiếng súng nổ tràng dài của Tây. Tây bắn qua Việt Minh bắn lại, đạn bay veo véo hơn nửa khuya cho đến gần sáng thì lơi dần rồi ngưng, Việt Minh đã rút. Khi không nghe tiếng veo véo nào nữa mọi người lục tục chui lên khỏi hầm vào mùng ngủ tiếp. Người dân đã quen những cảnh như vậy rồi, không có tiếng súng mới đáng ngạc nhiên. Và mỗi lần như thế Mẹ lại quay quắt, thức suốt đêm ngồi niệm Phật mà nước mắt cứ chảy dài, Mẹ nhớ anh Hòa tôi đi kháng chiến, và cứ tưởng con mình ở đâu đó trong những chiếc ghe, bất lực giữa dòng, hứng chịu mưa đạn của quân lê-dương. Ba an ủi: “Không răng mô, mình ăn ở phước đức, con mình sẽ tai qua nạn khỏi, mình à”.

Đồng Hới liên tục xảy ra những vụ lùng sục của Việt Minh đang đêm đi bắt những người theo Việt Nam Quốc Dân Đảng do người chỉ điểm cho quân đội Pháp, hễ bị bắt đi là không bao giờ trở về nữa. Chú Hồ Viết Tùng ở nhà đối diện nhà Mẹ tôi bên kia đường, chú buôn bán gỗ nhưng bên trong ngầm hoạt động cho Việt Nam Quốc Dân Đảng. Chú bị Việt Minh bắt đem đi vào lúc nửa đêm, từ đó không ai còn gặp lại chú.

Bọn lính Tây đang đêm vào nhà chĩa súng buộc từng gia đình ra sắp hàng ngang ngoài sân, tên mật thám mang một bao tời bằng vải trắng từ đầu đến chân, chỉ chừa hai mắt. Nó chỉ tay vào ai mà nó nghi ngờ theo Việt Minh, tức khắc người đó bị trói quặp hai tay ngay, rồi đem đi xử bắn. Tây không xử bắn trong bóng tối mà ban ngày, đem ra chỗ đông người triệu tập dân đến xem, nghe bản án ngắn ngủi rồi bắn. Tây không bắn một lần hai ba người mà mỗi ngày đem một người kéo lê đến chợ bắn. Nghĩa là ngày nào cũng có người bị Tây bắn chết trước mắt dân chúng. Cậu hớt tóc ở xóm trên theo Việt Minh nay trở về bị Tây treo cổ trên cọc tre đầu chợ rồi bắn nát cả thân. Bà mẹ quỳ mọp ba ngày chưa xin được xác con. Chúng muốn dân làng người đi qua kẻ đi lại thấy cái gương trước mắt ai theo Việt Minh thì phải chết thối chết rữa. Cảnh mà tôi chứng kiến trực tiếp này phảng phất với hình ảnh bi kịch của bà mẹ trong nhạc phẩm Bà mẹ Gio Linh của nhạc sĩ Phạm Duy.

Sau những lần ra trận, lính Lê-dương trắng có, đen có đêm khuya đi tìm gái. Chúng đi với nhau từng tốp ba, bốn thằng hò hét vang cả xóm làng người dân vô cùng khiếp sợ. Nghe tiếng chúng, nhà nhà đều gấp rút đóng cửa, cài then. Chúng hãm hiếp bất cứ người đàn bà nào, già, trẻ, kể cả trẻ em mà chúng bắt gặp trên đường chúng đi. Chúng kéo lết họ vào bụi rậm, ngóc hẻm, cột đèn để thỏa mãn thú tính. Người dân đi làm sớm thấy xác phụ nữ chết lõa lồ, họ la toáng lên, người ta xúm nhau đem chôn cất. Bà hàng xóm kể về ông Cả Chét, vợ chết sớm ông ở vậy nuôi con, cứ đến chập choạng tối là ông diện bộ áo the thâm dài, chân mang guốc mộc, đầu đội khăn đóng đi uống rượu. Ông uống say bí tỉ đến giờ giới nghiêm mới về, mắt nhắm mắt mở, chân đi xiêu vẹo, tay cầm chai đế. Một đêm ông vừa đến cột đèn gần chỗ lính Tây đứng gác dinh thự Quan Năm, lính Tây thấy người đi mà không xách theo lồng đèn hét lớn: - Haut la main! (Đưa tay lên!). Ông không nghe hay nghe mà không hiểu. - Cắc cụp! Chết ngay tại chỗ, mái tóc bạc nhuốm máu nằm kề cột đèn, sáng ra bà con trong xóm góp tay chôn cất ông.

“Ông Quan Năm”, người ta thường gọi ông Tây lấy cô Thúy Lan con mụ Bảy Viếng là Quan Năm, trên ngực áo trận màu vàng ka ki của ông gắn đầy huy chương, còn trên cầu vai toòng teng những sợi dây vàng lủng lẳng, lóng lánh. Ông Tây lùn một khúc, đi đứng bệ vệ, tay cầm cây ba-ton. Mỗi lần ở trận về, ông thường mở tiệc, có cả nhảy đầm nữa. Dinh thự của ông lớn, đẹp, bề thế nhất Đồng Hới, nằm sát nhà Ba Mẹ tôi. Hai khu vườn ngăn chia bằng hàng giậu chè, nhưng phía bên nhà Quan Năm thì có thêm lớp kẽm gai, lính gác nhiều hướng, đứng bồng súng trang nghiêm. Cô Thúy Lan con mụ Bảy Viếng ở xóm đạo Tam Tòa, mụ quen với Mẹ tôi, lâu lâu mụ đem hai ba chai nước mắm hay mắm cá nục lên biếu Mẹ. Nhà mụ ở sau lưng nhà thờ Tam Tòa, sân vườn, đất đai rộng lắm, để không biết bao nhiêu lu, vại to nhỏ, làm nước mắm, cá mắm, bỏ mối cho cả chợ Đồng Hới và các nơi khác đến mua sỉ. Người mụ lúc nào cũng có mùi mắm vì cả ngày mụ ở ngoài vườn với mắm, với vô số giòi bọ lúc nhúc từ những lu vại mắm bò ra, con nào con nấy mập tròn nư, áo quần, tóc tai của mụ đều được ướp hương vị mắm. Mụ nói mắm có giòi là mắm ngon. Chồng mụ làm mật thám cho Tây, bị Việt Minh bắt đi không thấy về. Cô Thúy Lan là con gái áp út trong số bảy chị em đều là gái. Chị Thúy Lan xinh đẹp nhất nhà, lại biết tiếng Tây. Cô là người yêu cũ của anh Nguyễn Văn Hòa, con nuôi Ba Mẹ tôi. Anh Hòa là y tá của Ba, đẹp trai nhưng nhà nghèo, vừa học xong lớp đệ tứ, Ba thu nhận vào nghề, dạy dỗ cho anh, chứ anh không qua trường lớp nào. Vì mối quen biết đó mà cô Thúy Lan cho mở một khoảng thép gai vừa đủ cho hai chị em tôi chui lọt. Tôi và Tịnh, em trai tôi, hay chui qua hàng rào, vào nhà bếp của Quan Năm khi có tiệc tùng và được cô Thúy Lan cho thức ăn hay bánh trái. Hai chị em cứ lỏ mắt xem họ ôm nhau nhảy đầm theo tiếng nhạc của giàn kèn lính Việt Nam thổi. Ông Quan Năm bồng Tịnh, đồồng đồồng trên vai đi vòng vòng, hoặc đưa đồ ăn cho Tịnh để Tịnh ném cho mấy con chó berger của ông. Chơi với chó cũng là thú vui của ông sau khi ở mặt trận về. Ông thích có con trai nhưng cô Thúy Lan không sinh đứa nào cho ông cả. Mạ cô bảo đừng dại có con với Tây, họ bỏ mình khi mô không biết, rồi ôm con mà khóc, rồi thế gian chê cười, dè bỉu, dân “me Tây” có con hoang bị bỏ rơi.

Mà quả thật vậy, khi Pháp thua trận ở Điện Biên Phủ thì ông Quan Năm âm thầm rút về nước, không kịp nói một lời từ biệt với cô Thúy Lan. Cô và gia đình mụ Bảy Viếng gom góp của cải di cư vô Huế theo cùng đoàn người Công giáo khu Tam Tòa. Mẹ tôi nói, cả xóm đạo đều bỏ nhà cửa ùn ùn tìm đường đi bằng mọi cách: máy bay, tàu há mồm, thuyền, ghe, ngay những chiếc nôốc nhỏ cũng được trưng dụng, vì họ sợ Việt Minh đàn áp. Còn người dân thường không theo Công giáo, sợ Tây giày xéo đất nước mình, đàn áp giết chóc dân mình đã đành, họ cũng sợ Việt Minh vô kể. Sợ bị tịch biên nhà cửa, đánh tư sản, đấu tố cải cách ruộng đất lại càng chết nữa, cho nên ra đi với những lý do đó, chứ không chính chị chính em gì cả.

Như làn sóng lo âu, hốt hoảng, người này truyền miệng người khác, đi sớm chừng nào hay chừng ấy, không khéo đợi gần ngày cuối cùng hiệp định Genève lại đạp lên nhau mà bỏ của chạy lấy người, mặc dù cả hai phía chính quyền, Nam là Liên hiệp Pháp, Bắc là của Việt Minh tức Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đã đồng ý gia hạn trong vòng ba tháng để dân đi, thay vì 19 tháng 5 thì đến 19 tháng 8 năm 1954. Ngược lại với làn sóng dân chúng di cư vô Nam, cũng có bộ đội hay cán bộ làm việc cho Việt Minh lâu nay, cùng con cái gia đình họ lại chuẩn bị khăn gói tập kết ra Bắc. Trong số đó có anh Hòa tôi. Những ngày cuối cùng Mẹ tôi vẫn không chịu vào Huế, Mẹ như đang ngồi trên đống lửa vì trông được gặp anh Hòa lần cuối cùng để cho tiền bạc và dặn dò, nhưng sau này anh Thạch du học ở Pháp, liên lạc được với anh Hòa ở Hà Nội, mới biết bấy giờ anh Hòa ở mãi tận Quảng Ngãi, để vợ con lại chiến khu rồi theo đoàn quân ra Bắc, không thể nào ghé thăm Ba Mẹ ở Đồng Hới.

Trên giấy tờ, hai bên chính quyền đều nói là đình chiến, nhưng chiến tranh ngày càng ác liệt hơn, tiếng súng tiếng bom ngày càng dữ dội hơn, xóm trên xóm dưới, ngoài đường phố đâu đâu cũng nghe tiếng khóc than vì con, chồng, cha chết ngoài chiến trận, may lắm mới có một vài quan tài được quàn tại nhà, chỉ được phép để từ sáng đến chiều rồi phải đem chôn ngay. Chợ búa lưa thưa. Những tuần lễ cuối đi đâu cũng thấy mọi người tất bật, mặt mày thất thần, xôn xao, vội vã tụm lại thì thầm rồi vội vã tan ra, vừa đi vừa chạy. Đất nước Việt Nam sắp bị chia hai, kể từ vĩ tuyến 17, lấy sông Hiền Lương, tức sông Bến Hải làm ranh giới.

Ba tôi được lệnh thuyên chuyển về lại nhiệm sở cũ, Bệnh viện Trung ương Huế từ những tháng trước. Cuối cùng Mẹ không gặp được anh Hòa mới vội vào với Ba và hai anh, nhưng cho tôi theo chuyến bay cuối cùng vào trước. Mẹ cẩn thận đeo vào cổ tôi một túi vải trong đó có một mo cơm ép chặt với muối mè, có thư gửi cho Ba và cả nhà, có địa chỉ 23 đường Âm Hồn, Thành Nội, Huế. Sân bay Đồng Hới bấy giờ chật nêm cả người với người, họ la hét, chen lấn, xô đẩy để lên máy bay. Tôi leo được vài bậc thang lại bị người lớn đạp xuống. Mẹ cố đẩy tôi lọt vào máy bay Cosara hai động cơ trở về quê nội, nơi từ đó tôi được sinh ra – Huế. Ngoảnh mắt nhìn lại miền đất tôi trải qua thời thơ ấu, Đồng Hới - Quảng Bình, đang chìm trong khói súng, hỗn loạn, nước mắt tôi cứ trào ra.

-Vào với con, Mẹ ơi.

-Ừ, Mẹ lo xong chuyện nhà cửa sẽ cùng em con đi chuyến tàu hỏa cuối cùng vào Huế. Khi đến Huế con phải hỏi đường mà về nhà nghe con, Ba và hai anh không biết con vào mà đưa đón mô.

Từ hãng bay Cosara ở đường Trần Hưng Đạo đối diện chợ Đông Ba, tôi đeo cái túi vải toòng teng trên cổ, vừa thất thểu đi vừa hỏi đường về nhà. Ba tôi, anh Thạch và gia đình anh chị Hai không ngờ tôi xuất hiện một mình không Mẹ, không em, không người dẫn đường, vào những ngày rất cận với lệnh ngưng di chuyển. Cả nhà không nhìn ra được tôi, mặt mày ngơ ngáo, đi chân đất lấm lem, dơ bẩn, không chào hỏi ai, mà cũng không khóc được nữa khi thấy lại Ba và hai anh thương yêu của mình. Hồn tôi ở tận đâu đâu. Chỉ có chị Hai ôm tôi một hồi, hỏi Mẹ và Tịnh ra sao, rồi làm cho tôi một tô cơm với cá bống kho khô.

Ngày nào cả nhà cũng ngồi quanh cái radio Philip nhỏ theo dõi tin tức dân chúng di cư bằng tàu há mồm, hay nước Pháp và các nước trên thế giới hỗ trợ dân di cư từ Bắc vào Nam như thế nào. Tại sao giờ này Mẹ chưa vào? Có vào được hay không? Ai cũng lo lắng đứng ngồi không yên, Ba hút thuốc hiệu “Ba con mèo” liên tục. Còn tôi, chẳng ai để ý đến. Cả tuần lễ ở Đồng Hới thì Mẹ bận rộn, người giúp việc thôi làm, tôi không được ai tắm gội, người ngợm dơ bẩn, mũi xanh chảy thò lò, chí con nào con nấy to đùng, lấy tay gãi nhẹ là nó đã rủ nhau rơi xuống độp độp. Chị Hai phải mua một cái lược dày, lấy cát xát vào tóc để trứng chí được tuốt đi, rồi nấu nước sả gội tắm cho tôi liền tù tì mấy ngày, đem tôi đi cắt tóc, may áo quần mới, bấy giờ mặt mày tôi trông sáng sủa, xinh xắn hẳn, chạy lăng quăng trong sân vườn và lân la làm quen với các anh chị cho gia đình tôi thuê nhà.

Huế khác xa Đồng Hới một trời một vực. Đồng Hới, ngay trong lòng thành phố đã thấy cái tàn khốc của chiến tranh, còn Huế y như một ốc đảo yên bình, một món quà an ủi có lẽ không có trong dự định của các nhà thiết kế chính trị hai phe dành cho thế hệ bất hạnh chúng tôi.

Nhờ sự yên bình này mà chỉ vài tháng sau, Đồng Hới với những cảnh hoang tàn chết chóc đã tạm thời quên lãng trong tôi.