Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 18 tháng 10, 2016

Ngày tàn của ông A (Kỳ 4)

FRIEDRICH DÜRRENMATT

Bản dịch Hoàng Ngọc Biên

clip_image002

     A

B                                 C

D                                 E

F                                  G

H                                 I

K                                 L

M                                 N

O                                 P

 

N bắt đầu suy nghĩ. Cái quan trọng hơn cả theo ý ông là A đột ngột quyết định tiếp tục buổi họp. Việc nói bóng gió đến kỷ luật của Đảng chỉ là một điều khoản có quy mô, cái đó ai cũng nhìn thấy rõ. Xưa nay trong Bộ Chính trị chưa hề có chuyện bỏ phiếu; những nghị quyết đều thông qua bằng biểu quyết ngầm, chính là vì sự cân bằng lực lượng giữa hai nhóm đối thủ là hoàn hảo. Vả chăng lúc nào A cũng có thể đưa vấn đề ra Đại hội Đảng và bằng con đường rất chính thức đó có thể giải thể Bộ Chính trị, là tổ chức hiện nay dù sao cũng vô cùng không được lòng mọi người. Quyết định của A hẳn phải còn có một lý do khác nữa. Hẳn là ông nhận ra mình đã phạm một sai lầm trầm trọng khi cùng một lúc muốn vừa thanh lọc vừa gạt bỏ Bộ Chính trị. Trong khi lẽ ra phải thanh lọc trước, rồi sau đó gạt bỏ, hay còn có thể gạt bỏ nó trước để có thể thanh toán từng ủy viên một. Sự vụng tính đó bây giờ khiến ông phải đứng trước một mặt trận liên hợp. Trong khi bắt O, ông đã khơi dậy sớm nơi mọi người sự ngờ vực; nếu L và F không chịu rời phòng họp ấy là vì ai nấy đều sợ. Đứng trước Đại hội Đảng, A là con người tự do và có toàn quyền: trong nội bộ Bộ Chính trị, ông giống như bất cứ ủy viên nào khác, đều bị hệ thống kềm kẹp. Và nếu người ta sợ ông, thì chính ông hẳn cũng phải cảm thấy, nếu không phải là những nỗi sợ (thứ tình cảm ông không hề biết), ít ra là những nghi ngờ. Triệu tập Đại hội Đảng cần có thời gian, thời gian mà các ủy viên Bộ Chính trị do vẫn giữ chức vụ của mình, nên có thể lợi dụng được. Bởi vậy nên A cũng buộc phải hành động. Buộc phải tính sổ lại những đồng minh và những kẻ thù của mình, và sau đó là chiến đấu. Sự khinh bỉ tột bậc của ông đối với con người không chỉ khiến ông gây bất hòa những mặt trận đối lập: do lỗi của ông, một cuộc đụng độ không đáng kể chỉ một thoáng đã đe dọa biến thành một trận đánh quyết liệt.

Trước tiên chẳng có gì xảy ra. Ai cũng chờ trước khi hành động. F vẫn ngồi, cũng như ông Bộ trưởng Bộ Giao thông, bấy giờ mặt vùi trong hai bàn tay. N muốn lau chỗ mồ hôi nhỏ giọt trên trán, nhưng ông không dám. Bên cạnh ông, P chắp hai bàn tay lên nhau. Ta có thể bảo là ông đang cám ơn ông trời đã giúp ông rút ra khỏi chuyện này bình yên vô sự, cho dù vị tất một ủy viên Bộ Chính trị có thể tin vào trời. Ông Bộ trưởng Bộ Ngoại giao E đốt một điếu thuốc lá Mỹ. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng K đứng lên, hơi lảo đảo bước đến tủ rượu, tìm được một chai gin, đứng ngay giữa A và B, trịnh trọng đưa cao ly rượu, vừa hướng về ông A vừa hét lớn «Cách mạng muôn năm!» và nấc cụt mấy cái, trong cơn đờ đẫn ông còn không nhận ra là A chẳng thèm chú ý tới ông chút nào. M lôi từ trong túi cầm tay ra một hộp đựng thuốc lá bằng vàng; D tiến đến gần bà, đưa cái hộp quẹt cũng bằng vàng ra và đứng sau lưng bà. «Này hai người», A trầm tĩnh hỏi, «cho tôi biết xem hai người ngủ với nhau hay sao đây?» – «Ngày xưa chúng tôi có ngủ với nhau», D điềm nhiên trả lời. A phá ra cười, ông lúc nào cũng lấy làm vui thấy các người cộng sự của mình đồng tình với nhau, rồi ông quay qua F. «Này anh đánh giày», ông ra lệnh, «đi đi chứ anh chàng liếm đít: ra chỗ điện thoại đi !» F không nhúc nhích. «Không phải ngoài đó», ông dịu giọng nói. A lại cất tiếng cười. Vẫn cái cười ung dung, gần như hiền hậu, nơi ông vừa có nghĩa vui vừa có nghĩa giận, người ta chẳng bao giờ biết sao mà lường. «Ta có thể tin chắc chắn là anh chàng này đang kinh hãi», ông ngạc nhiên. – «Vâng», F trả lời, «tôi kinh hãi, tôi sợ đấy». Mọi người nhìn chằm chặp vào F với vẻ sững sờ: thú nhận mình sợ như thế đó quả là chuyện quái gở. «Chúng ta ở đây ai cũng đang sợ», ông Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nặng tiếp tục vừa nói vừa nhìn ngay mắt A, «không phải chỉ có tôi và ông Bộ trưởng Bộ Giao thông: tất cả chúng ta». «Vô lý», Trưởng ban Tư tưởng phản đối, vừa nói vừa đứng lên để đi ra phía cửa sổ. Lưng quay về phía mọi người, ông còn lặp lại: «Vô lý, hoàn toàn vô lý.» – «Vậy thì anh đi ra khỏi phòng này xem», F trả lời. Trưởng ban Tư tưởng quay người lại để tìm hiểu F với vẻ ngờ vực. «Để làm gì?», ông hỏi. F lạnh lùng nêu ra rằng chính ông Trưởng ban Tư tưởng cũng không thấy muốn ra khỏi phòng bởi vì ông biết rõ chỉ ở trong phòng này người ta mới được an toàn. «Vô lý», G lại phản đối, «vô lý, hoàn toàn vô lý». F không nhượng bộ. «Vậy thì anh đi ra đi», ông ra lệnh lần nữa cho ông sùng uống trà. G vẫn đứng yên trước cánh cửa sổ lúc nãy. Bấy giờ F quay qua phía A: «Anh thấy đấy», ông nói, «tất cả chúng ta đều kinh hãi». F ngồi rất thẳng người trên ghế mình, hai bàn tay để lên bàn, và cái vẻ ngoài xấu xí của ông đã biến mất hoàn toàn. «Anh ta điên rồi», A chỉ trả lời có thế, và ông đặt ly của mình lên tủ rượu để đi đến phía bàn. «Điên à?», F hỏi. «Thật vậy sao? Anh có chắc không?» Rồi ông hạ giọng nói, trái với thói quen của mình. Các người cách mạng buổi đầu giờ ở đâu hết rồi? Ngoài L ra, không còn có một người nào trong Bộ Chính trị. Rồi ông liệt kê tên họ những người đã bị thanh trừng, chậm rãi, cẩn thận, không quên những tên tục, nhắc lại tất cả những con người ngày xưa đã nổi tiếng, những người từng lật đổ chế độ cũ. Đây là lần đầu tiên từ bao nhiêu năm nay người ta được nghe nhắc đến tên họ. N rùng mình. Đột nhiên ông cảm thấy như đang ở trong một nghĩa trang. «Một lũ phản bội», A hét lên, «đấy là những tên phản bội, anh biết quá rõ như vậy, thằng liếm đít chết tiệt kia». Rồi ông im lặng, bình tĩnh trở lại và đưa mắt dò xét tên đánh giày. «Và anh cũng là một thứ đĩ điếm như bọn chúng», ông nói thêm như là đang tự nói riêng với mình. N tức thì biết ngay là A vừa phạm một sai nhầm thứ hai. Nhắc lại tên họ của tất cả những người cách mạng kia chắc chắn là một sự khiêu khích, nhưng chính do thú nhận mình sợ, đối với A, F đã trở thành một kẻ thù cần phải coi là quan trọng. Thế mà thay vì làm cho ông này nguôi giận, A đã không thể kiềm chế buông ra những lời hăm dọa. Chỉ cần một chữ thân ái, một chuyện đùa vui là có thể thuyết phục được F trở về lẽ phải, nhưng A coi thường F và bởi vì sự khinh bỉ này làm cho ông không nhìn thấy mối nguy, nên A đã mất trọn khả năng suy xét. Trong khi về phần F, ông không còn lùi bước được nữa. Trong hoàn cảnh tuyệt vọng ông đã liều mạng được ăn cả ngã về không và trước sự kinh ngạc của mọi người, ông đã chứng tỏ mình là con người có cá tính. Không còn chọn lựa nào khác hơn là chiến đấu, ông đã trở thành đồng minh đương nhiên của ông Bộ trưởng Bộ Giao thông, là người với bản chất lạnh nhạt, đã không nhận ra chuyện này. «Cách mạng nghiến nát bất cứ ai chống lại nó», A tuyên bố, «tất cả những ai thử chống đối đều đã bị tiêu diệt». – «Họ có thật là đã thử chưa?», tên đánh giày kiên cường phản đối. Không, chính A cũng không tin có chuyện như vậy: tất cả những người này, những người đã chết vừa được liệt kê là những người từng sáng lập Đảng và từng tiến hành cuộc Cách mạng. Có lẽ họ đã phạm nhiều sai lầm, đồng ý, nhưng là những kẻ phản bội, cái ấy không có, họ không phải là những kẻ phản bội cũng như ông Bộ trưởng Bộ Giao thông ngày nay không hề là kẻ phản bội. A đánh trả bảo rằng họ đã thú nhận và đã bị kết án. «Thú nhận!», F cười khoái trá, «thú nhận! Những lời thú nhận thu được bằng những phương tiện nào thế? Ông Trưởng ngành Mật vụ sẽ có thể cho chúng ta biết chi tiết đấy!» A đột nhiên trở nên hung hăng. Cách mạng là một công việc gây đổ máu, có những kẻ phạm tội bên trong những hàng ngũ của nó và hãy coi chừng những kẻ phạm tội. Bất cứ ai còn nghi ngờ về chân lý này đương nhiên đã là một kẻ phản bội. Vả lại, đem chuyện này ra bàn cãi thì có ích lợi gì? (Đến đây A nở một nụ cười mỉa mai cay độc.) Đầu óc của tên đánh giày rõ ràng được kích thích bởi những loại sách mỏng tục tĩu mà hắn đem phân phát cho các đồng nghiệp y như hắn coi Đảng là một cái nhà thổ. Ông bạn G của hắn, Trưởng ban Tư tưởng, vả chăng cũng nên chú ý đến những quan hệ bạn bè của hắn. Nói xong lời đe dọa bốc đồng và thừa thãi này, có lẽ do sự kiện là cả ông sùng uống trà cũng không dám rời khỏi phòng, A ngồi xuống lại. Tất cả những người vẫn còn đứng đều cùng làm như thế, G là người ngồi xuống sau cùng. Tiếp theo A tuyên bố ông khai mạc cuộc họp trở lại.

Ông sùng uống trà trả thù không chậm trễ. Có lẽ bởi vì ông nghĩ mình bị thất sủng cùng với F, cũng có lẽ bởi vì lời chê trách thiếu thận trọng của A đơn giản là đã làm ông bị tổn thương. G, như phần đông những nhà phê bình, không chịu nổi người ta phê bình mình. Thời còn dạy ở trung học, ông từng cho xuất bản trong những tờ báo lem nhem tỉnh lẻ những bài phê bình văn học có nội dung thích hợp với đường lối của Đảng đến độ A, vốn khinh bỉ phần lớn những nhà văn như là thuộc cánh trí thức tư sản tầm thường, đã cho gọi ông đến thủ đô vào đầu đợt đại thanh trừng lần thứ hai để giao cho ông phụ trách biên tập văn hóa trong cơ quan chính thức. Ở đấy, G đã tỏ rõ một thứ nhiệt tình phi thường đến độ trong một thời gian kỷ lục ông đã hoàn thành đập đổ toàn bộ nền văn học nước nhà kể cả ngành kịch nghệ bằng cách công bố theo sơ đồ ý thức hệ các tác giả cổ điển thuộc loại tích cực và lành mạnh, các tác giả hiện đại là bệnh hoạn và tiêu cực. Nguyên tắc cơ bản của kiểu phê bình ông sử dụng cho dù là đơn giản hóa quá mức, kiểu phê bình ấy vẫn biết cách lúc nào cũng khoác một vẻ ngoài trí tuệ và hợp lý; bút pháp của ông sùng uống trà phức tạp hơn bút pháp các đối thủ văn học và chính trị của ông. Ông là kẻ toàn năng. G mà chỉ trích bạn tàn tệ, thì bạn kể như tiêu đời; thường thường thì bạn đi đời sau những hàng rào kẽm gai hoặc biến mất luôn. Xét về cá nhân, G là một con người đúng đắn không ai vượt qua nổi. Là người hạnh phúc trong gia đình – điều mà ông sẵng sàng huênh hoang khoe thẳng vào mặt ta –, ông có tới tám con trai ra đời cách quãng đều đặn. Ông là người bị ghét trong Đảng, thế nhưng nhà thực hành vĩ đại A vốn thích được người ta coi như một lý thuyết gia đã đẩy ông thầy giáo trung học của chúng ta lên một vị trí còn đáng sợ hơn nữa. Ông cử ông này làm vị cha đạo ý thức hệ của Đảng, và thế là Bộ Chính trị từ đó phải nộp mình mà không cách gì chống cự cho những bài thuyết trình không dứt của ông, cho dù đã có người ra mặt chế nhạo, bắt chước theo ông B là người một ngày nọ sau một bài diễn văn đặc biệt chết người của ông sùng uống trà về chính sách đối ngoại, đã tuyên bố là nếu như ông Trưởng ban Tư tưởng có nhiệm vụ bào chữa cho những nghị quyết của Bộ Chính trị khi sử dụng với bên ngoài, thì dù sao ông cũng không thể đòi hỏi chính Bộ Chính trị phải nuốt cho trôi những lời giải thích đó. Tuy nhiên tốt hơn là không nên đánh giá thấp ông G. Ông sùng uống trà này là một kẻ say mê quyền lực, một khi ông chiếm được một vị trí nào rồi, ông bảo vệ nó theo cách của mình. Vả chăng A không phải đợi lâu mới nhận ra điều này, vì G là người đầu tiên yêu cầu được lên tiếng. Trước tiên ông cám ơn A về bài thuyết trình mào đầu của ông này, bài thuyết trình đã để lộ một chính khách vĩ đại không chối cãi vào đâu được. Cách ông phân tích những tiến bộ của Cách mạng và những vấn đề Nhà nước có tầm cỡ bậc thầy, cũng như chúng ta chỉ có thể nghiêng mình trước kết luận của ông là vào giai đoạn hiện thời Bộ Chính trị cần phải được giải thể. Với tư cách là nhà tư tưởng, G chỉ có một điểm duy nhất cần lưu ý. Như A đã chứng minh, chúng ta đang đứng trước một cuộc xung đột có chỗ đặc biệt, là rõ ràng nó tạo đối đầu Cách mạng với Nhà nước, mà trong thực tế, cũng là với Đảng. Cách mạng và Đảng, trái với điều mà nhiều người có thể vẫn tin, không phải là cùng một thứ. Cách mạng là một tiến trình động: còn Đảng đúng ra là một cơ cấu tĩnh. Cách mạng biến đổi xã hội; Đảng đưa những biến đổi của xã hội vào Nhà nước. Bởi thế nên Đảng là chỗ dựa cùng một lúc của Cách mạng và của quyền lực Nhà nước. Điểm mâu thuẫn nội bộ ấy khiến Đảng phải chú ý đến Nhà nước nhiều hơn là đến Cách mạng, và buộc Cách mạng phải liên tục cách mạng hóa Đảng. Cách mạng được khích động thực chất bởi sự suy yếu của con người gắn liền với mọi thứ cơ cấu tĩnh như Đảng chẳng hạn. Bởi vậy nên Cách mạng trước tiên phải nhận chìm những kẻ nhân danh Đảng, nhưng lại trở thành kẻ thù của Cách mạng. Những người được ông Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nặng liệt kê xuất phát là những con người cách mạng thực sự, cái ấy là chắc chắn, không ai nghi ngờ điều này, thế nhưng khi phạm sai lầm tưởng rằng Cách mạng đã hoàn tất, họ đã trở thành những kẻ thù của Cách mạng và phải được thanh trừng đúng như là những kẻ thù. Và cả ngày hôm nay nữa, sự việc cũng diễn tiến như thế: khi rút trọn quyền lực về mình, Bộ Chính trị đã thu lại thành số không vai trò của Đảng, bấy giờ không còn là chỗ dựa của Cách mạng; nhưng ngay cả Bộ Chính trị cũng không còn đủ sức bảo đảm chức năng này bởi lẽ nó chỉ còn được định nghĩa bằng quyền lực, chứ không phải bằng Cách mạng. Bộ Chính trị đã tự cắt đứt với Cách mạng. Bảo toàn quyền lực với nó là quan trọng hơn biến đổi thế giới: toàn bộ quyền lực quả là hướng tới việc ổn định Nhà nước mà nó lãnh đạo và ổn định Đảng mà nó kiểm soát. Đấu tranh chống lại Bộ Chính trị bởi chính lý do đó đã trở thành một điều kiện tất yếu trong công cuộc tiếp tục tiến trình cách mạng. Điều kiện ấy, Bộ Chính trị phải chấp nhận nó, Bộ Chính trị phải tiến hành tự giải thể. Một người cách mạng thật sự rốt cuộc phải biết tự giải thể chính mình. Cái cảm giác sợ bị thanh trừng nơi một số ủy viên trong Bộ Chính trị vả chăng chứng tỏ cách hiển nhiên một sự thanh trừng như thế đã trở nên cần thiết và Bộ Chính trị không còn phải tự bào chữa.

Bài diễn văn của G quả là nham hiểm. Ông sùng uống trà xưa nay lúc nào cũng ăn nói bằng một giọng điệu thông thái rởm, khô khan, không hóm hỉnh. N chỉ dần dà mới hiểu ra cái mánh của ông ta. Bằng những từ ngữ trừu tượng G đã làm cho sáng tỏ những ý đồ của A, rõ ràng đến nỗi Bộ Chính trị không cách gì không cảnh giác. Cái việc thanh trừng mà ai nấy đều nghi ngờ kia, ông sùng uống trà mô tả như một tiến trình cần thiết đã bắt đầu từ lâu rồi. Trong khi đưa ra một lời biện minh chính trị cho việc thanh trừng đội ngũ già, cho những vụ án hoành tráng, những vụ giáng chức, những vụ tử hình, ông cũng biện minh cho cả vụ thanh trừng sắp xảy ra. Nhưng đồng thời ông dành cho những người có thể sẽ là nạn nhân lo quyết định vụ thanh trừng có cần phải xảy ra hay không, và chính qua việc đó ông đe dọa A về một mối nguy thực sự.

Chỉ một cái liếc nhìn về phía A là đã đủ cho N: A đã nhận ra rõ cái bẫy G giăng ra để kéo ông vào. Nhưng trước khi ông có thể can thiệp, thì đã xảy ra một biến cố. Bà Bộ trưởng Bộ Giáo dục, ngồi cạnh ông Chủ tịch nước Cộng hòa, đột ngột nhảy ra khỏi cái ghế của bà để la toáng lên rằng Thống chế K là một con heo. N, người ngồi xế so với chỗ ông K, cùng lúc đó cảm thấy có một vũng dưới gót chân mình. Ông Chủ tịch nước, vừa già vừa bệnh, đã đái vãi ra ngoài. Cái mặt phị của ông trở nên hung hăng, ông gào lên là có gì đâu mà phải ầm ĩ quan trọng, mắng M là đồ dê cái nhút nhát, hỏi bộ mọi người ai nấy cho là ông ngu hay sao mà ra đi tiểu ở ngoài, kêu to lên rằng ông không chịu để bị bắt, rằng ông sẽ cứ ở yên trong phòng này, rằng ông là một nhà cách mạng từ những ngày đầu, rằng ông từng chiến đấu cho Đảng, rằng ông đã đem chiến thắng về cho Đảng, rằng con trai của chính ông đã ngã xuống trong cuộc nội chiến, rằng con rể ông và tất cả những bạn bè thân thiết của ông đều bị ông A phản bội và thanh trừng mặc dù họ đều từng là những con người cách mạng lương thiện và trung tín không thua gì ông, và bởi thế cho nên ông sẽ đái ở đâu và khi nào là tùy ý thích của ông.

B Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Quan hoạn

C Trưởng ngành Mật vụ Cái bàn đạp

D Bí thư Đảng Con lợn lòi

E Bộ trưởng Bộ Ngoại thương Ngài Thanh xuân

F Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nặng Tên đánh giày

G Trưởng ban Tư tưởng Lý thuyết gia của Đảng - Ông sùng uống trà

H Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Thống chế - Gin-fizz Khan trẻ

I Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Cựu Tổng kiểm sát

K Chủ tịch nước Cộng hòa Thống chế - Gin-fizz Khan già

L Bộ trưởng Bộ Giao thông Tượng đài

M Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nàng thơ của Đảng

N Bộ trưởng Bộ Bưu điện

O Bộ trưởng Bộ Nguyên tử

P Trưởng ban Tổ chức Thanh niên