Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 26 tháng 10, 2016

Minh triết phương Tây (kỳ 4)

Bertrand Russell

Nam Dao Nguyễn Mạnh Hùng chuyển ngữ

ATHENS

Ba khuôn mặt lớn nhất trong Triết học Hy Lạp đều dính líu đến Thành quốc Athens. Đó là nơi Socrates và Plato sinh trưởng, và Aristotle học rồi giảng dậy ở đấy. Thật hữu ích khi ta đến tham quan thành Athens, nơi họ từng cư ngụ trước khi luận bàn về công việc họ làm. Lực lượng của Darius[1] bị quân Athens đánh bại ở bình nguyên Marathon vào năm 490 trước Công Nguyên [2]. Mười năm sau, cố gắng phối hợp của người Hy Lạp đã đánh vỡ lực lượng trên đất và trên biển của Xerxes[3]. Ở Thermopylae, hậu quân Spartan[4] tiêu diệt một phần lớn quân Ba Tư, và sau đó, ở Salamis, chiến thuyền Hy Lạp dưới sự chỉ huy của người Athens đã đập một cú chí tử vào hải đội lực lượng thù nghịch. Năm sau đó, ở Plataea, quân Ba Tư hoàn toàn bại trận.

Trước đây dân phải tản cư, thành Athens bỏ ngỏ để quân Ba Tư vào đốt cháy đền đài và thành phố. Nay, một chương trình khổng lồ xây dựng lại Athens bắt đầu. Trong chiến tranh Athens là chủ lực thì khi nguy cơ chinh chiến không còn, Athens nắm vai trò chủ đạo trong hòa bình. Chiếm lại đất liền xong, bước sau là giải phóng quần đảo Aegean. Trong việc này, quân Spartan chuyên đánh bộ lui bước, để hải quân Athens chiếm lĩnh và thống trị vịnh biển Aegean. Ban đầu là Liên minh Delian ở Delos, trung tâm quần đảo, và sau tất cả sát nhập vào Đế quốc với toàn bộ kho tàng chuyển từ Delos về Athens[5]. Vì hy sinh và tổn thất cho một mục đích chung, người Athens coi là tự nhiên chuyện đền đài được xây lại từ công khố. Với Acropolis, “thành trên đỉnh cao”, với Parthenon và những lâu đài mà ngày nay ta còn nhìn thấy phế tích, Athens trở thành một thành phố tuyệt vời nhất Hy Lạp, nơi gặp gỡ của những nhà tư tưởng, những nghệ sĩ, và cũng là trung tâm thương mại và giao dịch đường biển.

Điêu khắc sư Pheidias tạc tượng cho nhiều đền thờ, đặc biệt tượng khổng lồ nữ thần Athena cao vượt Acropolis, từ đó có thể nhìn bao quát xuống những bậc thang lối vào sảnh đường. Herodotus từ Halicarnassus vùng Ionia đến sống ở Athens và viết lịch sử cuộc chiến tranh với Ba Tư. Trong số kịch tác gia có Aeschylus, kẻ từng chiến đấu ở Salamis. Trong “Persae”, ông ta kể chuyện bại trận của Xerxes, và là người lần đầu bứt phá khỏi những chủ đề thơ Homer. Hai nhà soạn kịch Sophocles và Euripides từng chứng kiến sự tàn vong của Athens ngày trước, rồi người viết hài cú Aristophanes, đều sáng tác những tác phẩm châm biếm cay chua. Thucydides, kẻ ghi chép lại cuộc chiến giữa Sparta và Athens, là sử gia khoa học đầu tiên.

Pericles vốn dòng giõi quí tộc. Mẹ ông là cháu của nhà cải cách Cleisthenes, người đã khởi xướng công cuộc dân chủ hóa Hiến Pháp của Athens. Anaxogaras là thầy dậy ông lý thuyết cơ học vũ trụ. Pericles trưởng thành như một thanh niên không mê tín, chừng mực và khép kín, phần nào xa lánh người chung quanh. Thế nhưng dưới triều ông nền dân chủ Athens đã đạt được độ trưởng thành. Hội đồng Areopagus[6], một loại Thượng viện, mất đi nhiều quyền lực. Ngoài sự vụ xử lý tội giết người, tất cả những việc còn lại thu về tay một Đại Hội Đồng gồm 500 người Athens và nhiều Toà án. Thành viên của những cơ quan này đều được bầu, và đều là công bộc Nhà Nước. Một hệ thống mới điều hành dịch vụ công đã thay dần hệ thống cũ dựa trên tính truyền thống cố hữu.

clip_image002Pericles

Pericles mang đủ phẩm chất một nhà lãnh đạo. Sau tám câu thơ ngợi ca của Thucydides vào năm 443, Pericles được bình chọn là Đại Tướng từ năm nọ sang năm kia. Được dân chúng mến chuộng, lại hùng biện và có khả năng một chính khách cấp quốc gia, Pericles cai trị gần như một kẻ chuyên quyền. Thucydides sau này viết về Athens dưới quyền Pericles như một nền dân chủ pháp quyền mà luật lệ được đặt ra bởi một công dân hạng nhất. Trong những năm chiến tranh Peloponnesian, nền dân chủ Athens cần thêm quyền lực. Cho đến thời gian ấy, riêng việc giới hạn quyền công dân từ năm 441 cho những người cha mẹ là dân Athens, và sự lãng phí trong xây dựng những công trình đền đài lớn đều có tác động xấu. Chiến tranh từ năm 431 cho đến 404 đến từ sự ganh tị với Đế quyền của người Spartan kết thúc bằng chiến bại của Athens. Pericles chết vào đầu năm 429, hậu quả của bệnh dịch lan tràn trong thành phố năm trước đó. Nhưng như một trung tâm văn hóa, Athens vẫn vững mạnh bất chấp sự xuống dốc về chính trị. Cho đến ngày nay, Athens còn là biểu tượng cho những thành quả đẹp đẽ và vĩ đại của loài người.

Chúng ta nay đề cập đến Socrates [7] thành Athens. Tên ông ta nay ai cũng biết, nhưng về đời sống ông, vẫn còn nhiều bí mật. Ông sinh khoảng 470 TCN, là công dân, nghèo nhưng không chịu kiếm tiền mà bỏ thời gian luận bàn với bạn bè và dạy Triết cho lớp trẻ.

Không như phái Biện Thuyết, ông không lấy tiền công giảng dậy. Trong hài kịch “Đám Mây” [8], Aristophane chế giễu ông, chứng tỏ ông là một nhân vật được nhiều người biết. Năm 399 ông bị kết tội có những hoạt động chống Athens và phải uống thuốc độc. Ngoài những chuyện vừa kể, chúng ta phải dựa trên những văn bản của hai học trò ông, là Đại Tướng Xenophon và triết gia Plato.

clip_image004
Bên trên, từ trái: Acropolis, Hellenic Parliament, Zappeion, Acropolis Museum, Monastiraki S, Athens nhìn ra biển

Nhân vật Plato sau viết lại những Hội thoại làm Socrates sinh động như đang còn sống. Trong tập “Symposium” [9], ta thấy một Socrates đãng trí. Đang đi, ông ngừng bất cứ đâu, mải mê suy tưởng hàng giờ. Nhưng ông có một thể chất khá cường tráng. Trong thời gian thi hành nghĩa vụ quân sự, người ta biết ông chịu nóng chịu lạnh và có thể nhịn ăn nhịn uống hơn mọi người. Ông rất can đảm trên chiến trường. Không ngại nguy đến tính mạng, ông từng cứu được bạn ông, là Alcibiades, bị thương vấp ngã sóng sượt nằm dưới đất. Thời chiến hay thời bình, Socrates là một người không biết sợ, ngay cả phút đối mặt với tử thần. Ông hình dạng xấu xí, ăn mặc lôi thôi. Áo ông choàng thường nhàu nát, sờn rách và đi thì đi chân trần. Tuy nhiên, ông rất ôn hòa và chừng mực. Dẫu ít khi uống rượu, ông có thể hạ gục cả bàn rượu lúc có dịp mà không hề chuếnh choáng.

Socrates là người tiên phong cho cả trường phái Khắc Kỷ (Stoic) và Khuyển Cách (Cynic) trong Triết học Hy Lạp. Với Khuyển Cách, ông chia sẻ xu hướng không cho là gì cũng Thiện, và với Khắc Kỷ, ông quan tâm đến Đạo đức như lý tưởng cao nhất. Trừ thời còn trẻ, ông không đì sâu vào xu hướng suy luận khoa học. Điều ông quan tâm trên hết là khái niệm Thiện. Trong những hội thoại đầu của Plato, ta thấy Socrates là khuôn mặt nổi bật ở điểm đi tìm định nghĩa cho những quan niệm đạo đức. Trong “Charmides”, cái gì là chừng mực? Trong “Lysis”, tình bạn là chi? Và trong “Laches”, can đảm có nghĩa thế nào? Tuy ông không phán quyết gì về những vấn đề này, nhưng ông chỉ ra đó là những điều quan trọng cần tra vấn. Những điều vừa kể cho thấy những tư tưởng chủ đạo của Socrates. Dẫu ông thường nói ông chẳng biết gì, ông vẫn cho rằng sự hiểu và biết nằm trong tầm tay con người.

Điều thiết yếu, con người phải cố đạt đến tri thức. Xúc phạm đạo lý và cái đẹp đến từ những người không hiểu biết. Biết, khắc tránh được tội. Nguồn gốc sâu thẳm nhất của tội lỗi là sự ngu dốt. Vì vậy, đạt đến Thiện ta cần tri thức, và rốt cuộc Thiện chính là tri thức. Luận điểm này là nét nổi bật của tư duy minh triết Hy Lạp. Những người Ki-tô giáo đi ngược lại. Với họ, điều quan trọng là cái tâm trong lành, nhưng cái tâm này thường dễ tìm thấy trong vô số những người chẳng có tri thức gì cho cam.

clip_image006 Socrates

Socrates tìm cách lý giải những vấn đề đạo đức qua tranh luận. Tuy không là người đầu tiên, Socrates đặt những câu hỏi và tìm lời giải đáp, gọi thế là biện chứng pháp.

Trong lãnh vực này, ông là bậc thầy [10]. Trong trước tác “Parmenides”, Plato kể rằng Socrates thời trẻ đã gặp Zeno và Parmenides, và có những cuộc trao đổi rất biện chứng. Phương pháp này sau ông dùng trong hội thoại với những người khác. Plato cho ta thấy một Socrates rất trào lộng và thông minh dí dỏm. Nổi tiếng, ông bị người đời gờm vì tính châm biếm trong hội thoại. Tính châm biếm, trong thế giới Hy Lạp, được hiểu như một thế cách giảm cường độ để nói ngược hay chứng minh một luận đề. Chẳng hạn, khi Socrates bảo ông không biết gì, ông châm biếm nhưng có một cái gì đó thật nghiêm túc lơ lửng với lời lẽ có vẻ cợt nhả. Socrates khá quen thuộc với thành tựu của nhiều nhà tư tưởng, nhà văn và nghệ sĩ Hy Lạp. Nhưng điều này chúng ta biết quá ít, thật như muối bỏ bể trong những điều chúng ta không biết. Nhận như thế, chúng ta có thể nói thật, rằng chúng ta cũng chẳng biết gì cả.

Hình ảnh Socrates trong hành động đầy ấn tượng ghi lại trong “Apology” ( Lời tạ lỗi) khi ông bị xử ở Tòa. Trong bài tự bạch, hay đúng hơn những gì Plato ghi lại được, đó không phải là từng câu từng chữ nhưng đại khái là những điều Socrates đã nói. Thể ‘Phóng sự’ này chẳng mấy lạ, sử gia Thucydides thường tận dụng nó. Và chúng ta có thể coi “Lời tạ lỗi” như một văn bản mang chứng tích lịch sử.

Socrates bị kết án là kẻ nghịch đạo vì không tuân thủ tôn giáo và đầu độc lớp trẻ qua giảng dạy. Truy tố tội hình này là một nỗi ô nhục. Thật ra chính quyền khi đó hãm hại ông vì ông liên hệ với Đảng Quí tộc (aristocratic party) mà đông đảo bạn bè và học trò ông tham gia. Thời đó, không cho phép chính thức đưa cáo trạng này ra nên phải chính quyền tìm cách vu vạ. Những kẻ buộc tội là chính trị gia phe dân chủ Anytus, nhà thơ Meletus và giáo sư Lycon giảng dạy tu từ học. Ngay ban đầu, Socrates đã bông lông giọng điệu mỉa mai. Những người trong bồi thẩm đoàn, ông nói, phạm tật hùng biện và phát biểu những lời lẽ phù hoa. Nhưng ông, đã 70 tuổi, chưa một lần phải hầu tòa trước đó, nên xin phép quan tòa được nói dẫu có sai phạm luật lệ. Socrates vạch ra tính chất lảng tránh lơ mơ của những kẻ buộc tội. Họ loanh quanh gán cho Socrates tội ‘của kẻ minh triết đi suy đoán về Thiên đường trên cao để ẩn vào trái đất dưới thấp’. Đáp lại, Socrates bảo ông không phải là khoa học gia, không dạy học hòng kiếm tiền như những người phái Biện Thuyết, và lại chẳng hề biết những gì mà những kẻ làm việc buộc tội cho rằng đã biết.

Vậy, tại sao người đời gọi ông là hiền giả? Vì sấm ký ở Delphies từng tiên tri rằng chẳng có một ai thông tuệ khôn ngoan hơn Socrates. Chính ông, Socrates, ông muốn chứng minh rằng sấm nói sai. Ông tìm những người được coi là thông tuệ để đàm thoại. Ông cật vấn những nhà chính trị, những nhà thơ, nghệ sĩ và thấy chẳng một ai có thể nắm bắt đầy đủ về chính việc của họ, tức là chẳng có ai có thể gọi là khôn ngoan thông tuệ. Ông lắm kẻ thù vì đã lột trần sự ngu dốt của những kẻ hội thoại với ông. Để cuối cùng, ông hiểu sấm ký nói trên có nghĩa là chỉ những đấng Thần linh mới thông tuệ, còn con người, dẫu có khôn ngoan nhất như Socrates, cũng chỉ có được một túi khôn không đáng kể. Ông bỏ thời gian vạch trần cái làm ra vẻ thông tuệ khôn ngoan[11], chứng minh chính mình không thể là con người theo đúng như lời tiên tri chỉ định.

Cật vấn công tố viên Meletus, Socrates dồn tay này vào cái thế chấp nhận rằng mọi người ở thành Athens đều trau dồi hoàn thiện cho lớp trẻ, ngoại trừ Socrates. Dĩ nhiên, sống trong xã hội giữa những người tốt hơn là giữa những người xấu. Xã hội Athens tốt lên, tức Socrates, dẫu có ý đồ, không làm được việc đồi trụy này. Và nếu như Socrates lại làm cái việc này một cách vô ý thức thì theo đứng luật pháp cũng chẳng phải thế mà buộc tội được. Bản cáo trạng cho là Socrates tự mình tạo ra những Thần linh mới, nhưng trong toà Meletus lại công kích ông là kẻ vô thần, rõ ràng thế là mâu thuẫn.

Socrates tuyên bố ông có trách vụ hoàn thành những phán hứa của Thần linh theo đó mỗi con người phải đi tìm chân lý trong chính bản thân và trong đồng loại, ngay cả khi điều này có khả năng làm Nhà nước bất đồng. Cách hành xử này khiến chúng ta nhớ lại một tiêu đề quen thuộc trong những tác phẩm bi kịch Hy Lạp là sự trung thành không trọn vẹn (divided loyalty). Socrates tự nhận mình là kẻ châm chích Nhà nước theo một tiếng nói nội tâm luôn luôn dẫn đạo hành xử của ông. Tiếng nói đó cấm đoán này nọ, nhưng không bắt ông làm điều này hay điều kia. Tiếng nói cấm ông làm chính trị, bởi không ai có thể lương thiện mãi trong chính trường. Học trò ông có mặt trong phiên toà, nhưng không một ai được gọi ra làm chứng. Và Socrates nói ông chẳng đòi một khoan dung nào, ông đến để chỉ thuyết phục chứ không xin xỏ đặc ân gì của toà.

Khi tòa tuyên án ông có tội, Socrates phát biểu những châm chích chế giễu chua cay, và đòi nộp 30 đồng drachma [12] như tiền phạt. Điều này bị bác, và toà y án xử tử hình. Trong lời cuối, ông cảnh báo những kẻ lên án ông rằng có một ngày họ cũng sẽ bị xét xử và trừng phạt vì tội ác giết ông. Sau đó, Socrates quay sang nói với bè bạn và học trò rằng sự cố này xẩy ra chẳng chỉ là xấu. Đừng sợ chết. Có thể chết chỉ là một giấc ngủ dài không mộng mị. Cũng có thể đó là một cuộc sống khác trong một thế giới ông có dịp luận bàn mà chẳng bị quấy rầy với những Orpheus, Musaeus, Hesiod và Homer [13], và hẳn những vị này không bao giờ đem giết đi một con người có nhiều câu hỏi.

Socrates sống một tháng trong tù trước khi buộc phải uống thuốc độc. Trước khi hải thuyền của Nhà nước đi hành hương ở Delos bị bão quay về, lệ là không hành hình một ai ở thành Athens. Socrates từ chối chuyện đi trốn, và trong tác phẩm “Phaedo”, có đoạn viết về những giờ cuối cùng Socrates thảo luận với bạn bè và học trò về sự bất tử.

Nếu bạn đọc những trang sau của cuốn sách này, bạn sẽ thấy không triết gia nào có được một khoảng không gian tương đương giành cho Plato hay Aristotle. Chuyện này đến từ vị thế duy nhất của họ trong lịch sử triết học. Thứ nhất, họ đến như những người kế thừa và hệ thống hóa trường phái tiền-Socrates, khai triển những vấn đề đã đặt ra, và trình bày rõ ràng dứt khoát những điều chưa được thông tỏ trước họ. Sau, thành quả của họ tác động lớn lao lên trí tưởng tượng của con người. Trong chừng mực truyền thống giải biện suy luận nở rộ ở phương Tây, bóng Plato và Aristotle luôn quanh quất ở hậu cảnh. Cuối cùng, có lẽ sự đóng góp của họ vào Triết học quan trọng hơn đóng góp của những nhà tư tưởng đến trước, hoặc sau họ. Thật hiếm có những vấn đề triết học mà họ không phát biểu những điều có giá trị, và ai đó ngày nay mong có cống hiến gì độc sáng mà lờ họ đi đều là những kẻ đùa với lửa.

Cuộc đời Plato bắt đầu từ thời suy thoái của Thành quốc Athens cho đến giai đoạn hưng thịnh của Macedonia. Ông sinh vào năm 428 TCN, một năm sau cái chết của Pericles, và trưởng thành trong chiến tranh Peloponnes. Ông sống đến ngoại bát tuần, chết vào năm 348. Gia đình ông thuộc tầng lớp quí tộc. Cha ông, Ariston, người thuộc hoàng tộc thời Đế chế Athen, và mẹ ông, Perictione, xuất thân từ một gia đình rất năng nổ trong địa hạt chính trị. Ariston chết khi Plato còn bé, sau đó Perictione lấy chú là Pyrilampes, một người ủng hộ bà trên chính trường. Plato trải qua thời kỳ học tập dưới mái nhà cha dượng. Với một hậu cảnh như vậy, thật không có gì lạ khi Plato thụ hưởng những quan niệm về trách vụ của công dân. Ông chẳng những bày tỏ những điều này trong tác phẩm “Nền Cộng Hòa” mà còn thực thi nó trong đời thường. Những năm đầu thời ông trưởng thành, ông biểu lộ tài năng thi ca đầy hứa hẹn, nhưng ai cũng đoán là ông sau này sẽ làm chính trị. Tham vọng này thình lình kết thúc khi Socrates bị kết án tử hình. Kịch bản ghê sợ đầy hằn thù này in những dấu vết không xóa được trong tâm tư ông. Không thể có ai giữ được sự tự chủ và độc lập trong hệ thống những đảng phái chính trị. Và từ thời gian này, Plato cống hiến thời gian vào công việc Triết học.

Socrates từng là bạn của gia đình nên Plato đã biết ông từ thuở ấu thời. Sau cuộc hành hình, Plato cùng một số hậu duệ của Socrates đi ẩn ở Megara cho đến khi sự vụ im ắng. Sau đó, Plato đi đây đi đó trong vài năm. Sicily, miền Nam nước Ý, và hình như cả Ai Cập nằm trên hành trình, nhưng chúng ta biết rất ít về giai đoạn này. Năm 387, Plato về Athens xây dựng cơ sở trường học của mình. Nằm trong một khu rừng nhỏ phía tây bắc không xa thành phố, mảnh đất nổi tiếng vì liên quan đến vị anh hùng Academus, trường được đặt tên là Academy. Cách tổ chức Academy theo mô hình theo kiểu Pythagoras ở miền nam nước Ý mà Plato quan sát khi ông du hành. Academy sau là khuôn mẫu đầu nguồn của những đại học phát triển từ thời Trung Cổ trở đi. Hình thức này kéo hơn 900 năm, có lẽ là định chế lâu dài nhất từ xưa đến nay. Vào năm 529 sau Công nguyên, truyền thống cổ điển này bị Đại Đế Justinian phế truất, lý do là nó xâm hại những nguyên tắc Ki-tô giáo.

Chương trình của Academy bao gồm nhiều môn học trong khuôn mẫu truyền thống những trường sở Pythagoras. Số học, Hình học trong 2 và 3 chiều không gian, Thiên văn, và Âm giai ngữ điệu là những môn chính. Như ta đoán, trong tầm ảnh hưởng của tinh thần Pythagoras, trọng tâm của sự đào tạo là Toán học. Ngay ngoài cổng Academy, người ta ghi ngay rằng ai đó không thích xu hướng này thì xin đừng ghi tên. Thời gian học là 10 năm những môn học nói trên. Mục đích của chương trình đào tạo này là chuyển tư duy từ một thế giới cảm nhận và quan sát được qua một khung tư duy bất biến đàng sau nó; nghĩa là, dùng cách nói của Plato, chuyển cái trở-thành (becoming) ra cái nó-là (being).

Môn học nào cũng đều được soi sáng dưới qui tắc biện chứng, và chính sự tổng hợp này là nét đặc thù của giáo dục và đào tạo của Academy. Thật mà nói, đây cũng là những tiêu chí của nền giáo dục hiện đại. Không phải trách vụ một Đại học là nhồi nhét vào đầu học viên đầy những sự kiện. Công việc đào tạo là hướng dẫn họ đi vào con đường tư duy phê phán với những tiêu chuẩn bao quát trên những vấn đề liên quan.

Về cách tổ chức Academy, ta biết rất ít thông tin. Nhưng qua những văn bản còn giữ, chúng ta có thể cho rằng Academy rất giống những Viện nghiên cứu thời nay trên nhiều phương diện. Academy cung cấp vật dụng khoa học, thư viện, và tổ chức xê-mi-na cũng như những bài giảng có hệ thống.

Với giáo dục và đào tạo của Academy, xu thế những trường học theo phái Biện Thuyết đi xuống. Học viên Academy có đóng góp vật chất, nhưng chỉ để giữ cho Academy tồn tại. Tiền không là vấn đề sinh tử, và chẳng phải vì Plato vốn là người có của cải nên không quan tâm đến tiền. Quan trọng hơn hết, mục đích của Academy nhằm vào đào tạo những con người tự chủ và có thể tư duy theo những tiêu chuẩn đặt trên nền tảng lý tính. Academy không đeo đuổi bất cứ một mục tiêu thực dụng nào trong khi ngược lại, học phái Biện Thuyết chỉ quan tâm đến kiến thức tạo ra thành đạt trong hoạt động kinh doanh.


[1] Vua Đế chế Ba Tư.

[2] Niên biểu trong chương này đều được hiểu là trước Công nguyên.

[3] Vua Ba Tư, sau thời Darius.

[4] Người Sparta nổi tiếng là lính thiện chiến trên bộ.

[5] Liên minh Dellian tập hợp một số đảo Hy Lạp chống lại quân đội Ba Tư. Delos, tên một hòn đảo, từng có vai trò quan trọng về thương mại và tôn giáo thời tiền cổ-Hy Lạp kéo dài cho tới thế kỷ thứ 3 TCN.

[6] Thiết chế luật pháp tối cao Hy Lạp.

[7] Xin tham khảo Đối thoại Socratic 1, Nguyển Văn Khoa dịch và chú giải, Tủ sách Tinh Hoa Tri Thức Thế Giới, 2012.

[8] Như qui ước, tên một tác phẩm luôn luôn nằm giữa ‘’ - ‘’. Hội thoại Hy Lạp thường mang tên người, chẳng hạn như ‘’Parmenides’’, là cuộc hội thoại với triết gia tên Parmenides.

[9] Nghĩa đen là cuộc nhậu.

[10] Đóng góp quan trọng nhất của Socrates cho minh triết phương Tây là phương pháp truy vấn biện chứng, được biết đến dưới tên gọi "phương pháp Socrates" hay phương pháp “bác bỏ bằng Lôgíc” (elenchus). Phương pháp biện chứng có nền tảng từ những cuộc hội thoại giữa hai hay nhiều người với những ý kiến, tư tưởng khác nhau và đều mong muốn thuyết phục người khác. Phương pháp này khác với hùng biện, trong đó một bài diễn thuyết tương đối dài do một người đưa ra - một phương pháp được những người theo phái Biện Thuyết ủng hộ. Socrates đã áp dụng phương pháp biện chứng cho việc kiểm nghiệm các khái niệm quan trọng về mặt đạo đức như Tốt đẹp và Công bằng. Plato là người đầu tiên miêu tả phương pháp này trong tác phẩm "Hội thoại của Socrates". Để giải quyết một vấn đề, người ta chia nhỏ nó thành một hệ thống những câu hỏi, rồi loại suy các câu trả lời để rút ra lời giải mà ta tìm kiếm.

[11] Theo Socrates, một người như ông được gọi là khôn ngoan lại tự biết rằng mình không khôn ngoan; nghịch lý là ở chỗ ông khôn ngoan nhất kể từ khi ông biết điều ông không biết gì cả. Phát biểu này làm cho giới tinh hoa ở Athens thấy mình trở ngốc ngếch, và đã khiến họ thù hận ông.

[12] Tiền cổ ở Hy Lạp, trung bình một nông dân kiếm được 4 đồng mỗi năm.

[13] Thần linh và thi gia Hy Lạp trong thời tiền-Socrates