Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 16 tháng 10, 2016

Bác sĩ trưởng khoa (kỳ 10)

Tiểu thuyết

Vũ Oanh

Năm tháng trôi nhanh lạ lùng.

Đã 34 năm kể từ ngày Khang chia tay Hoàng Anh. Con gái họ mớí hơn hai tuổi. Bây giờ, hai vợ chồng Trần Vũ Ly Ly đều có học vị tiến sĩ y khoa. Và ông Khang cũng đã có hai đứa cháu ngoại. Tất cả đều cư trú tại Nhật Bản.

Khi con gái tốt nghiệp phổ thông, ông muốn Ly Ly học toán. Nhưng con xin theo nghề của ba. Ông tiếc khả năng tư duy toán học rất tốt của con gái mình. Từ ngày còn học cấp hai, Ly Ly đã phân biệt được hình học Euclide và phi Euclide... Hơn nữa, ông không muốn con lại phải chịu một cuộc sống vất vả, khắc nghiệt và bạc bẽo của cái nghề nghiệp thầy thuốc, như mình.

Nghĩ đến con, ông khôn nguôi về mối tình đầu. Nó không thuộc dạng sét đánh. Nhưng ông và mẹ Ly Ly đã đến với nhau khá nhanh. Thời gian có nàng, ông luôn tự hào về tình yêu, và hơn thế, Khang âm thầm kiêu hãnh về người yêu, người vợ xinh đẹp của mình. Ngọn lửa của cái nhan sắc tuyệt vời ấy, rực rỡ, kỳ diệu, huyền bí bởi một trái tim trong sạch đã đem đến cho Khang hạnh phúc tràn đầy. Không lâu, kẻ gian manh nào đó đã chất vào tâm hồn nàng những thứ rơm rạ ướt rượt, những thanh củi dở tươi dở mục và những xẻng than bùn lẫn với đất cát, rác rưởi? Từ ấy, ngọn lửa thiêng trong trái tim nàng tàn lụi. Và thay vào là những luồng khói đen đặc, ngày đêm nghi ngút thổi, khiến tâm hồn nàng trở nên tăm tối. Bồ hóng của những làn khói độc bám dính, mỗi ngày một dày thêm lên...

Khang tiếc cho phần hồn trong sạch, và cũng thương cho cái thân xác không lấy gì làm cường tráng của mình phải chịu tổn thất, giằng xé, khổ đau. Hoàng Anh và cuộc chia lìa mãi là nguyên nhân để ông đau buồn. Ông mãi day dứt với lời thề trọn đời chỉ yêu một nàng; và bởi điều gì nữa cũng không hiểu nổi. Trong cuộc sống đơn độc, dài dặc... nỗi đau buồn cứ tồn tại mãi. Lần đầu tiên yêu, ông hiến dâng tất cả và nhận về những gì tuyệt đối trắng trong từ thuở cha sinh mẹ dưỡng của nàng. Khang thấy rõ ràng tâm hồn mình từ chỗ khô cằn, rỗng không, đã đầy ắp một tình cảm đầm ấm, cao đẹp, thanh khiết và tưởng nó trọn đời bền vững. Từ tuổi thiếu niên, Khang đã tâm nguyện mình không bao giờ là kẻ bội thề, thất hứa, thất tín với bất kỳ ai và bất cứ điều gì! Lời thề ấy ngày một son sắt. Khi có Hoàng Anh, Khang nghĩ, tình yêu là một phẩm giá tối thượng và tuyệt đối của con người. Tình yêu, phải được gìn giữ hơn chính mạng sống. Khi rơi vào tình cảnh gia đình bất ngờ tan vỡ, ông không chỉ choáng váng mà đột nhiên thấy mình đã bị đâm chết, bị bắn chết, bị dội bom chết.

Đã chết, mà còn biết mình chết, mới đau!

Rồi Khang nhận ra, cuộc ly hôn của mình với Hoàng Anh là một kết cục tất yếu. Đau đớn, nhưng nó là điều sớm muộn không thể tránh khỏi. Ngoài chuyện ân ái, những ham muốn khác vợ chồng lệch pha quá, như nước với lửa, như mặt trăng và mặt trời, như số âm và số dương... Dù thế, chỉ mối tình ấy, không có cuộc khác, để ông rung động sâu sắc, mãnh liệt và sáng trong như vậy. Mối tình đầu thiêng liêng. Khi đặt ngòi bút lên cái mảnh giấy ma quái, rách lẹm, đơn xin ly hôn của nàng, ông thấy trái tim mình lập tức đập bập bỗng, rời rạc, vô hồn. Nó chỉ còn thuần túy là một cái bơm cơ học, bơm đi chan hoà khắp cơ thể một dòng máu đỏ mẹ cha ấm nóng với những con hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu côi cút, vật vờ, đờ đẫn trong lòng huyết quản.

Người đàn bà đẹp và đức hạnh nhất trần gian của Khang đã không hề tồn tại!

Nhưng Ly Ly, con gái ông còn hiển nhiên đó. Mẹ bỏ. Cha đi chiến trường. Nhờ có bà nội, con đã sống, lớn lên, học tập tốt và bây giờ đã làm được những công việc khó khăn. Ông vui, khi thấy con gái mình sống vững vàng, hạnh phúc.

Nhiều đôi tình nhân không lấy được nhau, họ còn có thể hẹn hò gượng gạo ở một kiếp sau ảo tưởng, vu vơ. Vợ chồng lìa bỏ nhau, không ai lố bịch ước hẹn điều gì. Dù đó là những kẻ giả dối, trơ trẽn và lỳ lợm nhất. Nhưng vì thiếu trí tuệ, mù quáng và duy tâm, có người nghĩ rằng họ sẽ gặp lại nhau ở dưới Âm Phủ. Diêm Vương sẽ phán xét đúng sai, đức hạnh hay tội lỗi của cả hai người. Trần Tử Khang biết không có Thiên Đường và Địa Ngục; không có Thượng đế hay Diêm vương nào cả. Đấy chỉ là những sản phẩm tinh thần mê muội bất hủ của con người. Cũng không có vòng luân hồi ở trong trời đất. Nó chỉ là mơ ước, là niềm an ủi cuối cùng, niềm hy vọng mù mịt, ngớ ngẩn, ngây thơ của con người, trước khi từ giã cuộc sống trầm luân trên mặt đất đầy rẫy những tội lỗi và khổ đau này. Đó cũng là một trò huyễn hoặc. Mỗi người xuất hiện, sống, rồi biến mất khỏi mặt đất chỉ một lần. Cái chết đồng nghĩa với mất hết của mỗi con người! Còn chăng, đó là nòi giống và nỗi đau khổ, nuối tiếc, nhớ thương... của những người thân yêu còn đang tồn tại.

Tình yêu con người, Hoàng Anh tiêu diệt nó trong ông. Thời gian đã quá dài, công việc lút đầu, có lúc ông đã quên lãng, không nhớ tình yêu của mình đã bị người ta giết hại ở đâu? Căn nhà số 89 phố Tây Sơn, tòa án khu Đống Đa, thành phố Hà Nội? Không! Nó bị bức tử ngay trong "ngôi nhà chân lý" bởi những "con người chân chính" là ông bà ngoại và người mẹ đẻ của Trần Vũ Ly Ly.

Rồi bao năm tháng sống một mình, Khang vẫn không nhận ra, niềm tin và tình yêu con người trong ông đâu có chết hẳn. Nó hồi sinh, khi ông rời khỏi ngôi nhà có cái biển đỏ kẻ dòng chữ màu vàng treo cao trước cửa: "Toà án nhân dân khu Đống Đa" lúc nào ông cũng không biết. Và nó đã chạy trốn khắp trong ti vi huyết quản... rồi ẩn náu ở nơi sâu kín nhất là trái tim ông; nó giúp ông chịu đựng được mọi thử thách, gian truân, đau khổ của cả cuộc đời. Bác sĩ không hề tự biết. Ông vừa lơ mơ nhận ra, may sao mình còn có nó. Niềm tin và tình yêu con người. Mỉa mai thay, nó vẫn tồn tại... Niềm tin ở tình yêu con người vẫn hiển hiện trong ông, với một sức sống mãnh liệt, bền bỉ.

Khang đau khổ và cay đắng. Niềm tin và Tình yêu con người của ông đã bị Đặng Vũ Hoàng Anh hành thích, ác nghiệt thay khi nó đang ở đỉnh cao hạnh phúc. Nó tự phục sinh để sống với trí tuệ, đạo đức và tâm hồn ông; để rồi lại bị chính ông đem hiến dâng cho một người đàn bà không xứng đáng khác.

Suốt đời miệt mài làm việc, Khang như không còn thời gian và sức lực để suy nghĩ, để xem xét về chính con người mình. Ông cứ sống tự nhiên, như cây cỏ xưa nay vẫn sống. Niềm tin vào tình yêu cuộc sống vẫn tồn tại trong ông, như một giá trị vĩnh hằng. Ông vẫn mơ, giấc mơ tình yêu và hạnh phúc! Và lạ lùng hơn, dù tâm hồn tan nát, lúc gặp Ngân Hà ông vẫn tin vào chính hung thủ với một trái tim thơ dại. Rằng sẽ được nàng chia sẻ những ấm lạnh, đắng cay, bùi ngọt cuộc đời!

Tất cả như vô thức trong ông.

Bi kịch cuộc sống, bi kịch tình yêu! Có thể đã có nó, ngay từ khi loài người bắt đầu biết sống lứa đôi ở trên mặt đất. Và những bi kịch ấy cứ tồn tại mãi?

*

* *

Vì sao Hoàng Anh lìa bỏ chồng con? Tuy là chuyện của mình, nhưng việc tìm hiểu nguyên nhân, Trần Tử Khang thấy quá vô nghĩa. Thời gian không có, nhưng lại không phải là chuyện thời gian. Anh cũng không sợ tốn công sức. Anh không muốn làm bất cứ việc gì vô ích. Bởi tâm hồn nàng đã biến đổi, cái thân thể ấy cũng không còn là của anh nữa. Đâu còn một Hoàng Anh trinh trắng, thanh cao! Giữ nàng, thực chất là anh phải sống với một cái xác thịt xấu xa; mà rất có thể mai đây, chuyện chung đụng làm anh ghê tởm. Tìm biết, chẳng để làm gì. Từ chiến trường miền Nam ra Bắc, anh phải hoàn thành công việc của chỉ huy giao cho. Và cũng phải trở lại chiến trường sớm nhất. Đương nhiên, khi dự hội nghị khoa học, lúc gặp lãnh đạo, khi đi tìm mua dụng cụ và kim chỉ phẫu thuật tim phổi... anh có thể tự do trong những giờ nghỉ. Nhưng anh đâu còn nơi chốn để về!

Nhiều người gặp cảnh vợ mình đổi trắng thay đen, đã xăng văng chạy vạy khắp nơi. Để điều tra. Để tìm hiểu những mối quan hệ của nàng. Phải tìm cho được kẻ tình địch... Họ đôn đáo vào ra, lên xuống với các vị lãnh đạo đảng, chính quyền, các đoàn thể thanh niên, phụ nữ, công đoàn... nhờ vả, van xin, cầu cạnh họ can thiệp, giúp đỡ. Để được đoàn tụ, để giữ vợ, toàn vẹn gia đình, dù biết chắc chỉ là hình thức. Cũng là để giúp vợ xứng đáng danh hiệu “ba đảm đang” ở hậu phương lớn; cho mình được giữ trọn danh dự chiến binh đã “ba sẵn sàng” trên tiền tuyến lớn. Người ta đấu tranh quyết liệt, sinh tử, để giành giật "hạnh phúc".

Trần Tử Khang không thế.

Hoàng Anh có lần nói với anh nhận định của cha mẹ nàng: Tuy đã qua đại học, thằng Khang cũng không thoát ra khỏi cái nguồn gốc thôn dã mông muội ngàn đời. Hướng trí tuệ theo nghề nghiệp khoa học thuần túy, như nó, là người không có chí lớn. Như thế, tài giỏi mấy cũng chỉ tiến bộ tới mức thành người phục vụ. Không nhiều chữ, không thật sự tài năng hơn người như Lưu Bang bên Tầu, Lê Lợi của ta, thậm chí mù chữ hoàn toàn như thằng chăn bò Chu Nguyên Chương, đều giành được ngôi vị đế vương. Họ không làm những công việc vặt vãnh: cày ruộng, rèn đúc, chữa bệnh, làm thơ, viết văn, chép sử... Họ chỉ cần biết cách thâu tóm thiên hạ. Có chí lớn, đâu cần học nhiều. Họ tìm mọi phương kế, không kể nhân hậu hay dã man, cao thượng hay thấp hèn... Cốt chiếm đoạt và gom lại những thành quả trí tuệ, sức lực cơ bắp, mồ hôi, nước mắt và máu xương của thuộc hạ cùng lê dân trăm họ cho mục đích của mình... Những người học nhiều và tài năng xuất chúng, như Nguyễn Trãi, Cao Bá Quát của ta, Hàn Tín... của Tầu đều phải chịu một kết cục bi thảm!

Một tối, ông bà Thành trò chuyện trong khi uống trà. Là con đẻ của một liệt sĩ, mà thằng Khang chưa được vào đảng. Nghĩa là nó còn có nhiều khuyết tật, còn xấu. Chân lý. Từ nông thôn mà ra, không lâu trở thành một thằng tiểu tư sản trí thức, mà nguồn gốc ông bà nội địa chủ thì tư tưởng càng lồi lõm, khập khiễng, bấp bênh. Tình cảm nó chất phác, mềm yếu, hay mủi lòng thương người; nhất là không khéo ngoại giao, không biết xu thời... thì không thể vươn lên, không thể tiến bộ, không bao giờ có thể nắm được cương vị lãnh đạo. Trái lại, con cái của những gia đình công nhân, gia đình cán bộ cách mạng chân chính, biết giữ gìn và phát huy truyền thống. Nhất định chúng sẽ thành đạt! Đó cũng là một chân lý khách quan.

Không biết con Hoàng Anh đã ngộ ra cái điều tệ hại nhất của đời người con gái, là lấy nhầm chồng, hay chưa?

*

* *

Gần ba mươi năm sau ly hôn, Trần Tử Khang mới biết nguyên nhân Hoàng Anh phản bội chồng và bỏ rơi con gái mình.

Một cán bộ công đoàn cao cấp đã tán tỉnh nàng. Chỉ là một gã Sở Khanh, nhưng Hoàng Anh nhanh chóng sa ngã. Hắn không thể bỏ vợ vì sự thăng tiến trên con đường quan tước. Nàng chỉ như một đóa hoa nhiều hương sắc. Con côn trùng là thằng đàn ông cán bộ kia hút hết mật nhụy, thản nhiên bay đi. Và đóa hoa, dù là chúa của các loài hoa cũng tàn úa, thối rữa nhanh chóng! Chung đụng đàn ông đàn bà dẫu điên dại đấy cũng đâu phải tình yêu! Những hạng cán bộ có đời sống vật chất phong lưu, thường tận dụng mọi cơ hội, để trục lợi và trục tình. Xưa nay, vua chúa và quan lại vốn nhẫn tâm gây chia cắt và khổ đau cho biết bao người.

Đặng Vũ Thanh Hương vừa khóc vừa kể về chị gái mình. Những chuyện trước và sau ly hôn của Hoàng Anh, thật quá khủng khiếp. Nước mắt Thanh Hương chan hòa. Ly dị sớm, còn là may cho anh nhiều lắm. Anh tỉnh táo và quyết đoán như thế là đúng. Cố giữ chị ấy? Chỉ cần anh nói ngọt vài câu, hôm ở tòa án nhân dân khu Đống Đa, chắc chị em sẽ rút đơn lại. Nhưng sau này, anh còn đau đớn, khốn khổ hơn nhiều. Người tự trọng không thể chung sống trọn đời với chị Hoàng Anh. Chị ấy không hợp với người tử tế. Phải là thằng đàn ông ga lăng, phải là thằng đàn ông không đếm xỉa gì tới liêm sỉ! Phải là người đàn ông hết sức lì lợm, đê tiện. Phải là cái gã xem thường cả luân lý và đạo đức. Chỉ có người chồng của chị Hoàng Anh bây giờ mới có khả năng sống trọn đời với bà chị em được. Anh ta là Phạm Phất, tổ trưởng một tổ công nhân đường dây bưu điện. Đứa con trai đầu mới qua tuổi tôi, chị ấy đã bỏ cho ông bà ngoại, bay vào thành phố Hồ Chí Minh, sống với nhân tình cả một tháng ròng. Phạm Phất không giữ được vợ. Hoàng Anh lang chạ với khá nhiều người. Công nhân, kỹ sư, quan chức đảng, chính quyền, thanh niên, công đoàn... Đủ các loại người. Ngày ấy, quan hệ với người nước ngoài, cùng giới cũng đã là chuyện cấm kỵ. Vậy mà Hoàng Anh dám cặp với bác sĩ Ariel trong đoàn y tế Cu Ba tình nguyện sang làm việc tại Việt Nam những năm chống Mỹ. Anh chồng bó tay, không giữ được vợ. Đứa con thứ hai của chị Hoàng Anh không phải của chồng đâu, anh ạ. Phạm Phất biết đấy mà cứ lờ đi... Bề ngoài, Phất vẫn coi nó là con mình. Cốt lõi của vấn đề, không phải anh ta là trang nam nhi quân tử, cao thượng gì cả. Mà là, Phất tìm đâu ra một người đàn bà có sức bao cấp, nuôi sống cả nhà anh ta! Vì thế mà Phất không dám bỏ vợ. Em phản đối, chị Hoàng Anh giận ghê gớm lắm. Em vừa nói đến đứa con đầu, rồi đứa con gái thứ hai ngoài giá thú của chị ấy. Em nhầm. Đấy là đứa con thứ hai và ba, kể từ Ly Ly của anh. Ly Ly mới là con đầu của chị Hoàng Anh. Dù đã bỏ không nuôi cháu, thì chị Hoàng Anh vẫn là người đẻ ra Ly Ly, phải không? Dù chị ấy đã coi Ly Ly như một giọt máu bỏ rơi! Ngày anh chị chia tay nhau, em còn là cô học sinh lớp 9/10. Chiều ấy, em nhìn theo hai cha con anh rời khỏi nhà, sau tiếng còi ủ và tiếng loa báo máy bay Mỹ đã bay xa, mà lo lắng quá...

Thanh Hương lau nước mắt:

- Bố đứa con gái út của chị Hoàng Anh là cục trưởng vật tư, anh ạ. Suốt đời bận bịu sách vở, dao kéo, chắc anh Khang không biết ngành vật tư hoạt động thế nào? Hai người dan díu. Nhân tình kéo chị ấy về làm cùng cơ quan. Họ liên kết, tìm cách hợp lý hoá và tăng giá các loại hàng hoá. Viện trợ y tế không hoàn lại của các nước phương Tây cho Việt Nam đã biến thành hàng nhập. Thuốc chống sốt rét, chống lao... thời ấy đều là viện trợ nhân đạo. Họ mang đi bán. Cho đến bây giờ, em vẫn còn thấy ghê tởm về cách làm ăn của họ.

Hoàng Anh tự tầm thường hóa dần con người mình, bởi ảnh hưởng tư tưởng và hành vi gian trá, biển lận của gã nhân tình, bố đứa con gái út. Và sống làm vợ Phạm Phất, chị ấy nhanh chóng quên lãng sách vở, kiến thức rơi vãi dần. Tối tối chồng thích chơi tú lơ khơ tá lả, tổ tôm và hát karaoke... làm sao vợ có thể ngồi đọc sách! Chị ấy không muốn và cũng không còn khả năng học thêm, nói gì tới nghiên cứu khoa học? Bác sĩ Đặng Vũ Hoàng Anh hồn nhiên và bình thản trở thành một người giữ kho y cụ, thuốc men. "Giầu thủ kho, no thủ trưởng" mà anh. Lạ quá và cũng buồn cười, em nghe chị ấy tự hào, nói với cả nhà, "thủ kho to hơn thủ trưởng!"

Khang im lặng, ngồi nghe. Ông hiểu cô em vợ cũ yêu quý cha con mình chân thành. Nhà sử học Đặng Vũ Thanh Hương công bằng và thẳng thắn. Đến bây giờ Hương vẫn ở vậy với cô con gái độc. Chồng Hương, một sĩ quan đặc công hy sinh ở Lạng Sơn trong cuộc chiến tranh một tháng đẫm máu ở sáu tỉnh biên giới phía Bắc năm 1979 với Tầu.

Biết thêm sự thật của Hoàng Anh, Khang vợi đi được rất nhiều day dứt, muộn phiền, về những tiếng khóc tức tưởi của nàng trong phòng xử án, 89 phố Tây Sơn, khu Đống Đa ngày ấy.

*

* *

Cán bộ đi B, lương để lại cho gia đình. Đặng Vũ Hoàng Anh lĩnh lương tháng của chồng và tham gia đầy đủ các cuộc sinh hoạt hội phụ nữ. Một mình sống bằng hai xuất lương, quen "rộng rãi" nàng cũng không dư dả lắm. Như hầu hết các chinh phụ, Hoàng Anh năm nào cũng đạt danh hiệu "Phụ nữ ba đảm đang" trong nỗi xót thương của những người thân quen. Nàng còn trẻ quá mà phải xa chồng!

Hoàng Anh biết chung tình với chồng là con người trong sáng và cao quý. Nhưng tuổi xuân của người đàn bà không dài. Thể xác nàng và thói đời ngày nay không chấp nhận đức hạnh. Khư khư gìn giữ cái đạo đức phong kiến cổ hủ, là phải chịu đựng tình cảnh cá treo, mèo nhịn đói. Phải quan niệm "tình yêu là sống". Sống thì phải yêu! Nó cũng là một quyền lợi, một hưởng thụ to lớn của cái giống người.

Chiến tranh dài quá! Bom đạn không chỉ tàn phá phố phường, làng mạc, giết hại vô vàn sinh linh... mà còn hủy hoại đến độ tan nát và làm nhơ nhớp tâm hồn con người!

*

* *

Ông bà Đặng Vũ Chí Thành, Nguyễn Thị Hoài tin rằng, người con rể kế Phạm Phất khôn ngoan xuất thân con nhà kẻ chợ và có cái thành phần giai cấp cơ bản sẽ tiến bộ nhanh. Chân lý. Anh ta sẽ được cất nhắc, đề bạt để trở thành một cán bộ lãnh đạo kiểu mẫu. Thì bây giờ, Phạm Phất đã là lãnh đạo của một tổ công nhân, những mấy chục người. Cái gì mà chẳng phải có tiến trình? Thấp, rồi mới lên cao được chứ? Chân lý. Cán bộ từng trải từ cơ sở, khi trở thành lãnh đạo cao cấp, đã sẵn có kinh nghiệm thực tế mới tránh được cái bệnh giáo điều rất nhiều sai trái, lệch lạc. Đó cũng lại là một chân lý khách quan. Thằng Phạm Phất kiên trì, giỏi chịu đựng; nó giỏi tới mức chịu câm lặng hoàn toàn, khi biết vợ mình có nhân tình, thậm chí biết rõ vợ đẻ con hoang, cũng vẫn im thít! Nó thấm nhuần chữ "nhẫn" quá sâu sắc! Hành xử như nó, hợp với quy luật phát triển của xã hội hiện đại. Cán bộ sẵn có cái tinh thần sắt đá như thế, chỉ cần qua một lớp lý luận cao cấp...

Ông Thành đang tính đường đi nước bước cho sự tiến bộ của chàng rể kế, bỗng nhiên đột tử vì nhồi máu cơ tim. Không may cho nhà lãnh đạo tổ công nhân đường dây bưu điện. Hoạn lộ của anh ta vĩnh viễn chấm dứt. Nhiều lần Phạm Phất ca cẩm với Hoàng Anh, cái cậu Q. chỉ học hết lớp 7/10 như tôi thôi đấy. Bây giờ tự nhiên là tiến sĩ triết học, là cán bộ cao cấp đấy! Tiền của nhà ấy, ăn mấy đời cũng không hết đâu!

Thời kỳ đầu đất nước đổi mới, cơ quan ít việc, tổ trưởng Phạm Phất về nghỉ theo chế độ "một cục". Phất về mở công ty trách nhiệm hữu hạn, ý muốn phát triển kinh tế theo kiểu thu nhập giá trị thặng dư. Việc ấy thất bại. Anh ta ở nhà, ngày mấy vòng đưa đón hai đứa con đi học. Hy sinh đời bố, củng cố đời con. Nguồn sống của gia đình, phó mặc cho người vợ bác sĩ thủ kho. Thủ kho to hơn thủ trưởng, lo gì!

Ngay từ những năm đầu tập thể hóa và quốc hữu hóa nền kinh tế ở miền Bắc, người ta đã thấy xuất hiện ngạn ngữ: "Giầu thủ kho, no thủ trưởng"... Hoàng Anh được giao một cái kho y cụ và thuốc men lớn nhất nước. Vậy nên Phạm Phất không sợ gì vấn đề sinh sống của gia đình mình là có cơ sở. Núp dưới bóng quần thoa, ngày đủ ba bữa ăn nhàn hạ. Cũng là một cách tồn tại sung sướng. Chồng không có kiến thức và mất công việc, dù là công việc chân tay giản đơn, vẫn cứ là cái trụ cột trong nhà. Vợ con là gì, vẫn phải nương tựa vào "cột trụ" mà làm ăn. Đó cũng là một triết lý nhân sinh. Hoàng Anh càng phải bám chặt và nhờ cậy vào ông cục trưởng vật tư, bố đứa con gái út, trong cuộc sinh tồn.

"Tôi sẽ lấy một ai đó, bất kể tuổi tác, địa vị, nghề nghiệp... Miễn đó là người đến cầu hôn tôi đầu tiên!" Hoàng Anh nói, sau tiếng còi và loa báo yên, máy bay giặc Mỹ đã bay xa... khi bác sĩ Trần Tử Khang đã bế Ly Ly trên tay và sắp bước ra vĩnh viễn khỏi căn phòng quen thuộc với cả ba kẻ khốn khổ. Khang nhớ từng từ, cả cái âm thanh lanh lảnh ấy từ miệng nàng, như tiếng kim khí va đập, cọ nghiến vào nhau rơi đầy tâm phế ông bỏng rát và găm vào sâu mãi!

Đó là lần cuối cùng hai mẹ con Ly Ly nhìn thấy mặt nhau.

Nhiều năm sau ngày ly hôn, nhìn lại mối quan hệ vợ chồng, Khang nhận ra mình cũng đã có những sai lầm.

Hầu như Khang không đưa ví của mình cho vợ cầm bao giờ. Anh sợ nàng buồn và xót thương chồng, khi thấy cái ví ấy luôn rỗng không. Những đồng lương tháng ít ỏi, anh đã đưa hết cho nàng. Mổ mỗi ca đại phẫu, người mổ chính được bồi dưỡng sáu hào, người phụ bốn hào, người gây mê và chạy ngoài bằng nhau, ba hào. Khang không coi thường, nhưng anh không dám nhận, bởi nghĩ mình đang là người đi học. Cũng nhờ cô em Thanh Hương, Khang mới biết Hoàng Anh cho rằng chồng mình giấu giếm tiền trực, tiền phẫu thuật, tiền làm ngoài giờ, gây khoản "quỹ đen". Mổ và trực liên miên như thế, chắc chắn phải được nhiều tiền lắm!

Giá như nàng biết tự trọng, giữ gìn phẩm giá, nâng cao nhân cách, học thêm, trau dồi nghề nghiệp sau khi từ bỏ cha con ông, lấy được một người chồng giỏi giang, tử tế ... để con gái Ly Ly đỡ phần tủi hổ, đau buồn?

Bây giờ, mái tóc Khang đã trắng quá nửa, ngày hưu trí đang đến gần. Mối quan hệ với bác sĩ Ngô Thị Ngân Hà ngày một xấu đi và chuyện lìa bỏ Trần Lam Khương làm ông càng không thể nguôi ngoai được mối tình đầu đau khổ, dù chuyện Đặng Vũ Hoàng Anh đã lùi rất sâu vào trong quá vãng.

Hỡi con yêu Ly Ly! Khi con lớn, hiểu biết... thì cha con ta đã xa nhau nghìn trùng. Ta suốt đời yêu thương con và không bao giờ đòi hỏi điều gì. Nghĩ đến con, ta quên hết những gì mẹ con đã xử sự với cha con mình không phải!

Chỉ còn rất ít thời gian, ta đã trở thành một ông già hưu trí; và rồi sẽ ra người thiên cổ. Ta biết phải xử sự thế nào, với cái bóng đen khổng lồ quái dị, ngày đêm vác lưỡi hái đang lẽo đẽo bước sau lưng mình.

Ông ngồi im phắc như một pho tượng, Phía trước là mặt biển hoàng hôn. Những ngọn sóng lớn ầm ầm xô mạn con tầu. Đất liền đã hết tầm mắt từ lâu, đảo Côn Lôn vẫn chưa nhìn thấy. Trong gió thổi lồng lộng và chạng vạng biển khơi, hai bàn chân ông rời khỏi boong tầu...

Biển cả có khả năng dập tắt được ngọn lửa thiêu đốt trong trái tim đau. Đã có lần ông ra thăm Côn Đảo bằng tầu thủy, đắm mình vào hoàng hôn ở giữa biển trời. Người cựu chiến binh già nghĩ đến một cách tẩu thoát khỏi bộ xương khô ghê tởm.

Về đến nhà, Ngân Hà mới bóc cái phong bì Bảo Hiên đưa cho mình, lúc chia tay nhau ở sân bay Nội Bài. Chỉ có mười triệu Việt Nam đồng chẵn! Bảo Hiên vừa bán cái căn hộ 1901, chung cư Đại Phú Gia; trừ vốn, lãi hẳn hơn một tỷ. Tình cảm và khôn khéo lắm với chủ nhà, mình mới mua được cho nó giá hời, lại phải chạy vạy giấy tờ và trông nom cho những mấy năm ròng rã, vất vả... Vậy mà, để trả công cho mình, bạn bè thân thiết, Bảo Hiên són ra... Bản chất bủn xỉn, mang tính truyền thống của ông cha nó, bây giờ mới bộc lộ rõ. Nhiều đời, tổ tiên nhà cái con bần tiện, keo bẩn Bảo Hiên đều là nông dân, cày sâu cuốc bẫm ở cái làng Cót, Cầu Giấy. Cũng tiếng là dân Hà Nội gốc đấy, nhưng đời này qua đời khác, họ có làm nên công cán gì đâu? Bố mẹ nó thợ tiện và nhân viên bán rau quả mậu dịch. Các anh trai, người sửa xe đạp, người chữa xe máy; chị em gái thì ngồi bán cá, bán rau ở chợ Cầu Giấy và những cái chợ cóc xó xỉnh, bẩn thỉu, bê tha. Như thế, là họ cũng đã "tiến hóa" hơn ông cha nhiều lắm. Làm sao hai vợ chồng ông bà công nhân lại có cái cú đột biến di truyền thế nào, nảy nòi ra được một con bác sĩ Bảo Hiên? Rồi phải tính lại với nó chuyện cái căn hộ chung cư 1901 ấy.

Bảo Hiên ra sân bay Nội Bài và bay sớm. Ngân Hà biết phải chờ lần tới bạn về, nhưng vẫn ấm ức mãi khôn nguôi. Đúng là nguồn gốc, dòng dõi quyết định... Vấn đề di truyền, vốn văn hóa cũng như lề thói gia đình có vai trò quan trọng tới nhân cách, phẩm giá và tính tình con người. Sau nhiều thế hệ cổ cày vai bừa, đến đời cha mẹ Bảo Hiên, họ mới ngoi ra được cái mặt đường nhựa, để mở mày mở mặt với dân phố xá. Nó tham, thậm chí có uống nước cả cặn, ăn chó cả lông, cũng là những chuyện dễ hiểu.

Đúng là nó khác mình từ cái mã di truyền, cái thành phần xuất thân. Ngân Hà càng nghĩ, càng so sánh lại càng bứt rứt, bực dọc. Theo nó sang Angola, bạn gì thì bạn, nó còn bắt chẹt mình đến mức độ nào nữa ấy chứ! Thói đời, ma cũ bắt nạt ma mới. Cái bọn buôn gian bán lận gớm hơn nhiều lần ma quỷ! Lão Khang bảo, ông Mác viết: "...Có một trăm phần trăm lợi nhuận thì, chúng bất chấp mọi tội lỗi trên thế gian..."

Cái để Ngân Hà hãnh diện từ sau khi đất nước đổi mới, về tri thức, học vị thì ít, mà chủ yếu là cơ sở vật chất của gia đình, từ đời ông bà, cha mẹ mình thì nhiều. Ngay những năm cuối thế kỷ 19, ông nội Ngô Văn Đồng đã sống ở Hà Nội, và sớm phát đạt, giầu có. Trước Cách mạng tháng Tám, nhà nàng đã có những ba cái biệt thự lớn, mấy cái ô tô và nhiều người ăn, kẻ ở...

"Người Hà Nội gốc", thường là lời giới thiệu Ngân Hà hay dùng, để nói với những ai mới gặp, về mình. Mọi người phải hiểu, nàng có "cha vàng, mẹ ngọc, chú bác đồng đen". Tính đến Kim Thoa và anh chị em con bác, con chú, con bá, con dì của nó, đã là đời thứ tư sống ở giữa cái đất kinh kỳ hoa lệ này rồi. Nàng như quên hẳn cái thành phần "công nhân", mà một thời quá ư khôn ngoan, vất vả, tốn kém, khổ sở đủ đường, ông bà Cân - Châu mới giành giật được.

Một thời gian dài sau cải cách ruộng đất ở nông thôn, cải tạo tư sản, cải tạo công thương nghiệp tư doanh ở thành phố, người ta chỉ khoe nguồn gốc, nếu họ sinh ra từ thành phần giai cấp lao động chân tay. Họ luôn kèm theo hai từ "trong sạch". Giai cấp lao động trong sạch. Thành phần giai cấp cơ bản, trong sạch. Rất đỗi tự hào. Những người thuộc "tầng lớp trên bẩn thỉu" thường im lặng. Không mấy ai muốn nhắc tới cái nguồn cội xuất thân đã được khẳng định là "bóc lột", "tội ác" và "xấu xa" của gia đình mình. Có người vì ước vọng không được như ý, sự nghiệp không thể thành đạt, đã căm thù cả những kẻ sinh thành và dưỡng dục mình! Khả năng và ý chí có mà họ bị chặn đứng lại ở ngoài cửa tất cả các trường đại học. Không ai muốn phô chuyện cha ông đã sống trên đất nước Việt Nam mà lại giầu có. Giầu là bóc lột mồ hôi, nước mắt, xương máu của quần chúng lao động nghèo khổ. Nhà giầu, đều là đối tượng của cách mạng. Giầu là những kẻ mang tội ác trời không dung, đất không tha.

Những tên lính quốc gia Việt Nam mà ta vẫn gọi là ngụy và bọn dõng, tề, tay sai giặc Pháp xâm lược, bắn giết những người cộng sản và tàn sát đồng bào thì được khoan hồng, khi bỏ hàng ngũ địch, hay bị ta bắt, hoặc trở về quê sau hiệp nghị Generve 1954. Địạ chủ thì không. Dù địa chủ có công ủng hộ cách mạng, ủng hộ chính phủ Cụ Hồ; dù địa chủ hay con cháu mình đã tự nguyện gia nhập đảng cộng sản, hoạt động phản đế phản phong quyết liệt, đã chết anh dũng và trung thành, vẫn phải chịu tội với cán bộ đội cải cách ruộng đất và ông bà nông dân.

Ông nội Ngân Hà, Ngô Văn Đồng làm vệ sĩ trong phủ thống sứ Bắc kỳ. Gia đình nàng ai cũng ý thức được cần giữ kín chuyện đó. Khi trong nhà có người phải làm lý lịch ba đời, ông Đồng trở thành nghĩa quân của cuộc khởi nghĩa Yên Thế. Ngô Văn Đồng sớm lọt vào sào huyệt của giặc, hoạt động tình báo, cung cấp tin tức cho Đề Nắm và Đề Thám... giúp nghĩa quân Yên Thế đánh thắng giặc nhiều trận và tồn tại suốt ba mươi năm trời. Công lớn lắm chứ! Chính quyền sở tại nhiệm kỳ nào cũng là chỗ hữu hảo, thân tình với gia đình ông bà Cân - Châu. Bản lý lịch này khai đúng sự thật.

Từ khoảng mười năm cuối thế kỷ hai mươi, những vấn đề về lịch sử, giai cấp, cũng như tư tưởng giai cấp, đã được mọi người nhìn nhận một cách bình tĩnh, công bằng và đúng đắn hơn. Được thể, một số ít người mới ngày nào còn phải đắp điếm, che đậy, nay đã tự hào, hể hả về cái nguồn gốc phi vô sản hoặc cái thành phần đã từng là đối tượng cách mạng của gia đình mình. Họ vênh vang, hân hoan, say sưa... như một thứ gì được ủ men trong rất nhiều năm tháng, nay đã thành một loại rượu mạnh tinh thần; nó bốc ra tê mê, mùi mẫn từ đầu lưỡi họ. Họ xem đó là cái tước hiệu đẳng cấp cao quý, nổi trội. Cũng có khi, chỉ là chuyện của những người khoác lác có mả, cố đánh bóng mạ kền ông bà ông vải nhà mình.

Cùng trào lưu đó, Ngân Hà luôn khoe rằng mình có cái nguồn gốc cao sang, đẳng cấp quý tộc. Hà chơi thân với mấy người nhờ cơ hội khoác được lên mình cái mác quan chức, thương gia, trí thức kiêm buôn lậu, hoặc mưu mô và thừa cơ chiếm đoạt... Họ trở thành một lớp người nhiều tiền, và ai cũng lên mặt thượng lưu. Trong số đó, có mấy người quên ngay được cha mẹ mình vốn làm thuê, cuốc mướn, chạy chợ kiếm ăn từng bữa. Và họ kệch cỡm trên cái sân khấu đời, cùng nhau kiêu ngạo, vênh vang, coi khinh thiên hạ.

Cuộc sống văn minh phải được bộc lộ trên cả hai lĩnh vực, vật chất và tinh thần. Ngân Hà thích hát và lúc nào cũng muốn được người khác khen mình là một tài năng quý hiếm, là trời phú cho một "giọng ca vàng". Trần Tử Khang nghe nàng, bao giờ cũng hết sức chăm chú. Những ca khúc của Phan Huỳnh Điểu, Thái Cơ, Nguyễn Tài Tuệ, dân ca Việt Nam và dân ca Nga... Ông bảo, chất nghệ sĩ trong nàng đậm đà. Con người sống vốn thiên vị. Nhưng, hình như để được thưởng thức các nhạc phẩm nổi tiếng, đúng với giá trị của nó, thi thoảng, ông vẫn phải đến Nhà Hát Lớn hoặc nghe các đĩa nhạc tuyển của các nhạc sĩ tài năng. Ông đặc biệt thích Văn Cao. Mỗi lần nghe, Khang lại có thêm một cảm xúc khác lạ, tươi mới. Các ca sĩ chuyên nghiệp thể hiện tuyệt vời cái chất cô đơn, tê tái, sâu lắng của Buồn tàn thu, Thiên Thai, Suối mơ... hoành tráng và hào hùng trong Trường ca sông Lô, Tiến về Hà Nội. Náo nức mà mơ mộng, đằm thắm, muôn đời trẻ trung ở Mùa xuân đầu tiên. Bản nhạc này không ồn ã, mà vẫn dào dạt, sâu lắng. Văn Cao già nua, còm cõi, gầy guộc như một kẻ đói khổ cùng cực đang chống gậy cùng người vợ già đi giữa chợ hoa, trong không khí khải huyền, giai điệu xuân nguyên vẹn, bất tận, nghẹn ngào, nức nở, chứa chan hạnh phúc.

Khang tiếc thầm, bao năm tháng không thấy Ngân Hà một lần hát những ca khúc Văn Cao, Phạm Duy và Trịnh Công Sơn.

Nàng giữ tốt những đồ lưu niệm. Những con cá, con mèo, con gà bằng gỗ, bằng bông, bằng sứ, to nhỏ đủ loại, người cha mua cho, từ khi nhỏ tuổi. Ông Cân mất đã lâu, Ngân Hà vẫn nhớ rõ từng kỷ vật ấy. Nhưng cái món bún mắm tôm, không hiểu nàng thừa hưởng sở thích ấy từ đâu? Ông bà Cân Châu đều sợ. Mắm tôm, mắm cáy... trời ạ, rặt những thứ của người bình dân, dậy mùi bờ bãi, quê kệch, nâu sồng.

Hôm nay, Hà tỏ vẻ bực bội. Nàng nói với ông Khang, ngồi hát karaoke trong phòng đông người, mà cái thằng vụ trưởng cứ thò tay sờ mó, nắn bóp em... Nó ghé tai em mấy lần gạ gẫm đi nhà nghỉ.

Chẳng có ai lạ những chuyện như thế ở thời buổi này. Những người ấy, ở bất cứ đâu mà không tính bài bướm ong, chim chuột? Họ tự thấy mình không thiếu những khả năng hấp dẫn đàn bà: địa vị, chức tước, tiền bạc và sức lực cơ bắp đàn ông sung mãn... Và, trong giới phụ nữ cũng nhan nhản những kẻ, không chỉ bán trôn nuôi miệng, mà còn biết tận dụng nó để làm giàu. Ngoài sinh viên nghèo cần tiền ăn, tiền thuê nhà ở, nộp học phí, lo lót thầy cô, tiếp đãi bạn bè... mà cha mẹ nghèo không cung cấp đủ. Buôn phấn bán hương là dễ kiếm tiền hơn cả. Người ta còn thấy ít nữ cán bộ thành đạt, nhờ biết sử dụng cái "vốn tự có" của mình một cách quyết liệt và hiệu quả, cho đến ngày cạn kiệt chức năng của nó. Đây đó, những người đẹp, người mẫu, nghệ sĩ... trở thành điếm cao cấp. Không ít công nhân, viên chức kiêm nghề cave công sở.

*

* *

Ngô Văn Đồng sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo. Không chịu được cái phận bạch đinh, năm 19 tuổi, từ vùng quê Phú Thị, Đồng tìm đến Hà Nội kiếm ăn. Không biết học hành thế nào, Đồng có thể đọc hiểu những giấy tờ đơn giản, khi đủ thời gian đánh vần và nhận mặt chữ. Đến kỳ khám thẻ, Đồng cùng khá đông người bị đội xếp Tây bắt giam vào Sở Cẩm, vì không những không có "thẻ thuế thân" mà còn không cả "thẻ cư trú". Đó là những năm sau khi thực dân Pháp cướp được Hà Nội lần thứ hai chưa lâu. Họ đều bị phạt tiền, phạt lao động công ích và "ăn" dùi cui cặc bò.

Chánh cẩm Hà Nội, người Pháp, thấy Đồng có dáng một lực sĩ sức vóc, lại ma mãnh, nói nhanh được tiếng Pháp bồi. Hắn đưa Đồng đi học võ và dùng làm vệ sĩ cho viên thống sứ Bắc kỳ, Saint Chaffray. Đồng lấy vợ muộn, sinh cũng muộn chỉ có một người con trai. Không đi nhà săm, cũng không lang chạ... Đồng bỗng nhiên mắc bệnh lậu rất nặng: Đái buốt, lỗ đái chảy mủ dầm dề, tinh hoàn xưng to rồi sau teo lại, nhỏ xíu, chỉ còn bằng một hạt lạc. Chạy chữa cả hai vợ chồng, tốn kém mất nửa cơ nghiệp, mới yên. Bệnh khỏi, nhưng hết khả năng sinh đẻ... Ngô Văn Đồng mong đứa con độc học hành đến đầu đến đũa. Nhưng ông không được như nguyện. Người cha Ngân Hà, Ngô Văn Cân vừa ngấp nghé vào bậc tú tài, đã bỏ học lấy vợ. Tuy thế, Cân cũng đọc thông, nói thạo tiếng Pháp. Ông thích kinh doanh và cùng với người vợ đã thành công trong lĩnh vực này. Vốn liếng ban đầu là nhờ bố mẹ. Ngô Văn Đồng kiếm được khá nhiều tiền, trong những chuyến apphe hàng lậu khắp Đông Dương, với danh nghĩa là người của phủ thống sứ. Hơn thế, Đồng còn kết giao với mấy người ở phủ toàn quyền, ngược xuôi, vào Nam ra Bắc cả hơn hai chục năm ròng. Ngô Văn Cân thừa hưởng một gia tài kha khá. Trước Cách mạng tháng Tám nhiều năm, bố mẹ Ngân Hà đã có một xưởng sản xuất giầy dép, một cửa hàng vàng bạc. Sau khi chính phủ Cụ Hồ rời Hà Nội lên Việt Bắc, thực hiện "trường kỳ kháng chiến", ông bà Cân Châu có thêm cơ sở bán buôn vải vóc tơ lụa và có cổ phần ở nhà máy sản xuất đồ hộp Hải Phòng nữa. Không rõ những xí nghiệp này phục vụ quân đội xâm lược và quan chức binh lính quốc gia Việt Nam thế nào? Chuyện đó, hoàn toàn được mọi người trong gia đình Ngân Hà giữ kín.

Dân Hà Nội xầm xì khắp nơi, về cuộc chiến của Việt Minh với quân Pháp và quân đội Quốc gia Bảo Đại. Việt Minh không những thắng lớn, mà thắng liên tiếp. Nhờ mấy gia đình trí thức cảm tình với chính phủ Cụ Hồ, ông bà Cân - Châu gặp và làm thân với những cán bộ Việt Minh hoạt động nội thành. Họ biết từ những năm năm mươi, trên biên giới Cao - Bắc - Lạng, ở Tây Bắc, ở Nam Bộ, rồi Bình Trị Thiên, ngay cả đường số 5 trên đất Hưng Yên và Hải Dương... Ghê gớm hơn, các sân bay Bạch Mai, Gia lâm, Cát Bi và Tân Sơn Nhất cũng bị quân ông Giáp tấn công! Quân Pháp và lính quốc gia thua to. Tầng lớp trí thức Hà Nội nhận định, nhất định Pháp sẽ thua hẳn. Chính quyền Bảo Đại, Bửu Lộc sẽ phải đổ. Dù quốc gia Việt Nam đã có đến hơn ba chục nước trên thế giới công nhận. Thời cuộc có thể đổi thay trong cái chớp mắt. Nhiều đêm, hai ông bà thức trắng, bàn tính về cục diện chính trị và quân sự ở Việt Nam. Sau đó, bà Châu tìm mua công phiếu kháng chiến, một việc làm yêu nước, ủng hộ chính phủ Cụ Hồ. Cũng khá muộn, nhưng còn hơn không. Có khi bà Kim Châu đưa tiền, mà không nhận phiếu. Mất chút ít, bằng cái móng tay cho cá nhân cán bộ Viêt Minh nằm vùng, còn hơn là sau này mất hết. Không chừng mất cả của lẫn người, cả chì lẫn chài... Cán bộ Việt Minh từ rừng rú hay nhà quê lẩn vào thành phố, làm gì có tiền? Biếu tiền, nuôi ăn và bảo vệ họ, là đồng nghĩa với ủng hộ và đi theo cách mạng rồi.

Ông bà Cân Châu được cán bộ Việt Minh giác ngộ; hiểu rõ tiến trình cách mạng Việt Nam. Thiệt hại khá lớn nhưng hai người khôn khéo bán sớm các biệt thự, ô tô, xưởng giầy, cửa hàng vàng bạc, công ty vải tơ lụa và cổ phần nhà máy đồ hộp Hải Phòng trước ngày giải phóng Hà Nội. Của đau con xót nhưng ông bà quyết tâm giải tán người ăn kẻ ở, tạo ra một kịch bản phá sản vì chế độ thực dân tham tàn, độc ác và cái chính phủ quốc gia bù nhìn, phản động bán nước, hại dân. Cả hai ông bà đều trở thành người đi làm công ăn lương, những thành viên của giai cấp công nhân.

Nước Pháp thua trận Điện Biên Phủ. Hiệp định Giơ ne vơ được ký kết. Quân Pháp và chính quyền cùng quân đội quốc gia Việt Nam rút về phía nam vĩ tuyến 17. Chính phủ Việt Minh thiết lập hệ thống nhà nước xã hội chủ nghĩa trên nửa nước. Gia đình Ngân Hà di chuyển nhà ở nhiều lần, bỏ xa những đường phố cũ. Đến đâu, ông bà Cân Châu cũng chỉ ở trong một ngôi nhà nhỏ bé và đều nhanh chóng trở thành những người thân thiết của các đồng chí cán bộ cơ sở. Họ cũng không quên đi lại với những đồng chí quen biết từ trước.

Theo cách nói của người xưa, ông bà Ngô Văn Cân và Hoàng Thị Kim Châu có phúc. Họ hơn hẳn ông bà cha mẹ mình. Giầu có hơn, lại sinh nở đến bẩy lần. Đã thế, với chế độ nào gia đình ông bà cũng có của ăn của để và sống bình yên. Đàn con khoẻ mạnh, được học hành và có nghề nghiệp tốt. Không kể hai người chết yểu, Ngân Hà là con thứ tư.

Trong năm anh chị em, chỉ một mình Hà long đong về đường nhân duyên.

V.O.