Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 7 tháng 9, 2016

Thảo luận “Vấn đề dạy chữ Hán trong nhà trường“ (10)

Bàn về bài viết của PGS Đoàn Lê Giang đối với việc dạy chữ Hán để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt

Nguyễn Hoàng Trung

 

Trước tiên xin cảm ơn PGS Giang với một bài viết rất tâm huyết về việc “dạy chữ Hán trong nhà trường để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt”, dưới con mắt của một nhà nghiên cứu Hán Nôm, đưa ra một góc nhìn của “người trong cuộc” để phân tích cho nhiều người, nhất là những người không thuộc chuyên ngành đó, thấy được bản chất của việc nên dạy chữ Hán trong giáo dục. Tôi chỉ là lớp người đi sau, mới 30 tuổi đầu và có chút kiến thức về ngôn ngữ nhưng cũng xin viết một bài bày tỏ ý kiến của mình về vấn đề này.

Thứ nhất, tôi hoàn toàn đồng ý với nhận định của PGS về việc rất nhiều người Việt Nam đang dùng sai từ Hán Việt, hay nói cách khác là không hiểu về ý nghĩa thật sự của từ đó mà lại dùng từ đó theo cách hiểu của mình (vd: “yếu điểm” = “điểm yếu”). Dù vô tình hay cố ý thì cũng đã phạm phải cái lỗi mà nói như các cụ ngày xưa là “đã dốt lại còn hay nói chữ”. Nếu chúng ta tiến hành phổ cập chữ Hán thì sẽ cải thiện được vấn đề này. Tôi công nhận đó cũng là một cách giải quyết. Tuy nhiên giống như một nhà đầu tư, tôi luôn xem xét những cái lợi mà mình thu lại được trước khi quyết định đầu tư vào một cái gì đó. Nếu dạy khoảng 2000 chữ Hán để học sinh nhận định được ý nghĩa của một số từ Hán Việt đang bị dùng nhầm thì theo tôi vụ “đầu tư” này là không cần thiết. Chúng ta hoàn toàn có thể tiến hành dạy các chữ như “yếu điểm” ở dạng từ mới, tức là viết ra, đọc lên rồi dạy cho các em ý nghĩa của chúng là gì (vd: “yếu điểm” = “điểm quan trọng”), hay nói cách khác là củng cố dạy từ Hán Việt, dùng tiếng Việt để giải thích tiếng Việt. Lối đầu tư này tôi thấy hiệu quả hơn, vừa không thêm gánh nặng cho học sinh lại vừa không yêu cầu người giáo viên phải có kiến thức Hán học chuyên sâu.

Thứ hai, tôi cũng đồng tình với nhận định của PGS về việc nhiều người Việt không phân biệt được ý nghĩa của từ đơn đồng âm trong các từ ghép (vd: MINH trong “thông minh”, “u minh” “đồng minh” là ba chữ MINH khác nhau). Tuy nhiên lật lại vấn đề ở đây tôi đặt ra một câu hỏi: phân biệt chúng để làm gì? Khi mà các từ như vậy đều không nằm đơn lẻ mà nằm trong từ ghép, và tất cả những người đang đọc những dòng này của tôi hẳn là không ai không hiểu nghĩa của những cụm từ đó. Lại một bài toán của nhà đầu tư. Dạy cặn kẽ ý nghĩa của những từ đơn trong cụm từ ghép đó nhưng xét về mặt ứng dụng thì xem ra lại không cần thiết. Vậy có nên đầu tư hay không?

Thứ ba, tôi đồng tình với PGS về sự khác biệt giữa bài luận của những người có bằng thành chung trước 1945 và những người thời đại hiện nay. Tôi thường đọc văn của Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố, nhóm Tự lực văn đoàn nên cũng cảm nhận được sự khác biệt trong cách dùng từ của người xưa và người nay. Nhưng thực ra ngôn ngữ nào cũng có sự biến đổi theo lịch sử. Sau 1945, để giảm tải sự ảnh hưởng của tiếng Hán người Việt đã biến nhiều từ thuần Hán thành thuần Việt. Ví dụ như PGS nói, thay “phi trường” bằng “sân bay”, thay “hoả diệm sơn” bằng “núi lửa”, thay “tiềm thuỷ đĩnh” bằng “tàu ngầm… Đây là một bước thay đổi mà theo tôi là có tính cách mạng cho sự phát triển của tiếng Việt. Nhưng khi PGS cho rằng không mấy người hiểu dược ý nghĩa của chữ “DIỆM”, chữ “TIỀM” và cần dạy chữ Hán cho mọi người hiểu thì tôi lại đặt lại câu hỏi: Hiểu chúng để làm gì? Khi mà những từ như "hoả diệm sơn" đã thành dĩ vãng và chúng ta mỗi khi dùng từ thuần Việt để diễn tả chúng thì trong đầu ta hoàn toàn mường tượng được ra nó là cái gì. Theo tôi việc đầu tư để đi sâu nắm được nghĩa của những từ như vậy là không cần thiết. Lối dùng từ của người xưa tuy rằng có khác người nay nhưng sự khác biệt không nằm ở đẳng cấp dùng từ mà nằm ở sự biến đổi ngôn ngữ, một sự thay đổi không thể tránh đối với nhiều quốc gia trên thế giới. Cho dù ngày nay chúng ta đã có nhiều từ thuần Việt để thay thế nhưng nhiều người vẫn cho rằng lối dùng Hán Việt dày đặc như người xưa mới là thanh cao. Thực chất đây cũng là một tâm lý chung của nhiều người Việt. “Một vị y sư khả kính” nghe có vẻ trang trọng hơn là “một ông thầy thuốc đáng kính”. Hay “cái cười của y thật khả ố” nghe có vẻ văn vẻ hơn là “cái cười của hắn thật đáng ghét”. Thực chất những cái mới đã đến và thay đi cái cũ đều là vì có nguyên do của nó cả. Ta vốn dĩ không thể đảo ngược dòng lịch sử để bỏ cái mới mà dùng cái cũ. Người Anh cũng không thể dùng tiếng Anh như thi hào Shakespeare để “giữ gìn sự trong sáng của tiếng Anh”. Người Trung Quốc không thể dùng tiếng Trung như văn hào 羅貫中 (La Quán Trung) để “giữ gìn sự trong sáng của tiếng Trung”. Người Nhật cũng không thể dùng tiếng Nhật như nữ sĩ 紫式部 (Murasaki Shikibu) để “giữ gìn sự trong sáng của tiếng Nhật". Người Hàn cũng không thể dùng tiếng Hàn như triết gia 박지원 (Park Ji-won) để không bị mang tiếng là phá hoại tiếng Hàn...

Trong bối cảnh từ Hán Việt trong tiếng Việt đang dần dần bị biến đổi để thích ứng với thời đại, chúng ta nếu muốn viện cớ “giữ gìn sự trọng sáng của tiếng Việt” để dạy chữ Hán và sửa triệt để thì không những chỉ sửa cách dùng những từ Hán Việt đang bị dùng sai ý nghĩa mà còn phải sửa tất cả cách dùng đang "có vấn đề" của những từ mang âm Hán khác. Nhiều từ ta nói theo lối Hán như “hiệu trưởng”, “viện trưởng”, “bộ trưởng” nhưng tại sao có những từ khác lại nói theo lối Việt như “trưởng khoa”, “trưởng ban”, “trưởng bộ môn”? Có từ ta nói kiểu Việt như ung thư “tuyến giáp”, “tuyến yên” nhưng tại sao có từ lại nói theo lối Hán như ung thư “tiền liệt tuyến”? Tại sao có những địa danh ta dùng âm Hán để gọi như Anh, Đức, Tây Ban Nha mà có những địa danh khác cùng ngang đơn vị hành chính lại dùng âm Latinh để gọi như Philippin (mà không phải là Phi Luật Tân), Singapore (mà không phải là Tân Gia Ba), Australia (mà không phải là Úc Đại Lợi)? Rõ ràng cách sử dụng từ Hán Việt xét về mặt một thể thống nhất thì còn nhiều bất cập nhưng nếu muốn quy triệt để về lối Hán như ngày xưa thì sẽ tốn không chỉ thời gian, tiền bạc, công sức mà còn vấp phải sự chê bai, phản đối mạnh mẽ của cộng đồng. Vậy ta có nên phủ nhận dòng chảy lịch sử của ngôn ngữ mà quay lại cái “thời xa vắng” đó hay không?

Thứ tư, tôi không đồng ý với PGS về việc so sánh tiếng Nhật và tiếng Việt để làm rõ luận điểm rằng người Nhật đầu tư dạy chữ Hán như vậy mà chúng ta lại không làm là thiếu sót. Bởi vì về bản chất tiếng Việt và tiếng Nhật tuy đều chịu nhiều ảnh hưởng của tiếng Hán nhưng lại là hai ngôn ngữ hoàn toàn khác nhau. Đầu tiên tôi sẽ nói về việc tại sao người Nhật bắt buộc phải dùng chữ Hán (kanji) trong tiếng Nhật trong khi người Việt và người Hàn, người thuộc hai đất nước cũng chịu ảnh hưởng lớn của tiếng Hán như Nhật Bản, lại bỏ được chữ Hán đi trong hệ thống chữ viết của mình. Nhìn vào bảng chữ cái và cấu tạo từ vựng của tiếng Nhật ta thấy một điều rằng tiếng Nhật là một ngôn ngữ kém đa dạng về từ vựng hơn nhiều so với tiếng Việt và tiếng Hàn. Trong khi tiếng Việt dùng phụ âm + nguyên âm + phụ âm + dấu để tạo ra từ (vd: ta có CẢM, CÀN, CẠP, CÁT, CÁC… tức là dùng phụ âm C + nguyên âm A + phụ âm khác rồi thêm dấu để cho ra nhiều từ khác nhau) hay tiếng Hàn dùng phụ âm mở đầu + nguyên âm + Pachim để tạo ra từ (vd: ta có 각, 갇, 간, 갓, 갛, 감, 갈, 갖, 강… tức là dùng phụ âm mở đầuㄱ + nguyên âmㅏ+ các Patchim chặn cuối khác để tạo ra nhiều từ khác nhau), thì tiếng Nhật dùng các từ đơn âm tiết như か(ka), た(ta), な(na)… ghép với nhau để tạo ra từ vựng và chỉ có duy nhất một phụ âm chặn cuối là ん, được đọc là “n” hoặc “m” tuỳ từng trường hợp (vd: みんな (minna), かんぱい (kampai)). Điều này khiến khả năng tạo từ của tiếng Nhật bị giảm đi, dẫn đến hai hệ quả: 1. Từ vựng dài (khó đọc văn bản) và 2. Có nhiều từ đồng âm khác nghĩa (khó phân biệt từ). Chính vì vậy nên người Nhật bắt buộc phải dùng chữ Hán (kanji) trong tiếng Nhật để rút ngắn độ dài của từ vựng trong văn bản (qua đó rút ngắn độ dài của văn bản) và tránh gây ra hiểu lầm khi mà Hiragana và Katakana (hai kiểu chữ khác trong tiếng Nhật, thành phần cấu thành bảng chữ cái) chỉ diễn tả được ngữ âm. (vd: về rút ngắn độ dài từ: こころざし (kokorozashi) → 志, hay むずかしい (muzukashii) → 難しい. Về diễn tả từ đồng âm khác nghĩa: はな (hana) → 花 (bông hoa), 鼻 (cái mũi); はし (hashi) → 箸 (cái đũa), 橋 (cây cầu)…). Nói tóm lại, chữ Hán (kanji) là một đơn vị không thể thiếu cấu thành nên tiếng Nhật nhưng không phải là đơn vị cấu thành nên tiếng Việt hay tiếng Hàn. Người học tiếng Nhật bắt buộc phải học chữ Hán (kanji) chứ người học tiếng Việt hay tiếng Hàn thì không cần phải học.

Những nước như Nhật, Hàn thuận theo dòng chảy của lịch sử họ cũng đã biến đổi khá nhiều cách dùng các từ Hán Nhật, Hán Hàn và đồng thời du nhập thêm nhiều từ của phương tây trong lối hành văn. Tại sao động từ “HỌC” trong tiếng Nhật lại là べんきょう (benkyou) trong khi từ Hán Nhật này trong tiếng Hán (được viết là 勉強) có nghĩa là MIỄN CƯỠNG? Cùng động từ HỌC đó tại sao trong tiếng Hàn là 공부 (gongbu) trong khi từ Hán Hàn này trong tiếng Hán (được viết là 工夫) lại có nghĩa là CÔNG PHU? Người Nhật và Hàn đã dùng những từ kiểu này qua bao nhiêu thế hệ, như vậy là họ đã có truyền thống “phá hoại tiếng Nhật”, “phá hoại tiếng Hàn” ư? Chữ Hán (kanji) trong tiếng Nhật thật ra cũng là một mớ hổ lốn pha tạp giữa Hán giản thể Trung Quốc, Hán phồn thể Trung Quốc và chữ Nôm kiểu Nhật. Không lẽ họ cũng phải cải tổ lại hoàn toàn cho thống nhất với gốc Hán để "giữ gìn sự trong sáng của tiếng Nhật" ư? Rồi tiếng Việt của ta nữa. Trong khi Nhật và Hàn vẫn còn giữ lại nhiều từ Hán Nhật, Hán Hàn để dùng trong cuộc sống thường ngày thì tiếng Việt ta đã biến nó thành từ thuần Việt gần gũi. Ví dụ như: TRUNG: 归国/歸國 (guīguó) → NHẬT: 帰国 (kikoku) → HÀN: 귀국 (gwigug) → VIỆT: Về nước (mà không phải là "quy quốc"); TRUNG: 轮廓/輪廓 (lúnkuò) → NHẬT: 輪郭 (rinkaku) → HÀN: 윤곽 (yungwag) → VIỆT: Đường viền (mà không phải là "luân quách"). Để “giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt” không lẽ ta phải học tiếng Hán rồi sửa "về nước" thành "quy quốc", sửa "đường viền" thành "luân quách" mới tạo nên lối dùng từ và hành văn chuẩn xác?

Thứ năm, tôi không đồng ý với PGS khi ông quy thanh niên Việt Nam là “vong bản ngay trên đất nước mình”, là “giữ gìn bản sắc dân tộc kém nhất” chỉ vì họ không biết chữ Hán. Thưa PGS, nguyên nhân của thực trạng này không nằm hoàn toàn ở việc hiểu hay không hiểu chữ cổ mà nằm ở cơ chế giáo dục, ở chế độ chính trị. Ta hoàn toàn có thể cải tổ vấn đề này mà không cần dạy chữ Hán, nhưng tôi sợ nói ra ở đây không khéo tôi lại vào đồn công an rồi “trượt chân ngã va đầu vào dùi cui”. Còn việc PGS nói sinh viên Việt Nam than thở vì không biết trình diễn bộ môn truyền thống gì cho bạn bè các nước xem rồi quy nguyên nhân nó nằm ở việc không biết chữ Hán thì tôi lại càng không đồng ý. Chúng ta diễn tuồng, diễn chèo, hát cải lương, ca trù, quan họ, biểu diễn võ cổ truyền... đâu có nhất thiết phải biết chữ Hán mới làm được đâu. Mỗi quốc gia lại có những nền văn hoá khác nhau. Không thể chỉ lấy ví dụ về việc sinh viên không biết thư pháp chữ Hán để rồi cho rằng giới trẻ không nắm được bản sắc dân tộc. PGS nói sinh viên Hàn ai cũng viết được thư pháp Hán Hàn thì tôi lại càng hoài nghi vì mấy đứa bạn Hàn Quốc của tôi thật tình chả đứa nào viết được.

KẾT: Bản thân tôi không phủ nhận lợi ích của việc dạy chữ Hán trong trường học vì đúng như nhiều người đã nói, nó giúp người Việt Nam ta hiểu về tiếng Việt hơn và dùng đúng tiếng Việt hơn. Tuy nhiên nếu đầu tư đại trà để phổ cập chữ Hán ở thời điểm này thì tôi cho là không cần thiết. Chúng ta còn quá nhiều cái cần phải thay đổi, cải tổ trước. Hãy biên soạn sách cho chuẩn, chọn giáo viên có kỹ năng, có trình độ để truyền đạt từ Hán Việt và thuần Việt một cách chính xác, đồng thời dạy kỹ cả về dấu câu, chính tả, ngữ pháp. Có chăng nếu đưa chữ Hán vào giảng dạy thì nên đưa ở dạng thí điểm, dạy khoảng 1000 chữ theo hình thức ban tự chọn cho những đối tượng có hứng thú, không bắt buộc toàn bộ học sinh đều phải học. Xin lỗi đã làm mất thời gian của mọi người vì một bài viết quá dài. Chân thành cảm ơn vì đã đọc.

PS: Quý vị lưu ý, bài viết để mở và tất cả mọi người đều có thể đọc và góp ý nhưng những bình luận mà tôi cho là không phù hợp (lạc đề, lăng mạ, xúc phạm người khác...) đều sẽ bị xoá bỏ. Tất cả các bài viết của tôi mọi người đều có thể chia sẻ (share) mà không cần hỏi ý kiến của tôi.

Nguồn: FB Nguyễn Hoàng Trung