Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 7 tháng 9, 2016

Bàn về thuật ngữ tiểu thuyết và truyện trong văn học Việt Nam

Trần Đình Sử

Có một nghịch lí thú vị là thuật ngữ tiểu thuyết và truyện ở Trung Quốc đã có từ rất sớm, mà các cụ ta ngày xưa chỉ chọn thuật ngữ truyện, mà không chọn thuật ngữ tiểu thuyết. Chứng cớ là trong các tập Việt điện u linh, Lĩnh Nam chích quái lục đều gọi là truyện. Về sau các truyện trong Truyền kì mạn lục, Thánh Tông di thảo, cho đến truyện Nôm cũng hầu hết đều gọi là truyện, mà không gọi là tiểu thuyết. Rõ ràng ở đây đã có một sự lựa chọn để tiếp nhận. Thuật ngữ tiểu thuyết được chấp nhận ở Việt Nam rất muộn. Phải đầu thế kỉ XX mới nhập vào. Nhưng xin nói ngay, nội hàm và bối cảnh tiếp nhận thuật ngữ này đã hoàn khác, không phải là tiểu thuyết vốn có của Trung Quốc xưa.

Vậy thử hỏi vì sao thuật ngữ tiểu thuyết từ xưa không được các cụ ta tiếp nhận? Theo thiển ý của tôi, hai chữ tiểu thuyết ở Trung Quốc ban đầu không có nghĩa tốt đẹp, chỉ là một gia trong “thập gia” – “tiểu thuyết gia” – với tư cách là một học phái đứng bét, không được trọng. Tiểu thuyết nói đến tiểu đạo, đối lập với đại đạo. Đến đời Tấn thuật ngữ tiểu thuyết thịnh hành (tiểu thuyết đời Hán phần nhiều là do người đời Tấn nguỵ tạo) thì tiểu thuyết có nghĩa là lời nói câu chuyện đầu đường cuối ngõ (nhai đàm hạng ngữ), như thế thì không vẻ vang gì. Vì thế các tác giả Việt điện u linhLĩnh Nam chích quái lục không dại gì mà lấy cái tên “tiểu thuyết” để gọi tác phẩm của mình. Việt điện u linh là thần phả kia mà, sao lại gọi là tiểu thuyết được? Còn Lĩnh Nam chích quái là các truyện chép có tham khảo các sử liệu hẳn hoi, sao lại gọi là tiểu thuyết được? Như vậy ta hiểu vì sao thuật ngữ tiểu thuyết không được chọn ở Việt Nam trung đại.

Bây giờ giải đáp câu hỏi thứ hai: Vì sao thuật ngữ truyện lại được chọn? Truyện trong văn học Hán được hiểu là thể loại văn xuôi ghi chép sự tích (có cốt truyện) của một người để truyền cho hậu thế. Trong Sử kí Tư Mã Thiên đặt thể liệt truyện để “kí nhất nhân chi thuỷ mạt”, tức ghi chuyện đầu đuôi của một người, đời sau không ai dám đổi. Truyện là thể loại của sử, có tính chất trang trọng. Trong sách Văn thể minh biện chia truyện làm bốn loại: sử truyện, gia truyện, thác truyện, giả truyện; Ngô Tăng Kì đời Thanh trong sách Văn thể sô ngôn chia làm sử truyện, gia truyện, tiểu truyện, biệt truyện (ngoại truyện)… Chữ Bân Kiệt sau này chia làm ba loại, sử truyện, truyện kí và truyện kí tiểu thuyết, đưa tiểu thuyết vào, chứ nguyên chỉ là thể loại của sử. Như thế người Việt chọn truyện là chọn tính sử của nó, chọn tính chất trang nghiêm, thực lục của nó, không coi nó là hoang đường, chưa chọn tính văn nghệ. Như thế cũng có nghĩa ý thức văn nghệ của người Việt phát triển khá muộn. Sau này với truyện Nôm, thì truyện lại chuyển sang tính hư cấu, như Nhị độ mai truyện, Phan Trần truyện, Phù Dung tân truyện, Trê cóc truyện… lại là một bước tiến nữa nhằm văn chương hoá sử truyện.

Vậy tại sao đầu thế kỉ XX lại chọn dùng hai chữ tiểu thuyết? Trước hết ta nên hiểu rằng, hai chữ tiểu thuyết ở Trung Quốc vốn có địa vị thấp. Hai chữ tiểu thuyết đầu tiên có trong thiên Ngoại vật của Trang Tử, không liên quan gì với thể loại, Đời Hán Nghệ văn chí có ghi 15 loại tiểu thuyết gia, nhưng thất truyền hết, không biết trong đó nói gì. Hồ Ứng Lân đời Minh nếu tiểu thuyết gồm sáu loại: chí quái, truyền kì, tạp lục, tùng thoại, biện đính, châm quy. Ngoài chí quái, truyền kì, bốn loại kia chẳng liên quan gì đến tiểu thuyết ngày xưa và ngày nay. Sách Tứ khố đề yếu chia tiểu thuyết làm ba loại: tự thuật tạp sự, kí lục dị văn và chuế tập toả ngữ, nói chung đặc trưng không mấy liên quan đế khái niệm tiểu thuyết thời nay. Có thể nói thời trung đại người Trung Quốc cũng chưa có khái niệm tiểu thuyết rõ ràng. Các tiểu thuyết lớn như Tam Quốc diễn nghĩa thì gọi là bình thoại, Tây du kí, Thuỷ hử truyện, Hồng lâu mộng là Thạch đầu kí. Chúng chưa bao giờ được gọi là tiểu thuyết. Chúng được gọi bằng tiểu thuyết là câu chuyện về sau. Khái niệm tiểu thuyết mang nội dung hiện đại ở Trung Quốc bắt đầu lưu truyện là khởi tự ông Lương Khải Siêu, người sau khi xuất dương Nhật Bản về, tiếp nhận khái niệm tiểu thuyết ở Nhật Bản, mới đề xương khẩu hiệu “tiểu thuyết cứu quốc”, dùng tiểu thuyết tố cáo xã hội lạc hậu, vẽ ra lí tưởng tương lai. Ông dịch tiểu thuyết Giai nhân kì ngộ của Nhật của tác giả Sài Tứ Lang mà sau này ông Phan Châu Trinh đem diễn ra quốc âm dưới dạng truyện Nôm đầu thế kỉ XX. Phan Bội Châu cũng tiếp nhận Lương Khải Siêu mà viết Trùng Quang tâm sử. Khái niệm tiểu thuyết ở Việt Nam là dịch từ thuật ngữ roman của phương Tây. Thuật ngữ này có cội nguồn Nhật Bản. Người Nhật mượn từ tiểu thuyết vốn có của Trung Quốc mà dịch chữ roman tiếng Pháp hay novel tiếng Anh vốn có nội hàm không dính dáng gì tới thuật ngữ tiểu thuyết ở Trung Quốc. Khi Lỗ Tấn viết Trung Quốc tiểu thuyết sử lược là ông lấy khái niệm tiểu thuyết của phương Tây mà khảo và viết lịch sử tiểu thuyết Trung Quốc theo khái niệm mới. Ông cũng du học Nhật Bản và cũng tiếp thu tiểu thuyết từ Nhật Bản. Vì vậy, cách hiểu truyện và tiểu thyết trong Từ điển văn học bộ mới là nhầm lẫn, cần được đính chính. Cần phân biệt thuật ngữ tiểu thuyết vốn có trong thư tịch Trung Quốc và thuật ngữ tiểu thuyết nhu là thuật ngữ dịch từ roman của phương Tây, rồi từ nội hàm ấy mà xem lại truyền thống tiểu thuyết của Trung Quốc và Việt Nam.

Thuật ngữ tiểu thuyết ở Việt Nam được sử dụng rất muộn. Khi Lương Khải Siêu đã sử dụng nghĩa mới của tiểu thuyết từ cuối thế kỉ XIX, thì ở Việt Nam, các tác giả như Nguyễn Trọng Quản, Trần Chánh Chiếu cho đến các cuộc thi tiểu thuyết trên báo Nông cổ mín đàm cũng chưa dùng thuật ngữ này, mà gọi là truyện. Có lẽ phải đến những năm 20 tiểu thuyết mới thịnh hành. Năm 1918 khi đăng Sống chết mặc bay, Nam Phong gọi nó là đoản thiên tiểu thuyết. Đến khi Phạm Quỳnh viết Khảo về tiểu thuyết năm 1929 thì ông chủ yếu dựa vào tiểu thuyết phương Tây để phân tích. Như vậy trong lí luận văn học hiện đại người ta vận dụng khái niệm và thuật ngữ tiểu thuyết hiện đại để nhìn lại tiểu thuyết trong truyền thống. Vả chăng trong truyền thống, tiểu thuyết chưa phải là tên của thể loại, mà tên của một loại văn phong cho nên nói chung nó không bao giờ ghép được với tên tác phẩm như tên thể loại thông thường (ví dụ Hồng Bàng thị truyện, hay Ngọc Tỉnh liên phú, Bình Ngô đại cáo…). Tiểu thuyết là tên một phạm vi, một lĩnh vực, chỉ đến hiện đại nó mới được coi là tên một thể loại.

Hà Nội, ngày 5 tháng 9 năm 2016