Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 25 tháng 8, 2016

Đường hai chiều

Kính gửi Ban Biên tập Tuần báo Văn nghệ thành phố HCM.

Hà Nội, ngày 20.8.2016

Hơn một thế kỷ qua, trong đời sống văn hóa, tinh thần của người dân Việt Nam, cái tên Nguyễn Văn Vĩnh luôn tạo ra hàng loạt những dấu hỏi lớn, trong đó có cả sự nghi ngại, dè chừng… Vì lẽ đó, đã dẫn tới nhiều sự luận bàn trong xã hội. Luận bàn giữa những người mang những ý thức hệ tư tưởng khác nhau, giữa những mức độ nhận biết, kiến thức khác nhau, và giữa những quan niệm văn hóa khác nhau, vào những giai đoạn lịch sử khác nhau của dân tộc.

Thường, đứng trước sự nghi ngại, ngờ vực, với những người có nhân cách, có lương tri và trân trọng sự thật, họ sẽ đi đến cùng, xem điều gì đã đẩy xã hội đến chỗ phải trăn trở kéo dài mỗi khi nói về một con người đã tạo ra nhiều dấu ấn trong lịch sử? Vì sao những luận bàn về Nguyễn Văn Vĩnh lại là sự nan giải, phức tạp đến mức có những lực lượng dấu mặt muốn cách ly cái danh của ông đối với hậu thế bằng cách gây ngờ vực ngấm ngầm và dai dẳng như vậy?!

Thực tế này về Nguyễn Văn Vĩnh, nó cũng song hành cùng với vận mệnh và những biến động xã hội của một đất nước đã vật vã kéo dài trong việc đi tìm một con đường, nhằm thoát được những bế tắc triền miên do số phận tạo ra. Một đất nước luôn bị giằng xé giữa các ý thức hệ khác nhau, vì những quyền lợi khác nhau của các lực lượng khác nhau ở ngay trong các cộng đồng dân cư của chính dân tộc này.

Những tư tưởng khác nhau đó đã đến từ nhiều nước lớn. Họ nhắm vào các gương mặt đại diện của các tầng lớp dân chúng, các nhóm cộng đồng có những lợi ích khác nhau, bám rễ phát triển. Nhưng thực tế, lịch sử đã cho thấy, những hệ tư tưởng đó đều đã không đem lại sự phát triển bền vững cho quốc gia này nhìn vào bất cứ lĩnh vực nào, bởi lẽ hầu như, nó thiếu một cái căn cốt, một cái sinh khí … Thực chất, họ đã không muốn dựa vào sức mạnh trí tuệ của chính dân tộc này!

Trí tuệ là sức mạnh số một, là chất kết dính hàng đầu của một dân tộc! Hậu sinh gọi nôm là đoàn kết.

Các thế lực ngoại lai đó đã chỉ dựa vào sự lạc hậu, sự cùng cực, khốn khó của một dân tộc để họ chiếm sự chủ động trong việc tạo ảnh hưởng, phục vụ cho ý đồ thống trị. Họ đã luôn tin rằng, với những kẻ khốn cùng, bảo gì cũng sẽ phải nghe theo … Họ đã sai, mãi mãi sai!

Ngược lại, đây là điều lúc sinh thời, Nguyễn Văn Vĩnh luôn gắng sức thực hiện. Nguyễn Văn Vĩnh đã làm bằng mọi phương thức để giúp người dân có tri thức, lấy đó nhằm phát triển trí não. Nguyễn Văn Vĩnh chống lại kịch liệt sự lợi dụng cái yếu kém của người khác. Với ông, khi người dân có tri thức, họ sẽ có được lý chí, trí tuệ. Có lý chí, họ sẽ biết được những điều hay, lẽ phải để lựa chọn. Có trí tuệ, họ sẽ nhận thức được những tiến bộ của nhân loại, những thành tựu của khoa học kỹ thuật, của văn hóa nghệ thuật, để lấy đó làm năng lượng, làm cốt lõi cho việc xây dựng một giống nòi tiến bộ, phát triển, bình đẳng, và đó mới là nền móng của sự vững bền.

Theo góc nhìn nghiên cứu của một giáo sư đại học ở Canada, Christopher Goscha, giảng viên khoa Đông phương học, trường đại học Montreal, ông đã ngạc nhiên khi nghiên cứu về Nguyễn Văn Vĩnh với nhận định:

“Ngược lại, chúng ta có thể đặt một cái nhìn mới đối với một nhóm người Việt Nam đông đảo đã chủ trương hiện đại hóa và giải phóng chính trị cho Việt Nam dưới hình thức một khế ước với người Pháp. Chúng ta hãy nghĩ đến Phan Châu Trinh, Bùi Quang Chiêu, Phạm Quỳnh, Huỳnh Thúc Kháng và nhiều người khác (kể cả Nguyễn Ái Quốc trong giai đoạn đầu). Toàn quyền Albert Sarraut đã làm họ tăng thêm hy vọng bằng lời hứa hẹn một sự tiến hóa chính trị đi tới khả năng tự trị, mà ngày nay chúng ta biết, không phải được thực hiện dễ dàng. Nhưng thực ra vào đầu thế kỷ XX không ai biết được hình hài của nó”.

(RFHOM, T.88, số 332-333- 2001. Cố dịch giả Đào Hùng dịch từ tiếng Pháp).

Rõ ràng, chỉ thoáng nhìn về Nguyễn Văn Vĩnh, ngay lập tức, người ta đã nhận thấy, vì sao, một giai đoạn rất dài, họ đã nhào nặn một lối nghĩ theo cách tránh né, rằng ông là trường hợp “gai góc” nhất trong lịch sử Việt Nam ở thế kỷ XX! Và với cái “gai góc” đó, họ đã tạo ra vô vàn sự ái ngại với nhiều người có nguyện vọng đi sâu, tìm hiểu, nhận biết thế nào là Nguyễn Văn Vĩnh?! Thậm chí, “họ” đã thành công trong việc cách ly về tư tưởng với những tầng lớp là tri thức XHCN trước trường hợp Nguyễn Văn Vĩnh. Thế rồi, tốt hơn, để yên phận, nhiều người trong số đó đã chép miệng, quay lưng và im lặng … Một phương thức xóa bỏ sự thật, triệt tiêu phản biện.

Trong khi, những gì Nguyễn Văn Vĩnh để lại cho hậu thế, ngày hôm nay, người dân Việt Nam đã thực sự trân trọng với sự hàm ơn càng ngày càng sâu đậm, vì nó hiện hữu không thể phủ nhận.

Lịch sử nhất định sẽ giữ vững giá trị tự thân của một dân tộc, và giá trị đó thể hiện sự công bằng. Một xã hội có trách nhiệm, những người có trách nhiệm, có lương tri nhất thiết sẽ dành sự quan tâm xứng đáng để nhìn lại một cách khoa học và tổng thể sự nghiệp của Nguyễn Văn Vĩnh, một con người mà vì sao khi vĩnh biệt ông, đã được thế hệ tri thức cùng thời trao cho danh vị:  Người Công dân vĩ đại. ?!

Người công dân Nguyễn Văn Vĩnh sinh thời đã làm những gì để được gọi là vĩ đại?

– Người đã dành trọn cuộc đời với 30 năm liên tục lao động, quảng bá, hoàn thiện và phổ cập chữ Quốc ngữ trong dân chúng, nhân tố quan trọng chiến lược quyết định sự độc lập về bản sắc văn hóa của một dân tộc.

– Người đứng đơn chịu trách nhiệm trước Nhà Cầm quyền Thực dân, xin mở trường Đông kinh Nghĩa thục ở số 10 phố Hàng Đào, Hà Nội để Lương Văn Can là Thục Trưởng (1907).

– Người đầu tiên làm báo bằng chữ Quốc ngữ ở phần phía Bắc Việt Nam (1907).

– Người đầu tiên dịch các tác phẩm kinh điển về văn học, triết học, tư tưởng học của các danh nhân Âu châu ra chữ Quốc ngữ ngay từ những năm đầu của thế kỷ XX, khi chữ Quốc ngữ còn chưa được sử dụng phổ thông.

– Người VN duy nhất ký đơn kiến nghị, phản đối Nhà cầm quyền Thực dân về việc đã bắt chí sỹ Phan Châu Trinh. Ông đòi Chính quyền Thực dân phải trả tự do cho nhà yêu nước Phan Châu Trinh vì Phan Châu Trinh vô tội! (1908).

– Người đầu tiên dịch truyện thơ ngụ ngôn từ tiếng Pháp ra tiếng Việt năm 1907 và đó là nguồn gốc phát triển của phong trào thơ mới ở Việt Nam.

– Người đầu tiên du nhập loại hình nghệ thuật phương Tây, kịch nói. Nguyễn Văn Vĩnh dịch và dựng vở diễn hài kịch của Molie và cũng là người đóng vai để giới thiệu trước công chúng Việt Nam năm 1920 tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

– Người đầu tiên xác nhận vai trò quan trọng của môn nghệ thuật thứ bẩy và thực hiện thành công việc làm bộ phim điện ảnh đầu tiên ở Việt Nam. Ông trực tiếp biên kịch và chỉ đạo nghệ thuật khi dựng cảnh quay bộ phim Kim Vân Kiều tại Hà Nội (1924).

– Người thành công nhất trong việc dịch trọn bộ Truyện Kiều ra tiếng Pháp, tác phẩm tiêu biểu nhằm giới thiệu với Thế giới để biết, hiểu về nền văn hóa Việt Nam, cơ sở để vinh danh thi hào Nguyễn Du là Danh nhân văn hóa Thế giới. Cuốn sách dịch này đã được đưa vào bộ tự điển nổi tiếng thế giới: CÁC TÁC PHẨM CỦA TẤT CẢ CÁC THỜI ĐẠI VÀ CÁC XỨ SỞ (Dictionnaire des oeuvres de Tous les Temps et de Tous les Pays).

Còn rất nhiều những cái đầu tiên nữa để khi Nguyễn Văn Vĩnh từ giã cuộc đời, tháng Năm 1936, những nhà yêu nước hàng đầu của đất nước này ở nửa đầu thế kỷ XX đã hiểu được rất rõ, vì sao Nguyễn Văn Vĩnh phải chết?!

Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng, Mai Đăng Đệ, Nguyễn Văn Tố, Vũ Đình Liên…. không đơn giản, đã phải xót sa cất và viết lên những lời điếu thống thiết để tiễn biệt “…Ôi bạn ta ngọc báu của năm châu”( lời điếu bằng chữ Hán của Phan Bội Châu) đến nơi an nghỉ cuối cùng!

Những nhân sỹ Việt Nam tiêu biểu đó của lịch sử dựng nước, chắc chắn đã rất thất vọng khi vong hồn của họ biết được có một nhóm hậu sinh, nhân danh với rất nhiều nhân danh, đã gọi người “bạn” của họ là kẻ “bán nước”.

Xin nêu một vài gạch đầu dòng để nhắc lại với quý Ban Biên tập khái niệm về nhà báo Nguyễn Văn Vĩnh, người đã làm được gì cho việc xây dựng đời sống tinh thần, văn hóa cho đồng bào của ông. Chắc chắn ông làm những việc nêu trên không phải để làm hài lòng cho một nhóm lợi ích nào đó trong lịch sử. Chắc chắn ông không làm vì danh và lợi… Đặc biệt khi lịch sử xác nhận, Bắc đẩu Bội tinh ông đã không cần, làm Thượng thư (Bộ Trưởng) cho Triều đình, ông cũng không cần…! Đơn giản, Nguyễn Văn Vĩnh chỉ muốn làm sao để một dân tộc lam lũ, đói nghèo thoát khỏi sự thất học, vì vô học sẽ chỉ có thể làm nô lệ mà thôi.

Sẽ là rất dài để bàn luận về đề tài Nguyễn Văn Vĩnh, nhất là sau khi Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học VN quyết định vinh danh Nguyễn Văn Vĩnh là DANH NHÂN VĂN HÓA VIỆT NAM THỜI HIỆN ĐẠI đúng vào ngày giỗ lần thứ 90 của Nhà yêu nước nổi tiếng trong lịch sử VN ở thế kỷ XX – Phan Châu Trinh (24.3.1926 – 24.3.2016).

Thật khó để nhân dân tin rằng, việc vinh danh Nguyễn Văn Vĩnh của một tổ chức xã hội danh chính như Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh, đã làm cho một vài bộ mặt cực đoan đến độ không kìm chế được đã mỉa mai, dèm pha quyết định này.

Đáng xấu hổ hơn, đó là việc họ đã thông qua một tờ báo được mệnh danh là cơ quan làm văn hóa, văn nghệ để diễu cợt một nhà văn được lịch sử chiến tranh Việt Nam kính trọng, được các thế hệ người Việt lớn lên trong chiến tranh trân trọng như nhà văn Nguyên Ngọc, người đã đóng góp không nhỏ cho dân tộc này tinh thần quả cảm, đức hy sinh để vượt qua cơn thác lũ của đạn bom, của chiến tranh bằng những tác phẩm văn học tiêu biểu của Chủ nghĩa Anh hùng Cách mạng VN.

Nhà văn Nguyên Ngọc còn hiện hữu trước nhân dân, trước các đồng nghiệp mà một cơ quan danh chính ngôn thuận là “đồng chí” với ông còn thóa mạ ông đến như vậy, thì người đã mất như học giả Nguyễn Văn Vĩnh chắc chẳng có gì phải ngại để kẻ nào đó xuyên tạc?! Thật ghê sợ khi nghĩ đến sự hằn thù nào, đã đẩy “họ” đến chỗ hành xử như vậy với tiền nhân? Cần chấm dứt cách trích dẫn theo lối hành xử tiểu nhân vì: Một nửa cái bánh mỳ vẫn gọi là bánh mỳ. Nhưng Một nửa sự thật là sự giả dối. Điều mà ai cũng biết!

Tannamtu.com làm theo nguyên tắc của nhà báo Nguyễn Văn Vĩnh, đó là sự minh bạch trước con mắt của người đời. Không quan trọng rằng những ý kiến trái chiều hay cùng chiều, Nguyễn Văn Vĩnh đã luôn thẳng thắn đặt tất cả lên mặt báo để mọi người cùng nhận xét, cùng suy nghĩ, và sẽ tự tìm thấy sự thật?! Không tự nhiên, khi viết bài trên tờ nhật báo đầu tiên trong lịch sử báo chí VN TRUNG BẮC TÂN VĂN 1919 do chính Nguyễn Văn Vĩnh là Chủ bút, ông thường kết thúc bài viết của mình bằng câu hỏi: Quốc dân đồng bào nghĩ sao? Dù kết quả mà công chúng thu nhận được sẽ lệ thuộc vào sự khác nhau về trình độ nhận thức và góc nhìn.

Theo nguyên tắc tư duy này, xã hội sẽ có được cơ hội để đánh giá sự đa dạng và bao quát về sự nghiệp của một nhân vật lịch sử, giúp hạn chế phần nào những thắc mắc dai dẳng về một đề tài vì sao lại bị gọi là “gai góc”?! Cho dù con đường chứng minh Nguyễn Văn Vĩnh tuyệt nhiên không hề “gai góc” còn đang tiếp tục.

BBT. Chúng tôi xin chuyển lại đến các quý vị là Lãnh đạo của Tuần báo (vì có những thành viên chưa đọc) và các độc giả, bài viết của người mang bút danh Trịnh Phi Long, đăng trên tuần báo Văn nghệ TP.HCM số 398, ngày 29.4.2016 với đầu đề mà các độc giả sẽ nhận thấy sự hằn học “lạ lùng” của một người làm văn hóa, “Nguyên Ngọc không còn nguyên” để thêm một sự hiểu!

                          Cuộc sống, chỉ có con đường một chiều duy nhất,

                                     đó là đường dẫn đến nghĩa địa!

Trân trọng!

Nguyễn Lân Bình. Chủ nhiệm trang tin www. Tannamtu.com

Ghi chú: BBT.Tannamtu xin được phúc đáp mọi ý kiến đến từ bất kỳ đâu, của bất kỳ ai, liên quan đến đề tài bị đặt tên là “Gai góc” này.

Link bài: ” Nguyên Ngọc không còn nguyên” : http://tuanbaovannghetphcm.vn/nguyen-ngoc-khong-con-nguyen/