Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 24 tháng 8, 2016

Trung tâm Văn bút Việt Nam 1957-1975 (kỳ 3)

Nhật Tiến

NHỮNG GƯƠNG MẶT TIÊU BIỂU (Tiếp theo)

clip_image001

Thi sĩ Vũ Hoàng Chương

(1916-1978)

Người giữ chức vụ Chủ Tịch Văn Bút sau nhà văn Đỗ Đức Thu và nhà văn Nhất Linh là nhà thơ Vũ Hoàng Chương.

Ông luôn luôn luôn mặc chiếc áo dài ta mầu đen, hoặc áo choàng kiểu tu sĩ mầu nâu. Vào mùa Hạ, khi đi họp ông còn phe phẩy cái quạt giấy nom rất là… đạo sĩ. Thân hình ông ẻo lả, nước da xanh xao, ít khi thấy hồng hào. Ông có một cử chỉ rất duyên dáng là khi ngồi trước cử tọa để diễn thuyết, mỗi khi mở một trang giấy ở trước mặt thì ông lại thè lưỡi liếm bàn tay trước khi mở giấy, y như thể mỗi khi đếm tiền, lúc khô nước người ta phải nhấm lưỡi lên ngón tay cho ướt. Riêng nhà thi sĩ thì chơi nguyên cả bàn tay khiến khán giả vừa thích thú vừa cười bò. Sau này, trong vai trò Cố vấn Văn Bút, Thi sĩ cũng vẫn rất siêng năng đi họp. Ông ngồi đấy nhìn những đàn em với cặp mắt hiền từ, bao dung như sẵn sàng chia sẻ với mọi người trong các vấn đề đang bàn thảo.

Trong dịp Thi sĩ đi dự Hội Nghị Quốc Tế Văn Bút lần thứ 33 ở Bled, Nam Tư tháng 7-1965 (bị nhà văn Mặc Đỗ chỉ trích - xin coi phần trước, trang 89 ), ông có thuật lại cuộc phỏng vấn do các nhà báo ở Áo và Đức thực hiện. Xin trích đoạn bài phỏng vấn của Lê Phương Chi như sau :

“Tôi tìm đến nhà ông Vũ Hoàng Chương vào một buổi tối. Sau khi ghi chép những tài liệu về cuộc Hội Nghị Quốc Tế Văn Bút lần thứ 33 (33è Congrès de L’International P.E.N.), tôi hỏi:

- Xin ông cho biết cuộc phỏng vấn của các nhà báo bên ấy, ông đã trả lời với họ những gì? Ông còn nhớ tên những nhà báo ấy không?

- Có chứ! SALZBURG, VIENNE, GRAZ (các nhà báo này đều ở Áo và ở Đức). Họ vây tôi có trên 20 người. Họ phỏng vấn và thu trực tiếp vào máy ghi âm (magnétophone). Họ hỏi nhiều vấn đề linh tinh xoay quanh thời cuộc Việt Nam. Nhưng tôi khước từ bằng câu nói: “Tôi sang đây với nhiệm vụ về văn hóa, xin được phép trả lời các ông ở phạm vi ấy.” Bấy giờ họ mới chịu hỏi:

- Tình hình sáng tác ở Việt Nam ra sao? Có được tự do tư tưởng không?

-Ở nước chúng tôi sáng tác hoàn toàn tự do nhưng vấn đề phổ biến tác phẩm thì chật vật vì tình trạng chiến tranh.

- Nước ông có nhiều văn sĩ nổi tiếng không?

- Ở nước chúng tôi đã có rất nhiều văn tài. Nhưng sự nổi tiếng còn lệ thuộc vào vấn đề ngôn ngữ. Ngôn ngữ của các nhà văn ấy có phải là thứ ngôn ngữ được truyền bá rộng khắp hay không. Do đó tiếng Việt chúng tôi không thể phổ biến bằng các thứ tiếng Anh, Pháp, Mỹ, thì lẽ dĩ nhiên các nhà văn trong nước chúng tôi cũng không thể sánh được với các nhà văn Anh, Pháp, Mỹ về vấn đề nổi tiếng.

- Tác phẩm trong nước ông có được dịch ngoại ngữ nhiều không?

- Trước đã có, như truyện Kiều của cố văn hào Nguyễn-Du; nhưng gần đây thì phát triển mạnh. Về tiểu-thuyết thì đã có tác phẩm của cố văn-hào Nhất-Linh là nguyên Chủ-tịch của Trung-tâm Văn-bút chúng tôi; về thi ca cũng có cả tập thơ của tôi đã được dịch sang Anh, Pháp ngữ nữa.

- Các ông có dịch tác phẩm của Tây phương không?

- Có chứ! Chúng tôi đã dịch thơ của thi-hào LAMARTINE, truyện của Hohoré de BALZAC, kịch của SHAKESPEARE, CORNEILLE; và gần đây là các tác phẩm của Ernest HÉMINGWAY, William FAULKNER, Albert CAMUS v.v.

- Thử đọc một đoạn đã dịch ra tiếng nước ông xem thế nào?

- Đáp: Đây là mấy câu trong bài Le Lac của Lamartine:

Trôi đi mãi con thuyền phiêu mạn

Khoảng đêm dài vô hạn bơ vơ

Mênh mông xa bến lạ bờ

Bỏ neo dừng lại một giờ được chăng?

Nguyên văn là: Ainsi toujours pousses de la nouveaux rivages. Dans la nuit éternelle emportes sans retour, Ne pourrions-nous jamais sur l’océan des âges, Jeter l’ancre un seul jours? (bài này tôi dịch đã lâu lắm rồi, may sao bây giờ tôi lại nhớ ra).

- Còn về thi ca cổ điển, ai nổi tiếng nhất trong nước ông?

- Đáp: Cố văn-hào Nguyễn-Du với tác-phẩm Truyện Kiều làm bằng văn vần; đã có nhiều bản dịch sang Anh và Pháp ngữ, từ thời tiền chiến.

- Xin tóm tắt tác phẩm ấy và đọc cho nghe thử mấy câu bằng tiếng của nước ông.

- Đáp: Đây là câu truyện kể về cuộc đời luân lạc của một thiếu nữ tài hoa bạc mệnh v. v.

Trăm năm trong cõi người ta

Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau.

(tôi ngâm 6 câu tất cả)

Xin xem toàn bộ bản văn này ở các trang trước.

***

Suốt thời gian ở Văn Bút trước 1975, nghĩ đến ông bao giờ chúng tôi cũng có những hình ảnh thân thương, êm đềm, tốt đẹp nhưng chỉ đến khi có biến cố 30-4-1975 thỉ mới thêm những ý nghĩ chua xót ngậm ngùi qua lời kể về ông của nhà văn Mai Thảo như sau:

(trích)

“... - Khi nhóm nhà văn nhà thơ tiền chiến theo Đảng đã đủ mặt ở Sài Gòn, họ đến gặp Lê Tràng Kiều, Bàng Bá Lân, Quách Tấn, cả Vũ Bằng nữa, mà không một ai chịu tới thăm nữ sĩ Mộng Tuyết ở Úc Viên biệt thự. Là phụ nữ, lại thiếu cao ngạo, thiếu bản lãnh, sự “tẩy chay” này khiến Mộng Tuyết rất đỗi lo sợ. Nữ sĩ hốt hoảng đi tìm hai người viết nằm vùng là Sơn Nam và Vũ Hạnh để tìm hiểu lý do.

Bà than:

– Năm 1934, tôi đã được giải thưởng thơ của Tự Lực Văn Đoàn. Các anh Xuân Diệu, Thế Lữ bao nhiêu năm vẫn giao du với tôi và Đông Hồ rất thân thiết. Tôi lại chỉ làm thơ vịnh hoa, vịnh trăng, không chống cộng, chống cách mạng. Nay các anh ấy vào, đi thăm hết cả mà không một ai đến tôi là làm sao? Tôi có tội phải cho tôi biết chứ!

Vũ Hạnh lắc đầu:

– Chị được coi là không có tội. Các đồng chí không tới thăm chị chỉ vì Vũ Hoàng Chương hiện đang ở nhà chị đó!

Lần chót tôi tới Gác Mây, nhà của Mộng Tuyết, Vũ Hoàng Chương thuật lại nguyên nhân trường hợp Mộng Tuyết bị tẩy chay cho tôi nghe. Ông nói:

– Tao không trách Mộng Tuyết. Chẳng thể bình tĩnh thản nhiên như mình được. Vợ Đinh Hùng lên nhiều lần, lần nào cũng khẩn khoản mời vợ chồng tao về ở cùng, nói sống chết thế nào còn có nhau. Chính tao cũng đã định về phường Cây Bàng từ lâu. Chỉ ngại dọn nhà. Gặp Vũ Hạnh xong, Mộng Tuyết không dám nói rõ sợ tao giận, nhưng tao đã hiểu. Mày nghĩ tao có nên rời khỏi Gác Mây của Mộng Tuyết không?

Đó là một tòa biệt thự lạnh lẽo. Hai cánh cổng sáng chiều đóng chặt. Một nữ chủ nhân hoang mang lo sợ trước đổi đời. Thời thế tối thẳm, hung dữ đã giết chết cái không khí thanh lịch, đài các của hoa Lan, hoa Quỳnh. Gác Mây đâu còn là Gác Mây nữa. Úc Viên biệt thự tầm thường đâu còn xứng đáng là chỗ ở của thi bá. Từ ngày Vũ Hoàng Chương bị làm khó ở căn nhà vách ván lụp xụp ở khu Bàn Cờ, rồi Mộng Tuyết hết lời mời mọc, thi sĩ đành tới nhờ Úc Viên, có Gác Mây.

Trong truyền thống những thi sĩ lớn của dòng thơ Việt mọi thời, hoàn cảnh đời sống hàng ngày của Vũ Hoàng Chương phải được trải mãi trên tấm thảm gấm của Bần Bách và Đạm Bạc như trên tấm thảm ấy đã Tú Xương, đã Tản Đà, đã Nguyễn Bính, đã Đinh Hùng, đã Hàn Mặc Tử. Tôi mừng rỡ:

– Bọn khốn nạn khởi sự làm khó mày rồi đấy. Làm khó từ chỗ ở trước. Ở đây ra vào kiểu cách, khó chịu lắm. Về phường Cây Bàng đi. Ngại dọn nhà sẽ có bạn bè đến dọn.

Vũ Hoàng Chương thật sự có vẻ vui thích trước ý nghĩ ông về sống trên căn gác xép ngày trước của Đinh Hùng. Ông đã gần Đinh Hùng một đời. Bây giờ gần thêm nữa. Và tôi chia sẻ với ông niềm sung sướng đó. Ông nói:

– Một tuần lễ nữa, tao đi.

Năm ngày sau tôi trở lại Úc Viên, để thấy Vũ Hoàng Chương đã đi sớm hơn ông đã hẹn. Hai ngày trước, một nhóm sinh viên Luật yêu thơ ông, trước là học trò ông, tới thăm thầy đã đi mướn xe, khuân đồ đạc dùm thầy xuống khỏi Gác Mây, hộ tống thầy dọn đi rồi. Lần trở lại Úc Viên này, tôi không vào. Chỉ đứng lại với Mộng Tuyết ít phút ở cổng. Mộng Tuyết có vẻ ngượng:

– Anh Chương đi rồi. Giữ ảnh ở thêm ít ngày thế nào cũng không chịu.

Tôi không giấu được buồn bã:

– Từ phút anh Chương rời khỏi đây, Hà Nội đã chấm dứt tẩy chay chị rồi chứ? Những ai đã tới thăm chị rồi? Chúng mình cùng một cảnh ngộ, đã sống thân thiết với nhau mấy chục năm trời, bây giờ chết cũng phải tình nghĩa cố kết hơn lúc nào hết. Cho họ khỏi coi thường. Không ai đến thăm thì thôi. Chị đã bẩy mươi tuổi, còn sợ gì nữa?

Về sau tôi được biết Vũ Hoàng Chương về phường Cây Bàng buổi chiều thì ngay buổi tối ngày hôm đó, Vũ Hạnh chở Vespa Xuân Diệu tới thăm Mộng Tuyết. Rồi hôm sau, Huy Cận, Chế Lan Viên tới. Khi Mộng Tuyết nói thi sĩ đã rời khỏi Gác Mây, đám nhà thơ miền Bắc đặc biệt đố kỵ với riêng ông chỉ vì trời thơ hai miền hào quang ông át lấn mọi hào quang khác, đã giả vờ tỏ vẻ hối tiếc là không biết trước để tới thăm thi sĩ sớm hơn...”

(ngưng trích)

Ngày 13 tháng 4 năm 1976, Nhà Nước CS bắt giam Ông đưa vào khám Chí Hòa. Rồi vì bệnh nặng, ông được thả về, nhưng chỉ 5 ngày sau tức ngày 6 tháng 9 năm 1976 thì ông từ trần, để lại mấy bài thơ làm trong tù như sau:

clip_image003

Văn tự hà tằng vi ngã dụng

Cơ hàn bất giác thụ nhân liên.

Nguyễn Du

Chẳng dùng chi được văn tài

Thân này lụy áo cơm ai bất ngờ

Phút giây chết điếng hồn thơ

Nét đau mặt chữ đến giờ còn đau.

Chắc gì ba trăm năm sau

Ðã ai vào nổi cơn sầu nằm đây

Nếu không cơm đọa áo đầy

Như thân nào thịt xương nầy bỗng dưng.

Chết theo vào đến lưng chừng

Say từng mảnh rớt mê từng khúc rơi

Nửa chiều say ngất mê tơi

Khúc đâu lơ láo mảnh đời Thi Vương.

Chí Hòa 1976

V.H.C

***

TRONG KHÁM CHÍ HÒA

Thấm thoắt vào đây tháng đã tròn,

Lông hồng gieo xuống nhẹ như non,

Một manh chiếu nát, thân tơi tả,

Nửa bát cơm hôi, xác mỏi mòn.

Ngày đến bữa ăn thường nhớ vợ,

Đêm về giấc ngủ lại thương con.

Dẫu bao nước chảy qua cầu nữa,

Hồ dễ gì phai được tấc son.

1976 - Vũ Hoàng Chương

clip_image005

Bà Đinh Thục Oanh - Vũ Hoàng Chương, phu nhân - trước ban thờ của cố Thi sĩ.

******

clip_image006

Linh Mục THANH LÃNG

(1924-1978)

Chủ tịch Văn Bút cho tới tháng Tư-1975 là LM. Thanh Lãng, một người ôn tồn, điềm đạm, thanh nhã, cởi mở và cũng hơi diêm dúa. Ông luôn luôn bận áo chùng thâm có cổ cồn trắng và hút thuốc lá Craven A. Ông cũng lại hay sức nước hoa, nếu ở sát gần thì thấy hương sực nức. Với Ông, tôi có nhiều kỷ niệm đáng ghi nhớ.

Một lần, tôi theo Ông đi dự đám tang của văn hào Nhất Linh ở nghĩa trang Giác Minh, Sài Gòn ngày 13-7-1963. Hôm đó công an, mật vụ của chính quyền len lỏi vào đám tang rất đông. Họ vây quanh đám ký giả ngoại quốc và những nhân vật dân sự không phải là người nhà của tang chủ. Nhờ bộ áo chùng thâm của LM Thanh Lãng mà tôi theo vào được nghĩa trang, trong khi một vài hội viên khác thì bị cản trở, rớt lại. Hôm đó, ngoài những nghi thức tụng kinh, khấn lễ thông thường, đã có 3 phần phát biểu ngoại lệ thay cho điếu văn tiễn biệt là của Bác sĩ Nguyễn Tiến Hỷ, đại diện chính giới, Linh mục Thanh Lãng, đại diện Trung tâm Văn bút Việt Nam và tôi, nhân danh thuộc thành phần văn nghệ sĩ trí thức trẻ.

Khi ở đám táng ra, đối diện với rất đông thành phần an ninh, trật tự đang xô đẩy đám phóng viên ngoại quốc cứ sấn lại tính phỏng vấn chúng tôi, LM Thanh Lãng kéo tay tôi chạy về chỗ đậu xe của mình. Trên xe, lúc cầm lái, ông nói nhỏ nhẹ:

- Liệu lánh mặt đi vài bữa, kẻo phiền.

Tôi đã nghe lời ông. Ngay hôm đó, tôi vẫn để cái xe hơi con cóc (Renault 4 cheveaux) tại ngay trước cửa nhà đường Phan Kế Bính và mau mắn đi tuốt xuống Biên Hòa, tạm cư ngụ ở nhà anh bạn tên Nguyễn Tân Hoan vốn đang là GS Anh ngữ trường công lập Ngô Quyền Biên Hòa.

****

Năm 1974, khi Sài Gòn đang ở vào thời kỳ cực kỳ xáo trộn do luật Báo Chí 007 (xin coi thêm ở phần sau), vào chiều 1-9-74, Trung Tâm Văn Bút Việt Nam triệu tập phiên họp bất thường của Ban Thường Vụ. Kết quả là Hội đã thông qua một bản Kháng Nghị gởi cho báo chí và Hội nghị Thơ Văn Quốc Tế kỳ 6 đang họp tại thủ đô Bruxelles, Bỉ với nội dung kêu gọi Hội Văn Bút Quốc Tế và các tổ chức văn hóa báo chí quốc tế tích cực can thiệp cho quyền tự do thông tin được tái lập.

Sau đó, Trung Tâm Văn Bút còn công bố tổ chức một buổi hội thảo về báo chí vào lúc 18 giờ chiều Thứ Tư 11-9-74 tại trụ sở của Hội, vì thế mà con đường Đoàn Thị Điểm đã bị cảnh sát bủa vây và kiểm soát lối ra vào trụ sở của Trung Tâm Văn Bút.

Chiều hôm đó khoảng sau 4 giờ tôi lái xe đến Văn Bút để thăm dò tình hình. Vì nhờ tôi có thẻ của Hội Viên Hội Đồng Văn Hóa Giáo Dục nên Cảnh sát không thể ngăn cấm tôi vào trụ sở được. Thẻ này do Phó Tổng Thồng Trần Văn Hương kiêm Chủ tịch Hội Đồng Văn Hóa Giáo Dục ký, cho phép người có thẻ đi bất cứ nơi nào trên toàn lãnh thổ kể cả trong giờ giới nghiêm.

Khi đó, trong văn phòng Văn Bút ở tầng trệt, tôi thấy lố nhố nhiều bóng người. Cụ Hinh, thư ký của Hội thấy tôi tới mừng quá, nói to:

- Đây có ông Phó Chủ tịch vừa tới, các ông muốn hỏi gì thì hỏi.

Tôi bước vào phòng thấy có ba, bốn người đứng trước bàn giấy như đang lục lọi. Một người đứng kế cánh cửa ra vào thì tôi nhận ra ngay là ông Chu Bá Tước, một đồng nghiệp đã từng cùng dạy học với tôi ở trường trung học Trấn Võ của ông Cựu Tổng Trấn Bắc Việt Nghiêm Xuân Thiện. Sau này, ông Chu Bá Tước về làm phụ tá cho ông Tổng Ủy Dân Vận Hoàng Đức Nhã, trong chức vụ hình như là Chủ Sự Phòng Kiểm Duyệt. Tôi đã gặp ông Chu Bá Tước ở Bộ Thông Tin nhân dịp đến xin kiểm duyệt một tác phẩm. Hôm đó hình như ông Tước đang hạch hỏi chuyện gì với nhân viên của ông ấy nên vẻ mặt của ông lầm lì, xanh tái khiến các nhân viên có vẻ nín lặng, e dè. Trong tình cảnh đó tôi không thiết tới chuyện tay bắt mặt mừng với bạn đồng nghiệp cũ, chỉ lẳng lặng làm xong thủ tục rồi mau mau ra về bỏ lại phía sau bầu không khí vẫn đang có vẻ nặng nề.

Hôm nay gặp lại ông Chu Bá Tước tại trụ sở Văn Bút, tôi hết sức bất ngờ. Còn đang phân vân không biết nói năng gì thì vừa may Chủ tịch Văn Bút Thanh Lãng cũng vừa lái xe tới. Nhìn thấy quang cảnh văn phòng lố nhố những người, lại có kẻ đang mở ngăn kéo bàn giấy, LM. Thanh Lãng quát to:

- Ai cho phép mấy người bước vô đây? Có biết đây là đâu không? Đi ra! Đi ra hết!

Trước cơn thịnh nộ (chưa từng có) của một vị Linh Mục, lại hẳn cũng biết vai trò của ông trong Hội Văn Bút nên ông Chu Bá Tước ra hiệu cho nhân viên bước hết ra ngoài và rút khỏi trụ sở.

***

Sau biến cố 30-4-1975, tuy còn đang làm Trưởng ban Văn Chương Quốc Âm ở đại học Văn Khoa Sài Gòn nhưng chắc sinh hoạt ở đó cũng nhiều trò nhố nhăng lắm nên ông không muốn về trường nữa mà đi làm tàu hủ ở một Hợp tác xã trong Ngã Tư Bẩy Hiền. Thỉnh thoảng trên đường đạp xe từ Hợp tác xã trở về nhà (ông ở ngay con hẻm đi vào trường Lê Bảo Tịnh, đường Trương Minh Giảng cách nhà tôi độ non cây số), ông hay ghé qua nhà tôi để cho mấy bìa đậu hủ mới ra lò, cầm lên thấy vẫn còn nóng hổi. Như vậy dư luận sau này lên án ông là một kẻ nằm vùng là hoàn toàn sai lạc. Vì nếu là kẻ nằm vùng thì sau 30-4, nhân thân là một Linh mục, một giáo sư Đại học, ông đâu có đi làm đậu hủ!

******

clip_image007 clip_image009

Nhà văn Hồ Hữu Tường

(1910-1980)

Một nhân sự khác cũng ghi lại cho tôi nhiều ấn tượng là Ông Đệ Nhất Phó Chủ tịch Văn Bút, nhà văn Hồ Hữu Tường.

Tôi biết đến tên tuổi của nhà văn Hồ Hữu Tường kể từ khi tôi còn mài đũng quần ở bậc trung học ở Hà Nội, khoảng 1952, 1953.

Hồi đó tác phẩm Phi Lạc Sang Tầu của ông (in năm 1949) đã gây sôi nổi trong đám học trò chúng tôi. Những nhân vật như thằng Mõ làng Phù Ninh, thằng Mõ làng Cổ Nhuế, Cụ Nguyễn Văn Tố trường Viễn Đông Bác Cổ, nhà sư Hoàng Hạc thuộc phe Trung Hoa Quốc Gia lặn lội qua VN tìm thằng Mõ để xin vấn kế. Những chuyện ly kỳ đó xen với những tình tiết bỡn cợt thật mà như giả, giả lại có vẻ như thật, lại đưa vào bối cảnh chính trị lúc đương thời rất thích hợp với tầm mức suy nghĩ của đám trẻ chúng tôi ở lứa tuổi sắp bước vào tuổi trưởng thành, đầu óc tưởng tượng rất phong phú và cũng rất ham học hỏi. Và cũng chỉ thế thôi, chứ chúng tôi vào thời đó chưa có đủ trình độ để nhìn ra tác phẩm này đã có những dụng ý sâu xa như nhà phê bình văn học Thụy Khuê sau này đã nêu ra:

...“Phi Lạc sang Tàu là một tác phẩm phản kháng toàn diện. Một sự nổi loạn chống lại tất cả các hình thức từ chương, khuôn mẫu bào chế tư tưởng, chế nhạo những sự "mượn nhầm họ" mà họ Hồ là "nạn nhân" thời đại. Sự phản kháng của Phi Lạc có nguồn gốc sâu xa từ tự ái dân tộc, từ tình yêu dân tộc, nằm trong máu-óc Hồ Hữu Tường. Ông dùng một nhân vật cùng đinh, cùng khổ: thằng mõ (Cổ Nhuế hay Phù Ninh), cho nó làm đảo lộn trật tự tiên chỉ, làng xã; nó được thỉnh sang Tàu, sang Mỹ, sang Nga, như một cố vấn, một vị phu tử; nó làm "khuynh đảo" những "nền văn minh vĩ đại" bằng sự ... tán dóc, nói láo. Sự đại náo của Phi Lạc, cũng như sự đại náo của Ngộ Không, tiêu biểu cho cuộc cách mạng thường trực của tư tưởng: luôn luôn phải đặt lại vấn đề, chống lại những trật tự có sẵn của những bậc thánh hiền hoặc giả hiền.”

Thụy Khuê

Paris, tháng 6/2003

[Hồ Hữu Tường (1910-1980)-Hồi ký và tiểu thuyết]

Phải thành thật mà nói tôi đã thấy mình bé nhỏ và bỡ ngỡ như một kẻ hậu sinh trước những bậc đại tiền bối khi được hân hạnh cùng đứng chung với Hồ Hữu Tường ở Ban Thường Vụ Văn Bút. Ông là một nhân vật khét tiếng ngay từ hồi tôi còn chưa được sinh ra kìa! Vì năm 1930 ông đã ở Pháp, cộng tác với nhà cách mạng Phan Văn Hùm viết báo bằng tiếng Pháp, tờ La Verité (Sự Thật) chống đối việc Pháp xử tử anh hùng Nguyễn Thái Học và 12 liệt sĩ VNQDĐ. Ông cũng ở trong ban biên tập tờ La Lutte (Tranh Đấu) xuất bản ở Sài Gòn năm 1934 cùng với các danh nhân nổi tiếng có tên trên biển đường là nhà cách mạng Nguyễn An Ninh và Trần Văn Thạch. Tuy nhiên ông không mang một cái vẻ gì là một nhân vật kỳ bí, oanh liệt như những tài liệu lịch sử viết về ông cả. Mặc dù đã vào tù ra khám nhiều lần, kể cả đi tù Côn Đảo nhưng ông vẫn giữ được vóc dáng đẫy đà, vầng trán cao, đôi lông mày rậm, bạc, với nụ cười thoải mái phô bộ hàm răng hơi lớn quá khổ. Bình thường, ông bận thường phục nhưng cũng có lần ông đến họp trong bộ áo nhà tu mầu vàng từ đầu tới chân. Hồi đó nhà thơ Phạm Thiên Thư cũng tới họp Văn Bút, đầu cạo trọc, mặc áo thầy tu, đâu có sao!

Nhà văn Hồ Hữu Tường không hay gợi ý chuyện trò gì với tôi. Trong các phiên họp Thường Vụ ông chỉ chăm chú nghe và thỉnh thoảng cũng góp ý đôi điều trong vài vụ việc bình thường. Ngồi bên ông, tôi vẫn suy nghĩ về những chuyện ông đã làm trong quá khứ, những tác phẩm mà ông đã viết cho thế hệ chúng tôi đọc. Toàn là những thứ đáng nhớ, khó quên. Nhân khi ngồi viết những dòng này, tôi thấy cũng nên nhắc lại một chuyện mà có thể ít người biết hay đã quên. Đó là chuyện đã có lần Hồ Hữu Tường hợp tác với nhà văn Khái Hưng để cùng sáng tác một truỵện dài theo lời kể của của nhà báo Nguyễn Ngu Í như sau:

“Việc xảy ra ở Hà Nội, năm 1946. Tôi (tức Hồ Hữu Tường) có bàn với anh Khái Hưng nên đưa hình thức tiểu thuyết mới, vì từ 1945, quần chúng bước ra sân khấu lịch sử, vai trò của cá nhân phải lu mờ trước vai trò của đoàn thể. Vậy, nội dung và thể tài của tiểu thuyết này phải khác. Anh Khái Hưng đồng ý, và chúng tôi hợp tác với nhau để viết chung một bộ tràng giang tiểu thuyết. Tôi chọn đề tài dựng sườn, phác họa nhân vật; anh Khái Hưng viết. Tên bộ tiểu thuyết: Gái nước Nam làm gì? Quyển đầu có tên: Nổi cơn gió bụi, mượn ở câu đầu "Chinh phụ ngâm": Thuở Trời Đất...

- Chớ không phải Thu Hương?

- Không. Thu Hương, Chị Tập là hai phần trong bộ Gái nước Nam làm gì? cũng như Jean Valjean, Fantine, Cosette, Marius, trong bộ Les Misérables của Victo Hugo.

- Nhưng sao lại chọn đề tài Gái nước Nam làm gì? mà không Trai nước Nam làm gì? như một cuốn sách viết về thanh niên của anh Hoàng Đạo Thúy?

- Vì người con gái hành động do tình cảm, theo bản năng, mà rất nhẹ về lý trí. Tôi thấy lúc ấy lịch sử sắp lật qua trang mới, nên tôi muốn đặt lại vấn đề: "Hành động phải làm sao?" trong bộ Gái nước Nam làm gì? Anh Khái Hưng sửa soạn bắt tay vào việc, thì chiến tranh toàn quốc bùng nổ. Anh tản cư rồi bị hại. Tôi bị quân Pháp bắt về Hà Nội, rồi tôi về Sài Gòn. Tôi mới viết hai phần giữa rút ra trong bộ ấy. Thu Hương, rồi Chị Tập ra đời trên nhật báo Ánh sáng, rồi sau in thành sách. Đây chỉ là hai phác họa trong cái bích họa dự định để đánh dấu sự trỗi dậy của dân tộc khởi từ 1945, mà sự trỗi dậy này chẳng những đánh dấu lịch sử nước mình, mà cũng đánh dấu lịch sử nhân loại, vì do đó mà khơi mào cuộc chiến tranh nguội giữa hai khối Cộng sản và Tư bản. Tôi vẫn luyến tiếc cái dự định văn chương này, nên ra ngoài ngày tôi sẽ khởi đầu viết để đăng trên Hòa đồng.

(Sống và viết với Hồ Hữu Tường -

Nguyễn Ngu Í, Sài Gòn, 1966)

Hòa Đồng là tên của tờ tuần báo do ông cộng tác vào năm 1965 với mục đích phát huy sự tổng hợp 3 nền văn minh: văn minh Kỹ sư, văn minh Chính ủy và văn minh Tu sĩ.

Năm 1965 Ông làm Phó Viện Trưởng Viện Đại Học Vạn Hạnh.

Năm 1967 được bầu làm dân biểu trong Hạ Viện Việt Nam Cộng Hòa.

Sau tháng tư năm 1975, ông bị CS bắt đi tù.

Sau 5 năm vì sức khỏe quá yếu nên ông được trả tự do nhưng đã mất ngay trên chiếc xe chuyên chở ông khi về gần tới nhà. Đó là ngày 26/6/1980.