Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 17 tháng 8, 2016

Tiếng vọng từ Chernobyl (kỳ 14)

Svetlana Alexievich

T. Vấn dịch

Ba Mẩu Độc Thoại

Độc Thoại

_____________________________

về việc đo mức độ nhiễm xạ

Vào cuối tháng 5, độ một tháng sau vụ nổ, chúng tôi bắt đầu tiếp nhận những sản phẩm, đến từ khu vực trong vòng chu vi 30 ki lô mét tính từ tâm điểm là lò hạt nhân, để thử nghiệm. Cơ quan chúng tôi hoạt động liên tục không nghỉ, giống như những đơn vị quân sự. Vào khoảng thời gian đó, cơ quan chúng tôi là đơn vị duy nhất ở Belarus có đủ các chuyên viên và trang thiết bị cần thiết cho công việc.

Người ta mang đến cho chúng tôi các “bộ đồ lòng” của thú nuôi trong chuồng và thú sống hoang dã. Chúng tôi cũng thử nghiệm sữa lấy từ súc vật. Sau những đợt thử nghiệm đầu tiên, chúng tôi có thể kết luận rằng những thứ mà chúng tôi nhận được không phải là thịt thú vật – mà là những phó sản của hạt phóng xạ. Ở khu Cấm, những bầy gia súc được chăm sóc theo ca thay phiên nhau của những nhóm chăn dắt, còn những người thợ vắt sữa chỉ đến để làm nhiệm vụ vắt sữa. Xưởng chế biến sữa hoạt động theo sự chỉ đạo của chính quyền. Số sữa này, khi được thử nghiệm, đã cho thấy cũng chỉ là phó sản của hạt phóng xạ, chứ không phải sữa.

Một khoảng thời gian rất dài sau đó, trong những bài thuyết trình về sự nhiễm xạ, chúng tôi đã dùng những sản phẩm của nhà máy chế biến sữa Rogachev như sữa bột, sữa đặc, sữa nguyên chất đóng hộp làm thí dụ điển hình cho nguồn gốc của sự nhiễm xạ. Lúc ấy, bất chấp sự nguy hiểm, người ta vẫn bầy bán những hộp sữa ấy ở trong các siêu thị. Khi dân chúng ngừng mua những sản phẩm mang nhãn hiệu của nhà máy Rogachev, thì bỗng nhiên trên các quầy hàng lại xuất hiện những hộp sữa không có nhãn hiệu. Tôi không cho rằng đó là vì người ta không còn giấy để in nhãn hiệu.

Lần thứ nhất đến Khu Cấm, độ nhiễm xạ mà tôi đo được ở trong rừng cao hơn 5 hoặc 6 lần độ nhiễm xạ ở trên mặt đường và ngoài cánh đồng. Thực ra, ở đâu cũng có độ nhiễm xạ rất cao.Những chiếc máy kéo vẫn hoạt động, người nông dân vẫn đào xới trên mảnh đất của mình. Ở một số nơi, chúng tôi kiểm tra hạch cổ ở người lớn lẫn trẻ em. Độ nhiễm xạ là 100 lần cao hơn mức an toàn, có khi 200 lần, có khi 300 lần cao hơn. Trong nhóm chúng tôi có một phụ nữ chuyên về X quang. Bà ta tỏ ra rất giận dữ khi thấy đám trẻ con chơi đùa nghịch ngợm trên những bao đựng cát. Khi kiểm tra sữa các bà mẹ, chúng tôi thấy sữa cũng bị nhiễm xạ. Khi vào các cửa hàng, chúng tôi nhận thấy cửa hàng nào cũng bầy biện quần áo và thực phẩm ngay sát bên nhau: bên cạnh áo vét, áo đầm là xúc xích, bơ thực vật. Tất cả đều không được đậy điệm kỹ lưỡng để tránh nhiễm xạ. Chúng tôi kiểm tra xúc xích, trứng – tất cả đều chỉ như phó sản của phóng xạ chứ không phải thực phẩm.

Chúng tôi gặp một phụ nữ ngồi trước nhà đang cho con bú. Kiểm tra sữa của chị, chúng tôi thấy có chất cesium ở trong đó.

Chúng tôi chất vấn cấp trên của mình. Chúng tôi phải làm gì đây? Họ bảo : “Cứ kiểm tra kỹ lưỡng. Rồi xem truyền hình.”. Trên truyền hình Tổng Bí Thư Gorbachev trấn an dân chúng : “Chúng ta đang áp dụng những biện pháp cần thiết.”. Tôi tin điều ông ta nói. Hành nghề kỹ sư đã 20 năm nên tôi rất quen thuộc với các định luật vật lý. Tôi biết rằng tất cả mọi sinh vật phải rời khỏi khu vực nhiễm xạ ngay lập tức. Nhưng chúng tôi cứ từ từ kiểm tra đo đạc và xem truyền hình. Chúng tôi đã quen với việc tin tưởng vào chính quyền. Tôi thuộc thế hệ sinh ra sau chiến tranh, lớn lên bằng niềm tin, bằng tâm lý phục tùng. Lòng tin ấy từ đâu mà có? Đấy! Chúng ta đã chiến thắng cuộc chiến tranh khủng khiếp. Cả thế giới đã phải mang ơn chúng ta mà!

Và đây là trả lời cho câu hỏi của bà : tại sao chúng tôi cứ im như thóc không một lời nói lên điều mà chúng tôi đã biết? tại sao chúng tôi không dám bước ra giữa đám đông và nói lớn lên sự thật? Chúng tôi đúc kết các bản báo cáo. Chúng tôi soạn thảo ra những lời giải thích cho mỗi điều được ghi chép. Nhưng chúng tôi lúc nào cũng cứ lẳng lặng thi hành theo lệnh vì đó là kỷ luật đảng. Lúc ấy, tôi là một đảng viên. Tôi không nhớ có người đảng viên nào từ chối lệnh triệu tập làm việc ở Chernobyl không. Tất cả đều răm rắp thi hành lệnh, không phải vì họ sợ bị đuổi ra khỏi đảng, mà là vì họ có một niềm tin mạnh mẽ. Họ tin rằng chúng ta đang hưởng một cuộc sống tốt đẹp và công bằng. Mà với nhân loại chúng ta, đây là điều cao nhất, là thước đo cho tất cả mọi thứ khác. Chính vì sự mất niềm tin này đã đưa nhiều người tuyệt vọng, đến chết vì đau tim hay tìm cách tự tử. Một viên đạn tự bắn vào tim, như trong trường hợp giáo sư Legasov*, là kết quả của sự mất niềm tin, cảm thấy mình không còn vai trò gì trong việc xây dựng xã hội, là kẻ đứng bên lề nên không có lý do để tồn tại nữa. Đó là cách tôi hiểu về nguyên nhân dẫn đến việc ông tự chấm dứt cuộc sống của mình.

Marat Filippovich Kokhanov, Nguyên Kỹ sư trưởng ngành nghiên cứu năng lượng hạt nhân của viện khoa học Belarus.

Chú Thích :

* Valery Legasov, một quan chức cấp cao của Liên Xô phụ trách về Hạt nhân, đã tự tử ngày 27/4/1988 sau khi được biết rõ cách xử trí tai nạn của các nhà chức trách. Bài viết của ông "Bổn phận cuả tôi là phải nói ra" được đăng trong Pravda 20/5/1988.(Theo TS Tô Lệ Hằng).

Độc Thoại

_____________________________

về tại sao mà những điều đáng sợ trong đời sống cứ xẩy ra một cách lặng lẽ và tự nhiên như thế

Ngay từ khởi đầu, chúng tôi đã được nghe nói rằng có một chuyện gì đó xẩy ra ở một nơi nào đó. Cái tên tôi chưa từng nghe biết, ở đâu thật xa với vùng Mogilev của chúng tôi. Rồi kế đó, thằng em trai của tôi chạy từ trường về, bảo người ta đang phát thuốc cho lũ học trò. Chắc chắn là đã có chuyện gì đã xẩy ra.

Dù vậy, chúng tôi vẫn tận hưởng ngày lễ 1 tháng 5. Đêm hôm đó, chúng tôi về nhà trễ. Gió đã làm bật tung cửa sổ nhà tôi. Sau này tôi vẫn còn nhớ như in sự kiện ấy.

Tôi làm việc ở trung tâm kiểm tra ngành bảo vệ môi trường. Chúng tôi mỏi cổ chờ đợi lệnh lạc từ cấp trên, nhưng chẳng thấy có ai bảo điều gì. Ban chỉ huy không có nhiều người là chuyên viên, nhất là trong số các vị đầu ngành : Họ chỉ là những viên chức quân đội về hưu, các cựu đảng viên, các ông bà già đã hết tuổi làm việc hoặc những kẻ mà không ở đâu muốn có họ. Nếu có ai đó mắc lỗi lầm từ những nơi khác, họ sẽ được gởi về chỗ chúng tôi ngồi chơi xơi nước. Chỉ đến khi nhà văn người Belarus Aleksei Adamovich lên tiếng báo động ở Moscow, các vị lãnh đạo ở đây mới bắt đầu ngọ nguậy. Cái lão nhà văn ấy mới đáng ghét làm sao! Chuyện khó có thể coi là thật được. Con cháu của các vị lãnh đạo ấy từ bấy lâu nay vẫn sinh sống ở đây, thế mà cái lão nhà văn ấy - chứ không phải họ - đã kêu gọi thế giới hãy cứu vớt chúng tôi.

Cứ tưởng rằng sau đó thì bản năng sinh tồn của con người sẽ thúc đẩy các vị ấy thực sự bắt tay vào việc. Nhưng không. Trong tất cả các phiên họp đảng, giữa những giờ nghỉ hút thuốc, chúng tôi chỉ nghe đến những phàn nàn về cái “bọn nhà văn” ấy. “Sao họ cứ hay chỉa mũi vào những việc chẳng phải của họ? Chúng tôi có cấp trên ra lệnh. Chúng tôi phải theo đúng những gì ở trên bảo xuống. Cái lão nhà văn ấy thì biết cái quái gì? lão ta đâu phải là nhà vật lý học. Chúng ta có ủy ban trung ương đảng. Chúng ta có đồng chí Tổng Bí Thư.”. Tôi tin rằng lúc ấy tôi đã cảm nhận được lần đầu tiên một chút gì đó na ná như chuyện xẩy ra hồi năm 1937.

Vào thời gian ấy, ý niệm của tôi về các nhà máy năng lượng hạt nhân rất đơn giản đến độ khó tin được. Ở trường trung học, cả ở đại học, chúng tôi được nhồi sọ rằng các nhà máy năng lượng này giống như những lâu đài ma thuật có thể chế biến ra năng lượng từ con số không. Nơi đó, công nhân mặc áo choàng trắng chỉ có mỗi một việc là ngồi bấm nút. Nhà máy Chernobyl phát nổ ngoài sự tiên liệu của mọi người. Không ai có một chút thông tin nào làm đầu mối về sự kiện đó, mặc dù chúng tôi nhận được hàng chồng hồ sơ với hàng chữ “Tối Mật” ghi ngay trên trang đầu. Nào là : “Báo cáo về vụ nổ : Tối Mật”; “Kết quả những giám nghiệm y khoa : Tối Mật”; “Báo cáo về tình trạng nhiễm xạ của các công nhân làm việc tại khu vực xẩy ra tai nạn : Tối Mật”. Cứ thế mỗi tài liệu đều có hàng chữ tối mật kèm theo. Rồi lại còn có những tin đồn : có ai đó đọc trên báo, ai đó nghe được, có ai đó nói rằng . . . Cũng có người nghe được tin tức qua các đài phát thanh phương Tây, rỉ tai nhau về những viên thuốc cần phải uống để phòng ngừa lây xạ v.v.. Những phản ứng thường là đại loại như : kẻ thù của chúng ta đang ăn mừng, nhưng chúng ta còn ăn mừng lớn hơn chúng. Vào ngày 9 tháng 5, vẫn có những cựu chiến binh đi diễu hành trên đường phố kỷ niệm ngày chiến thắng. Ngay đến những công nhân đang làm việc trong khu vực nổ lúc ấy cũng sống giữa những tin đồn, như sau này chúng tôi được biết. “Tôi nghĩ bốc than chì bằng tay rất nguy hiểm. Tôi nghĩ . . .”.

Rồi bỗng nhiên ngay giữa chợ xuất hiện một bà điên. Bà ta cứ đi vòng vòng, miệng không ngớt lảm nhảm : “Tôi đã nhìn thấy hạt phóng xạ. Nó màu xanh xanh. Chỗ nào nó cũng bám vào.”. Dân chúng không dám mua sữa và phó mát làm từ sữa ngoài chợ nữa. Có một bà cụ già đứng suốt ngày bên các thùng sữa của mình mà chẳng có ma nào thèm mua. Bà bảo mọi người : “Không có gỉ phải lo mà. Bò của tôi được nuôi bằng cỏ trong vườn nhà do chính ta tôi cắt đấy, chứ không phải thả nó ra cho ăn cỏ ngoài cánh đồng đâu!”. Nếu ai có dịp đi ra ngoài ngoại thành, sẽ thấy dọc đường có những con bù nhìn lạ lẫm. Chúng mang hình dạng con bò được bọc ngoài một lớp giấy bóng kiếng, bên cạnh đó là một nữ nông dân khắp người cũng được bọc bằng giấy bóng kiếng. Nhìn những hình ảnh đó, người ta có thể cười. Và cũng có thể khóc.

Ở thời điểm này, chúng tôi bắt đầu được gởi ra kiểm tra các khu thực địa. Tôi được lệnh đến một nhà máy chế biến gỗ. Số lượng gỗ chuyển đến nhà máy vẫn không giảm – vì kế hoạch vẫn giữ như cũ, không thay đổi. Tôi mở nút khởi động máy đo của mình tại khu chứa hàng, ngay lập tức nó như bị hóa rồ. Các sản phẩm ván thì bình thường. Nhưng khu chứa thành phẩm từ cây đậu chổi thì số đo vượt ngoài mức chấp nhận. “Mấy cây đậu chổi này từ đâu chở đến đây?” “Krasnopol”. Sau này chúng tôi được biết Krasnopol là khu bị nhiễm xạ nặng nhất trong vùng Mogilev. “Hiện giờ chỉ còn một chuyến hàng sản phẩm từ cây đậu chổi nữa thôi. Trước đó, chúng tôi đã chuyển hàng này đi hết rồi.”. Giờ thì làm sao có thể dò ra tung tích của những chuyến hàng đã được chở đến các thành phố khác nhau đây?

Còn một điều khác nữa tôi sợ rằng mình sẽ bỏ sót . . . À, phải rồi! Khi vụ nổ Chernobyl xẩy ra, bỗng nhiên tôi có một ý tưởng rất kỳ lạ, mà trước đây chúng tôi không nghĩ tới, rằng mỗi người đều có một cuộc sống riêng của mình. Cho đến khi sẽ không còn ai cần đến cuộc sống này nữa. Trước mắt, người ta vẫn phải suy nghĩ : Mình đang ăn thứ gì đây? Mình sẽ cho các con của mình ăn uống những thứ gì? Thực phẩm nào nguy hiểm? Thực phẩm nào không nguy hiểm? Mình có nên dọn đi sống ở một nơi khác hay cứ ở lại đây? Ai cũng phải tự có một quyết định cho riêng mình. Mọi người đều vốn đã quen với một cuộc sống – phải diễn tả như thế nào nhỉ? Một cuộc sống chung, chia sẻ cùng số phận, trong cùng một nông trang, một khu tâp thể, một xưởng thợ. Chúng tôi là những người Xô-Viết, những người đã được tập thể hóa. Như chính tôi đây là một thí dụ điển hình. Tôi là một công dân Xô-Viết. Rất Xô-Viết. Khi còn ở trường đại học, mỗi mùa hè tôi đều sinh hoạt chung với nhóm sinh viên đảng viên đảng cộng sản. Chúng tôi kiếm việc làm. Tiền chúng tôi kiếm được là để gởi yểm trợ cho các đảng cộng sản ở các nước Châu Mỹ La Tinh. Như đơn vị của tôi chẳng hạn. Một phần số tiền kiếm được của đơn vị được gởi đi tài trợ cho đảng cộng sản Uruguay.

Thế rồi chúng tôi thay đổi. Tất cả mọi chuyện đều thay đổi. Để hiểu được điều này không dễ dàng gì. Cả việc chúng tôi không thể nói lên những điều lẽ ra phải được nói.

Tôi là một chuyên viên về Sinh học. Luận án tiến sĩ của tôi là về cách sinh sống của loài ong. Tôi đã từng sống suốt hai tháng trên một hòn đảo hoang. Ở đó, tôi có riêng một tổ ong. Không ai có thể đến gần tổ ong trong vòng 3 mét, nhưng sau chỉ một tuần lễ làm quen , tôi đã có thể đến gần tổ ong mà chúng không có phản ứng gì. Cái tổ ong này là một phần của toàn thể khu rừng, nên từ từ, mỗi ngày một chút, sự hiện hữu của tôi cũng trở thành một phần mặc nhiên của khung cảnh. Có một chú chuột nhỏ, tuy là loại chuột hoang dã, nhưng đã dám đến ngồi trên giầy của tôi. Nó đã xem tôi như phần không thể thiếu trong thế giới sống của riêng nó. Tôi đã ở đây hôm qua, tôi đang ở đây hôm nay, và chắc chắn tôi sẽ ở đây vào ngày hôm sau.

Sau Chernobyl – có một buổi triển lãm các bức tranh vẽ của trẻ em. Một trong những bức tranh ấy vẽ hình con cò đang đi qua cánh đồng, với lời chú thích bên dưới: “Không ai bảo cho con cò biết điều gì hết.”. Đó cũng là cảm nghĩ của tôi khi xem bức tranh. Nhưng tôi có công việc phải làm. Chúng tôi đi khắp vùng thu nhặt những mẫu nước và đất đem về Minsk. Mấy người phụ tá giúp việc cho chúng tôi luôn miệng càu nhàu : “Chúng ta đang ở bên cạnh thần chết.”. Chúng tôi không có gì để tự bảo vệ mình, không trang thiết bị chống nhiễm xạ đặc biệt. Hãy thử tưởng tượng cảnh người ngồi phía trước, sau lưng họ những mẫu nước, mẫu đất chớp sáng lung linh.

Những quy định nghiêm nhặt khi cần chôn những mẫu đất bị nhiễm xạ cũng được ban hành. Chúng tôi đã chôn đất ở dưới đất – quả là một hoạt động thật kỳ lạ của con người. Theo hướng dẫn, trước khi chôn, chúng tôi phải làm những cuộc khảo sát địa chất để xác định là không có một mạch nước ngầm nào trong vòng chu vi 4 cho tới 6 mét cách hố chôn, cũng như hố chôn không được quá sâu dưới mặt đất; chung quanh hố và dưới đáy hố phải được bọc lót bằng những lớp bóng kính an toàn. Đó là những quy định theo bản hướng dẫn. Trong thực tế, dĩ nhiên, hoàn toàn khác hẳn. Nó đã như thế từ hồi nào tới giờ. Không hề có một cuộc khảo sát địa chất nào. Người ta chỉ trỏ ngón tay và bảo : “Đào ở chỗ này!” Thế là chiếc máy xúc bập xuống mặt đất. “Phải đào bao sâu?” “ Biết thế quái nào được? Hễ đụng nước là tôi ngưng thôi.”. Như vậy là họ đào hố ngay chỗ có mạch nước ngầm.

Người ta thường bảo : dân thánh thiện thì chính quyền bất lương. Tôi sẽ nói với bà quan niệm của tôi về vấn đề này, và những suy nghĩ của tôi về người dân ở đây, về cả chính tôi.

Thời gian công tác dài nhất của tôi là ở vùng Krasnopolsk, như tôi đã nói là vùng bị nhiễm xạ nặng nhất. Để tránh cho việc chất phóng xạ ở trên mặt cánh đồng trôi xuống sông, chúng tôi cần phải làm theo sự hướng dẫn. Đại khái là cầy một đường rãnh đôi trên cánh đồng, chừa ra một khoảng, rồi lại cầy một đường rãnh đôi, rồi lại chừa một khoảng, cứ thế cho đến khi cầy xong cánh đồng. Sau đó, lái xe đi dọc theo bờ sông để kiểm tra. Thế là tôi dùng xe bus đến trung tâm khu vực, đi thẳng vào văn phòng viên chủ tịch khu ủy. Trước mặt tôi ông chủ tịch ngồi đó, hai tay ôm lấy đầu : Không ai ra lệnh đổi kế hoạch, đổi phương cách thu hoạch vụ mùa.

Mọi việc như cũ : ai trồng đậu thì thu hoạch đậu, dù ai cũng biết rằng cây đậu là thứ hút chất phóng xạ nhiều nhất, cũng như các loại ngũ cốc khác. Và đâu đó ngoài kia có những nơi độ nhiễm xạ lên tới hơn 40 curies hoặc cao hơn nữa. Như thế thì ông ta còn đầu óc đâu mà nghĩ đến việc sẽ giúp đỡ tôi. Ở trường mẫu giáo, các y tá, các người nấu bếp đã cao bay xa chạy. Lũ trẻ đói meo mà không có ai chăm sóc. Chẳng may lúc này có ai bị đau ruột thừa cần được giải phẩu thì sẽ phải nằm xe cứu thương đến một bệnh viện cách xa hơn 60 ki lô mét trên những quãng đường gập ghềnh đầy ổ gà – vì các bác sĩ đã không còn thấy trong khu nữa. Cần xe à? xe gì? cầy rãnh đôi là sao? Rõ ràng viên chủ tịch đã không có chút thời giờ nào dành cho tôi.

Vậy là tôi phải chạy đến các giới chức quân sự cầu cứu. Họ đều là những thanh niên trẻ, làm việc ở đó đã 6 tháng. Nên trông họ xanh xao ốm yếu như người chết rồi. Họ cấp cho tôi một chiếc thiết vận xa dùng để chở lính cùng với một toán nhân viên – không, còn tuyệt hơn nữa- đó là chiếc thiết vận xa chiến đấu có gắn khẩu súng máy trên nóc . Thật tiếc tôi đã không có bức hình nào chụp mình ngồi trên chiếc thiết vận xa ấy. Thật tuyệt vời lãng mạn, phải không? Viên thiếu úy, người sĩ quan chỉ huy chiếc xe, luôn miệng nói vào máy truyền tin : “Đại bàng! Đại Bàng! Chúng tôi đang tiếp tục nhiệm vụ.”. Chúng tôi ngồi trong thiết vận xa, đi qua những cánh rừng, những con đường. Mấy người phụ nữ đứng trong hàng rào nhìn theo nước mắt đầm đìa. Từ hồi chiến tranh tới giờ họ mới nhìn thấy lại những chiếc chiến xa. Họ sợ rằng sẽ có một cuộc chiến tranh nữa đang bắt đầu.

Theo sự hướng dẫn thì những chiếc máy cầy dùng để xới đất lên phải có lưới trùm kín buồng lái của tài xế. Tôi quan sát một chiếc xe máy cầy thì đúng là buồng lái tài xế đã được phủ kín mít. Nhưng người tài xế lái chiếc xe máy cầy đó lại chui ra ngoài buồng lái, nằm dài trên cỏ nghỉ giải lao. “Này anh tài xế, anh có điên không? người ta có bảo cho anh biết là ngoài này rất nguy hiểm không?”. Anh tài xế chống chế : “Nhưng tôi đã lấy áo thun phủ kín cả đầu rồi còn gì. Người dân chung quanh đây chẳng hiểu gì hết về mối thảm họa đang phủ lên đầu họ. Họ đã bị hù dọa ngày này qua ngày nọ về một cuộc chiến tranh hạt nhân, nhưng lại hoàn toàn ngu dốt về Chernobyl.

Phong cảnh ở đây thật đẹp. Những cánh rừng già cổ vẫn còn hiện hữu. Những con suối nhỏ lộng gió, tỏa một màu vàng nhạt và rực rỡ ánh nắng ban ngày. Cỏ vẫn tươi một màu xanh. Trong rừng, có tiếng người gọi nhau ơi ới. Với người dân ở đây, sinh hoạt hàng ngày vẫn tự nhiên như không có gì xẩy ra, như mỗi buổi sáng thức dậy họ bước ra vườn nhìn ngắm cây cối còn ướt sương đêm. Còn mình thì đứng đó quan sát, biết rằng thiên nhiên trước mắt mình đã bị nhiễm độc nặng nề.

Có hôm chúng tôi gặp một cụ già.

“Các cháu ơi, nói cho bà biết, sữa vắt ra từ con bò nhà bà có uống được không?”.

Chúng tôi ngó lơ xuống đất. Đã có lệnh từ trên – nhiệm vụ của chúng tôi là thu thập dữ kiện, không được tiếp xúc với người dân.

Sau cùng thì người tài xế của chúng tôi cũng lên tiếng.

“Bà bao nhiêu tuổi vậy bà?”

“À, hơn 80 rồi đấy. Có thể già hơn nữa, nhưng giấy tờ của bà đã bị cháy hết hồi chiến tranh nên bà không chắc lắm .”

“Vậy thì nếu bà muốn uống cứ việc uống. Uống bao nhiêu tùy thích bà ạ !”

Tôi cảm thấy tội nghiệp nhất là những người dân quê – họ vô tội, như trẻ con, vậy mà họ phải chịu đựng nhiều nhất. Những người nông dân không gây ra Chernobyl. Họ sống giữa thiên nhiên, có mối quan hệ máu thịt, tin cậy lẫn nhau giữa họ và thiên nhiên, như họ đã từng như thế một trăm năm trước, một ngàn năm trước.Thế nên họ không thể nào hiểu nổi những sự việc vừa xẩy ra. Họ cũng muốn tin tưởng các khoa học gia, những người có học vấn, như họ tin tưởng các vị linh mục. Nhưng họ chỉ nhận được những lời khuyên đại loại : “Mọi chuyện đều ổn cả, Không có gì phải lo lắng, sợ sệt. Chỉ cần nhớ rửa tay sạch sẽ trước khi ăn.”. Tôi nhận ra được một điều, không phải ngay lúc đó, mà phải đợi đến vài năm sau. Rằng chúng tôi đã góp phần của mình vào việc phạm một tội ác, một âm mưu ác độc {Bà ta im lặng}.

Bà không thể tưởng tượng được rằng hàng viện trợ gởi đến Khu Cấm lại được đưa lậu ra ngoài để bán, những thứ lúc ấy rất khan hiếm như : cà phê, thịt bò hộp, thịt dăm bông, cam táo v.v… Hàng thùng, hàng thùng thực phẩn chuyển đi trên những chiếc xe tải. Hồi ấy, chẳng ở đâu có những thứ này. Đám lái buôn địa phương, đám thanh tra, bọn viên chức lớn nhỏ đều hưởng lợi nhờ những dịch vụ này. Con người ta trở nên tồi tệ hơn là tôi tưởng. Tôi cũng vậy, chẳng khá hơn gì. Có khi còn tệ hơn nữa. Giờ thì tôi đã tự hiểu. {Ngưng nói}.Tất nhiên, tôi phải thú nhận rằng, điều này với tôi rất quan trọng. Để tôi đưa ra một thí dụ nhé! Một nông trang tập thể, cho là có 5 ngôi làng. 3 làng “sạch”, còn 2 làng kia thì “dơ”. Khoảng cách giữa những ngôi làng ước chừng từ 2 đến 3 ki lô mét. 2 làng “dơ” nhận được tiền “tử”, còn 3 làng “sạch” thì không có xu nào. Những làng “sạch” được lệnh xây chuồng chăn nuôi sức vật và họ cần phải có những vật liệu sạch, tức không bị nhiễm xạ để xây chuồng. Làm sao họ tìm ra được vật liệu sạch bây giờ đây? Gió thổi đất từ cánh đồng làng này sang cánh đồng làng kia vốn cách nhau không xa. Tất cả đều là chung một khu đất. Để xây chuồng trại, họ cần phải có những giấy tờ ký xác nhận vật liệu sạch bởi một ủy ban kiểm tra. Tôi là một thành viên trong ủy ban. Trong chúng tôi, ai cũng biết rằng chúng tôi không thể ký xác nhận những vật liệu xây cất ấy là “sạch” được. Đó là một hành vi tội phạm. Nhưng chúng tôi vẫn ký và tự tìm cho mình một lý do để biện minh. Tôi nghĩ , vật liệu sạch chẳng có gì liên quan đến công việc của mình là một viên chức kiểm tra môi trường.

Ai cũng có lý do của riêng mình để biện minh, để giải thích cho việc mình làm. Tôi cũng giống mọi người, đã thực nghiệm điều ấy trên chính lương tâm của mình. Và cuối cùng, tôi đã khám phá ra một điều, rằng những điều đáng sợ nhất trong đời sống xẩy ra thật lặng lẽ và thật tự nhiên.

Zoya Danilovna Bruk, Thanh Tra Môi Trường

Độc Thoại

_____________________________

về những câu trả lời

Bà có bao giờ để ý rằng ngay trong chính chúng ta, chúng ta đã không hề hé môi nửa lời về sự kiện này không? Trong vài chục năm tới, trong một trăm năm tới, với những thế hệ tương lai, đó sẽ là những năm tháng đầy kỳ bí.

Tôi sợ mưa. Bởi Chernobyl đấy. Tôi sợ tuyết, tôi sợ rừng. Điều này chẳng có gì trừu tượng, cũng chẳng phải là trò chơi trí não, mà là cảm thức thực sự con người. Chernobyl có mặt trong khái niệm quê nhà của tôi. Nó có mặt cả trong điều quý báu nhất đời tôi: con trai tôi, sinh ra vào mùa xuân năm 1986. Giờ nó đang mắc bệnh. Loài thú, kể cả con dán, chúng cũng biết khi nào thì nên sinh đẻ và nên đẻ bao nhiêu con. Nhưng con người thì không có được khả năng đó. Thượng đế đã không cho chúng ta khả năng tiên đoán. Thời gian trước đây, có những tài liệu nghiên cứu cho biết rằng, chỉ riêng ở Belarus trong năm 1993 đã có tới 200,000 vụ phá thai. Chỉ vì hậu quả của Chernobyl. Chúng ta đang sống trong nỗi sợ hãi bao trùm đó. Thiên nhiên vốn có khả năng tích lũy và chờ đợi. Và Zarathustra có thể sẽ kêu lên : “Ôi, nỗi buồn của ta! Thời gian biến đi đâu mất rồi vậy?” (1)

Tôi suy nghĩ rất nhiều về việc này. Tôi đã tìm kiếm những ý nghĩa mà nó chứa đựng. Chernobyl chính là thảm họa của ý thức hệ Nga. Bà có bao giờ xem xét nó dưới khía cạnh này chưa? Tất nhiên là tôi đồng ý với những quan điểm cho rằng thảm họa Chernobyl không chỉ là sự kiện lò phản ứng hạt nhân phát nổ, mà còn là sự sụp đổ của toàn bộ hệ thống giá trị. Nhưng cách lý giải này dường như vẫn không đủ đối với tôi.

Tôi là một sử gia. Trước đây tôi hoạt động trong lãnh vực ngôn ngữ học, lãnh vực triết lý của ngôn ngữ. Chúng ta không chỉ suy nghĩ bằng ngôn ngữ, mà ngôn ngữ cũng suy nghĩ bằng chúng ta. Năm tôi 18 tuổi, hoặc có thể sớm hơn một chút, tôi đã đọc những quyển sách bị cấm đoán và đã khám phá ra Shalamov(2), Solzhenitsyn(3). Bỗng nhiên tôi nhận ra rằng, toàn bộ thời thơ ấu của mình, thời thơ ấu của khu phố mình sinh sống – mặc dù tôi lớn lên trong một gia đình thuộc về giới trí thức (Ông nội tôi là một mục sư, cha tôi là giáo sư dạy ở một trường đại học ở St. Petersburg)- tất cả đều xuyên suốt một thứ ngôn ngữ của những trại tập trung. Đối với đám thiếu niên chúng tôi, rất hoàn toàn tự nhiên khi gọi bố mình là “bố già”(Pakhan), gọi mẹ mình là “mẹ già”(Makhan). “Với mỗi cuộc ái ân vụng trộm, đều có sự hiện diện của một dương vật và cái tuộc nơ vít.” - tôi đã nghe biết về câu ngạn ngữ đó năm tôi mới 9 tuổi. Dù kiến thức của tôi lúc ấy không hề có lấy một chữ của thế giới văn minh. Mọi trò chơi, ngôn ngữ, câu đố chúng tôi có được đều có nguồn gốc từ trại tập trung. Bởi vì trại tập trung không phải là một thế giới nào khác ở đâu xa xôi. Nó có mặt ở ngay đây. Akhmatova(4) đã viết : “Một nửa đất nước bị nhốt trong những trại tập trung, nửa còn lại ngồi trong những nhà tù .”. Tôi cho rằng thứ ý thức tù ngục này chắc chắn sẽ - không thể tránh khỏi – va chạm với văn hóa – với văn minh, với gia tốc phân tử.

Và tất nhiên, chúng tôi lớn lên trong một nền giáo dục ngoại giáo đặc thù Xô Viết, vốn coi con người là chủ tể của mọi sự sáng tạo, anh ta có quyền cải tạo thế giới theo ý anh ta muốn. Chúng tôi cũng đã được làm quen với khẩu hiệu Michurin(5) : “Chúng ta không thể cứ ngồi đó chờ đợi những ân sủng của bà mẹ Thiên Nhiên, chúng ta phải biết tự giành lấy những thứ ấy từ Thiên Nhiên.”. Đó là một ý đồ nhằm giáo dục quần chúng thứ phẩm chất mà họ không bẩm sinh sở hữu. Chúng ta mang tâm lý của kẻ đi áp bức. Giờ đây ai cũng nói về Thượng Đế. Nhưng tại sao người ta không đi tìm Thượng Đế ở trong các trại tập trung, trong những xà lim tù của năm 1937, hoặc tại những cuộc họp Đảng năm 1948 khi chủ nghĩa thế giới đại đồng bị phê phán, hay dưới thời Khrushchev khi mà các ngôi nhà thờ cũ ở khắp nơi trên nước Nga bị phá hủy? Nội dung của niềm tin tôn giáo của người Nga thời cận đại mang tính cách giảo quyệt và giả tạo. Họ dội bom lên những làng mạc hiền lành của Chechnya, họ tìm cách tiêu diệt một dân tộc tuy nhỏ bé những đầy kiêu hãnh. Tiêu diệt là thứ duy nhất người ta biết cách thực hiện, với thanh gươm bạo lực - súng đạn thay vì lời nói. Chúng ta dùng xẻng đánh đuổi những tài xế xe tăng Nga đã bị đốt cháy, hoặc đập bỏ bất cứ thứ gì của họ còn sót lại. Và ngoài kia, vẫn có người cầm nến đứng trong nhà thờ . Để mừng lễ Giáng Sinh.

Nhiệm vụ hiện nay của chúng ta là gì? Chúng ta cần phải tìm hiểu xem liệu chúng ta có đủ khả năng xem xét lại toàn bộ lịch sử của chúng ta, điều mà người Đức và người Nhật đã chứng minh rằng đó là điều khả thể khi họ tự xem xét lại chính lịch sử của họ sau chiến tranh. Liệu chúng ta có đủ đảm lược trí thức để làm việc đó không? Chúng ta hiếm khi dám đặt vấn đề như thế này. Dân chúng chỉ quan tâm tới thị trường, tới hàng hóa, những tem phiếu ưu tiên, những tấm ngân phiếu trả lương. Một lần nữa, chúng ta chỉ có đủ khả năng để sống sót. Toàn bộ sức lực của chúng ta chỉ nhằm để sống còn. Còn phần linh hồn, phần sâu thẳm bên trong chúng ta đã hoàn toàn bị bỏ quên.

Vậy những gì chúng ta đang nói đến ở đây sẽ có mục đích gì? Quyển sách của bà đang được viết có mục đích gì? Những đêm thức trắng của tôi sẽ làm được những gì? Điều gì sẽ xẩy ra nếu như cuộc sống của chúng ta đơn giản chỉ như cử chỉ bật một cây que diêm? Có thể sẽ có những câu trả lời. Rằng đó là thứ định mệnh chúng ta không có sự lựa chọn. Và cũng có thể sẽ có những câu trả lời hay hơn thế. Người Nga luôn luôn cần phải tin vào một điều gì đó, chẳng hạn: đường xe lửa, con ếch (Bazarov)(6), đô thị cổ Byzantium, hạt nguyên tử. Và bây giờ thì họ tin vào thị trường.

Nhà văn Bulgakov viết trong “Một âm mưu của bọn đạo đức giả : “Cả đời tôi là một chuỗi những tội lỗi. Tôi là một diễn viên.”. Đây là thứ ý thức của một sự phạm tội về nghệ thuật, về bản chất vô luân của việc nhìn ngó vào đời sống người khác. Nhưng, cũng có thể, giống như mầm bệnh được cấy trong các thứ thuốc chủng ngừa, ý thức phạm tội này có thể mang chức năng phòng ngừa tương tự, giúp tránh được lỗi lầm của một người nào đó. Chernobyl mang vóc dáng bệnh hoạn như không khí trong tác phẩm của Dostoevsky, với ý đồ muốn biện minh cho nhân loại. Hoặc, có thể, đạo đức con người đơn giản hơn là điều người ta vẫn nghĩ. Phải chăng chúng ta nên bước vào thế giới này trên những đầu ngón chân và dừng lại ngay ngưỡng cửa, trước khi tự đắm mình vào không gian kỳ bí bên trong . . .

Aleksandr Revalskiy, Sử Gia

Chú Thích:

(1) Zarathustra đã nói như thế - tên một tác phẩm của Triết gia người Đức Friedrich Nietzsche.

(2) Varlam Shalamov- Nhà văn Nga. Đã từng bị Stalin cầm tù 17 năm trong các trại tập trung

(3) Alexandr Solzhenitsyn – Nhà văn Nga. Giải Nobel về văn chương năm 1970.

(4) Anna Akhmatova – Nhà thơ người Nga

(5) Ivan Vladimirovich Michurin : Nhà khoa học Nga (1855-1935)

(6) Ở đây tác giả ám chỉ nhân vật Yevgeny Vassilyitch Bazarov - trong tác phẩm Fathers and Sons của nhà văn Nga Turgenev – một sinh viên y khoa luôn tìm thú giải trí bằng cách mổ xác những con ếch.