Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 17 tháng 8, 2016

Một "Cánh cổng của tưởng tượng" hay lối vào của quỷ?

Văn Việt: Một bạn đọc vừa chuyển cho Văn Việt đường link bài viết sau đây nói về bài của tác giả Trịnh Y Thư trên Văn Việt. Chúng tôi xin chia sẻ bài này cùng bạn đọc, để thêm một lần nhận diện thái độ đối xử với văn học, với người cầm bút của giới “chính thống” Việt Nam hiện nay. Điều đáng nói là cây bút viết bài này – văn phong bài viết là văn phong của một người khá chuyên nghiệp trong giới văn chương – đã không dám ký tên thật, trong khi ngang nhiên quy kết bài của Trịnh Y Thư là “cực kỳ phản động”. Về tính từ “phản động”, chúng ta đã có quá nhiều kinh nghiệm. Đơn cử: tác phẩm “Về Kinh Bắc” của Hoàng Cầm đã bị an ninh Việt Nam coi là “phản động”, dẫn đến vụ án nổi tiếng bắt giam tác giả và người cầm bản thảo (nhà thơ Hoàng Hưng) người 18 tháng, người 39 tháng; sau “Đổi mới”, “Về Kinh Bắc” được in nhiều lần, tác giả được giải thưởng Nhà nước, còn các vị tướng tá trong ngành an ninh đều giải thích một cách đơn giản là “hồi đó ấu trĩ quá”! Là xong! Sự “ấu trĩ” chết ngưòi này còn tiếp tục đến bao giờ?

 

(LĐ online) - Ngày 11-8-2016, trên trang inweb văn chương “Văn Việt.info” được coi là diễn đàn của Văn Đoàn Độc Lập Việt Nam lập bởi một nhóm văn nghệ sĩ tự xưng “tổ chức xã hội dân sự hoàn toàn độc lập với mọi hệ thống tổ chức và thiết chế trong, ngoài nước”, trong chuyên mục nghiên cứu phê bình đăng bài “bốc thơm” và cũng cực kỳ phản động “Lưu Diệu Vân, Lưu Mêlan & Nhã Thuyên: Vào cánh cổng của tưởng tượng”. Tác giả Trịnh Y Thư và được Thanh Hà chuyển ngữ từ nguyên tác tiếng Anh.

clip_image002

Theo Trịnh Y Thư, ba tác giả: Lưu Diệu Vân, Lưu Mêlan & Nhã Thuyên được nhắc tới là “ba nhà thơ nữ đang nổi, tên của họ đã trở nên ngày một thân quen hơn với công chúng yêu thơ trong cũng như ngoài nước”, “mỗi người cư trú ở một nơi khác nhau trên thế giới”, “ba nhà thơ đại diện cho một thế hệ các nhà văn Việt mới, được gọi là thế hệ 8X”… Được phong “nhà thơ”, nhân thân Lưu Diệu Vân, Lưu Mêlan chưa rõ nhưng danh tiếng Nhã Thuyên thì dư luận, công chúng văn chương trong nước ai mà chẳng lạ bởi thành tích bất hảo. Hai năm trước, với luận văn “Vị trí kẻ bên lề: Thực hành thơ của nhóm Mở Miệng từ góc nhìn văn hóa”, Nhã Thuyên (Đỗ Thị Thoan) đã bị đồng nghiệp nhà giáo, dư luận xã hội lên án gay gắt. Trong luận văn – sản phẩm độc hại này, Nhã Thuyên cực đoan khi dựa vào tư liệu khảo sát là những sản phẩm “thơ dơ, thơ rác, thơ nghĩa địa, giễu nhại (từ dùng của nhóm "Mở miệng”)…” đầy rẫy ngôn từ tục tĩu, bẩn thỉu, lợm mửa… với một mớ hổ lốn về nội dung, về thi pháp…. làm người đọc xấu hổ khi phải đọc nó, thành thứ tư tưởng chính trị. Nhã Thuyên đã khái quát những cái thối tha, bẩn thỉu, tắc tị trong thơ nhóm “Mở miệng” thành đỉnh cao văn hóa, văn nghệ Việt Nam; suy diễn những thứ đó thành trào lưu tư tưởng chính trị. Tác giả luận văn cho đó “là sự phản kháng” chế độ, rồi đi đến kết luận hồ đồ, “bệnh hoạn” cổ xúy cho khunh hướng này: “chủ đề giải thiêng hình tượng Hồ Chí Minh, chống lại sự thống trị dai dẳng của tư tưởng Hồ Chí Minh, phê phán chế độ cộng sản, bình luận và giễu nhại về Chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa. Thơ bất đồng chính kiến đã tỏ rõ thái độ trực diện trong quan hệ với quyền lực của thể chế, với nhu cầu phá hủy quyền lực đó. Cộng sản được hiểu như một biểu tượng của sự khống chế tư tưởng và do đó nó thành mục đích nhắm vào của thơ ca trong cuộc tấn công vào ý thức hệ chính thống này”. Về cái luận văn phi khoa học, phản tiến bộ và gieo rắc “mầm loạn” cho xã hội và đầy rẫy “rác rưởi” này, PGS.TS Phan Trọng Thưởng nhận định: “đây là một luận văn “chính trị đội lốt văn chương” với rất nhiều quan điểm chính trị và học thuật sai trái, mang tính chất kích động, đả phá chế độ, xúc phạm Chủ tịch Hồ Chí Minh” .

Với “chân dung đen” như vậy nên cũng không ngạc nhiên gì khi Trịnh Y Thư vội vã bập túm lấy “con mồi” để “khuyên xằng” văn chương, không ngớt lời lăng-xê: “Lưu Diệu Vân, Lưu Mêlan và Nhã Thuyên, đó là ba cái tên mà tôi phải tô đậm trong ghi chú để tự nhắc mình phải chộp lấy ngay những tác phẩm mới nhất của họ”. Vì sao Trịnh Y Thư “phải chộp lấy ngay”? Phải chăng xuất phát từ dã tâm chống phá chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay? Điều này quá rõ khi tác giả nhận thấy tập thơ là “miếng mồi ngon” để thực hiện ý đồ đen tối của mình: “Tuyển tập này, có thể được xem như là sự đoạn tuyệt dứt khoát với Chủ nghĩa hiện thực, Chủ nghĩa lãng mạn, Chủ nghĩa xã hội, Chủ nghĩa yêu nước, Chủ nghĩa cảm thương, cũng như vô số những thứ “chủ nghĩa” khác đã thống trị thơ Việt suốt một thời gian dài”. 

Không vội bàn tới  ba “nhà thơ” nữ kia có chạm đích thực vào “Cánh cổng của tưởng tượng” hay không nhưng luận điệu của Trịnh Y Thư đã quá cuồng nhiệt “cổ súy” khuynh hướng sáng tác “biểu đạt những cảm nhận sâu kín về bản thể, những nhận thức nhạy bén về môi trường sống cũng như về thân phận riêng của mỗi cá nhân” mà quên đi vai trò, trách nhiệm của nghệ sĩ – công dân, cố tình công kênh cái tôi lên trên quê hương, đất nước. Tuy cho rằng: “Ở đây, thơ được viết chủ yếu vì chính thơ”, thế nhưng phê bình thơ là cái cớ để Trịnh Y Thư thực hiện tâm ý đen tối chống phá chủ nghĩa xã hội. 

Nhà thơ gắn bó với cuộc sống, hoà đồng quần chúng và phải hướng tứ thơ, hình ảnh thơ tới “chân - thiện - mỹ”. Nhà thơ có quyền phản ánh cái tôi thế nhưng không thể là cái tôi chật hẹp, đơn lẻ, riêng biệt mà nỗi niềm, thân phận của cá nhân phải mang tính đại chúng, lớn lao hơn là tính thời cuộc, thời đại. Tác phẩm của họ phải giàu tính tư tưởng, tính giáo dục, tính định hướng – có như vậy mới xứng đáng với chức năng cao quý của văn nghệ sĩ là “hướng đạo” đời sống… Điều này cũng là nguyên tắc đặt ra với nhà nghiên cứu phê bình văn học, song nó hoàn toàn không có ở Trịnh Y Thư!..  Ngoài những câu chữ rối rắm, đánh tráo khái niệm, cố tình khoe vốn liếng phê bình tạp nham và hổ lốn đề cao bản thể, tự do cá nhân… , Trịnh Y Thư đã nhìn thấy những “hạt vàng” nào trong ba “nhà thơ”  được coi là “tài năng trẻ, như bộ ba tác giả của cuốn thơ này”?

Với Lưu Diệu Vân, nhà phê bình không tiếc hơi thổi “bong bóng”: “sức hấp dẫn của thơ Lưu Diệu Vân nằm ở cách sử dụng hình tượng tài hoa, tinh tế. Thực chất, có thể nói nó đã lên đến mức điêu luyện (tour-de-force). Gần như ở bài thơ nào chúng ta cũng có thể thấy một sức hấp dẫn tạo nên bởi cách lựa chọn ngôn từ độc đáo, được xuất hiện đúng lúc đúng chỗ. Lời thơ gần giống như lời ca, nhưng lại như một sự kết hợp lạ thường, trừu tượng, đưa đến một không khí huyền bí…”. Người phê bình đã “tấm tắc” bởi cái gì? Với cái nhìn lệch lạc, bóp méo xã hội Việt Nam, Trịnh Y Thư viết: “Trong bài thơ “khắt khe,” những gì mà cả một dân tộc đã tôn thờ trong suốt hàng ngàn năm bị cô (Lưu Diệu Vân - NV) hạ bệ thành việc rắc “lốm đốm những giọt máu hồng” làm vấy bẩn “mảnh khăn trắng” trinh nguyên. Thêm vào đó, với bài thơ “gọi hồn triết gia,” cô công khai lên tiếng cho một cuộc chiến chống lại hệ tư tưởng đã trấn áp người phụ nữ Việt trong suốt chiều dài lịch sử đất nước mình. Cô đang phẫn nộ trước sự ngu dốt mà dường như chẳng một ai cho rằng đáng quan tâm hay lưu ý”. Trịnh Y Thư còn ca ngợi Lưu Diệu Vân là “kẻ tiên phong trên mặt trận chống lại sự phân biệt giới đã kéo dài hàng thế kỷ trên quê hương mình”… Lưu lạc trời Tây, có thể như nhà phê bình kia nhận định “một Lưu Diệu Vân đáng thương vẫn tự thấy mình không thể kết nối, bị cắt rời tuyệt đối khỏi nguồn cội của chính mình” nhưng không thể chấp nhận những câu thơ áp đặt méo mó về bản chất Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa tốt đẹp mà Việt Nam 30 năm đổi mới phấn đấu vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Thơ đã lệch lạc, bệnh hoạn rồi nhưng kẻ bình thơ lại rất khẩu xà tung hứng: “Khí chất cô bất hòa với vùng đất này, một nơi mà “trên tấm bích chương các lãnh tụ bắt tay thân mật,” nơi những tên sát nhân ghê tởm không chút xấu hổ “chúc tụng những chiến thắng không sách sử ghi nhận” (chỉ được xác nhận qua những cuốn sách được viết bởi chính bọn hắn)”. Khích lệ tư tưởng, thái độ quay lưng và hằn học với dân tộc chưa đủ, Trịnh Y Thư còn cổ súy cho sự học đòi “nổi loạn”, a dua theo chủ nghĩa hiện sinh thứ cấp, đặc biệt là tính dục: “Dưới góc nhìn riêng của nhà thơ, tự ý thức bao giờ cũng phải chạm đến phần tính dục như một chủ đề trung tâm trong bản giao hưởng đời sống… Bài thơ “falls” mở đầu bằng những hình ảnh đẹp đẽ ngây thơ như “những cánh hoa trong suốt nở những chiếc cánh mặt trời nâu vàng”, và khép lại trong một cuộc truy hoan điên cuồng, nơi hành động làm tình được đặc tả với những chi tiết cụ thể nhất “mực dương vật/ thân thể nàng/ xuất tinh dấu vết”. Lẽ ra phải có thái độ phê phán, thế mà người phê bình còn khen, thích thú trước những câu thơ phản văn hóa: “một bài thơ dị thường nhỏ nhỏ như “tiếp thị sản phẩm mới” gây ấn tượng mạnh mẽ. Mỗi dòng thơ khiến tôi không thể nén cười, nhất là khi đọc đến những câu như “Cửa mình của đàn bà/ Để kiểm tra chất lượng”.

Không hay Nhã Thuyên làm thơ có tiếng về chất lượng từ bao giờ ngoài chuyện cái luận văn tai tiếng, phản văn hóa nhưng theo Trịnh Y Thư “Nếu Lưu Diệu Vân khám phá bản ngã nội tại trong thế đối nghịch với phông cảnh môi trường mang tính thực tế của cô, thì Nhã Thuyên tiến hành sự thăm dò ấy trong tương quan với một kiểu không gian phi thực mênh mang của sự trống rỗng. Đôi mắt chẳng trông thấy gì ngoài bóng tối, những giọng nói mất hút trong khoảng rỗng không giãn nở, chẳng để lại gì dù chỉ một tiếng vọng. Trong bài thơ “thực đơn thân thể,” thực tại được miêu tả như một khung cảnh mơ, ở nơi đó, “con đường như khúc cá khổng lồ bị chặt ngang, hố hố ụ ụ đặc đen máu cá nham nhở”. Chính Trịnh Y Thư nhận xét thơ Nhã Thuyên: “Một bầu khí quyển u sầu tràn lan tỏa khắp các dòng thơ, thấm đẫm linh hồn của các chữ, tạo dựng một trạng huống tinh thần thảm sầu, bi thương. Ngay cả trong mơ, cô cũng không thể nào trốn thoát được nỗi buồn, nó dường như đã bị đóng đinh vĩnh viễn vào nỗi cô đơn bất tận. Bất luận thế nào, Nhã Thuyên cũng không tìm kiếm một câu trả lời cuối kết”.     “Cô đơn bất tận” theo nghĩa đen - Đó là sự tất yếu của Nhã Thuyên - một trí thức, một nhà giáo cố tình đi theo “lối của quỷ” mà không nhận ra “chính đạo”. Người viết bài này mượn lời Trịnh Y Thư (hay cũng chính là cái “thòng lọng” của Trịnh Y Thư sẽ siết chặt cổ các nhà thơ được y sử dụng như con bài chính trị) để tạm dừng đề cập về Nhã Thuyên: “Nỗi tuyệt vọng được gọi tên rõ nét, cũng một màu u ám hệt như trong “mưa đen”. Bài thơ kết lại bằng những dòng thơ “tôi lún sâu mãi xuống cát ướt, cho tới khi hoàn toàn vắng lặng, và tôi sẽ không trở về”. Dưới dòng thơ ấy, nhà thơ vẽ một vòng tròn. Có lẽ đó là hình ảnh tượng trưng cho một tình thế bị mắc bẫy. Hoặc, rất có thể, là một cái thòng lọng? Dù hiểu theo nghĩa nào, nó cũng chỉ gợi lên nỗi tuyệt vọng”.

“So sánh với Lưu Diệu Vân, và đặc biệt là với Nhã Thuyên, kết cấu các văn bản thơ của Lưu Mêlan có vẻ mỏng mảnh hơn. Không chỉ thế, về mặt ngữ nghĩa, nếu như thơ của hai người bạn đồng hành kia thường mang tính đa tầng thì thơ cô thường đơn hướng”. Đã nhận xét như vậy thì chúng ta cũng chẳng cần bận tâm nhiều về nhà thơ này mặc dù Trịnh Y Thư cố nặn ra câu chữ đánh bóng: “Cô tiếp xúc với các đối tượng theo nghĩa đen của nó, không cố công đi vào tâm hồn sự vật, thay vào đó, chủ yếu sử dụng phông nền bối cảnh, phú cho nó một vài ý nghĩa điển hình, qua đó bày tỏ cảm xúc. Trong bài thơ “Ngày,” cô đảm nhận vị trí một người quan sát rốt ráo, huy động toàn bộ năm giác quan để khám phá môi trường sống quanh mình. Và rồi, giống như thể một thiên thần canh gác, cô sẽ loan báo cho chúng ta lời cảnh cáo về những mối hiểm nguy còn hiện tồn rõ mồn một trên thế gian. Một kịch bản tương tự cũng được xây dựng trong bài thơ “Hạt gạo”. Ở đây, cô kể cho chúng ta nghe câu chuyện cổ tích về một trong những vật phẩm được nâng niu nhất trong đời sống thường nhật của người dân Việt – hạt gạo. Nhưng đó lại là một truyện cổ tích buồn. Kết lại bài thơ, cô chỉ muốn được lẩn mình vào sau những thân cây lúa bởi “thế gian đang chôn vùi đời sống con người”. Trước những cái được gọi là “thơ” hết sức rối rắm, tắc tị, đầy rẫy định kiến và mặc cảm, Trịnh Y Thư cố tình đẩy nó lên đỉnh của sự hận thù nhuốm màu phản động: “Lưu Mêlan đặt người đọc vào một cuộc trò chuyện trực tiếp với tâm hồn cô, ngay cả khi nó đang chìm trong sự khiếp hãi khi đối diện với thế giới hay trong nỗi hổ thẹn mà cô cảm thấy thay cho cái mảnh đất cô vẫn gọi là quê nhà. Thế đấy, cũng như tất thảy chúng ta, cô lạc lối trên chính quê hương mình, chẳng có chút gắn kết nào với “những người đi bằng bốn chân”. Nhiều bài thơ của Lưu Mêlan biểu thị một nỗi tuyệt vọng và sự khóc thương cho một nơi chốn vốn được định danh là nơi chôn rau cắt rốn của cô, đất nước dấu yêu của cô”. 

Hỡi các “nhà thơ” đang ở độ tuổi hai mươi đến ba mươi! Đường đời của các cô còn dài lắm và trên con đường ấy cũng không thiếu chông gai, rắn rết mà sự trải nghiệm bản thân thì e rằng chưa đủ độ chín để “chợt vụt sáng như sao” nên chăng phải hết sức cảnh giác trước “lưỡi không xương nhiều đường lắt léo” tẩm đầy chất độc như của Trịnh Y Thư: “Nhờ sự tài hoa của ba nhà thơ trẻ, cuốn sách này, mặc dù không đồ sộ về vẻ hình thức bên ngoài, nhưng đã tạo được một cú huých nhất định đến sự phát triển theo chiều hướng tiến hóa của thơ Việt đương đại, không những thế, có thể đảm nhận vai trò như một dẫn nhập thông minh cho những ai quan tâm đến văn học Việt Nam”… Ba hoa rồi Trịnh Y Thư cũng “lòi đuôi cáo” bản chất xuyên tạc, kích động hằn thù, chống phá Nhà nước Việt Nam với luận điệu: “đối diện với hiện tại, chứng kiến con đường mà đất nước đang đi, chứng kiến sự tha hóa về đạo đức, sự thối rữa mục nát của các hệ thống chính trị, tình trạng mất tự do cá nhân, sự rỗng tuếch trên lĩnh vực tri thức, tính ì trệ kìm hãm sự tiến bộ và ngăn chặn những ý tưởng mới (kể đến đây dường như đã là quá đủ), cả ba người đều đang quyết liệt định hình tiếng nói của mình trong tư cách là những nhà thơ”. 

Với những “con nai tơ” thiển kiến, u minh khi nhìn nhận về thể chế chính trị, công cuộc đổi mới tốt đẹp của dân tộc mặt khác lại háo danh, ngộ nhận và hoang tưởng về tài năng thi phú – họ chỉ là kẻ “nhắm mắt, hiến tế” dâng mình cho quỷ dữ, làm công cụ trong tay của những kẻ xảo trá, thù địch với dân tộc Việt như Trịnh Y Thư.

ĐÀ VĂN

Nguồn: http://baolamdong.vn/vhnt/201608/mot-canh-cong-cua-tuong-tuong-hay-loi-vao-cua-quy-2725078/