Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 8 tháng 6, 2016

Thư ngỏ gửi bà Tôn Nữ Thị Ninh

 

Thưa bà!

Là một trong nhiều người đặc biệt quan tâm sự kiện cựu Thượng nghị sĩ Mỹ Bob Kerrey vừa được các sáng lập viên Đại học Fulbright Việt Nam tín nhiệm cử giữ chức Chủ tịch HĐQT trường này, lại biết quan điểm của bà kịch liệt phản đối Bob Kerrey giữ cương vị ấy qua phát ngôn của bà trên truyền thông và lá thư ngỏ của bà gửi người dân Việt Nam và những người bạn Mỹ mà Vietnamnet và một vài báo Việt Nam vừa đăng tải, tôi mạo muội có mấy lời cùng bà.

Từng Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại EU, là trí thức được ăn học chu đáo, có thâm niên dài trong ngoại giao và có nhiều bạn bè trong giới chức Mỹ, bà, tôi nghĩ, hoàn toàn có tư cách để bày tỏ quan điểm về việc này.

Còn tôi, chỉ là một cựu chiến binh Sư đoàn 304 Quân đội Nhân dân Việt Nam, từng tham dự Chiến dịch Quảng Trị từ tháng 12-1971 đến tháng 2-1973, chứng kiến rất nhiều đồng đội mười tám, đôi mươi vĩnh viễn không trở về, từng cầm súng chĩa về phía chiến tuyến bên Bob Kerrey. Trước khi nghỉ hưu, tôi là nhà báo. Tôi nghĩ rằng tôi cũng có tư cách để bày tỏ quan điểm về việc này.

Thưa bà, là viên chức ngoại giao lâu năm, lại từng giữ cương vị Đại sứ, chắc bà rõ chẳng kém tôi về vô vàn trở ngại, khó khăn trong quá trình hàn gắn Việt - Mỹ. Nào là ý thức hệ xơ cứng hai phe, nào là khuynh hướng cực đoan ở 2 nước, nào là mặc cảm thua trận nhục nhã, đau đớn mất mát khi hơn 58 nghìn binh sĩ Mỹ tử trận, nào là "mối căm thù sâu sắc quân xâm lược Mỹ đã gieo rắc đau thương tang tóc trên hai miền đất nước ta" - như truyền thông và giáo dục Việt Nam hằng tuyên truyền từ nhiều năm trước, nào là âm mưu bá chủ thế giới của chú Sam – sen đầm quốc tế...

Nhưng tôi chắc chắn một điều rằng, sự từng trải trực tiếp chứng kiến đau thương mất mát của Việt Nam nơi bà không thể bằng nơi tôi. Bà chưa từng có cái cảm giác như tôi, vào một đêm hạ tuần tháng 12-1971, cùng đoàn trinh sát của Sư 304 lội qua thượng nguổn Bến Hải, chuẩn bị lót ổ cho Mùa Hè đỏ lửa, đặt chân lên bờ Nam, đã cúi nhặt một hòn đá lên nghẹn ngào hôn – phút giây xúc động của một con em cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc, trở về "giải phóng" quê hương "đang rên siết dưới gót giày quân xâm lược Mỹ". Mùa Hè 1972 khốc liệt ấy, gần hai mươi nghìn đồng đội tôi vĩnh viễn không về.
Năm 2014, trong một gặp gỡ nhóm trí thức dấn thân ở Đà Lạt, có người hỏi tôi: Anh có từng tham gia cách mạng không? Tôi nói có, đi lính, tham gia Quảng Trị 1972. Hỏi: Anh nghĩ gì về chuyện ấy? Đáp: đó là một kỷ niệm đẹp và oai hùng thời trai trẻ, đã có mặt ở mặt trận khốc liệt nhất; nhưng đó là một kỷ niệm buồn. Hỏi: vì sao buồn? Tôi kể lại câu chuyện 33 năm sau Mùa hè đỏ lửa, tôi tìm về thăm gia đình chị Cúc - anh Hiếu ở Mai Lộc, Cam Lộ, Quảng Trị (cơ sở cách mạng – nơi tổ công tác binh vận F304 chúng tôi trú đóng 1 tuần cuối tháng 4-1972) thấy đời sống gia đình anh chị và bà con lối xóm sa sút đến ngỡ ngàng so với trước khi "được giải phóng". Tôi mặc cảm mình có tội và muốn làm cái gì đó cho Quảng Trị đau thương một thời, vì mình đã góp tay nhuộm đỏ miền Nam, xây đắp nên thể chế mà chóp bu chỉ biết có dối trá, vị kỷ, vô cảm với bất hạnh của nhân dân, với tụt hậu và an nguy của đất nước.

Thưa bà, trong cuộc nói chuyện với khoảng 2.000 sinh viên Hà Nội mới đây tại Mỹ Đình, Tổng thống Obama đã nhắc lại quá khứ khó khăn của hai nước, nhắc lại công lao to lớn hàn gắn Mỹ - Việt của các cựu binh Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam, trong đó có Bob Kerrey. Ông cũng nói, quan hệ đối tác, bạn bè nồng ấm hôm nay giữa hai nước cựu thù là bài học điển hình cho nhân loại về biết lấy yêu thương thay cho thù hận, hướng tới tương lai, vì lợi ích nhân dân hai nước.

Tôi hiểu, bà phản đối Bob vì ông ấy từng gây vụ thảm sát hơn 20 người dân ở Bến tre đêm 25-2-1969. Bà đặt vấn đề: Nước Mỹ không còn ai để làm Chủ tịch HĐQT Đại học Fulbright hay sao?
Thưa bà, chiến tranh bao giờ cũng là điều tồi tệ, là nơi diễn ra nhiều hành động tội lỗi, dù ở phía bên nào. Tôi cũng còn nhớ, rất nhiều người trên khắp thế giới, kể cả nhân dân Mỹ, Thủ tướng quốc gia tư bản chủ nghĩa xa xôi là Thụy Điển cũng rầm rộ xuống đường phản đối giới diều hâu Mỹ, đòi Mỹ rút quân, chấm dứt chiến tranh. Dù vô tình, hay cố ý bởi nguyên nhân bi kịch cụ thể nào đó (trong đó có tình huống đối phương trà trộn trong thường dân, thường dân tiếp tay cho kẻ địch...), việc quân đội Mỹ gây thiệt mạng cho dân thường Việt Nam mãi mãi là tội ác. Suy rộng ra, nước Mỹ (cụ thể là giới chủ chiến Mỹ) đã gây tội ác ở Việt Nam.
Theo bà, Bob đã gây tội ác thì không xứng Chủ tịch Đại học Fulbright Việt Nam (?). Với tư duy ấy, Việt Nam không nên có quan hệ ngoại giao với Mỹ, Nhật, Pháp. Thế giới không còn quốc gia nào để bang giao hay sao? Mà lại "chơi" với ba nước ấy?

Thưa bà, trên truyền thông, Bob đã nhìn nhận trách nhiệm về vụ thảm sát và ông nói điều tồi tệ ấy dằn vặt lương tâm ông suốt phần đời còn lại. Ông tự hứa sẽ làm hết sức để trả món nợ lương tâm ấy bằng giúp đỡ nhân dân Việt Nam mà ông hết sức ngưỡng mộ. Tôi tin, một trong các lý do để ông ngưỡng mộ nhân dân Việt Nam là đức tính vị tha, lòng nhân ái, độ lượng, khoan dung, cao thượng và tế nhị của người Việt Nam (tôi chưa biết các lý do khác). Tạo điều kiện cho Bob trả món nợ lương tâm, cũng là biểu hiện của các đức tính ấy, thưa bà. Nhận định này của tôi trong việc này cũng tương tự của Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng vừa phát biểu với báo giới Việt Nam.

Thưa bà,

Bằng những lời gan ruột trên đây, tôi mạo muội mong bà nghiền ngẫm thêm nữa và không khăng khăng quan điểm cũ. Ngoài thư này, mong bà đọc thêm nhiều ý kiến của giới trẻ, trí thức cao niên khả kính hoan nghênh Bob, ngõ hầu có được quan điểm khách quan hơn.

Trân trọng!

Võ Văn Tạo
Nha Trang, Khánh Hòa