Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 9 tháng 6, 2016

Cửu Long cạn dòng biển Đông dậy sóng (kỳ 10)

Ngô Thế Vinh

CHƯƠNG XIV

CHUYẾN TÀU LỠ TRÊN SÔNG MEKONG VÀ CON CÁ ĐUỐI TRONG TỈNH ĐỒNG THÁP

Peace had returned to this beautiful land

at the expense of its very raison d’ être...

Tim Page

CH 14_ Em Bé Năm Căn

Em Bé Năm Căn

Calypso tượng trưng cho cơ hội lại bị bỏ lỡ bởi giới lãnh đạo Việt Nam do chỉ biết nhìn qua một nhãn quan đường hầm – tunnel vision.

Trong suốt hơn nửa thế kỷ Calypso đã gắn liền với tên tuổi Jacques-Yves Cousteau (JYC), ông không chỉ được biết tới như một nhà thám hiểm biển sâu mà còn là một chiến sĩ bảo vệ môi sinh. JYC chết tháng 6 năm 1997, Calypso thì nằm ụ ở cảng Marseille bỏ mặc cho khí hậu và thời gian tiếp tục làm cho han rỉ. Nhiều người đang vận động đưa Calypso về sông Seine nước ngọt ở Paris để trưng bày như một tượng đài quốc gia trước khi bị hà và muối làm cho thân tàu hoàn toàn ruỗng mục.

Nguyên là sĩ quan Hải Quân Pháp đầy huân chương, JYC đã sáng chế ra bộ máy thở cho người lặn sâu. Sau Thế chiến 2, JYC đã thành công biến cải một tàu vớt mìn của Mỹ thành con tàu Calypso với liên tục những cuộc thám hiểm biển sâu sau đó. JYC cũng tạo ra được Đĩa Lặn như một tàu ngầm tí hon đủ cho hai người có thể xuống sâu hơn 300m và đã lại cống hiến cho thế giới bao nhiêu những hình ảnh đẹp ly kỳ khác. Là người tiên phong thám hiểm các rãnh sâu Địa Trung Hải, những vùng hang động Bahama, thu vào ống kính những hình ảnh từ lòng đại dương như những công viên kỳ ảo dưới đáy biển làm say mê cả thế giới.

JYC còn được nhắc tới với nhiều giai thoại rất ư là Pháp. Theo phóng viên tờ National Geographic thì trước khi khởi hành từ cảng Toulon, Calypso đã chở theo 2 tấn rượu vang đỏ và 20 tấn nước ngọt với kỷ luật của thuyền trưởng áp dụng cho toàn thủy thủ đoàn là “khẩu phần nước ngọt thì hạn chế nhưng với rượu chát thì không!”

Calypso chỉ tiếp tục một truyền thống Gaulois có tự lâu đời. Cách đây hơn 130 năm đoàn thám hiểm Pháp Doudart de Lagrée / Francis Garnier ngược dòng sông Mekong thời hoang dã trước khi khởi hành từ Sài Gòn ngày 05-06-1866 trên một pháo hạm, hành trang lên đường thực phẩm có thể thiếu – sẽ được bổ xung trên đường đi nhưng rượu chát thì không: do đó ban hậu cần đã chu đáo cung cấp cho đoàn chỉ gồm 6 người “700 lít rượu chát và 300 lít rượu mạnh” trong khi đoàn chỉ có mang theo có mỗi một thùng dụng cụ cho mục tiêu khảo sát khoa học.

Ngoài những phim ảnh sống động về sinh cảnh dưới lòng đại dương, về các nguồn động và thực vật chưa bao giờ được biết đến, cuốn sách “The Silent World” là một best seller ngay khi ra mắt với 5 triệu ấn bản bán hết và được dịch ra 22 thứ tiếng.

JYC được Hội National Geographic trao tặng huy chương vàng với lời vinh danh như “người lục địa đã mở cánh cửa vào thế giới thinh lặng của đại dương” và tiếp tục được cơ quan này bảo trợ để thực hiện những cuộc thám hiểm trên Hồng Hải qua đến Ấn Độ Dương sau đó.

Nhưng rồi những tháng ngày đẹp đẽ và trong lành dưới nước không còn nguyên vẹn nữa. Ngay trong vùng biển ấm Địa Trung Hải nước trong xanh như thủy tinh thì nay bắt đầu vẩn đục, đáy biển vốn rất phong phú với các sinh cảnh động và thực vật thì nay bắt đầu dần trơ trụi. Bị báo động, JYC mở ngay những cuộc khảo sát các mẫu nước biển, thu thập và phân tích các chất lắng, ông đi tới kết luận hiển nhiên đây là hậu quả của ô nhiễm kỹ nghệ và tiện dụng gia cư mà người ta không ngừng mỗi ngày trút xuống sông xuống biển. JYC kinh hoàng khi thấy không phải chỉ ở Địa Trung Hải mà bất cứ vùng biển và sông ngòi nào mà con tàu Calypso đi qua như Mỹ Châu, Phi Châu, Á Châu Thái Bình Dương đều cùng một thảm cảnh bị suy thoái môi sinh như vậy. Có lẽ đây cũng là thời điểm mà JYC muốn đưa con tàu Calypso đi khảo sát ngược dòng sông Mekong nhưng ... đã không được nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam cho phép.

“Cousteau voulait remonter le Mekong avec son Calypso, mais les Vietnamiens n’ont pas donné l’autorisation. C’ était une grande perte pour le Vietnam et pour la France”. (Mékong, Après le Dégel, Guido Franco, 1992)

Việt Nam chứ không phải Pháp đã mất đi một cơ hội bằng vàng để bổ sung phần hiểu biết vốn đã quá nghèo nàn về hệ sinh thái con sông Mekong mà cho dù sau này có bao nhiêu tiền đi nữa cũng không bù đắp được sự mất mát chất xám và cả trái tim nồng nhiệt của JYC.

Đang từ một nhà thám hiểm dưới nước JYC nghiễm nhiên trở thành chiến sĩ bảo vệ môi sinh, trên biển trên sông và cả trên đất liền như gắn bó hữu cơ của những sinh cảnh như một toàn thể. Ông đã nhìn ra cốt lõi của vấn đề mà hơn 100 nhà lãnh đạo các quốc gia tham dự Hội Nghị Môi Sinh và Phát Triển ở Rio de Janeiro (1992) không chịu thấy: đó là nạn nhân mãn. Khi mà tài nguyên trái đất chỉ đủ cung ứng một cách hài hòa cho khoảng 2 tỉ người thì dân số thế giới hiện nay đã gần 6 tỉ, trong đó riêng Việt Nam đã gần 80 triệu hai phần ba sống trong thiếu thốn nghèo đói và dự trù con số sẽ còn tăng gấp đôi vào giữa thế kỷ 21 !

JYC chết đi đã để lại một khoảng trống, bởi vì tên tuổi ông đã quá gắn bó với nước – nước của sông ngòi lục địa, nước của đại dương bao phủ ba phần tư diện tích trái đất này, nhưng thông điệp báo động về môi sinh của ông càng thuyết phục hơn bao giờ hết bằng chính vẻ đẹp tinh khiết và sống động cuối cùng mà mọi người đã được thấy để mà yêu mến và nghịch lý là cũng chính họ đang góp phần hủy hoại.

Con Cá Đuối Trong Tỉnh Đồng Tháp. Nguồn gốc tên Đồng Tháp Mười, Plaine des Joncs hay Đồng Cỏ Lát có nhiều giả thiết: hoặc là nơi xây tháp thứ mười của Thiên Hộ Dương kể từ sông Lớn đi vào trong thời kỳ chống Pháp, hoặc do ngôi tháp có mười bậc, nhưng cũng có người bảo rằng đó là ngôi chùa tháp thứ mười của người Khmer.

Đồng Tháp Mười với diện tích ngót một triệu mẫu tây nếu kể cả vùng đất giữa hai con sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây, nơi mà chỉ mới hơn nửa thế kỷ gần đây thôi còn là một vùng hoang dã bát ngát sình lầy, dưới nước đỉa lội như bánh canh, trên trời muỗi bay rợp như đám mây, là nơi mà học giả Nguyễn Hiến Lê khi còn là một cán sự công chánh trẻ mới ra trường đã đi đo đạc “lênh đênh trên khắp các kinh rạch từ Hồng Ngự tới Thủ Thừa, từ Cái Thia lên Mộc Hóa, có khi đi bộ trọn một tuần giữa một vùng bát ngát toàn lau sậy bàng năng, hai ba chục cây số không có một nóc nhà, một bóng người”.

Đồng Tháp Mười ngày nay đã hoàn toàn đổi khác, dân tụ về ngày một đông, các vùng đất hoang kể cả các khu rừng tràm ngày một thu hẹp nhường chỗ cho nhà cửa và ruộng đồng. Khi mà đất chật người đông thì thiên nhiên chẳng còn ưu đãi và cuộc sống cũng không còn dễ dàng như những ngày xưa nữa “những ngày làm chơi ăn thiệt”.

Đồng Tháp Mười cò bay thẳng cánh,

Nước Tháp Mười lóng lánh cá tôm...

Đã qua rồi cái hình ảnh ước lệ của một Nam kỳ Lục Tỉnh thời Phạm Quỳnh báo Nam Phong và thi sĩ Tản Đà Đông Pháp Thời Báo từ ngoài Bắc vào thăm không ngớt lời ca ngợi về đời sống trong Nam dễ dãi vui tươi, với gạo trắng nước trong và tôm cá thì đầy đồng: nay thì chính những người nông dân Nam Bộ hào sảng hiếu khách ấy đang phải đổ mồ hôi sôi nước mắt để kiếm sống, “làm thiệt mà cũng chưa chắc có ăn”.

Theo tin báo Tuổi Trẻ từ trong nước, mười ngày trước Giáng Sinh, ngư phủ Nguyễn Văn Chơn và vợ cư ngụ tại huyện Lấp Vò tỉnh Đồng Tháp đã lưới được một con cá đuối khổng lồ trên sông Tiền, đoạn giữa hai xã Tân Mỹ và Tân Khánh Trung. Con cá đuối có chiều dài hơn 4 mét ngang 2 mét và nặng tới 270 ký.

Cá đuối hay Selachian, tên khoa học là chondrichthyes, thuộc loài cá sụn – cartilaginous fishes gồm các giống cá mập, cá nhám, cá đuối và là cá nước mặn.

Đây cũng là lần đầu tiên ngư dân Đồng Bằng Sông Cửu Long lưới được một con cá nước mặn lớn như vậy rất xa biển và trên một khúc sông nằm sâu trong đất liền .

Anh Chơn gốc nông dân quê ở miệt dưới nhưng lại chẳng có mảnh đất cắm dùi nên chỉ sống qua ngày bằng làm công hay theo vụ đi gặt mướn. Tới tuổi 15 không được đi học, Chơn đã xin theo “tập đoàn” thuê chung ghe bầu lên Đồng Tháp cắt lúa thuê. Chẳng ai bắt nhưng Chơn thì chịu khó chịu cực dầm mưa dãi nắng lội xình cả tháng xa nhà xa người yêu với hy vọng để dành để dụm được chút tiền cưới vợ:

Trời xanh, kinh đỏ, đất xanh

Đỉa bu muỗi cắn làm anh nhớ nàng

Bao giờ cho lúa chín vàng

Cắt rồi anh trở về làng thăm... em!

Chơn đang yêu con bé Bảy hàng xóm, yêu mãnh liệt nên nó muốn đốt giai đoạn về làng không phải thăm mà là ... cưới em!

Đang là trai tơ lại bảnh trai mạnh như trâu nước nên thằng Chơn bị mấy bà chị trong “tập đoàn” chọc ghẹo và cả đòi cưới hoài nhưng Chơn thì vẫn “chuyên tâm bất nhị” với người yêu nên trong bức thư mùi rệu nhờ người ta viết dùm gửi về cho con bé Bảy nó chịu nhất mấy câu:

Cửu Long chín cửa hai dòng

Người thương anh vô số

Nhưng chỉ một lòng với em...

Và cuối cùng thì Chơn cũng đạt được ý nguyện. Hai năm sau cưới được vợ dĩ nhiên phải là con bé Bảy và ngay năm đầu đã có con. Nhưng rồi làm công gặt mướn không đủ sống, hai vợ chồng bàn nhau thu hết gia tài mùng nóp nồi niêu cả mấy con gà con vịt xuống ghe bỏ quê lên Đồng Cỏ Lát tới huyện Tam Nông của “đồng chí Huyện ủy Mười Nhe” tìm miếng đất hoang gần bờ con kinh cắm dùi. Nơi mà cậu Tư Trung nguyên là bộ đội phục viên quê ở mãi tận Chợ Lách Bến Tre tới đây với hai bàn tay trắng vậy mà chỉ có ba năm sau đã có được nhà mái ngói đỏ au và cuộc sống sung túc. Được cậu Tư khuyến khích lại có quyết tâm “xây đời mới”, hai vợ chồng tự tay chặt cây tràm làm cột, cắt lá dừa nước lợp mái làm vách khẩn trương chỉ trong mấy ngày thì dựng xong một cái chòi. Vợ anh ở nhà trông con nhỏ và nuôi mấy con gà con vịt. Anh Chơn thì làm ruộng, chẳng có trâu bò chỉ dùng phảng phạt cỏ xong dùng cây trấn lỗ gieo lúa. Nhờ đất nhờ trời mỗi công cũng được năm bảy giạ lúa tạm đủ gạo ăn quanh năm. Nhưng chủ yếu anh Chơn sống bằng nghề cào cá. Anh có tay đánh cá và cũng đã được ngót 10 năm. Ban đầu nghề cào cá không những có ăn mà còn rất khấm khá tới mức vợ chồng có đủ tiền cất nhà vách gỗ mái tôn, trong nhà lại có thêm cả giường tủ và chiếc “razô” để bắt đài cải lương mê nhất là giọng ca Út Bạch Lan mùi rệu mỗi cuối tuần. Cứ thế mà vợ anh đẻ đều năm một. Anh Chơn thì rất ham con, càng đông càng vui. Vả lại trời sanh thì trời dưỡng, anh Chơn tin là như vậy. Anh xuất thân nhà nghèo lại không được đi học mà có sao đâu, vẫn có được vợ đẹp con khôn.

Nghĩ thì như vậy nhưng rồi vận may đâu có kéo dài mãi được. Không biết vì sao những năm về sau này anh thấy mình “xui tận mạng”, lúa trồng thì thất thu vì nạn chuột sâu rầy và ốc bươu vàng, các mẻ lưới cá càng ngày càng ít đi nên anh không còn hào sảng được như trước là chỉ giữ lại cá lớn và phóng sinh cho lũ cá con. Bây giờ thì vợ chồng anh Chơn bắt tuốt luốt cá lớn cá bé không tha một con nào, vậy mà vẫn không đủ sống và miệng ăn trong nhà thì cứ tăng.

Đã thế con bé Bảy vợ anh lại quá ư hấp dẫn, khi còn con gái thì cứ như trái soài tượng xanh đến khi có con rồi thì lại ngọt ngào như trái soài cát thì bảo sao anh không mê vợ cho được. Vợ anh mắn đẻ lại đẻ cho anh toàn những đứa con đẹp “giống thằng bố nó như hệch” nên cực thì có cực nhưng anh đâu có chi để mà than van.

Có lẽ qua gia đình anh Chơn như một điển hình nên ông Khắc người có biệt danh nhà báo của các nhà báo khi được đài RFA phỏng vấn cuối năm đã phát biểu: “Theo tôi sự kiện quan trọng nhất năm 1999 của Việt Nam là người ta đang chờ đợi đứa trẻ thứ 80 triệu chào đời”. Rồi vẫn bằng một giọng điềm tĩnh không trách cứ, ông Khắc tiếp: “...Như vậy kể từ nay những ai nghĩ, nói, viết về Việt Nam về bất cứ khía cạnh gì kinh tế, giáo dục, môi sinh, muốn đưa đất nước ra khỏi tình trạng lạc hậu thì đừng quên rằng chỉ mấy ngày nữa thôi dân số Việt Nam đã vượt trên 80 triệu miệng ăn và dự kiến sẽ hơn 100 triệu năm 2010. Các con số này tự nó đã nói lên rất nhiều về đủ mọi mặt”.

Ông Khắc cũng hiểu rằng con số 80 triệu lẽ ra đã thuộc về một quá khứ khá xa nếu không có hàng hàng lớp lớp người đã chết vì bom đạn chiến tranh và cả hàng triệu thai nhi bất kể thai kỳ bị giết một cách liên tục và hợp pháp trong khắp các bệnh viện phụ sản trên toàn quốc. Và rồi ông Khắc cũng tự hỏi không biết có bao nhiêu đứa trẻ chào đời hụt ấy hàng ngày được cô y sĩ con dâu ông Tướng Hồi Hưu của Nguyễn Huy Thiệp bỏ vào phích đem về nhà làm thức ăn nuôi bầy chó béc-giê đem bán thịt...

Mặc chuyện thế sự ra sao, tới đâu thì tới anh Chơn vẫn quyết tâm bảo vệ quan điểm cho “con vợ đẻ hết trứng mới thôi” và như vậy có nhiều hy vọng đứa con áp út của vợ chồng anh sẽ là đứa trẻ thứ 80 triệu và sau đó anh còn muốn thêm có một đứa nữa để chào mừng năm 2000.

Giữa vận xui, đang lúc năm cùng tháng tận, lại sắp tới ngày vợ sanh đứa con thứ chín thì đúng lúc anh Chơn được tổ đãi. Anh thuật lại là khi chiếc ghe cào đang chạy từ từ thì bỗng nhiên bị khựng lại. Sợ vướng cây khô rách lưới anh cẩn thận thu lưới lên thì thấy nặng trĩu và khi tới gần mặt nước anh nửa mừng nửa sợ khi thấy một con cá đuối khổng lồ bóng nhẫy nằm chật cả chiếc lưới. Anh Chơn phải với gọi thêm ba người nữa phụ kéo mới đưa được con cá vô bến. Vì cá mẹ sắp đẻ ít quẫy chứ không thì cũng đã phá tung lưới mà thoát ra. Tới bến mà cá đuối còn đẻ thêm được 5 cá con, mỗi con nặng hơn 2 ký. Cho sẻ thịt bán ngay tại bến số tiền thu được lên tới ngót 2 triệu đồng tính ra khoảng 140 đôla như món quà Giáng Sinh mà cả hai vợ chồng anh đã không thể nào ngờ tới. Nhưng “Có biết đâu niềm vui đã nằm trong thiên tai”như lời thơ Nguyễn Đình Toàn, bởi vì khi mà nước sông Cửu Long xuống mức thấp nhất so với 73 năm trở lại đây và có nơi mực nước sông chưa được hai thước gây sạt lở hai bên bờ làm thiệt hại nhà cửa và cả nhân mạng. Nhiều chuyên gia Việt Nam ở ngoại quốc và cả trong nước đã lên tiếng báo động về hiểm họa hạn hán với sông Cửu Long có thể cạn dòng do các công trình xây đập ngăn nước của các quốc gia thượng nguồn Thái Lào và nhất là chuỗi tám con đập bậc thềm khổng lồ Vân Nam Trung Hoa mà lâu nay chánh quyền Hà Nội vẫn không hề lên tiếng phản đối... Và khi một con cá đuối nước mặn lớn như vậy có thể vào tới Đồng Tháp thì đó là báo hiệu nạn ngập mặn_ salt intrusion đã vào rất sâu trong vùng châu thổ, nơi vốn là đất của “sữa và mật ngọt” hay đúng hơn vùng đất của “phù sa, lúa gạo, cây trái và tôm cá đầy đồng...”

Thủy triều hai đợt trên Đồng Bằng Sông Cửu Long. Khác với Châu Thổ Sông Hồng, Đồng Bằng Sông Cửu Long do gần xích đạo chịu ảnh hưởng sức hút của cả mặt trăng lẫn mặt trời nên đã có hai đợt thủy triều trong một ngày. Cuộc sống của người dân đồng bằng Nam Bộ đã chuyển động nhịp nhàng với 60 nhịp tim đập trong tháng của hai con Sông Tiền Sông Hậu và toàn hệ thống kinh rạch như mạch sống của Miền Nam.

Bắt đầu là một đợt nước lớn khi trăng mọc. Vào ngày rằm, trăng mọc lúc sáu giờ chiều thì nước cũng bắt đầu lớn từ giờ đó, ngọn triều cao nhất hay nước đầy khoảng sáu giờ sau tức vào nửa đêm rồi bắt đầu rút xuống hay nước ròng, nước xuống thấp nhất hay ròng sát khoảng sáu giờ sáng để rồi bắt đầu đợt thùy triều thứ hai tương tự như vậy nhưng do ảnh hưởng sức hút của mặt trời.

Và người ta cứ tính theo con nước lên xuống ngày hai lần ấy mà xuôi dòng. Chu kỳ hai đợt thủy triều không thay đổi trong cả hai mùa khô và lũ, chỉ có khác vào mùa lũ, thủy triều chỉ lên tới Cần Thơ và mùa nắng thì lên tới tận Nam Vang nghĩa là vào sâu tới hơn 300km tính từ cửa sông nước lợ. Tuy có thủy triều nhưng do dòng chảy mạnh trung bình 40 ngàn m3/giây trong mùa lũ và 2 ngàn m3/giây mùa khô nên đã giảm thiểu được nạn nhiễm mặn lấn sâu vào trong vùng châu thổ.

Căn nhà nổi trên Đồng Bằng Sông Cửu Long. Lâm vào cảnh đất chật người đông người ta tìm cách nới rộng khu gia cư ngay cả trên mặt nước. Do đó mà Điền khi còn theo học ở trường Kiến Trúc San Luis Obispo đã nghĩ tới thiết kế một căn nhà mẫu cho nông dân đồng bằng Nam Bộ. Đó là kiểu nhà nổi giống như nhà sàn nhưng có thể đứng vững trong mùa khô và nổi theo con nước trong mùa lũ, ở mức sâu trên 3 mét. Nhà gồm một hệ thống móng nổi sử dụng xi măng lưới thép làm phao nổi gồm các xoang không thông nhau như yếu tố kỹ thuật chống chìm trong trường hợp thành phao bị lủng; riêng thân nhà và mái thì được lắp ráp bằng các vật liệu nhẹ với vách tiền chế làm bằng sơ dừa trộn đất sét và hóa chất có đặc tính không thấm nước, chịu được khí hậu khô ẩm nơi đất phèn. Kết quả thử nghiệm qua hai mùa lũ hạn, cho thấy căn nhà mẫu vẫn luôn đứng vững, cân bằng lên xuống theo con nước và qua nhiều cơn giông lốc vẫn không bị xô lệch.

Một căn nhà khang trang như vậy có diện tích trên 160m2 có thể làm trạm y tế hay cơ quan. Nông dân khá giả có thể đặt mua loại nhà này. Với những gia đình lợi tức trung bình, có loại nhà nhỏ hơn cho họ giá thành khoảng 25 triệu tương đương với 1500 đôla; họ có thể được “Ngân Hàng Nhà Nổi”cho vay với tiền lời nhẹ.

Đã có kế hoạch xây dựng những cụm dân cư từ 40 tới 50 gia đình chọn sống trên vùng nước sâu. Dĩ nhiên sẽ có tiện nghi tối thiểu về điện nước. Nước sạch sẽ do Phân Khoa Khoa Học Tự Nhiên của Viện Đại Học Cần Thơ đảm trách. Điện sẽ do Phân Khoa Điện của Đại Học Bách khoa Sài Gòn thực hiện với tận dụng nguồn năng lượng mặt trời, năng lượng gió để giảm thiểu nhu cầu nhiên liệu cho máy nhiệt điện.

Đây sẽ là “quần thể những cụm nhà nổi” đầy ánh sáng của người nông dân Nam Bộ để họ có thể an cư lạc nghiệp sống hài hòa với mỗi ngày hai đợt thủy triều lên xuống và hai mùa khô lũ trong năm của con sông Mekong.

Từ vệ tinh nhìn xuống, cho dù ĐBSCL có rải rác những thị trấn nhưng cảnh quan chủ yếu vẫn là những cánh đồng lúa màu sắc biến thiên theo mùa và trải dài trên một mặt phẳng của đất và nước. Khu gia cư và vườn cây trái dọc theo các con sông và kinh rạch bốn mùa chỉ là một màu xám thẫm. Nhưng rồi ra từ những năm sau 2000, nếu có dịp nhìn vào các bức hình mới chụp từ vệ tinh thì ĐBSCL sẽ có thêm những chấm sáng của các quần thể gia cư, đó là những cụm nhà nổi đầy ánh sáng mà Điền đã có một phần công sức góp vào.

Trong niềm vui thành tựu Điền vẫn không tránh được mối băn khoăn là khi chuỗi các con đập bậc thềm Vân Nam làm xong với hứa hẹn mà thực ra là đe dọa không còn lũ nữa thì những căn nhà nổi ấy sẽ ra sao? Khi mà “Thượng nguồn tích thủy hạ nguồn khan” thì tương lai hoàn toàn không nằm trong tầm tay của kiến trúc sư xây dựng và cả những nông dân vùng đồng bằng châu thổ.

Nhưng Điền thì vẫn cố lý luận lạc quan với sự kiện mới đây khi con cá voi từ vịnh San Francisco bơi ngược dòng vào sông Sacramento ở bắc California và không chịu trở ra biển mặn và nay là con cá đuối của anh Chơn đã bất ngờ nương theo con nước đầy mà vào sâu trong vùng châu thổ chứ không phải sông Cửu Long đã trở thành một sinh cảnh nước mặn. Bởi vì nếu như vậy sẽ là một Thảm họa Môi sinh – Ecological Disaster cho quê anh.

GSW on Mekong Delta – Vết Thương Đạn trên ĐBSCL. Trong chiến tranh Việt Nam, Đồng Bằng Sông Cửu Long là một trong những vùng rối rắm nhất. Chỉ cách Sài Gòn khoảng 50km về hướng nam, thuộc Vùng 4 Chiến Thuật gồm 92 quận lỵ thuộc 16 tỉnh nằm rải rác trên một địa hình phẳng lì với những sông rạch chằng chịt như mạng nhện nối kết bởi hai con sông lớn là Sông Tiền và Sông Hậu, có diện tích lớn hơn Vùng Đất Thấp – Pays-Bas Hòa Lan, với dân số hơn 6 triệu và cũng là cái nôi của rất nhiều tôn giáo với các Ông Đạo rất đặc thù của vùng châu thổ.

Chỉ mới ngày nào tưởng như mới hôm qua khi Dave Deluca thuộc thành phố Deerborn bang Michigan lúc đó 18 tuổi mới xong trung học chưa có cả người yêu bị gọi nhập ngũ đưa qua Việt Nam, bị ném ngay xuống vùng châu thổ sình lầy giữa lúc cuộc chiến đang ở thời kỳ khốc liệt nhất.

Như một Guernica sậm mầu, cảnh tượng Dave không bao giờ quên ở những ngày đầu tiên ấy. Cây cành thì trụi lá vì thuốc khai quang màu Da Cam và từ máy bay nhìn xuống chỉ thấy lỗ chỗ những hố bom B52 hay hố đạn trọng pháo.

Cũng rất sớm Dave cảm nhận ngay được rằng trong cuộc chiến tranh ấy, ngày đêm đối đầu với địch quân không phải những ông Tướng cổ đeo sao ở Sài Gòn mà là những người lính dân vệ áo đen với cây súng carbin cũ lẽ ra đã phế thải, ngày canh nơi đầu cầu tối rút vào trong những tiền đồn bị vây hãm trong những vòng kẽm gai và đó cũng là mái ấm của gia đình họ.

Dave đã chia xẻ bằng tuổi trẻ và cả máu thịt của anh với những người lính bị bỏ quên ấy. Anh đã đi vào lửa đạn với không một ngày kinh nghiệm chiến trường. Là xạ thủ súng máy thuộc Đoàn Giang Hạm Lưu Động Flottilla Mekong Delta, với nhiệm vụ thật hiểm nguy vì bất cứ lúc nào con tàu cũng có thể bị “lọt lưới VC” và là mục tiêu cho các dàn hỏa tiễn và B40 rất hữu hiệu để xuyên phá bất cứ thân tàu nào. Không kể những cuộc hành quân phối hợp với các đơn vị cọp biển Việt Nam đột kích vào các mật khu của Việt Cộng, nhiệm vụ chính của Dave và giang đoàn Flottilla là tuần thám ngày đêm trên khắp ngả sông rạch để phát hiện và ngăn chặn bọn “Victor Charlie” di chuyển thêm người và vũ khí vào các thành phố. Phải là đáy biển mò kim để tìm ra mấy tên VC lẫn trong hàng trăm ngàn con thuyền ngày đêm qua lại ấy cho dù đoàn được trang bị súng ống và các dụng cụ điện tử tối tân nhất kể cả những kính viễn vọng Starlight Scopes với tia hồng ngoại có thể phát hiện mục tiêu thuyền bè địch qua lại giữa ban đêm với độ khuếch đại 50 ngàn lần lớn hơn.

Rồi cũng rất sớm Dave học được từ những người bạn GI’s tới trước “có thể yên tâm đó là VC khi là một người Việt Nam đã chết rồi”. Quy luật ấy đã giúp Dave tạm giữ được tâm hồn yên ổn. Tuổi trẻ còn trong trắng Dave chỉ nghĩ tốt mong làm điều tốt nhưng mỗi lần bước xuống những chiếc ghe để khám xét anh chỉ bắt gặp những khuôn mặt kinh hoảng như chính anh là tai họa hay nguồn gốc mang tai họa tới. Điều này đã khiến Dave vô cùng hoang mang và anh không thể không tự hỏi về ý nghĩa cuộc chiến tranh mà anh đang dấn thân vào. Rồi cái ngày không tránh được – the inevitable day cũng phải đến, ngày mà Dave đã phải đổ máu và bàn tay anh cũng vấy máu.

Đó là một một buổi chiều phẳng lặng trên một địa hình cũng phẳng lì. Gặp một chiếc ghe tam bản trên một con kinh chảy vào sông Tiền trong tỉnh Đồng Tháp. Ra tín hiệu và cả phát thanh cho chiếc ghe dừng lại. Chiếc giang hạm của Dave chạy nhanh trên con kinh tạo nên những đợt sóng nâu lớn khiến chiếc ghe nhỏ tròng trành như muốn chìm. Bước xuống con thuyền Dave chỉ thấy có mỗi một người đàn bà không rõ tuổi ẵm trong tay một đứa bé gầy tí teo như một con khỉ con. Qua thông ngôn Dave hiểu rằng người đàn bà đang van cầu “Xin cứu con tôi – please save my baby”. Với thuốc men trong túi cứu thương, Dave và viên y tá đã cố làm tất cả những gì có thể làm để cứu đứa bé nhưng rồi cũng phải bỏ mặc cho người đàn bà và đứa con nhỏ trên sông nước sau đó để con tàu tiếp tục nhiệm vụ tuần thám.

Nhưng cũng bất hạnh là ngay sau đó Dave bị phục kích bắn sẻ, dĩ nhiên trong đêm đen hôm ấy đã không còn chiếc ghe nào không là mục tiêu cho con tàu Flottilla trút hỏa lực để trả đũa. Dave bị thương nặng nhưng may mắn sống sót bằng cuộc mổ lâu 6 tiếng đồng hồ trong một bệnh viện dã chiến với khúc ruột dài bị cắt và một trái thận vỡ nát. Và cho đến bây giờ Dave vẫn nghĩ rằng cả chiếc ghe tam bản với người đàn bà không rõ tuổi và đứa con nhỏ như con khỉ con ấy vừa được anh chăm sóc cũng không thoát được cuộc phản phục kích rất hiệu quả trong đêm hôm đó.

Được giải ngũ, Dave chọn trở lại Việt Nam trở lại thăm Đồng Bằng Châu Thổ Cửu Long và trạm dừng chân lâu dài của Dave là Cồn Phụng Mỹ Tho nơi anh gặp được Ông Đạo Dừa.

Ông Đạo Dừa trên đồng bằng sông Cửu Long. Cùng với bước chân đi về phương Nam của những lưu dân, người ta nói tới sự ra đời của những Ông Đạo, là những con người có điều gì đó khác thường trong diện mạo, cách sống hay lề lối suy nghĩ nhưng cũng xuất thân từ giới bình dân. Ở cái thuở hỗn mang ban sơ ấy thì mỗi Ông Đạo là sự pha trộn một chút tín ngưỡng với rất nhiều mê tín dị đoan. Khi mà sự hiểu biết đã không lý giải được mọi tai ương, thì lòng tin vào thần linh ma quỷ và cả những lời tiên tri vu vơ ít ra cũng có tác dụng nếu không trấn an thì cũng an ủi họ... Trong “Thần, Người và Đất Việt” Tạ Chí Đại Trường cho rằng: “... mỗi Ông Đạo là một giáo chủ còn trong trứng nước hoặc mới manh nha về phương diện tập họp quần chúng... hình ảnh bản thân Ông Đạo có khi lớn hơn thực chỉ vì tín đồ mang ý thức chung bàng bạc của thời đại đắp lên người ông”. Nói một cách khác Ông Đạo đôi khi chỉ là một cái cớ như một phóng ảnh kết tụ niềm ước mơ của quần chúng.

Cho tới giữa thế kỷ 20 của ánh sáng khoa học văn minh, các Ông Đạo vân còn là hình ảnh thu hút, nhưng tính chất nặng về thần linh và dị đoan bớt đi, chỉ còn lại màu sắc tôn giáo pha trộn đạo và đời đôi khi có xen lẫn cả ý hướng chánh trị nữa.

Ông Đạo Dừa chính là điển hình cho thế hệ Ông Đạo mới ấy khi đám lưu lưu dân đã tới chặng cuối của bước đường Nam Tiến. Tục danh Nguyễn Thành Nam sanh đẻ ở xứ dừa Kiến Hòa, tốt nghiệp kỹ sư hóa học ở Pháp trở về Việt Nam từ bỏ con đường công danh chọn đời tu hành khổ hạnh. Giữa vang rền bom đạn ông chống lại chiến tranh và đã thu hút được một số tín đồ áo nâu đông đảo và được mọi người biết tới với tên Ông Đạo Dừa do ông chỉ sống bằng nước dừa và dựng cốc tu trên ngọn một cây dừa.

Năm 1963 ông lập đền nổi trên một chiếc xà-lan lớn trên sông Mekong nơi Cồn Phụng với hình tượng hai miền Nam Bắc thống nhất không còn bị con sông Bến Hải ngăn đôi và hai tôn giáo lớn Phật và Chúa thì hòa đồng.

“Con thuyền Bát nhã – Prajnâ” của Ông Đạo Dừa tuy không lớn như con Tàu Bà theo trí tưởng tượng của Ông Đạo Nổi với mũi tàu ở Nam Vang mà lái thì ở mãi tận Vĩnh Long nhưng cũng đã một thời là biểu tượng của con tàu cứu rỗi mang sắc thái cargocult giống như niềm tin tôn giáo của các sắc dân hải đảo Melanesian Nam Thái Bình Dương.

Ông Đạo Dừa người nhỏ thó ốm nhom lưng khòm nhưng trí huệ thì vô cùng minh mẫn, trước bụng ông lúc nào cũng mang một chiếc chìa khóa thật lớn như biểu tượng cho một giải pháp hòa bình. Mỗi ngày ba lần Ông Đạo Dừa leo lên đài tháp cao chót vót vọng nhìn ra khắp bốn phương tám hướng để tụng niệm cầu cho quốc thái dân an.

Cho dù cuộc chiến tranh kinh hoàng đã lan tràn khắp nơi thì Cồn Phụng trên sông Mekong giữa khoảng Mỹ Tho và Bến Tre vẫn là một Ốc đảo Hòa bình, một Oriental Disneyland, nơi có những nụ cười của trẻ thơ, không có súng đạn không có giới nghiêm nhưng hòa lẫn với tiếng kinh cầu vẫn là những tiếng nổ chát chúa của đạn bom từ xa vọng về. Bởi vì chỉ cách đó chưa đầy nửa cây số hai bên bờ sông Mekong vẫn là thảm cảnh của chiến tranh chết chóc. Thị xã Bến Tre trong Tết Mậu Thân bị tàn phá không chỉ bởi bọn VC mà còn bởi chính người Mỹ với chiến thuật được mệnh danh là “We destroyed to save!” Như đứng bên tháp Babel, đã có bao nhiêu tên gọi cho khu ốc đảo hòa bình ấy. Đám cố vấn Mỹ thì gọi đó là VC R&R Centre – Trung Tâm Giải trí và An dưỡng của Việt Cộng, chánh quyền Sài Gòn thì bỉ thử gọi đó là “Ổ trốn quân dịch” vì trong số tín đồ có những thanh niên để râu tóc từ chối nhập ngũ cầm súng và Việt Cộng thì cũng coi đó là “Hang ổ CIA” vì có hiện diện cả mấy người Mỹ phản chiến. Rõ ràng là không có chốn dung thân cho những người đứng giữa, chọn đứng ngoài cuộc nội chiến lúc ấy, họ nếu không bị hành hạ như những lao công đào binh trong các trại trừng giới ở Thất Sơn thì cũng vẫn bị ném vào lò lửa của cuộc chiến tranh không có ngõ thoát.

Trong số những người Mỹ đệ tử của Ông Đạo Dừa có Dave Deluca. Dave cũng mặc áo nâu sòng đi chân đất khắc khổ tu hành với niềm ăn năn về những tội lỗi mà anh cho rằng mình đã phạm phải khi anh là xạ thủ đại liên trên đoàn giang hạm Flottilla. Và như mọi người Mỹ dân sự khác có mặt nơi đây, Dave cũng không tránh được cái mũ CIA mà người ta chụp lên đầu anh.

Phải chứng kiến cảnh tàn phá khủng khiếp của cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân, vẫn với niềm tin vào sứ mạng hòa bình “bất chiến tự nhiên tự nhiên thành”, trong một nỗ lực tuyệt vọng, Ông Đạo Dừa viết thỉnh nguyện thư xin chánh phủ Sài Gòn cho phép ông và phái đoàn bay ra Hà Nội để dàn xếp một Hòa hội cho Việt Nam với cam kết nếu thất bại ông sẽ tự nguyện vào giữa vùng chiến để hứng chịu bom đạn của cả hai bên. Nhưng yêu cầu của Ông Đạo Dừa đã bị Nội các Chiến tranh của ông Kỳ quyết liệt khước từ.

Rồi cái ngày phải đến đã đến, người Mỹ tháo chạy, miền Nam xụp đổ, Dave bị cưỡng bách di tản về Mỹ trước đó.

Mãi đến năm 84, như một trường hợp nghị lực thật hiếm hoi trong số các cựu chiến binh Mỹ trở về từ Việt Nam, thay vì sống như những người bệnh tâm thần hút sách nghiện ngập, Dave tốt nghiệp đại học Berkely với văn bằng tiến sĩ sử Đông Nam Á. Với bao nhiêu hứng khởi và hy vọng, Dave nao nức trở lại thăm Việt Nam mà anh nghĩ là một xứ sở đẹp đẽ hơn vì nay đã có hòa bình, anh trở lại thăm Cồn Phụng “Island of the Coconut Monk” mong gặp lại người thầy cũ đã cứu rỗi anh nhưng tất cả chỉ còn là một nơi hoang vắng. Không còn Ông Đạo Dừa và cả vắng bóng“Con Thuyền Bát Nhã”. Dọ hỏi Dave được biết là sau ngày giải phóng chính quyền mới đã lùng bắt ngay Ông Đạo Dừa giam cho đến chết trong khám đường tỉnh Cần Thơ. Riêng “Con Thuyền Bát Nhã” thay vì “Qua Bến Giác” thì đã bị chánh quyền địa phương đĩ điếm hóa – prostitution cho “Kéo Về Bến Mê” đưa về tỉnh lỵ Bến Tre để được biến cải thành “Nhà Hàng Ăn Nổi” của Công Ty Du Lịch thành phố, nơi tổ chức đám cưới liên hoan họp mặt và cả khiêu vũ hát nhạc Karaoke mỗi tối.

Từ trên bờ, một nhánh của con sông Mekong – nơi mà Dave đã dâng hiến cả tuổi trẻ sự hồn nhiên, nơi đã biến anh thành một con người hoàn toàn khác, qua màng lệ, Dave nhìn một lần cuối “Con Thuyền Bát Nhã – Nhà Hàng Ăn Uống” chăng đèn kết hoa sáng chưng và cả chói chang tiếng nhạc, với Dave từ nay Việt Nam anh chào vĩnh biệt !

Đêm đó trong một căn phòng trên lầu khách sạn Hướng Dương trên đường Trưng Trắc nhìn xuống sông Mỹ Tho một nhánh của con Sông Tiền, trong một thoáng flashback Dave lại thấy hiện rõ vẻ mặt sầu thảm của “người đàn bà không rõ tuổi ẵm trong tay một đứa bé gầy tí teo như một con khỉ con, nói với anh lời van cầu xin cứu con tôi”...và rồi cứ như một khúc phim diễn lại với đủ mọi chi tiết về tấn thảm kịch trên con tàu Flottilla đêm hôm đó. Không sao ngủ được, Dave ngồi trơ trọi một mình, uống những ly rượu đắng ngắt trong một đêm dài nhất của một đời người.

Trên trang nhật ký của Dave đêm cuối cùng trước khi rời Việt Nam chỉ vỏn vẹn một dòng chữ: “Peace had returned to this beautiful land at the expense of its very raison d’être... Hòa bình đã trở lại trên xứ sở đẹp đẽ này nhưng trả giá bằng chính lý do hiện hữu của nó. ”