Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 14 tháng 5, 2016

Bi kịch của chữ (tiểu thuyết tự truyện)

Nguyễn Việt Chiến

LTS (Báo Đời sống & Pháp luật)

Đi qua những thăng trầm số phận để chứng nghiệm bi kịch của chữ, nhà thơ-nhà báo Nguyễn Việt Chiến là một người “đề danh” vào đời sống báo chí và văn học nước nhà theo cách riêng và khá đặc biệt.

Ở lĩnh vực báo chí, trước khi dừng chân ở báo Đời sống & Pháp luật, anh là một cây bút phóng sự điều tra nổi tiếng suốt hơn 20 năm của báo Thanh Niên. Những bài điều tra chống tiêu cực chấn động của Nguyễn Việt Chiến trên báo Thanh Niên đã làm nên tên tuổi của một nhà báo “dấn thân” thời đổi mới, nhưng cũng đã từng khiến anh vướng vào một tình huống có thể coi như “tai nạn nghề nghiệp” hi hữu và thu hút sự chú ý của dư luận suốt một thời gian dài.

Ở lĩnh vực thi ca, vốn là một nhà thơ trữ tình ngọt ngào, sau một chặng rẽ ngắn trong cuộc đời - hệ lụỵ của “tai nạn nghề nghiệp” nói trên - Nguyễn Việt Chiến đã trở lại trong tâm thế của một nhà thơ yêu nước với khuynh hướng sử thi, bi hùng mà bài thơ nổi tiếng Tổ quốc nhìn từ biển là một tác phẩm tiêu biểu.

Những ngày tháng 4/2016 này, trước khi đi thực tế sáng tác ở Trường Sa theo lời mời của quân chủng Hải quân, Nguyễn Việt Chiến vừa gửi cho báo Đời sống & Pháp luật những chương đầu tiên của cuốn tiểu thuyết tự truyện có tựa đề Bi kịch của chữ.

Bắt đầu từ số nà, Đời sống & Pháp luật sẽ khởi đăng dài kỳ tác phẩm thuộc thể loại văn học tự sự, viết bằng văn xuôi trong đó những chi tiết đời thực đan xen với sự hư cấu đậm chất tiểu thuyết văn học của một người từng trải qua những năm chiến tranh khốc liệt với vai trò của người lính, sau đó là những năm viết văn, làm báo với sự thăng trầm của một nhà báo viết phóng sự điều tra liên quan đến những vụ án lớn.

Bản quyền tác phẩm Bi kịch của chữ thuộc về nhà văn Nguyễn Việt Chiến, mọi sao chép về tiểu thuyết tự truyện này (nếu có) trên các tờ báo, các trang mạng, các báo điện tử... đều phải được sự đồng ý của tác giả, nếu tác giả không cho phép, đề nghị các báo không được sử dụng vì sẽ vi phạm bản quyền cuốn tiểu thuyết tự truyện này.


***

KỲ 1: CÂU CHUYỆN VỚI TƯỚNG PHẠM XUÂN QUẮC VÀ LỜI NÓI ĐẦU CỦA TÁC GIẢ

(ĐSPL) Vào một trưa cuối năm 2012, tôi và một số nhà báo về thăm Tướng Phạm Xuân Quắc- người hùng khét tiếng một thời từng vào Nam ra Bắc truy quét các băng nhóm xã hội đen lớn nhất đất nước cách đây hơn chục năm về trước.
Sau vụ án “hậu PMU18” xảy ra vào năm 2008 liên quan đến Tướng Quắc và một số nhà báo, trong đó có tôi, giờ đây dư luận đã yên ắng trở lại. Năm tháng và thời gian dường như đã làm xong cái chức năng hàn gắn và làm se lại vết thương nơi hồn người.
Sau thời gian hoạn nạn ấy, tôi trở về công tác ở báo Thanh Niên và lại ngập đầu trong công việc thường nhật của báo chí, văn chương. Còn Tướng Quắc thì về quê ở ẩn tại Thanh Hà, Hải Dương, quanh quẩn với cháu con và vườn tược.
Tuy từ Hà Nội tới Hải Dương chỉ cách nhau có một thôi đường dăm giờ xe chạy, nhưng cũng phải mất tới bốn năm... tôi mới đi hết quãng đường ấy để tới gặp ông. Vẫn biết là ông đã gửi lời trách cứ qua bạn bè: “Thằng Việt Chiến từ vài năm nay hẹn về thăm mình mấy lần mà lần nào cũng lỡ hẹn...”.
Hôm ấy, qua liên lạc điện thoại, biết chúng tôi đang chạy xe từ Hà Nội về chơi, Tướng Quắc ngồi chờ đợi cả buổi sáng trên thềm nhà, hướng mặt ra cổng ngóng bạn. Ông rải chiếu sẵn trên hè, pha chè chờ khách.
Vẫn cái vóc dáng cao to, lực lưỡng của một “lão nông chi điền” đeo hàm cấp tướng, ông Quắc luôn là một ấn tượng đẹp trong nhiều ông tướng thời nay. Ngôi làng nơi ông sinh ra và lớn lên có lẽ là một trong những ngôi làng đẹp và sạch nhất của xứ Thanh Hà, Hải Dương. Trong màu xanh mát lành của thôn dã, vẻ yên bình thanh khiết nơi quê kiểng đã làm hồn người trở nên thư thái và tĩnh tại lạ thường.
Khi chúng tôi xuống xe, tiếng cười ấm áp rước chúng tôi vào nhà. Buổi trưa hôm ấy, mới thật tay bắt, mặt mừng trong vòng tay bè bạn ấm áp. Cuộc đời mới thật thú vị làm sao khi chúng tôi bỏ lại sau lưng mọi nỗi niềm thế sự trước đó để được vui vẻ bên nhau trọn buổi. Chẳng ai bảo ai trong ngày gặp lại, tôi và tướng Quắc hôm ấy dường như rất ít khi gợi lại quá khứ và cũng không muốn khơi lại nỗi đau đã qua.
Bốn năm mới gặp lại nhau, bạn bè một thuở hoạn nạn, cay đắng có biết bao điều muốn nói, nhưng không hiểu vì sao hôm ấy, chúng tôi cười cợt nhiều hơn tư lự, u ẩn và vui vẻ, hồn nhiên nhiều hơn là đăm chiêu, trăn trở. Mấy nhà báo đi cùng hôm ấy, chắc cũng không hiểu vì sao tôi và Tướng Quắc lại cười nhiều đến thế, có lẽ đấy là niềm vui của ngày gặp mặt.
Sau đó, trong lúc mọi người chuyện trò, tôi lặng lẽ ngắm ông, ngắm cái thần sắc ngày nào của một vị tướng cầm quân đánh Nam, dẹp Bắc rồi bị lâm nạn vào cuối đời. Cũng vẫn như thế, thần thái chẳng có gì khác xưa là mấy. Nếu có khác, đấy là vẻ yên bình thanh thản sau một thời trận mạc dữ dội còn đọng lại trên gương mặt ông. Chỉ có mái tóc bạc đến lạ lùng mang phong cách riêng của ông. Nó cứ phất dựng lên như những ngọn lau bạc xóa, heo hút nơi đầu nguồn sông dữ, nơi con người phải đối mặt với thiên nhiên hiểm trở và hoang dại. Tôi thích những ngọn lau ấy, những ngọn lau đã cùng Đinh Bộ Lĩnh phất cờ dựng nên một triều đại huy hoàng cách đây cả ngàn năm...
Dẫn chúng tôi ra thăm gần chục sào vườn trồng vải, trồng nhãn, đào ao thả cá của gia đình, Tướng Quắc cho biết: Tuy hàng ngày ở cùng con cháu ở thành phố Hải Dương, nhưng tuần nào ông cũng về Thanh Hà chăm chút vườn tược. Mùa vải chín, ông trở thành một lão nông thực sự, suốt ngày tất bật làm lụng cùng con cháu. Vải vườn nhà mỗi kỳ thu hoạch dăm tấn quả, đều dành phần ngon nhất bán cho anh em ở các đơn vị công an trước đây ông từng công tác, họ đánh xe về lấy, có lần vài tạ vải. Vậy là trong thú vui điền viên cuối đời của Tướng Quắc có niềm vui của một lão nông thanh sạch.
Trong buổi gặp mặt hôm ấy, có một người phụ nữ lặng lẽ, khiêm nhường đứng sau mọi chuyện, đó là bà vợ của ông. Ông khen vợ: “Thời trẻ bà ấy là hoa hậu của làng, còn những năm tháng bất trắc vừa qua, bà ấy là điểm tựa che chở vững chãi của đời tôi!”.
Trong bữa cơm trưa thân mật hôm ấy, ông bảo con cháu ra vườn đào mấy gốc củ chuối lên để làm món đặc sản “lươn om chuối đậu” của quê ông cho chúng tôi ăn. Bữa cơm quê với rượu nếp quê ngâm thuốc làm mọi người hứng khởi hẳn lên.
Tôi thật bất ngờ khi thấy Tướng Quắc hào hứng nói về bài thơ Tổ quốc nhìn từ biển của tôi được các nhạc sỹ phổ nhạc. Ông bảo: “Mình rất tự hào khi xem Đài truyền hình VTV1 phát hình ảnh Việt Chiến đọc bài thơ ấy cùng với bản nhạc phổ thơ Tổ quốc nhìn từ biển. Đây không phải chỉ là ý kiến của riêng mình đâu nhé! Rất nhiều người thích bài thơ ấy của cậu. Một bài thơ tuyệt hay. Có lẽ thơ về đề tài bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước hôm nay, đấy là một trong những bài hay nhất”.
Lúc ấy, tôi thật sự xúc động nhưng muốn giấu đi nỗi niềm này. Sau bữa cơm, mọi người ra hiên nhà uống nước. Tôi lẳng lặng lấy trong túi xách tập thơ mới in của mình, đề tặng Tướng Quắc và gia đình.
Cầm tập thơ của tôi trên tay, ông lần giở ngay trang thơ in bài Tổ quốc nhìn từ biển và đọc to lên cho mọi người cùng nghe: “Nếu Tổ quốc đang bão giông từ biển/ Có một phần máu thịt ở Hoàng Sa/ Ngàn năm trước con theo cha xuống biển/ Mẹ lên rừng thương nhớ mãi Trường Sa/ Đất Tổ quốc khi chập chờn bóng giặc/ Các con nằm thao thức phía Trường Sơn/ Biển Tổ quốc chưa một ngày yên ả/ Biển cần lao như áo mẹ bạc sờn/ Nếu Tổ quốc hôm nay nhìn từ biển/ Mẹ Âu Cơ hẳn không thể yên lòng/ Sóng lớp lớp đè lên thềm lục địa/ Trong hồn người có ngọn sóng nào không/ Nếu Tổ quốc nhìn từ bao quần đảo/ Lạc Long cha nay chưa thấy trở về/ Lời cha dặn phải giữ từng thước đất/ Máu xương này con cháu vẫn nhớ ghi/ Đêm trằn trọc nỗi mưa nguồn chớp bể/ Thương Lý Sơn đảo khuất giữa mây mù/ Thương Cồn Cỏ gối đầu lên sóng dữ/ Thương Hòn Mê bão tố phía âm u/ Nếu Tổ quốc nhìn từ bao thương tích/ Những đau thương trận mạc đã qua rồi/ Bao dáng núi còn mang hình goá phụ/ Vọng phu buồn vẫn dỗ trẻ, ru nôi/ Nếu Tổ quốc nhìn từ bao hiểm hoạ/ Đã mười lần giặc đến tự biển Đông/ Những ngọn sóng hoá Bạch Đằng cảm tử/ Lũ Thoát Hoan bạc tóc khiếp trống đồng/ Thương đất nước trên ba ngàn hòn đảo/ Suốt ngàn năm bóng giặc vẫn chập chờn/ Máu đã đổ ở Trường Sa ngày ấy/ Bạn tôi nằm dưới sóng mặn vùi thân/ Nếu Tổ quốc neo mình đầu sóng cả/ Những chàng trai ra đảo đã quên mình/ Một sắc chỉ về Hoàng Sa thuở trước/ Còn truyền đời con cháu mãi đinh ninh/ Nếu Tổ quốc nhìn từ bao mất mát/ Máu xương kia dằng dặc suốt ngàn đời/ Hồn dân tộc ngàn năm không chịu khuất/ Dáng con tàu vẫn hướng mãi ra khơi”.
Thật lạ lùng, trong âm sắc hào sảng thường thấy của giọng nói ông, tôi chợt nghe thấy sự ngâm nga, đồng điệu của một người yêu thi ca thật sự. Có lẽ đây là một độc giả thơ đặc biệt tôi được gặp trong đời thơ của mình.
Tôi đã từng đọc bài thơ Tổ quốc nhìn từ biển của mình trước nhiều ngàn độc giả khắp trong Nam ngoài Bắc. Nhưng chưa bao giờ tôi có được cái cảm xúc như buổi trưa hôm ấy, khi cùng đọc lại bài thơ này với Tướng Phạm Xuân Quắc trên chính quê hương ông.
Tôi tâm sự với ông, đây là bài thơ đầu tiên tôi viết sau chuỗi ngày hoạn nạn và chính tôi cũng không ngờ tình yêu Tổ quốc trong bài thơ này đã nhận được sự đồng cảm tri âm của hàng triệu độc giả trong và ngoài nước.
Chia tay với mấy nhà báo, Tướng Quắc dặn: “Thôi đừng viết gì nhé, thi thoảng nhớ nhau về đây chơi là quý hóa lắm rồi!”. Tôi ra về, mang theo nụ cười hồn nhiên trên gương mặt hồn hậu, dân dã của ông và hình ảnh mái tóc bạc xóa như ngàn lau đầu nguồn sông cả...
Giữ lời hứa với Tướng Quắc, tôi không muốn viết gì nhiều về những câu chuyện liên quan đến vụ án lớn mà tôi và ông đã trải qua trong những năm tháng không thể nào quên của đời mình. Trong tiểu thuyết tự truyện Bi kịch của chữ của mình, tôi chỉ kể lại câu chuyện khá ly kỳ về cuộc đời của Việt - một nhà thơ, nhà báo trong mấy chục năm thăng trầm của anh.
Bạn đọc không nên liên tưởng Việt với tôi và cũng xin đừng thắc mắc vì sao Việt không phải là tôi cũng như tại sao tôi không phải là Việt (?!). Các bạn nên nhớ, đây là cuốn tiểu thuyết tự truyện chứ không phải hồi ký nhân vật (hoặc tự truyện thuần túy), nó có các phần được hư cấu theo thuộc tính, đặc thù của ngôn ngữ tiểu thuyết trong văn chương. Vậy, mong các bạn cũng đừng suy diễn và sai lầm cho rằng, trong cuốn sách này, tôi kể chuyện về cuộc đời tôi.
Thật sự tôi chỉ là một nhà văn với thiên chức lớn nhất là sáng tạo. Và, nếu được, xin chúng ta hãy đọc cuốn sách này với ý tưởng nhất quán: Nhân vật chính và nhân vật phụ đều không phải hoàn toàn là tôi, nhà thơ - nhà báo Nguyễn Việt Chiến. Xin cảm ơn bạn đọc.

KỲ 2:VỤ ĐÁNH BẠC TRONG CÔNG VIÊN TÌNH YÊU

LTS: Gần một thập kỷ đã qua khi kỳ án khởi nguồn từ... một vụ đánh bạc trong công viên Bách Thảo kết thúc. Với hàng ngàn bài báo tràn ngập trên các phương tiện thông tin đại chúng trong một thời gian ngắn, cơn bão dư luận mà kỳ án đó tạo nên đã “cuốn bay” rất nhiều tên tuổi, trong đó có một số quan chức cấp thứ trưởng, những CEO của tổng công ty Nhà nước, một số tướng công an đánh án lừng danh và cả những nhà báo có tên tuổi, giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực điều tra chống tiêu cực.
Như một sự ngẫu nhiên, số phận đã buộc 2 con người ở hai lĩnh vực khác nhau vào trong tâm điểm của cơn bão đó: Tướng cảnh sát hình sự Phạm Xuân Quắc và nhà báo Nguyễn Việt Chiến. Họ là một cặp đôi song hành từ lúc bắt đầu đến khi kết thúc kỳ án, thậm chí đến cả giai đoạn “hậu” kỳ án. Trong kỳ báo trước, tác giả Nguyễn Việt Chiến đã kể lại cuộc hội ngộ giữa ông và Tướng Quắc, đồng thời nhấn mạnh: “Mong các bạn cũng đừng suy diễn và sai lầm cho rằng, trong cuốn sách này, tôi kể chuyện về cuộc đời tôi”. Tuy nhiên, những trải nghiệm của tác giả đã in đậm bóng dáng trong nhân vật Việt của tác phẩm mà chúng ta sẽ bắt đầu theo dõi dưới đây...

(ĐSPL) - Thời gian đó, mặc dù đã lường trước được việc mình có thể bị Cơ quan điều tra khởi tố vì liên quan đến việc viết bài, đưa tin về một vụ án nghiêm trọng, nhưng nhà báo Việt cũng không nghĩ rằng mình lại bị bắt vì mấy bài báo chống tham nhũng. Do vậy, anh đã thực sự chìm vào một cơn khủng hoảng lớn về mặt tinh thần trong những ngày đầu tiên ở trong trại giam.

Việt ở cùng phòng giam với một tù nhân tên là Hậu, buồng giam chỉ có hai người, Hậu đã ở đấy từ trước khi Việt vào. Mang phong thái của một dân chơi giang hồ đất Hà thành, Hậu dường như cũng không mấy ngạc nhiên khi biết Việt là một nhà báo chuyên viết phóng sự, điều tra.
Vừa mới xong màn làm quen, Hậu đã vỗ vai hỏi người bạn tù một cách khá săm soi, dò hỏi theo kiểu một cậu “rích” (người chuyên bẩm báo mọi chuyện trong buồng giam với cán bộ quản giáo trại tù):
-Này anh già nhà báo, nghe nói bác bị bắt vì liên quan đến những bài báo viết về một vụ án đặc biệt nghiêm trọng bắt đầu từ việc bắt giữ một đám cờ bạc cò con ở vườn Bách Thảo phải không. Chuyện ấy đầu đuôi xuôi ngược ra sao?
Biết là người bạn tù đang dò hỏi mình, sau giây lát suy ngẫm, Việt chậm rãi kể:
- Thì chuyện ấy xảy ra vào một buổi chiều cuối năm. Tớ còn nhớ, buổi chiều ấy thanh bình như bao buổi chiều khác ở công viên Bách Thảo nằm phía đầu đường Hoàng Hoa Thám, ven Hồ Tây, Hà Nội. Với rừng cây xanh miên man trải dài từ quảng trường Ba Đình về tới vườn Bách Thảo, đây là nơi đẹp đẽ, trong lành và yên ả nhất của Hà thành ngàn xưa cổ kính. Trong suốt nửa thế kỷ qua, có thể nói đây là khu vườn tình yêu lãng mạn nhất của Hà Nội, khi các đôi tình nhân trẻ trung khắp thành phố thường rủ nhau tới ngồi dưới các gốc cây cổ thụ để tâm tình kín đáo...
Hậu sốt ruột, ngắt lời :
-Anh làm em buồn ngủ rồi, muốn ngáp vặt đây, anh kể chuyện vụ án theo kiểu cái “con tườu, con khỉ gì” mà cứ như kể chuyện cổ tích vậy!
Việt vẫn điềm tĩnh:
-Tại công viên này, cũng vào một buổi chiều cuối năm như thế, cũng dưới những vòm cây xanh lãng mạn và thanh bình như thế, khi các đôi lứa đang trao nhau nụ hôn đầu đời và chim muông đang lảnh lót trên các vòm cây cao thì đột nhiên mấy phát súng nổ thất thanh, chát chúa đã phá vỡ tan ngay sự yên ả, trong lành của khu vườn tình yêu. Bầy chim nháo nhác bay lên tán loạn từ các tầng cây rậm rạp. Mọi người nháo nhác nhìn về phía bán đảo xanh nằm giữa lòng hồ Bách Thảo. Bóng không ít người mặc cảnh phục đang chạy tới, chạy lui trên đó.
Hậu như bừng tỉnh:
-Một vụ cướp hay một vụ án mạng nghiêm trọng nào đó vừa xảy ra chăng?
Việt lắc đầu, kể tiếp:
-Không phải, không có ai bị cướp bóc, trấn lột, cũng không có ai bị bắn chết. Hóa ra, chỉ có chuyện mấy ông thuộc lực lượng bảo vệ bắt giải mấy ông (cũng thuộc lực lượng bảo vệ) bị phát hiện quả tang đang chơi bài giải trí theo kiểu “vui chơi có thưởng”, đưa lên xe về đồn.
Hậu thắc mắc:
-Chuyện lạ bất thường đây! Anh giải thích vì sao ông cầm súng lại bắt ông cũng có súng chỉ vì chuyện chơi bài cò con theo kiểu “vui chơi có thưởng” thường xuyên diễn ra ở mọi nơi thế nhỉ?
Việt vui vẻ giảng giải:
-Chuyện thường ngày ở phố thôi! Vì ông bảo vệ phải bắt ông cũng thuộc lực lượng bảo vệ nên mới phải nổ súng vì ông nào cũng có súng cả. Và, cậu nổ súng trước bắt cậu chưa kịp nổ. Nhưng chưa chắc người đi bắt đã yên thân đâu, cậu bị bắt sau này mà trả thù, nó “nổ” lại mới kinh hồn chú ạ!
Hậu cười mát:
-Họ chơi bài cò con theo kiểu “vui chơi có thưởng” giữa ban ngày thì đâu phải là đánh bạc mà phải bắt mới bớ nhỉ, dứt khoát là có chuyện lớn rồi thì mới phải nổ súng như thế!
Việt, giọng trầm hẳn:
-Ngẫu nhiên và cay đắng thay, câu chuyện tầm phào, tào lao của mấy cha rỗi chuyện nói trên trong buổi chiều hôm ấy lại không hề phù phiếm, viển vông chút nào. Chú đoán không sai, trong đám người bị bắt quả tang chiều hôm ấy, có một anh cầm đầu một đường dây cá độ bóng đá xuyên quốc gia với hàng tỉ đồng mỗi cú độ. Trước đó, Cơ quan điều tra đã nhận được đơn thư tố giác anh này. Để có lý do bắt xét, khám nhà anh ta nhằm phanh phui ra đường dây cá độ tiền tỉ kia, các trinh sát hình sự đã theo dõi và bắt quả tang anh này và bạn bè đang chơi bài cò con theo kiểu “vui chơi có thưởng”. Tiếp theo, cả một vụ án lớn chấn động đất nước sau đấy đã bắt đầu từ vụ bắt bạc “còm nhom” ở vườn Bách Thảo này. Và anh, một nhà báo sốt sắng đưa tin về vụ “nổ súng, bắt bạc” chiều hôm ấy như nhiều nhà báo khác ở Hà Nội, cũng không ngờ được rằng, những phát súng không làm ai bị thương tích chiều hôm ấy đã mở màn cho việc điều tra vụ án nghiêm trọng gây chấn động dư luận sau đó, làm nhiều người bị “thân bại danh liệt”, lâm vào vòng lao lý và gục ngã. Nhưng trớ trêu và bi hài thay, trong trận đánh không tiếng súng diễn ra ở “hậu vụ án”, một số người trong đó có hai nhà báo đã dính đòn “hồi mã thương”, trong đó có anh. Đầu đuôi là như thế, chú hiểu không?
Hậu hỏi luôn:
- Thế rồi sau đó, anh bị dính đòn ra sao?
Việt ngao ngán trả lời:
- Đây là vụ án đã từng làm chấn động dư luận cả trong và ngoài nước với hàng trăm bài báo được hầu hết các tờ báo giấy, báo điện tử, báo hình, các trang thông tin mạng... từ Trung ương tới địa phương phản ánh cập nhật liên tục một thời gian dài. Có lẽ chưa bao giờ dư luận người dân cả nước lại quan tâm theo dõi diễn biến từng ngày của vụ án lớn này trên các mặt báo. Và, trong guồng quay báo chí sôi động thời gian ấy, những phóng viên theo dõi mảng nội chính như tớ và nhiều anh em ở các tờ nhật báo khác thực sự đã được sống những ngày hào hứng, sôi nổi nhất của cuộc đời làm báo...
Hậu độp luôn:
-Thế thì đừng trách móc, than phiền gì nữa, anh già nhà báo, vì không phải ai cũng được sống những ngày sôi nổi, hào hứng như vậy trước khi bị tống giam đâu, hề hề.

Kỳ 3: NHỮNG DỰ CẢM TRONG MỘT NĂM DÀI U ÁM
Diễn biến về vụ án lớn xảy ra năm đó nóng bỏng đến nỗi, Việt còn nhớ thời điểm ấy, một sĩ quan điều tra viên cao cấp và giàu kinh nghiệm của Bộ Công an (người trực tiếp tham gia triệt phá những băng nhóm xã hội đen lớn trước đây) đã tỏ ra ngạc nhiên khi trao đổi với anh em báo chí: “Xét về mặt thông tin báo chí, vụ án này nhanh nhậy hơn vụ án Năm Cam nhiều. Chưa có vụ án nào dư luận nóng bỏng đến thế, cứ hôm trước cơ quan điều tra tiến hành khai thác, truy xét, điều tra về vấn đề gì và với đối tượng nào, nhất là việc khởi tố bị can nào thì ngay hôm sau những diễn biến đó đã tràn đầy trên các mặt báo. Phải công nhận các chú làm báo hôm nay giỏi thật, giỏi như cánh báo chí tư bản, làm thế nào mà các thông tin bí mật về vụ án lại được các chú phơi bày nhanh đến vậy?”.
Thấy các nhà báo cười, vị sĩ quan điều tra này lại nheo mắt, phán tiếp: “Đành phải nói theo kiểu một nhân vật của nhà văn Nam Cao trong truyện ngắn Đôi Mắt: “Tiên sư anh Tào Tháo! Giỏi đến thế là cùng!” Nhưng anh nói cho các chú biết, nếu không cẩn thận thì anh Tào Tháo nó đuổi cho các chú té re, tóe tòe loe cả lượt, không còn quần mà thay kịp nữa đâu nhé, hề hề!”. Nghe ông anh điều tra viên cao cấp phán một câu xanh rờn vậy, cánh báo chí lại cười vì không biết ông ấy định khen ngợi hay định nói xoáy họ?
Hơn một năm trước ngày Việt bị bắt, Cơ quan Điều tra (CQĐT) đã khởi tố vụ án “Lộ mật” để điều tra hàng chục nhà báo từng tham gia viết bài phanh phui vụ án gây chấn động dư luận hồi đó. Việt đã liên tục bị triệu tập lên làm việc tại CQĐT và là người bị gọi hỏi nhiều nhất trong số hàng chục phóng viên nội chính của các báo bị triệu tập thời điểm ấy. Một số bạn bè cho Việt biết, vụ án kỳ bí này đang được “lật ngược lại” để điều tra những người trong Ban chuyên án trước đây và cả những nhà báo tham gia viết bài chống tiêu cực trong vụ án này. Việt cứ mơ mơ hồ hồ về điều ấy, vì tin tưởng rằng mình có thể bị CQĐT gây phiền phức trong một thời gian với mục đích răn đe các nhà báo, chứ họ không thể bắt giữ người cầm bút được.
Nhưng rồi cứ bị họ gọi lên tra vấn nhiều lần trong suốt một năm liền, Việt mong manh cảm thấy có thể điều đen tối nhất sẽ xảy ra với anh và gia đình. Việt và những người thân nhất sống trong phập phồng lo âu một thời gian quá dài. Cứ mỗi sớm mai thức dậy, một câu hỏi lại lảng vảng trong đầu: Liệu hôm nay mình có bị họ bắt không? Sống trong một tâm trạng dở sống, dở chết như vậy thì quả chẳng có gì là hay ho, thú vị cả. Việt chỉ tự an ủi mình bằng công việc và thi ca. Việt chúi mũi vào công việc viết báo, đi khắp nơi săn nhặt từng mẩu tin như một kẻ làm công cần mẫn cho chính tờ báo nơi anh đã gắn bó gần hai chục năm liền. Cũng có những lúc Việt cảm thấy mình bị kiệt sức và thấy mình như một “kẻ nô lệ tự nguyện” cho nhu cầu thông tin của độc giả của tờ báo nơi anh làm việc.
Thời điểm ấy, ngày nào cũng 9-10 giờ đêm Việt mới về đến nhà. Đi săn tin suốt ngày, rồi về viết bài, anh hăm hở lao vào công việc như để cố quên đi nỗi ám ảnh mình sắp bị bắt giữ cứ chập chờn hiện lên mỗi lúc một gần. Chưa hết, ngày đã bị vắt kiệt sức mình vì báo chí, đêm về Việt lại thao thức với thi ca vì anh là một nhà thơ chuyên nghiệp. Trong mấy chục năm dài, Việt coi việc viết báo như một nghĩa vụ công dân của người cầm bút và cũng vì đời sống. Nhưng thi ca mới chính là lẽ sống của cuộc đời Việt, vì anh là một nhà thơ bẩm sinh, tự dâng hiến mình cho thi ca - thứ nghệ thuật bị không ít người đời coi là sự vô bổ, phù phiếm, sáo rỗng nhất trong các loại văn chương làm tốn giấy, tốn mực của thiên hạ mà không giúp ích gì được cho đời. Nhưng chính thi ca lại như một liều thuốc giải toả bớt phần nào tâm trạng u ám của anh trong quãng ngày mệt mỏi, lo sợ đã kéo dài hơn một năm ròng.
Làm việc hối hả, yêu thương hối hả, đi và viết hối hả nhưng sống chẳng ra sống, ăn chẳng ra ăn, ngủ chẳng ra ngủ, vui chơi nào dám vui chơi, thời gian dài trước khi bị bắt, tuy chưa là kẻ mất tự do nhưng Việt đã bị rình rập, bị đe doạ tới mức sắp trở thành một kẻ tâm thần. Cuộc sống gia đình anh ngày một nặng nề và u ám. Vợ Việt, một giáo viên tiếng Anh ngày hai buổi rạc người vì giảng bài, chữa bài trên lớp cho học sinh, chiều về lại phải dạy thêm để lấy tiền chi tiêu thêm thắt cho gia đình. Không những phải lao tâm tổn sức vì nghề “bán cháo phổi”, vì lũ học trò ham chơi hơn ham học và nghịch như quỷ sứ nhà giời, nàng còn phải quanh năm suốt tháng tối mặt, tối mũi chăm sóc, nuôi dạy hai đứa con nhỏ hay đau ốm cho tôi.
Kể như nàng đã trở thành một “bà vợ Việt Nam” anh hùng từ ngày nàng phát hiện ra Việt có “một nàng thơ” khác cứ luẩn quẩn trong giấc mơ của mình. Ấy là khi nàng phát hiện ra Việt có những ngày trở nên thơm tho, sạch sẽ khác thường. Trước đó, cả tuần chàng không thay giặt quần áo, không thường xuyên vệ sinh thân thể, còn giờ thì đến cả áo lót, quần lót của chàng cũng sạch bong. Sao cuộc sống cứ u ám mãi thế nhỉ! nỗi nghi ngờ chồng mình “bồ bịch” cắn dứt nàng âm thầm cùng với nỗi lo anh ấy có thể bị bắt bất kỳ lúc nào đã khiến nàng nhiều lúc muốn hoá điên. Hai con người, hai tâm trạng, hai nỗi đau đớn tinh thần ấy dường như đã đưa cuộc sống gia đình Việt tới mấp mé một vực thẳm.
Vào cái ngày định mệnh ấy, ngay từ sáng sớm, một dự cảm không lành đã bao trùm lên gia đình Việt. Sau chuyến đi nghỉ cuối tuần với anh em trong toà soạn báo về, vợ chồng Việt và hai con nhỏ vẫn còn khá mệt mỏi. Sớm ấy, khi từ tầng ba xuống phòng ngủ của vợ và hai con nhỏ, Việt thấy nàng đang tất tả chuẩn bị đến trường. Công việc nhàm chán của một giáo viên tiếng Anh từ lâu đã khiến nàng cảm thấy bức bối. Ngoài việc phải hàng ngày chịu đựng tính khí thất thường của chồng, trong mấy năm qua, nàng đã phải cắn răng trước nỗi khổ đau khôn cùng từ việc mẹ đẻ và anh trai bị mất đột ngột. Nay nàng lại phải nén chịu việc tai hoạ có thể đổ ập xuống bất cứ lúc nào nếu chồng bị cơ quan công an bắt giữ. Vì thế, con người của nàng dường như đã rắn đanh lại như một thỏi sắt nguội bị vứt bỏ lăn lóc đâu đó trong cuộc đời. Và dẫu “thỏi sắt” đó có bị dẫm đạp lên nữa thì cũng không thể làm nó biến dạng hơn được nữa.
Đã từ nhiều năm nay, Việt không có thói quen ngủ chung cùng vợ con. Ở thời điểm căng thẳng nhất của các vụ án lớn mà Việt phải viết bài, sau một ngày vắt kiệt sức mình cho công việc báo chí, viết lách, anh trở về nhà, leo lên tầng ba, đổ ập xuống giường như một khúc củi khô héo và cỗi cằn cảm xúc. Tình cảm vợ chồng cũng khô héo trong chuỗi ngày căng thẳng ấy. Việt còn nhớ như in vẻ mặt dỗi dằn bất cần của vợ trong buổi sớm ấy khi tôi nói: “Có khả năng hôm nay anh sẽ bị bắt”. Nàng nói một câu giận dữ: “Bắt thì bắt luôn đi, chứ từ hơn năm nay anh phải sống trong cảnh lo âu, thấp thỏm ngày nào cũng sợ họ đến bắt thì cứ như sống dở, chết dở chứ có hơn gì!”.
Việt biết nàng thương chồng lắm, trong chuỗi ngày tai hoạ đang rình rập này, nàng chăm sóc cho anh từng bữa ăn, từng quả cam, từng viên thuốc…Và tránh cho chồng phải làm mọi công việc gia đình, con cái. Việt biết, tuy nói ra miệng theo kiểu bất cần đời vậy thôi, nhưng nàng cũng đau đớn tâm can lắm chứ. Anh lẳng lặng lên nhà mặc quần áo đi làm. Sáng ấy, vì xe máy của vợ bị hỏng, Việt chở nàng đến trường bằng xe của mình. Đã lâu rồi Việt không đèo vợ đi chơi, nên cái cảm giác sớm mai trong lành được chở nàng đi dạo phố khiến anh cũng cảm thấy chút thư thái trong lòng. Vợ Việt chắc cũng thế, nàng tựa vào lưng anh một cách tin tưởng, rằng anh là điểm tựa lớn lao về mọi mặt cho ba mẹ con nàng. Nhưng than ôi! chỉ dăm tiếng đồng hồ nữa là điểm tựa ấy bị bẻ gãy bởi một cái lệnh khởi tố bắt người bất thường và kỳ quặc...
(Còn tiếp…)

Nguồn: https://www.facebook.com/vietchien.nguyen.1/posts/1150656798291972 

clip_image002

clip_image004

clip_image006