Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 25 tháng 4, 2016

Kỷ niệm 60 năm phong trào Nhân Văn-Giai Phẩm: Đào Duy Anh

Muốn phát triển học thuật

Tôi muốn góp một số ý kiến vào vấn đề xây dựng nền học thuật của nước nhà. Chẳng cần phải thảo luận, ai ai cũng phải thừa nhận rằng nền học thuật của ta hiện nay thấp kém, lạc hậu. Trong sự nghiệp kiến thiết kinh tế và văn hoá để xây dựng một nước Việt Nam dân chủ theo hướng xã hội chủ nghĩa, công tác học thuật, công tác nghiên cứu khoa học, có một vai trò trọng đại, vì công tác này mà không phát triển thì không những kiến thiết văn hoá mà cả kiến thiết kinh tế cũng không thể đi xa. Nhiệm vụ của chúng ta là phải làm thế nào cho công tác ấy đáp ứng xứng đáng được nhu cầu kiến thiết. Nhưng muốn nhận định nhiệm vụ ấy cho đúng đắn, cần phải đánh giá đúng mức tình hình hiện tại của công tác học thuật.

Dưới chế độ thực dân, nghiên cứu khoa học là độc quyền của bọn học giả thực dân. Nhưng để tiến hành công tác nghiên cứu rất phức tạp, chúng cần phải đào tạo những người giúp việc trong giới trí thức Việt Nam. Nhờ khiếu thông minh, đức cần cù và óc tự lập, một số không ít người Việt Nam đã nắm vững được kỹ thuật và phương pháp nghiên cứu khoa học, và có người đã trở thành những nhà khoa học có tài. Một số trí thức Việt Nam khác, mặc dầu sự hạn chế của bọn thực dân, đã tự mình học tập và nghiên cứu, đặc biệt về khoa học xã hội, văn học và sử học, có người cũng đã thu được thành tích khả quan. Sau Cách mệnh tháng Tám, đại đa số những người trí thức ấy đã nức lòng nguyện đem sở trường chuyên môn ra phục vụ nhân dân để xây dựng nước nhà, và từ ngày toàn quốc kháng chiến đã quyết tâm theo Chính phủ về nông thôn và lên rừng núi tham gia kháng chiến. Trong khi ấy, một số trí thức du học ở Pháp mấy lâu cũng tìm cách trở về nước để chia phần gian khổ và hy sinh với đồng bào. Nguyện vọng thiết tha của những người trí thức ấy là được đóng góp vào công cuộc kháng chiến bằng năng lực chuyên môn của mình.

Trong thời kháng chiến, ngay năm 1948 đã được tổ chức Đại hội văn hoá toàn quốc để thành lập Hội Văn hoá Việt Nam, nhằm mục đích tập hợp các phần tử trí thức để đẩy mạnh công tác văn hoá. Đồng thời Hội Văn nghệ Việt Nam đã được thành lập, khiến công tác văn nghệ được tổ chức và lãnh đạo để phục vụ kháng chiến. Về công tác khoa học và kỹ thuật thì Đoàn Khoa học kĩ thuật thành lập sau đó ít lâu cũng cố gắng làm việc liên lạc và trao đổi kinh nghiệm giữa các nhà khoa học kỹ thuật công tác ở các cơ sở khác nhau. Nhưng so với Hội Văn nghệ thì công tác của Đoàn Khoa học kỹ thuật gặp nhiều khó khăn hơn, vì cơ sở hoạt động của nó non yếu. Nói rằng nó không làm được gì thì cũng bất công, nhưng cũng không thể nói rằng nó đã thu được thành tích đáng kể. Thực ra thì do điều kiện kháng chiến vô cùng gian khổ, công tác nghiên cứu khoa học kỹ thuật cần có trang bị phức tạp rất khó tiến hành. Phương châm tự lực cánh sinh buộc chúng ta phải phát triển tinh thần thực tiễn chủ nghĩa đến cao độ. Theo nhu cầu của kháng chiến, một số các nhà chuyên môn phục vụ các ngành quân giới, quân y, quân dược, nhờ những cố gắng lớn lao đã giữ được mức nghiên cứu khoa học tương đối cao và đã có nhiều thành tựu tốt đẹp. Nhưng nói chung thì những hạn chế về vật chất vì tình hình kháng chiến khiến chúng ta, về mọi mặt, phải nhắm phát huy những kinh nghiệm do nhu cầu thực tế tạo nên, để giải quyết những vấn đề kỹ thuật càng ngày càng khó theo đà phát triển của chiến tranh, do đó chúng ta tất phải càng ngày càng đi sâu vào thiên hướng kinh nghiệm chủ nghĩa. Ngoài số rất ít chuyên gia nhờ điều kiện đặc biệt vẫn tiến hành được nghiên cứu khoa học, số đông chỉ làm công tác thực tiễn, và nhiều khi chỉ làm những công tác linh tinh xa với chuyên môn của mình. Những người có điều kiện may mắn cũng dồn chứa được một số kinh nghiệm có ích, nhưng phần đông vì không có điều kiện thích hợp, và không được bồi dưỡng về chuyên môn, khả năng chuyên môn của họ càng ngày càng cùn. Có lúc họ đã cảm thấy kiến thức của mình vô dụng trong một hoàn cảnh mà những công việc lớn đều có thể làm nên bằng lực lượng vĩ đại và kinh nghiệm phong phú của nhân dân. Tình trạng ấy lại củng cố thêm thành kiến của người cán bộ chính trị phổ thông cho rằng người trí thức chuyên môn cũ chỉ biết khoa học kỹ thuật của đế quốc là cái không thích hợp với chế độ chúng ta. Chính bản thân người trí thức chuyên môn, sau bao nhiêu đợt chỉnh huấn cũng phải nhận thấy rằng mình vốn chứa đầy thói hư nết xấu của thành phần tiểu tư sản hoặc mang nặng những tư tưởng tư sản và địa chủ, và sau khi đã xác định thái độ phục vụ nhân dân vô điều kiện, thì họ đã tự nguyện thủ tiêu hết thắc mắc về công tác chuyên môn để toàn tâm toàn ý phục vụ kháng chiến.

Chủ nghĩa thực tiễn và sự phát huy kinh nghiệm là những điều kiện quan trọng trong cuộc thắng lợi của kháng chiến, nhưng cái thiên hướng kinh nghiệm chủ nghĩa đã khiến công tác nghiên cứu khoa học không được đề cao và đã ảnh hưởng đến sự tăng thêm cái thành kiến xem nhẹ trí thức của một số đông cán bộ chính trị. Cuộc cải tạo tư tưởng - bằng chỉnh huấn - của giới trí thức đã thu được nhiều kết quả rất tốt, nhất là đã khiến họ thực thà hoà mình với nhân dân để phục vụ nhân dân, nhưng cái tác phong gay gắt quá mức đã khiến một số đông, vì thấy mình nhiều sai lầm to lớn quá mà thành tự ty, mất hẳn cái tự trọng mà, theo Chu Ân Lai, vô luận người lao động chính trực nào cũng phải có, thậm chí có người khi bất đắc dĩ phải nhận mình là trí thức thì cảm thấy hổ ngươi.

Trong thời kháng chiến, tinh thần mọi người đều căng thẳng hướng về yêu cầu "tất cả cho tiền tuyến", cho nên cái tình trạng công tác nghiên cứu khoa học không được săn sóc và người trí thức không được xem trọng, tuồng như chẳng đặt ra vấn đề gì. Nhưng từ ngày hoà bình trở lại thì tình hình khác hẳn. Mọi người, Chính phủ cũng như nhân dân, đều nhận thấy rằng trong sự nghiệp kiến thiết kinh tế và văn hoá, nghiên cứu khoa học là vô cùng cần thiết. Giới trí thức cảm thấy sâu sắc rằng đây là cơ hội để họ có thể đem khả năng chuyên môn ra phục vụ và mọi người đều hi vọng rằng, với sự săn sóc của Chính phủ đối với công tác nghiên cứu khoa học và sự giúp đỡ của các nước bạn, họ sẽ có điều kiện hoạt động dễ dàng, khác với cảnh chật vật gay go của thời kháng chiến. Thực ra trong hai năm nay, những trang bị về nghiên cứu khoa học, nhất là về y học, hoá học, vật lý học, các nước bạn giúp nước ta rất nhiều. Thế mà quang cảnh nghiên cứu khoa học chưa thấy khởi sắc, công tác học thuật vẫn cứ tiêu điều, giới trí thức lại dần dần mất đà phấn khởi. Chúng ta phải có can đảm nhìn nhận thực tế ấy, thành khẩn nhận ra nguyên nhân thì mới có thể tìm phương cải thiện tình hình được.

Chính phủ và Đảng Lao động Việt Nam đều nhận thấy tính quan trọng của sự nghiệp nghiên cứu khoa học và vai trò của giới trí thức trong sự nghiệp cách mệnh và kiến quốc. Nhưng vì ngày nay, cũng như trước kia, chưa có chủ trương cụ thể về vấn đề nghiên cứu khoa học và nhất là chưa có chính sách cụ thể về vấn đề tri thức, cho nên trong thực tế, người trí thức vẫn bị xem nhẹ, công tác nghiên cứu khoa học vẫn bị lơ là. Vì chưa có chính sách cụ thể về vấn đề trí thức cho nên trong quan niệm của người cán bộ chính trị, có khi là người giữ trách nhiệm điều khiển và lãnh đạo ở bực cao, vẫn tồn tại cái thành kiến không tin khả năng của người trí thức. Do đó, trong thực tế, người trí thức không được cảm thông nâng đỡ trong yêu cầu chuyên môn của họ, mà trái lại, họ cảm thấy luôn luôn bị người cán bộ chính trị chèn ép. Viết đến đây, ngòi bút của tôi ngần ngại rất nhiều. Tôi sợ không khéo người ta lại gia cho tôi cái tội muốn cho chuyên môn độc lập với chính trị, tức muốn thoát ly sự lãnh đạo của Đảng. Trải qua chín năm kháng chiến, nếu người trí thức Việt Nam không học được nhiều thì cũng được học hai điều chắc chắn: điều thứ nhất là cuộc kháng chiến và cách mệnh của ta phải do Đảng Lao động Việt Nam lãnh đạo thì mới có thể đi đến thắng lợi cuối cùng; điều thứ hai là chuyên môn phải chịu sự lãnh đạo của chính trị thì mới phục vụ đúng đắn được. Nhưng chúng ta phải thẳng thắn đặt cho rõ vấn đề: chuyên môn phải chịu sự lãnh đạo của chính trị, như thế không có nghĩa là người cán bộ chuyên môn vĩnh viễn phải chịu sự lãnh đạo của người cán bộ chính trị.

Theo tôi thiển nghĩ thì công tác chuyên môn căn bản phải do những nhà chuyên môn phụ trách - nếu không có đủ thì phải đào tạo mà điều ấy không phương hại gì cho nguyên tắc chính trị lãnh đạo.

Ở trường hợp người cán bộ phụ trách chuyên môn đã có lập trường và khả năng chính trị vững vàng - trải qua cuộc kháng chiến gian khổ, qua các đợt chỉnh huấn và học tập chủ nghĩa Mác–Lê và qua các phong trào đấu tranh xã hội lớn, người trí thức Việt Nam đã được rèn luyện nhiều về chính trị - thì tự họ biết hướng công tác chuyên môn của họ đi theo đường lối do chính trị vạch ra, tức theo sự lãnh đạo của chính trị. Khi ấy cố nhiên đặt người cán bộ chính trị không phải để lãnh đạo người phụ trách chuyên môn mà chỉ để phân công đảm đương cái phần công tác chính trị chung trong cơ quan. Ở trường hợp mà trình độ chính trị của người phụ trách chuyên môn còn non thì người cán bộ phụ trách công tác chính trị có nhiệm vụ giúp đỡ và hướng dẫn về đường lối chính trị, song nhất thiết không can thiệp vào nội dung của công tác chuyên môn, trừ phi người ấy đã cố gắng học tập mà nắm vững được chuyên môn thì chính họ lại trở thành chuyên gia rồi (trường hợp ấy cũng hiếm). Sự phân công giữa công tác chính trị và công tác chuyên môn phải rạch ròi thì công tác chuyên môn mới tiến hành thông suốt được. Nhưng tình hình thực tế của ta thì cũng ít khi đạt được mức lý tưởng như thế. Vì cái thành kiến không tin trí thức, cho nên trong nhiều cơ quan, có khi là cơ quan thuần tuý chuyên môn, bên cạnh hay ở trên người cán bộ phụ trách chuyên môn, tất phải có người cán bộ chính trị để lãnh đạo. Người cán bộ chính trị ấy, có khi vì trình độ còn non, thường có khuynh hướng vượt quá quyền hạn mà lấn sang quyền điều khiển chuyên môn.

Trong địa hạt khoa học tự nhiên, sự xâm phạm của những cán bộ chính trị vào địa hạt chuyên môn như thế cố nhiên là rất trở ngại cho công tác chuyên môn, nhất là công tác nghiên cứu khoa học. Trong địa hạt khoa học xã hội thì mối tệ cũng không kém. Vì khoa học xã hội chịu sự lãnh đạo của chính trị trực tiếp hơn cho nên người ta rất dễ nghĩ lầm rằng hễ người có lập trường và năng lực chính trị vững vàng thì tất có điều kiện căn bản cần thiết để làm công tác về khoa học xã hội. Bởi thế chúng ta thấy không ít trường hợp, hoặc những cán bộ thuần tuý chính trị hoặc những cán bộ chính trị mượn danh hiệu chuyên môn, được cử ra lãnh đạo một tổ chức văn hoá hay học thuật. Như thế thì công tác nghiên cứu khoa học khó lòng được quan niệm và hướng dẫn đúng đắn. Thái độ quá dễ dãi của người lãnh đạo đối với sự nghiên cứu, do trình độ chuyên môn còn non gây nên, và thái độ lũng đoạn học thuật do quan niệm hẹp hòi về lập trường gây nên, có thể tạo thành cái tác phong nghiên cứu hời hợt, thiếu nghiêm túc và chính xác, rất có hại cho công cuộc nghiên cứu chân chính.

Tóm lại, chính cái tư tưởng không tin và coi rẻ trí thức đã dẫn đến sự ứng dụng lệch lạc cái nguyên tắc rất đúng đắn về quyền lãnh đạo của chính trị, do đó công tác học thuật của chúng ta, về khoa học tự nhiên cũng như về khoa học xã hội, gặp nhiều cản trở mà vẫn bị hãm vào tình trạng lạc hậu.

Công cuộc kiến thiết đòi hỏi một trình độ kỹ thuật càng ngày càng cao. Cố nhiên chúng ta có thể nhờ sự giúp đỡ lớn lao của các nước bạn, nhưng bây giờ cũng như bao giờ, tự lực cánh sinh vẫn là chủ yếu. Tiếp thu sự viện trợ về kỹ thuật của các nước bạn, nâng cao trình độ kỹ thuật của nước nhà, đào tạo cán bộ nắm vững được kỹ thuật ấy, tất cả những việc ấy không thể làm nổi nếu công tác nghiên cứu khoa học không phát triển. Kéo dài tình trạng lạc hậu của học thuật thì không thể đảm bảo được kế hoạch kiến thiết, tức là một tai hại lớn cho quốc gia. Nhưng muốn chấm dứt tình trạng ấy, muốn cho học thuật phát triển được thì không thể làm thế nào khác được là dựa vào cái cơ sở sẵn có, các nhà trí thức chuyên môn Việt Nam, tức là đạo quân chủ lực của công tác học thuật.

Do đó vấn đề mấu chốt cần phải giải quyết trước hết để thúc đẩy công tác học thuật tiến lên là vấn đề trí thức.

Ở đây tôi không bàn về toàn bộ vấn đề trí thức, cho nên tôi không nói đến cái khả năng đóng góp của giới trí thức về mọi mặt công tác và những thiệt hại gây nên nếu không khai thác khả năng ấy. Những kinh nghiệm đau thương có tính chất lịch sử mà chúng ta đang trải qua hiện nay, nếu xét kỹ sẽ có thể cho thấy có phần hậu quả của những sai lầm về vấn đề trí thức ở trong ấy. Tôi chỉ nêu lên những khía cạnh của vấn đề trí thức có liên quan đến vấn đề phát triển học thuật mà thôi. Trong các nguyên nhân chủ yếu trở ngại sự phát triển học thuật, chúng ta đã thấy thì hiện nay cái tư tưởng không tin trí thức của người cán bộ chính trị vẫn tồn tại. Mặc dầu trong lý trí, người ta thừa nhận và phải thừa nhận vai trò quan trọng của người trí thức, nhưng trong tình cảm và trong đối xử thực tế, vẫn thấy ở người cán bộ chính trị lãnh đạo cái lòng hoài nghi và cái vẻ khinh rẻ đối với người trí thức gọi là trí thức cũ – mà tối đại đa số trí thức là cũ, chứ trí thức mới thì rất hiếm hoi. Cái mâu thuẫn tiềm tàng ấy khiến chính người cán bộ chính trị mỗi khi nghe người ta trách mình không tin và khinh trí thức thì lấy làm ngạc nhiên một cách rất thành thực mà không chịu nhận. Một người trí thức bạn tôi một hôm nhân gặp một nhà chính trị cao cấp của Đảng đã than phiền về điều ấy thì được nhà chính trị trả lời rằng: “ Sao anh lại nói là không tin? Thì trước kia anh là giáo sư, ngày nay anh cũng vẫn là giáo sư đấy chứ.” Tôi thấy đây quả là một sự hiểu lầm nhau. Cái quan niệm tín nhiệm thiên về hình thức của nhà chính trị, người trí thức không thể lấy làm thoả mãn. Muốn giải quyết vấn đề thì phải hiểu nhau hơn. Thực ra thì đa số các phần tử trí thức hiện nay đều có chức vị xứng đáng, không kể một số được chiếu cố đặc biệt còn giữ những chức vị quan trọng trong Chính phủ và trong các cơ quan. Nhà chính trị cho như thế là tín nhiệm giới trí thức nhiều lắm rồi. Nhưng người trí thức - người trí thức chân chính – thì cho như thế chỉ là xử trí về hình thức, và yêu cầu một sự tín nhiệm sâu sắc hơn, thiết thực hơn, tức là trên cơ sở nhìn nhận vai trò của người trí thức trong công cuộc cách mệnh và kiến quốc, tin cậy vào khả năng chuyên môn của họ và tạo điều kiện cần thiết để cho họ phát huy năng lực sở trường, do đó họ bảo toàn được phẩm cách và làm trọn được nhiệm vụ của người trí thức đối với Tổ quốc. Nếu các cán bộ chính trị đảm đương vai trò lãnh đạo mà không nắm vững cái yêu cầu ấy thì mỗi khi nghe người trí thức phàn nàn rất dễ có khuynh hướng nổi cáu mà cho họ là bội bạc, không cảm cái ơn chiếu cố mà còn “được voi đòi tiên”, và gán ngay cho họ những động cơ tự cao tự đại, hoặc tham lam quyền lợi và địa vị cá nhân. Oan cho họ lắm? Giới trí thức Việt Nam đã được rèn luyện đau đớn bao nhiêu trong lửa kháng chiến không phải toàn là loại nửa người nửa ngợm như có người đã tưởng đó đâu. Người ta phàn nàn là tất có vấn đề, nhưng không phải là vấn đề đơn giản về mặt điều kiện đãi ngộ. Giới trí thức mong nhà chính trị nắm vững thực chất của vấn đề thì mới có thể tìm phương giải quyết đúng được. Nhưng muốn thế thì nhà chính trị nên có nhận định rộng rãi và đúng đắn hơn về người trí thức Việt Nam.

Nếu xem người trí thức là người bên kia mình phải tranh thủ, tất nhiên là phải bắt đầu bằng sự đãi ngộ; nếu xem người trí thức là người bên kia mình đã tranh thủ được rồi và cần phải giáo dục, tất nhiên còn sợ lập trường của họ chưa vững, tư tưởng của họ chưa thuần, cho nên cách xử trí với họ thường nặng về mặt đối phó. Nhưng người trí thức Việt Nam có phải là người bên kia không? Trừ một thiểu số có quan hệ chặt chẽ với giai cấp thống trị, giới trí thức Việt Nam trong thời Pháp thuộc, căn bản là một tầng lớp lao động bị áp bức, bóc lột và giầy vò, cũng như những người lao động chân tay. Bởi thế một số đã tham gia cách mệnh và đại đa số đã nhiệt liệt hoan nghênh cách mệnh, tham gia kháng chiến, và tự nguyện tự giác nhận sự lãnh đạo của Đảng Lao động Việt Nam. Họ đã qua sự giáo dục của Đảng, qua sự thử thách của kháng chiến. Họ đã chịu đựng gian khổ và đã hy sinh nhiều mặt để phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Nếu buổi đầu vì trình độ chính trị tương đối lạc hậu, vì thành phần xuất thân phức tạp của một số người, mà có sự nhận lầm xem chung giới trí thức là người bên kia, thì ngày nay không còn lý gì mà không xem họ là thuộc hàng ngũ nhân dân lao động, là những người lao động trí óc mà hình thức cũng như nội dung công tác hoàn toàn phục vụ nhân dân. Nếu trong hàng ngũ trí thức còn có người lạc hậu thì trong hàng ngũ công nông những phần tử lạc hậu cũng chẳng hiếm hoi.

Sau khi xác định cái quan niệm xem người trí thức là người lao động trí óc, thuộc hàng ngũ nhân dân lao động, thì bao nhiêu hoài nghi đối với họ sẽ tiêu tán hết. Tín nhiệm là cái chìa khoá để giải quyết tất cả các chi tiết khác trong vấn đề trí thức.

Trong khi dưới ánh sáng của những nghị quyết lịch sử của Đại hội lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Liên Xô và do yêu cầu của tình hình hiện tại nước ta, Chính phủ và Đảng đương phải duyệt lại các chính sách lớn, giới trí thức khát khao mong mỏi ở Chính phủ và Đảng một chính sách cụ thể về vấn đề trí thức nói chung, và đặc biệt về công tác học thuật. Điều kiện thành công chủ yếu của chính sách ấy là nó phải xuất phát từ chỗ thực sự - chứ không phải chỉ là trên lý thuyết – xem người trí thức là cùng hàng ngũ với người lao động chân tay.

Với quan niệm ấy, trước hết có thể giải quyết đúng đắn cái vấn đề quyền lãnh đạo của chính trị. Nhà chuyên môn thấm nhuần đường lối chính trị chung, luôn luôn được học tập đường lối ấy cũng như mọi cán bộ khác, có thể tự quản trong công tác chuyên môn mà không sợ sai lầm về chính trị.

Từ quan niệm ấy, người ta tất thảy thấy rằng giới trí thức không phải là một lực lượng ở ngoài, mình phải lợi dụng vào công cuộc kiến thiết, mà chính là một lực lượng chủ nhân quan trọng không thể thiếu được trong sự nghiệp kiến thiết quốc gia. Lực lượng ấy còn non yếu, chúng ta phải bồi dưỡng nó. Lực lượng ấy còn mỏng mảnh, chúng ta phải phát triển nó. Đó là một nhiệm vụ của Nhà nước chứ không phải là chuyện chiếu cố cá nhân.

Những vấn đề khác, như vấn đề sắp xếp công tác cho hợp lý các cán bộ trí thức để tận dụng khả năng của họ, vấn đề hiểu rõ yêu cầu chuyên môn của họ để cung cấp điều kiện làm việc cần thiết, đối với những người trí thức làm công tác nghiên cứu, thì vấn đề trang bị và tài liệu nghiên cứu, vấn đề chế độ làm việc để đảm bảo thời gian nghiên cứu, cho đến cả vấn đề đãi ngộ về chính trị và đãi ngộ về vật chất, sẽ được quan niệm đúng đắn và giải quyết dễ dàng.

Giải quyết vấn đề trí thức là điều kiện tiên quyết để phát triển công tác học thuật. Nhưng cái điều kiện chủ yếu chính là phải xác định cái quan niệm đúng đắn về công tác học thuật, về nghiên cứu khoa học. Đây là vấn đề thuộc về bản thân của giới trí thức nhiều hơn, mà cũng rất quan hệ với nhà lãnh đạo.

Có một thành kiến cựu truyền cho rằng nghiên cứu khoa học là việc cao xa, thuộc về chuyên nghiệp của các nhà bác học, người thường không can dự đến. Thành tích nghiên cứu phải là những cái phát minh ghê gớm làm chấn động tai mắt mọi người. Đối với một số đông trí thức Việt Nam mà điều kiện công tác thực tế mấy lâu đã làm cho họ quên cái thói quen nghiên cứu, thì cái thành kiến ấy lại càng khiến họ không dám nghĩ đến việc nghiên cứu khoa học, chỉ yên phận trong công tác nghiệp vụ hàng ngày. Quan niệm quá trịnh trọng về công tác nghiên cứu và thái độ tự ty của người trí thức như thế chính làm tê liệt cái khả năng sáng tạo của họ và làm đình đốn công tác học thuật.

Trái ngược lại thì cái quan niệm quá dễ dãi về công tác nghiên cứu lại cũng tác hại rất nhiều. Cái quan niệm sai lầm này đặc biệt hoành hành trong địa hạt khoa học xã hội. Chúng ta đã biết rằng vì khoa học xã hội liên quan trực tiếp với chính trị là yếu tố lãnh đạo, cho nên người ta tưởng rằng hễ lập trường và năng lực chính trị vững vàng là có thể làm công tác lãnh đạo, cho đến cả công tác chuyên môn về khoa học xã hội - triết học, văn học sử học, kinh tế học. Vì vậy người ta không cần được chuẩn bị lâu dài, không cần được rèn luyện chu đáo về chuyên môn, không cần học tập phương pháp và kỹ thuật mà cứ làm bừa. Công tác nghiên cứu khoa học tự nhiên thì có những thủ tục rất cụ thể về kỹ thuật, nếu không theo đúng thì có khi gây tai nạn lớn, hại của chết người. Nhưng về khoa học xã hội thì dù người ta không theo thủ tục gì, phương pháp gì, dùng tài liệu không chính xác, phân tích tài liệu không chu đáo, thì cũng thấy chẳng chết ai. Thậm chí gò ép tài liệu, cưỡng bức sự thực phải theo định kiến của mình, nó cũng ngoan ngoãn phải theo, không thấy có gì hại cả. Vì thế người ta rất dễ thành chuyên gia về khoa học xã hội, rồi người ta tặng nhau một cách dễ dãi, rẻ tiền, những danh hiệu nhà triết học, nhà văn học, nhà sử học, nhà kinh tế học, là những danh hiệu mà chính thực, ở các nước, phải trải bao nhiêu công phu gian khổ cần cù, nhà chuyên môn mới tranh thủ được. Cái tác phong dễ dãi ấy có thể gây nên một quang cảnh phồn thịnh giả dối cho công tác nghiên cứu, nhưng thực ra thì vì cái tai hại của nó không thể hiện ra bằng vật chất, cho nên, trong khoảng vô hình, cái hại ngấm ngầm ăn sâu lan rộng mà có thể phá hại công tác nghiên cứu khoa học chân chính. Trong trường hợp mà cái tác phong ấy lại có những phương tiện chính quyền và những điều kiện vật chất rộng rãi để phát triển và chiếm bá quyền thực tế trong trường học thuật, thì tai hại của nó lại càng nghiêm trọng.

Quan niệm đúng đắn về nghiên cứu khoa học khác hẳn hai quan niệm trên.

Nghiên cứu khoa học không phải là một việc cao xa thuộc đặc quyền của các nhà bác học đeo kính làm việc trong những phòng thí nghiệm hay những thư viện tĩnh mịch nghiêm trang, như các đạo sĩ xưa luyện kim đơn trong hang núi. Nó là việc thường gắn liền với công tác hàng ngày của người trí thức chuyên môn. Ở các nước tiên tiến như Liên Xô, người công nhân xí nghiệp, người nông dân ở nông trường cũng như người sinh viên đại học, đều có thể tham gia nghiên cứu khoa học. Công tác ấy gồm nhiều hình thức khác nhau, từ thấp lên cao, từ đơn giản đến vô cùng phức tạp. Từ phiên dịch cẩn thận một tài liệu tham khảo về khoa học, sưu tầm và trình bầy trung thành và có hệ thống một số ca dao tục ngữ của một địa phương, cho đến tìm tòi để đi đến những phát minh lớn về vật lý hay triết học, đều là những hình thức nghiên cứu khoa học. Nghiên cứu khoa học là một công tác khó khăn cần phải trải qua nhiều đường lối và phải do sự hợp tác của nhiều người thì mới thành công. Nhưng lại phải đề phòng cái lệch lạc cho rằng ai muốn nghiên cứu khoa học cũng được. Trên kia đã tố cáo cái quan niệm quá dễ dãi về nghiên cứu, ở đây xin nói thêm rằng về khoa học xã hội cũng như về khoa học tự nhiên, sự nghiên cứu phải theo phương pháp và kỷ luật nhất định mà phải học tập gian khổ mới nắm vững được, chưa kể là trước khi học tập những cái ấy thì đã cần phải nắm vững những kiến thức cơ bản về chuyên môn rồi. Chưa hẳn là về khoa học tự nhiên quá trình nghiên cứu khó hơn về khoa học xã hội như có người tưởng. Vị chuyên gia Trung Quốc ở trường đại học của ta cho tôi biết rằng theo kinh nghiệm của trường Đại học Bắc Kinh thì công việc đào tạo giáo sư về khoa học xã hội phức tạp và lâu dài hơn công việc đào tạo giáo sư về khoa học tự nhiên. Ở trên cũng đã bài xích cái quan niệm cho rằng nghiên cứu khoa học xã hội thì hễ nắm vững đường lối chính trị là làm được. Đây chỉ xin nhắc thêm một điều thường thức là làm thợ mộc thợ nề còn phải trải qua thời gian học nghề hàng chục năm trời, thì làm công tác nghiên cứu khoa học mà không chịu học nghề là chuyện vô cùng phi lý.

Trong quá trình học tập chuyên môn, không những người ta tập làm quen với phương pháp và kỷ luật nghiên cứu, mà còn phải làm quen với tác phong nghiêm túc, thận trọng, chân thành, thực sự cầu thị là cái tác phong, nếu thiếu, thì nghiên cứu chỉ là có hại. Tác phong ấy chúng ta phải giữ từ việc nhỏ đến việc lớn, việc nhỏ mà làm cẩu thả có thể hại đến việc lớn rất nhiều. Ví dụ công tác phiên dịch còn bị chúng ta coi nhẹ lắm, mà chính những người phụ trách công tác phiên dịch, vì trình độ phổ thông còn kém, cũng không tự đòi hỏi gay gắt. Nhưng khi chúng ta đặt công tác phiên dịch trong quá trình nghiên cứu khoa học thì phải đòi hỏi ở nó một trình độ chính xác nghiêm mật. Nếu không thì có khi chỉ một điểm sai lầm nhỏ có thể dẫn nhà nghiên cứu đến kết luận trái hẳn với thực tế, mà biến công cuộc nghiên cứu thành một cuộc du lịch phiêu lưu.

Nghiên cứu tuy không phải chỉ nhắm những phát minh phi phàm, nhưng căn bản vẫn phải là phát minh, là sáng kiến, là lập thành tích độc đáo. Bởi thế phiên dịch hay trình bầy một tài liệu cho chính xác và thận trọng để giúp cho công cuộc nghiên cứu còn có giá trị khoa học hơn một quyển sách dầy trong ấy tác giả chỉ thu lượm ý kiến của người khác, hoặc bằng cách dịch thuật, hoặc bằng cách trích dẫn, nếu không phải là sao tập, như thế chỉ là việc phổ biến chứ không phải là việc nghiên cứu khoa học. Đây là chỗ nên nhắc lại lời nói của Ô. Mi-cai-an ở Đại hội lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Liên Xô: “Học thuật là cái gì nếu không có tinh thần sáng tạo? Thế chỉ là bài tập của học sinh chứ không phải là học thuật, vì học thuật trước hết là sáng tạo cái mới chứ không phải là nhai lại.” Lời nói ấy mãi khuyến cáo những người làm công tác học thuật phải nghiêm khắc với mình.

Nhưng muốn tìm được cái mới thì tất phải biết rõ tình hình cái cũ là thế nào đã. Người làm công tác nghiên cứu khoa học phải biết rõ tình hình tài liệu về vấn đề mình muốn nghiên cứu, và hiện trạng nghiên cứu của vấn đề ấy là thế nào. Như thế mới tránh khỏi cái tình trạng mình mất công cặm cụi phiên dịch hay trình bầy một tài liệu mà người khác đã phiên dịch hay trình bầy từ trước mất rồi, hoặc “một mình vùi đầu vào nghiên cứu một vấn đề và có được những kết quả khả quan, nhưng không may họ không biết rằng có người khác, thậm chí mấy chục năm trước đây đã đạt được những kết quả ấy rồi” (xem bài nói chuyện của ông Lục Định Nhất về Bách hoa tề phóng, bách gia tranh minh). Như thế thì cũng tránh khỏi cái tình trạng có hại hơn nữa là có khi người ta chỉ tìm thấy một mẩu tài liệu vụn vặt nào đã tưởng lầm rằng đó là một phát minh quan trọng, vội dựa vào đó mà kết luận dứt khoát về một vấn đề mà các nhà học giả trong nước, có khi là trên thế giới, đang tranh luận gay go.

Những vấn đề trên là thuộc về hình thức và phương pháp. Xin nói thêm vài điểm về vấn đề nội dung.

Gắn liền với công tác hàng ngày, tất nghiên cứu khoa học phải kết hợp chặt chẽ với tình hình hiện tại với thực tế của nước nhà. Nhà khoa học cố nhiên phải chú ý những vấn đề cần giải quyết trước mắt, nhưng vì nghiên cứu khoa học là một quá trình phức tạp và lâu dài cho nên nhà khoa học lại còn phải nhìn xa thấy rộng mà nhắm mắt giải quyết những vấn đề tuy không có lợi ngay trước mắt mà có lợi ích rộng rãi và xa xôi. Vì vậy cần phải tránh cái quan niệm thực dụng chủ nghĩa mà người ta nhận lầm là thực tiễn chủ nghĩa. Với tinh thần thực dụng chật hẹp thì không những là thiên văn học sẽ không cần mà đến nghiên cứu nghệ thuật thời Lý và nghiên cứu những trống đồng Lạc Việt cũng là những chuyện vô dụng. Muốn cho khoa học phát triển mạnh mẽ dồi dào, không nên chỉ đóng khung sự nghiên cứu vào yêu cầu của kế hoạch nhà nước từng năm mà phải nhắm cả yêu cầu của kế hoạch lâu dài. Vì thế nội dung của những ván đề nghiên cứu không nên bị gò bó chặt chẽ mà nên để cho người đương sự lựa chọn rộng rãi.

Cái điều kiện cuối cùng, mà không thể thiếu được, để cho học thuật phát triển là tự do tư tưởng, tự do thảo luận. Ở đây tôi không vạch ra hạn chế tự do tư tưởng nói chung vì những tác phong quan liêu bè phái, độc đoán là những cái đã tác hại nghiêm trọng trong mọi ngành công tác. Tôi chỉ muốn nhấn mạnh hai hình thức hạn chế tự do tư tưởng tác hại nặng nhất đối với học thuật là bệnh giáo điều và biến chứng của nó là bệnh sùng bái cá nhân. Đại hội thứ 20 của Đảng Cộng sản Liên Xô đã tố cáo những tác hại của hai bệnh ấy trong công tác tư tưởng và học thuật, nhất là về khoa học xã hội. Phần lớn các nhà công tác lý luận cũng như các nhà triết học, sử học chỉ là "nhắc lại những khuyến cáo, công thức và đề án cũ mà họ đã lật đi lật lại đủ chiều" (Mi-cai-an). Thậm chí người ta còn cho rằng "khoa học xã hội chỉ có thể phát triển nhờ những nhân vật phi phàm, các nhà học giả khác chỉ có việc là chú giải và phổ biến những tác phẩm của các lãnh tụ" (Kommounist). Ở nước ta thì bệnh giáo điều và sùng bái cá nhân lại còn trầm trọng hơn, khiến người ta, vô luận bàn về vấn đề gì, cũng đều phải bắt đầu dẫn những đề án của Mác-Ăng-ghen và Lê-nin, hoặc những ý kiến của Sta-lin hay các lãnh tụ khác, để, hoặc phát triển thêm những ý kiến ấy, hoặc g̣ò bó tài liệu, xoay sở thế nào để gán vào khuôn khổ của những công thức rút ra tự những ý kiến ấy. Xin chỉ một cái tỷ dụ gần đây. Như vấn đề phân kỳ của lịch sử Việt Nam và vấn đề hình thành dân tộc, chúng tôi nhận thấy rằng nhiều người nghiên cứu không dám có ý kiến gì mới ngoài những điều các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác hay các vị lãnh tụ đã nói về các vấn đề ấy. Bệnh giáo điều và sùng bái cá nhân lại dẫn thẳng đến cái tệ tư tưởng độc tôn: hễ thấy ai có ý kiến gì vượt ra ngoài những công thức cũ, những khuôn khổ sẵn có thì người ta chụp ngay cho những cái mũ dễ sợ, như cái danh hiệu cải biến chủ nghĩa chẳng hạn, những mũ như thế rất dễ bịt mồm bịt miệng người ta.

Tư tưởng không tự do thì không thể tự do thảo luận được. Mặc dầu không ai cấm tranh luận - các nhà lãnh đạo vẫn thường nói nên mở rộng tranh luận nhưng trong thực tế thì sự thảo luận đã bị thủ tiêu từ gốc rồi. Nghiên cứu hay nghị luận một vấn đề gì, nhiều người chỉ nơm nớp sợ không khéo thì chệch ra ngoài đường lối tư tưởng chính thống độc tôn. Đối với những người ấy, công tác học thuật trở thành trò xiếc leo dây. Con đường học thuật phải là con đường cái thênh thang mọi người tự do đi lại, chứ không phải sợi dây căng của người làm xiếc. Phải trừ bỏ những bệnh giáo điều và sùng bái cá nhân để trả lại tự do cho học thuật. Phải áp dụng chính sách "bách gia tranh minh" mà Đảng Cộng sản Trung Quốc thi hành đối với công tác nghiên cứu khoa học, cái chủ trương mà ông Lục Định Nhất đã giải thích rằng: "Tự do suy nghĩ độc lập, tự do tranh luận, tự do sáng tác và tự do phê bình, tự do phát biểu ý kiến của mình". Về điểm này tôi không thể nói gì hơn. Tôi chỉ xin nhấn mạnh rằng cái tự do chúng ta chủ trương đây, cũng như ý kiến của ông Lục Định Nhất, không phải là tự do theo lối tư sản, mà là tự do dân chủ trong nội bộ nhân dân.

Những vấn đề chúng tôi nêu trong bài này thì ở Trung Quốc người ta đã giải quyết tốt đẹp rồi. Về vấn đề trí thức thì bản “Báo cáo về vấn đề phần tử trí thức” của Chu Ân Lai đọc ở cuộc hội nghị bàn về vấn đề phần tử trí thức do Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc triệu tập hồi tháng 1 năm này đã nêu lên chính sách cụ thể của Đảng và Chính phủ, làm cho toàn thể giới trí thức Trung Quốc vô cùng phấn khởi và tin tưởng chắc chắn vào tương lai tươi đẹp của mình và của nước nhà. Về vấn đề phát triển học thuật thì bài nói chuyện của ông Lục Định Nhất hồi tháng 5 vừa rồi về chính sách “Bách hoa tề phóng, bách gia tranh minh” lại làm cho giới trí thức thấy cái đường lối công tác rộng rãi và đúng đắn, đảm bảo chắc chắn sự thực hiện cái nhiệm vụ mà Đảng và Chính phủ giao cho họ, trong hạn 12 năm phải làm cho Trung Quốc theo kịp trình độ khoa học tiền tiến của thế giới về những ngành quan trọng. Việt Nam chưa phải là một nước tiến bộ như Trung Quốc, cố nhiên giới trí thức Việt Nam cũng không đòi hỏi sự giải quyết vấn đề in hệt như Trung Quốc. Vấn đề của chúng ta nhất định phải giải quyết trên cơ sở thực tế của chúng ta. Nhưng chúng ta đã học tập Trung Quốc về nhiều phương diện, thì về phương diện này chúng ta cũng có thể học tập Trung Quốc để tìm cái hướng giải quyết vấn đề của chúng ta. Giới trí thức Việt Nam đương chờ đợi một sự giải quyết mạnh bạo và căn bản.

(Giai phẩm mùa Thu 1956 - Trang 33-46)

Nguồn: http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=9473&rb=