Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 14 tháng 3, 2016

Phục chế Napoleon

Maria Donovan

Hiếu Tân dịch

clip_image002

Maria Donovan (nhà văn Mỹ) sáng tác văn chương và viết thể loại không hư cấu. Tập truyện ngắn đầu tay của cô trong đó có truyện ngắn ‘Phục chế Napoléon’ được xuất bản tháng 3 năm 2007

Mùa hè ấy Napoleon Bonaparte bắt đầu mặc soóc, khiến Marjorie Cambell phải tự hỏi tình cảm của nàng đối với ông ấy là gì. Theo ý nàng chỉ có những cặp chân rất đẹp mới nên phô ra giữa phố phường như thế, và ngay cả khi ấy… Ngoài ra thật đáng thất vọng, trong số những phần thân thể để trần của Napoleon mà cho đến nay nàng đã nhìn thấy, thì đôi chân là kém hấp dẫn nhất: một mầu xám xịt bẩn bẩn, lốm đốm xanh, các đầu gối như những củ lạc khô…

Ông ta ngồi trong văn phòng trường Đại học, hai chân gác lên mặt bàn giấy phẩy phẩy hai bàn tay cho thấy là ông ta đang nóng. Suốt mùa thu, mùa đông, mùa xuân ông thường xuất hiện trong những bộ com lê cổ cao thanh lịch, mà Marjorie rất ngưỡng mộ. Ông đi đôi găng trắng để che giấu những ngón tay tàn tạ, và đi đôi giày cao cổ bằng da bóng loáng. Bây giờ ông lại đi đôi xăng đan, mà những đầu ngón chân thì đen sì.
Marjorie phải lòng Napoleon ít lâu trước khi ông phục hồi. Nàng thuộc loại đàn bà cứ phải yêu một ai đó. Đó là một chứng nghiện mà nàng muốn hạn chế bớt đi bằng cách chỉ tự cho phép mình say đắm những người đàn ông mà nàng không thể với tới.

Những người mà nàng ngưỡng mộ chủ yếu chỉ là những hư cấu. Họ đến thăm nàng khoảng năm phút trước giờ ngủ, nói những chuyện đúng mực và biết chính xác lúc nào phải im lặng. Hạnh phúc là ở chỗ có thể cuộn tròn thân mình và chìm vào giấc ngủ mà không phải nghĩ ngợi gì về những nhu cầu và mong muốn của một ai khác.

Điều tuyệt vời nhất là không cần phải quan tâm đến những người khác khiến nàng còn lại nhiều thời giờ để dành cho sự nghiệp của mình. Marjorie là nhà sử học, đặc biệt quan tâm đến Nội chiến nước Anh. Napoleon không phải là nhân vật đầu tiên của nàng bước ra từ lịch sử. Nàng luôn luôn có một chút bâng khuâng về Hoàng tử Rupert (đôi mắt nâu đáng yêu ấy, nụ cười bí ẩn ấy) và mỗi mùa hè nàng đều đến thăm chàng ở Bảo tàng Quốc gia về tranh chân dung.

Vào một dịp như thế nàng đi ngang qua hai người đàn ông trong những bộ đồ lao động rộng thùng thình, đang khiêng một bức tranh lớn vẽ Napoleon, đi dọc theo một hành lang dài. Nàng nhận ra ông nhờ chiếc mũ. Ông đang đứng quay lưng lại phía nàng, trên một bờ đá nhìn ra xuyên biển tối xẫm. Bầu trời bão tố đen kịt ngoài một giải sáng rực phía chân trời. Ông đang nhìn gì nhỉ? Nhìn mặt trời lặn ư? Hay nhìn bờ biển nước Anh dưới một rạng đông mới? Nàng nhận thấy đôi chân của Hoàng đế có dáng đẹp, thân hình ngài rắn chắc. Nàng không nhìn được mặt ngài, nhưng không sao. Ngày hôm đó lúc nàng rời bảo tàng mỹ thuật, Marjorie đã quên biến chàng Rupert và đâm ra yêu mê mệt những bắp thịt cuồn cuộn tham vọng và ý chí của Napoleon.

2.

Trở về nhà, nàng lục tìm trên mạng và thấy chứng cớ về cái khí chất say đắm của ông. Ông nóng lòng với cô dâu mới của mình, Marie Louisa (trước đó ông đã chinh phục và ruồng bỏ Josephine) đến mức ông phóng ngựa lên gặp nàng trên đường, chặn chiếc xe của nàng lại và nhảy tọt vào, người ướt như chuột lột vì mưa, để đòi hỏi quyền làm chồng của mình - trước khi lễ cưới được chính thức cử hành ở nhà thờ. Đúng là type người dành cho mình, Marjorie nghĩ.

Từ sau bữa đó, Hoàng đế nước Pháp đến thăm Marjorie nhiều lần. Ông đã phải nhiều lần lẻn ra khỏi các cuộc chiến tranh và giới lập pháp để đến với nàng, nhưng nàng xứng đáng được như vậy. Trong những giấc mơ của nàng luôn luôn là một Napoleon trẻ tuổi và mê say đến với nàng, chứ không phải cái ông Napoleon già, béo, chán ngắt chăm chỉ trồng rau ở đảo St Helena.

Nàng cảm thấy hơi có lỗi với Rupert. Nhưng bây giờ mọi sự đã qua, nàng có thể thừa nhận ở chàng có vẻ gì đó không chung thủy. Nàng luôn luôn nghi ngờ rằng chàng đã thầm cười nhạo nàng.

Cuộc phục hồi đời sống thực của Napoleon gây kinh hoàng cho Marjorie. Đầu tiên nàng biết đến nó là khi Tổ chức Ân xá Quôc tế khởi xướng một chiến dịch viết thư kêu gọi phóng thích cho tất cả những nhân vật đã được đưa trở lại cuộc sống bằng thí nghiệm. Rõ ràng là những việc sử dụng khoa học một cách bẩn thỉu như thế đôi khi có xảy ra, trong bí mật.

Nàng không muốn nghĩ rằng ông đã bị cầm tù trong phòng thí nghiệm, với những cuộc thẩm vấn, được trợ giúp bằng MI5. Nhưng nàng không chắc về việc ông có lại thân xác; dường như ông không còn là của nàng nữa. Tuy nhiên nàng tham gia phong trào và viết cho ông một thư riêng, mời ông đến thế kỷ 21. Nàng nhận được một lá thư trả lời đúng nghi thức. Ít tháng sau, Napoleon được thả và bắt đầu một sự nghiệp mới trên cương vị một cố vấn lịch sử quân đội Pháp.

Thế rồi điều ong tiếng ve bắt đầu. Trường Đại học, được tài trợ bởi Chính phủ Châu Âu, tặng ông bằng tiến sĩ danh dự để ghi nhận công lao của ông sau hồi phục trong việc nghiên cứu thời đại thuộc kiếp trước của ông (1769-1821). Người ta thì thào rằng nước Pháp không muốn ông, nước Anh không tin ông, và người Bỉ đã quyết định rằng Khoa Sử của trường Đại học Welsh là nơi mà người ta hy vọng ông gây tác hại ít nhất.

Khoa Sử và tất cả nhân viên của nó chen vào ngồi chật phòng phỏng vấn, khao khát được thấy mặt tiến sĩ Bonaparte mới. Mọi người hiểu rằng thủ tục tiếp nhận chỉ là hình thức, tên ông đã được ghi trong sách giới thiệu và các sinh viên đang được tuyển vào rất đông. Các đồng nghiệp chỉ tò mò muốn nhìn ông cho thật rõ, họ thấy buồn cười về cái việc tra khảo một con người nổi tiếng đến vậy.

3

Trông ông có vẻ quá tươm tất đối với một con người đã nằm gần hai trăm năm dưới mồ. Thật ra chóp mũi của ông đã bị hoại và bẹp dí trông chẳng hấp dẫn chút nào và các vành tai thì rách mướp. Nhưng đừng để ý đến chuyện đó, các bộ phận thân thể mới của ông đã được nuôi cấy trong các phòng thí nghiệm trên khắp thế giới. Ông đã được hồi phục dần dần từng tí một.

Đôi mắt mới của ông quan sát kỹ các khuôn mặt của bộ môn lịch sử. Ông nhìn chằm chằm Marjorie từ đầu đến chân khiến nàng đỏ bừng mặt. Rồi ông cố định cái nhìn của mình vào một điểm phía trên đầu nàng. Ông không nói gì cả. Lưỡi của ông còn đang được nuôi trên lưng một con chuột ở Milton Keynes và phải đợi ít nhất hai tuần nữa mới được giao về. 

Không ai nói gì. Không ai biết chắc ông có hiểu tiếng Anh không. Không ai dám nhắc nhở gì đến khoảng trống to tướng trong lý lịch của ông.

Marjorie muốn ông nhìn lại nàng lần nữa. Để “gặp ánh mắt” ông. Nghĩ thế nàng bắt đầu cười rúc rích.

Một cơn bão tố phẫn nộ nổi lên trên mặt Napoleon. Ông nhìn xuyên thấu nàng. Ông bật đứng dậy khỏi ghế và đi thẳng ra khỏi phòng.

Người ta chờ đợi xem vị Hoàng đế có trở lại không, nhưng ông không trở lại. Và sau vài phút cả đoàn người ào ào chạy theo ông.

Marjorie cố xin lỗi, nhưng Napoleon không cho nàng cơ hội. Ông không tỏ vẻ nhận ra nàng khi họ đi qua các cầu thang. Im lặng trong phòng photocopy. Ông đã được cấp văn phòng riêng. Vì ông không còn hệ tiêu hóa nữa, nên ông không cần phòng ăn. Chưa bao giờ ông ra xa khỏi tầm với của nàng như bây giờ.

Ông Hiệu trưởng bảo nàng, rằng Napoleon đã đến gặp ông và đưa một lá thư phàn nàn. Bằng thứ tiếng Anh đúng nhưng mơ hồ tối nghĩa, Napoleon tuyên bố rằng ông không quen bị xoi mói bởi một phụ nữ cười rúc rích.

Ông Hiệu trưởng thấy nhẹ người vì không cần phải nói tiếng Pháp, đưa cho ông một bản sao Chính sách Bình đẳng về Cơ hội của trường Đại học, rồi mỉm cười, cúi chào và chỉ cho ông cửa ra. Napoleon xé tan tài liệu ấy thành nhiều mảnh rồi ném xuống cầu thang.

Ông lui về văn phòng và dùng phần lớn thời gian để đọc sách và học cách lướt mạng. Ông còn phải học để bắt kịp nhiều thứ.

Marjorie cố quên ông đi nhưng không phải dễ. Ông quá xa cách, ông có vẻ quá ngạo mạn, tuy nhiên cứ mỗi lần gặp ông nàng lại cảm thấy bị sốc về cảm xúc. Nàng nhận thấy trong bản thân nàng những triệu chứng cổ điển của một người đàn bà đang yêu: nàng phát ra những tràng cười hô hố như lừa cái khi ông có ở trong phòng, nàng cố gây chú ý bằng cách lao bổ vào đường đi của ông và giả vờ trượt ngã, tệ nhất là nàng bắt đầu lờ các bạn bè của nàng – đúng như giữa hai người đang có mối quan hệ thật sự. Nàng nhìn thẳng ông mỗi khi ông nhìn nàng. Trái tim nàng rộn lên. Liệu ông ấy có một trái tim không nhỉ? Ôi, giá mà nàng tìm thấy trong ông cái gì mà nàng có thể khinh thường được.

4.

Bắt đầu vào học kỳ mới. Sinh viên lũ lượt kéo đến lớp của Napoleon, nhưng lưỡi của ông không được giao đúng lúc: con chuột ở Milton Keynes đang yếu đi, mô lớn lên rất chậm. Các nhà hoạt động vì Môi trường viết một bài báo trên tờ tạp chí của sinh viên, tờ Daff, phản đối việc khai thác sử dụng một con vật nhỏ nhằm mục đích duy trì xác ướp đắt tiền của Hoàng đế. Lẽ ra người ta không được để cho ông ấy ra khỏi mồ. Có chỗ cho ông ấy trong lớp học này không?

Những bài giảng của Napoleon vẫn tiến triển theo kế hoạch. Sinh viên vẫn tham dự rất đông dù cho ông im lặng. Ông cho các sinh viên đọc to lên những bình luận ông viết về Plutarch, về Iliad của Homer và cuộc đời của Alexander Đại đế. Ông quan tâm đến nhiều lĩnh vực và từ chối tự hạn chế trong bộ môn lịch sử được phân công. Lấn chiếm địa hạt đúng ra thuộc về các đồng nghiệp của ông, ông làm những bài giảng về công nghiệp hóa, về Cách mạng tháng Mười và Thế chiến thứ Hai. Ông bắt đầu viết một cuốn tiểu thuyết.

Trong khi những lời của ông được đọc to trong lớp, Napoleon đi bách bộ trong phòng học; trong các xêmine ông viết lên bảng và dùng một cây gậy dài thọc mạnh, mặt ông đầy biểu cảm. Các sinh viên của ông hoặc là yêu ông hoặc ghét ông. Một số say mê vì cái nhìn bốc lửa của ông và đôi găng trắng thanh lịch của ông. Số khác căm ông vì cái thói quen của ông bớp mạnh lên đầu chúng khi chúng không chú ý theo dõi.

Báo chí trong nước vồ lấy câu chuyện con chuột. Họ chạy những bài báo hằng ngày vẽ biểu đồ cái lưỡi của ông lớn lên và con chuột suy yếu đi. Các cuộc chạm trán trong hành lang giữa các nhóm sinh viên ủng hộ quyền được nói của Napoleon và nhóm ủng hộ quyền sống của con chuột có nguy cơ phá vỡ nếp sống êm đềm của ngôi trường Đại học.

5.

Trong bữa tiệc Giáng sinh của khoa, ông được vây quanh bởi những người cầu cạnh muốn được xuất hiện gần gũi với người nổi tiếng. Bộ đồng phục nghi thức của ông, được hoàn thiện với chiếc quần túm ống ở đầu gối, và chiếc nơ hoa hồng, khiến nhiều người tiếc rẻ đã không ăn mặc cho đỏm dáng.  

Marjorie khó chịu với cái ước muốn mạnh mẽ được gần ông, giữ một khoảng cách kính trọng. Nàng quan sát ông từ một góc xa của căn phòng. Trong cảnh tranh tối tranh sáng, nước da của ông ánh lên như ngọc trai. Ông không uống rượu không khiêu vũ. Marjorie ra nhảy để quên lãng. Hễ có ai mang cho nàng một ly rượu là nàng dốc cạn.

Vào khoảng nửa đêm sàn nhà ướt rượt vì bia. Một nhân viên kỹ thuật trượt chân lao vào một người khác. Họ tóm chặt lấy nhau, người này cố sức khóa cổ người kia. Không thèm để ý đến cuộc hỗn chiến, Marjorie đứng đu đưa thân mình, cho đến khi hai người vật nhau lao vào người nàng, đẩy nàng ngã xuống sàn.

Nàng ngước nhìn lên thì thấy một đôi chân ngắn trong đôi tất bằng satanh trắng. Đó là Napoleon, đang đứng quay lưng về phía nàng như thể nàng là một vật chướng ngại. Ông liếc nhìn hai chàng trai và giơ ba toong chỉ Marjorie. Họ ngượng ngùng buông nhau ra và lướt đến bên quầy rượu.

Napoleon quay lại và cúi xuống đưa một bàn tay cho Marjorie. Nàng không dám kéo những ngón tay đeo găng trắng của ông mà chỉ nhẹ nhàng nắm lấy chúng trong khi vươn mình đứng dậy. Được hơi rượu làm cho mạnh bạo, nàng quyết định không buông cho đến khi nào ông tự buông ra. Napoleon đỡ lưng nàng đưa đến bên bàn của ông, khiến nhiều người đứng dậy do vậy nàng có thể ngồi xuống bên ông.

“Cám ơn” Marjorie mấp máy môi, vì tiếng ồn quá lớn nên không nói được nhiều.

“Chính tôi là người được hân hạnh”, Napoleon mấp máy môi trả lời. Lần đầu tiên ông mỉm cười với nàng, phô hàm răng mới trắng đẹp hoàn hảo.

Vào dịp Giáng sinh con chuột chết. Tin này đi vào những bản tin cuối ngày. Napoleon lúc đó đang ở Nam Mỹ để thay các vành tai, nhận được cảnh báo về những rắc rối có thể xảy ra ở sân bay. Ông giấu tên đi sang Canada, tại đó ông kiếm được một cái mũi mới và mấy đầu ngón tay, trước khi bay trở lại Heathrow vào đêm giao thừa. Marjorie tình nguyện ra đón ông. Nàng đã trải qua một thời gian lo lắng một mình, tự hỏi không biết liệu ông có trở lại không. Máy bay của ông hạ cánh đúng trước giao thừa, và ông đã thoát được qua cửa hải quan trong khi những người biểu tình đang hát Auld Lang Syne. Trông thấy Marjorie ông buông rơi chiếc cặp da lao đến ôm hôn nàng.

6.

“Ôi Napoleon, em rất mừng là anh đã về”, Marjorie nói.

Trông ông thật rực rỡ. Ông quay đầu để khoe hình nghiêng của ông đã được phục hồi, và bỏ găng ra để nàng có thể chiêm ngưỡng những ngón tay mới tuyệt vời. Nàng cầm tay ông và xem xét kỹ.

“Ôi, tuyệt quá”, Marjorie nói.“Em rất mừng cho anh”   

Sau một cuốc xe dài xuôi theo đường M4 nàng định đưa ông về nhà nghỉ của ông. Nhưng đường phố bên ngoài đầy chật những nhà hoạt động vì quyền của súc vật kết hợp một cuộc biểu tình ngồi với một tiệc mừng Năm mới. Trên phố không còn chỗ lọt chân. Nàng đành đưa ông về chỗ nàng.

Nàng muốn nhường giường cho ông và dọn cho mình chỗ nằm ở một ghế sofa, nhưng ông lắc đầu, ra hiệu nói rằng ông không cần ngủ. Ông để cả đêm đọc sách trong kho sách của nàng. Sáng ra trên sàn nhà la liệt những sách. Ông pha cho nàng một bình cà phê nóng và ngồi bên mép giường trong khi nàng uống.

Sang tháng Giêng những người phản đối hướng chú ý sang các phòng thí nghiệm. Sau đó có một vài vụ đánh bom và chính phủ phải tự hỏi liệu Napoleon có đáng để họ chịu những rắc rối đó không.

Lần lượt các cơ sở nghiên cứu trên khắp thế giới bị hăm dọa phải ngưng những cố gắng của họ giữ Napoleon nguyên vẹn. Đã đến lúc để cho Tự nhiên được làm theo ý mình. Trường Đại học không bằng lòng. Ông vẫn còn một năm rưỡi giảng dạy theo hợp đồng. Đã có những phàn nàn rằng gần đây ông bắt đầu nghỉ ốm quá nhiều. “Về phương diện kỹ thuật ông ta vẫn là người chết”, từ trong góc của mình trong phòng họp hội đồng Marjorie bảo vệ ông.

Ông Hiệu trưởng chú ý đến quan hệ đặc biệt của nàng với Hoàng đế và yêu cầu nàng đảm bảo cho ông tình trạng sức khỏe tốt nhất có thể. Nàng một mặt vui mừng vì có dịp gần gũi hơn với ông, mặt khác lại lo lắng về trách nhiệm của mình.

Nàng chuyển ông sang phòng thể dục và cố gắng giữ nguyên hình dạng của ông. Nhưng không có sự tái tạo nhân tạo vào đầu mùa hè ông bắt đầu thối rữa trông thấy. Những bộ phận mới của ông bị hư hại nhanh hơn những phần được bảo quản bằng quá trình ướp xác. Khi hai trong số những ngón tay của ông bị dính chặt vào thiết bị, Marjorie quyết định ông phải từ bỏ chúng đi.

7.

Bác sĩ nói rằng stress đang đẩy nhanh quá trình suy sụp của Napoleon nên Marjorie đưa ông đến các lớp Yoga. Ông học cách giả vờ hít vào thở ra. Ông học cách nói “Hah!” Ông học cách vuốt không khí như một con mèo. Hình như điều đó làm ông thư dãn: khi huấn luyện viên nói ông có một cái cây mọc bên trong người, Napoleon không cãi, ông chỉ ngáp. Marjorie thấy mồm ông mở rộng mãi rộng mãi trong khi những chiếc răng hoàn hảo vẫn cắn chặt. Khi hàm của ông mở ra hết cỡ, nàng nín thở, sợ rằng những răng giả của ông sẽ rời ra và rơi lóc cóc xuống sàn.

Vào tháng Sáu ông mất hết ý chí muốn giữ lại sự nguyên vẹn thân thể và tinh thần. Ông đi lạch bạch trong văn phòng của mình mặc chiếc quần soóc rộng lùng thùng và để lộ ra sắc xám xịt của da thịt. Nàng rất muốn có thể tiếp tục tin tưởng ở ông.

Cuối học kỳ ông vào với nàng, ông muốn có người chăm sóc ông. Vậy là buổi tối khi nàng đang viết bản luận án của nàng về tội giết vua, nàng để cho ông nằm ngả đầu trên đùi nàng. Khi nằm xuống ông không đến nỗi thấp lùn. Khi bỏ rèm xuống trông nước da ông không đến nỗi xám xịt. Thân thể hang hốc của ông sạch và không mùi, y như hai trăm năm trước. Nhưng chiếc mũi mới của ông bắt đầu rữa ra và sinh viên bắt đầu ca thán về mùi mà nó sinh ra trong lớp học.

Ông chuyển cho nàng một tờ giấy trên đó ông viết: “Tôi mất hết đam mê, Marjorie ạ. Tôi không còn cảm thấy rạo rực ham muốn nữa”.

Nàng vuốt phần còn lại của mớ tóc ông. Nàng hiểu rõ ông muốn nói gì.

Bản Tiếng Việt ©: 2009 Hiếu Tân