Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 12 tháng 3, 2016

Câu Chuyện kể năm 2000 của Bùi Ngọc Tấn

Thụy Khuê

Bùi Ngọc Tấn sinh năm 1934 tại Câu Tử, Hợp Thành, Thủy Nguyên, Hải Phòng. Bố là ông Bùi Ngọc Lung (1906-1985) và mẹ là bà Bùi Thị Vĩnh (1904-1990).

Ông bắt đầu viết văn, làm báo từ 1954. Cùng lớp với Lê Bầu, Lê Mạc Lân (con Lê Văn Trương nhưng không bao giờ dám nhắc đến cha), Vũ Thư Hiên, Nguyên Bình, Vũ Bão... Truyện ngắn đầu tay gửi dự thi báo Văn Nghệ, Chị Trúc được Tô Hoài khen hay, nhưng không được in và cũng không được giải vì nói đến những mất mát của chiến tranh “hơi quá liều lượng”.

Vào làm phóng viên báo Tiền Phong, chuyện kỳ cục đầu tiên ông nhận thấy là người ta cấm nhà báo viết văn, muốn viết, phải viết chui, ký tên khác. Thế hệ ông, nhiều người bạn đã mắc vòng hệ lụy: như Bùi Minh Quốc, Vũ Thư Hiên, Phù Thăng, Vũ Bão...

Chuyện kể năm 2000 là một tự truyện: Hắn, Nguyễn Văn Tuấn, tù nhân số CR880, nhân vật chính trong truyện chính là Bùi Ngọc Tấn. Nhiều nhân vật khác vẫn giữ tên thật. Tác giả đổi một vài tên đã xuất hiện trong tập hồi ức văn học Một thời để mất (nxb Hội Nhà văn, 1995), chủ yếu viết về Nguyên Hồng, nhưng qua đó người đọc có thể biết rõ về môi trường sinh hoạt văn học của lớp người cùng lứa tuổi với tác giả và không khí sáng tác theo “đúng đường lối của Đảng” thời 1960-65. Bùi Ngọc Tấn quý trọng sự nhìn xuống những người dưới đáy của Nguyên Hồng trong Bỉ vỏ. Kết thân với Nguyên Hồng từ những ngày viết văn làm báo tại Hải Phòng.

Bị đi cải tạo 5 năm (từ 1968 đến 1972), im lặng hơn 20 năm (từ 1968 đến 1989), rồi xuất hiện lại trên tạp chí Cửa biển, hè 1989, với một bài viết về Nguyên Hồng, sau trở thành tập hồi ức Một thời để mất, và sau đó là hai tập truyện ngắn: Những người rách việc (nxb Hà Nội, 1996) và Một ngày dài đằng đẵng (nxb Hải Phòng, 1999).

Bùi Ngọc Tấn viết Chuyện kể năm 2000, từ tháng 6/1990 đến 30/11/91. Bản thảo được xem lại lần cuối, tháng 8/98. Tác phẩm được viết lại nhiều lần trong thời gian 9 năm, điều đó giải thích khía cạnh nung nấu, chín mùi về cấu trúc hình thức và nội dung văn bản.

Trong Chuyện kể năm 2000, tác giả nói đến hơn ngàn trang pelure bản thảo chữ nhỏ li ti, bị bắt làm tang vật cho vụ án, gồm những tác phẩm: Hải đăng, tiểu thuyết; Hoa cau, truyện dài; Làn sóng thứ nhất, tiểu thuyết; Những người đang sống, kịch bản phim; Những chuyện trên một vùng cửa biển, truyện ngắn; Đầu cầu, trường ca, v.v.

Những tác phẩm được phép xuất bản sau 2000: Rừng xưa xanh lá, ký, 2004; Kiếp chó, truyện ngắn, 2007; Biển và chim bói cá, tiểu thuyết, 2008.

Biển và chim bói cáChuyện kể năm 2000, được Nghiêm Phong Tuấn dịch sang tiếng Pháp, dưới bút hiệu Hà Tây.

Thời biến đổi gien được Tiếng Quê Hương in tại Hoa Kỳ, 2015.

Bùi Ngọc Tấn mất ngày 18/12/2014 tại Hải Phòng vì khối u ác tính ở phổi.

 

Tại sao lại 2000?

Con số 2000, đối với người đọc đầu tiên ngấu nghiến cuốn sách mới xuất bản là một hồ hởi nhủ thầm: Đổi đời rồi! Từ nay, ta có thể đọc một cuốn sách như thế này, rồi sẽ có nhiều cuốn sách như thế này nối tiếp!

Con số 2000, còn mở đầu cho một thế kỷ, mở đầu một kỷ nguyên mới, một hy vọng cho văn học Việt Nam: Từ nay sẽ không còn cấm kỵ, sẽ không còn kiểm duyệt.

Con số 2000, đối với Bùi Ngọc Tấn, có lẽ, là tổng hợp những nguồn vui, những hy vọng. Nhưng tất cả đều lên đoạn đầu đài, một tháng sau, khi nhà xuất bản Thanh Niên, nhận được thông cáo:

Ngày 16/3/2000, Bộ Văn hóa Thông tin đã ra quyết định số 395/QĐ-BVHTT, đình chỉ phát hành và thu hồi, tiêu hủy cuốn Chuyện kể năm 2000 của tác giả Bùi Ngọc Tấn do nhà xuất bản Thanh Niên xuất bản vì đã vi phạm khoản 1 và 2, điều 33, luật xuất bản”. (Báo Tin tức số ra ngày 17/3/2000).

Một bản án tử hình cho một tác phẩm vừa công bố. Chính xác hơn: những con chữ của Bùi Ngọc Tấn bị tiêu hủy, theo lệnh của Bộ Văn hoá Thông tin.

Nhưng chữ là một thực thể lạ kỳ.

Con người có thể bị tù, bị xử bắn. Chết là hết chuyện. Con chữ thì không.

Chữ chỉ là những nét nhỏ bé, viết mực trên giấy hay gõ trên máy tính. Chữ đi thẳng từ óc kẻ viết tuôn ra, nó không có khả năng kháng cự với những bàn tay thô bạo, những khối óc vô hồn, thậm chí chữ không có khả năng làm bất cứ một việc gì.

Chữ là một vi sản trong các di sản của con người, nó không chiếm chỗ trong không gian, nó bé nhất, yếu nhất trong số những nạn nhân hiện hữu trên đời: khi bị hành hạ, những thực thể nhỏ tý như côn trùng, con sâu, con kiến, cũng có phản ứng, chúng quằn quại trước khi chết. Nhưng chữ thì không. Hoàn toàn không phản ứng. Chữ tuyệt đối im lặng. Dù bị kết án tử hình, chữ cũng làm thinh. Bất động.

Nhưng sự im lặng nào cũng đáng ngờ. Bởi làm thinh cũng là một thái độ. Làm thinh là không chấp. Làm thinh vì biết mình, biết người. Chữ làm thinh vì biết được sức mạnh nội tâm của chính nó. Chữ làm thinh vì biết mình sẽ sống dài, sống mãi, sau khi những kẻ hành hạ nó đã khuất. Chữ nằm yên trong sách, bất động, như chết, nhưng nó có thể thức dậy bất cứ lúc nào, mỗi khi có một người cầm cuốn sách đọc. Chữ có khả năng sống lại, khi có người nhìn nó. Lúc đó, nó sẽ không làm thinh nữa mà nó thì thầm trong tai người đọc, nó kể cho y nghe, nó bắt y phải suy nghĩ, nó làm y thay đổi cách nhìn, nó có một quyền năng vạn lực mà không một nhà cầm quyền nào đạt được. Chữ làm thinh vì nó biết được cái vĩnh cửu trong giá trị nội tại của có, giá trị nằm ngoài những thô bạo của lịch sử, trên những mu muội của con người.

Những con chữ trong Chuyện kể năm 2000 của Bùi Ngọc Tấn cũng thế. Chúng hiền lành như người sinh ra chúng, có đôi mắt ngơ ngác như mắt nai, mở ra ngạc nhiên trước thế sự, nụ cười ngay thật, tạo nên những nét nửa quê nửa tỉnh, đặc sản Hải Phòng. Và Hải Phòng đã có Văn Cao, rồi lại Bùi Ngọc Tấn.

Như đường về mê ngục. Như bước xuống âm ty. Chuyện kể năm 2000 mở cửa Goulag Việt Nam. Một Goulag thâm u, tiền sử, nhuần nhuyễn bản chất Đông phương, không sôi nổi bạo tàn, không máu mê tra tấn như Goulag Tây phương. Ở đây là sự tịch mịch Á châu. Ở đây là cõi toàn trị phương Đông, Goulag thầm lặng, nhưng vô cùng hữu hiệu bởi người tù cải tạo đã chết khi còn đang sống. Đó là tư tưởng chủ đạo và sâu xa nhất của Bùi Ngọc Tấn trong tác phẩm Chuyện kể năm 2000.

Trong khoảng mười năm, từ 1990 đến 2000, tiểu thuyết Việt Nam đã trải qua thời kỳ xuyên sa mạc. Sau những Thời xa vắng, những Bên kia bờ ảo vọng, những Nỗi buồn chiến tranh, những Bến không chồng, v.v. của thời kỳ đổi mới, văn học trong nước chuyển sang thời kỳ hậu đổi mới, nhưng cũng là thời kỳ tụt hậu mười năm: trừ một vài trường hợp hạn hữu như Nguyễn Bình Phương, nhiều người nói đến sự tuyệt chủng của thể loại tiểu thuyết.

Chuyện kể năm 2000 xuất hiện như sự trở mình của thần long ngủ trong lòng biển. Sự trở mình này, trước tiên tùy thuộc ở những cố gắng, những can đảm của nhà xuất bản, của một người, và đây là nhà xuất bản Thanh Niên, do Bùi Văn Ngợi trách nhiệm. Điều này chứng tỏ khi người xuất bản có lương tâm văn học, những tác phẩm xứng đáng vẫn được chào đời. Công trạng này sẽ được văn học sử ghi nhận.

Tác phẩm của Bùi Ngọc Tấn không phải là một cuốn tiểu thuyết bình thường mà là một tác phẩm có tầm vóc lớn. Vừa ra đời nó đã là một tác phẩm classique, cổ điển, trong cái nghĩa đẹp nhất của hai chữ “cổ điển”. Cổ điển như Những người khốn khổ (Les Misérables) của Victor Hugo hay Dịch hạch (La Peste) của Camus, bởi nó đã bao trùm lên được nỗi thống khổ của con người trong xã hội toàn trị.

Từ trước đến nay, độc giả – nhất là độc giả ngoài nước – đã được đọc nhiều hồi ký cải tạo của những người cầm bút ở hai miền Nam Bắc. Mỗi tập hồi ký đều nói lên những khía cạnh khác nhau của đời tù cải tạo, biết được đại cương đời sống vật chất và tinh thần ở trong tù.

Nhưng thể hồi ký, luôn luôn gò bó người viết trong một tư thế nhất định của cái tôi chủ quan, tác giả bắt buộc phải đưa ra những nhân vật thực, việc thực, người thực, đôi khi nghèo nàn, giết chết sáng tạo.

Sự lựa chọn thể tiểu thuyết, nơi Bùi Ngọc Tấn, là một lựa chọn độc sáng. Ở thể văn tiểu thuyết, nhà văn có thể tung hoành, bước vào thế giới mộng tưởng để đến với nghệ thuật, sống với nhiều cái tôi, đứng trên muôn vàn khía cạnh để rọi những lăng kính khác vào cuộc đời Goulag.

Hắn là Tuấn, Nguyễn Văn Tuấn, nhân vật chính trong truyện, tù số CR880, là tổng hợp của nhiều hắn khác trong một đời tù. Những bạn tù của hắn, mỗi danh xưng: Già Đô, Vũ Lượng, A Thềnh, Lê Bá Di, Triều Phỉ... cũng lại là tổng hợp của nhiều nhân vật khác nhau trong nghìn đời tù. Những khuôn mặt công an, quản giáo: Ông Trần, ông Lan, ông Thanh Vân... tiêu biểu những khuôn mặt có thẩm quyền trong cơ chế toàn trị.

Qua câu chuyện của hắn người ta đọc thấy, không chỉ những trầm luân của một Tuấn hay Tấn mà người ta còn nhìn thấy cả một thế hệ “được đi thực tế” trước hắn, những Đang, Loan, Dần, Cầm, Quán, Đạt... và thế hệ “được đi cải tạo” sau hắn như Chương, Sỹ, Tuyền, Yên, Tưởng...

Bi kịch của hắn chỉ kéo dài 5 năm.

Bi kịch của những người không-phải-hắn, kéo dài có khi gấp hai, gấp ba. Vậy mà chỉ cần đọc “tiểu sử” hắn ta đã rụng rời:

Bọn hắn là một lũ tội phạm. Mỗi người một kiểu khác nhau, nhưng cùng phạm những tội ác với nhân dân, với cách mạng, với Đảng. Bọn hắn là địch. Còn nguy hiểm hơn địch. Pháp, Mỹ, mũi lõ mắt xanh, cầm súng bắn vào nhân dân, ai cũng nhận ra. Nhưng bọn hắn khó nhận diện hơn, nên càng nguy hiểm. Tội lỗi ấy không đáng được đối xử như những con người. Không đáng thở bầu không khí chung với nhân dân. Không đáng được gọi là người Việt Nam, một dân tộc anh hùng. Dân tộc xấu hổ vì bọn hắn. Tuy nhiên Đảng vẫn tin tưởng ở cái phần người còn lại trong mỗi kẻ bọn hắn. Đảng nhen nhúm chút phần còn sót lại ấy. Và bọn hắn được đối xử đúng như vậy. Con trâu cày, con lợn giống còn được các ông quản giáo vỗ về, vuốt ve, tình cảm. Bọn hắn, không ai dám mơ tưởng đến hạnh phúc lớn lao ấy. Một lời động viên thông cảm cũng không dám màng. Không được như những cây rau. Luống rau cải bắp, luống rau muống có sâu, hắn phải đem bình vô-pha-tốc ra xịt ngay. (Bọn hắn ốm thử đi xin viên thuốc ở chỗ ông Chắn, công an y tá xem) Gặp ai cũng phải gọi là ông, là bà. Gặp bà công an kế toán bế con trai lên bốn đi chơi, là phải kính cẩn:

- Bà với ông đi chơi ạ!

(Quyển I, t. 88-89, NXB Thanh Niên, 2000)

Bọn hắn” là những ai? Vô kể: những kẻ được liệt vào thành phần phản động, những kẻ bị quy kết là bôi đen chế độ.

Bọn hắn là những tù chính trị, tù tu tưởng, tù công giáo có, tù nhà văn có, nhà báo có, cộng có, ngụy có, Việt kiều có, nông dân có... tất cả được giam chung với tù hình sự, đào ngũ, trộm cắp, giết người... Chỉ khác là tù hình sự thì may mắn có án rõ ràng, 5 năm, 7 năm, 10 năm...

Bọn hắn là tù không án, tức là đi mút mùa, không biết ngày về, không biết tội trạng của mình, tuy được gọi bằng những chữ đẹp đẽ nhẹ nhàng “đi tập trung học tập cải tạo” chứ không phải đi tù.

Khi hắn được tha, bước trên đường phố Hà Nội, hắn đã nhận thấy những khuôn mặt quen quen, tất nhiên đây chỉ là ảo tưởng của hắn. Nhưng có lẽ không hẳn là ảo tưởng: Trại hắn có khoảng 1000 người, 1000 khuôn mặt diễn hành qua mắt hắn trong 5 năm (khoảng 2000 ngày), đủ tạo nên một “thế giới” gồm hai triệu khuôn mặt, lún sâu vào tiềm thức, rồi chôn vào vô thức của hắn. Ấy là chưa kể những khuôn mặt nằm ngoài phạm vi hắn nhìn thấy, ở những trại khác, thời điểm khác.

Chưa thống kê nào cho biết có bao nhiêu con người đã sống đời Goulag Việt Nam, nhưng qua câu chuyện kể năm 2000 của hắn, tù nhân số CR880, những hạng sous-homme,dưới người” này không phải là ít. Sau Goulag, hắn buồn rầu nhận thấy: “Mình đã bị tiêu diệt. Tiêu diệt hoàn toàn.

Chín trăm trang sách, đúc kết một đời người, nhiều đời người trong một. Đây không chỉ là chuyện tù ngục, lưu đày. Đây là những mảnh đời bị xé nát, trù ếm, giẫm đạp của người tù và của cả những người không-bị-tù, tức là những người có tương quan bạn hữu, máu mủ, thân thiết với người tù.

Đây là cuốn sách viết về tình yêu, lòng nhân ái, viết về sự thủy chung, về sự phản bội, về nhân phẩm, về tự do, về nhân bản. Một cuốn sách trùm phủ lên những đề tài muôn thuở về con người. Nhưng có lẽ điểm độc đáo nhất là người viết, ở đây, đã trực tiếp nhận trách nhiệm của mình trong sự tác thành cái guồng máy toàn trị đã nghiền nát mình. Và đó là chỗ lớn lao của tác phẩm: Bùi Ngọc Tấn đặt vấn đề trách nhiệm.

Nếu tất cả mọi người đều nhìn nhận trách nhiệm của mình, không dựa vào Bác, vào Đảng, vì “Bác-Đảng” thực ra chỉ là những thực thể không thể sờ mó được. Bởi vì Bác, đã chết từ 1969, và Đảng, một tổ chức, chỉ có cái tên, không thể lãnh trách nhiệm thay cho những con người hành động và quyết định. Bao giờ trách nhiệm cũng về phía con người. Trong những dòng cuối của cuốn tiểu thuyết, Bùi Ngọc Tấn đã viết rất sâu sắc về cái quyền uy vô hình và trách nhiệm đè nặng lên mỗi cá nhân:

Ai cũng có một người vô hình để mà trình bày, để mà sợ sệt và thầm cãi lại. Người vô hình luôn bên cạnh mỗi người như hình với bóng, cả trong giấc ngủ. Nhưng thật ít người dám vùng lên chống lại, vì cái giá trị phải trả thường là cuộc đời, là sinh mạng.

Cái người vô hình mà Bùi Ngọc Tấn nói đến ở đây, phải chăng chính là con khủng long toàn trị mà mỗi cá nhân, trong đó có hắn, đã tạo ra, đã nuôi nấng, đã vỗ cho lớn mạnh, để nó nghiền nát chính mình?

*

Ở tập trường ca Đầu Cầu, sáng tác những năm 60, đã thấy những tín hiệu của một nhà văn nhìn xuống đáy, tìm đến những nỗi đau thực của con người trong chiến tranh, âm thầm phản đối chiến tranh và những hồi còi lệnh giục giã lên đường:

[...] Đầu cầu xe về

Nước sôi trong két

Anh lái xe mắt xếch

Tắt máy chờ qua sông

Đầu gục vô lăng

Tranh thủ

Ngủ

Giấc ngủ treo bao ngày đêm mỏi rời mi mắt

Giấc ngủ đợi chờ vụt biến đi đâu

Khi đến đây đầu cầu,

Đáy vực không gian sâu thăm thẳm,

Sương rơi nắp ca-pô

Sương rỏ giọt ngoằn nghèo kính cửa,

Sương Hải Phòng ướt bụi Trường Sơn,

Sương buông thanh bình như ngàn năm trước sương buông

Anh lái xe, dựa vô lăng nghe đất trời yên lặng.

Nghe máu mình khe khẽ thái dương.

Dốc cầu

Còi.

Hiệu lệnh

Lên đường!

(Một thời để mất, t. 105, nxb Hội Nhà văn, 1999)

Chuyện kể năm 2000 là một tác phẩm nhìn xuống những người dưới đáy vực bằng cách giao hòa hai yếu tố: thực tạimộng du. Thực tại trong tù và mộng du ngoài tù.

Tác phẩm ban đầu có tên là Mộng Du. Mộng du là hình thức tự do trong trạng thái nguyên thủy và là cơ nguyên của sáng tạo.

Cấu trúc tiểu thuyết của Bùi Ngọc Tấn là sự giao thoa giữa tự dotù ngục, làm bật ra những nét tương phản giữa tự dotù ngục. Sự giao thoa này đưa đến những nhận xét kinh hoàng: Con người, một khi đã bị cải tạo, khi trở về, “anh đã đánh mất mùi anh trên những sàn đá lạ”.

Như Hoàng Hưng, hắn đã “đánh mất mùi mình, hắn bị mùi tù ngục pha vào óc, vào máu, biến trở thành những chấn thương nội tại, và khi ra khỏi tù, hắn sẽ không thể rửa được óc, máu mình. Hắn vẫn tiếp tục sống với những người bạn tù cùng khổ, trong một cõi mộng du khác. Cũng như, trong khi ở tù, chính cõi mộng du đó, đã hồi sinh hắn, cho hắn sống với người thân tại ngoại.

Tác phẩm nói lên cái nội dung cải tạo như người ta đã nói mà chưa từng nói như thế bao giờ.

Mà nội dung chính của cải tạo là triệt hạ nhân phẩm.

Bằng cách đối xử: Hạ nhục người tù xuống mức độ dưới người. Gặp bà công an bế con trai lên bốn đi chơi, phải kính cẩn: Bà với ông đi chơi ạ! Nhất cử nhất động phải xin phép: Báo cáo ông, tôi, Lê Bá Di, tù số 127 vào nhà mét đi đái.

Ngôn ngữ tù phản ánh một trạng thái hết sức khôi hài: chào mẹ con bà công an là ông: mẹ con trở thành đồng hạng. Hay báo cáo ông để được đi đái: lễ phép (xin phép) lẫn lộn với thô thiển (đi đái). Thứ ngôn ngữ trần trụi này đã nói lên bản chất phi lý, đảo lộn luân thường, trong nội dung cải tạo.

ĐóiThời gian là hai yếu tố khác, góp phần đắc lực triệt hạ nhân phẩm: Ngoài công tác khổ sai thứ nhất như gánh phân, bốc bùn, xẻ nứa, làm rẫy, v.v. còn có Đói.

Đói là khổ sai thứ nhì. Đói đến vồ được thứ gì cũng nhét vào miệng: từ con ếch, con nhái, con dế, con chuột, đến quả ớt, lá ráy... A Thềnh chết vì ăn cắp ớt. Đói triền miên. Đói trong lúc ăn. Đói trong lúc ngủ. Đói là sự triệt hạ nhân phẩm bằng thực phẩm. Đói khiến tù phải hạ mình, phải tố giác nhau vì miếng ăn. Tiếng chim “khó khăn”, “khắc phục”, “còn khổ”, tiếng chim “ối con ơi!” cất lên như tiếng định mệnh của người tù dội về từ kiếp khác.

Nhưng yếu tố ghê gớm hơn cả vẫn là thời gian: thời gian vô định của người tù cải tạo, người tù tư tưởng. Không có ngày về. Không biết ngày về. Cái thời gian tàn bạo này có thể giết người không gươm giáo. Nhưng cái nhà tù nguy hiểm nhất là nhà tù trong óc, nhà tù “vượt thời gian”, được Văn Cao diễn tả qua những câu thơ bất hủ:

Cái bức tường lê từng bước một

Đến gần chân chúng tôi hàng ngày

Chúng tôi nhìn chậm chạp

Chậm chạp một cái chết

Thời gian đang héo thời gian đang rụng.

Nhưng đối diện với những phần tử triệt hạ con người là đóithời gian, người tù vẫn có thể tìm được lối thoát, tìm được liều thuốc hồi sinh: Mộng du. Mộng du chính là sáng tạo. Mộng du về với người thân, về với người yêu, cõi mộng du ấy đã giúp người tù sống được trong cõi chết. Đời tù chia làm hai ngăn: Ngăn thực tế, hiện tại là đói rét, nhục nhã. Ngăn mộng tưởng là những phút “mặc niệm người thân”, lấy chút dưỡng khí của tình yêu của gia đình, tiếp vào khí quản:

Đầu gối lên cùm sắt gỉ han

Nghĩ tóc em xanh mười chín tuổi

Mái sương đêm những vì sao Hà Nội

Trong nhật ký anh

Tóc em xanh trang nhật ký

Nhưng ngay trong phút mộng du êm dịu tha thiết đó, sự phũ phàng luôn luôn rình rập:

Trong hồ sơ mật an ninh

Cả đến tình yêu chúng ta cũng bị nhục hình

Cắn răng lại, em ơi, đừng khóc.

(Quyển I, t. 187)

Rồi đến khi người vợ “góa sống” vượt đồi núi, vượt đạn bom, đến thăm chồng, “em đem suốt nghìn đêm thương nhớ lại và “anh giết dần từng giây địa ngục chờ em, thì hạnh phúc lại trở lại như một ân huệ, một thiên đàng trong vòng ngục tối.

Chính mộng du đã cứu sống người nghệ sĩ. Cung Trầm Tưởng cũng nói như vậy: Nếu không có nó – tức mộng du hay sáng tạo – thì tôi đã tự tử rồi.

Mộng giúp hắn sống lại những giờ phút thiêng liêng nhất của cuộc đời: sống hoang toàng, xả láng với hạnh phúc, từ những nhục cảm đầu đời, đến những giây phút cực cùng với bạn tù trong cõi chết.

Nhưng cũng chính cõi mộng du ấy lại triệt hạ con người, sau Goulag. Nó buộc hắn, dù đã được thả, phải trở lại với thế giới trong tù, với những người bạn còn đang dưới đáy. Nó là một thứ lương tâm, tàn ác không thể loại trừ. Nó theo đuổi hắn như một bóng ma. Những kẻ đã thoát, không thể quên được những bộ xương còn nằm dưới đáy vực.

Chính cái lương tâm nhân loại ấy đã dấy lên, đã bắt hắn phải viết, phải làm chứng cho những linh hồn oan khuất, vội đi, không kịp để lại bút tích về sự hiện hữu của mình trên trái đất.

Bùi Ngọc Tấn đã dùng tâm, não, xương, thịt, đời tù của mình để cấu tạo tác phẩm. Trọng lượng cây thánh giá của người tù trên đường hành hương vào cõi chết đã được tác giả mổ xẻ, cân đo, phân chất đến cội nguồn của cội nguồn, gốc gác của gốc gác.

Ngay từ khi nghe lời tuyên bố “lịch sử”: “Anh Nguyễn Văn Tuấn, hôm nay chúng tôi đến bắt anh đây, rồi qua những cửa ải đầu tiên bản dạo đầu, xà lim, cung vấn Nguyễn Văn Tuấn, rồi lại xà lim, lại chờ, cho đến lúc nhận tội.

Anh không nhận tội à? Đã có thời gian: Anh không nhận chúng tôi cứ chờ. Chúng tôi kiên trì, chúng tôi có thời gian hậu thuẫn. Cái thứ thời gian ác ôn ấy, đã chôn vùi hàng vạn đời người.

*

Hậu Goulag.

Với những người về như Hoàng Cầm: mỗi lần nghe tiếng phanh ô tô rít lại trước cửa nhà, là anh giật mình co rúm lại, trốn vào gầm giường.

Với những người về như Hoàng Hưng:

Người về từ cõi ấy

Bước vào cửa người quen tái mặt

Người về từ cõi ấy

Giữa phố đông nhồn nhột sau gáy

Một năm sau còn nghẹn giữa cuộc vui

Hai năm còn mộng toát mồ hôi

Ba năm còn nhớ một con thạch sùng

Mười năm còn quen ngồi một mình trong tối

Một hôm có kẻ nhìn trân trối

Một đêm có tiếng bâng quơ hỏi

Giật mình, một cái vỗ vai

Bùi Ngọc Tấn dẫn người đọc vào xã hội của những người về như thế, họ là công dân hạng hai, là phó dân.

Bữa bún chả đầu tiên, ngoài tù, Mạc bán máu lấy tiền khoản đãi: “Chúng tao không dám nói. Sợ mày khinh, ăn không ngon. Sợ nghĩ là mày ăn thịt nó. Nó bán máu và bán luôn cả cái phiếu đậu bồi dưỡng. (Quyển I, t. 201)

Và từ đây bắt đầu cuộc đời “tại ngoại”.

Xã hội tại ngoại, dường như còn tanh tưởi, vấy máu hơn xã hội trong tù.

Thịt chỉ bán cho những người bán máu. Hắn về tay không và nghĩ đến Vũ Mạc. Thịt hiếm thế này Vũ Mạc kiếm được đây. Mạc bán máu và bao giờ cũng bán nốt mọi thứ phiếu bồi dưỡng.” (Quyển II, t. 77)

Xã hội tại ngoại không dung những phó dân như hắn, như già Đô...

Xã hội tại ngoại có những người phải bán máu, mua thịt...

Xã hội tại ngoại có một hệ thống những con mắt vô hình, tiếp tục chõ vào cuộc đời những của những người về như hắn:

Bình bàng hoàng khi biết mình có đuôi [...] Anh ngửi thấy cái mùi của nhà tù. Anh bắt đầu biết anh bị theo dõi vào một buổi chiều thứ bẩy [...]

Anh sôi lên vì sợ hãi, tuyệt vọng. Và có cảm giác của một con thú bị nhốt trong chuồng, lồng lộn nhưng không sao thoát được. Thì ra họ có toàn quyền làm những việc họ thích. Họ huy động cả guồng máy khổng lồ để hại mình. Đạp xe đi, anh cứ thấy vương vướng ở phía sau lưng. Dinh dính ở gáy. Một cảm giác lạnh ở phía sau. Và bẩn. Và dính. Anh thở dài.” (Quyển I, t. 460-461)

Với cảm giác dinh dính ở gáy. Lạnh ở phía sau. Lạnh. Và bẩn. Và dính, Bùi Ngọc Tấn đã đi đến ngọn nguồn cảm giác của kẻ thấy mình có đuôi.

Cảm giác vương vướng, dinh dính này, Hoàng Hưng thấy nhồn nhột sau gáy, và Đặng Đình Hưng đã viết bằng ngôn ngữ thần chú:

Tôi lại đi... jữa cái nong hình záng lưng tôi, một bảng đen trước mặt, một vòng phấn dưới chân, zính zính... những con 8 lộn zọc nhẵn thín nam châm gói trong hạt thóc jống của không biết.

Giải mã thần chú: Tôi bị nhốt trong quỹ đạo số 8 nằm ngang, nghiã là vô tận kín, mỗi bước, chân dính đất bằng thứ nam châm được gói trong hạt giống của những kẻ “không biết”. Chữ “không biết” mập mờ ý nghiã: có thể tôi bị nhốt bởi những kẻ ngu, mà cũng có thể tôi bị nhốt không biết do lệnh ai, mệnh nào.

Một cảm giác thứ nhì, của kẻ được tại ngoại:

Không thể gọi là tự do khi mình đi đâu, làm gì (kể cả đi đái), gặp ai, trò truyện bao lâu, cũng có người quan sát và ghi sổ Đối tượng P2 về thăm con. Không đi la cà các nhà hàng xóm. Ngủ ở nhà ... Vì chắc anh cũng phải có một con số bí. Nhưng không biết họ đặt cho anh số bí gì nhỉ? P2 hay A18. Hay T5? [...]

Anh đang nghĩ đến những cái đuôi. Cẩn thận thật. Những hai cái đuôi. (Quyển I, t. 460-463).

Cảm giác này Văn Cao cũng đã kinh qua:

tôi chạy

tôi chạy

tại sao tôi chạy?

...

cả phố đuổi theo tôi

xe cộ đuổi theo tôi

tôi chạy bạt mạng

gần hết đời

tới chỗ chỉ còn gục xuống

tỉnh dạy mồ hôi chảy

tôi lại thấy tôi là người chưa phạm tội.

Đó là sự diệu kỳ của chữ: Nhà văn, nhà thơ có thể chỉ dùng vài chữ, ngắn, gọn, nhỏ, bé, để bất tử hóa một hiện tượng rộng lớn, bao trùm lên toàn thể xã hội. Nhà văn, nhà thơ, có khả năng hội tụ vài chữ để làm bệ phóng tới toàn thể con người, giản đơn như chữ Văn Cao:

Có lúc

ban ngày nghe lá rụng sao hoảng hốt

có lúc

nước mắt không thể chảy ra ngoài được.

Những câu thơ như thế, để bên cạnh cảm tưởng Dinh dính. Lạnh. Và Bẩn, chỉ có những ngòi bút thiên tài mới chụp được.

Khuôn mặt già Đô, Triều Phỉ, Sáng, Giang, A Thềnh, Lê Bá Di, Vũ Lượng... đã được người tù số CR880 khắc tạc trong hang đá của thời gian, bằng thứ chữ phù thuỷ như thế, nên dù họ đã suối vàng hay còn trần thế, chân dung họ sẽ đi vào lịch sử, không phải lịch sử hoành tráng của chiến thắng, mà là lịch sử chữ, lịch sử văn hóa, văn minh con người.

Vì những già Đô, những Triều Phỉ, những Sáng, những Giang... mà hắn, nhà văn, phải viết. Hắn bắt buộc phải tự do. Nếu không có tự do hắn cũng phải sáng tạo ra tự do để viết. Viết về nỗi đau của những người đã nằm xuống. Viết về nỗi đau của một người và cũng là nỗi đau của dân tộc, của nhân loại. Đó là vấn đề trách nhiệm và nhân cách của hắn, nhà văn.

Thụy Khuê

3/2000-3/2016