Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 2 tháng 1, 2016

Tôi học cụm từ “của dân, do dân, và vì dân” tại trường Quốc Học Huế

Trần Ngọc Cư
clip_image002
Năm Đệ nhất (bây giờ gọi là lớp 12) niên khóa 1963-64, lớp B9 (chuyên Toán-Lý-Hóa) của chúng tôi học Anh văn với Giáo sư Nguyễn Đức Mai. Trước 75 các thầy cô dạy Trung học đều được gọi là giáo sư, một chức danh dịch từ chữ professeur mà người Pháp dùng để gọi các giáo viên Cấp 2 và Cấp 3. Thầy Nguyễn Đức Mai là một giáo sư trẻ, tốt nghiệp Đại học Sư phạm Huế, ban Anh văn ngành Đệ nhị cấp (được đào tạo để dạy trường cấp 3). Một giáo sư năng động và nhiệt tình, thầy thường bắt đầu giờ học bằng các câu chuyện dí dỏm liên quan đến tiếng Anh, tạo không khí thoải mái trước khi đi vào bài học. Anh văn và Pháp văn, mặc dù đối với dân ban B, có hệ số thấp hơn so với Toán-Lý-Hoá, nhưng chúng tôi vẫn học những môn này khá nghiêm túc. Lý do là ai cũng có tham vọng vào đại học hoặc đi du học nước ngoài – những môi trường lúc bấy giờ không dành chỗ cho những người kém tiếng Anh hoặc tiếng Pháp. Những “siêu sao” của lớp chúng tôi như Phạm Lâm, Nguyễn Tấn Phục, Nguyễn Quốc Vọng, Tôn Thất Thung (tôi có thể kể sót) được các Chính phủ Úc, Canada, Nhật Bản, Đức cấp học bổng du học ngay sau khi lấy xong Tú tài II (hoàn tất Cấp 3).
Các quan chức của Bộ Giáo dục Việt Nam Cộng hòa thời đó phần lớn được đào tạo dưới thời Pháp thuộc hoặc tốt nghiệp từ các đại học Pháp. Có lẽ vì thế mà chương trình Toán Lý Hóa cho các “lớp Tú tài” lúc bấy giờ hiện nguyên hình là một phiên bản của chương trình Pháp. Mặc dù sách giáo khoa Trung học được soạn bằng tiếng Việt, nhưng các sách luyện thi mà chúng tôi mua thêm từ các nhà sách để làm bài tập đều có những đề thi Tú tài dành cho thí sinh tại Pháp hoặc các nước nằm trong khối Liên hiệp Pháp. Các bạn ban B mà sinh ngữ chính là Pháp văn còn có khả năng giải các bài toán trong các sách Toán của C. Lebossé, một soạn giả sách Toán nổi tiếng của Pháp. Thật chẳng đáng ngạc nhiên, nhờ trình độ Tú tài Toán-Lý-Hóa thời Việt Nam Cộng hòa, một số lượng đông đảo cựu công chức và sĩ quan Việt Nam Cộng hòa ra nước ngoài sau năm 1975 đã theo học các ngành kỹ sư và điện toán khá dễ dàng.
Nhưng ảnh hưởng của chương trình Pháp trong các môn Toán-Lý-Hóa không phải là một trường hợp ngoại lệ. Hai sách giáo khoa Anh văn cho năm đệ Nhị (Tú tài I) là L’anglais par la conversation và năm đệ Nhất (Tú tài II) là La vie en Amérique đều là những sách được dùng trong các lớp tương đương tại Pháp. Phần lớn các lớp đệ Nhất cấp (bây giờ gọi là Trung học Cơ sở) sử dụng cuốn L’anglais vivant, về sau được Nhà xuất bản Lê Bá Kông mua bản quyền và in tại Sài Gòn.
Sử dụng cuốn La vie en Amérique, Giáo sư Nguyễn Đức Mai giới thiệu với lớp chúng tôi một số truyện ngắn của các tác giả Mỹ như O’Henry, Ernest Hemingway, John Steinbeck, thơ của Langston Hughes, v.v. Đặc biệt thầy Nguyễn Đức Mai đã cho học sinh học thuộc lòng một bài trong sách giáo khoa nói trên nhan đề là “The Gettysburg Address,” một bài diễn văn dài vỏn vẹn 272 từ của Tổng thống Abraham Lincoln, trong đó có cụm từ “of the people, by the people, and for the people” (của dân, do dân, và vì dân) thường được trích dẫn rộng rãi từ Đông sang Tây trên 150 năm nay.
Trong những năm gần đây, cụm từ này cũng thường xuất hiện trên các văn kiện quốc gia cũng như báo chí tại Việt Nam dưới nhãn hiệu “Nhà nước của dân, do dân, và vì dân” trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Người viết bài này xin mạo muội trình bày bối cảnh lịch sử và chuyển ngữ bài diễn văn mà vị tổng thống thứ mười sáu của Hoa Kỳ đã đọc trong lễ khánh thành Nghĩa trang Quốc gia Gettysburg.
Gettysburg là tên một thành phố nhỏ của bang Pennsylvania, thuộc về lãnh thổ miền Bắc trong cuộc nội chiến Nam-Bắc Hoa Kỳ. Từ mùa Xuân 1863, quân miền Bắc và quân miền Nam quần thảo nhau trên một địa bàn rộng lớn nằm hai bên bờ sông Potomac. Mặc dù với một quân số 75 ngàn, đối đầu với 125 ngàn Bắc quân, Tướng Robert Lee của miền Nam quyết giữ thế tiến công, đưa quân vượt sông Potomac và triển khai trên một vòng cung dài 80 km ở Nam Pennsylvania. Lee bất chấp sức ép to lớn của Bắc quân thường xuyên đè nặng lên cánh phải của quân mình. Vào ngày 1-7-1863, một sư đoàn Nam quân tiến vào thành phố Gettysburg với mục đích lùng sục để kiếm giày, nhưng sau đó đụng độ với hai lữ đoàn kỵ binh của Bắc quân ở phía Đông Bắc thành phố. Cả hai đối thủ đều xin quân tiếp viện. Thế là như những mảnh sắt vụn bị hút vào một cục nam châm, hai đại quân hội tụ trên chiến địa này. Đánh nhau ba ngày liên tiếp, quân miền Nam chịu những tổn thất nặng nề sau những đợt tiến công táo bạo, nhưng đều bị đẩy lùi; trong khi quân miền Bắc vẫn giữ được phòng tuyến. Sáng ngày 4 tháng 7 là ngày Quốc khánh Hoa kỳ, cả hai đội quân đều mệt nhừ, binh lính chỉ còn nước chống lên vũ khí để lấy lại sức. Nếu quân miền Bắc phản công lúc đó, có thể họ đã gây tổn thất ghê gớm cho quân miền Nam, một tổn thất vượt ngoài mức có thể gượng dậy được. Nhưng Tướng tư lệnh George G. Meade của Bắc quân đã do dự và để mất cơ hội có tính quyết định này. Ngày 5-7 Lee rút quân về vùng an toàn. Lần đầu tiên Tướng Lee rõ ràng bị đánh bại trên chiến trường. Gettysburg đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong Nội chiến Hoa Kỳ, vì sau đó quân miền Nam không còn dám xâm nhập miền Bắc.
Hơn bốn tháng sau, ngày 19-11-1863, Tổng thống Abraham Lincoln đến làm lễ khánh thành cho một nghĩa trang quốc gia trên phần đất của chiến địa Gettysburg. Tại đây ông đọc một bài diễn văn chỉ dài trên hai phút đồng hồ, trong đó xuất hiện cụm từ bất hủ, “chính phủ của dân, do dân và vì dân.” Giá trị văn chương của bài diễn văn nội tại ở một bút pháp vừa giản dị, trong sáng, vừa súc tích. Nhưng nét đặc sắc mà hậu thế có thể tìm thấy ở nhân cách của Lincoln là tính nhân văn của một lãnh đạo chính trị vĩ đại. Mặc dù khói lửa chiến tranh giữa hai miền Nam, Bắc vẫn còn ngùn ngụt cháy, các trận đánh vẫn còn ác liệt diễn ra giữa hai quân đội, nhưng suốt bài diễn văn Lincoln không hề có một lời miệt thị dành cho đối phương theo giọng điệu chiến tranh tâm lý mà chúng ta thường thấy trong các cuộc xung đột vũ trang. Ngầm trong thái độ cao thượng này, phải chăng ngay ở cao điểm của cuộc Nội chiến đã manh nha trong giới lãnh đạo Hoa Kỳ một nỗ lực hòa giải dân tộc tương lai, như được thể hiện rõ nét trong buổi lễ đầu hàng năm 1865 tại Appomattox*, nơi quân thắng trận Miền Bắc đã nghiêm chỉnh bồng súng chào đoàn quân bại trận Miền Nam đến giao nộp vũ khí.
Cuộc Nội chiến Mỹ, kéo dài từ 1861 đến 1965, là một cuộc xung đột vũ trang để quyết định giữa một bên là sự trường tồn của Liên bang Hoa Kỳ và bên kia là sự độc lập của những bang ly khai Miền Nam.
Diễn văn Gettysburg
Tổng thống Abraham Lincoln đọc tại lễ khánh thành Nghĩa trang Quốc gia tại Gettysburg, ngày 19-11-1863:
Tám mươi bảy năm về trước cha ông chúng ta đã khai sinh trên lục địa này một quốc gia mới, một quốc gia được thai nghén trong tự do và được cống hiến cho triển vọngmọi người sinh ra đều bình đẳng.
Bây giờ chúng ta đang lâm vào một cuộc nội chiến lớn, thử nghiệm xem quốc gia này, hay bất cứ quốc gia nào được thai nghén như thế hay được cống hiến trong một cung cách như thế, có thể trường tồn hay không. Chúng ta đang qui tụ trên một chiến trường lớn của cuộc chiến này. Chúng ta đến đây để hiến dâng một phần của chiến địa làm nơi an nghỉ cuối cùng cho những người đã hi sinh tính mạng nơi đây để cho quốc gia này có thể sống còn. Đây là một việc hoàn toàn phù hợp và chính đáng mà chúng ta phải làm.
Nhưng, trong một ý nghĩa rộng lớn hơn, chúng ta không đủ tư cách để hiến dâng, chúng ta không thể thánh hóa, chúng ta không thể tôn vinh mảnh đất này. Những chiến sĩ can trường, hiện còn sống hay đã chết, những người từng chiến đấu nơi đây, đã thánh hóa nó vượt quá tầm mức mà khả năng kém cỏi của chúng ta có thể thêm hay bớt. Thế giới sẽ ít lưu ý, thậm chí không nhớ lâu, những điều chúng ta nói ở đây; nhưng thế giới sẽ không bao giờ quên được những gì mà các chiến sĩ đã thể hiện nơi đây. Nói đúng hơn, chính chúng ta, những người còn sống tại đây phải cống hiến cho công cuộc còn dang dở, một công cuộc mà các người chiến đấu nơi đây đã cao cả tiến hành cho đến lúc nằm xuống. Nói đúng hơn, chúng ta đến đây nguyện cống hiến cho nhiệm vụ to lớn còn lại trước mắt -- rằng từ sự thôi thúc của những anh linh hiển hách này, chúng ta nguyện sẽ tận tụy hơn nữa cho chính nghĩa mà họ đã tận tụy phục vụ đến hơi thở cuối cùng rằng tại nơi đây chúng ta nêu cao quyết tâm các liệt sĩ này đã không hi sinh vô ích rằng quốc gia này, dưới sự quan phòng của Thượng Đế, nhất định sẽ khai sinh lại nền tự do của mình và rằng chính phủ của dân, do dân và vì dân nhất định sẽ không biến mất từ mặt trái đất.
Nguyên văn:
Four score and seven years ago our fathers brought forth on this continent a new nation, conceived in liberty, and dedicated to the proposition that all men are created equal.
Now we are engaged in a great civil war, testing whether that nation, or any nation so conceived and so dedicated, can long endure. We are met on a great battlefield of that war. We have come to dedicate a portion of that field, as a final resting place for those who here gave their lives that that nation might live. It is altogether fitting and proper that we should do this.
But, in a larger sense, we can not dedicate, we can not consecrate, we can not hallow this ground. The brave men, living and dead, who struggled here, have consecrated it, far above our poor power to add or detract. The world will little note, nor long remember what we say here, but it can never forget what they did here. It is for us the living, rather, to be dedicated here to the unfinished work which they who fought here have thus far so nobly advanced. It is rather for us to be here dedicated to the great task remaining before us—that from these honored dead we take increased devotion to that cause for which they gave the last full measure of devotion that we here highly resolve that these dead shall not have died in vain that this nation, under God, shall have a new birth of freedom and that government of the people, by the people, for the people, shall not perish from the earth.
Trần Ngọc Cư biên dịch