Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 2 tháng 1, 2016

Pho tượng người ông

                                                                                                           Truyện ngắn tặng tuổi trẻ
Trần Đồng Minh
clip_image002
Pa-ri. Một chiều xuân ấm áp. Gió mơn man. Mùa đông lạnh tuyết vừa đi qua. Vụ khủng bố của IS vẫn còn đọng trong tâm trí nhiều người, nhất là dân Pa-ri. Nhưng cuộc sống vẫn vui, người ta vẫn dạo chơi, ngắm cảnh không chỉ ở tháp Ép-phen hay bờ sông Sen… Bé Nam được bố đưa đi chơi công viên, cứ ríu rít như chú chim non khi mặc bộ quần áo xanh dương, mẹ đã đính cho một ngôi sao xanh thẫm trước ngực. Thủ đô nước Pháp nhiều công viên đẹp, rất nhiều xanh, nhiều thắm nhưng bố con bé Nam thích nhất công viên này. Nó gần nhà, lại có pho tượng nhà văn Vích-to Huy-gô chắc to hơn người thật, vừa uy nghi vừa rất hiền hòa. Bố Nam từ nhỏ đã thích đọc sách, càng lớn càng ham truyện văn chương dù anh theo đuổi một công việc thật hiện đại là công nghệ thông tin. Anh đã từng mê đoạn văn của một nhà văn Pháp tả chú bé đi học băng qua vườn hoa Lúc-xăm-bua dưới bầu trời hơi buồn và đẹp hơn bao giờ hết, trong khi những chiếc lá vàng rơi từ từ từng chiếc một trên vai các pho tượng trắng… Lớn thêm, anh say đắm yêu văn của Vích-to Huy-gô, đã hồi hộp khi đọc những đoạn nói về bé gái Cô-dét khốn khổ bị vợ chồng tên chủ quán ăn vừa tham vừa ác hành hạ hết sức nghiệt ngã, đã hân hoan khi thấy ông Giăng đặt đồng tiền vàng vào chiếc guốc xấu, mòn vẹt của cô bé mồ côi đáng thương ấy giữa đêm Giáng sinh trong quán trọ tồi tàn; đã vừa xót xa vừa hào hứng khi cậu nhỏ Ga-vơ-rốt nghèo khổ mà hào hiệp, vui đời, dũng cảm hi sinh trong cuộc khởi nghĩa của dân nghèo Pa-ri. Cho nên anh thích pho tượng nhà văn lớn của nước Pháp này ngồi giữa cái công viên thân quen, bao lần in dấu chân hai bố con anh. Bé Nam mới hơn hai tuổi, bước tung tăng, vừa đi vừa hát ngọng nghịu: “Chú ết là chú ết con, có hai là hai mắt tròn…”. Bài “Chú ếch con” này ông bà của bé dạy cho cách đây không lâu.
Cứ đến trước pho tượng là bé dừng lại, chỉ trỏ và gọi “Ông, ông…”. Hai bố con anh có thể chơi không biết chán quanh pho tượng trong khi từng chiếc lá cây chao nghiêng trước mặt và nhiều cánh chim dạn dĩ lượn trên đầu. Người làm tượng thật khéo. Pho tượng trông y như thật và rất có hồn. Vích-to Huy-gô ngồi đó, hiền hậu mỉm cười với các cô bé, chú bé, với mọi người. Hai bàn tay nhà văn khép vào nhau, mở ngửa, đặt trên đùi mình như muốn nâng đỡ cái gì đó. Thi thoảng đôi chim câu bay đến đậu trong lòng tay bao dung của pho tượng. Có khi chúng rủ rỉ cùng nằm gọn trong hai bàn tay ấy mà âu yếm gù nhau. Bé Nam vô cùng khoái nhìn đôi chim như thế. Cảm giác như bé hồi hộp thở nhẹ hẳn đi, sợ đôi chim bay đi mất. Đôi lần hai bố con mang theo ít gạo hoặc bánh mì cho chim ăn. Nhiều ông bà già cũng vãi thức ăn cho bầy chim. Đàn chim tự do sà xuống, ríu rít và nhanh nhẹn mổ mổ. Đám trẻ con thích mê, dõi nhìn không chán. Hình như nhà văn ngồi đó, cũng giương to đôi mắt và nở rộng nụ cười hiền lành. Một cậu choai choai, tóc vàng mắt xanh dướn chân lên, buộc vào ngón tay cái pho tượng người ông chùm bóng bay ba quả xanh, trắng, đỏ. Chợt chùm bóng tuột ra, bay lên trời. Bé Nam vỗ tay reo, rồi bé hát “Trái đất này là của chúng mình. Quả bóng xanh bay giữa trời xanh…”. Chính bố Nam đã dạy con bài ca này, anh lẩm nhẩm tiếp lời con: “Bồ câu ơi tiếng chim gù thương mến…” và bỗng nhớ ra rằng khi đã tám mươi tuổi, nhà văn lớn này còn cho chào đời tập thơ “Nghệ thuật làm ông”. Ông yêu cháu, yêu trẻ con vô cùng. Đâu như Huy-gô đã viết không gì vui bằng nụ cười trẻ thơ. Chính ông nội bé Nam đã có lần nói như vậy, và còn đọc cho nghe bài thơ của Huy-gô kể về em bé Hy-lạp ngồi giữa cảnh hoang tàn đổ nát của hòn đảo quê hương, không muốn gì ngoài mong có súng gươm diệt thù… Tâm hồn của tuổi thơ, tuổi trẻ ở bất cứ đâu cũng không thể bị hủy hoại bằng sức mạnh của súng đạn khủng bố, tàn bạo.
clip_image004
Bỗng có hai cảnh sát cao lớn bước tới, đôi chim câu vỗ cánh bay vù đi. Hai viên cảnh sát dừng chân, ngắm pho tượng. Bé Nam kéo bố thấp xuống, thầm thì gì đó. Bố bé cười, rồi chào người cảnh sát và nói: “Con trai bé nhỏ của tôi muốn ngồi trong lòng tay đại văn hào mà cháu yêu quý, có được không?”. Từng sống trên đất Pháp khá lâu, đã lấy vợ người Việt ở đây, sinh bé Nam ở đây, anh biết làm gì cũng phải theo đúng luật. Cho nên anh thấy tốt nhất là hỏi người thực hành pháp luật. Hai viên cảnh sát nhìn em bé, rồi đưa mắt như trao đổi với nhau. Sau vài giây, một người cười vẻ thân thiện: “Ồ, được thôi. Nhưng một lát thôi nhé”. Được lời cởi mở, bố bé Nam “Cảm ơn” và không chần chừ bế con lên đặt ngồi trong lòng tay nhà văn. Bé Nam ngồi vững, dựa hẳn người vào mình pho tượng, hai chân đung đưa, miệng cười nhỏn nhoẻn, vẫy vẫy bàn tay trắng hồng. Bố bé nhìn con, cười, vẫy lại cậu con trai. Bỗng dưng cảm thấy như khuôn mặt dạn dày nắng gió của Huy-gô, nhà văn yêu quý trẻ cũng dãn ra với nụ cười vui. Hai người cảnh sát thì cười díu cả đôi mắt xanh lơ. Dường như làn gió thoảng qua rì rào cười, và các bồn hoa thắm quanh đó cũng cười rung rinh. Vài người đi dạo vội giương máy ảnh. Cả mấy cái điện thoại cầm tay của ai đó cũng giơ lên chụp.
Ngày hôm sau một số tờ báo Pháp in hình em bé ngồi trong lòng hai bàn tay pho tượng Huy-gô với các dòng chú thích to đậm: “Người ông mãi mãi yêu các cháu nhỏ”. “Nét mới của pho tượng người ông”. “Vich-to Huy-gô với nghệ thuật làm ông”. “Đại văn hào hôm nay và thế giới ngày mai”. Một tờ báo lớn thì ghi câu : “Em bé Việt làm đẹp thêm công viên Pháp” trên bức ảnh màu rất đẹp. Lại còn nhắc lại lời của nhân vật chính trong truyện “Những người khốn khổ”: “Các con hãy yêu nhau mãi mãi. Trong đời chỉ có một điều ấy thôi: là yêu nhau”. Bố bé Nam mua tất cả những tờ báo ấy. Anh cắt các tấm ảnh có hình con trai gửi về Việt Nam cho ông bà nội ngoại. Sau đó anh còn đặt qua mạng mua pho tượng Vich-to Huy-gô nho nhỏ, trưng trên giá đặt các cuốn sách có nhiều hình ô-tô, máy bay, hình hoa lá, thú vật… đầy màu sắc mà bé Nam hằng thích xem. Ngày nghỉ vợ chồng anh vẫn đưa con ra công viên chơi xích đu, bập bênh, cầu tụt, cho chim ăn và chơi với pho tượng người ông suốt đời yêu trẻ.