Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 19 tháng 8, 2015

Tâm tư cùng nhà xuất bản Tri thức

Phạm Toàn

 

Thưa quý vị,

Do vì các cử nhân thạc sĩ tiến sĩ quá trẻ của nhóm Cánh Buồm công nhận tôi cùng thành phần non trẻ với họ nên hôm nay một cậu bé U90 được đứng ở diễn đàn này chúc mừng một Cụ Rất Già vừa tròn mười tuổi!

Có nhiều đề tài để nói, nhưng nói về Giáo dục tại diễn đàn này hẳn là sẽ không lạc lõng.

Thưa quý vị,

Hôm nay, ngày sinh của Cụ Tri thức lại trùng ngày Mười Chín Tháng Tám, một ngày nặng trĩu tâm sự những người già mà biết bao thăng trầm ơn Giời vẫn còn được để đến tận hôm nay…

Tôi hiểu tâm sự nhiều người từng là học sinh Cao đẳng tiểu học năm ấy, dù giờ đây có đứng ở góc độ nào để nhìn sự kiện, đều không thể quên cuộc vỡ òa năm 1945. Sau trận đói và rét kinh hoàng đầu năm ấy, bước sang thu, bỗng thấy từ nay mình không cần xả stress vào việc đánh nhau với con Tây ở trường, và như là đang có cơ hội cho cả dân tộc đàng hoàng xây đắp một cuộc đời khác lạ.

Thế hệ thiếu niên ngày ấy đã chứng kiến sự thay đổi của công cuộc Giáo dục nước nhà. Thế hệ ấy cũng góp phần tạo ra cái thực tại giáo dục hôm nay của nước nhà.

Vậy thì, hôm nay, sau 70 năm tròn, bằng một câu ngắn gọn, cậu bé U90 và Cụ già lên mười sẽ nói gì để mô tả cái thực tại Giáo dục ấy? Xin để Cụ già ngẫm nghĩ cho chín, Còn cậu bé bộp chộp thưa luôn thế này:

nền Giáo dục 70 tuổi đã có vô vàn thành tựu hời hợt và mang trong nó những khuyết tật chết người có nguyên nhân là tính vọng ngoại thay vì hành động bắt nguồn sâu xa từ dân tộc mình.

Trước hết, xin có vài lời về chuyện thành tích hời hợt.

Nước Việt Nam hôm nay đúng là có rất nhiều bằng cấp hơn xưa, và theo thống kê thì toàn dân đều biết chữ, đủ sức tham gia phổ thông đầu phiếu như mong ước năm 1945 của cụ Hồ.

Thế nhưng, đến hôm nay đây, thực sự nền Giáo dục đã đưa người Việt chúng ta đến một thứ tiếng Việt như thế nào? Xin thưa: một thứ tiếng Việt không xứng đáng với thứ tiếng nói chân xác, phong phú, đẹp tuyệt vời của dân tộc.

Xin hỏi: hôm nay đây có bài thơ tiếng Việt nào được trai gái âu yếm chép tay tặng nhau?

Xin hỏi: hôm nay đây có bài hát tiếng Việt nào cho vài chục triệu thiếu niên học sinh và sinh viên hát ngày ngày để nhớ đến Hoàng Sa đã bị mất và Trường Sa đang bị ngoạm từng miếng lớn?

Nhà trường đang dạy con em một thứ tiếng Việt với những bài văn mẫu xa lạ, thô kệch, học trò càng lớn lên càng vô cảm trước cuộc sống thực đang được biểu đạt bằng tiếng Việt.

Các nghệ sĩ, các nhà văn hóa, các nhà giáo dục, những người nhào nặn tâm hồn cả một dân tộc đang tạo ra và đang bỏ mặc tất cả… Để những người bà chào cháu nội cháu ngoại mình theo lối chúm môi và vẫy tay rồi “bai bai” âu yếm!

Nhà xuất bản Tri thức rõ ràng là không có lỗi trong ba cái chuyện văn hóa văn minh hời hợt đó. Ấy thế nhưng Cụ già mười tuổi kia lại vẫn phải tình nguyện ôm rơm mặc dù ai chả biết ôm rơm thì bụng hơi bị ngứa ngáy!? Những xuất bản phẩm tinh hoa, dẫn nhập, những tri thức mới cùng những thú vui tư duy… hình như mới chỉ cho thấy rằng mười năm ôm rơm chưa đủ dài để chữa bệnh hời hợt cho những sản phẩm của một nền Giáo dục đầy thành tích hời hợt.

Và khốn khổ thay, nhiều lần mười năm ôm rơm nữa cũng vẫn chưa đủ dài để chữa bệnh vọng ngoại, thực chất là học mót nước ngoài.

Bao nhiêu năm ròng rã, sau khi thoát khỏi chương trình học kiểu Pháp (bị lên án đến khốn khổ)… thì sự Học nước này vẫn giữ nguyên vẹn cái tư duy Khổng Nho thể hiện ở tâm lý tôn sùng bằng cấp và thái độ mọi bề trên đều có quyền dạy dỗ bề dưới.

Định hướng của cái thực tại Giáo dục Việt Nam chưa khi nào thoát ra khỏi những mô hình khi thì từ Liên Xô, lúc nhảy qua Cộng hòa dân chủ Đức, lúc quay qua Nhật Bản hoặc Cuba, … và hình như đang quay về “Bàn tay nặn bột” nhãn hiệu Pháp cùng nền “Giáo dục tích hợp” nhãn hiệu Columbia…

Ngập tràn lời khoe “chúng tôi khảo sát 20 nước thì cả 20 nước đều học theo lối tích hợp”. Sự học lỏm và thói quen hời hợt đã không cho thấy các chương trình tích hợp chỉ nhằm vào những mục tiêu không mang tính giáo dục phổ thông phổ quát cho toàn dân – “Bàn tay nặn bột” chỉ là những hoạt động nhằm phổ biến khoa học và công nghệ. Những sản phẩm tích hợp khác chỉ là những chương trình học cho người thiểu năng, cho những bé gái làm mẹ từ khi 15 tuổi, hoặc cho người ở vùng núi xa xôi như của xứ Columbia ngập tràn ma túy…

Sứ mệnh của nhà xuất bản Tri thức xem ra đang còn nặng lắm: tìm cách khai sáng theo lối nhẹ nhàng tích hợp dễ nuốt nhất (kiểu Bổ túc công nông một thời) cho những đầu óc cần được khai sáng nhanh nhất, xa nhất, cao nhất!

Làm cách gì thay đổi cách nghĩ của Hệ Thần kinh Cải cách Giáo dục ấy? Phải thay thế khái niệm Giáo dục nhìn từ trên xuống bằng khái niệm Giáo dục nhìn từ những chủ thể tham gia Giáo dục – những người học mà không có họ thì không có gì hết: không bộ trưởng, không hiệu trưởng, không giáo sư, không cả bác bảo vệ gõ trống sáng chiều và sau từng tiết học.

Các chủ thể người học phải được hưởng lợi khi xác định Giáo dục là một quá trình tự giáo dục – quá trình thích nghi và điều tiết – thích nghi để có những “điều học được” (Jean Piaget gọi là những “acquis”) và điều tiết để có những “điều học được” cao hơn, xa hơn, mới hơn.

Càng nghĩ càng thấy sứ mệnh nhà xuất bản Tri thức thật nặng nề!

Bối cảnh hoạt động của nó không giống như cái “nhà xuất bản Tri thức” bên Nhật được Hoàng đế Minh Trị mở con đường Cải cách thực lòng, khiến cho sách Bàn về Tự do in cả triệu bản cho một dân số vào năm 1868 chỉ bằng một phần tư dân số Việt Nam hôm nay.

Thương lắm! Buồn lắm! Và lo lắm!

Nhưng đây chỉ là nỗi lo buồn của một Cậu bé U90 chia sẻ với sứ mệnh Khai sang của một Cụ già vẫn còn rất trẻ, Cụ mới chỉ mười tuổi!

Vì thế mà hôm nay, xin hãy cứ cười to, cho dù cười xong thì lau nước mắt!

Hà Nội, ngày 18 tháng 8 năm 2015