Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 20 tháng 8, 2015

Kiểm duyệt Trần Đình Sử: Im Lặng là Vàng?

Phùng Nguyễn
Trong bài viết “Nhân trường hợp Võ Phiến nhìn lại sự kiện Luận văn Nhã Thuyên” người viết cảnh báo rằng sự kiện “Luận văn Nhã Thuyên” có thể không phải là cú giãy cuối cùng và vô hại của nền phê bình chỉnh huấn. Như thực tế chứng minh, với sự đỡ đầu của bạo lực, cú giãy đã gây thương tích trầm trọng cho các nạn nhân. Không chỉ có Nhã Thuyên Đỗ Thị Thoan và Nguyễn Thị Bình mà còn cả sự thoái bộ đáng tiếc của tự do học thuật ở các cấp Đại học trên toàn quốc. Và điều tệ hại hơn nữa, không có gì bảo đảm đây sẽ là cú giãy sau cùng.
Quả đúng như vậy, Chu Giang Nguyễn Văn Lưu, người đã phát động chiến dịch “đánh” thạc sĩ Nhã Thuyên Đỗ Thị Thoan và và PGS TS Nguyễn Thị Bình lại vừa bắt đầu một cuộc tấn công mới, lần này nhắm vào GS TS kiêm nhà giáo ưu tú Trần Đình Sử và học trò của ông, tiến sĩ văn học Trần Ngọc Hiếu. Lần này, thay vì luận văn thạc sĩ, “tang vật” là một luận án tiến sĩ có tên Lý thuyết trò chơi và một số hiện tượng thơ Việt Nam đương đại. Và cũng như lần trước, bài viết của Chu Giang, gồm 2 phần, được phổ biến trước tiên trên tuần báo Văn Nghệ Thành phố HCM dưới một tựa đề thiếu lễ độ “Kiểm dịch Trần Đình Sử.”
Ngay lập tức đã có những phản ứng mạnh mẽ chỉ riêng với cái tựa đề. Cụm từ “kiểm dịch” chủ yếu được áp dụng cho việc cô lập các sinh vật (kể cả con người) mang bệnh truyền nhiễm hiểm nghèo để ngăn chặn lây lan. Bằng cách đòi “kiểm dịch” GS Trần Đình Sử, phải chăng Chu Giang có ý cáo buộc nhà giáo ưu tú này là một con bệnh nguy hiểm cho hệ thống quyền lực, cần có biện pháp đề phòng, cô lập? Một người bạn Facebook của tôi đã phải kêu lên, “Một giáo sư đại học cao niên, một nhà khoa học đáng kính mà bị đối xử như một con vật đem ra kiểm dịch như vậy thì hỡi nền giáo dục Việt Nam, hãy tàn lụi đi!!!”
Để cho công bằng, Chu Giang có thể phân trần rằng việc chọn cái tựa đề khó nghe này thật ra chỉ là một hình thức nhằm trả đũa bài bình luận “Phê bình kiểm dịch” mà giáo sư Trần Đình Sử đã treo trên blog cá nhân của ông và được phát tán rộng rãi trong giai đoạn sôi nổi nhất của sự kiện “Luận văn Nhã Thuyên.” Trong mọi trường hợp, việc kéo chằng cụm từ kiểm dịch với tên tuổi của vị giáo sư này không thể được xem là một hành động tử tế. Không chỉ riêng cái tựa, phần nội dung cũng chẳng tử tế gì nếu không muốn nói là tệ hại hơn rất nhiều. Như người đọc có thể đoán được, không có gì mới trong bài viết mang tính “đấu đá” của Chu Giang, vẫn luận điệu truy chụp bằng cách trích dẫn ngoài ngữ cảnh và diễn dịch một cách đầy ác ý một số những câu những đoạn trong luận án Lý thuyết trò chơi và một số hiện tượng thơ Việt Nam đương đại của TS Trần Ngọc Hiếu.
Xin trích dẫn một số đoạn trong bài “Kiểm dịch Trần Đình Sử” (phần I & II) và xin phép không đưa lời bình luận vì hoàn toàn không cần thiết:
1. “Cái nguy hiểm của Lý thuyết trò chơi... mà thầy trò Trần Đình Sử - Trần Ngọc Hiếu vận dụng là ở chỗ dùng trò chơi văn chương (trò chơi thơ, chơi chữ nghĩa để giải trung tâm, giải thiêng, giải chính thống, giải trật tự hiện hữu, giải truyền thống văn hoá lịch sử - như là một tôn ti, trật tự siêu nghiệm.”
2. “Luận án này toát lên tình trạng bất an bất định muốn chống lại, giải cái trung tâm chính thống truyền thống, phá vỡ cái hiện hữu, đạp lên cái tiền lập... Nhưng để đi đến cái gì? Những người thực hiện Luận án đã không trả lời được, hoặc không muốn, mà ngầm hiểu: hẵng phá vỡ cái hiện hữu đi đã!”
3. “Đấy là tư tưởng nguy hại của Luận án này. Trong khi xã hội muốn hướng hoạt động văn hoá, văn học vào xây dựng con người, xây dựng các quan hệ xã hội theo hướng nhân văn Chân - Thiện - Mĩ thì Luận án này lại khẳng định, đề cao khuyến khích xu hướng ngược lại: Phá vỡ tất cả! Lật đổ và phá vỡ!”
4. “Theo Ngô Tự Lập thì Bakhtin là người chống Mác quyết liệt từ đầu đến cuối. Cái giải trung tâm, ngoại biên hóa, chống lại trung tâm, chính thống của thuyết ngoại biên là có nguồn cơn từ đó chăng? Và phương Tây bốc Bakhtin lên như nhà bác học lớn của thời đại, nhà tư tưởng lớn của thời đại, phải chăng, trước hết, và xuyên suốt, cuối cùng, vì Bakhtin là kẻ không đội trời chung với chủ nghĩa Mác? Mà việc bốc thơm, tung hô Bakhtin ở Việt Nam gần đây nó có cái hơi hướng đó không?”
Nghĩ cho cùng, “không đội trời chung với chủ nghĩa Mác” là chuyện bình thường với hầu hết các thể chế chính trị trên thế giới, đâu có gì để làm ầm ĩ! Nhưng chỉ riêng tại Việt Nam, và tại nước bạn thân thiết Trung quốc, “không đội trời chung với chủ nghĩa Mác” là một tội danh có thể khiến cho người bị cáo buộc nhanh chóng trở nên thân tàn ma dại.
Có thể nói Chu Giang là một trường hợp điển hình của chính sách ”phê bình kiểm dịch” mà GS Trần Đình Sử đã từng phân tích. Phê bình kiểm dịch dựa dẫm vào quyền lực của giới thống trị, không xem trọng lý luận khoa học, không cần đến bài bản mới. Không phải phương pháp truy chụp kiểu này đã từng có hiệu ứng rất cao trong sự kiện “Luận văn Nhã Thuyên” hay sao?
*
Tuy đang trên đà thừa thắng xông lên, Chu Giang cũng không quên nhìn trước ngó sau. Giống như lần trước, mục tiêu của lần này cũng là cặp đôi, nhưng chỉ xét riêng về mặt học vị, đây là “con mồi” lớn hơn nhiều. Đó là chưa kể đến danh vọng và uy tín của giáo sư Trần Đình Sử. Theo Phạm Thị Hoài, “GS Trần Đình Sử đã giảng dạy Lí luận Văn học hơn hai mươi năm tại Trường ĐHSP Hà Nội, nơi ông cũng từng làm Chủ nhiệm khoa Ngữ văn. Năm 2000, ông được tặng Giải thưởng Nhà nước về Khoa học và Công nghệ cho cụm công trình nghiên cứu về Thi pháp học. Từ mười năm nay ông là ủy viên Hội đồng Lí luận Phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương.” Lớn thì khó nhá, cho nên Chu Giang đã cẩn thận chừa đường tháo lui bằng một tuyên bố ngay ở đoạn đầu của phần II:
“Về mọi phương diện, Luận án của Trần Ngọc Hiếu tệ hại nguy hiểm hơn Luận văn của Đỗ Thị Thoan rất nhiều. Tác hại xã hội của nó là ở cấp độ cao hơn. Song chúng tôi sẽ không đề nghị huỷ bỏ Luận án thu hồi học vị, xem xét trách nhiệm của người hướng dẫn khoa học và Hội đồng chấm luận văn.”
Tại sao có sự ”khoan dung?” Bởi vì, theo Chu Giang, cái nguyên tắc “vuốt má nể môi” và cũng bởi vì “GS.TS Trần Đình Sử tuy thế, vẫn còn gắn bó với trung tâm, với cái chính thống, với thể chế này lắm.” Người viết bài này e rằng phát biểu huênh hoang của Chu Giang nhiều phần chỉ nhằm che giấu sự thiếu tự tin vào kết quả của lần “đấu tố” này. Tuy vậy, cũng không nên loại trừ khả năng Chu Giang được sử dụng như là một cái loa phường để những người đứng trong bóng tối gửi ra cái thông điệp răn đe những ai cố tình đi chệch ra khỏi con đường “tự do học thuật” đã vạch sẵn.
*
Nếu một cuộc thăm dò dư luận được tổ chức dành cho những người quan tâm đến thực trạng văn hóa giáo dục của Việt Nam, tôi tin rằng số người không đồng tình với Chu Giang sẽ chiếm đa số. Tuy vậy, phần lớn trong số họ, vì những lý do có thể hiểu được liên quan đến an toàn cá nhân, sẽ không có phản ứng đặc biệt nào hết ngoại trừ việc chỉ trích, chê bai Chu Giang ở những chốn riêng tư. Người ta chờ đợi những phản ứng sôi nổi và công khai ở những người còn lại, những người đủ dũng khí để lên tiếng bằng những bài viết vạch trần luận điểm sai trái, phản động (theo nghĩa đi ngược lại trào lưu tiến hóa của các xã hội tiến bộ trên thế giới) của Chu Giang, những kháng nghị nảy lửa lên án mưu đồ cản trở tự do học thuật chân chính, và ngay cả những thư ngỏ với lời lẽ mềm mỏng gởi các quan chức “thẩm quyền” nhằm đánh vào tình cảm người nhận.
Nhưng không phải tất cả những điều đó đã được thực hiện trong suốt quá trình diễn tiến của sự kiện “Luận văn Nhã Thuyên” hay sao? Và kết quả, như mọi người đều biết, là con số không vĩ đại! Những nỗ lực đáng quý của nhiều trí thức tên tuổi không những đã không ngăn chặn được tai họa xảy đến cho thạc sĩ Đỗ Thị Thoan và PGS Nguyễn Thị Bình mà còn cho thấy sự bất lực của họ trong việc gìn giữ những thành quả về tự do học thuật giành giật được trong nhiều năm trước đó.
Những thất bại như thế khiến người ta thận trọng hơn. Một số tự bảo mình nên kiên nhẫn, chờ đợi các diễn tiến mới để có thể phản ứng tốt hơn, hoặc hay hơn nữa, để vấn đề tự nó bốc hơi và tan biến đi. Diễn tiến mới ở đây có thể là chuyện bài viết của Chu Giang sẽ được phổ biến trên các tờ báo nặng ký của đảng và nhà nước như đã từng trong vụ Luận văn Nhã Thuyên trước đây. Nếu không có ai lớn tiếng phản đối, tuyên giáo nhà nước có thể sẽ không làm ồn lên, họ hy vọng. Cũng có người ngần ngại không muốn lên tiếng vì sẽ không có “đối thoại đúng nghĩa” giữa các phe bênh chống. Những người này sẽ tiếp tục ngần ngại rất lâu vì khó mà có đối thoại thực sự giữa họ, những trí thức trói gà không chặt, và thiểu số nắm giữ quyền bính chưa hề “ngần ngại” phải sử dụng bạo lực! Người ta cũng có thể trở nên bi quan, thụ động hơn nữa, và cuối cùng là cái “ý thức” về sự bất lực của mình. “Tại sao phải can dự vào những điều đã được chứng minh là vô vọng?” người ta tự hỏi. Hậu quả là một điều rất đáng sợ có thể xảy ra, người ta nín thinh, quay lưng lại với sự kiện, hoặc sắm vai kẻ bàng quan.
Nếu im lặng cố tình là câu trả lời chung của trí thức trong và ngoài ngành giáo dục dành cho bài viết với nội dung truy chụp, đấu đá của Chu Giang, đây sẽ là món quà quý giá nhất mà Chu Giang và cái thế lực đứng sau lưng ông ta có thể nhận được. Bởi vì, sự im lặng sẽ được diễn dịch, một cách không phải là không chính xác, như là dấu hiệu của sự khuất phục của trí thức trước quyền uy tối thượng của chế độ đối với tương lai của ngành giáo dục và các lãnh vực liên hệ…
*
Về sau, điều này sẽ như tảng đá lớn đè lên phần lương tri của họ, những người đã chọn quay lưng lại với sự kiện ‘Kiểm dịch Trần Đình Sử.” Thỉnh thoảng, dọc con phố họ tình cờ đi qua, xuất hiện những “dân oan khiếu kiện” trên hè phố, phía sau những tấm biểu ngữ bụi bặm, rách rưới vì dãi dầu sương gió. Đây là những người dân vô cùng thấp cổ, vô cùng bé miệng. Không giống như các nhà trí thức với những học hàm, học vị gây choáng người mà ngay cả cái thể chế toàn trị hiện hành cũng có phần kiêng dè khi chạm đến, công an có thể đánh đập những dân oan này, bắt giam họ, nhốt họ vào bệnh viện tâm thần mà không lo bị tai tiếng hoặc trách phạt. Nhưng họ vẫn kiên trì ngồi đó như tự bao giờ, đòi hỏi chỉ một điều, chút công lý nhỏ nhoi để sống sót, và không hề hy vọng sẽ nhận được điều họ đòi hỏi vào buổi sáng hôm sau. Nhưng chúng ta, những người bàng quan, sẽ có nhiều hy vọng nhìn thấy họ, cũng trên hè phố này, đàng sau những tấm biểu ngữ rách rưới, vào ngày mai, ngày mốt, và những ngày sau đó.
Và điều này chỉ có thể làm tăng thêm sức nặng của tảng đá kia!