Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 22 tháng 5, 2015

TRẢ LỜI PHỎNG VẤN CỦA TRANG BÁO NGƯỜI VIỆT VỀ ĐẠI HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM LẦN 9 (THÁNG 7 /2015)




Ngô Thị Kim Cúc

*Thưa bà, bà vui lòng cho biết đã tham gia Hội Nhà Văn Việt Nam năm nào? Và những hoạt động thường niên của hội này diễn ra như thế nào?
-Tôi vào Hội Nhà văn Việt Nam năm 1983, sau khi tốt nghiệp khóa I Trường Viết văn Nguyễn Du- Hà Nội 1982. Mối liên hệ giữa hội và tôi là tôi nhận được các loại báo biếu: Văn Nghệ, tạp chí Thơ, tạp chí Văn và tạp chí Văn học Nước ngoài theo định kỳ. Mỗi năm, tôi nhận thư Hội yêu cầu đề xuất những tác phẩm (của tất cả hội viên) mà mình cho rằng có thể đưa vào xét giải thưởng. Các trại sáng tác tổ chức không định kỳ, hội viên có thể ghi tên tham dự. Có các khu  nhà sáng tác (ở Hà Nội, Nha Trang, Đà Lạt…) để hội viên có thể đến đấy ngồi viết (nếu có kế hoạch) và sẽ được tài trợ một số tiền gọi là đầu tư sáng tác. Tôi chưa tham gia các hoạt động này bao giờ.

*Những hoạt động của Hội Nhà Văn Việt Nam trong quá trình bà đang là hội viên tạo ra những tương tác nào trong sáng tác của bà?
-Với tôi, điều đó không nhiều. Từ khi vào Hội đến nay, tôi chỉ ngồi ở nhà sáng tác Đại Lải- Hà Nội một lần và một mình trong một tuần (không phải dự trại đông người, có tài trợ) vào năm 1983, để viết mấy truyện ngắn.
Làm việc ở các nhật báo chính trị xã hội (Tuổi Trẻ, Thanh Niên) rất bận rộn, tôi ít có thời gian để tham gia thường xuyên các hoạt động hội như những nhà văn ở các hội văn nghệ địa phương. Hầu hết sáng tác của tôi được viết một cách riêng rẽ, cá nhân. Do công việc ở báo (biên tập viên văn học), tôi luôn đọc nhiều (cả bản thảo và sách in) nên nắm rõ chuyện viết lách và tác phẩm của các nhà văn, thường xuyên có sự kết nối với từng người. Song việc này lại không liên quan đến hội.

*Hiện tại, vẫn có rất nhiều cây bút ở các Chi hội Văn Học nghệ thuật tỉnh vẫn đang cố gắng in nhiều tác phẩm để đủ chuẩn thành hội viên Hội Nhà Văn Việt Nam. Bà nghĩ gì về khuynh hướng nỗ lực tham gia Hội Nhà Văn Việt Nam của số đông các cây bút này?
-Phải hiểu rằng Hội Nhà văn Việt Nam là tổ chức duy nhất “cấp thẻ chuyên nghiệp” cho các nhà văn. Những cây bút ở các địa phương luôn “phấn đấu” để đạt tiêu chuẩn đươc xét kết nạp: có hai đầu sách in (trên lý thuyết là sách “đạt chất lượng”) và được 2 hội viên cũ giới thiệu. Danh hiệu Hội viên Hội Nhà văn VN như một sự “cầu chứng tại tòa” để người viết cảm thấy mình đã trở thành nhà văn chuyên nghiệp ở-cấp-quốc-gia. Từng có người sau khi vào Hội Nhà văn VN đã nhanh chóng đề nghị những ai chưa phải hội viên thì không được dùng danh xưng “nhà văn” mà chỉ được phép xưng là “cây bút” (sic). Dẫu có vẻ khó khăn trầm trọng thế nhưng vẫn có những  hội viên mà các đồng nghiệp không hề biết họ từ đâu mà xuất hiện.

*Theo bà, đâu là sức hút đích thực của một hội nhà văn đối với giới cầm bút?
-Tôi cho rằng một hội nhà văn đích thực phải là nơi khiến các nhà văn cảm thấy tin cậy và hứng khởi để có thể tháo tung năng lượng sáng tạo của mình mà không lo bị kiềm chế hay kiểm duyệt. Nó sẽ gồm những đồng nghiệp cầm bút biết chia sẻ khó khăn của nhau và biết tôn vinh những tài năng thực sự như lẽ công bằng phải vậy. Nó giúp cho nhà văn yên tâm viết lách nhờ những tương tác hoàn toàn vô vị lợi và thực sự có trách nhiệm.

*Với trải nghiệm lâu năm của một nhà văn là hội viên Hội Nhà Văn Việt Nam, bà cảm thấy những hoạt động cũng như cơ chế của hội này có tạo ra được sinh quyển sáng tạo để từ đó nhà văn có thể tự do phóng bút theo dòng cảm xúc đương đại?
-Quá nhiều sự việc đã và đang xảy ra cho thấy không có điều đó. Lãnh đạo Hội Nhà văn VN đương nhiệm đang muốn xác quyết chỉ mình là tổ chức duy nhất có quyền hoạt động nghề văn và không ai được “cạnh tranh” thế độc quyền này . Liệu có thể xem đây là cách làm đúng đắn của một hội nghề nghiệp, nơi tập hợp những người cầm bút?

*Khi quyết định từ bỏ một thực thể nào đó đã gắn kết lâu năm với mình, đương nhiên người từ bỏ sẽ có những đắn đo và suy tư nào đó, từ bỏ Hội Nhà Văn cũng vậy, bà có những đắn đo và suy tư gì?
-Đã từ lâu, những hoạt động thường xuyên của hội cứ ngày một trở nên “có vấn đề” hơn. Không phải chỉ hội viên phản ứng mà báo chí (chính thống) cũng như các trang mạng đều đã nhiều lần đề cập. Hiện tượng Hoàng Quang Thuận, việc kết nạp hội viên mới, việc trao giải tùy tiện… khiến nhiều hội viên ngán ngẩm. Có người lên tiếng, cũng có người im lặng. Nhiều người đã lẳng lặng từ bỏ sinh hoạt hội mà không nói rõ lý do.
Khi xảy ra việc lãnh đạo Hội Nhà văn VN công khai kêu gọi gạch tên những đồng nghiệp trong Ban Vận động Văn Đoàn Độc Lập, họ đã bộc lộ rõ ý định “thanh trừng”, không cho phép các nhà văn này có mặt trong đại hội, để mình trở thành kẻ phát ngôn độc quyền, duy nhất vể mọi chuyện. Với những đồng nghiệp như thế thì còn phải đắn đo, băn khoăn gì nữa…

*Cấu trúc và cơ chế hoạt động của Hội Nhà Văn Việt Nam hiện tại, theo bà, có những bất cập nào và tính hợp lý của nó nằm ở đâu?
-Xã hội đã có rất nhiều thay đổi. Công chúng giờ đây rất thông thái, am hiểu tỏ tường mọi chuyện đang xảy ra qua vô số thông tin hằng ngày trên mạng. Nhiều độc giả giỏi hơn các nhà văn, không dễ dàng bắt họ phải “thưởng thức” những thực đơn độc quyền mà Hội Nhà văn VN dọn ra cho họ. Chẳng rõ lãnh đạo Hội Nhà văn VN có biết điều này hay không…

*Bà có tham gia Văn Đoàn Độc Lập? Bà có nhận xét nào về Văn Đoàn Độc Lập?

-Tôi tham gia Ban Vận động Văn Đoàn Độc lập một cách bình thường, bởi tôi tán thành và chia sẻ các quan niệm về nghề văn với những người cùng đứng tên: Vì một nền văn học Việt Nam tự do, nhân bản.
 Điều khác biệt đáng kể của Ban vận động Văn Đoàn Độc Lập so với Hội Nhà văn VN là các thành viên phải tự bỏ tiền túi ra để hoạt động chứ không nhận tài trợ từ bất cứ đâu. Đó là điều kiện tiên quyết/căn bản để không bị lệ thuộc.

*Với tư cách là một nhà văn thuộc lớp gạo cội trong giới cầm bút Việt Nam, bà có dự đoán nào về tương lai văn học Việt Nam (kể cả chính thống và phi chính thống) trong những năm tới?
-Tôi xin được từ chối danh từ “nhà văn gạo cội” trong câu hỏi. Theo hiểu biết của tôi, cho dù đang có vô vàn khó khăn, vẫn đang xuất hiện thêm những nhà văn mới và những tác phẩm mới giá trị. Những nhà văn này không tự cấm đoán mình dù trong nội dung hay hình thức tạo nên tác phẩm. Họ sẽ là lớp đầu tạo bước chuyển cho văn học Việt Nam tương lai.