Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 24 tháng 5, 2015

Khảo sát công trạng của những người Pháp giúp vua Gia Long (11)

Thụy Khuê

Chương 9: Ký sự Bissachère, thuỷ tổ sự bóp méo lịch sử

Bissachere2Sử gia Charles B. Maybon và linh mục học giả Cadière là hai người có công đầu trong việc "xây dựng lại sự nghiệp" của những người Pháp đến giúp Gia Long. Cadière sưu tầm tài liệu, văn bản, thư từ, dấu vết, dịch các văn bằng, tước vị, tìm lại đời sống, nơi cư ngụ, mộ phần... của những người Pháp; còn Maybon viết lại giai đoạn lịch sử này. Sự nghiên cứu của Cadière và những tác giả khác trong tập san Đô Thành Hiếu Cổ (Bulletin des Amis du Vieux Huế, BAVH) về những nhân vật này thực là cặn kẽ, ví dụ: không một chi tiết nhỏ nào về đời sống của Chaigneau là không được truy lùng tìm kiếm, rồi chiếu tỏ lên, ông được thượng diễn như một vị đại thần, có vai trò chủ yếu trong triều đại Gia Long.

Về phần Maybon, tác phẩm nòng cốt của ông là bộ sử thời danh, tựa đề Histoire moderne du pays d'Annam, (1592-1820), étude sur les premiers rapports des Européens et des Annamites et sur l'établissement de la dynastie annamite des Nguyễn (Lịch sử hiện đại nước Nam (1592-1820), khảo luận về những giao tiếp đầu tiên giữa người Âu với người An Nam và về sự xây dựng triều đại An Nam nhà Nguyễn), Librairie Plon, Paris, 1920. Phần chủ yếu trong cuốn sử này viết về giai đoạn Gia Long dựng nghiệp. Để hậu thuẫn cho những lập luận trong cuốn Histoire moderne du pays d'Annam, Maybon cho in cuốn La Relation sur le Tonkin et la Cochinchine de Mr de la Bissachère (Ký sự về Bắc Hà và Nam Hà của ông de La Bissachère) với những ý định rõ ràng:

1- Bác bỏ những điều Barrow và Montyon viết về Gia Long bằng cách phê phán gắt gao hai tác giả này.

2- Xác định sự "đáng tin cậy" của Bissachère và Sainte-Croix, hai tác giả được ông giới thiệu trong La Relation de la Bissachère (Ký sự Bissachère). Maybon dựa vào những điều Bissachère và Ste-Croix viết trong Ký sự Bissachère, để thiết lập "sự thực" về "công trạng lớn lao" của Bá Đa Lộc và những "sĩ quan" Pháp đến giúp Gia Long, mà ông cho rằng Thực Lục và Liệt Truyện đã cố tình bỏ qua.

3- Cách trình bầy chứng từ và lập luận tỏ ra vững vàng và "khoa học" của Maybon đã khiến cho hầu như tất cả mọi người đều khâm phục và tiếp nhận những điều ông viết như những "sự thực cuối cùng", rồi phụ hoạ hoặc chép theo mà không cần đặt câu hỏi.

4- Tính cách nghiêm túc của tập san Đô Thành Hiếu Cổ (Bulletin des Amis du vieux Huế, BAVH) và tập san Trường Viễn Đông Bác Cổ (Bulletin de l'Ecole Française d'Extrême Orient, BEFEO), mà hai học giả này phụ trách, đã bảo lãnh rộng rãi cho những điều mà họ đưa ra về giai đoạn lịch sử này.

5- Về phần người Việt, sau hơn thế kỷ bị Pháp đô hộ, đã mất gần hết bản tính tự cường về tư tưởng, không còn khả năng làm lấy việc của mình, trở thành ỷ lại, cái gì người ngoài, người Âu, nhất là người Pháp làm, đều hơn ta cả. Đó là lý do giải thích tại sao, trong một trăm năm qua, đã không có lấy một bài viết nào đả phá những sự bịa đặt thô thiển của những ngòi bút thực dân về giai đoạn này, cũng không có bộ sử nào khả dĩ có thể thay thế được cuốn sử của Trần Trọng Kim. Và đó cũng là cái nhục tinh thần của một dân tộc, ngoài cái nhục mất nước.

*

Cuốn La Relation sur le Tonkin et la Cochinchine de Mr de la Bissachère (Ký sự về Bắc Hà và Nam Hà của Ô. de La Bissachère) do Charles B. Maybon trình bầy, viết lời giới thiệu và chú thích, nxb Champion, Paris, 1920 (sẽ dẫn là Ký sự Bissachère, hoặc Bissachère) vì gắn bó với tên tuổi sử gia Maybon, nên được nhiều người trích dẫn, kể cả các học giả nổi tiếng.

Bản Maybon in năm 1920, là bản thứ ba, tức là ra đời khá chậm, nhưng tại sao một số điều ghi trong sách này lại có ảnh hưởng rất sâu, từ trước năm 1920? Bởi vì, cách đấy hơn một thế kỷ, năm 1810, Sainte-Croix đã cho in lần đầu bản Ký sự này trong cuốn sách của ông tựa đề "Voyage commercial et politique aux Indes Orientales..." (Hành trình thương mại và chính trị ở Đông Ấn...); và những sự bôi nhọ Gia Long có tính cách "giật gân, kinh dị" do Bissachère viết ra, đã được truyền đi từ 1810, tức là cách đây hơn hai thế kỷ.

Maybon cho in lại những điều nhơ nhuốc ấy năm 1920, vì ba lý do:

Thứ nhất: xác định lại tên tác giả Ký sự này là Bissachère chứ không phải Sainte-Croix.

Thứ nhì: giới thiệu những điều Sainte-Croix viết trong bài Introduction (Nhập đề) như một loại chứng khác, chưa hề in ở đâu. Bài viết này đưa ra những "thông tin" quái đản khác về Gia Long và nhất là thổi phồng "công trạng" của các "sĩ quan" Pháp.

Thứ ba: Cả Bissachère lẫn Sainte-Croix đều tôn sùng Bá Đa Lộc và đề cao sự nghiệp các "sĩ quan" Pháp, trong việc giúp Gia Long lấy lại ngai vàng, điều mà Maybon muốn xác định trong bộ sử Histoire moderne du pays d'Annam để vinh danh công trạng của người Pháp trong việc Gia Long thống nhất nước Nam.

Relation de la Bissachère, thủy tổ việc bóp méo lịch sử Pháp-Việt

Bissachère là ai?

Pierre-Jacques Lemonnier de La Bissachère sinh khoảng 1764 tại Angers. Học đạo. Gia nhập hội Thừa sai Ngoại quốc Paris. Tháng 3/1790, ông rời Orient; sang Bắc Hà hoạt động ở vùng Nghệ An. Theo Maybon, năm 1795, đạo chúa ở vùng Nghệ An bị đàn áp, ông phải trốn tránh. Năm 1798, 1799, có những đàn áp mới, Bissachère phải sống chui nhủi khổ cực. Tới 1800, tình trạng khá hơn, Bissachère trở lại Nghệ An. Khi Gia Long đánh ra Bắc, đầu tháng 7/1802 đến Nghệ An, vẫn theo Maybon, Giám Mục Castorie [La Mothe] và La Bissachère đến chào. Năm 1806, Bissachère bị bệnh, phải về Macao, tại đây, năm sau, ông gặp và trao cho viên sĩ quan kỵ binh Renouard de Sainte-Croix, tập bản thảo ký sự của ông, trước khi về Anh tỵ nạn [Hội thừa sai Pháp sau cách mạng 1789 phải chạy sang Anh]. Tại Luân Đôn, sinh sống khó khăn, ông gặp nam tước de Montyon ở Pháp sang tỵ nạn chính trị; có lẽ họ đã trao đổi với nhau về cuốn ký sự này. Năm 1815, Pháp trở lại chế độ vương triều, Louis XVIII lên ngôi, Bissachère về Pháp, trở thành chuyên gia của chính phủ Pháp về tình hình Á Đông, đặc biệt Việt Nam. Ông mất năm 1830 (Theo tiểu sử Bissachère do Maybon soạn trong bài Introduction, Ký sự Bissachère, t. 5).

Vị giám mục cai quản địa phận Bắc hà từ 1773 đến 1823 là Jean Labartette. Ông sinh ở Ainhoa, miền nam Pyrénées ngày 31/1/1744, đi truyền giáo ngày 29/11/1773, thăng giám mục năm 1774 và mất ở Cổ-Vưu, thuộc Quảng Trị ngày 6/8/1823 (Launay III, t. 12).

Theo thư từ ông viết về hội truyền giáo, ta có thể biết đại lược tình hình: từ 1773 đến 1785: đạo Gia Tô ở Bắc Hà được an toàn. Từ khi Nguyễn Huệ, chiếm được chính quyền ở Phú Xuân, năm 1786, mọi sự thay đổi: Nguyễn Huệ không thích đạo giáo nói chung, buộc các sư sãi về nhà, làm ruộng, đi lính, đóng cửa chùa chiền, giáo đường và cho lệnh tìm bắt giáo sĩ.

Khi Bissachère đến Bắc Hà trong năm 1790, vua Quang Trung đã đuổi xong quân Thanh và thu phục toàn thể đất Bắc, thời điểm này Phượng Hoàng Trung Đô ở Nghệ An cũng đã xây xong. Bissachère ở trong vùng Nghệ An, chắc là phải chịu sự hà khắc đó.

Félix Renouard de Sainte-Croix (1767-1840)

Người thứ nhì đóng góp vào sự xuyên tạc lịch sử là Félix Renouard de Sainte-Croix, sự tác hại của những điều ông viết trong bài Introduction (Nhập đề) dài 28 trang, được Maybon in lại, tương đương hay tệ hơn Bissachère.

Sainte-Croix là người được Bissachère phó thác những dòng ký sự của mình, ông là cựu sĩ quan kỵ binh, sang Á Châu theo hạm đội của tướng Decaen [có nhiệm vụ tiếp nhận các thuộc địa Pháp ở Á Châu được Anh trả lại sau hiệp định Amiens 27/3/1802)], ông đến Pondichéry (Ấn độ) tháng 7/1803. Ở Ấn Độ một năm, rồi sang Phi Luật Tân. Trở về Macao cuối 1806. Sang Quảng Đông, qua Đà Nẵng nhưng không ghé lại. Gặp Bissachère ở Macao và được trao bản thảo tập ký sự, năm 1807.

Ba năm sau, Ste-Croix cho in bộ sách nhan đề "Voyage commercial et politique aux Indes Orientales, aux Iles Philippines, à la Chine, avec des Notions sur la Cochinchine et le Tonkin pendant les annéés 1803, 1804, 1805, 1806 et 1807" (Hành trình thương mại và chính trị ở Đông Ấn, Phi Luật Tân, Trung Hoa, với những khái niệm về Nam kỳ và Bắc kỳ trong những năm 1803...1807) (Aux Archives du droit français, Imprimerie Crapelet, Paris, 1810).

Bộ sách này gồm ba tập, viết dưới hình thức 80 lá thư gửi bạn, kể lại những điều Ste-Croix ghi nhận trong 5 năm công tác ở Á Châu. Lá thư chót, trá đề Đà Nẵng ngày 25/12/1807 [vì Ste-Croix không vào Đà Nẵng, chỉ đi qua] tựa là Notions préliminaires sur la Cochinchine et le Tonkin (Khái niệm sơ bộ về Nam Hà và Bắc Hà) (t. 221-289), viết về tình hình nước Nam; và đó chính là Ký sự Bissachère, được sửa đổi cách sắp xếp, không đề tên tác giả, chỉ nói là của một giáo sĩ đã sống ở Việt Nam nhiều năm.

Ký sự Bissachère do Ste-Croix in năm 1810, sẽ là nguồn phát xuất những thông tin bôi nhọ Quang Trung, Gia Long và dân tộc Việt, cách đây hơn hai thế kỷ, in ở Paris.

Maybon và Ký sự Bissachère

Một thế kỷ sau, Maybon tìm thấy trong văn khố Bộ ngoại giao Pháp, tập bản thảo gồm có:

- Một bài Avant-propos (Tựa) không ký tên, của Sainte-Croix (4 trang).

- Một bài Introduction (Nhập đề) không ký tên (28 trang) cũng của Ste-Croix.

- Một bài Récit abrégé de quelques circonstances de la conquête du Tonkin par le prince annamite connu sous le nom de Gia Long (Bài tóm lược vài cảnh đánh chiếm Bắc Hà của ông hoàng nước Nam tên là Gia Long) do Bissachère viết (17 trang).

- Một bài ký sự tựa đề Des Notions sur le Tonkin (Những khái niệm về Bắc Hà) của Bissachère (49 trang).

- Hai tư liệu đính kèm (Hịch Quang Trung và Những thông tin về Bắc Hà).

Maybon thu thập tất cả những tài liệu này và in trong cuốn La Relation sur le Tonkin et la Cochinchine de Mr de la Bissachère (Ký sự về Bắc Hà và Nam Hà của Ô. de La Bissachère) do chính ông trình bầy, viết lời giới thiệu và chú thích.

Maybon nói rõ mục đích của mình trong bài Introduction ở đầu sách:

"Có ba điều bổ ích trong việc in lại sách này: Thứ nhất, trả lại cho cuốn sách dạng thức ban đầu mà tác giả viết. Văn bản còn kèm theo những chú thích của Renouard de Sainte-Croix, đã bị bỏ đi trong lần in lần đầu. Sau cùng, hai bài "Avant-Propos" và "Introduction" của Sainte-Croix hoàn toàn "inédits", chưa in ở đâu, trừ vài lầm lỗi, chứa đựng những thông tin về lịch sử Việt Nam, lại càng quý giá hơn nữa, vì đến từ Jean-Marie Dayot, một sĩ quan Pháp đã phục vụ đắc lực cho ông hoàng An Nam từ đầu cuộc chiến chống phiến loạn" (Maybon, Ký sự Bissachère, Introduction, t. 6-7).

Câu của Maybon "trừ vài lầm lỗi, chứa đựng những thông tin về lịch sử Việt Nam, lại càng quý giá hơn nữa, vì đến từ Jean-Marie Dayot" đã xác định điều này: Maybon đánh giá cao bài Introduction của Sainte- Croix vì bài này Ste- Croix viết theo lời Dayot thuật lại.

(Dayot, là một trong những lính Pháp đến giúp Gia Long, được vua tin dùng, nhiều lần được trao nhiệm vụ đi mua khí giới ở nước ngoài. Năm 1792, Dayot phạm tội thâm thủng ngân quỹ trong một chuyến đi, bị đuổi, nhưng xin ở lại. 1795, Dayot làm đắm tầu, bị xử tử, trốn đi luôn, sống ở Phi Luật Tân, tại đây, gặp Ste- Croix, và kể cho Ste-Croix những điều y viết trong bài Introduction này).

Cuốn Ký sự Bissachère chia làm ba phần:

- Trang 5-70: là bài Introduction do Maybon viết, về sự ra đời của cuốn sách lần này, về hai ấn phẩm in năm 1810 của Sainte-Croix và năm 1811 của Montyon. Bài Introduction này dài hơn 1/3 cuốn sách (bài Introduction của Maybon dài 64 trang, bài Introduction của Ste- Croix dài 28 trang và Ký sự Bissachère dài 66 trang), có ba điểm nổi bật: đả kích và triệt hạ tác phẩm của Barrow và Montyon và vinh thăng sự nghiệp Dayot.

- Trang 71-104: Bài Avant- ProposIntroduction của Ste-Croix.

- Trang 105-172: dành cho phần Ký sự Bissachère.

Maybon trân trọng giới thiệu cuốn Ký sự Bissachère trong bài Introduction dài 64 trang, nên cuốn sách này sẽ được mọi người sử dụng như những tư liệu đáng tin cậy, nhờ tên tuổi của Maybon. Trong sách, vì có tới 2 bài Introduction, một của Maybon và một của Ste-Croix, cho nên những người trích dẫn sách này, thường không phân biệt: đoạn nào do Maybon viết, đoạn nào do Ste-Croix viết, thường chỉ vắn tắt ghi Bissachère hoặc Maybon.

Những sự bội nhọ Quang Trung và Gia Long của Bissachère trong Ký sự, được Maybon in lại mà không chú thích, sẽ trở thành "sự thực".

Những sự thổi phồng vai trò của Bá Đa Lộc và những người lính Pháp của Sainte-Croix trong bài Introduction, được Maybon cho in, mà không chú thích, cũng sẽ trở thành "sự thực".

Vì vậy cho nên chúng tôi thấy cần phải "giới thiệu lại" cuốn Ký Sự Bissachère do Maybon chủ biên, để độc giả biết các tác giả này đã viết những gì và sau đó, ta sẽ tìm hiểu tiến trình bóp méo lịch sử thành lịch sử của những cây bút thuộc điạ.

*

Chúng tôi giới thiệu phần Ký sự Bissachère trước, bài Introduction của Ste-Croix sẽ được giới thiệu sau.

Ký sự Bissachère chia làm 2 phần:

Phần đầu (t. 105-122) mang tên: Récit abrégé de quelques circonstances de la conquête du Tonkin par le ci-devant Roy de Cochinchine Ngu-Yen-Anh qui aujourd'hui porte le titre d'empereur Gia Long (Tóm lược vài cảnh chinh phục Bắc Hà của vua -trước đây là vua Nam Hà- bây giờ mang danh hiệu hoàng đế Gia Long): Nội dung nói sơ lược về Nguyễn Ánh và nguyên nhân thành công: Nhờ sự giúp đỡ của Tây phương, chủ yếu là Bá Đa Lộc. Lược thuật trận Trấn Ninh và sự can đảm của Bùi Thị Xuân. Mô tả việc Gia Long trừng phạt Tây Sơn.

Phần thứ nhì (t. 123-172), mang tên: Notions sur le Tonquin (Những khái niệm về Bắc Hà): Mở đầu, nói qua về nguồn gốc chữ Tonquin, theo ông phải viết là Nước Nam mới đúng (t. 123-124), tiếp theo là nội dung, như sau:

Kể tội Gia Long đàn áp dân chúng, sưu cao thuế nặng, xây thành đài, dùng hình phạt dã man, bắt dân vào rừng rú tìm lâm sản, quan lại tham nhũng, làm giầu trên thuế má, chế độ rình rập, mật thám được trả lương cao. Sau khi xây dựng xong thành quách, quan lại vinh thân phì gia, dân chết đói phải bán con để sống. Tiếng Bắc nghe hay, tiếng Nam thô lỗ vv ... Tất cả những đoạn này sẽ được nhiều tác giả trích dẫn để "chứng minh" sự "bất tài" của Gia Long.

Về "lịch sử" Bắc Hà: Bissachère mô tả sự nhục nhã trong việc nhận lễ tấn phong của Trung Hoa: vua Việt phải quỳ gối trước sứ giả mang thánh chỉ của thiên triều (t. 131). Quân của Quang Trung (đánh Thanh) là một bọn thổ phỉ, tàn sát, cướp bóc dân chúng (t. 132). Tôn giáo ở Bắc Hà toàn một bọn mê muội, sùng bái quỷ thần, thờ cúng ma quỷ (Idolâtrie). Quần chúng mê tín dị đoan, bị các thầy pháp mê hoặc, bị ma làm... (t. 134-135).

Về Gia Long, Bissachère cho rằng "Gia Long vô thần, không có thần nào khác ngoài ông và bụng ông", Gia Long chỉ kính trọng Khổng tử (t. 137). Mẹ và em gái vua đều tin ma quỷ (t. 138). Bissachère tiếp tục chỉ trích tín ngưỡng của người Việt nhưng ông tỏ ra không hiểu gì về văn hoá Việt, trộn chuyện Liễu Hạnh với chuyện ma rung thuyền, vv... (t. 140). Ông kể tình hình khốn khổ của đạo Chúa (t. 141). Quan lại tham nhũng, làm tiền (t. 143). Tội ác. Lệ làng. Luật pháp. Binh lính. Tổ chức làng thôn (t. 148). "Trên hà hiếp dưới, cá lớn nuốt cá bé" (t. 152). Đất Bắc mầu mỡ hơn đất Tầu (t. 154), có mỏ (t. 155). Gia Long bị dân Bắc ghét (t. 156). Tả đội voi trận (t. 157). Người Việt khinh ghét người Tầu, gọi là "Ngô chó" (t. 157). Người Việt qụy lụy trước người trên. Tục quỳ. Cách ngồi ăn: chiếu trên, chiếu dưới, tùy theo ngôi thứ (t. 159). Vị trí người phụ nữ trong gia đình. Đa thê (t. 160-161). Cưới hỏi, hồi môn trang sức, y phục (t. 162-163). "Cấm [dân] lợp ngói mái nhà trừ đền thờ tổ tiên của vua" (t. 166). Người Việt không khuyến khích nghệ thuật (t. 167). Đồng bằng thuộc loại phì nhiêu nhất thế giới và mỏ nhiều như ở Pérou (t. 167). Người Bắc khéo nói và nói hay, mồm miệng đỡ chân tay (t. 168). Ăn cá với cơm (t.170). Lễ phục đẹp, giống như đội hát đồng ca dòng Bénédictine (t.170). Ăn tất cả các thứ thịt kể cả thịt chó, ăn cả con tầm, ăn nhau các con vật, dùng nhau bà đẻ chữa bệnh, ăn tất cả các loại sâu thoát ra từ đất (rươi) (t. 171-172).

*

Bissachère là người ít học, không quen viết lách, cho nên ông kể chuyện vô trật tự, câu cú lôi thôi, gặp đâu viết đấy. Dù Maybon có sửa chữa và sắp xếp lại câu chữ, nhưng vẫn còn nhiều đoạn lủng củng tối nghiã.

Điểm đáng chú ý nhất: Bissachère là người tu hành, nhưng có lẽ vì phải sống trong những điều kiện khó khăn trốn tránh, nên ông viết về nước Việt với một lòng thù hận khó tả, ông chỉ nhìn thấy những khía cạnh xấu xa, đáng khinh bỉ, tởm lợm mà ít có sự tôn trọng, thông cảm.

Chưa nói đến những thiếu thốn kiến thức về lịch sử, văn hoá, tôn giáo Việt Nam và Đông phương, lối kể chuyện của ông đôi khi khó hiểu, vì cách ngắt câu. Thí dụ, mở đầu, ông viết:

"Ngu-yen-anh dù sinh ở Nam Hà, nhưng gốc Bắc dòng dõi các quan lớn trong triều: khoảng 25 năm nay, trốn quân Tây Sơn cướp ngôi, lang thang trên bờ biển của vua Xiêm, được các giáo sĩ Âu châu nuôi nấng trong vài tháng. Nhưng chẳng bao lâu lại được dân Đồng Nai thuộc Cao Mên đón tiếp, cùng với Nam Hà và Bắc Hà bị quân Tây Sơn chiếm đóng; ông ở lại trong vùng này, dưới danh nghiã là Chúa, nhờ sự cứu giúp của vài chiến hạm Tây phương mà quân Tây Sơn rất sợ, tấn công; một mặt, Nguyễn Ánh có lợi thế trên biển nhờ đại bác và hỏa lực Âu Châu bắn xa hơn đại bác và hỏa lực Bắc Hà (t. 106-107).

Câu trên chứng tỏ ông không biết rõ Nguyễn Ánh, ông không rành địa lý nước Nam, ông đưa ra những xác định vô bằng cớ, kiểu: Nguyễn Ánh "được các giáo sĩ Âu châu nuôi nấng trong vài tháng", "nhờ sự cứu giúp của vài chiến hạm Tây phương mà quân Tây Sơn rất sợ.", "có lợi thế trên biển nhờ đại bác và hỏa lực Âu Châu bắn xa hơn đại bác và hỏa lực Bắc Hà"...

Nhưng những lời nói vu vơ này sẽ được người ta chép lại nhiều lần, và trở thành "sự thực lịch sử".

Về việc Nguyễn Ánh đánh Phú Xuân năm 1801, Bissachère viết: "Ông cũng được khuyến khích bởi ý kiến của vài người Âu kể rằng đó là một trong những kế hoạch của Đức Giám Mục quá cố Bá Đa Lộc, nhờ thuận gió [gió mùa] đem toàn lực quân đội đến vây kinh đô Nam Hà, nơi vua trẻ Cảnh Thịnh ở với một ít quân..." Câu này cũng sẽ được những người viết sử về Bá Đa Lộc, từ Faure đến Maybon... chép lại, cho rằng cách đánh thuận theo gió mùa của Nguyễn Vương là do Bá Đa Lộc "dạy", và khi Vương đánh Phú Xuân năm 1801, theo chiến lược của Đặng Đức Siêu, Maybon vẫn dùng lại ý này của Bissachère, để kết luận: đó là để thực hiện kế hoạch của linh mục quá cố Bá Đa Lộc!

Tại sao một "văn bản lịch sử" sai lầm như vậy lại được một sử gia tầm cỡ như Maybon hết sức bênh vực và giới thiệu? Bởi đó là văn bản đầu tiên (từ năm1810) đã nói rằng: Nguyễn Ánh nhờ tầu bè, súng đạn của người Âu, nhờ Bá Đa Lộc làm quân sư, mà dựng nên sự nghiệp.

Như trên đã nói: Ký sự Bissachère chia làm hai phần; phần đầu rất ngắn, nhưng lại chứa đựng những tác hại lớn đối với lịch sử dân tộc, vì sự bôi nhọ Quang Trung và Gia Long và hạ thấp Việt Nam như một dân tộc mọi rợ, không có luật pháp:

Bôi nhọ Quang Trung

Vì căm thù Tây Sơn không dung đạo giáo, Bissachère tìm cách triệt hạ Quang Trung bằng sự bịa đặt thô thiển về việc Quang Trung mộ binh ra Bắc đánh quân Thanh, ông viết:

"Quang Trung đang ở Nam Hà, hay tin quân Tầu đã sang, chạy vội ra Bắc với vài trăm lính, đi ngày đêm, lượm trên đường tất cả những kẻ có thể cầm được khí giới, cướp lương thực trong các làng mạc đi qua, chặt đầu kẻ nào không theo lệnh, đốt nhà kẻ nào không hiến gạo, trâu, lợn cho quân ăn, thường nổi cơn giận hoặc lên cơn điên, hay ra lệnh giết ngay trước mặt ông những người, ngựa không bước kịp theo. Ông ta tiến gần đến trại quân Tầu với đoàn quân mỏi mệt, què cụt vì đường xa, dở sống dở chết, chẳng làm khiếp sợ quân địch; ông ta tấn công và giết khoảng 40.000 người ngay hôm mới đến, những kẻ thoát được trốn vào rừng rồi cũng chết. Chỉ còn lại rất ít chạy về Tầu báo tin thua trận" (t. 132-133),

Lối viết này thực là ấu trĩ, bởi nếu Quang Trung là "kẻ cướp", "giết người" như thế, với một đội quân "mỏi mệt, què cụt" "dở sống dở chết" như thế mà tại sao lại tấn công và giết được "40.000 người ngay hôm mới đến"?

Nhưng điều lạ không phải ở đấy, mà là ở chỗ sử gia tiến sĩ Maybon, người đã biên tập và chú giải ký sự này, lại không có một lời chú thích, giải nghiã cho độc giả biết tại sao có những mâu thuẫn này!

Về việc Quang Trung mộ binh đánh quân Thanh, Liệt truyện viết rõ như sau:

"Huệ được tin báo cả mừng rằng: con chó Ngô là hạng gì, lại dám ngông cuồng như vậy? Tức thì hạ lệnh cử binh. Các tướng đều xin chính vị hiệu đế trước, để ràng buộc lòng người. Huệ bèn đắp đàn ở bên nam núi Ngự Bình, lấy ngày 25 tháng 11 [22/12/1788] tự lập lên ngôi hoàng đế, đổi năm đầu là Quang Trung (1788); ngay ngày hôm ấy đem cả tướng sĩ, quân thủy quân bộ đều tiến đi; ngày 29 [26/12/1788] đến Nghệ An đóng quân ở lại hơn 10 ngày, chọn thêm dân Nghệ An, cứ ba đinh lấy một, chia thân binh Thuận, Quảng làm 4 doanh Tiền, Hậu, Tả, Hữu mà tân binh ở Nghệ An là Trung Quân, quân đắc thắng có hơn 10 vạn người, voi chiến hàng trăm thớt, duyệt đại binh ở trấn doanh. Huệ thân cưỡi voi ra ngoài doanh để uỷ lạo quân lính, bèn hạ lệnh tiến quân đi. Đến ngày 20 tháng 12 [15/1/1789] đến núi Tam Điệp" (Liệt truyện, tập 2, truyện Nguyễn Văn Huệ, t. 548).

Về việc Quang Trung đại phá quân Thanh, Liệt truyện ghi rõ từng chi tiết mỗi trận đánh, khó tìm ra một ngòi bút sử sau này viết được đầy đủ và cô đọng như thế. Sự khách quan của các sử gia triều Nguyễn khi viết về "ngụy" Quang Trung, sự thiết tha và hãnh diện của họ khi viết về sự dũng cảm của Bùi Thị Xuân, "tướng ngụy", về những sự thực lịch sử, dù của bên thắng cũng như bên bại, là điều mà nhiều người viết sử sau này không có được. Nhân danh sự "trung lập" của một sử gia, họ thường có giọng mỉa mai, đôi khi cay độc đối với Gia Long và cho rằng các sử gia triều Nguyễn tâng bốc nhà vua, và chấp nhận hoạc biện hộ cho sự ngụy biện của các sử gia thuộc địa, đến độ phản bội sự thực, phản bội dân tộc mà không biết.

Bôi nhọ Gia Long

Bôi nhọ Quang Trung chưa đủ, Bissachère còn dành cho Gia Long một đoạn tiểu thuyết hoang đường về sự trừng phạt Tây Sơn, sau khi thống nhất đất nước. Bissachère rất cảm phục Bùi Thị Xuân, ông đã viết những dòng hết sức hâm mộ sự can đảm dũng mãnh của bà [với những chi tiết sai lầm, ví dụ: ông kể Bùi Thị Xuân tập hợp được 300.000 quân! Maybon biện hộ cho sự sai lầm này: không phải lỗi Bisssachère, ông chỉ viết theo một bài dân ca! (Maybon, Note 1, Bissachère, t. 110]; sau đó Bissachère "mô tả" cảnh Gia Long làm nhục sọ các vua Tây Sơn và cảnh mẹ con bà Bùi Thị Xuân bị xử voi dầy với những lời giáo đầu như sau:

"Vua Gia Long trở về Kinh đô Nam Hà nghỉ ngơi khoảng hai tháng. Sau đó ông lo việc hành hình tù nhân. Một trong những người đầy tớ mà tôi [Bissachère] gửi vào triều để xin vua cho tôi một giấy phép, ở trong danh sách những người có thể vào cung, đứng trước mặt vua trong một tháng, y làm việc trong ngày xử tội, nên y nhìn thấy rõ từ đầu đến cuối. Khi trở về, y đã kể cho tôi nghe, hôm nay tôi không nhớ hết tất cả quang cảnh cực kỳ kinh tởm này, tôi chỉ kể lại những điều khủng khiếp nhất mà về sau mọi người trong nước Nam đều biết" (Ký sự Bissachère, t. 117-118)[1].

Đoạn văn này cho thấy:

1- Việc Gia Long hành hình mà Bissachère mô tả sau đó, không phải ông được xem tận mắt, mà do người đầy tớ của ông kể lại.

2- Người "đầy tớ" này được ông sai vào triều để xin một giấy phép của vua (hay xin phép vua) để làm gì, không thấy viết rõ.

3- Tại sao "người đầy tớ" của một giáo sĩ, không có chức gì đặc biệt trong triều, lại được quyền đứng trước mặt vua trong một tháng?

4- Tạm hiểu là y được phép hầu vua trong một tháng. Tại sao nhà vua lại có chung người hầu với một giáo sĩ? Nhất là vị giáo sĩ này, mới đây còn phải sống lẩn lút trong rừng.

5- Ngay cả Giám mục Labartette, người cai quản giáo phận Bắc hà (tương đương với Giám mục Bá Đa Lộc ở trong Nam) cũng sống lẩn trốn, khi Gia Long chiếm Phú Xuân không dám ra trình diện. Theo thư của Barisy gửi M. Marchini, ngày 15/7/1801 (Launay, III, t. 423) vua đã sai anh ta đi kiếm vị thủ lãnh đạo Gia Tô này. Theo Labartette (ông ở Huế) việc được vua vời ra là một ân huệ lớn. Một giáo sĩ vô danh như Bissachère làm sao có thể "giao thiệp" với vua, chưa nói đến việc gửi đầy tớ vào triều, xin vua này, nọ?

6- Bissachère không hiểu nghi lễ triều đình nước Nam, hoặc cố tình viết loè người Pháp rằng triều đình Việt Nam như chỗ không người, ai vào cũng được. Ông "thế lực" đến độ có quyền gửi "đầy tớ" vào cung xin giấy của vua. Ông không biết là sứ thần các cường quốc Anh, Pháp đến xin yết kiến mà không có quốc thư cũng không được vua tiếp.

7- Việc xử tử không thể xẩy ra ở trong cung (palais), như "đầy tớ" kể lại. Theo Thực Lục, xử tử ở ngoại thành.

Bẩy điểm trên, chứng tỏ Bissachère bịa chuyện để phô trương sự quan trọng của mình.

Sau đó, Bissachère "mô tả" sự hành hình:

"Việc đầu tiên chiếu cố đến ông vua Tây Sơn trẻ [Cảnh Thịnh] là họ bắt ông mục kích cảnh đau đớn: quật xác cha mẹ chết từ 10, 12 năm, cùng xác những người thân. Xương cốt cha mẹ [vua Quang Trung và Hoàng Hậu] được bầy lại rồi chém đầu theo đúng hình thức, làm cho nhục nhã, và theo sự mê tín của nước này, chính là để cho [hương hồn] những hài cốt này không thể phù hộ phúc lộc cho con cháu. Sau đó, họ bỏ tất cả xương cốt Tây Sơn vào một cái thúng lớn, bắt lính đi tiểu lên, rồi nghiền nát thành bột, bỏ sang thúng khác để cho vua trẻ Tây Sơn nhìn thấy mà đau lòng.

Cho vua ăn một bữa thật sang trọng, đúng như thủ tục ở đây đối với tử tội; người em út, can đảm hơn, thấy vua ăn, trách, và vì cái bàn để đồ ăn có dấu hiệu vương giả, y nói: "Nhà ta không thiếu gì bàn ăn mà anh phải ăn bàn mượn"; sau bữa, người ta nhét giẻ vào miệng y và nhiều người khác vì sợ y lại nguyền rủa vua mới, rồi buộc tứ chi của y vào bốn con voi để xé xác. Bị voi xé xong đùi và gân cốt rồi, y còn ngoảnh lại nhìn cái thúng đựng xương cốt cha mẹ. Những kẻ hành hình, dùng một thứ dụng cụ mà bên Âu Châu không thể tưởng tượng nổi, chia làm bốn những phần hãy còn dính nhau, cùng với cái đùi đã rời, thành năm phần thịt, đem bầy ở năm chợ đông nhất thành phố, mỗi miếng trên một cột rất cao; được canh gác ngày đêm; kẻ nào xâm phạm sẽ bị tội nặng. Đợi cho thối tha hay bị qụa riả hết.

Còn về ông tướng Thiên Phô nổi tiếng [Thiếu phó Trần Quang Diệu] được gia đình và những ai quen biết kính trọng và thương tiếc, ngày hôm trước hay chính ngày chết, ông đã hiếu thảo xin vua tha chết cho mẹ già 80 tuổi, không thể làm hại ai, và ông được toại nguyện; ông bị chặt đầu, ông có người con gái tuổi 15, hết sức khả ái, khi cô trông thấy con voi lớn sừng sững tiến đến quật cô, cô hét lên một tiếng thất thanh thê thảm về phía mẹ, nói với bà rằng: "Ôi mẹ ơi cứu con với!" Mẹ cô là người đã cầm đầu quân đội, bảo con: "Mẹ cứu thân mẹ còn chưa được làm sao cứu nổi con. Con phải chịu chết như cha và cả gia đình, còn hơn sống nhục với những kẻ này..." Nhiều người xem muốn cứu cô gái, đã phải quay mặt đi để khỏi nhìn thấy cảnh cô bị hai lần voi tung lên trời, rơi xuống trúng hai sừng voi đâm thủng.

Khi đến lượt vị nữ anh hùng, tức vợ của vị Thiếu Phó, bà hiên ngang tiến đến trước voi để kích thích nó. Khi bà đến gần, người ta hét lên bắt bà phải quỳ xuống cho voi dễ quật, nhưng bà không quỳ, bà tiếp tục đi tới; người ta kể rằng, mặc dù con vật bị kích thích mạnh, vẫn phải bắt buộc nó mới ném bà lên, vì nó đã nhận ra bà là một trong những chủ cũ của nó; trước khi bị hành hình, người đàn bà can đảm này đã cho đem vào nhà tù nhiều tấm lụa để quấn chân và thân mình tới ngực, tránh cho thân khỏi bị loã lồ khi chịu cực hình.

Những kẻ hành hình, nghe nói để có can đảm, đã ăn tim, gan, phổi, và cánh tay mập mạp của bà, vì bà đã làm cho bao nhiêu quân lính sợ hãi, cả tướng của chúng nữa, khi leo tường [Trấn Ninh], họ giao chân tay bà cho sự háu đói của bọn ăn thịt người này. Ở Bắc Hà, thịt người nhắm rượu ăn sống (nhưng người ta chỉ ăn trong những dịp như vậy)". (Les exécuteurs pour avoir dit-on son courage, mangèrent son coeur, son foie, ses poumons et ses bras potelés, elle avait causé tant de peur aux soldats et même à leur Chef à l'escalade de la muraille qu'on livra ses membres à la voracité de ces cannibales. Au Tonquin, la chair humaine se mange crue en buvant du vin (mais on n'en mange que dans de semblables occasions) (Ký sự Bissachère, t. 121).

Maybon cho in lại những dòng như thế này và cũng không có một lời chú thích. Chúng ta thử tưởng tượng trường hợp ngược lại: một tác giả Việt Nam kể chuyện người Pháp ăn thịt người được Hoàng Xuân Hãn hay Đào Duy Anh cho in lại mà không chú thích, thì người Pháp sẽ đánh giá dân tộc mình ra sao?

Trở lại những điều Bissachère viết trên đây: Việc quật mộ Quang Trung và hoàng hậu, Thực Lục ghi làm hai giai đoạn:

- Tháng 12/1801 (tháng 11 Canh Thân) "Phá huỷ mộ Tây Sơn Nguyễn Huệ, bổ săng, phơi thây, bêu đầu ở chợ. Con trai, con gái, họ hàng và tướng hiệu, 31 người, đều bị lăng trì cắt nát thây" (TL. I, t. 473).

- Ngày 6/12/1802 (ngày Giáp Tuất tháng 11 Nhâm Tuất), làm lễ hiến phù (lễ dâng tù binh): đem hài cốt của Nguyễn Văn Nhạc và Nguyễn Văn Huệ giã nát rồi vứt đi, còn xương đầu lâu của Nhạc và Huệ thì đều giam ở nhà Đồ Ngoại. (TL. I, t. 531).

Như vậy, mọi việc khá rõ ràng: Tháng 12/1801: quật mồ, phơi thây, bêu đầu. Một năm sau, tháng 12/1802, làm lễ hiến phù: đem xương giã nát và giam đầu lâu vào ngục. Vậy còn đâu xác nữa mà quật lên trước mắt anh em Quang Toản, như Bissachère tưởng tượng ra.

Những gì Bissachère viết về việc Gia Long hành hình Tây Sơn, được Sainte-Croix in nguyên văn năm 1810, Montyon tóm lược, in năm 1811. Maybon tái bản Ký sự Bissachère, năm 1820. Taboulet trích in đoạn hành hình này, năm 1955, trong bộ sách La geste française en Indochine, tập II, t. 265-266. Theo Nguyễn Quốc Trị, thì Hoàng Xuân Hãn cũng trích dịch Montyon, để lên án Gia Long. Riêng cảnh hai mẹ con tướng Bùi Thị Xuân "bị voi dầy" được tác giả Quỳnh Cư mô tả lại toàn bộ trong tiểu thuyết lịch sử "Đô đốc Bùi Thị Xuân" (nxb Phụ Nữ, 1985), trừ đoạn ăn thịt người! Như vậy đủ biết tác dụng tai hại của Bissachère.

Nguyễn Quốc Trị trong bộ Nguyễn Văn Thành, (quyển I, t. 350-368), đã tố cáo các sự bịa đặt vu cáo cho Gia Long, đặc biệt vụ bắt lính đi tiểu lên sọ các vua Tây Sơn.

Việc Gia Long tiêu diệt gia đình Tây Sơn nằm trong bối cảnh trả thù dòng họ, đã được Thực Lục ghi rõ tên từng người và chúng tôi đã trích dẫn trong chương ba Tóm tắt lịch sử. Ở đây chỉ ghi lại những đoạn Thực Lục viết về việc hành hình, tương đối khá đầy đủ:

"Tháng 11 [Nhâm Tuất, tức tháng 12/1802] làm lễ tuyên cáo võ công. Ngày Quý Dậu [5/12/1802] tế thiên địa thần kỳ. Ngày Giáp Tuất [6/12/1802] hiến phù ở Thái Miếu.

Sai Nguyễn Văn Khiêm là Đô Thống chế dinh Túc Trực. Nguyễn Đăng Hựu là Tham tri hình bộ áp dẫn Nguyễn Quang Toản và em là Quang Duy, Quang Thiệu, Quang Bàn ra ngoài cửa thành, xử án lăng trì cho 5 voi xé xác (dùng 5 con voi chia buộc vào đầu và hai tay hai chân, rồi cho voi xé, đó là một thứ cực hình), đem hài cốt của Nguyễn Văn Nhạc và Nguyễn Văn Huệ giã nát rồi vứt đi, còn xương đầu lâu của Nhạc và Huệ thì đều giam ở nhà Đồ Ngoại [Ngoại đồ gia, sau đổi là Vũ khổ] (năm Minh Mệnh thứ hai đổi giam vào ngục thất cấm cố mãi mãi). Còn đồ đảng là bọn Trần Quang Diệu, Võ Văn Dũng đều xử trị hết phép, bêu đầu cho mọi người biết" (TL, I, t. 531).

Bài chiếu ở đoạn sau, viết rõ hơn:

"Ngày mồng 6 tháng này, tế cáo Trời Đất; ngày mồng 7 yết tế Thái miếu, làm lễ hiến phù, bọn Nguyễn Quang Toản và ngụy thái tể Quang Duy, Nguyên súy Quang Thiệu, Đốc trấn Quang Bàn, Thiếu phó Trần Quang Diệu, Tư đồ Võ Văn Dũng, Tư mã Nguyễn Văn Tứ, Đổng lý Nguyễn Văn Thận, Đô ngu Nguyễn Văn Giáp, Thống tướng Lê Văn Hưng, cùng vời bè lũ đầu sỏ đều đã bắt giam, đều đem giết cả, bêu đầu bảo cho dân chúng. Nhạc Huệ trời đã giết rồi, cũng đem phanh xác tan xương, để trả thù cho Miếu Xã, rửa hận cho thần nhân." (TL, I, t. 532-533).

Xem như vậy, bốn người có tội nặng nhất là bốn con vua Quang Trung bị voi xé xác: Gia Long báo oán sự Tây Sơn giết gia đình mình, đào mả các chúa Nguyễn.

Còn các đại tướng Trần Quang Diệu, Võ Văn Dũng... cùng với bè lũ đầu sỏ, đều bị chém bêu đầu. Bùi Thị Xuân, như chúng tôi đã nhắc đến trong chương ba Tóm lược lịch sử, không thấy Thực Lục ghi tên bà trong số những vị tướng bị bắt, cũng không thấy tên bà trong danh sách các tướng bị hành hình. Liệt Truyện có câu: "Quang Diệu từ Quy Hợp xuống Hương Sơn (Nghệ An), nghe thấy Nghệ An đã phá, bèn qua Thanh Chương sang sông Thanh Long, những người đi theo dần dần tản đi cả. Diệu và vợ là Thị Xuân đều bị quan quân bắt sống" (Liệt truyện II, t. 570). Vì Liệt truyện muốn kể một câu chuyện cho nên có thể tác giả đã "suy ra" việc Bùi Thị Xuân bị bắt cùng với Trần Quang Diệu; nhưng nếu đọc kỹ Thực Lục và Liệt truyện về giai đoạn cuối cùng của Trần Quang Diệu, cầm quân từ Qui Nhơn về, lội đèo vượt suối, luôn luôn phải phòng bị quân Nguyễn truy kích mọi ngả; khi bị bắt, cả quân tướng đều hoàn toàn kiệt sức không còn chống nổi nữa. Như vậy thì khó có thể ông gặp được vợ, mà bà Bùi Thị Xuân có muốn đi tìm chồng cũng không biết đâu mà kiếm; nhất là Thực Lục chuyên chép những dữ kiện xác thực, không ghi việc này. Cho nên việc bắt được Bùi Thị Xuân hay không cũng còn là một nghi vấn lịch sử.

Á Đông có sự kính trọng nhân tài mà những người thiển cận như Bissachère không thể hiểu được: các tướng tài khi bị bắt thường được dụ hàng, nếu không theo mới xử tử. Trong thời gian nội chiến, có những tướng của Nguyễn Ánh sang hàng Tây Sơn và ngược lại. Trần Quang Diệu vào thành Bình Định, khóc trước thi hài Võ Tánh, làm lễ chôn cất vị anh hùng của nhà Nguyễn, tử tiết, rất trọng thể. Bà Bùi Thị Xuân thực quả cảm đã được sử thần triều Nguyễn mô tả với sự khâm phục kính nể, nếu bà bị xử tử, chắc chắn đã có vài dòng trong Thực Lục hoặc Liệt Truyện.

Bissachère coi nước ta là man di mọi rợ, ăn thịt người, không có luật pháp gì cả, nên ông muốn viết sao thì viết. Ngoài ra ông còn mắc thêm bệnh phô trương và khoác lác, ta có thể thấy sự này trong sách của Montyon. Đây là những điều Bissachère nói với Montyon và được Montyon ghi lại trong bài tựa sách của ông:

"Ông Bissachère đã sống 18 năm ở Bắc Hà và Nam Hà, đã đi hầu hết khắp nơi trên nước này và các nước lân cận; ông nghe và nói được tiếng [Việt] và đã có quan hệ với tất cả mọi tầng lớp dân chúng ở đây. Là vị cha thực tế, tâm giao, cố vấn của giáo dân, khá nhiều trong xứ này, ông giao thiệp với những nhân vật hàng đầu của quốc gia, ông thường hội họp với các quan, chính ông cũng có văn bằng làm quan; theo lệnh triều đình, ông có những người Bắc phục dịch riêng cho ông; nhiều lần ông được bệ kiến Hoàng đế." (Montyon I, Introduction, t.7-8)

Bissachère đến Nghệ An năm 1790, khi Quang Trung trị vì, phải trốn chui trốn nhủi qua các đợt đán áp đạo giáo năm 1795, 1798, 1799, như Maybon ghi trong tiểu sử Bissachère. Vậy Bissachère làm quan với ai, vào lúc nào? Nhiều lần bệ kiến Hoàng đế nào? Quang Trung hay Quang Toản?

Ngay cả việc Maybon kể: khi Gia Long hành quân ra Bắc qua Nghệ An, Giám Mục Castorie [La Mothe] và La Bissachère đến chào, cũng chẳng có gì là chắc chắn, vì lúc ấy, bề trên của các ông là Giám Mục Labartette còn đi trốn, vì chưa biết thái độ của Gia Long như thế nào. Đến khi Gia Long, vị tình với Bá Đa Lộc mà sai Barisy đi tìm, giám mục Labartette mới dám ra. Tạm cho là Bissachère có thể đã gặp Gia Long năm 1802 ở Nghệ An. Năm 1806, Bissachère về Macao. Trong thời gian ở giữa 1802 đến 1806, Bissachère đã lập được những "công trạng" gì để thành quan trong triều Gia Long và được nhiều lần bệ kiến Hoàng đế? Không thấy Maybon giải quyết những vấn đề này.

Tội tử hình ở Việt Nam

Nhân việc Bissachère kể hai mẹ con bà Bùi Thị Xuân bị xử "voi dầy". Chúng ta thử xem lại các loại hành hình trong luật pháp Việt Nam. Về tội xử tử, đời Lê, Phan Huy Chú viết:

"Tử hình (giết chết) có ba bực (từ giảo, trảm đến lăng trì gồm làm ba bực. Giảo với trảm kể là một bực, khiêu và lăng trì kể riêng là 2 bực, có thêm bớt):

1- Giảo (thắt cổ) và trảm (chém đầu)

2- Khiêu (chém bêu đầu)

3- Lăng trì (chặt chân tay, xẻo thịt, làm cho chết dần).

Xét: Phép ngũ hình, từ trước đời Tuỳ (589-618) là: mặc (thích chữ vào mặt), giảo, trảm, khiêu, liệt (xé xác) (...) Đến nhà Tuỳ mới định lại (...), tử hình còn hai bực: giảo, trảm; bỏ những hình tàn khốc, đánh tiên (đánh roi da hoặc sắt), bêu đầu, xé thây. Nhà Đường (618-907) cũng theo như thế (...) thành phép đời sau không thay đổi (...) Đến đời Nguyên (1206-1368) lại đặt thêm hình lăng trì, tức đời trước gọi là "oa". Đời trước hình này dầu có dùng ở ngoài pháp luật, nhưng chỉ là để xử trị những kẻ ác nghịch cực nặng, không ghi vào hình thư. Đến đời nhà Nguyên mới thấy ở hình thư mà luật triều Lê ta cũng nhân theo đó." (Phan Huy Chú, Lịch Triều Hiến Chương, Tập II, Hình Luật Chí, t. 306)

Tội xử tử đời Nguyễn, theo Khâm Định Đại Nam Hội Điển Sự Lệ:

Có 5 tội hình: 1- Tội đánh roi. 2- Tội đánh trượng. 3- Tội đồ. 4- Tội lưu. 5- Tội xử tử.

Tội xử tử lại chia làm 5 loại như sau:

"Có tội giảo, tội trảm và tội lăng trì, cưu thủ, lục thi. Nếu kẻ nào tội ác quá nặng, thì đem thi hành ngay, không phải đợi đến kỳ xét án; còn các tội khác đều đợi đến hạn mùa thu mới đem thi hành án" (Khâm Định Đại Nam Hội Điển Sử Lệ, Trần Huy Hân dịch, tập 11, t. 19)

Giảo là thắt cổ, trảm là chém đầu, lăng trì là xẻo từng miếng thịt, cưu thủ là chém rồi lấy đầu đem bêu, lục thi là băm xác ra.

Như vậy, Gia Long cho thêm tội lục thi là băm xác khi xử tử Tây Sơn, và ông đã áp dụng ba loại cực hình sau đây:

Đối với các con của Quang Trung: Quang Toản, Quang Duy, Quang Thiệu, Quang Bàn "xử án lăng trì cho 5 voi xé xác (dùng 5 con voi chia buộc vào đầu và hai tay hai chân, rồi cho voi xé, đó là một thứ cực hình), đem hài cốt của Nguyễn Văn Nhạc và Nguyễn Văn Huệ giã nát rồi vứt đi" "Còn đồ đảng là bọn Trần Quang Diệu, Võ Văn Dũng đều xử trị hết phép, bêu đầu cho mọi người biết." (TL, I, t. 531), tức là:

- Lăng trì: xử các con Quang Trung, nhưng không cắt từng miếng thịt, mà cho voi xé xác.

- Lục thi: nghiền hài cốt Quang Trung và Hoàng hậu.

- Cưu thủ: chém bêu đầu các đại tướng Trần Quang Diệu, Võ Văn Dũng, vv...

Không nói gì đến Bùi Thị Xuân.

Luật Gia Long trong Hội Điển không ghi cực hình "voi dầy". Và trong các hình luật trước, từ đời Lê ngược lên đến nhà Tuỳ bên Tầu, cũng đều không thấy ghi lối xử tử này.

Đó là những chứng cớ cho thấy những điều Bisschère viết ra là không có cơ sở.

Án tử hình ở Pháp

Cũng nên nhắc lại cho Bissachère biết về án tử hình ở Pháp: trước cách mạng 1789, có những cách xử tử sau đây: la potence (treo cổ), le bucher (đốt), la roue (nghiền xay bánh xe), l'écartèlement (xé xác bằng ngựa), còn décapitation (chém) chỉ dành cho quý tộc.

Sự nghiền xay bằng bánh xe, sự đốt cháy và ngựa xé xác còn độc ác hơn bị voi xé xác.

Ngày 11/11/1789, bác sĩ Guillotin, nghị viên, đòi sự công bằng trước cái chết. 1/12/1789, ông tuyên bố: "Chém, dưới hình thức đơn giản máy móc". 1791, luật hình ghi: "Mọi án tử hình đều chém". Antoine Louis được lệnh sáng tạo máy chém. 17/4/1792, thử máy ở bệnh viện Bicêtre trên ba xác người. Máy được đặt trên bệ cao, gọi là échafaud (đoạn đầu đài). Tên Guillotin được bất tử hoá thành tên máy chém: La Guillotine. Pháp bước vào giai đoạn Kinh Hoàng (La Terreur): Vua Louis XVI lên đoạn đầu đài ngày 21/1/1793 tại quảng trường La Révolution (nay là Concorde), hoàng hậu Marie Antoinette ngày 16/10/1793. Trong thời Kinh hoàng (1792-1794), số người lên máy chém ước lượng 16.000 đến 17.000; tổng cộng số người bị giết khoảng 100.000.

T.K.

(Còn tiếp)

Kỳ tới: Bài Introduction của Sainte-Croix

Xem các kỳ trước :

http://vandoanviet.blogspot.com/2015/05/khao-sat-cong-trang-cua-nhung-nguoi_55.html

http://vandoanviet.blogspot.com/2015/05/khao-sat-cong-trang-cua-nhung-nguoi_11.html#more

http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/khao-st-cng-trang-cua-nhung-nguoi-php-gip-vua-gia-long-8/
http://vandoanviet.blogspot.com/2015/05/khao-sat-cong-trang-cua-nhung-nguoi.html#more

http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/khao-st-cng-trang-cua-nhung-nguoi-php-gip-vua-gia-long-7/

http://vandoanviet.blogspot.com/2015/04/khao-sat-cong-trang-cua-nhung-nguoi_27.html#more

http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/khao-st-cng-trang-cua-nhung-nguoi-php-gip-vua-gia-long-6/

http://vandoanviet.blogspot.com/2015/04/khao-sat-cong-trang-cua-nhung-nguoi_22.html#more

http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/khao-st-cng-trang-cua-nhung-nguoi-php-gip-vua-gia-long-5/

http://vandoanviet.blogspot.com/2015/04/khao-sat-cong-trang-nhung-nguoi-phap.html

http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/khao-st-cng-trang-nhung-nguoi-php-gip-vua-gia-long-4/

http://vandoanviet.blogspot.com/2015/04/khao-sat-cong-trang-cua-nhung-nguoi.html

http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/khao-st-cng-trang-cua-nhung-nguoi-php-gip-vua-gia-long-3/

http://vandoanviet.blogspot.com/2015/03/khao-sat-cong-trang-cua-nhung-nguoi_30.html

http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/khao-st-cng-trang-cua-nhung-nguoi-php-gip-vua-gia-long-2/

http://vandoanviet.blogspot.com/2015/03/khao-sat-cong-trang-cua-nhung-nguoi_22.html

http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/khao-st-cng-trang-cua-nhung-nguoi-php-gip-vua-gia-long/

http://vandoanviet.blogspot.com/2015/03/khao-sat-cong-trang-cua-nhung-nguoi.html


[1] Nguyên văn: "Le Roy Gia Long étant arrivé à la Capitale de la Cochinchine s'y reposa pendant deux mois ou environ. Ensuite il s'occupa du supplice de ses prisonniers; un de mes gens que j'avais envoyé à la cour, pour m'obtenir une permission du roy et qui fut porté sur la liste de ceux qui pouvoient entrer au palais et se tenir devant Sa Majesté pendant un mois, se trouva de service le jour de l'éxécution, et il la vit tout entière depuis le commencement jusqu'à la fin. A son retour il m'en a fait le récit, je ne puis m'en rappeler aujourd'hui toutes les circonstances qui d'ailleurs sont extrêmement dégoutantes, je ne rapporterai dont ce que je me souviens, ou ce qui m'a frappé le plus du récit qui m'en a été fait et qui depuis a été publique dans tous les états du roy de Cochinchine" (t. 117-118).