Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 28 tháng 5, 2015

Julio Cortázar, thuật sĩ kỳ ảo của văn chương Nam Mỹ

Guy Scarpetta
Trần Vũ chuyển ngữ  

Làm văn chương cách mạng, không có nghĩa phải minh họa cuộc cách mạng. Văn chương là một sự tự do vượt quyền. [Julio Cortázar]


Nhà văn Pháp - Á Căn Đình Julio Cortázar (1914-1984) đã khai sáng chủ nghĩa hiện thực phi thường mà những văn bản ngắn, đang tái xuất hiện, cô đọng sức mạnh. Dấn thân chính trị nhưng nhà văn không xúc phạm độc giả theo cách đánh tráo văn chương với tải đạo hay tích lũy những nhượng bộ khiến bút pháp bị nhấn chìm vào thể loại tầm thường của văn tranh đấu. Julio Cortázar là một bậc thầy châu Mỹ La-tinh của dòng văn chương huyễn ảo. [Le Monde diplomatique]


Việc xuất bản ấn phẩm tổng hợp những truyện ngắn và truyện kỳ của Julio Cortázar là dịp để tái khám phá một nhà văn, mà không chút nghi ngờ, đã có một trí tưởng tượng giàu có nhất trong thế kỷ 20. Với Cortázar, tính chất hư cấu không triệt tiêu tính chất dấn thân phân minh, trong cuộc chiến chống đế quốc.


Mở bất chợt một trang sách, bắt đầu đọc vài dòng: ngay lập tức, ma thuật xuất hiện.

Ví dụ: Một người đàn ông du hành qua những đất nước khác nhau của vùng Trung Mỹ. Hắn chụp hình lưu niệm ― những tấm hình lồng khung các bức họa hết sức hiền hòa, dân dã, mà hắn khám phá với đầy thích thú. Khi trở về nhà, ở Paris, hắn mang tráng rửa những cuộn phim này và rọi những thước phim dương bản. Khi ấy, hắn nhận thấy hình ảnh của những bức tranh hiền hòa đã hoàn toàn biến mất mà thay vào đó là những cảnh bạo lực, cảnh trấn áp của cảnh sát, bắt bớ, làm liên tưởng đến nền độc tài quân phiệt ở Á Căn Đình, nơi hắn không hề đặt chân đến. Phải chăng có sự nhầm lẫn từ phòng rửa phim vì đã đảo lộn hai cuộn phim? Hay, đã có sự tác động của một hiện tượng bí ẩn ― giống như bạo lực của lịch sử đã chụp lấy hắn, chất vấn, bằng cách áp đặt một cách huyền bí, những cảnh tượng mà hắn không biết hay không muốn nhìn thấy? Hắn cảm thấy lo lắng, choáng váng, giống sự kinh khiếp đã chui vào bụng hắn, khiến hắn phải nôn mửa trong phòng tắm, cùng lúc vợ hắn về tới, đến lượt nàng nhìn vào những tấm phim dương bản. Khi hắn trở ra bên cạnh, nàng nói với hắn: Những bức hình anh chụp tranh dân dã thật tuyệt vời... {Tận thế trên đảo Solentiname/ Apocalypse de Solentiname.}

Ở trang sách khác: Một người đàn ông, gặp một tai nạn, sắp phải giải phẫu. Ngay khi bắt đầu gây mê, hắn mơ thấy mình là một thổ dân sống ở thời trước Kha Luân Bố, đang bị sắc dân Aztèque rượt đuổi và vây bắt. Dần dần, giấc mơ càng lúc càng thêm chính xác, cho đến khi mọi thứ chợt đảo ngược: sự thật, thực tế đang diễn ra cảnh tế thần, lấy huyết người và người đàn ông, chính là gã thổ dân, trước khi bị giết đã nhập đồng vào một giấc mơ kỳ lạ xảy ra trong tương lai, và hắn tự nhìn thấy mình đang nằm dài trên mặt bàn phẫu thuật trong lúc vị bác sĩ giải phẫu giơ ra con dao mổ sáng loáng trên thi thể hắn bất động… {Đêm ngửa mặt/ La nuit face au ciel}.
Hay trên một trang sách khác nữa: Chuyện xảy ra trong thời đại chúng ta, ở Buenos Aires, một khu thương mại giữ quyền sở hữu bí mật về thông thương trực tiếp với Paris vào thế kỷ thứ 19, qua một hành lang ngầm; và như thế, người kể chuyện có cơ hội thỉnh thoảng được vận chuyển đến một nơi chốn đông đúc đẹp tựa tranh vẽ mà đã từ lâu biến mất ― nơi mà hắn được báo hiệu sự hiện diện của một người Nam Mỹ bí ẩn khác, mà cuối cùng độc giả đoán ra đó chính là Lautréamont… {Khoảng trời khác/ L’Autre Ciel}.

Hàng trăm câu chuyện cùng thể loại… Sáng kiến tuyệt hảo là tập hợp tất cả lại trong cùng một ấn phẩm [1], phần tinh túy của « hình thức ngắn gọn », được trước tác bởi bậc thầy của phong cách này: Julio Cortázar. Không chỉ duy nhất những truyện kỳ và truyện ngắn đã công bố, được in trong nhiều tuyển tập khi tác giả còn sống, như Vũ khí bí mật (Les Armes secrètes), Chấm dứt một trò chơi (Fin d’un jeu), Muôn mặt (Octaèdre), Cách thất bại (Façon de perdre), v.v.. mà còn có những truyện kể đối âm với những công trình hội họa hay đồ họa, và rất nhiều những bài viết tự sự mà đến nay vẫn còn rải rác đâu đó, đôi khi chưa từng được dịch sang Pháp ngữ.

Kết quả? Một ngàn trang của sự kỳ diệu vĩnh cửu. Nơi đó con người thoát ra khỏi thế giới bề mặt, tương tự như thoát ra khỏi tính hợp lý thông thường. Nơi đó cũng chính là một thế giới thật được biểu thị, từ những chi tiết nhỏ nhặt trong cuộc sống hàng ngày cho đến bối cảnh lịch sử và chính trị, nhưng được sàng lọc, một cách thật tinh tế, những yếu tố khác thường, không chắc chắn, thiếu hệ thống, tuyệt hảo, đáng ngại, đầy mộng mị. Ở đây, nơi con người luôn tin tưởng là vững chắc nhất, sẽ mở ra một tái hợp liên tục của không gian và thời gian tạo những rạn nứt, những vỡ nát, chấp nhận mọi hình thức phá vỡ, mọi dịch chuyển bất ngờ, mọi xung đột, mọi chuyển hóa.

Cuộc đời của một nhà văn đích thực mà chúng ta nhận thấy ngày một rõ ràng, mặc cho những thành kiến mang tính truyền thông hoặc học đường, là kết quả từ những điều mà hắn viết ra. Như mọi tác phẩm khác, tác phẩm của Cortázar được dệt nên từ sự chuyển động, từ sự xuyên suốt, cho chúng ta thoáng thấy một người đàn ông luôn ở giữa hai khoảng không gian, hai lục địa, nhưng chúng ta không thể phân định được nơi chốn. Sinh ra tại Bỉ, năm 1914, và rồi, bốn năm sau hồi hương trở về Á Căn Đình, nguồn cội của gia đình. Sớm có khả năng tưởng tượng, khả năng tự học lấy một mình, từ những hoạt động văn chương đầu tiên, tiếp theo là cảm giác ngột ngạt trong một Á Căn Đình hiểm độc ― Cortázar quyết định lưu vong, định cư năm 1951 tại Paris, vùng đất của định mệnh. Những tác phẩm đầu tiên, những chuyến du hành ― và gặp gỡ, trong những năm 1960, cùng với Carlos Fuèntes, Gabriel García Márquez, Mario Vargas Llosa, José Lezama Lima, thành lập nhóm tiểu thuyết gia danh tiếng châu Mỹ La-tinh hậu bán thế kỷ 20, mà Cortázar là thủ lĩnh, và cũng từ đó thành hình sự gắn bó. Danh tiếng càng lẫy lừng, sự dấn thân của Cortázar càng đậm nét vào những tranh đấu lớn của châu Mỹ La-tinh chống chủ nghĩa đế quốc, và các cuộc chiến chống độc tài. Một trong những quyết định đầu tiên của François Mitterrand, sau khi nhậm chức tổng thống, là trao cho nhà văn quốc tịch Pháp, cùng lúc với Milan Kundera. Cortázar mất năm 1984 ― sau khi trải qua một chứng bệnh kỳ lạ đã không ngừng làm cho ông phình to ra… như trong truyền kỳ.

Chúng ta có thể đặt dấu nhấn trên những tiểu thuyết chính của Cortázar, những tác phẩm đã đưa ông lên thứ bậc cao nhất trong nhóm châu Mỹ La-tinh kể trên: vì ngay ở tựa truyện dài đầu tiên Marelle (Nhảy lò cò), đã là một văn bản kỳ quặc, ngoại khổ, nảy nở, sinh sản, « tác phẩm mở » này đã cho phép người đọc tham dự bằng cách tự chọn lựa, tự điều chỉnh lại thứ tự các chương, giữa hai tác phẩm khác biệt trong cùng một tiểu thuyết, để nối kết lại thành một mạng dẫn âm vọng lại những tương phản giữa châu Âu và châu Mỹ La-tinh ― giữa một lý tưởng mà đối với châu Âu trước đây thuộc về Nam Mỹ ― và lý tưởng mà đối với Nam Mỹ, lùc này do chính châu Âu biểu trưng… Nhưng chắc chắn, chính nghệ thuật truyện ngắn, trong cách kể chuyện vắn tắt, chỉ một mình Cortázar là cá biệt nhất. Một nghệ thuật đã được nhà văn giải thích, trong hội thảo diễn ra tại Cuba năm 1963, và được dùng làm lời tựa cho tổng tập này. Nghệ thuật truyện ngắn, ngay từ những dòng đầu tiên, phải lập tức chộp bắt sự chú ý của người đọc, bằng cách giới thiệu « sự gián đoạn của đời sống thường nhật » sẽ « vượt ra ngoài khuôn khổ của câu chuyện kể »; mà độc giả phải tự giải thoát khỏi « chủ nghĩa hiện thực giả tạo bao gộp niềm tin rằng tất cả mọi thứ đều có thể miêu tả hay có thể giải thích được »; mạch truyện cần một sự căng thẳng đến cùng, như cách nói của Cortázar: « Độc giả phải bị đấm đến ngất xỉu thay vì bị đấm nhát gừng vài đấm », một nguyên tắc dồn nén tối đa, yêu sách « phải loại trừ tất cả những trạng thái trung gian », tất cả những « tình huống chuyển tiếp » mà truyện dài không tránh được; để câu chuyện kể phải trở thành, trong tổng thể, một tâm điểm từ trường dữ dội có hấp lực huyền diệu thu hút toàn bộ hệ thống những quan hệ giao tuyến ».

*

Vậy thì, thao tác mạnh mẽ của Cortázar, để áp đặt cách đọc thể loại « truyện kỳ », chính là biết cách góp nhặt trong vài trang sách tất cả những yếu tố thể hiện phong cách và phẩm chất nghệ thuật của những tác phẩm lớn: Luân chuyển những giọng tường thuật, đa dạng hóa góc độ quan sát, khai phá thám hiểm những vùng đất chưa biết đến, tinh tế gợi ý về độ mở của nhiều không gian và nhiều thời gian song trùng bên ngoài thực tế hằng ngày, những chuyển động lướt nhanh từ vũ trụ này sang vũ trụ khác. Giống như, đối với nhà văn, những gò bó của một bài tường thuật ngắn, tĩnh lược, không kềm chế được trí tưởng mà càng tạo thêm bề dầy tưởng tượng. Từ đâu đến những thế giới phi phàm, kỳ diệu, mà bước chân vào người đọc lập tức được chiếu sáng: nơi một nghệ sĩ nhạc jazz có năng lực, trong vài phút, « sống lại » trọn vẹn những ngày tháng của đời mình, với đầy đủ tình tiết, mà đôi khi anh nghiệm thấy được sự giãn nở lạ kỳ của thời gian ngay trong âm thanh của tiếng kèn; nơi một thiếu nữ, do những đứa trẻ hình dung ra một cách đơn giản trong những trò chơi, lại có thể hóa thành một thiếu nữ thật trong mắt của một người thanh niên đã trưởng thành, khiến anh đem lòng yêu thương; nơi những tấm gương của Đảo Phục Sinh soi nhanh hay chậm lại tùy theo bờ biển nơi chúng được lắp đặt, và nơi mà những trái a-ti-sô có thể thay thế các quả lắc đồng hồ, vì chỉ cần nhặt từng cánh a-ti-sô để biết giờ…

Như vậy, Cortázar là sự nối tiếp của Jorge Luis Borges nhưng theo một cách thức đa chiều hay sung mãn hơn, là một trong những bậc thầy vĩ đại, của thế kỷ 20, bằng ghi chép thật hư ảo, đã đóng góp vào việc mở rộng vượt thoát ra ngoài những chức năng ước lệ. Đối với Cortázar, phong cách huyễn ảo, không có gì là bất tương thích với thế giới thật, được minh chứng rõ ràng bằng thái độ dấn thân cụ thể của nhà văn. Sự tham dự của Cortázar vào « tòa án Russell », hội đồng trí tuệ và thẫm quyền tinh thần, thiết lập vào những năm 1960 và 1970, để phán xét những tội ác của Hoa Kỳ đối với Việt Nam, sau đó là phán xét các nhà độc tài châu Mỹ La-tinh. Sự tham gia nhiệt tình của Cortázar vào phong trào giải phóng Cuba, dần dà bớt nồng nhiệt khi lương tâm ông khám phá ra chính Fidel Castro và Chính quyền Giải phóng cũng đã rơi xuống đầm lầy độc tài, như việc Cortázar phản đối bản án dành cho thơ văn của Herbert Padilla ― tuy sự thức giấc của lương tâm chưa đẩy ông đến việc kết án chế độ Cuba, như số đông các nhà văn từng đồng chí hướng đã làm[2]. Cortázar từng ủng hộ chính phủ Salvador Allende, ở Chí Lợi, rồi tiếp theo sau đảo chánh của tướng Augusto Pinochet, ông đã tham gia giúp đỡ dân tị nạn Chí Lợi sang định cư ở châu Âu. Cuộc đấu tranh công khai của Cortázar chống lại độc tài quân phiệt Á Căn Đình. Việc bày tỏ không giấu giếm tinh thần đoàn kết với Mặt trận Giải phóng Nicaragua, đang đương đầu với quân « phản cách mạng » được CIA tài trợ… Tóm lại, Cortázar đã đóng góp nhiều và liên tục vào tất cả những cuộc chiến chống lại chủ nghĩa tư bản Hoa Kỳ ở châu Mỹ La-tinh, xây dựng trên « nguyên tắc đơn giản mà khó khăn, theo đó con người sẽ chỉ bắt đầu xứng đáng với tên gọi nhân loại ngày mà việc người bóc lột người chấm dứt [3]».

Vậy thì, đối với Cortázar, không cần thiết phải nhượng bộ để tự khép mình vào các thể loại có sẵn của văn tranh đấu. Cortázar, thực sự, trong cốt lõi của dấn thân, đã không ngừng chống đối không khoan nhượng những « tiêu chuẩn hẹp hòi của những kẻ lẫn lộn văn chương với giáo điều »: ‘‘Hơn bao giờ hết, tôi tin rằng, cuộc chiến đấu vì chủ nghĩa xã hội ở châu Mỹ La-tinh vừa phải đương đầu với những rùng rợn hàng ngày (…) vừa phải gìn giữ quyền được sống một cách quý giá, trân trọng, như chúng ta hằng mong muốn cho tương lai, với tất cả những gì mà cuộc sống luôn gợi mở như tình yêu, lợi ích và niềm hoan lạc.’’

Kết cuộc, đối với Cortázar, văn chương có những quyền hạn riêng, tính phức tạp, lịch sử riêng biệt; văn chương phải tự đầu tư và chinh phục không ngừng những lĩnh vực mới, kể cả những lĩnh vực hoang tưởng, và không được tự thỏa mãn để minh họa cho những gì mà mọi người đã biết; văn chương không được sử dụng để phục dịch cho cách mạng, vì tự bản thân văn chương đã là một cuộc cách mạng cấp tiến, một lợi ích trọng đại, một kinh nghiệm về những giới hạn không ngừng được nới rộng. « Văn chương là một sự tự do vượt quyền ». Và sự đòi hỏi này, theo Cortázar, không thể dựa trên sự khinh bỉ của công chúng, mà ngược lại, dựa vào lòng tin tưởng đối với văn chương mà những ai, trong sâu xa, rơi vào « dễ dãi mị dân ưa chuộng một loại hình văn chương dễ hiểu cho tất cả mọi người » không chia sẻ. « Chúng ta sẽ không phục vụ tốt công chúng, ông nhấn mạnh, nếu chúng ta giới thiệu đến công chúng một thể loại văn chương mà công chúng, không cố gắng trí tuệ, tiêu thụ quá dễ dàng.»

Nói cách khác, « làm văn chương cách mạng », đối với Cortázar, không có nghĩa « phải minh họa cuộc cách mạng ». Không có gì tiêu biểu hơn, cho quan điểm này, là chính truyện kể Cuộc Hội giao (Réunion) mang đầy tính chính trị. Ở đây, nhà văn hiện thực hóa kỳ tích khi tưởng tượng cuộc độc thoại nội tâm của Ernesto Che Guevara khi đổ bộ lên đất Cuba, với những du kích đầu tiên của Fidel Castro; nhưng trong câu chuyện kể tái dựng này, Che Guevara đã cẩn thận chạy trốn khỏi mọi âm điệu anh hùng mang tính ước lệ hay sử thi – ngay cả tự cho phép mình đào thoát vào một lãnh địa phi lý, khi Che Guevara, trong giấc mơ, nhận thấy lịch sử vẫn tiếp tục vận hành, một cách bí mật, với những hài hòa, với những nghịch lý, trong vần điệu tương phản, đối âm, như một tấu khúc trên cung đàn 4 dây của Mozart…

Trí tưởng tượng, nếu đi theo Cortázar, không phải là điều làm chúng ta xa rời thực tế nhưng chính là công cụ sáng tạo ra thực tế và làm cho thực tế gặt hái thêm giàu có. Bằng vào khả năng này, trí tưởng tượng có thể điều hợp ước vọng lớn vừa « muốn khẳng định » vừa « muốn sinh tồn » của con người; « cơn khát vọng dục tình hỉ nộ », và « sự kêu gào một phẩm cách phải được thông hiểu trên một mặt đất cần được giải thoát khỏi chân trời tầm thường của cuộc sống hằng ngày đầy nanh vuốt và tiền bạc. »

Guy Scarpetta

Trần Vũ chuyển ngữ từ nguyên tác Pháp văn Cortázar, le magicien, un maître Latino-Américain de la littérature fantastique, trên trang văn học của Le Monde Diplomatique số tháng 8-2008. Guy Scarpetta, nhà văn kiêm phê bình, giữ mục phê bình văn học cho Le Monde.

Hiệu đính và sửa chữa 25 tháng 5-2015




ớc chú của Guy Scarpetta:
[1] Tổng tập Julio Cortázar, Nouvelles, histoires et autres contes, Sylvie Protin tập hợp, Nxb Gallimard, Collection Quarto, Paris 2008, 1428 trang, 136 ảnh họa, giá 29 euros.
[2] Về những đồng tình và bất đồng giữa các văn gia châu Mỹ La-tinh và Tây Ban Nha, đối với chế độ độc tài Cộng sản Cuba, đặc biệt quanh vụ án Padilla vào năm 1971, xem văn bản chứng nhân của Juan Goytisolo trong tự truyện Những Vương quốc Cấu xé (Les Royaumes déchirés), Nxb Fayard, Paris, 1988.
[3] Thư cho nhà độc tài Cuba, Fidel Castro, trong tập san Casa de las Américas, 1967.