Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 31 tháng 3, 2015

THƠ TỐ HỮU - KHO “KÍ ỨC THỂ LOẠI” CỦA VĂN HỌC HIỆN THỰC XÃ HỘI CHỦ NGHĨA

Lã Nguyên

_nh t_ h_uNỘI DUNG

1. Mở

2. Một chiến lược diễn ngôn (Truyền thuyết)

3. Ba bức tranh thế giới (Nhà binh – dòng tộc – Hội hè)

4. Bốn mô thức tu từ (Thệ - Hịch – Ca thi – Đại cáo)

5. Kết

I. MỞ

Trong rất nhiều công trình nghiên cứu, thơ Tố Hữu mặc nhiên được xem là “lá cờ đầu” của văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Thế tức là chắc chắn đặc trưng của văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa sẽ được bộc lộ rõ nhất trong sáng tác của ông. Cho nên, tôi sẽ phân tích thơ ông để nhận biết những đặc điểm của hiện thực xã hội chủ nghĩa như một phương pháp sáng tác. Xin nói ngay, tôi xem thơ Tố Hữu là một thực tiễn diễn ngôn. Tôi hiểu diễn ngôn là phát ngôn, một hành động tạo sinh văn bản giữa người nói và người nghe, đồng thời là “sự kiện tương tác văn hóa” (Van Djik) giữ chủ thể (tác giả, người sáng tạo), khách thể (người nghe, người tiếp nhận) và đối tượng được nói tới (ai, cái gì, nhân vật). Hiểu như thế, để rút ra nhận xét về văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa, tôi sẽ tiếp cận thơ Tố Hữu từ ba góc độ: 1) Chiến lược diễn ngôn, 2) Ngôn ngữ thế giới quan và các bức tranh thế giới bằng ngôn từ, 3) Mô thức tu từ.

II. MỘT CHIẾN LƯỢC DIỄN NGÔN

Văn học là hình thức giao tiếp xã hội - thẩm mĩ. Trong giao tiếp, bao giờ người ta cũng lựa chọn một chiến lược diễn ngôn. Văn học “nói” bằng thể loại. Không có tác phẩm văn học tồn tại ngoài thể loại lời nói (M.M. Bakhtin). Cho nên, lựa chọn chiến lược diễn ngôn thực chất là lựa chọn thể loại lời nói trong giao tiếp nghệ thuật. Xin lưu ý, tôi không bàn về thể loại như một mô hình lí tưởng, một cấu trúc trừu tượng, mà nói về nó như một cấu trúc diễn ngôn. Nó là cấu trúc ba chiều được thỏa thuận sử dụng trong giao tiếp giữa người nói và người nghe. Trong văn học hiện đại, thể loại diễn ngôn nghệ thuật có cấu trúc hết sức phức tạp. Nhưng dù phức tạp thế nào, người đọc vẫn nhận ra sự chi phối của bốn biến thể chính yếu: truyền thuyết, dụ ngôn, giai thoại truyện tiểu sử. Ba thể loại trước gắn liền với truyền thống văn hóa dân gian, truyện tiểu sử ra đời cùng với văn học viết. Chúng là những “cổ mẫu”, những thể loại gốc có sức sống lâu bền, cắm rễ rất sâu vào các tầng vỉa văn hóa hiện đại. Mỗi thể loại như thế đều có mục đích giao tiếp cụ thể (khiến diễn ngôn nghệ thuật ngay từ đầu đã là một chỉnh thể), có bức tranh thế giới thế giới được kiến tạo theo kiểu riêng và có mối quan hệ giữa chủ thể và khách thể giao tiếp được đặt vào những cấp độ khác nhau để tạo thành một chiến lược giao tiếp[1].

Giờ đây, ta có thể nhìn thấy rất rõ, Tố Hữu là nhà thơ Việt Nam đầu tiên đã chọn truyền thuyết làm chiến lược diễn ngôn cho văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa. Thật vậy, dụ ngôn lấy răn dạy, thuyết gảng những bài học luân lí, đạo đức làm mục đích giao tiếp. Mục đích giao tiếp của truyền thuyết là truyền đạt những tri thức khả tín (bất kiểm chứng). Toàn bộ nội dung thơ Tố Hữu có thể gói gọn vào hai truyền thuyết, cũng có thể gọi là hai khối tri thức, hoặc hai đại tự sự. Thứ nhất: truyền thuyết về sự cứu rỗi con người cá nhân. Thứ hai: truyền thuyết về cứu rỗi dân tộc, về một “…Việt Nam! Từ trong biển máu. Người vươn lên như một thiên thần”[2].

Truyền thuyết về sự cứu rỗi con người cá nhân lần đầu tiên được trình bày trong bài Từ ấy. Tố Hữu viết bài thơ vào năm 1938, sau khi ông được kết nạp Đảng. Tác phẩm nói về sự bừng ngộ của một tâm hồn thi sĩ; một thanh niên được “mặt trời chân lí chói qua tim”, nguyện hòa cái “tôi” riêng của cá nhân vào cái “ta” chung của quần chúng cần lao. Căn cứ vào nhan đề mới và ba tiêu đề của ba phần trong tập thơ ở lần tái bản năm 1959, có thể thấy, chính Tố Hữu đã cố ý nối kết các tác phẩm riêng lẻ với nhau để biến cuốn Từ ấy thành một truyền thuyết hoàn chỉnh[3]. Nội dung của truyền thuyết có thể gói gọn vào câu chuyện về một thanh niên “băn khoăn đi kiếm lẽ yêu đời”, nhờ có “anh Lưu, anh Diểu” dẫn dắt, được giác ngộ lí tưởng cách mạng, nhờ dấn thân vào “trường tranh đấu”, trải qua “Máu lửa” và “Xiềng xích”, chàng thanh niên trở thành chiến sĩ kiên cường, nguyện suốt đời “Dâng tất cả để tôn thờ chủ nghĩa”. Nội dung ấy được đúc kết hàm súc trong bài Quê mẹ (1955) và về sau được lặp đi lặp lại nhiều lần trong sáng tác của Tố Hữu.

Những mảnh đầu tiên của truyền thuyết về sự cứu rỗi dân tộc được phác thảo trong hàng loạt bài thơ của Tố Hữu như Huế tháng Tám, Xuân nhân loại, Vui bất tuyệt (Từ ấy), Hoan hô chiến sĩ Điện Biên, Ta đi tới, Lại về (Việt Bắc), Quê mẹ, Xưa … nay, Quang vinh Tổ quốc chúng ta, Trên miền Bắc mùa xuân (Gió lộng). Pho truyền thuyết này được hoàn thiện trong trường ca Ba mươi năm đời ta có Đảng, về sau, cùng với sự vận động của lịch sử cho tới ngày thống nhất đất nước (1975), nó được bổ sung, mở rộng, nối dài trong một loạt tác phẩm khác, như Theo chân Bác, Việt Nam máu và hoa, Nước non ngàn dặm… Dù ở dạng hoàn chỉnh, hay chỉ mấy nét chấm phá, thì truyền thuyết về sự cứu rỗi dân tộc trong thơ Tố Hữu bao giờ cũng là câu chuyện lịch sử được mở ra bằng cảnh “Nước mất nhà tan” (Quê mẹ), “Kiếp người cơm vãi cơm rơi. Biết đâu nẻo đất phương trời mà đi”(Ba mươi năm đời ta có Đảng). “Máu” (“Sân đình máu chảy…”), “đêm”, “tối” (“Xưa là rừng núi, là đêm…”) “gương vỡ” (“Đời ta gương vỡ…”) là những ẩn dụ thường xuyên được nhà thơ sử dụng để kể chuyện về cái “Thuở nô lệ thân ta mất nước. Cảnh cơ hàn trời đất tối tăm” (Ba mươi năm đời ta có Đảng). Nhưng rồi Đảng ra đời, cờ Đảng giương cao như mặt trời quét sạch đêm đen: “Lần đêm bước đến khi hừng sáng. Mặt trời kia! Cờ Đảng giương cao” (Ba mươi năm đời ta có Đảng). Nhờ có Đảng, dân tộc “lại hồi sinh”. Đảng là vị cứu tinh“trả lại cho ta. Trời cao, đất rộng bao la. Bát cơm, tấm áo, hương hoa, hông người” (Ba mươi năm đời ta có Đảng). Dưới sự lãnh đạo của Đảng, dân tộc ta giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác: đánh Pháp, đuổi Nhật, làm cuộc cách mạng tháng Tám long trời lở đất, rồi lại đánh Pháp, đánh Mĩ, xây dựng chủ nghĩa xã hội, thống nhất nước nhà, mở ra thời đại mới. Từ một dân tộc nô lệ, bị “Giặc cướp hết non cao biển rộng. Cướp cả tên nòi giống tổ tiên”, nay “Ta đã nên người độc lập. Cao bằng người, nào thấp thua ai” (Ba mươi năm đời ta có Đảng).

Trong Bài ca mùa xuân năm 1961, Tố hữu viết:

Đảng cho ta trái tim giàu

Thẳng lưng mà bước, ngẩng đầu mà bay.

Tôi nhắc lại ý thơ ấy là có ý muốn nói, truyền thuyết về sự cứu rỗi con người cá nhân và cứu rỗi dân tộc thực ra chỉ là hai bình diện khác nhau của một đại tự sự về “Đảng chói lọi, Hồ Chí Minh vĩ đại”.

*

Để truyền đạt những tri thức khả tín (bất kiểm chứng), truyền thuyết kiến tạo cho mình một bức tranh thế giới rất riêng. Thế giới trong truyện tiểu sử, hoặc tiểu thuyết giáo dục là bức tranh của những khách thể quan sát. Thế giới trong dụ ngôn là bức tranh của những chủ thể lựa chọn. Trong truyền thuyết, thế giới là bức tranh của những vai trò, những chức năng. Bước vào bức tranh thế giới của truyền thuyết, mọi nhân vật đều bị đồng nhất với một chức năng, một vai trò. Không có nhân vật nào được phép lớn hơn, hay nhỏ hơn chức năng của nó.

Tôi xác định truyền thuyết là chiến lược diễn ngôn của thơ Tố Hữu, vì sáng tác của ông đã tạo ra bức tranh thế giới theo nguyên tắc phân vai. Những ai đã nghiên cứu thơ Tố Hữu đều có thể thấy, toàn bộ thế giới nhân vật trong sáng tác ông được khuôn vào bốn vai cổ mẫu có gốc gác từ huyền thoại: Cha - Anh Minh, Mẹ - Tổ Quốc, Chúng Con - Anh HùngKẻ Thù - Bầy Thú Dữ:

- “Cha” là lãnh tụ: “Bác Hồ, cha của chúng con. “Vinh quang Hồ Chí minh, Cha của chúng ta ngàn năm sống mãi”. Đảng cũng là “Cha”, vì “Cha” đồng nhất với vai “cứu tinh”: “Đảng ta Mác - Lênin vĩ đại. Lại hồi sinh, trả lại cho ta. Trời cao, đất rộng bao la…”. “Vai” của “Cha” là soi đường dẫn lối: “Người ngồi đó với cây chì đỏ. Vạch đường đi, từng bước, từng giờ”, hoặc: “Đảng ta đưa dân nước ta đi… Con đường cách mạng trường kì. Ba mươi năm ấy bước đi vững vàng”. Với ý nghĩa như vậy, trong thơ Tố Hữu, Lênin là “Cha”: “Lênin ơi, người Thầy, người Cha”. Stalin, Mao Trạch Đông, hay Kim Nhật Thành cũng đều là “Cha của chúng con”. Phẩm chất lớn nhất của “Cha” - vị “cứu tinh”, người “vạch đường đi” - anh minh: “Người trông gió bỏ buồm, chọn lúc. Nước cờ hay xoay vạn kiêu binh”, hoặc “…Lênin vĩ đại. Hoa trái đất, chất kim cương <…> Trí tuệ, tình yêu của bốn phương”. “Lênin nằm nhắm mắt (…) Để thấy trước những bước đi lịch sử”. “Vai” “vạch đường đi” và sự “anh minh” của “Cha” bao giờ cũng được mã hoá bằng các chi tiết tạo hình: tư thế ung dung, trán rộng, mắt sáng, giọng nói vang vọng. Chẳng hạn, nét tạo hình chân dung Lênin:

Mái tóc giả che vầng trán rộng.

Như bóng mây giấu ánh mặt trời.

Hoặc chân dung tạo hình của Bác Hồ:

- Bác Hồ đó ung dung châm lửa hút.

Trán mênh mông thanh thản một vùng trời.

- Nhớ Người những sáng tinh sương.

Ung dung yên ngựa trên đường suối reo.

- “Mẹ” là Tổ quốc. ”. “Mẹ” đứng sau “Cha”, vì “Cha” là lãnh tụ,“Mẹ là đất nước, tháng ngày của con” (thơ Trần Đăng Khoa). “Vai” của “Mẹ” là đùm bọc, chở che, nuôi dưỡng. Với ý nghĩa như thế, trong thơ Tố Hữu, bà má Hậu Giang là “Mẹ Tổ quốc”. Mẹ Tơm - “buồng Mẹ - buồng tim - giấu chúng con” – là “Mẹ Tổ quốc”. Những bà bầm - “Cho con nào áo nào quà. Cho củi con sưởi, cho nhà nghỉ ngơi” - là “Mẹ Vệ quốc quân”. “Mẹ” gắn liền với hình ảnh gốc lúa, bờ tre, nương dâu, bãi mía. Phẩm chất của “Mẹ” là phẩm chất của đất nước, quê hương: lam lũ, nghèo cực, mà tảo tần, son sắt thuỷ chung: “Sống trong cát chết vùi trong cát. Những trái tim như ngọc sáng ngời!”. Phẩm chất và “vai” của “Mẹ” thường được tô đậm bằng hai chi tiết tạo hình: vóc gầyáo bạc, ví như: “Bầm ra ruộng cấy bầm run. Chân lội dưới bùn, tay cấy mạ non <…> Mưa phùn ướt áo tứ thân…”.

- “Chúng con” là “Chiến sĩ đồng bào”, vây quanh “Cha” và “Mẹ”. “Vai” của “Chúng con” là “chiến đấu hi sinh”: “Chúng con chiến đấu hi sinh. Tấm lòng son sắt, đinh ninh lời thề”. Phẩm chất cơ bản của “Chúng con” là anh hùng. “Vai” và phẩm chất anh hùng của “Chúng con” được tạo hình bằng những chi tiết hành động: “Anh du kích”: “Nửa đêm bôn tập diệt đồn”, “chiến sĩ nông thôn”: “Bắt sỏi đá phải thành sắn gạo”, “anh thợ”: “má … vàng thuốc pháo. Cánh tay …đầy sẹo lửa gang”, các “em”: “đốt đuốc đến trường làng”, hoặc “chị dân công”: “mòn đêm vận tải”. Đây chính là hệ thống nhân vật hành động chủ chốt của văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa.

- Kẻ thù là “đế quốc”, là “thực dân, phong kiến một bầy”.

Từ góc độ chiến lược diễn ngôn, có hai điểm đáng chú ý về bức tranh thế giới phân vai trong thơ Tố Hữu:

Thứ nhất: Vai “Địch” bao giờ cũng bị vật hóa, “chúng là thú vật”: “chó đói”, “mèo hoang”, “hổ mang”, “hổ báo hôi tanh”… “Thú vật” không thể cá thể hóa, chúng là “lũ”, là “bầy”, “đàn”: “Lũ chúng nó rầm rầm rộ rộ”. “Như bầy chó đói chực chồm miếng ăn”, “… Như bầy quỉ sống. Nướng người ăn, nhảy nhót, reo cười”.

Vai “Địch” và Vai “Ta” đối lập với nhau như nước với lửa, như ánh sáng và bóng tối. Nếu “chúng là thú vật”, thì “ta đây là người”. Các vai thuộc phe “Ta” (“Cha –Anh Minh”, “Mẹ - Tổ Quốc”, “Chúng con – Anh hùng”) bao giờ cũng được khắc họa theo nguyên tắc tạc tượng đài. Đặc điểm đầu tiên của tượng đài là ấn tượng thị giác về sự lộng lẫy, uy nghi, hoành tráng. Chẳng hạn:

Mong manh áo vải, hồn muôn trượng.

Hơn tượng đồng phơi những lối mòn.

Hoặc tượng đài anh giải phóng quân:

Anh đi xuôi ngược tung hoành.

Bước dài như gió, lay thành chuyển non.

Mái chèo một chiếc xuồng con.

Mà sông nước dậy sóng cồn đại dương.

Một đặc điểm khác, trong cái nhìn của người chiêm ngưỡng, tượng đài bao giờ cũng để lại ấn tượng thị giác đậm nét về chất liệu vật chất bằng đá, đồng, kim loại quí gợi lên sự bền bỉ, bất hoại, trường tồn của nó. Đây là tượng đài Đảng ta:

Đảng ta đó, trăm tay nghìn mắt.

Đảng ta đây, xương sắt da đồng.

Ngay cả hình tượng chị lao công cũng được Tố Hữu tạc thành tượng đài bằng đồng, bằng sắt, bất hủy, bất hoại:

Những đêm đông.

Khi cơn giông.

Vừa tắt.

Tôi đứng trông.

Trên đường lạnh ngắt.

Chị lao công.

Như sắt.

Như đồng.

Chị lao công.

Đêm đông.

Quét rác

Nhà thơ không chỉ dùng “sắt”, “đồng” truyền thống, mà còn lấy cả mây suối, giông gió, chớp lửa thiên nhiên làm chất liệu tạc tượng đài. Đây là tượng đài Người con gái Việt Nam:

Em là ai cô gái hay nàng tiên.

Em có tuổi hay không có tuổi

Mái tóc em đây, hay là mâysuối.

Đôi mắt em nhìn hay chớp lửa đêm going.

Thịt da em hay là sắtđồng?

Thứ hai: Vì Tố Hữu được xem là “lá cờ đầu” của văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa, nên yêu cầu “mô tả hiện thực chân thực, cụ thể - lịch sử trong tiến trình vận động cách mạng” của phương pháp sáng này cần được hiểu sao cho đúng, cho sát với bức tranh thế giới được khắc họa theo nguyên tắc phân vai tượng đài trong sáng tác của ông. Chỉ cần theo dõi sự vận động của hình tượng lãnh tụ trong sáng tác của ông, ta sẽ nhận ran gay, nhà thơ mô tả nhân vật theo vai điển phạm của nó, chứ không mô tả nó như con người có thật. Ta biết, kể từ bài Sáng tháng Năm (1952) về sau, hình tượng Bác Hồ trong thơ Tố Hữu có sự điều chỉnh rất đáng kể so với hình tượng lãnh tụ trong bài Hồ Chí Minh. Năm 1946, trong bài Hồ Chí Minh, Tố Hữu viết: “Hồ Chí Minh. Người lính già” (…), “Làm tên quân cảm tử đi tiên phong” (…), “Người xông lên” (…) “Tiếng Người thét. Mau lên gươm lắp súng”. Chi tiết nào trong bài thơ cũng gợi ra hình ảnh một nhân vật hành động, anh hùng quả cảm. Hình ảnh ấy chỉ hợp với “Chúng con chiến đấu hi sinh”. Thế tức là “lạc vai”. Cho nên, giới phê bình thường nhận xét, rằng ở đây, hình tượng lãnh tụ được thể hiện “chưa thật”. Chắc Tố Hữu cũng nghĩ vậy, nên từ Sáng tháng Năm, Bác Hồ của ông không còn là “Người lính già”, mà là “Cha, là Bác, là Anh. Quả tim lớn lọc trăm dòng máu nhỏ”. Người không “xông lên”, không “đi tiên phong”, mà “Bác ngồi Bác viết nhà sàn đơn sơ”. Bác cũng không “thét”, “Giọng của người không phải sấm trên cao”, “Thấm từng tiếng, ấm vào lòng non nước”(Tố Hữu, tr. 170). Đúng là Tố Hữu đã chỉnh sửa hình tượng Bác Hồ sao cho hợp “vai” lãnh tụ, hơn là hợp với người thật, với nhân vật tiểu sử Hồ Chí Minh. Với ý nghĩa như vậy, tôi gọi văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa là chủ nghĩa hiện thực thị giác, hay chủ nghĩa hiện thực phân vai tượng đài.

*

Mỗi chiến lược diễn ngôn bao giờ cũng chọn cho chủ thể lời nói một mặt nạ ngôn ngữ và đặt quan hệ giữa người nói với người nghe vào một cấp độ giao tiếp cụ thể. Để truyền đạt tri thức khả tín, truyền thuyết bao giờ cũng chọn cho chủ thể lời nói mặt nạ ngôn ngữ của Người Sở Đắc Chân Lí. Mấy năm trước đây, trong một tiểu luận đăng trên “Nghiên cứu văn học”, tôi đã chứng minh, mặt nạ ngôn ngữ của chủ thể lời nói trong văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa, nói chung, và trong thơ Tố Hữu, nói riêng, là Người Chiến Thắng. “Người Chiến Thắng” này là Liên xô, Trung Quốc, Ba Lan, Cu Ba, Triều Tiên, là “Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa”, là “Cha Anh Minh”, Mẹ Tổ Quốc, “Chúng Con Anh Hùng”, là “Ta”, “Chúng Ta”… Là “Người Chiến Thắng”, “Ta”, “Chúng Ta” đồng thời cũng là Người Sở Đắc Chân Lí. Trong mặt nạ ngôn ngữ của Người Sở Đắc Chân Lí, diễn ngôn thơ Tố Hữu bao giờ cũng được tổ chức theo nguyên tắc đồng thuận, đồng ca[4]. Để tạo ra nguyên tắc đồng ca, mọi sự giao tiếp ngôn ngữ giữa người nói và người nghe được khuôn vào hai cấp độ quan hệ: “Mình – Ta”“Chúng Ta - Chúng Nó”.

“Chúng Nó” là “địch”, là “thú vật”, “chó ngộ, “hổ mang”, là “hổ báo hôi tanh”, “thú dữ một bầy”. Thú vật dĩ nhiên không thể có ngôn ngữ. Cho nên, cuộc giao tiếp giữa “Chúng Ta”“Chúng Nó” là giao tiếp một bên, một phía; thành ra, lời phán quyết của chúng ta là tiếng nói “đồng thuận”, “đồng tình”.

Giao tiếp “Mình - Ta” là giao tiếp “nội bộ”, giao tiếp giữa “Chúng Ta” với nhau: “Ta” là lãnh tụ, là cán bộ; “Mình” là “chiến sĩ đồng bào”, là quần chúng nhân dân. Ở đây “Ta nói - Mình nghe”; “Mình hỏi - Ta đáp”, “Ta nói” bao giờ cũng “khả tín”, dứt khoát, chắc như đinh đóng cột, “Mình nghe” bao giờ cũng tin tưởng chân thành, cuộc trò chuyện giữa “Mình” và “Ta” bao giờ cũng diễn ra trong trạng thái đồng thuận, đồng tình. Đây là cảnh trò chuyện giữa chàng thanh niên giác ngộ Cách mạng và ông lão trong Lão đầy tớ:

Cậu bảo: Cũng không xa?

- Nước Nga?

- Ờ, nước ấy”.

Và há mồm khoan khoái.

Lão ngồi mơ nước Nga.

Có thể xem Việt Bắc là tác phẩm điển mẫu của lối kết cấu hỏi - đáp “Mình - Ta” theo nguyên tắc đồng ca, đồng tình. Ở đây người hỏi là quần chúng nhân dân, là chiến khu Việt Bắc, là người ở lại; người trả lời là cán bộ kháng chiến, là người ra đi. Mỗi khi có lời hỏi, người cán bộ bao giờ cũng đáp lại bằng những lời khẳng định chắc nịch, càng về sau càng dứt khoát, hùng hồn, cứ ý như là mọi chuyện đã giải quyết xong xuôi, tương lai đang hiện ra trước mắt, đã nắm chắc ở trong tay. Bải thơ được khép lại bằng cảnh tượng “Mình - Ta” cầm tay nhau cất cao tiếng hát:

Cầm tay nhau hát vui chung

Hôm sau mình nhé, hát cùng thủ đô.

Có thể thấy, diễn ngôn thơ Tố Hữu hoàn toàn không mâu thuẫn với các phát ngôn chính luận của ông. Ông nói: “Thơ là tiếng nói đồng ý, đồng tình, tiếng nói đồng chí”. Hoặc: “Thơ là điệu tâm hồn đi tìm những tâm hồn đồng điệu”. Giờ đây tôi hiểu, những định nghĩa như thế của Tố Hữu phù hợp với chiến lược diễn ngôn của của phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa hơn là phù hợp với đặc trưng của thể loại.

Chiến lược diễn ngôn tất yếu sẽ chi phối sự lựa chọn ngôn ngữ thế giới quan và các mô thức tu từ trong thơ Tố Hữu.

III. BA BỨC TRANH THẾ GIỚI

Văn học là hiện tượng tư tưởng hệ, diễn ngôn văn học “nói” bằng ngôn ngữ thế giới quan. Tôi hiểu ngôn ngữ thế giới quan là hệ thống kí hiệu, là cấu trúc biểu nghĩa của một cộng đồng ngôn ngữ được sử dụng rộng rãi để kiến tạo bức tranh thế giới qua lăng kính giá trị của nó trong giao tiếp. Đó là bức tranh thế giới bằng ngôn từ [5]. Bức tranh này không đối lập, nhưng cũng không đồng nhất với bức tranh thế giới phân vai của chiến lược giao tiếp, vì nó thuộc về một cấp độ khác: cấp độ tư tưởng hệ. Có bao nhiêu nhiêu lĩnh vực giao tiếp lời nói, có bấy nhiêu ngôn ngữ thế giới quan. Có bao nhiêu ngôn ngữ thế giới quan, có bấy nhiêu bức tranh thế giới bằng ngôn từ. Tôi đã từng chứng minh, rằng người Việt Nam hiện nay đang dùng ngôn ngữ thương trường để dựng nên bức tranh thế giới giống như một thương trường[6]. Hồ Chí Minh trong bài Học đánh cờ và Nguyễn Đình Chiểu trong bài Chạy Tây đã vẽ ra bức tranh về tình thế cách mạng và thế nước qua lăng kính của ngôn ngữ cờ thế. Trong Hamlet của W. Shakespeare, nhìn thế giới qua ngôn ngữ nhà tù, Hamlet gọi Đan Mạch là một “nhà tù lớn”. Với ý nghĩa như thế, ngôn ngữ thế giới quan và các bức tranh thế giới bằng ngôn từ thể hiện nhãn quan giá trị mang ý nghĩa văn hóa - lịch sử. Là hiện tượng văn hóa – lịch sử, thơ Tố Hữu đã kiến tạo ba bức tranh thế giới bằng ba loại ngôn ngữ thế giới quan:

1. Ngôn ngữ nhà binh. Chắc chắn đây là một trong những ngôn ngữ đầu tiên được con người sử dụng như một ngôn ngữ thế giới quan để tri nhận thế giới. Bởi vì, ở thời viễn cổ, với xã hội công xã nguyên thủy, dường như toàn bộ hoạt động sinh tồn của con người là chiến đấu mở rộng địa bàn cư trú và giành giật thức ăn. Sự tồn tại lâu dài của các hệ thống triết học nhất nguyên với cách kiến tạo bức tranh thế giới theo nguyên tắc bổ đôi là bằng chứng về ý nghĩa quan trọng của ngôn ngữ nhà binh như một thứ ngôn ngữ thế giới quan. Tôi nghĩ, với người Việt, trong việc kiến tạo bức tranh thế giới, hình như ngôn ngữ nhà binh càng có vai trò quan trọng hơn. Chả thế mà cho tới tận bây giờ, hễ các các cơ quan, đoàn thể phát động làm một việc gì, người ta đều gọi nó là “chiến dịch”, “ra quân”. Lạ nhất là những kết hợp từ có các từ “đánh”, “đá”, “đấu”, “trận”. Chẳng hạn, “Đang “mây mưa”, cựu sao Juve bị HLV bắt tại trận” (Nhan đề bài báo), hoặc: “Trận đấu/đá bóng siêu kinh điển” (Nhan đề bài báo). Ngoài nghĩa chính là “đánh” như “đánh người”, “đánh nhau”, “đánh trận”, với người Việt, “đánh” còn là“chơi”: “đánh quay”, “đánh khăng”, “đánh đáo”, “đánh đàn”, “đánh cờ”; “đánh” là “ăn”: “đánh chén”; “đánh” là “kết giao bằng hữu”: “chúng nó đánh bạn với nhau”; thậm chí, “đánh” là “ngủ”: “đánh một giấc”; lại còn cả những thứ “đánh” rất lạ: “đánh đĩ”, “đánh đực”… Văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa là sản phẩm của đấu tranh cách mạng. Tố Hữu là chiến sĩ cách mạng, ông làm thơ trước hết để phục vụ cách mạng. Thơ ông là tiếng nói của hệ tư tưởng quốc gia thời chiến. Tất cả những điều đó khiến không ai ngạc nhiên, khi trong văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa nói chung, trong thơ Tố Hữu nói riêng, ngôn ngữ nhà binh trở thành ngôn ngữ thế giới quan để kiến tạo các bức tranh thế giới bằng ngôn từ.

Mảng tạo hình quan trọng nhất của một bức tranh thế giới bao giờ là hình tượng không gian. Có lẽ Tố Hữu là nhà thơ sử dụng sớm nhất và rộng rãi nhất mảng từ vựng nhà binh để gọi tên toàn bộ không gian sinh tồn của con người. Trong thơ ông, đời người được gọi là “đời cách mạng” (“Đời cách mạng, từ khi tôi đã hiểu”). Với ông, “đời cách mạng” là “trường dông tố”( “Trường dông tố mấy năm trời vật lộn”), “trường giao chiến” ( “Trường giao chiến không một giờ phút lặng”), “trường đấu tranh” (“Trường đấu tranh là một bản hùng ca”)... Trong thơ ông, chỉ có “đường cách mạng”. Lịch sử đường cách mạng” chính là lịch sử đất nước: “Đường cách mạng chân ta bước gấp” . Những con đường ngược xuôi, vào Nam ra Bắc cũng được gọi là “đường cách mạng”, “đường kháng chiến”: “Đường qua Tây Bắc, đường lên Điện Biên. Đường cách mạng dài theo kháng chiến”. Hàng loạt từ nhà binh khác, như “chiến lũy”, “pháo đài”, “chiến khu”, “chiến trường”, “mặt trận”, cũng được Tố Hữu huy động để mô tả không gian. Ruộng đồng là “mặt trận”: “Hãy xem đồng ruộng cũng chỉnh tề thế trận. Lúa đứng thẳng hàng, quyết tâm năm tấn”. Lịch sử dân tộc là lịch sử hành quân ra “trận”: “Bốn mươi thế kỉ cùng ra trận”. “Quê hương” là “chiến trường”: “Rộn ràng thay cảnh quê hương. Nửa công trường, nửa chiến trường xôn xao…”. Trên “chiến trường” ấy, “Mỗi góc núi xây thành chiến lũy. Mỗi đầu thôn thành một pháp đài”. Nước ta là “chiến khu”: “Cả đất nước chiến khu vĩ đại”. Trời đất của ta cũng là một chiến khu: “Mênh mông bốn mặt sương mù. Đất trời ta cả chiến khu một lòng”.

Trên bức tranh thế giới trong mô tả nghệ thuật, không gian luôn gắn chặt với thời gian. Tố Hữu có những câu thơ rất hay, thể hiện sự gắn bó giữa ý niệm thời gian với ý niệm không gian, kiểu như: “Đời trẻ lại. Tất cả đều cách mạng”, hoặc: “Ôi sáng xuân nay, như lưỡi gươm trần sáng quắc”. Quan trọng hơn, ngay ở đây, thời gian cũng được mô hình hóa bằng mảng từ vựng nhà binh. Ứng với không gian “cách mạng”, “chiến trường”, “chiến khu”, “mặt trận”, Tố Hữu thường sử các từ “trận”, “chiến dịch”, “phong trào”để nói về thời gian. Trong thơ ông, đất nước và con người Việt Nam trưởng thành sau mỗi “trận” đánh: “Và mỗi trận, mỗi mùa vui thắng lợi. Ta lớn cao lên, bay bổng diệu kì…”. Tố Hữu viết: “Đảng ta con của phong trào”. Trong thơ ông, “phong trào”, “chiến dịch” trở thành những mốc giới của thời gian lịch sử: sử Đảngsử nước. Ôngthường bắt đầu câu chuyện lịch sử từ“Trống Xô-viết Nghệ An vang động”. Ở những bài thơ viết theo lối diễn ca của ông, sau “Trống Xô - viết Nghệ An”, thường có một loạt “phong trào” được liệt kê tuần tự, làm thành cái sườn của câu chuyện lịch sử: “Khắp năm châu, trận tuyến bình dân” – “Bắc Sơn phất ngọn cờ đầu”’ – “Nam Kỳ khởi nghĩa bắc cầu tiến lên” – “Mùa thu cách mạng thành công” – “Chín năm kháng chiến thánh thần” – “Chín năm làm một Điện Biên” - “Đường thống nhất chân ta bước gấp” –“Dân có ruộng dập dìu hợp tác” …. Quy luật vận động lịch sử được nhà thơ đúc kết thành công thức: “Phong trào tạm lắng, phong trào lại lên”.

Nằm ở vị trí trung tâm của bức tranh thế giới bằng ngôn từ là hình tượng con người. Trong không gian “mặt trận” và thời gian “phong trào”, “chiến dịch”, mọi người đều chung một danh xưng: “chiến sĩ”. Với Tố Hữu, một em bé hát rong cũng có “tâm hồn chiến sĩ”: “Ôi chú bé mang hồn người chiến sĩ. Ngạo nghễ cười trong nắng sớm sương đêm”. Bà má Hậu Giang, mẹ Tơm, mẹ Suốt là “chiến sĩ”, bé Lượm là “chú đồng chí nhỏ…Sợ chi hiểm nghèo”. Ngay cả Bác Hồ cũng được Tố Hữu gọi là Người lính già”, là Tên quân cảm tử”. Đoàn tàu chạy vào Nam được nhà thơ hình dung như một “đạo quân”: “Trên đường sắt, chuyến tàu trưa hối hả. Chạy về Nam. Như một đạo quân. Chuyển rầm rầm trên miền Bắc mùa xuân”. Trong bài Chào xuân 67, Tố Hữu hân hoan: “31 triệu nhân dân. Tất cả hành quân. Tất cả thành chiến sĩ”.

Cuối cùng, vạn vật sinh tồn trong không gian “mặt trận” đều được gọi là “vũ khí”. Tôi cho rằng, trong nền văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa của chúng ta, thơ Tố Hữu là nơi thể hiện rõ nhất ý thức sử dụng ngôn ngữ nhà binh để kiến tạo hình tượng không – thời gian. Ông có nhiều câu thơ mang sức nặng khái quát về kho vũ khí vô tận của “31 triệu nhân dân …thành chiến sĩ”. Trong thơ ông,“lưỡi lê, lưỡi mác”, “tên lửa, tên tre”, “và thuyền, và xe”, “với cách mạng đều là vũ khí”. Cả “đất trời” là “chiến khu”. Rừng cây là “vũ khí”. Núi đá cũng là “vũ khí”: “Nhớ khi giặc đến giặc lung. Rừng cây, núi đá ta cùng đánh Tây. Núi dăng thành luỹ sắt dày.Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù. Mênh mông bốn mặt sương mù. Đất trời ta cả chiến khu một lòng”.

2. Ngôn ngữ dòng tộc. Chắn chắn, giống như ngôn ngữ nhà binh, loại ngôn ngữ này cũng được biến thành ngôn ngữ thế giới quan từ thời xa xưa. Cách mạng vô sản dương cao khẩu hiệu: “Vô sản toàn thế giới liên hiệp lại!”, “Bốn phương vô sản đều là anh em”. Cho nên, văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa lấy ngôn ngữ dòng tộc làm ngôn ngữ thế giới quan cũng là điều dễ hiểu.

Ngôn ngữ nhà binh lấy các chữ “chiến trường”, “mặt trận” làm nền tảng để kiến tạo hình tượng không gian trên bức tranh thế giới bằng ngôn từ. Trên bức tranh thế giới được nhìn qua lăng kính của ngôn ngữ dòng tộc, nền tảng để kiến tạo hình tượng không gian là chữ “nhà”. Trong văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa, nói chung, trong thơ Tố Hữu, nói riêng, nó là ngôi “nhà thế giới”, “nhà vũ trụ”, nó gợi ra nét nghĩa về sự thống nhất và quan hệ “ruột thịt”, “huyết thống” của các thành viên trong dòng tộc thuộc “giai cấp ta”, “nước ta”, “phe ta”. Việt Nam là “một nhà”: “Chúng ta, con một cha, nhà một nóc. Thịt với xương, tim óc dính liền”. Việt Nam, Triều Tiên, Trung Hoa, Liên Xô cùng chung một “nhà”: “Việt Nam với Triều Tiên <…> Hai chúng ta là một. Qua Trung Hoa. Chúng ta liền một khúc ruột. Với Liên Xô. Ta chung một mái nhà. Thời gian trong “nhà” được tính bằng các từ chỉ “ngày”, “buổi”, “mùa” của lịch biểu sinh hoạt tự nhiên. Việt Nam và Triều Tiên “Nhìn nhau nhớ lúc gian nguy. Những ngày bom giội, những khi giặc tràn”. Trong Việt Bắc, “Ta” gợi lại với “Mình” những kỉ niệm sâu đậm qua các dấu mốc thời gian “Mình đi có nhớ những ngày. Mưa nguồn suối lũ, những mây cùng mù”, hoặc mùa “trám bùi”, “măng mai”, buổi “trăng lên đầu núi”, “nắng chiều lưng nương”, nhất là những lúc “Sớm khuya bếp lửa người thương đi về”.

Phe ta là “một nhà”, Việt Nam, Trung Quốc, Liên Xô, Cu Ba là “anh em”. Trong thơ Tố Hữu, ngôn ngữ nhà binhngôn ngữ dòng tộc hoàn toàn thống nhất với nhau: “Triều Tiên với Việt Nam. Ta là hai anh em. Sinh đôi cùng một mẹ”. “Việt Nam với triều Tiên. Ta thành hai đồng chí. Ta Thành hai chiến sĩ. Tôn ti là đặc điểm của cấu trúc không gian gia tộc. Trên bức tranh thế giới của Tố Hữu, các đại từ chỉ tôn ti như “Ông”, “Cha”, “Mẹ”, “Con” được huy động để mô tả tôn ti của xã hội. Trong trật tự ấy, Liên Xô là “Anh”, Việt Nam là “Em”: “Ơi người Anh dũng cảm. Lũy thép sáng ngời ngời. Đây Việt Nam tháng Tám. Em Liên Xô tháng Mười”. Cũng trong trật tự ấy, như đã nói, Hồ Chí Minh là sẽ “là Cha, là Bác, là Anh. Quả tim lớn lọc trăm dòng máu nhỏ”. Mẹ Tơm, mẹ Suốt, bà Bủ, bà Bầm là “mẹ Tổ quốc”. “Chiến sĩ đồng bào” là “Con Cháu” của Bác Hồ. Đảng ta là con của “Mẹ Tổ quốc”:“Ơn người như mẹ, như cha. Lòng dân yêu Đảng như là yêu con”.

3. Ngôn ngữ hội hè. Tố Hữu gọi cuộc kháng chiến chống Mĩ là “Cuộc diễu binh hùng vĩ” của “31 triệu nhân dân”. “Diễu binh”, hay “diễu hành” đều là nghi lễ của lễ hội, của “Quốc lễ”. Với ông, cuộc sống mới là “ngày hội”: “Xuân ơi Xuân em mới đên dăm năm. Mà cuộc sống đã tưng bừng ngày hội. “Hội” trên núi rừng Việt Bắc: “Áo em thêu chỉ biếc hồng. Mùa xuân ngày hội lùng tùng thêm tươi”. Ở đồng bằng, ngày nào cũng mở “Hội”: “Vui thế, hôm nay ngày mở hội. Bốn phương đưa bạn tới cùng ta”. Nhìn nông dân “Đi ra đồng chống hạn”, Tố Hữu thốt lên: “- Bà con đi đâu vậy. Vui hơn cả hội hè?”. Ông nói: “Tôi muốn viết cho đời ta bài ca Đại hội. Chữ “đại hội” ở đây cần hiểu theo nghĩa rộng, là “Biển sống trào lên thành đại hội. Muôn màu vũ trụ kết hoa đăng”. Quả thật, từ sau 1945, bắt đầu từ những bài Huế tháng Tám, Xuân nhân loại, Vui bất tuyệt, trong thơ Tố Hữu, ngôn ngữ hội hè trở thành ngôn ngữ thế giới quan có vai trò đặc biệt quan trọng đối với việc kiến tạo bức tranh thế giới bằng ngôn từ. Có ba nhóm từ cơ bản góp phần vẽ ra bức tranh ấy.

Trước hết là nhóm từ môt tả không gian lễ hội. Lễ hội bao giờ cũng diễn ra trên không gian quảng trường kì đài. Hô ngữ chào hỏi làm thành động tác trữ tình được lặp đi lặp lại trong thơ Tố Hữu giống như một lễ nghi gợi ra hình ảnh đoàn diễu hành đang tiến bước dưới kì đài, trên quảng trường, ví như: Chào xuân đẹp! có gì vui đấy”. “Chào 61! Đỉnh cao muôn trượng”. “Chào xuân 67”.Chào anh công nhân làm ra ánh sáng”.…”.Chào cô dân quân vai súng tay cày <…>. Chào các cụ Bạch đầu quân trồng cây chống Mĩ. Chào các mẹ già run tay vá may cho chiến sĩ. Chào các em, những đồng chí của tương lai”...

Nhưng không gian quảng trườngkì đài được mô tả chính xác nhất, nổi bật nhất qua cặp danh từ đạo cụ: “Cờ”“Trống”. Đảng ra đời cùng với “ngọn cờ”: “Lần theo bước đến khi hừng sáng. Mặt trời kia Cờ Đảng giương cao”. Phong trào Xô-viết Nghệ An nổ ra trong âm thanh của tiếng “Trống”: Trống Xô-viết Nghệ An vang động. Bắc Trung Nam tràn xuống đấu tranh”. Công nhân “phất cờ đỏ” “dẫn đầu” trong “trận tuyến bình dân”. “Bắc Sơn phất ngọn cờ đầu” để “Nam kỳ khởi nghĩa bắc cầu tiến lên”. “Cờ” tràn ngập mùa thu tháng Tám: “Mùa thu cách mạng thành công. Mùa thu đây hỡi cờ hồng vàng sao. Nhìn vào hình ảnh ngọn cờ trong thơ Tố Hữu, người đọc nhận ra ngay, “Cách mạng là ngày hội của quần chúng”: “Cờ tự do bay rợp chiến đài. Bốn phương cờ đỏ rực tương lai”. Cùng với “ngọn cờ” là “tiếng trống”. “Trống” rung trong tim khi Cách mạng thành công: Trống rung tim ta đập nhịp bồn chồn”. Ở miền Nam: “Trống cờ giải phóng vui đêm hội”. Ở miền Bắc, mọi hoạt động đời sống cũng diễn ra dưới “ngọn cờ”“tiếng trống”. “Trống giong, cờ mở” khi nông dân đi chống hạn: Trống đánh cờ bay dậy. Sôi sục khắp đồng quê”. Phong trào hợp tác hóa cũng diễn ra giữa khung cảnh “cờ mở trống giong” như thế: “Dân có ruộng, dập dìu hợp tác. Lúa mượt đồng, ấm áp làng quê. Chiêm mùa cờ đỏ ven đê. Sớm trưa tiếng trống đi về trong thôn”. Ngày đón Bác Hồ về Hà Nội, cả đất nước hóa thành một rừng cờ đỏ sao vàng: “… Muôn cánh sao vàng tung nở. Cờ đỏ sông, đồng lúa, bờ tre. Cả đất nước tươi màu rực rỡ. Giữa mùa thu đón Bác hồ về”. Bác dẫn đường, đưa cả dân tộc tiến lên phía trước dưới ngọn cờ phấp phới: “Ngọn cờ đỏ trên đầu phấp phới. Bác Hồ đưa ta tới trời xa”. Và đây, “Cờ” Việt Nam tung bay giữa Thái Bình Dương lộng gió: “Trên bãi Thái Bình dương sóng gió. Phơi phới bay cờ đỏ sao vàng…”.

Thứ đến là nhóm từ mô tả sinh hoạt cộng đồng với những hành động nối tiếp, hoặc đan chéo thể hiện không khí tấp nập của lễ hội, ví như: “…Ai qua Phú Thọ. Ai xuôi Trung Hà. Ai về Hưng Hóa. Ai xuống khu Ba. Ai vào khu Bốn. Đường ta đó tự do cuồn cuộn…”, hay: “Dốc Pha Đin, chị gánh anh thồ. Đèo Lũng Lô, anh hò chị hát…” , hoặc “Những đường Việt Bắc của ta. Đêm đêm rầm rập như là đất rung. Quân đi điệp điệp trùng trùng. Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan. Dân công đỏ đuốc từng đoàn. Bước chân nát đá, muôn tàn lửa bay”.

Cuối cùng là hình tượng “hớn hở” của người trẩy hội:Hớn hở giữa mùa xuân. Rộn rực muôn màu sắc. Náo nức muôn bàn chân…”. Hình tượng này được khắc họa bằng nhóm từ “chìa khóa” đặc tả tâm trạng lễ hội: “Vui” - “Chạy” - “Nhảy”- “Bay” - “Cười” - “Hét”- “Hát” - “Đàn”

Bài Vui bất tuyệt thể hiện tuyệt đối chính xác tâm trạng lễ hội thường trực trong thơ Tố Hữu. “Vui quá đêm nay” là niềm vui trong đêm hội Cách mạng thành công. Bé Lượm của Tố Hữu khoe: “- Cháu đi liên lạc. Vui lắm chú à. Ở đồn Mang Cá. Thích hơn ở nhà”. “Vui” nhất là tin vui thắng trận: Tin vui chiến thắng trăm miền. Hòa Bình, Tây Bắc, Điện Biên vui về. Vui từ Đồng Tháp, An Khê. Vui lên Việt Bắc, đèo De, núi Hồng”. Đi chống hạn cũng Vui hơn cả hội hè <…> Vui sao tiếng nước lên đồng cạn. Vui sao tiếng hát trên đồng bừa”. Nhìn miền Bắc mà thấy: Sướng vui thay, miền Bắc của ta. Cuộc sống từng bừng đổi sắc thay da”. Trong thơ Tố Hữu, “sướng vui” là trạng thái nhân sinh làm nên hình hài của bức tranh thế giới: “Quê hương ta rộn rã cuộc vui chung”. Đời vui đó, hôm nay mở cửa. Như dãy hàng Bách hóa của ta”; “Đời vui đó, tiếng ca đoàn kết. Ta nắm tay nhau xây lại đời ta”

Niềm vui lễ hội phải được thể hiện bằng những từ mô tả hành vi lễ hội, ví như “đi”, “đi tới”: Ta đi dưới bốn nghìn năm lịch sử”. “Ta đi đây, với thế kỉ XX”. Ta đi tới biết đâu là tuyệt đích? Người cuốn lôi ta, ta cuốn lôi người. Đi đi hoài, đi mãi, anh em ơi”. Nhập vào lễ hội, người ta không chỉ “đi”, mà còn “chạy”, “nhảy”. “Ta hát huyên thuyên. Ta chạy khắp nhà”. “Tôi chạy trên miền Bắc. Hớn hở giữa mùa xuân”. “Vui quá đêm nay. Ta nhảy ta bay Trong lòng Hà Nội. Biển sống trào lên thành đại hội”. Trong thơ Tố Hữu, cả thế giới lúc nào cũng như đang “bay”, “bay lên”, “bay cao”. Cờ “bay”: “Cờ đỏ bay quanh tóc bạc Bác Hồ”. “Một vùng trời đất trong tay. Dẫu chưa toàn vẹn đã bay cờ hồng. “Trên bãi Thái Bình Dương sóng gió. Phơi phới bay cờ đỏ sao vàng”. Người cũng “bay”: “Yêu biết mấy những con người đi tới. Hai cánh tay như hai cánh bay lên”. “Thẳng lưng mà bước. Ngẩng đầu mà bay. Liên Xô “bay cao” cùng với Cách mạng tháng Mười: “Kính chào Người cất cánh bay cao. Như thiên thần bay giữa trang sao”. Từ Cách mạng tháng Tám, Việt Nam ta cũng “bay lên”: “Chừ đây Huế, Huế ơi! Xiềng gông xưa đã gẫy. Hãy bay lên. Sông núi của ta rồi!”. Bay bay lên, hỡi đôi cánh thiên thần”.

Những từ được Tố Hữu sử dụng nhiều nhất, đắt nhất để khắc họa hình tượng con người hớn hở giữa hội hè là “cười”, “đàn”,“hát”, “ca”. Có tiếng cười của một Hỉ Nhi:“Hết khổ rồi, em nhỉ, Hỉ Nhi ơi! <…> Em nói em cười, má em đỏ thắm”. Có tiếng cười “rúc rích” từ xa vọng lại: “Người con gái đi nhanh trên đê nhỏ <…> Tiếng máy cày reo đâu đó, xôn xao. Và rúc rích tiếng ai cười trong mía”. Vui nhất là tiếng cười cất lên thành tiếng “réo”: “Nước mắt ta trào, húp mắt, tràn môi. Cổ ta réo trăm trận cười, trận khóc”. Và có cả một tiếng cười của Mùa “Xuân nhân loại”: “Lâu lắm rồi, khát lắm xuân ơi . Nhân loại vươn lên ánh mặt trời <…> Đang nghe xuân tới nở môi cười. Tố Hữu mời gọi “con cò trắng bay ngang”: “Xuống đây mà ngắm cùng anh. Ngón tay các chị cấy nhanh như đàn”. Trong thơ ông chỗ nào cũng có tiếng “hò”, tiếng “hát”. Có tiếng “hò” trên sông Lô: “Nắng chói sông Lô, ô tiếng hát”. Có tiếng “hò”, tiếng “hát” trên đèo Lũng Lô: “Đèo Lũng Lô, anh , chị hát”. Lại có cả “những con đường ca hát”: “Yêu biết mấy những con đường ca hát. “Hát” khi chia xa, kẻ đi, người ở: “Cầm tay nhau hát vui chung. Hôm sau mình nhé, hát cùng thủ đô”. Cả nước cùng “hát” khi lên đường dựng xây: “Nào đi tới! Bác Hồ ta nói Phút giao thừa, tiếng hát đêm xuân <…> Tất cả dưới cờ, hát lên và bước!”. Với Tố Hữu, “Ca”, “Hát” cũng là trạng thái nhân thế, giống như “vui”, “cười”. Cho nên thơ cũng “hát”: “Thơ đã hát, mát trong lời chúc: Đường lên hạnh phúc rộng thênh thênh”. Với Tố Hữu, làm thơ tức là “ca”, là “hát”. Cho nên, có thể xem tất cả những bài thơ do ông viết sau 1945 là một chuỗi những bài hát kéo dài. Mỗi bài thơ của ông là một “Bài ca”: Bài ca lái xe đêm, Bài ca mùa xuân năm 1961, Bài ca xuân 68, Bài ca xuân 71, Một khúc ca xuân, Khúc ca vui, Bài ca quê hương… Đọc thơ ông, đúng là ta nghe thấy: Nhạc trần gian cuồn cuộn bốc hồng trần”.

*

Ba bức tranh thế giới bằng ngôn từ được kiến tạo bằng ba loại ngôn ngữ thế giới quan - nhà binh, dòng tộc, hội hè - tuy không đồng nhất, nhưng hoàn toàn thống nhất với nhau. Được lồng vào nhau, chúng tạo ra một mô hình thế giới, một cấu trúc biểu nghĩa như một hiện tượng văn hóa – lịch sử. Đó là mô hình thế giới bổ đôi, phân cực, không - thời gian được mở rộng, trải dài, nó xác lập trật tự tôn ti cao – thấpxóa bỏ khoảng cách gần – xa. Mô hình thế giới ấy tạo ra một cấu trúc biểu nghĩa tự giới hạn các cung bậc tình cảm ở bốn dạng cơ bản: a) Căn hận, khinh ghét, b) Thiêng liêng cao cả, c) Thân thiết ấm áp và 4) Hớn hở tươi vui. Cho nên, ở đây, ba loại ngôn ngữ thế giới quan và bức tranh thế giới bằng ngôn từ thực ra là những bình diện khác nhau của chiến lược diễn ngôn lấy truyền thuyết làm nguyên tắc của phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa.

(còn tiếp 1 kỳ)

 


[1] Về “thể loại gốc”, xin xem: N.D. Tamarchenko.- Sự tiến hóa của thể loại văn học// N.D. Tamarchenko (Chủ biên).- Lí thuyết thể loại văn học, “Academa", M., tr. 15-51 (tiếng Nga).

[2] Tố Hữu.- Thơ. Nxb “Hội nhà văn”, H., 2008, tr. 84. Mọi trích dẫn thơ Tố Hữu ở phần tiếp theo đều được rút từ nguồn này.

[3] Tập thơ đầu tay của Tố Hữu lấy nhan đề là Thơ, xuất bản năm 1946, gồm những tác phẩm được sáng tác trong khoảng 10 năm kéo dài từ 1937 đến 1946. Năm 1959, trong lần tái bản, nhan đề Thơ được đổi thành Từ ấy, 72 bài thơ trong đó được chia thành ba phần với tiêu đề: Máu lửa (27 bài), Xiềng xích (30 bài) và Giải phóng (15 bài).

[4] Xin xem: Lã Nguyên.- Văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa như một hệ hình giao tiếp nghệ thuật// “Nghiên cứu văn học”, 2012, số 8, tr. 3-21.

[5] Về vấn đề này xin xem: A.A. Gvozdeva.- Bức tranh thế giới bằng ngôn từ - đặc điểm di truyền và ngôn ngữ văn hóa (Dựa trên tư liệu lấy từ những tác phẩm văn học của các tác giả viết bằng tiến Anh và tiếng Nga).- Krasnodar, 2004.

[6] Xem: Lã Nguyên.- Vị thế của văn học trên sân chơi văn hóa trong tiến trình lịch sử//”Nghiên cứu văn học”, 2009, số 7, tr.3-20.