Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 27 tháng 2, 2015

Quyền lực là của dân

clip_image001[1]TT Xuân - Ông Vũ Ngọc Hoàng, phó trưởng Ban thường trực Ban Tuyên giáo trung ương, chia sẻ những trăn trở thời cuộc với Tuổi Trẻ trong cuộc gặp gỡ cuối năm 2014.

clip_image002

Tòa nhà Quốc hội - nơi tập trung quyền lực cao nhất của người dân - Ảnh: Nguyễn Khánh

Chưa giàu mạnh, khó giữ được độc lập

* Chúng ta vừa kỷ niệm “45 năm thực hiện Di chúc Bác Hồ”. Ông suy nghĩ, trăn trở những gì từ việc thực hiện Di chúc của Bác?

- Nói về Di chúc của Hồ Chủ tịch, tôi cứ suy nghĩ mãi về câu kết: “Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh…”. 45 năm, chúng ta đã làm được những gì?

Hòa bình, thống nhất là hai điều đã hoàn thành và hoàn thành khá tốt sau cuộc chiến tranh khốc liệt với đối phương mạnh hơn mấy mươi lần. Sau chiến tranh chống Mỹ, chúng ta còn phải đương đầu với những cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc nữa nhưng rồi tất cả cũng đã kết thúc. Vế thứ nhất của mệnh đề xem như đã thực hiện được. 

Vế thứ hai “độc lập, dân chủ, giàu mạnh” xem ra vẫn còn là một câu chuyện dài. Theo cách hiểu thông thường thì chúng ta đã có độc lập, nhưng theo tôi, nếu chưa giàu mạnh, chưa phát triển khó mà giữ được độc lập hoàn toàn. Điều này phải ý thức rất rõ để lấy đó làm động lực cho phát triển. 

Nói về dân chủ, từ ngày đổi mới đến nay, chúng ta đã có một số tiến bộ đáng ghi nhận, quyền con người được thể hiện rõ ràng trong cương lĩnh, nghị quyết, Hiến pháp, pháp luật. Tất nhiên khi nói “một số” thì có nghĩa là tiến bộ ấy chưa nhiều, chưa lớn, chưa phải thành tựu, còn chậm. Chúng ta cần đẩy mạnh tiến trình dân chủ nhiều hơn nữa, nhanh hơn nữa, cần phấn đấu để có những chủ trương, quyết sách cụ thể về vấn đề này. 

Mục tiêu giàu mạnh với ta cũng còn rất xa. Nếu so sánh với chính mình thì kinh tế, đời sống tất nhiên đã khác hẳn ngày trước nhưng nếu so sánh với thế giới xung quanh, với khu vực thì thấy mình thật chậm chạp, trì trệ, còn nhiều mặt lạc hậu. Cần phải nhìn rõ vào thực tế hiện nay: năng suất lao động thuộc hạng thấp nhất, nợ công nhiều, nợ xấu cũng nhiều, công nghiệp phụ trợ hầu như chưa có, công nghệ lạc hậu, doanh nghiệp phá sản hoặc ngưng hoạt động mấy năm nay rất nhiều, nền kinh tế ở tình trạng rất khó khăn, đang rơi vào bẫy thu nhập trung bình mà trên thế giới có nước đã mất gần 50 năm không thể thoát ra được. 

Đáng ra, nếu chúng ta phát triển đúng hướng, đúng cách, nếu làm giỏi thật sự thì hôm nay, 40 năm sau ngày thống nhất chúng ta đã có thể khá lắm rồi, thậm chí đã cơ bản trở thành nước công nghiệp hóa và vượt qua thu nhập trung bình có thu nhập cao. Hàn Quốc và một số nước đã vượt qua thu nhập trung bình trong khoảng 30 năm đó thôi. Đáng ra chúng ta đã cơ bản đạt được những mong muốn của Hồ Chủ tịch.

Ông Vũ Ngọc Hoàng - Ảnh: Tự Trung

* Theo ông, sức mạnh và những điều đáng tự hào của người Việt Nam, dân tộc Việt Nam thể hiện ở đâu?

- Ở văn hóa. Tôi cho rằng cái bền vững nhất để giữ nước, cũng như để phát triển là văn hóa. Trong lịch sử, có những giai đoạn chúng ta đã mất nước, thậm chí mất nước trong hàng ngàn năm, và chính nhờ văn hóa mà không bị đồng hóa, nhờ văn hóa mà thống nhất lòng dân lấy lại được nước. Chiến tranh nhân dân của chúng ta cũng là văn hóa, từng chiến sĩ bước ra chiến trường với sức mạnh của văn hóa ở bên trong, từ đó mới có chiến thắng. Mục tiêu quan trọng nhất của văn hóa là con người. Con người có văn hóa cao, đất nước không lo gì không phát triển. Cần phải tiếp tục vun trồng và phát huy tối đa tinh thần yêu nước, tinh thần dân tộc để tiến lên, theo kịp thiên hạ. 

* Những năm gần đây, nhiều nhà văn hóa lên tiếng báo động về sự xuống cấp của văn hóa, đạo đức…

“Có nhiều việc chúng ta đã làm tích cực và làm tốt, nhưng lại có nhiều việc hơn cần có một cách làm khác, một tư duy khác. Chúng tôi rất trăn trở và có nhiều người trăn trở, nhưng vẫn chưa đủ, cần nhiều người hơn nữa phải đổi mới tư duy, đổi mới công việc một cách mạnh mẽ để đất nước có bộ mặt mới, người dân có cuộc sống mới, thật sự tự do, hạnh phúc như Bác Hồ và những người đi trước hằng mong mỏi”.

- Đó cũng là điều tôi muốn nói. Đạo đức xã hội đang xuống cấp, có những mặt xuống cấp trầm trọng, đáng báo động, ở cả những khu vực đáng lẽ ra phải thật sự trong sạch: nơi cứu người, nơi dạy người, nơi tạo ra các giá trị nhân văn, nơi nắm cán cân công lý, nơi thờ tự tâm linh, trong tham mưu chiến lược, trong công tác cán bộ… Việc thoái hóa đạo đức, tham nhũng diễn ra ở cả các cán bộ, đảng viên lãnh đạo quản lý trung cao cấp. Trước đây, nhìn nhận vấn đề này, trong các văn bản của Đảng và Nhà nước dùng từ “một số cán bộ thoái hóa”, sau đó tới “một bộ phận”, và bây giờ là “một bộ phận không nhỏ”. Như thế tức là tình trạng tiêu cực này cứ phát triển tăng dần, mặc dù Đảng và Nhà nước có nhiều chủ trương về phòng chống.

Câu hỏi đặt ra là: Tại sao như vậy? Đó là vì hệ giá trị đã bị đảo lộn. Trong nhiều việc, mặt trái của kinh tế thị trường đã đặt đồng tiền vào vị trí trung tâm, lên trên nhân cách, chi phối hành vi của con người và các giá trị khác. Kinh tế thị trường không xấu, chúng ta vẫn sẽ phải đi tiếp trên con đường này để tiến lên, để phát triển. Cái gì cũng có mặt trái và khuyết điểm chính là do chúng ta sử dụng cơ chế thị trường chưa tốt, quản lý yếu kém, chưa đúng cách, chưa có cơ chế hiệu quả để hạn chế những tiêu cực. 

Phải kiểm soát được quyền lực

* Theo ông, giải pháp là gì, và bắt đầu từ đâu?

- Chúng tôi đã trăn trở nhiều về vấn đề này. Sửa chữa phải từ trên xuống. Tôi thấy điểm mấu chốt là cần có cơ chế để hạn chế tác hại mặt trái của cơ chế quyền lực và mặt trái của cơ chế thị trường như hai con ngựa chứng, đòi hỏi phải nâng cao năng lực cầm cương.

Bác Hồ nói: Dân chủ là người dân được mở miệng. Tất cả những điều Bác mong muốn đều là những quy luật khách quan của cuộc sống mà xã hội ta nhất định phải đi tới và đạt được

Khi quyền lực được giao vào tay người có nhân cách, đạo đức, tài năng nó sẽ được sử dụng để phục vụ nhân dân, đất nước. Và mặt trái: quyền lực sẽ làm tha hóa những người nắm giữ nó mà chưa đủ bản lĩnh, nhân cách, chưa đủ độ chín về văn hóa. Quyền lực có thể làm tha hóa con người rất nhanh và gây hại lớn. 

Trong lịch sử Việt Nam, mười triều đại phong kiến đã lặp đi lặp lại chu trình: Giành được hoặc được nhân dân trao cho quyền lực - trị vì - tha hóa, suy yếu bởi quyền lực - sụp đổ. Có triều đại tồn tại được hàng trăm năm như nhà Lý, Trần, cũng có triều đại suy thoái và đổ ngã trong thời gian rất ngắn. Trong các sự sụp đổ ấy, nguyên nhân chính xuất phát từ nội tại chứ không phải vì bị thế lực bên ngoài tác động. Bài học lịch sử ấy tất nhiên không loại trừ chúng ta, thế nhưng nhiều người hôm nay vẫn còn chưa nhận thức sâu sắc được điều này. 

Vậy nên, quyền lực phải được kiểm soát. Trước hết là kiểm soát từ việc chọn và sử dụng người. Tìm được người “đức trọng” thì mới giao “quyền cao”, nếu đức 10 chỉ nên giao quyền cỡ 6, 7 phần thôi, giao tới 20, 30 là hỏng cả. Bây giờ, tôi thấy nhiều người nói lệch thành “chức trọng quyền cao”, tức là trọng chức hơn trọng nhân cách. 

Về khách quan, phải có cơ chế để quyền lực được kiểm soát bằng pháp luật, bằng giám sát của toàn dân. Mấy mươi năm qua, phải nhìn nhận thực tế là chúng ta chưa có tiến bộ đáng kể về mặt kiểm soát quyền lực. Văn kiện của Đại hội Đảng XI đã có lưu ý đến vấn đề này, nhưng từ đó đến nay vẫn chưa thực hiện được gì nhiều. Để kiểm soát quyền lực, kinh nghiệm của nhân loại đã có trong việc tổ chức nhà nước với cơ chế kiểm soát, điều chỉnh giữa các bộ phận hợp thành hệ thống và chúng ta nên học tập một cách thấu đáo, đầy đủ. 

Phải tiếp tục giải quyết các vấn đề về dân chủ, tạo điều kiện, cơ chế, cung cấp đầy đủ, minh bạch thông tin để người dân có thể giám sát những công việc của Nhà nước làm; chính sách bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, tránh hình thành những “nhóm lợi ích” có thể sử dụng quyền lực và phương tiện được giao để làm lợi cho mình. 

Tôi cũng muốn nhắc lại rằng hiện tại tình trạng cán bộ biến chất, thoái hóa, nhóm lợi ích thao túng kinh tế đang ở mức rất đáng lo ngại, đáng báo động, có thể nói đang đi dần đến bờ vực nguy hiểm. Nhưng tôi tin rằng nếu chúng ta quyết tâm vẫn có thể giải quyết được. Không nên xác định “vấn đề nhạy cảm” rồi né đi, đầu hàng. 

* Niềm tin và mai một niềm tin trong dân là một vấn đề rất lớn, mang tính quyết định được đặt ra gần đây, ông nhận xét thế nào ở góc độ công tác của mình?

Mối gắn kết mật thiết, ruột thịt giữa Đảng và dân ngày xưa cần phải được khôi phục và bồi đắp lên. Bác Hồ đã có lần nói: Đảng là con nòi của dân tộc. Tôi hiểu đó là đứa con trung hiếu. Vai trò lãnh đạo, tiên phong chính là do dân trao cho Đảng

- Bên cạnh “pháp trị” còn có “đức trị”. Trước đây, phần “đức trị” lớn hơn, trong khó khăn, gian khổ của chiến tranh, Đảng và Nhà nước lãnh đạo bằng trí thông minh và những giá trị tốt đẹp của lý tưởng, chiếm được lòng tin của người dân cũng bằng những nhân cách tốt đẹp của cán bộ, của các người lãnh đạo. Bây giờ, quá nhiều tác động xung quanh khiến lý tưởng phai nhạt, nhân cách thoái hóa, niềm tin cũng mai một nhưng tôi biết những điều tốt đẹp, các yếu tố tích cực vẫn còn nhiều, chúng ta phải tìm thấy và khơi lên. 

Có lần tôi được một đảng viên mới kết nạp, nhưng đã hơn 60 tuổi đời, chia sẻ câu chuyện của anh: Suốt mấy mươi năm làm việc ở khu vực nhà nước, anh không chịu vào Đảng, lý do vì anh thấy những người đảng viên ở xung quanh không tốt, không vô tư, trong sạch như lý tưởng, như anh kỳ vọng. Thế rồi đến khi về hưu, tham gia làm tư nhân, hoạt động xã hội thì lại gặp những người đảng viên tốt quá, nhiệt tâm với cuộc đời, nên anh lại viết đơn xin vào Đảng để cùng sát cánh, gánh vác việc chung với những người ấy. 

Mối gắn kết mật thiết, ruột thịt giữa Đảng và dân ngày xưa cần phải được khôi phục và bồi đắp lên. Bác Hồ đã có lần nói: Đảng là con nòi của dân tộc. Tôi hiểu đó là đứa con trung hiếu. Vai trò lãnh đạo, tiên phong chính là do dân trao cho Đảng. Hồi chiến tranh, ở Khu 5 có những nơi bị khủng bố, càn quét, bắt giết đến tan hết tổ chức, đảng viên không còn. Khi ấy người dân đã tự lập ra “chi bộ”, họ trở thành những đảng viên tự xưng, tự nhóm lại và tiếp tục lãnh đạo phong trào. Họ chọn con đường theo Đảng lúc ấy, tức là chọn chính cái chết vào mình. Đó là những người đảng viên đích thực. 

Nói về xây dựng Đảng, trước nay đề cập đến xây dựng về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Không được hiểu sai rằng để nắm giữ quyền lực, yêu cầu mọi người phải nói theo lãnh đạo, nghĩ theo lãnh đạo dù đúng hay sai, trở thành thụ động. Cần hết sức quan tâm xây dựng Đảng về văn hóa, là “đạo đức và văn minh”, là “trí tuệ, danh dự và lương tâm” như Hồ Chí Minh và Lênin đã nói. Đảng phải tập trung lãnh đạo thành công “Quyền lực đích thực thuộc về nhân dân” như tinh thần nghị quyết của Đảng và tư tưởng Hồ Chí Minh đã đề cập.

* Chúng ta đang nỗ lực xây dựng nhà nước của dân, do dân, vì dân. Hiến pháp 2013 đã viết hoa chữ Nhân dân. Làm thế nào để đặt nhân dân thật sự lên vị trí cao nhất?

- Còn phải phấn đấu gian khổ lắm. Bác Hồ đã dạy cán bộ điều hết sức cơ bản: “Việc gì có lợi cho dân thì hết sức làm. Việc gì có hại cho dân thì hết sức tránh”, thế nhưng hiện nay trong chúng ta không ít người đã làm buồn lòng dân nhiều quá. Có lần tôi đã hỏi một ông thị trưởng ở Úc rằng: Nếu ông muốn xây dựng một công trình gì đó ở thành phố, rất tốt, rất có lợi ích, rất đúng về mặt khoa học và ông hoàn toàn vô tư, nhưng người dân lại phản đối thì ông sẽ làm thế nào? Ông ta trả lời: Thì tôi ngưng lại, chưa làm. Tôi sẽ cung cấp tất cả thông tin, và khi nào người dân ủng hộ thì mới làm. Chưa thực hiện công trình đó thì tôi cũng đâu đã hết việc. 

Tôi cho rằng đó là một biểu hiện chính quyền của dân. Đi tìm hiểu các nước Bắc Âu, tôi thấy xã hội của họ có  những mặt mang tính chất xã hội chủ nghĩa hơn nước ta hiện nay. Trong tư duy của tôi, phải thật sự tốt đẹp mới là xã hội chủ nghĩa. Xã hội chủ nghĩa phải là: Quyền lực là của dân; nhà nước bảo vệ và phục vụ nhân dân; kinh tế thị trường phát triển lành mạnh: người dân có thu nhập cao và phân hóa giàu nghèo ít nhất; có một nền văn hóa giàu tính nhân văn, con người sống hạnh phúc với lòng nhân ái, khoan dung; tính chất xã hội hóa ngày càng cao, các tổ chức dân sự lành mạnh có vai trò đồng hành cùng nhà nước trong việc tổ chức cuộc sống. Trong xã hội ấy, quyền con người, tự do và sự phát triển của con người là yêu cầu bậc nhất. Chúng ta không thể chỉ hô khẩu hiệu “xây dựng xã hội chủ nghĩa” cho nhiều là có xã hội chủ nghĩa mà phải xây dựng nó một cách thực chất. 

Chúng ta đã có gần 30 năm đổi mới rồi, cũng có những kết quả đáng ghi nhận, nhưng nhìn chung các lĩnh vực vẫn còn quá chậm chạp, trì trệ, trong khi ấy thế giới đã tiến lên khá xa. Không ai đợi chúng ta và chúng ta cũng không thể chờ đợi, đứng tại chỗ hay níu chân nhau lại nữa. Phải tiến lên, và trước nhất phải bắt đầu bằng cách thay đổi tư duy từ các cấp, các ngành, nhất là cấp lãnh đạo, quản lý chủ chốt. 

Bác Hồ nói: “Dân chủ là người dân được mở miệng”. Và tất cả những điều Bác mong muốn đều là những quy luật khách quan của cuộc sống mà xã hội ta nhất định phải đi tới và đạt được. 

PHẠM VŨ thực hiện