Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 27 tháng 2, 2015

Nếu còn sống, chắc Lenin sẽ biết phải làm gì (Cuộc đời loã thể của lãnh tụ)

Alexei Yurchak

Lã Nguyên dịch

Lenin_Park_HanoiTrong suốt chiều dài lịch sử của Liên Xô, Lenin là biểu tượng cơ bản cho tính chính thống của hệ tư tưởng xô-viết và là cái ô lập trường dùng để giương lên trong các diễn ngôn tư tưởng. Nói cách khác, những phát ngôn tư tưởng khi đã chọn được tiên đề khởi phát là sự đúng đắn và tính hiển nhiên của tư tưởng Lenin thì không ai có quyền nghi ngờ các phát ngôn ấy[1]. Bởi vậy, mọi sự cải cách và thay đổi trong hệ thống xô-viết đều được thực hiện dưới ngọn cờ khắc phục tình trạng xuyên tạc Lenin để trở về với tiếng nói của Lenin đích thực.

Công cuộc cải tổ đã được bắt đầu bằng nhiệm vụ như thế. Nhưng vào năm 1990, cách trình bày về nhiệm vụ này trên báo chí Đảng đã có sự thay đổi. Nếu trước kia sự xuyên tạc tư tưởng Lenin thường được gắn với những thời kì nhất định (thời Stalin hoặc thời Brejinhev), thì bây giờ người ta nghĩ rằng, trong toàn bộ lịch sử xô-viết, tư tưởng của Lenin lúc nào cũng bị xuyên tạc. Rốt cuộc, mọi phát biểu của Lenin được lưu trữ trong các nguồn tài liệu thời xô-viết đều bị nghi ngờ là nguỵ tạo, không chính thức. Sự thay đổi tưởng như chẳng mấy quan trọng trong diễn ngôn trên báo chí Đảng làm nẩy sinh một nghịch lí: một mặt, loại diễn ngôn này tuyên bố nhiệm vụ chính của công cuộc cải tổ là trở về với Lenin đích thực, mặt khác, nó lại bảo, không thể biết Lenin đích thực là thế nào.

Một bài báo điển hình hồi đầu năm 1990 in trên tạp chí “Cộng sản”, cơ quan lí luận của Ban Chấp hành Trung ương, được mở đầu bằng công thức quen thuộc: nhiệm vụ quan trọng của công cuộc cải tổ là “bóc trần sự xuyên tạc của Stalin, làm trong sạch chủ nghĩa xã hội, trả lại cho chủ nghĩa xã hội những lí tưởng của Marx và Lenin, cả khối óc và trái tim đã bị Stalin tước đoạt…”[2]. Nhưng ở đoạn tiếp theo, nhiệm vụ của cải tổ được bài báo trình bày có một chút khác đi, và chỗ khác ấy là công cuộc cải tổ phải “…đi theo con đường thực nghiệm, chứ không phải chủ nghĩa giáo điều, làm cho chủ nghĩa xã hội chan chứa một nội dung mới, nội dung trước kia chưa từng biết”[3]. Quay về với lí tưởng của Marx và Lenin là tiến tới chỗ chưa biết! Sự xuất hiện của mâu thuẫn này trong diễn ngôn vào năm 1990 của Đảng tuy chỉ là một trong vô số các sự kiện trọng đại thời ấy, nhưng nó có vai trò vô cùng quan trọng. Nó đẩy nhanh quá trình xoá bỏ một cách quyết liệt nguyên tắc chính thống là điểm tựa của hệ tư tưởng xô-viết và làm cho cuộc khủng hoảng không gì có thể cứu vãn của Đảng cùng toàn bộ hệ thống Đảng xích lại gần hơn.

Trong bài viết này chúng tôi chỉ tập trung xem xét quá trình ấy đã bắt đầu và kết thúc như thế nào trong năm 1990.

1. Nếu đã thừa nhận trong suốt chiều dài lịch sử xô-viết lời nói và tư tưởng của Lenin lúc nào cũng bị xuyên tạc thì nhiệm vụ hàng đầu bây giờ là phải làm sao để xác định được Lenin đích thực, Lenin chưa bị xuyên tạc là cái gì. Muốn làm được điều đó, trước tiên lại phải phân tích xem, lời nói của lãnh tụ đã bị xuyên tạc bằng cách nào, nguyên nhân dẫn tới sự xuyên tạc ấy là ở đâu. Vào mùa xuân năm 1990, trong một cuộc tranh luận về vấn đề này, nhiều lí luận gia của đảng đã phát hiện ra, rằng người diễn giải, người thuật chuyện, các biên tập viên, ai cũng có khả năng xuyên tạc Lenin, – người này thì do không hiểu, người kia do kính yêu lãnh tụ thái quá, kẻ khác lại do ác ý… Rốt cuộc, các văn bản thuật lại lời Lenin của những người giời ơi đất hỡi nào đó nhiều khi được giải thích như là lời do chính Lenin đã nói ra. Tạp chí “Cộng sản” phát hiện rằng, “những quan điểm, những ý kiến, những phát ngôn rất khác nhau của các tác giả hồi ức” về Lenin đều được tiếp nhận như “những quan điểm có tính nguyên tắc của bản thân Lenin”[4]. Chẳng hạn, tạp chí nói tiếp, mặc dù trong ấn phẩm bàn về đường lối văn hoá của Đảng mà ai cũng biết, Klara Tzetkin chỉ kể lại cuộc toạ đàm của mình với Lenin, nhưng câu chuyện do bà thuật lại thường được trích dẫn “tựa như những lời ấy chính là do Lenin viết ra”. Chẳng những thế, “nhiều năm qua chúng ta đã sử dụng một bản dịch không thể xem là mẫu mực”. Trong trường hợp này, tư tưởng và lời nói của Lenin đã bị xuyên tạc hai lần: chúng được kể lại không chính xác và dịch lại cũng không chính xác. Đấy là nhận xét về hồi ức của một chiến hữu gần gũi nhất của Lenin. Vậy thì còn biết nói gì đây về những người đã chép lại và chỉnh sửa lời nói của Lenin sao cho phù hợp với những toan tính về lợi ích chính trị trong những điều kiện của một giai đoạn lịch sử cụ thể. Tạp chí “Cộng sản” nêu câu hỏi:  “Chả lẽ chưa đến lúc phải xem xét thật kĩ lưỡng?”, tức là, – chả lẽ chưa đến lúc phải kiểm tra lại bản gốc những lời nói của Lenin để cuối cùng có thể tìm ra tiếng nói của Lenin đích thực? Để đạt được mục đích ấy, tạp chí đề nghị không dừng lại ở việc tu chỉnh những lời phát biểu riêng lẻ, mà phải tiến hành “tổng kiểm tra toàn bộ văn bản, băng ghi âm và lời giải thích” của lãnh tụ[5].

Nhưng ngay lập tức người ta hiểu ra, rằng dẫu có tiến hành tổng kiểm tra thì cũng chẳng giải quyết được chuyện gì. Lời nói của lãnh tụ bị xuyên tạc, nguyên nhân đâu chỉ vì người ta thuật lại, hay giải thích thiếu chính xác, mà chủ yếu vì trong lịch sử xô-viết, hình ảnh lãnh tụ đã bị quy phạm hoá, thần thánh hoá. Theo đó, mọi phát ngôn của lãnh tụ cũng được quy phạm hoá – lời nói thường ngày hoá thành khuôn vàng thước ngọc. Diễn ngôn của Lenin có vẻ như bị “đóng băng”, không còn khả năng phát triển cùng với sự phát triển của lịch sử. “Với chúng ta, Lenin vẫn cứ là nhà tư tưởng vĩ đại nhất của thế kỉ XX”. Trong lễ kỉ niệm ngày sinh Lenin lần thứ 120, tháng tư, năm 1990, sau khi mở đầu bài diễn văn bằng những lời trọng thể như thế, Gorbachev lập tức nói thêm: “…Chúng ta nhất thiết phải nhận thức lại về Lenin, về trước tác lí luận và chính trị của ông ấy, đồng thời phải tìm cách thoát khỏi cả sự xuyên tạc, lẫn sự thần thánh hoá những kết luận của Lenin […] Đã đến lúc cần chấm dứt kiểu sử dụng tên tuổi và hình ảnh Lenin một cách mù quáng, thiếu suy nghĩ giống như những kẻ đã biến Lenin thành bức “tượng thánh”[6]. Do thánh kinh được tạo ra trên cơ sở tư tưởng Lenin, – gọi là chủ nghĩa Lenin,- cho nên trở về với Lenin đích thực, thực chất là khước từ chủ nghĩa Lenin. Nghe mới báng bổ làm sao! Để làm dịu những lời nói có vẻ như vụng về, Gorbachev giải thích, rằng thuật ngữ “chủ nghĩa Lenin” là do bọn Melsevich bịa ra để chế giễu tư tưởng của lãnh tụ[7].

Các lí luận gia của Đảng tuyên bố, rằng khác với Lenin bị thần thánh hoá, Lenin đích thật thường thay đổi ý kiến và sửa chữa sai lầm khi hoàn cảnh lịch sử đã thay đổi. Cho nên, tiếng nói của Lenin cũng phát triển, không đứng yên một chỗ. Xuất phát từ quan điểm như thế, mùa xuân năm ấy, trên tạp chí “Cộng sản”, Alesandre Jakoplev – lí luận gia của Đảng, uỷ viên Bộ Chính trị, “tổng chỉ huy cải tổ”- viết rằng, không nên tìm Lenin trong những quan điểm cụ thể, mà phải tìm ở khả năng thay đổi những quan điểm ấy sao cho phù hợp với hoàn cảnh. Jakoplev giải thích: “Với cá nhân tôi, Lenin vĩ đại vì khi cuộc sống yêu cầu, Người bao giờ cũng biết xem xét lại các quan điểm của mình”[8]. Hai tác giả khác của “Cộng sản” còn quả quyết, rằng Lenin thường vận dụng kinh nghiệm thực tiễn của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội không chỉ để sửa chữa sai lầm của bản thân, mà còn sửa chữa cả những sai lầm lí luận của Marx và Engels[9].

Từ những lời tuyên bố được đưa ra vào mùa xuân năm 1990, tất yếu sẽ nảy sinh một kết luận hiển nhiên: vì thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội chỉ vỏn vẹn có mấy năm, do chỉ nắm vững và chỉ dựa vào kinh nghiệm của thực tiễn ấy, Lenin không thể sửa chữa tất cả sai lầm và thay đổi tất cả quan điểm của mình. Cho nên, tạp chí “Cộng sản” bình luận, những quan điểm sai lầm chưa được sửa chữa trong di sản của Lenin và di sản của các vị kinh điển vẫn tiếp tục khiến chúng ta phạm sai lầm cho đến tận hôm nay. “Chừng nào tư tưởng chưa có khả năng tự sửa đổi, tự tranh luận với bản thân, chừng ấy, chúng ta vẫn chưa thể khám phá và thấu hiểu cơ chế của sai lầm trên bình diện nhận thức luận…”[10].

Bởi vậy, vào đầu năm 1990, trong diễn ngôn của Đảng, người ta thường trình bày một tư tưởng thế này: nhiệm vụ trở về với Lenin đích thực rộng lớn hơn rất nhiều lần so với việc kiểm tra các văn bản để tìm bản gốc và xác định độ chính xác. Chẳng những thế, còn cần phải có cách cách tiếp cận sáng tạo đối với lời nói và tư tưởng của Lenin. Phải làm sao để lời nói và tư tưởng của Lenin có khả năng phát triển, thay đổi, tìm được những ý nghĩa mới mẻ phù hợp với ngày hôm nay. Nói cách khác, các lí luận gia của Đảng cần phải học cách bổ sung, sửa chữa các văn bản của Lenin mà không cần dựa vào Lenin, – tức là sửa chữa, bổ sung sao cho giống hệt như Lenin tự làm, nếu như Lenin còn sống.

lenin_statue b_ k‚o __ _ Ukraina

Đảng có một công thức cũ về tư tưởng, đã được khuôn đúc thành khẩu hiệu ai cũng biết: “Lenin sống động hơn tất cả những người đang sống”. Dẫu nghịch lí thế nào thì thực chất khẩu hiệu ấy vẫn ngợi ca một ông thánh bất hoại, bất tử, tức là ngợi ca một người đã chết rồi. Công thức mới về tư tưởng xuất hiện vào năm 1990 cần được đúc lại bằng một câu rất khác theo tinh thần của công cuộc cải tổ sau này: “Nếu Lenin còn sống, chắc ông ấy sẽ biết phải làm gì”. Vì thế, nhiệm vụ mới trên lĩnh vực tư tưởng lại có thêm cả yếu tố tưởng tượng, hư cấu, nó đòi hỏi phải phục dựng một Lenin sống động có khả năng suy ngẫm những vấn đề hiện tại bằng chính ngôn ngữ của ngày hôm nay. Năm 1990, nếu truyền thông và những phát ngôn của Đảng chưa nói về sự phục sinh của Lenin theo nghĩa đen của từ ấy, thì đúng là người ta cũng đã hi vọng như thế.

Năm 1990, Nhà xuất bản “Tranh cổ động” thuộc Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô đã tung ra một bức tranh tuyên truyền có tên gọi “Hãy nhường lời cho Lenin!”[11]. Đây là ví dụ điển hình thể hiện niềm hi vọng vào sự phục sinh của lãnh tụ. Ở chính giữa bức tranh là một lễ đài màu đỏ, có đủ cả Quốc huy Liên Xô và loa phóng thanh. Nó tượng trưng cho những trích đoạn lời nói của Lenin đã được qui phạm hoá, thần thánh hoá trong những phát ngôn chính thống của Đảng. Còn bản thân Lenin thì được diễn tả một cách cố ý trong hình ảnh một con người bình thường, nhỏ bé, xo vai và xám – bệch. Lenin chỉ ngồi ghé ngoài rìa, rất thấp, bên dưới lễ đài và đang chăm chú ghi vào sổ tay các ý nghĩ của mình về những gì đang diễn ra hôm nay. Để biết được những ý nghĩ ấy là gì, cần phải nhường lời cho Lenin, phải để Lenin bước lên lễ đài, phải lắng nghe cái giọng nói sống động hôm nay của ông ấy.

Thêm một ví dụ khác là cách trang trí kiểu mới của trang bìa tạp chí “Cộng sản” xuất hiện vào tháng 4 năm 1990[12]. Trong nhiều thập kỉ, tạp chí này luôn luôn trình bày trang bìa theo một phong cách quan liêu – thủ cựu, nó giống như trang bìa của tuyệt đại đa số các ấn phẩm có tính cách hàn lâm và tính đảng thời xô viết: trên nền xám – phớt xanh, tên của tạp chí được làm nổi bật bằng một kiểu chữ rất nặng nề.

Vậy mà vào tháng 4 năm 1990, hình thức trang bìa tạp chí bỗng đột ngột thay đổi. Trong thư gửi bạn đọc, sự thay đổi ấy được Ban Biên tập giải thích như thế này: “Bạn đọc kính mến!   “Cộng sản” số này dành cho lễ kỉ niệm lần thứ 120 ngày sinh Lenin, nó được ấn hành trong một hình thức mới do hoạ sĩ V. Pantelejev thiết kế. Ngoài bìa tạp chí có ảnh chụp (đã được phóng đại) một đoạn trích từ bản thảo của Vladimir Ilic. Làm như thế, chúng tôi muốn thể hiện thái độ của mình đối với di sản của người đã đặt nền móng cho công tác lí luận và chính trị xô-viết”[13]. “Thái độ đối với di sản” của Lenin được hé lộ qua việc thay đổi hình thức trang trí tờ bìa tạp chí cụ thể là thế nào? Tuy Ban Biên tập không giải thích cặn kẽ, nhưng mọi chuyện vậy là đã rõ. Khác với tờ bìa cũ, tờ bìa tượng trưng cho diễn ngôn công thức, giáo điều của một Lenin bị xuyên tạc (ví như lễ đài màu đỏ vẽ trên tranh cổ động ở thí dụ vừa nhắc tới trên kia), trên tờ bìa mới, chữ “Cộng sản” được viết bằng nét chữ của lãnh tụ, do bàn tay của chính lãnh tụ trực tiếp viết ra. Bởi thế, tên gọi tạp chí hoá thành đoạn trích từ bản thảo của Lenin, từ diễn ngôn sống của ngày hôm nay, diễn ngôn đang phát triển vô cùng linh hoạt[14].

2. Bảo rằng phải nhường lời cho Lenin, tranh cổ động của Đảng và trang bìa tạp chí “Cộng sản” đã sử dụng lối nói giả định: Nếu như Lenin lên tiếng… Nhưng làm thế nào để thực hiện được điều đó trong thực tế? Phải trình bày lời nói hôm nay của Lenin như thế nào để những lời nói ấy vừa không lặp lại các đoạn trích cũ, vừa là những phát ngôn mới mẻ, hiện đại, lại vừa đúng là những lời phát ngôn của Lenin? Làm thế nào để trình bày những tư tưởng mới nẩy ra ngày hôm nay của Lenin, chứ không phải đơn giản là quay trở về với tư tưởng của một vị lãnh tụ từng sống từ đời nảo đời nào. Suốt cả năm 1990 các lí luận gia của Đảng đã vò đầu bứt tóc vắt óc suy nghĩ tìm đủ mọi cách để giải quyết vấn đề ấy. Nhà lí luận của Ban Chấp hành Trung ương là Géorgi Sakhnazarov đề xuất sáng kiến đưa vào diễn ngôn quen thuộc của Lenin ý nghĩ và lời nói của các nhà tư tưởng khác, những nhà tư tưởng từng bàn về chủ nghĩa xã hội mà Lenin có một thời nào đó đã đàm đạo với họ, và chắc chắn lại tiếp tục đàm đạo, nếu như Lenin sống lại. Giữa đám triết gia được nhà lí luận của Đảng lựa chọn để đàm đạo với Lenin có Platon, Aristotle, Locke, Rousseau, Kant và Hegel. Sakhnazarov đề xuất cách giải quyết không theo phương pháp diễn ngôn, mà chủ yếu là phương pháp của sinh vật học, thậm chí, của nông học: nó cũng tựa như chiết lời nói của các nhà tư tưởng khác mà cấy ghép vào các văn bản quen thuộc của Lenin. Kết quả của sự lai ghép ấy tất yếu sẽ làm xuất hiện những phát ngôn hoàn toàn mới mẻ, chúng vừa không lặp lại các lời nói cũ, lại vừa đích thị là lời nói của Lenin. Một cái cây lai ghép cũng thế, nó cũng nẩy ra một loại quả hoàn toàn mới lạ, mà vẫn là quả của chính nó. Nhà lí luận Đảng giải thích: mô hình hoá tư tưởng của Lenin theo kiểu ấy chẳng khác gì “cách mạng trong nhận thức lí luận của chúng ta”; và chắc “ai cũng sẽ tán thành một cuộc cách mạng như thế” giống như Lenin, nếu như Lenin còn sống[15].

Thế là nhiệm vụ tìm kiếm một Lenin đích thực dần dần chuyển từ lĩnh vực diễn ngôn sang lĩnh vực sinh học: càng ngày người ta càng nhấn mạnh ý tưởng về sự cần thiết phải làm Lenin sống lại, phải tạo ra một bản sao sống động, hoặc ít nhất là phải mô hình hoá được tiến trình tư duy của Lenin. Quá trình chuyển dịch ấy làm nảy sinh hứng thú ngày càng mạnh mẽ đối với việc nghiên cứu gia phả dòng tộc, tìm hiểu tình trạng sức khoẻ, tâm lí, những đặc điểm sinh lí, những chi tiết về cái chết, tức là những chi tiết sinh học nói lên sự tồn tại của Lenin. Những chi tiết này chẳng dính dáng gì tới các câu chuyện kể, những lời giải thích và những huyền thoại của một giai đoạn lịch sử cụ thể, nhưng cũng chính nhờ thế mà người ta có thể rót vào đó cái nội dung mới mẻ đầy tính thời sự của ngày hôm nay.

Tuyệt đại đa số các buổi phát thanh truyền hình, các bài viết đăng tải trên báo chí năm 1990 đều thuật lại các chi tiết về những ngày giờ, thậm chí những giây phút cuối cùng của Lenin, lúc Lenin chỉ còn là người yếu ớt, ốm đau,  đang hấp hối nhưng chưa chết, – tức là quãng thời gian Lenin ở trong trạng thái dở chết dở sống. Rơi vào trạng thái ấy, Lenin tuy mất hết vai trò của một chủ thể chính trị, một lãnh tụ, nhưng vẫn còn là một con người “trần trụi”. Nói cách khác, càng ngày, người ta càng quan tâm nhiều hơn tới phần bản tính tự nhiên của Lenin, cái phần mà Agamben gọi là đời sống “trần trụi”, hay là đời sống “loã thể” (bare life) của chủ thể, – tức là phần đời sống sinh lí của một con người vẫn còn lại, khi “đời sống chính trị” của một công dân đã hoàn toàn chấm dứt[16]. Khác với mảng lắp ghép của đời sống sống chính trị, đời sống “loã thể” nằm ngoài chính trị, ngoài lịch sử. Nó thoát khỏi mọi sự xuyên tạc nhằm mục đích chính trị, nên chi, phải tìm Lenin đích thực, Lenin không bị xuyên tạc ở những tầng vỉa của đời sống “trần trụi”, đời  sống “loã thể” ấy.

Trong tất cả những phát ngôn chính trị của Lenin, người ta bỗng cảm thấy chỉ có những ý kiến sau cùng được ông nói ra trong lúc hấp hối mới đúng là những ý kiến chính thức thể hiện đầy đủ nhất bản chất sinh học có thật của ông. Vào tháng tư năm 1990, Gorbachev nói rằng, nhờ tập trung nghiên cứu “những tác phẩm cuối cùng của Lenin” mà ông tìm thấy “niềm tin, rằng chúng ta đang tiến theo con đường tuy khó khăn nhưng hoàn toàn đúng đắn”[17]. Dưới một tiêu đề chung là “Di huấn chính trị của Lenin”, tờ “Tia lửa” in lại các văn bản cuối cùng của Lenin , tất cả chỉ vỏn vẹn “tám lá thư và bài báo tương đối ngắn được viết từ cuối năm 1922 đến đầu năm 1923”[18].

Hứng thú ngày càng gia tăng đối với “cuộc đời trần trụi” của lãnh tụ được thể hiện qua nhiều hình thức rất khác nhau trong năm 1990. Có thể nhận ra điều đó qua việc tổ chức những ngày lễ tưởng niệm dành cho Lenin trong thời gian này. Trước 1990, có đến mấy thập kỉ, lễ kỉ niệm quan trọng nhất dành cho Lenin là ngày 22 tháng tư, ngày sinh của ông. Ngày 21 tháng giêng, ngày chết của ông, thường được kỉ niệm với quy mô nhỏ hơn và chẳng có ý nghĩa tượng trưng to tát gì[19]. Trên tờ “Sự thật”, bài vở viết về lễ kỉ niệm này không đăng ở trang nhất, mà in ở các trang đôi, trong ruột báo. Mọi bài viết đều chẳng mấy quan tâm đến cái chết của Lenin, mà chỉ tập trung nói về vai trò của một vị lãnh tụ cách mạng thế giới. Công dân xô-viết không thể quên ngày 22 tháng tư, nhưng phần đông lại không nhớ 21 tháng giêng là ngày gì. Nhưng vào năm 1990, tương quan giữa hai ngày lễ bỗng đột ngột thay đổi: kể từ giữa năm 1950, đây là lần đầu tiên lễ tưởng niệm ngày chết của Lenin được tổ chức rộng rãi, long trọng y hệt lễ kỉ niệm ngày sinh của ông, và đó cũng là lần đầu tiên tờ “Sự thật” đưa câu chuyện về lễ kỉ niệm ngày chết lên toàn bộ trang nhất với cái đầu đề chung “Kí ức về tháng giêng năm ấy”[20].

Nhìn vào sự thay đổi trọng điểm của các lễ kỉ niệm, người ta nhận ra, mối quan tâm mới nảy sinh không còn nhắm vào việc chẩn đoán bệnh tật của Lenin hoặc miêu tả tình huống chính trị gắn với cái chết của lãnh tụ, mà chủ yếu nhắm vào bản thân các chi tiết trong quá trình hấp hối của con người sinh học, khi mà “cuộc sống trần trụi” và bản tính tự nhiên đích thực của con người ấy bỗng hiện ra giữa thanh thiên bạch nhật. Trong những câu chuyện chưa một ai được biết do những người trực tiếp chứng kiến kể lại, cái chết của Lenin được miêu tả bằng thứ ngôn ngữ tự nhiên chủ nghĩa rất xa lạ. Trong một đoạn hồi ức của Bukharin, trọng tâm chú ý được nhắm vào những đặc điểm về thể chất của lãnh tụ: “Chúng ta sẽ chẳng bao giờ còn được nhìn thấy vầng trán mênh mông ấy, cái đầu kì diệu lấp lánh ánh sáng cách mạng toả đi muôn phương ấy, chẳng bao giờ còn được nhìn thấy cặp mắt sống động, tinh anh, ân cần ấy, đôi tay mạnh mẽ ấy, toàn bộ thân hình rắn như đúc ấy…”. Có vẻ như câu chuyện không nói về cái chết mà nói về một sự sinh tồn đang căng ra giữa cái chết và sự sống.  Xin đọc một đoạn hồi ức của Bonch-Bruevich: “Tay phải nắm chặt, một nốt bầm tím nho nhỏ bên tai phải giống như một vết bẩn màu xám buộc chúng tối cứ phải dán mắt vào đấy […] Mà xem kìa, mắt ông ấy hình như vẫn mở […] Má có vẻ giật giật”[21].

Hứng thú nhắm vào những chi tiết sinh lí đã hoá thành một phần nội dung của quá trình thế tục hoá hình tượng Lenin mà Gorbachev đã kêu gọi thực hiện (xem lại phần đã nói ở trên). Nhưng mặt khác, quá trình ấy cũng khiến cho lãnh tụ mất thiêng. Tước bỏ phần chính trị lắp ghép vào con người, Lenin không thể giữ được hình tượng một siêu nhân chẳng bao giờ phạm sai lầm, lúc nào cũng đúng một cách hiển nhiên. Trong các công trình xuất bản năm 1990 vẫn còn ít những bài phê phán Lenin theo kiểu thẳng thừng, một cách công khai. Nhưng ngày càng thấy xuất hiện nhiều hơn những ý kiến cho rằng, Lenin không xấu, cũng chẳng tốt, mà chỉ là người bình thường.

Trong một số tạp chí của năm 1990, khi kể lại cuộc viếng Lăng cách đó chưa lâu, Tổng biên tập “Tia lửa” Vitali Korotich nói rằng, thay vì tâm trạng hồi hộp đầy màu sắc tôn giáo quen thuộc, ông đột ngột cảm thấy một sự vô vị mênh mông của không gian lễ nghi và của cả con người đang nằm trong quan tài kia. Lần ấy Quảng trường Đỏ đóng cửa, Korotich vào Lăng mà không có dòng người đến viếng như thường lệ: “Lần đầu tiên mặt đối mặt, tôi nhìn thấy Lenin trong cái lờ mờ nhá nhem của lăng mộ trang trọng được chiếu sáng một cách tằn tiện và buồn tẻ giống hệt mọi cõi nương náu của người chết”[22]. Qua sự miêu tả của Korotich, Lenin không còn hiện lên như một lãnh tụ “đời đời bất tử”, mà chỉ là một chủ thể chịu sự chi phối của các sức mạnh ngẫu nhiên giữa sự sống và cái chết. Trong tình trạng ấy, Lenin bị tước bỏ đời sống chính trị và sự vĩ đại gắn với đời sống ấy, bị hạ xuống mức độ của cuộc sống “trần trụi”,- một cuộc sống không chỉ tầm thường mà còn đầy bi kịch, vì rằng người ta không dành cho nó khả năng tự kết thúc một cách tự nhiên: “Một con người vóc dáng bình thường, mặc bộ đồ lễ phục, nằm trong chiếc quan tài súng máy bắn không thủng đặt giữa gian chính, bàn tay này nắm lại, bàn tay kia duỗi thẳng cả năm ngón. Lenin thật tội nghiệp!,- tôi nghĩ, – Đó là con người không được yên thân. Không chôn thân xác xuống lòng đất – ấy là một trong những hình phạt khủng khiếp nhất dành cho người đã chết ở mọi thời đại. Ông ấy phạm tội gì mà bị trừng phạt như thế?”[23].

Đến cuối năm 1990, trong con mắt của đa số dân chúng trên đất nước, hình ảnh Lenin vẫn còn đầy đủ sự thiêng liêng, nhưng quá trình giải thiêng đã mở ra khả năng phê phán lãnh tụ một cách công khai. Vào tháng Chạp năm 1990, O. Moroz đã viết như thế này trên “Tia lửa”: “…Đối với độc giả của chúng ta hôm nay, việc lật đổ Lenin cũng giống hệt như lật đổ Giê Xu trước các tín đồ Công giáo…Sự hoài nghi được gieo rắc cả ba bề bốn bên. Dân chúng đã quen tin rằng: Lenin là Chúa trời. Và nếu nói khác đi thì không ai muốn nghe”[24]. Người đối thoại  với Moroz là V. Soloukhin tiếp lời:  “Đã đến lúc phải nói to lên sự thật về con người này”[25]. Cái sự thật mà tuyệt đại đa số giới phê bình muốn nói to lên không phải quan điểm của Lenin về các sự kiện lịch sử cụ thể, mà chủ yếu là những phát hiện về nhiều chuyện bị bưng bít, nhiều điều bí mật chìm tận đáy sâu trong đời sống sinh lí, trong dòng tộc và bản tính tự nhiên của Lenin. Lời kêu gọi lột bỏ lớp mặt nạ để phơi bày gương mặt đích thực của Lenin trở thành lời kêu gọi khám phá bản chất thiên bẩm của ông. V.Starsev đề nghị chối bỏ cái họ Lenin “giả mạo” để khôi phục lại cái họ đích thực là Ulianov. Ông nói, “đã đến lúc phải khám phá họ và tên thật”, làm được như thế, bản tính vốn có của một con người sẽ phơi trần ra giúp người ta “chia tay với các huyền thoại dễ dàng hơn”[26].

3. Có thể xem hứng thú khám phá các tên thật chính là ý đồ đào bới đến tận cùng phần “thiên tính” còn bị bưng bít, như dòng họ, dân tộc để nếu dựa vào đó người ta có thể nhận ra các tên gọi. Và quả thật là những cuộc thảo luận về “gốc rễ còn bị bưng bít” của Lenin ngày càng trở nên công nhiên, cởi mở hơn.  Vào tháng Tư năm 1990, tờ “Chứng cứ và Sự thật” đã in bài phỏng vấn đầu tiên người cháu gái của Lenin về lai lịch dòng họ Ulianov. Hồi ấy trên báo chí đã thấy có tin đồn rằng tổ tiên Lenin không phải người Nga, còn người cháu đã luống tuổi thì nói, cần phải nhấn mạnh rằng: “Nếu tính dòng họ theo theo nhánh Ili Nicolaevic (cha Lenin) thì họ đúng là những người Nga. Vladimir Ilic và các chị em gái của ông bao giờ cũng ghi trong lí lịch tự thuật rằng họ là người Nga, tiếng mẹ đẻ của họ là tiếng Nga. Nhưng theo nhánh Maria Aleksandrovna thì tôi chẳng biết gì cụ thể cả. Bà ấy cũng là người Nga, dù vẫn có ý kiến nói về gốc gác Thuỵ Điển của bà ấy. Nhưng không có bằng chứng gì để khẳng định điều này”.[27]

Tháng 10 năm 1990, báo “Nhà văn” của Leningrat đăng bài viết về những sự thật chưa ai biết về dòng họ của Lenin. Những sự thật này mới được phát hiện trong kho lưu trữ bí mật của Viện Marx – Lenin trực thuộc Ban Chấp hành Đảng Cộng sản Liên Xô. Theo yêu cầu của độc giả, tạp chí “Ngôn luận”, có số lượng phát hành khổng lồ, đã in lại tư liệu ấy[28]. Rồi sau đó, muộn hơn một chút, nó được thuật lại trên báo “Điểm sách”[29]. Trọng tâm chú ý của bài viết này được dồn vào việc tiếp tục theo dõi gốc gác Thuỵ Điển mà trước kia mới chỉ được nhắc tới như là lời đồn đại về dòng họ của Lenin. Bài báo nói rằng, tuy tư liệu đã nhiều hơn, nhưng chưa phải mọi chuyện đã rõ ràng: “Thợ dệt bít tất Karl Reinhand Ested ở Upsal và nông nô Grigori Ulianine (chưa biết ngày sinh và ngày mất) là những người đầu tiên được các nhà nghiên cứu dựa vào để lần tìm đường dây gia tộc”[30].

Báo chí, phát thanh, truyền hình liên tiếp công bố những thông tin về gốc gác, nguồn cội của Lenin. Chúng nhắc người ta nghĩ tới một thể loại trung gian giữa trinh thám điều tra với nghiên cứu khoa học về những bí mật của bản tính tự nhiên làm hiển lộ toàn bộ tiến trình lịch sử xô-viết dưới ánh sáng thanh thiên bạch nhật.  Biểu tượng huy hoàng nhất của thể loại này là bộ phim tài liệu “Nước Nga mà chúng ta đánh mất” của Stanhislav Govorukhin được khởi quay tại hãng “Mosfiml” vào năm 1990 giữa làn sóng cảm hứng dào dạt ấy[31]. Trong phim, đế chế Nga thời tiền cách mạng hoàn toàn đối lập với nước Nga xô-viết hiện tại. Một trong những thủ pháp đối lập được sử dụng triệt để là sự so sánh hai gia tộc từng giữ vai trò quan trọng trong lịch sử nước Nga: gia tộc Sa hoàng Nicolai II và gia tộc Ulianov.

Nhân vật người dẫn chuyện trong phim chính là đạo diễn Govorukhin. Ông lui tới nhiều cơ quan lưu trữ, xem đi xem lại nhiều cuốn phim thời sự, trích dẫn nhiều tư liệu mật. Ông nhấn mạnh, cả hai gia tộc đều có gốc rễ phức tạp, không thuần Nga. Gia tộc Sa hoàng có nguồn cội từ Tây Âu: “Chảy trong huyết quản của tất cả Sa hoàng, bắt đầu từ Elizabet đệ Nhất, là dòng máu Đức”. Riêng huyết quản của Nicolai còn có cả dòng máu Đan Mạch. Thái hậu Maria Fedorovna, mẫu hậu của ông là công chúa Đan Mạch. Đây là Sa hoàng Nicolai và người anh em thúc bá, Hoàng đế vương quốc Anh George V (cho xem ảnh). Hoàng hậu Alice – Aleksandra  Fedorovna – Hessen  Darmstad là công chúa nước Đức được giáo dục trong cung đình vương quốc Anh”[32]. Đạo diễn nói tiếp, mặc dù có nguồn gốc xuất thân như thế,  nhưng mọi thành viên trong gia tộc của Sa hoàng, xét từ bản chất văn hoá và tôn giáo, đều là người Nga đích thực. Hoàng hậu Aleksandra Fedorovna tự nguyện gia nhập Chính thống giáo, cự tuyệt dạy tiếng Đức cho các hoàng tử, công chúa, thậm chí chỉ tuyển các nhũ mẫu là thường dân Nga để cho họ bú mớm, đọc truyện cổ tích Nga cho họ nghe, dạy họ nói thứ tiếng Nga trong sáng, giản dị.

Sau đó, đạo diễn chuyển qua gia tộc Lenin. Ngồi trong Viện Lưu trữ Saint-Peterburg, đạo diễn kể lại “nguồn gốc sắc tộc của Lenin trải qua nhiều năm bị bưng bít trong bí mật. Ta hiểu vì sao một người cộng sản chính hiệu cứ giả câm giả điếc như thế. Theo đường cha, đây là Ilia Nicolaevich (cho xem ảnh): Bà của Lenin, Anna Smirnova là người Kalmic, ông của Lenin, Nicolai Ulianin là người Tzuvas. Đường mẹ còn rắc rối hơn nhiều. Đây là Maria Aleksandrovna (cho xem ảnh). Bà của Lenin, Anna Grusorb là người Đức có pha trộn dòng máu Thuỵ Điển. Những kẻ bài Do Thái, xin hãy chú ý, ông của Lenin, Aleksandr Blank chính là người Do Thái đấy. Quyển sổ ghi chép trước mắt các bạn đây là của các nhân viên Bộ Y tế. Mọi người đều biết, ông của Lenin, Aleksandr Blank từng làm việc ở đây – ông ta từng tốt nghiệp Viện Hàn lâm Y học. Các trang từ 520 đến 523 đã bị thất lạc. Chúng tôi phải mất một năm rưỡi mới tìm thấy những trang ấy”[33].

Mãi tới năm 1991, sau thất bại của vụ bạo động tháng Tám, tư liệu của Cục Lưu trữ quốc gia Đảng Cộng sản Liên Xô được bạch hoá, Govorukhin mới tìm thấy những trang thất lạc ấy. Ngồi ở một gian trong toà nhà của Cục Lưu trữ, đạo diễn kể tiếp câu chuyện của mình: “Chính ở đây chúng tôi đã tìm thấy những tài liệu mà người ta đã xé trong Viện Lưu trữ lịch sử tại Saint – Peterburg. Điều bí mật khủng khiếp mà Đảng muốn dấu các đảng viên của mình là gì? Đấy chính là tài liệu kể lại ngọn ngành việc những người thuộc dòng họ Blank đã từ bỏ gốc Do Thái để chịu lễ rửa tội của Chính thống giáo. Xin hãy đọc: “Thông báo về các học sinh thuộc Viện Y học – Giải phẫu Hoàng gia, những đứa trẻ Do Thái đã chịu lễ rửa tội là Dmitri và Aleksandr họ nhà Blank. Những học sinh mang họ Blank thuộc thành phần tiểu thị dân ở tỉnh Cựu Konstantinov này là con cái của một người Do Thái tên là Mosk Blank”. Hoá ra tất cả bí mật là như thế. Govorukhin thốt lên một câu đầy ý nghĩa rồi kết luận: – Hai anh em nhà Blank là Abel và Izrail – họ đã chịu lễ rửa tội dưới hai cái tên là Dmitri và Aleksandr – họ bắt buộc phải chịu lễ rửa tội của Chính thống giáo (Govorukhin nhấn mạnh chữ “bắt buộc”) vì các trường đại học không tiếp nhận người Do Thái”[34].

Kết luận không hề dấu diếm toát lên từ bộ phim là thế này: mặc dù dòng tộc phức tạp, nhưng các thành viên trong gia đình Sa hoàng đều có thể xem là những người Nga, chẳng những thế họ có gốc rễ từ thành phần ưu tú của châu Âu; những người sinh ra chưa phải là chiên của Chúa thì sau đó họ hoàn toàn tự nguyện tiếp nhận Chính thống giáo. Chuyện về các thành viên trong gia tộc Lenin có phần phức tạp hơn. Trong nguồn gốc sắc tộc của họ có nhiều sự thật “láu cá” bị che dấu: một bộ phận tổ tiên Lenin đã mạo nhận là người Nga, trong khi thực chất họ là người Kalmic, Tzuvas và người Đức có “pha trộn với dòng máu Thuỵ Điển”; còn những ông bà gốc Do Thái của Lenin thì nhìn chung đã gia nhập Chính thống giáo và cải sang tên họ Nga một cách bắt buộc, xuất phát từ những ý đồ mang tính sách lược.

Vào những năm 1990-1991 độc giả và khán giả truyền hình trở nên quá quen thuộc với thể phóng sự báo chí mà nhiều tác giả đã sử dụng để bóc lớp mặt nạ của Lenin, phơi bày bản chất tự nhiên đích thực của ông và giải thích cái bản chất ấy đã có ảnh hưởng như thế nào tới lịch sử nước Nga.

4. Tinh thần bài Do Thái và chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi toát lên từ một số tài liệu vừa kể trên làm nẩy sinh những cuộc tranh luận đáp trả, thủ pháp tranh luận là giễu nhại, bông đùa. Một trong số những tác phẩm thuộc thể phản trinh thám có nghĩa lí nhất theo kiểu ấy là trò chơi lường gạt tuyệt vời của Sergei Kurekhin trong chương trình mang tính đại  chúng “Ngôi nhà tĩnh mịch” phát trên kênh 5 đài truyền hình Leningrad. Khi ấy kênh truyền hình này vẫn còn được tiếp sóng trên toàn bộ Liên bang[35]. Từ cuối năm 1990, Kurekhin đã có ý đồ làm một chương trình truyền hình như thế, và nó đã được thực hiện đúng vào lúc người ta tỏ ra đặc biệt hào hứng khám phá những bí mật trong bản chất tự nhiên của Lenin[36].

Ở phần mở đầu, người dẫn chương trình là Sergei Solokhov gọi Kurekhin là “nhà hoạt động chính trị và nghệ sĩ điện ảnh nổi tiếng”, rồi giới thiệu rằng Kurekhin mới từ Mexico trở về sau chuyến đi nghiên cứu ảnh hưởng của các chất gây ảo giác đối với cách mạng xã hội. Kurekhin tuyên bố, đây mới chỉ là phần đầu nằm trong tổng thể của một chương trình truyền hình nhiều tập, được trình chiếu nhằm đề xuất “một hướng tiếp cận hoàn toàn mới đối với những sự kiện lịch sử trên đất nước ta và trên thế giới mà ai cũng đã biết rõ, với những sự thật mà mọi người đều hiểu tường tận”[37].  Tiếp theo, Kurekhin lại quay về với thủ pháp yêu thích của ông – ông bắt đầu bằng những ý kiến phát biểu rất nghiêm túc, sau đó dẫn câu chuyện tới chỗ hoàn toàn phi lí, nhưng vẫn giữ nguyên sự nghiêm túc và thành thực trong cách thức trình bày. Qua nghệ thuật trình bày tài tình của Kurekhin, thể loại này gợi dậy sự phản ứng rất khác thường ở đa số khán giả không được báo trước, đó là sự hoà trộn của bối rối, mê mẩn, nửa tin, lại nửa ngờ, phân vân không biết người kể chuyện đang nói nghiêm túc hay đang đùa bỡn[38]. Với phong cách ấy Kurekhin hút hồn khán giả, buộc họ nhìn dán mắt vào camera để nghe ông diễn thuyết một bài giảng khoa học rất dài nói về những bí mật trong bản tính của Lenin và ảnh hưởng của những bí mật ấy đối với phong trào cách mạng bolsevic.

Bài diễn thuyết được ông bắt đầu như thế này: “Hôm nay tôi sẽ nói về  bí mật cơ bản của cuộc cách mạng tháng Mười. Vì rằng trong đấu tranh cách mạng mọi chuyện không đơn giản như người ta vẫn nghĩ. Cách mạng bao giờ cũng có một cái gì đó khiến tôi ngạc nhiên, có một câu đố nào đó mãi mãi là câu đố”[39]. Tiếp theo, trong quá trình bàn luận những chuyện mênh mông bể sở bằng giọng nghiêm túc, theo kiểu khoa học, Kurekhin giải thích rằng Lenin và các nhà cách mạng, bạn chiến đấu của ông, đều rất thích hái nấm và ăn nấm. Nhiều loại nấm ở nước Nga, nhất là nấm đại hồng nhung, có ảnh hưởng tới ý thức chẳng thua kém chút nào so với cây lưỡi rồng – loài gây ảo giác Lophophora Williamsi  nổi tiếng của Mexico[40]. Sau nhiều năm sử dụng các loài nấm như thế, “nhân cách của người dần dần bị lấn át bởi nhân cách” của nấm, và các loài nấm lặng lẽ trở thành bản chất riêng của người […] Tức là người lặng lẽ hoá thành nấm”.  Rồi Kurekhin đưa ra lời tuyên bố nổi tiếng: “…Tôi có những bằng chứng không thể chối cãi để chứng minh, rằng toàn bộ cuộc cách mạng tháng Mười được tiến hành bởi những người nhiều năm ăn một loại nấm như thế. Trong quá trình bị những con người như thế sử dụng, nấm lấn át phần nhân tính của người, và người đã hoá thành nấm. Tức là tôi chỉ muốn nói, rằng chính Lenin là nấm”[41]. Kurekhin trích dẫn rất nhiều công trình triết học, tay chỉ lên biểu đồ để khán giả theo dõi, rồi ông lại tiếp tục bổ sung hàng đống chứng lí để chứng minh, rằng bản tính tự nhiên của Lenin quả  đã biến đổi từ nhân tính thành nấm tính. Trong suốt buổi truyền hình, cái quan điểm điên khùng ấy lúc nào cũng được trình bày bằng thứ ngôn ngữ tuyệt vời cùng với sự nghiêm túc, thuyết phục mãnh liệt mà chỉ Kurekhin mới có được.

Đã có rất nhiều khán giả truyền hình không biết nên hiểu thế nào về câu chuyện của Kurekhin. Họ hoang mang gọi điện thoại đến đài truyền hình yêu cầu giải thích. Công chúng từng xem trò lường gạt  của Kurekhin không chỉ là những khán giả ít học, mà còn có nhiều trí thức thứ thiệt, lúc ấy, phần lớn, họ chưa biết Kurekhin. Trong số những trí thức như thế có thể kể tên nghệ sĩ Konstantin Raikin, một nghệ sĩ rất sành điệu trong thể loại trung gian giữa giễu nhại và trào phúng và giàu kinh nghiệm trong trò “châm chích”, “bông lơn”. Điều đó nói lên một thực tế thú vị, không phải thực tế về sự ngây thơ của đám đông khán giả, mà là thực tế về sự xuất hiện của một thể loại hình như đã trở nên quá ư tự nhiên, bình thường ở thời điểm giáp ranh giữa 1990 và 1991: thể loại điều tra những nguồn cội bí mật trong bản tính tự nhiên của Lenin và những bí mật mang tính sinh học có ảnh hưởng thế nào đối với lịch sử đất nước và số phận cá nhân con người[42].

Nhớ lại ấn tượng đầu tiên sau khi xem truyền hình, Konstantin Raikin kể rằng, ông đã bị mê hoặc “giống như một công dân xô-viết bình thường, như người ta nói, từ lâu đã quen tin tưởng vào những câu chuyện nghiêm túc. Kurekhin khi ấy đã làm được điều đó hết sức tuyệt vời theo kiểu một nghệ sĩ. Nó là của trời cho. Chúng ta không ai nghĩ mình là thằng ngốc, và như người ta nói, ai cũng biết được mức độ của sự đùa bỡn. Như người ta nói, khi não bộ làm người ngu đi… Huống chi đây lại là Lenin. Khi đó tất cả những chuyện ấy vẫn còn là chuyện nghiêm túc […] Dám bịa ra những chuyện đùa bỡn lãnh tụ như thế… Vào lúc ấy, đó là chuyện chưa phổ biến”[43].

Người ta không thể phát hiện ra ngay trò đùa của Kurekhin. Nhưng cũng chẳng phải chờ lâu, khi trò đùa ấy được phát hiện thì cũng có thể xem đó là bước đi cuối cùng trong quá trình điều tra, nghiên cứu bản chất tự nhiên của Lenin mà kết quả là mọi ý nghĩa gắn với Lenin đều bị đảo ngược hoàn toàn. Raikin nhớ lại: “Khi tôi nhận ra mình bị lừa, mình đã nuốt phải quả lừa ấy, tôi thực sự ngạc nhiên […] Với tôi, ông ấy là một trong số những người giúp tôi cảm nhận được một thời đại mới đã thực sự bắt đầu trong đời sống của đất nước chúng ta. Khi tôi thấy có thể như thế, và điều ấy đã diễn ra thật tài tình. Té ra có thể cười hả hê làm sao đối với những gì ta tưởng là bất di bất dịch, tưởng là không thể cười, đồng thời cũng là cười nhạo tất cả chúng ta.  Điều đó thật kì diệu. Đó là cảm giác tuyệt vời thế nào ấy về một bầu không khí tự do…”[44]. Buổi truyền hình của Kurekhin hoá thành bản tổng kết độc đáo bước đi của năm 1990, theo đó hình tượng Lenin trong diễn ngôn của đảng và của xã hội dần dần thay đổi: từ một lãnh tụ bị quy phạm hoá, không thể phê phán, Lenin biến thành một chủ thể xa lạ, trong chiều sâu của bản tính tự nhiên có cả một núi những chuyện bị bưng bít, bí mật từng ảnh hưởng sâu sắc tới bước đi của lịch sử.

Trước khi kết luận, xin phép được trở lại với luận điểm nhập đề ở phần đầu bài viết. Trong suốt chiều dài lịch sử của Liên Xô, biểu tượng Lenin là thành trì từ phía bên ngoài được tựa vào để cấu tứ các diễn ngôn tư tưởng, là ô dù che chở để khẳng định tính chính thống của tư tưởng hệ. Nhưng trong năm 1990, vị trí của Lenin trong cấu trúc diễn ngôn tư tưởng đã thay đổi. Lúc đầu trên mặt báo thấy xuất hiện luận điểm cho rằng, lời nói và tư tưởng đích thực của Lenin đã bị xuyên tạc trong suốt cả chiều dài của lịch sử xô-viết. Luận điểm ấy nêu lên sự nghi ngờ, rằng tất tật những điều Lenin phát biểu đã được in trong các tài liệu gốc thời xô-viết đều là không đúng, đồng thời, nó làm nẩy sinh một nghịch lí nội tại trong cấu trúc của diễn ngôn tư tưởng: một mặt, diễn ngôn tuyên bố nhiệm vụ chính của cải tổ là quay về với Lenin đích thực, mặt khác, nó lại cho rằng không ai rõ Lenin đích thực là gì.

Nghịch lí trên đã dẫn tới sự thay đổi của hình tượng Lenin trong suốt năm 1990 như thế nào, xin không đi sâu vào chi tiết, chỉ xin bổ sung, kết quả chủ yếu của sự thay đổi ấy là nó đã thúc đẩy sự khủng hoảng mới bắt đầu trong cấu trúc của hệ tư tưởng xô-viết. Kéo theo những thay đổi trong tư tưởng hệ là sự triệt tiêu của khả năng bấu víu vào một thứ chân lí tuyệt đối, được áp đặt từ phía bên ngoài mà lúc ấy hình ảnh Lenin chính là biểu tượng. Kết cục là trong con mắt của xã hội, hệ tư tưởng xô-viết bắt đầu đánh mất tính chính thống để biến thành một trong muôn vàn chân lí lớn nhỏ bình đẳng với nhau, và công chúng có thể nghi ngờ khi nhìn nó từ các chân lí khác. Mặt trái của quá trình ấy là tính chính thống của Đảng Cộng sản Liên Xô cũng bị đẩy vào tình trạng khủng hoảng: vai trò dẫn dắt, lãnh đạo của nó với tư cách là đại diện cho hệ tư tưởng xô-viết cũng mất đi tính pháp lí của một thứ chân lí tuyệt đối, không thể bác bỏ. Mặc dù vào những năm cuối của tiến trình cải tổ có rất nhiều sự kiện quan trọng, nhưng chính việc đánh mất vị trí chính thống của Lenin diễn ra vào năm 1990 có thể nói là thay đổi quan trọng nhất tạo nên sự khủng hoảng nhanh chóng và không thể đảo ngược của toàn bộ hệ thống.

Xin nhắc lại một vài kết quả của quá trình ấy. Cứ nhìn vào thực tiễn thay đổi tên gọi của các địa phương gắn với tên tuổi của Lenin, ta sẽ tìm thấy ngay bằng chứng nói lên quá trình xoá bỏ vị trí bất khả xâm phạm của ông ấy. Việc thay đổi tên gọi của thành phố Leningrad là một trong những sự kiện có ý nghĩa quan trọng nhất.  Vào đầu năm 1990, một số dân biểu của Hội đồng thành phố Leningrad đã nêu vấn đề cần phục hồi cho thành phố tên gọi lịch sử Saint – Peterburg. Ở thời điểm ấy, ý tưởng này còn bị xem là viển vông. Đa số dân biểu, kể cả Thị trưởng Anatoli Sobtzak đã biểu quyết chống lại việc đưa vấn đề này vào chương trình nghị sự. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, trong vòng 12 tháng của năm 1990, hình ảnh Lenin đã có nhiều thay đổi, và đến cuối năm ấy, ý tưởng về việc đổi tên thành phố lại xuất hiện. Vào tháng 5 năm 1991, Hội đồng thành phố Leningrad đã biểu quyết tán thành tổ chức trưng cầu dân ý; và trong cuộc trưng cầu dân ý, tuyệt đại đa số cư dân nhất trí trả lại cho thành phố cái tên gọi lịch sử[45].

Khi Lenin không còn là biểu tượng cho tính chính thống thì đảng cũng đánh mất vị trí chính thống của mình: tháng 3 năm 1990, Đại hội đại biểu nhân dân lần thứ III đã huỷ bỏ điều 6 Hiến pháp quy định vai trò dẫn đắt và lãnh đạo của Đảng Cộng sản Liên Xô; tháng 6 năm 1990, bộ phận bảo thủ của đảng đã thành lập Ban chấp hành Trung ương đảng toàn Liên bang Nga với ý đồ phục hồi tính chính thống của hệ tư tưởng xô-viết và vai trò lãnh đạo của đảng; tháng 7 năm 1990 diễn ra Đại hội Đảng Cộng sản Liên Xô lần thứ XXVIII, và nó đã trở thành Đại hội cuối cùng; tại Đại hội, nhóm các đại biểu thuộc phe dân chủ không thực hiện được ý đồ cải tổ Đảng Cộng sản Liên Xô thành Đảng Dân chủ theo kiểu nghị trường; kết quả là nhiều đại biểu (Elsin, Sobtzak, Popov…) đã tuyên bố ra khỏi hàng ngũ của Đảng Liên Xô;  làn sóng ra khỏi hàng ngũ Đảng Cộng sản Liên Xô ngày càng lan rộng trên phạm vi toàn quốc (Nếu năm 1989 Đảng Cộng sản Liên Xô mới chỉ mất 140 nghìn đảng viên, thì năm 1990, nhất là từ mùa hè, con số thống kê đã lên tới 2,7 triệu)[46].

Mùa thu năm sau, năm 1991, Xô-viết tối cao Liên Xô đã ban hành hai sắc lệnh: sắc lệnh về việc đổi tên Leningrad thành Saint – Peterburg và sắc lệnh về việc nghiêm cấm Đảng Cộng sản Liên Xô. Mặc dù nguyên nhân trực tiếp dẫn tới sự ra đời của hai sắc lệnh ấy là sự thất bại của các lực lượng bảo thủ trong vai trò lãnh đạo của đảng đã mưu toan tiến hành cuộc đảo chính nhà nước, nhưng bản thân việc hình thành và thông qua những sắc lệnh như thế không thể giải thích bằng bạo loạn, mà chỉ có thể giải thích bằng việc Đảng và Lenin đã đánh mất hoàn toàn vị trí chính thống ở cấp độ hệ tư tưởng quốc gia. Nói cách khác, hai sự kiện ấy chỉ củng cố về phương diện pháp lí quá trình biến đổi của tính chính thống về cơ bản đã diễn ra từ trước đó, trong năm 1990.

Lã Nguyên dịch

Nguồn: http://magazines.russ.ru/nlo/2007/83/ur13.html

[1] Nói cách khác, Lenin là “Master – Signifier” của diễn ngôn tư tưởng Xô – Viết (Xem: Yurchak Alexei. Everything Was Forever, Until Il Was No More: The Last Soviet Generation. PrincetonUniversity Press, 2006. P.73-74.

[2] Sogrin V. Tả, hữu, cánh mình ở đâu? Suy ngẫm về các diễn ngôn chính trị hiện đại. “Cộng sản”. 1990. Số 3 (tháng 2). Tr. 33-34.

[3] Tlđd. Tr.36.

[4] Polevoi V. Nghệ sĩ và chính quyền. “Cộng sản”. 1990. Số 2 (tháng 2). Tr. 66-75.

[5] Tlđd. Tr. 69

[6] Diễn văn về Lenin của Tổng thống, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô M.S. Gorbachev. Sự thật. 1990. 21 tháng 4. Tr.1.

[7] Tlđd. Nhà sử học người Mĩ là Nina Tumarkin đưa ra cách giải thích khác về nguồn gốc thuật ngữ “chủ nghĩa Lenin”. Theo bà, thuật ngữ này lần đầu tiên được sử dụng một cách công khai vào ngày 3 tháng 2 năm 1923. Vladimir Sorokin, Trưởng Ban Cổ động và Tuyên truyền trực thuộc Ban Chấp hành Thành uỷ Moskva là người sử dụng đầu tiên khi ông này nói về sự cần thiết phải nghiên cứu “chủ nghĩa Lenin” như một bộ phận có giá trị nhất của chủ nghĩa Marxisme (Tumarkin Nina. Lenin Lives! The Lenin Cult in Soviet Russia. HarvardUniversity Press, 1997. P. 120)

[8] Jakoplev A. Chủ nghĩa xã hội: ước mơ và hiện thực// “Cộng sản”. 1990. Số 4 (tháng 3). Tr. 21.

[9] Pantin I., Plimak E. Những tư tưởng của Marx trong bước ngoặt văn minh nhân loại// “Cộng sản”. 1990. Số 4 (tháng 3). Tr.29-45

[10] Tlđd.

[11] Tranh của hoạ sĩ Tzumakov

[12] Nhà nhân loại học Mĩ, Thomas Wolfe, người chuyên nghiên cứu lịch sử báo chí xô-viết, cũng phân tích sự thay đổi của hình thức trình bày trang bía tạp chí “Cộng sản” (Bài phát biểu tại Hội thảo thường niên của Hiệp hội nhân loại học Mĩ (AAA). Washington, 1993).

[13] “Cộng sản”. 1990. Số 5. Tr.128. Trong hai năm 1990 và 1991, trang bìa các số tiếp theo của tạp chí “Cộng sản” đều trình bày theo kiểu mới.

[14] Sự thay thế diễn ngôn xơ cứng kiểu cũ bằng diễn ngôn phát triển năng động kiểu mới được phản ánh trong toàn bộ phong cách trình bày mới mẻ – cái nhan đề cắt chéo trang bìa, cái nền đầy màu sắc được thay đổi dần dần từ trên xuống dưới, các biểu tượng mang tính quy phạm bị loại bỏ (huân chương Lenin và khẩu hiệu “Vô sản toàn thế giới liên hiệp lại!”), ngày tháng được ghi theo kiểu nhật kí, hiện đại, phi chuẩn mực (“3’90” thay vì “Tháng Ba, 1990).

[15] Sakhnazarov G. Đổi mới tư tưởng hệ và hệ tư tưởng đổi mới. “Cộng sản”. 1990. Số 4 (tháng 3). Tr. 56.

[16] Phát triển luận điểm của Hannah Arendt (Arendt Hannah. The Human Condition. Chicago University Press, 1958), Agamben cho rằng, trong bối cảnh hiện đại, đời sống của bất kì chủ thể nào cũng đươc hợp thành bởi hai đời sống – “đời sống chính trị” (political life, hoặc bios) và “đời sống loã thể” (bare life, hoặc zoe). Bộ phận hợp thành thứ nhất là đời sống chính trị và pháp lí của chủ thể trong mối quan hệ với kẻ nắm quyền lực tối cao (nhà độc tài, chuyên chế, hoặc quốc gia); bộ phận thứ hai là đời sống sinh vật trực tiếp của nó. Đời sống của con người được kẻ cầm quyền tối thượng thừa nhận là một công dân luôn bao gồm hai đời sống hợp thành như thế (với tất cả quyền hạn và nghĩa vụ kèm theo). Nhưng nếu chủ thể đánh mất bộ phận hợp thành là đời sống chính trị, nó không chỉ đánh mất những quyền hạn pháp lí nào đó (ví như quyền bình đẳng trước pháp luật của một công dân); mà trong con mắt kẻ cầm quyền tối cao, đời sống của nó nói chung đã không còn ý nghĩa là đời sống của con người có đầy đủ giá trị, vì thế mà quyền bất khả xâm phạm thân thể của nó cũng bị thủ tiêu (đây chính là điều thường xẩy ra trong lịch sử hiện đại). Xem: Agamben Giorgio. Homo Sacer: Sovereign Power and Bare Life. StanfordUniversity Press, 1998.

[17] Diễn văn về Lenin của Tổng thống, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô M.S. Gorbachev. Tr. 2.

[18] Trong số này có lá thư viết ngày 4 tháng giêng năm 1923, tức là lá thư mà Lenin đã cảnh báo với Ban chấp hành Trung ương những vấn đề hệ trọng về tính cách của Stalin và đề nghị đưa Stalin ra khỏi chức vụ Tổng Bí thư của Đảng ( Gunbinski N.K. Kỉ niệm 120 năm ngày sinh Vladimir Ilic Lenin. “Tia lửa”, 1990. Số 17. Tr. 3)

[19]  Đây không phải là thông lệ có từ trước: những năm đầu sau khi Lenin chết, lễ kỉ niệm ngày chết được tổ chức linh đình hơn rất nhiều so với lễ kỉ niệm ngày sinh của ông. Nhưng trong vòng già một năm trước khi đọc bản báo cáo lịch sử phê phán tệ sùng bái cá nhân của Stalin, Khrupsev đã thay đổi trọng tâm: ngày 11 tháng giêng năm 1955, Ban Chấp hành Trung ương thông qua sắc lệnh về việc chuyển  lễ kỉ niệm thường niên dành cho Lenin từ ngày 21 tháng giêng sang ngày 22 tháng 4 (Tumarkin N. Op.cit. P.257).

[20] Xem: Gooding John. Lenin in Soviet Polities, 1985-91. Soviet Studies. 1992. Vol.44. Số 3. P.409.

[21] Hồi ức về tháng giêng ấy. Sự thật. 1990. 21 tháng giêng. Tr.1

[22] Lời dẫn của Vitali Korotich viết cho bài “Giã từ thượng đế” (Toạ đàm giữa O. Maros và V.Soloukhin)// Tia lửa. 1990. Số 51. Tr.26.

[23] Tlđd.

[24] Tlđd. Tr. 27

[25] Tlđd. Tr. 30

[26] Bản thảo “Kẻ độc tài” của A.A.Matưsev gửi cho tạp chí “Neva”. Xem  ý kiến phê bình bản thảo này trong bài: Starsev Vitali. Nhà chính trị và con người. Neva. 1991. Số 3. Tr. 148-159,- bài báo được viết vào đầu năm 1990, giữa lúc xung quanh chủ đề này đang diễn ra tranh luận sôi nổi.

[27] Lại bàn về Lenin. Onga Dmitriepna Ulianopva, cháu gái của Ulianov (Lenin) trả lời các câu hỏi của phóng viên “AiF”. Chứng cớ và Sự thật. 1990. Số 16. Tr.1. Đây là những ý đồ đầu tiên nẩy sinh vào những năm 30 của thế kỉ trước nhằm dựng lại dòng tộc của Lenin một cách nghiêm túc. Marietta Shaginyan (nữ nhà văn Nga, sinh năm 1888 tại Moskva, mất 1982, thọ 94 tuổi.- L.N) là một trong số những người đầu tiên lần tìm manh mối gia tộc và trong tiểu thuyết “Tấm vé hành trình theo lịch sử” (một phần của bộ tiểu thuyết ba tập viết về gia tộc Ulianov), bà đã dựng lại nguồn cội của Lenin. Shaginyan kể về người bà thuộc dân tộc Kalmic của Lenin và gọi ông bác của Lenin (Aleksandr Blank) là anh “Nga còi”. Vì cuốn tiểu thuyết này, Shaginyan bị phê phán gay gắt. Ngày 5 tháng 8 năm 1936, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản thông qua Nghị quyết “Về tiểu thuyết của Marietta Shaginyan “Tấm vé hành trình theo lịch sử, Phần 1. “Gia đình Ulianov””. Nghị quyết này chỉ trích gay gắt Shaginyan và Krupskaja (người trả lời phỏng vấn và cung cấp tư liệu cho Shaginyan) vì họ đã biến “việc soạn thảo các tác phẩm về Lenin, vốn là việc chung, thành việc riêng tư, việc gia đình, họ đã phát ngôn trong tư cách là người nắm giữ độc quyền, và người giải thích công việc xã hội và đời sống cá nhân và gia đình Lenin, Ban Chấp hành chưa bao giờ cho phép bất kì ai được quyền phát ngôn trong tư cách ấy” (Xem: Chính quyền và giới trí thức nghệ sĩ: Tư liệu về đường lối văn hoá từ 1917 đến 1953 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Nga, Ban Chấp hành Đảng Cộng sản toàn liên bang, Uỷ ban trấn áp phản cách mạng toàn liên bang, Ban Điều hành đường lối Quốc gia thống nhất, Bộ Uỷ viên nhân dân Nội vụ. Tổng Biên tập: Viện Sĩ A.N.Jakoplev. M., 1999.

[28] Ngôn luận. 1990. Số 2.

[29] Kosergina A. Bưu điện: vấn đề đại chúng// Điểm sách. 1991. Số 22

[30] Stein Mikhain. Phả hệ dòng họ Ulianov (hay là những bí mật nào cho đến nay vẫn còn bị khoá chặt trong các két sắt của Viện Marx – Lenin thuộc Ban Chấp hành Đảng Cộng sản Liên Xô?). Nhà văn. 1990. Số 38 (tháng 10).

[31] Bộ phim hoàn thành vào năm 1991 và đầu năm 1992 khởi chiếu trên Đài Truyền hình Trung ương.

[32] Băng Video bộ phim, bản sao của tôi- A.Yu.

[33] Tlđd.

[34] Tlđd.

[35] Để cung cấp thêm một ví dụ, xin dẫn ra đây ý kiến ngắn của Tatiana Tolstaja phát biểu trên tờ “Tia lửa” trong một số phát hành vào mùa xuân năm 1990. Phản ứng trước sự gia tăng của khuynh hướng bới móc gốc rễ Do Thái được giữ kín của nhiều nhân vật trong lịch sử Nga, từ các nhà văn thời tiền Cách mạng, cũng như trước thái độ bài Do Thái bộc lộ gay gắt trong xã hội thời ấy, Tolstaja viết: “Puskin là người Do Thái.  Họ thật của ông ấy là Puskind. Ông ấy kí đúng như thế để ai cũng được nhìn thấy tận mắt. Đúng là được kí như thế này: Puskind. Lại nữa, người ta gọi anh trai của ông ấy là Lev, gọi tằng tổ phụ của ông ấy là Abram, gọi bà ông ấy là Sara. Có cái gì ở đây chưa rõ nào? Trời ơi! Vậy mà ông ấy đã viết những gì, viết những gì nào!…” (Tolstaja Tatiana. Không thể nín lặng// Tia lửa. 1990. Số 14. Tr.3).

[36] Chương trình được đưa lên màn hình vào mùa xuân 1991 (Phỏng vấn Kurekhin của tác giả, 1995).

[37] Băng video ghi lại chương trình truyền hình, bản ghi của tôi.- A.Yu.

[38] Thể loại và phong cách đùa nhại theo kiểu như thế đã được phân tích trong nhiều công trình, xin xem: Yurchak A. Nhảy múa ban đêm cùng thiên thần lịch sử. Nghiên cứu văn hoá/ Biên tập: A.Etkind, SPb.: Nxb Đại học Tổng hợp Âu châu, 2006; Yurchak Alexei. Gagarin and the Rave Kids: Transforming power, identity, and aesthetics in the post-Soviet night life. Congsuming Russia: popular Culture, Sex, and Society Since Gorbachev. Ed.Adele Barker. Duke University Press, 1999; Idem. Everything Was No More: the Last Soviet Generation. PrincetonUniversity Press, 2006 (ch. 7. Dead Irony).

[39] Tlđd.

[40] Cây lưỡi rồng là có thật, chất gây ảo giác của nó được thổ dân da đỏ ở Mexico sử dụng, Kurekhin đã đọc được những chuyện ấy vào những năm 1980 qua bản dịch tự xuất bản cuốn sách của Karlos Kastanhed “Học thuyết của Don Juan” (Phỏng vấn Kurekhin của tác giả, 1995)

[41] Băng video ghi lại chương trình truyền hình, bản ghi của tôi.- A.Yu.

[42] Âm vang của hứng thú mang tính đại chúng như thế có nhiều biểu hiện khác nhau, chẳng hạn, trong những năm ấy công chúng vô cùng say sưa với những chuyện như thần giao cách cảm, nhịp điệu sinh học, dự đoán chiêm tinh, lí thuyết về nguồn cội dân tộc và sinh quyển, các buổi diễn thuyết trên tivi của tiến sĩ Kaspiropski… Về vấn đề này, xin xem bài của P. Romanov và E.Jaskaia – Smirnova cùng in trong số tạp chí này ( tức là NLO, 2007, số 83.- L.N.).

[43] Konstantin Raikin trả lời phỏng vấn của Sergei Solokhov trong buổi truyền hình “Ngôi nhà tĩnh mịch của hồi ức Kurekhin”, tháng 7 năm 1996 (bản sao băng video của tôi.- A.Yu.). Cần chỉ ra rằng, Kurekhin không phải là người nghĩ ra việc giải thích hình tượng Lenin theo kiểu giễu nhại. Chắc mọi người đều nhớ, ngay từ những năm 1970 các nhà sáng lập của soc-art là Komar và Melamid đã sử dụng súc hoạ giễu nhại để phản ánh hình tượng Lenin. Trong thời kì cải tổ, số lượng những tác phẩm nghệ thuật “phi hình thức” thuộc loại như thế bỗng tăng lên một cách đột biến (ví như những tác phẩm của Alecsandr Kosolapov).  Nhưng trò phỏng nhại của Kurekhin có một số đặc điểm khác biệt so với các dạng giễu nhại khác khiến cho nó trở thành một hiện tượng đặc biệt xuất hiện đúng vào quãng giáp ranh giữa năm 1990 và 1991. Thứ nhất, Kurekhin không giễu nhại Lenin, mà giễu nhại cái hứng thú tràn của cả một xã hội say sưa khám phá bản chất “đích thực” của Lenin và ảnh hưởng của nó đối với lịch sử xô – viết, tức là, khác với soc-art, sự giễu nhại của Kurekhin không nhắm vào hệ tư tưởng xô – viết mà nhắm vào những người phê phán hệ tư tưởng ấy. Thứ hai, yếu tố quan trọng làm nên hình thức thể loại của Kurekhin là sự vắng bóng hoàn toàn các yếu tố ngõ hầu giúp những độc giả bình thường nhận biết cái đang diễn ra chỉ là sự giễu nhại. Hơn thế, nói một cách nghiêm túc, cũng không thể xếp thể loại của Kurekhin vào hình thức giễu nhại. Nó dao động giữa nghiêm túc tuyệt đối, ngông cuồng cực đỉnh với một thứ humour “độc địa” nào đó. Kết quả của sự dao động ấy là đại đa số khán giả hoàn toàn không biết phải giải thích về chuyện đang diễn ra như thế nào. Thứ ba, Kurekhin công diễn trò chơi “Lenin – nấm” trên truyền hình quốc gia, trước hàng triệu khán giả, điều đó chứng tỏ cách tiếp cận của ông rất khác với hành động của phái nghệ thuật phi hình thức (thêm ào đó, Kurekhin diễn trò trong vai một học giả, chứ không phải một hoạ sĩ hay nhạc sĩ). Điều quan trọng tôi muốn nói ở đây là đúng vào đầu năm 1991, trong phạm vi những chương trình xác định, người ta đã có thể đưa lên tivi những buổi truyền hình như vậy mà không cần phải giải thích cho khán giả phải hiểu nội dung của nó như thế nào.

[44] Tlđd.

[45] Cuộc trưng cầu dân ý này đã thu hút sự tham gia của 64,7% cư dân có quyền phát biểu ý kiến, trong đó, 54,86% tán thành đổi tên thành phố.

[46] Liên Xô trong số liệu năm 1990: Tuyển tập thống kê giản yếu. M., 1991. Tr.104, 105. Sau Đại hội XXVIII, phong trào ra khỏi Đảng Cộng sản Liên Xô ngày càng mở rộng: từ mùa hè 1990 đến hè 1991 có 4 triệu đảng viên ra Đảng. Xem: Konstantinov S. Đại hội của những người phải chết. Báo Độc lập. 2000. 12 tháng 7 (http://www.ng.ru/style/2000-07-12/16_siezd.html)

Nguồn bản tiếng Việt: https://languyensp.wordpress.com/2013/06/16/neu-con-song-chac-lenin-se-biet-phai-lam-gi-cuoc-doi-loa-the-cua-lanh-tu/

Ảnh:

- Công viên và tượng Lenin ở Hà Nội

- Tượng Lenin bị kéo đổ ở Ukraina