Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 9 tháng 2, 2015

Người quân tử luôn luôn hòa nhã, dù có ý kiến bất đồng

Đoàn Thanh Liêm
Từ xa xưa, cha ông ta vẫn thường nói : “Quân tử hoà nhi bất đồng” - tức là có ý nói : “Người quân tử luôn luôn hòa nhã, lịch sự mặc dầu vẫn có ý kiến khác biệt, có sự bất đồng về quan điểm đối với người khác”. Trong tiếng Pháp, thì cũng có câu nói tương tự, như : “Unité dans la Diversité” = Thống nhất trong sự Dị biệt”. Anh Earl Martin ở Virginia là bạn người Mỹ thân thiết lâu năm của tôi, thì anh ấy dịch câu “Quân tử hòa nhi bất đồng” ra tiếng Anh như thế này: “Civility even in Disagreement”.
Tôi vẫn còn nhớ cái thời tôi được cho đi du học tu nghiệp ở Mỹ năm 1960 – 61, thì trong một buổi sinh viên được hướng dẫn về sinh họat tôn giáo trong xã hội Mỹ, một diễn giả đại diện cho giáo phái Tin Lành nói một câu này mà tôi cứ nhớ hoài. Câu đó thật ngắn gọn như sau: “We agree to disagree” = Chúng tôi thỏa thuận rằng chúng tôi bất đồng ý kiến với nhau”. Tức là diễn giả muốn nói: “Mỗi tôn giáo của chúng tôi luôn khác biệt với nhau, nhưng mà chúng tôi vẫn thuận thảo hòa nhã với nhau trong xã hội này”. Bữa đó, có ba đại diện của Tin Lành, Công giáo và Do Thái giáo, mỗi người lần lượt trình bày về sinh họat riêng của tôn giáo mình trước một cử tọa gồm các sinh viên ngoại quốc đang theo học trong vùng thủ đô Washington DC.
Trong thực tế hiện nay, nhất là kể từ khi Internet được phổ biến rộng rãi, thì ta thấy hàng ngày, hàng giờ luôn luôn có những lời nói chỉ trích, mạt sát lẫn nhau – có khi còn dùng những ngôn từ tục tĩu hạ cấp để mà phỉ báng nói xấu cho nhau nữa. Rõ ràng đây là một cái chuyện đáng buồn, làm mất danh dự, xâm phạm đến nhân phẩm của người khác. Những người phát ngôn bừa bãi, chửi bới, bươi móc chuyện đời tư của kẻ khác – thì quả thật họ lại còn coi thường công chúng trong thiên hạ, y hệt như họ đã xả rác, phóng uế ra chỗ công cộng để bắt mọi người phải hứng chịu cái mùi hôi thối nhớp nhùa đó vậy nữa.
Trong tiếng Pháp, có câu nói : “Văn phong thế nào, thì con người thế đó” (nguyên văn : Le style, c'est l'homme). Đúng là những người tung ra những ngôn từ xảo trá thô bỉ nói trên, thì bản thân họ đã không có lòng tự trọng - mà còn có thái độ ngang ngược coi thường quần chúng . Họ đáng phải nhận chịu sự chê bai khinh bỉ của xã hội vậy.
Nhà văn Mai Thảo khi còn sinh tiền đã có một thái độ thật đứng đắn, ông nói đại khái như sau với các bạn: “Báo chí văn chương là nơi chốn công chúng phơi bày những chuyện tươi đẹp tốt lành của cuộc sống. Do đó mà tôi không bao giờ lại đưa chuyện gây gỗ, cãi vã với bất kỳ ai lên mặt báo chí khiến cho độc giả phải buồn phiền bực bội về những sự việc không hay như thế v.v...”
Mặt khác, trong các trường học ở Mỹ gần đây, người ta thường dậy cho các trẻ em về lòng khoan dung, về sự tôn trong phẩm giá của người khác.
Ta lại còn thấy có một khẩu hiệu thật phổ biến nơi này chỗ khác, ghi rằng : “Hãy dạy cho mọi người biết về sự Bao Dung” : “Let's teach people the Tolerance”. Cha ông chúng ta cũng vẫn thường nói : “Lượng cả bao dung” - đó là có ý đề cao nhân cách của người trượng phu quân tử là người có tấm lòng rộng lượng cao cả, thì luôn luôn có sự bao dung cao thượng rộng rãi đối với mọi người vậy.
Và nhất là nhà trường lại còn dậy cho các cháu nhỏ tránh được thái độ phân biệt kỳ thị đối với mọi người - bất kể vì lý do chủng tộc, giới tính hoặc do khuynh hướng chính trị khác biệt nhau.
Đây rõ ràng là một đường lối giáo dục tiến bộ tích cực, là một dấu chỉ thật đáng mừng cho thế hệ tương lai của con cháu chúng ta vậy.
Westminster California, Tháng Giêng 2015