Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 9 tháng 2, 2015

Hậu Chuyện Kể Năm 2000 của Bùi Ngọc Tấn: Những Pavlov mang họa

Phát biểu tại buổi ra mắt tại miền Nam California

Nguyễn Xuân Nghĩa

Với tôi, đây là một sự vinh hạnh khi được mời lên diễn đàn này trình bày về tác phẩm cuối cùng, là di cảo mới nhất, của nhà văn Bùi Ngọc Tấn.

Sau cả vạn người đã đọc ông và cả trăm người đã phát biểu về con người và văn nghiệp của Bùi Ngọc Tấn, tôi là người muộn màng đẩy một cánh cửa đã mở sẵn. Vì vậy, xin quý vị thông cảm cho nếu chẳng nói điều mới lạ.clip_image001

Ông Nguyễn Xuân Nghĩa phát biểu tại buổi ra mắt sách Bùi Ngọc Tấn tại nhật báo Người Việt, chiều 7 Tháng Hai, 2015. (Hình: Người Việt)

Hôm mùng 5 vừa rồi và sáng nay lên chùa, tôi đã thắp một nén nhang cầu nguyện nhân dịp 49 ngày tạ thế của Bùi Ngọc Tấn. Nơi đây, hiển nhiên là quý vị cũng đã tưởng niệm như rất nhiều người Việt khác trên địa cầu trong thời gian qua.

Ðược yêu cầu giới thiệu cuốn Hậu Chuyện Kể Năm 2000 do nhà xuất bản Tiếng Quê Hương vừa phát hành, tôi đã có một kinh nghiệm cay đắng ngọt bùi.

Ngọt bùi là khi thưởng thức một tác phẩm văn chương khiến mình đọc rất chậm, rồi đọc lại, nhất là những đoạn bi thương về gia đình tác giả gồm có sáu người. Cay đắng là khi phải đặt sách xuống trong tiếng thở dài, có khi là sự phẫn nộ, về con người và đất nước thê thảm của mình. Nhưng những cảm giác riêng tư ấy thật ra hoàn toàn vô ích ở đây. Từng người trong quý vị sẽ có nhận thức riêng của mình sau khi đọc.

Tôi chỉ xin nói rằng đây là một tác phẩm nên đọc - và phải đọc.

***

Trước hết, một cách ý thức hay vô thức, mọi nhà văn đều tiếp nhận những gì đã được viết ra từ trước. Vì vậy, khi nói về một tác phẩm văn chương, chúng ta đều có thói quen đối chiếu, đó là so sánh tác phẩm này với tác phẩm kia, của cùng một nhà văn hay của nhiều tác giả khác. Tôi khó làm chuyện đó vì chẳng có cơ sở gì để đối chiếu hay so sánh. So sánh với Tolstoy, Dostoevsky hay Ghoerghiu sao?

Bùi Ngọc Tấn có chỗ đứng riêng với những tác phẩm lừng danh của ông, không vì số phận hẩm hiu của tác giả mà vì giá trị nghệ thuật của tác phẩm. Chúng ta nên tìm đọc để biết là vào hậu bán thế kỷ 20, người Việt viết văn ra sao. Cũng như phải đọc Vũ Trọng Phụng để nhìn một đỉnh cao của nghệ thuật văn chương Việt Nam trước khi có tai ách Cộng Sản. Hai cây bút viết trong hai hoàn cảnh với văn phong quá khác biệt, mà vẫn là tiêu biểu cho hai thời kỳ.

Và tiêu biểu nhất cho thời kỳ Cộng Sản là cả hai tác giả này đều bị chế độ đả kích!

***

Sau biến cố 1975, những người ở miền Nam chúng ta có 20 năm gần như bị bão hòa với nhiều cuốn sách viết về kinh nghiệm tù đày của chế độ Cộng Sản, mà người ta gọi là “cải tạo” - dù có tập trung hay không. Trong hoàn cảnh chính trị thời đó, những ai lạnh lùng tỉnh táo thì chịu đựng và kết luận rằng đó là luật chơi tàn khốc của lẽ thắng bại. Nó độc ác và vô ích. Thế thôi.

Nhưng sau đấy, từ những năm 1995 trở về sau, trong hàng ngũ của những người chiến thắng, từ bên trong xã hội cộng sản đã thống nhất trên cả nước, bỗng xuất hiện nhiều cuốn hồi ký về cái nạn tù đầy và cải tạo của những người đã góp phần tạo nên chiến thắng 1975.

Tức là hơn 40 năm sau cuốn “Trăm Hoa Ðua Nở Trên Ðất Bắc” của Hoàng Văn Chí về nỗi oan khiên dành cho giới nghệ sĩ và trí thức trong nhóm “Nhân Văn Giai Phẩm” tại miền Bắc, chúng ta mới phát giác là qua gần nửa thế kỷ tương tàn ấy, nhiều người ở miền Bắc đã có kinh nghiệm về “cải tạo” rất sớm.

Mà họ lại không may mắn bằng những người tù ở trong Nam.

Tù cải tạo ở trong Nam còn có một lý do tự an ủi, dù mong manh, rằng mình chống họ thì khi thua trận tất nhiên là bị hành hạ. Những người tù ở miền Bắc không được như vậy. Họ thành thật dâng hiến tuổi thanh xuân cho “cách mạng,” và chẳng có tội gì như trường hợp Bùi Ngọc Tấn, vậy mà cũng bóc lịch hay chăn kiến trong tù.

Người miền Nam dùng chữ “bóc lịch” làm ta liên tưởng đến tư thế đứng. Chứ “chăn kiến” thì phải ngồi. Mà đứng hay ngồi thì cũng đều ở trong cũi cả! Tù trong hay tù ngoài, tù trước và tù sau, tù ta hay tù nó đều là tù cả! Sau đó thì gia nhập bộ lạc “Tà Ru.” Tù ra để sống trong một nhà tù lớn hơn, và rất dễ mắc bệnh tâm thần vì hàng ngày hàng giờ vẫn có cảm giác như bị theo dõi để lại trở về chốn cũ, là trại giam cũ.

Những phát giác ấy đến với người ở trong Nam khi đọc Ðêm Giữa Ban Ngày của Vũ Thư Hiên, rồi Chuyện Kể Năm 2000 của Bùi Ngọc Tấn hay Ðèn Cù của Trần Ðĩnh. Nỗi ê chề đó càng khiến mình ân hận là không cố gắng nhiều hơn để đất nước có một kết cục khác.

Qua đến tác phẩm mới, và là cuối cùng, của Bùi Ngọc Tấn, Hậu Chuyện Kể, chúng ta còn được một di sản khác. Một bức tranh xã hội của miền Bắc trong những năm chiến tranh.

Nói như một kẻ vô tư và vô tâm của người thiên về xã hội học hay người chuyên về “ác học của nhân loại,” thì Chuyện Kể Năm 2000 là một cuốn phim hay.

Sau đó 15 năm, ta lại được xem nhiều trích đoạn hay trailers về việc thực hiện cuốn phim nổi tiếng này. Nếu chỉ như vậy thì tác phẩm mới chẳng quảng cáo gì thêm cho tuyệt tác kia. Nét nhân hậu của Hậu Chuyện Kể là vẽ ra chân dung của nhiều nhân vật đã góp phần hoàn thành cuốn phim. Tôi dùng chữ “nhân hậu” vì chú ý nhất đến sự kiện là trong xã hội cùn mằn độc ác đó vẫn có loại người bất thường đến siêu phàm.

Họ dám sống thật, nói thật và chật vật tranh đấu để một cuốn sách vừa phát hành đã bị cán thành bột - mà vẫn xuất hiện ở nơi khác. Xin hãy đọc để xem Bùi Ngọc Tấn cùng gia đình và bạn hữu đếm thế nào về 1,500 cuốn sách đã xuất bản, đã phát tán mà vẫn phải gom đủ cho chế độ thủ tiêu! Chung quanh ông vẫn còn chán vạn người tử tế nên ở bên ngoài chúng ta mới được đọc Chuyện Kể Năm 2000.

Vì vậy chúng ta không nên tuyệt vọng.

***

Là kẻ ngoại đạo của thế giới nghệ thuật, tôi cứ nghĩ rằng nghệ sĩ không thể là người trầm tư. Ta chẳng thể cứ ngồi Thiền mà thành Phật được! Cũng vậy, nghệ sĩ là người muốn làm một cái gì đó thật đẹp, và phải cố làm thì may ra mới biết cái đó là cái gì! Mà rồi đẹp hay xấu là thuộc quyền thẩm định của người khác.

Bùi Ngọc Tấn là nhà văn bị bẻ bút mất 20 năm sau năm năm tù đày, mà vẫn cố làm một cái gì đó. Mất cả chục năm mới ra một chuyển kể cho hậu thế, của thế kỷ 21. Cuốn Hậu Chuyện Kể viết về sự cố gắng đó. Ngoài giá trị của một bức tranh xã hội, hay bối cảnh cho việc nghiên cứu về xã hội học của một chế độ tồi bại, cuốn sách mà chúng ta chào mừng hôm nay còn cho thấy tiến trình gian nan của sự cố gắng, sự sáng tạo.

Kinh khủng nhất là khi ông viết mà vẫn thấy bóng cây xoan dật dờ trong trí nhớ lại cũng mập mờ che khuất sự dòm ngó của chế độ! Nhiều khi các nghệ sĩ muốn làm đẹp cho đời thì cũng là những người bị đời hành hạ nhiều nhất.

Nén nhang cho Bùi Ngọc Tấn cũng phải là lời tri ân.

***

Sau cùng, tôi xin được nói về một chuyện ngoài văn chương, khi cảm được tiểu tựa của cuốn sách, là Thời Biến Ðổi Gien.

Các nhà bác học về nhân chủng hay khảo cổ có thể giảng cho chúng ta rằng loài người đã mất cả triệu năm, rẻ nhất là mấy vạn năm, mới từ trạng thái bò bốn chân và suy nghĩ bằng cái bụng tiến dần lên trình độ đứng thẳng. Sau cả vạn năm vục mặt xuống đất, chúng ta mới dần dần đi bằng hai chân và suy nghĩ bằng cái đầu, với bộ não ngày càng lớn hơn theo tầm nhìn xa hơn và cao hơn.

Chế độ Cộng Sản lại hoàn thành một phép lạ - tôi gọi là phép lạ chứ không là một sự kỳ diệu - là chỉ trong một thế hệ là có vài chục năm đã khiến nhiều người đi bằng hai chân biến thành loài thú bốn cẳng. Ðấy là hiện tượng đổi gien. Ðám hậu sinh của Pavlov với thử nghiệm rất khoa học về phản xạ của con chó để điều kiện hóa con người lại tự biến thành con vật bốn chân có khả năng đánh hơi rất cao.

Những kẻ bò bốn chân là bọn khuyển ưng khuyển phệ sục sạo vào thế giới của con người bình thường để bảo vệ một chế độ bất thường. Họ là những kẻ suy nghĩ bằng bụng dạ hẹp hòi và được huấn luyện để áp bức người khác qua đủ loại bạo lực. Và họ làm rất chậm rãi vì nắm cuốn lịch trong tay.

Trong cuốn sách, Bùi Ngọc Tấn còn cho biết thêm rằng cái loài bốn chân ấy vẫn có kẻ... nối dõi tông đường. Ông đã bị hai thế hệ theo nhau bách hại. Rồi tủm tỉm cười với vẻ hiền hòa cố hữu. Rằng ông có sống đến 120 tuổi đâu để trở thành đối tượng của thế hệ công an đời thứ ba!

Tôi trộm nghĩ rằng thế hệ thứ ba của loài thú bốn chân ấy sẽ sớm thất nghiệp chính là nhờ nhiều tác phẩm có khả năng cảm hóa như của Bùi Ngọc Tấn. Ông không còn ở với chúng ta nữa, nhưng ta nên tự chuẩn bị cho tiến trình “cải tạo ngược.”

Là với lòng nhân sẽ giúp cho đám người độc ác kia trở lại trạng thái bình thường, để dân ta được sống bình thường trong tự do như các xã hội văn minh khác. Ðọc cuốn sách như một di cảo buồn, tôi vẫn thấy ra niềm hy vọng đó.

(Nam California, ngày 07.02.2015)

Nguồn: http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=202705&zoneid=1#.VNbznOaUcQw